Theo Lydia O’Kane của Vatican News, Dì Eugenia Bonetti, người viết các lời suy niệm năm nay cho Đàng Thánh Giá ở Colosseum, Rôma, cho biết các lời suy niệm này cho thấy “làm một người Samaritanô ngày nay có nghĩa gì”.
Như báo chí đã loan tin, Đức Thánh Cha Phanxicô, tối qua, Thứ Sáu Tuần Thánh, đã tới Colosseum, Rôma, chủ tọa nghi thức Đi Đàng Thánh Giá với các lời suy niệm của Dì Eugenia. Việc Đi Đàng Thánh Giá tại địa điểm lịch sử lừng danh này đã có từ thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ XIV và được Đức Giáo Hoàng PHaolô thứ VI phục hồi.

Dì Eugenia Bonetti vốn thuộc Dòng Truyền Giáo Consolata (yên ủi) và là Chủ Tịch Hội “Không Còn Nô Lệ Nữa” hết sức ngạc nhiên khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu viết các lời suy niệm cho nghi thức cảm động trên.
Dì nói với VaticanNews: “Tôi không bao giờ, không bao giờ, không hề bao giờ tưởng tượng, suốt cả đời mình, rằng việc này lại có thể xẩy ra cho một người truyền giáo; một người truyền giáo ở đường phố và Đức Giáo Hoàng còn quyết định yêu cầu viết về Đàng Thánh Giá, tập chú vào việc buôn người”.

Dì nhận định rằng các lời suy niệm Dì viết nhằm mục đích bầy tỏ một cách rất đơn sơ “làm một người Samaritanô ngày nay có nghĩa gì?”. Dì nói thêm: “Chúa Kitô ngày nay vẫn còn đang hấp hối, và ngày nay, các người đàn bà vẫn đang cố gắng lau (khuôn mặt Chúa Kitô)”

Lòng can đảm của Veronica

Vị nữ tu người Ý nói rằng chặng Dì thích nhất là chặng Bà Veronica lau mặt Chúa Kitô.

“Người đàn bà này đã có can đảm dám gặp Người và lau mồ hôi cùng nước mắt (?) trên khuôn mặt Người. Đó là điều (Chúa Giêsu) đang yêu cầu nơi mỗi người chúng ta”



Giúp người ta mơ mộng trở lại

Vị nữ tu truyền giáo nói rằng khi Dì thấy các phụ nữ trẻ gặp nguy hiểm, Dì thấy Dì phải giúp đỡ họ “lấy lại tuổi trẻ của họ, lấy lại cuộc đời của họ, lấy lại tương lai của họ”, giúp họ mơ mộng trở lại về một cuộc đời tươi đẹp hơn.

Dì Bonetti nhấn mạnh rằng các Kitô hữu có trách nhiệm lớn hơn vì Chúa Kitô vốn dạy rằng “không ai được tạo dựng để trở thành một nô lệ, nhưng chúng ta đã sinh ra để làm các hữu thể nhân bản được dựng lên giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa”.

Nền văn hóa vứt bỏ

Dì nhấn mạnh rằng chúng ta cần thay đổi não trạng trên của một xã hội chuyên vứt bỏ.

Điều đáng ngạc nhiên, theo Dì, là “chúng ta đang phá hoại xiết bao, không chỉ những gì chúng ta đang sử dụng trong đời thường, nhưng nay, chúng ta đang làm cùng việc ấy với những con người”.

Tội ác chống nhân loại

Dì Dòng Truyền Giáo Consolata nhận định rằng phẩm giá con người nhân bản và “vẻ đẹp của sáng thế” đang không được tôn trọng.

Dì cũng cho rằng việc không bảo vệ con người nhân bản là một “tội ác chống nhân loại”.

Dì Bonetti nhấn mạnh rằng khi bạn thấy cảnh buôn người và nạn nô lệ “bạn muốn bẻ gẫy xiềng xích này”.

Mọi mắt xích của chiếc xiềng này đều có tên, có thể là lái buôn, có thể là sự nghèo khó, hay sự dốt nát. “Chúng ta nên có khả năng đập tan tất cả các mắt xích đó” để giải phóng con người.