Sáng Chúa Nhật IV Mùa Chay, ngày 31/3/2019, Nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đã có mặt tại giáo xứ Đưng K’nớ, giáo hạt Đà Lạt, giáo phận Đà Lạt, để cùng hiệp dâng thánh lễ và chia sẻ trong tâm tình Mùa Chay.
Từ thành phố Đà Lạt, phải đi 60 km mới đến được xã Đưng K’nớ. Ban đầu, chúng tôi định đến một nhà thờ chỉ cách TP Đà Lạt 20 km, nhưng rồi Chúa Thánh Thần dẫn chúng tôi đến đây với con đường rừng quanh co rất dễ sợ. Đến quá buổi trưa, hình ảnh ngôi nhà thờ gỗ bên trên những bậc thang đá hiện ra ấn tượng trong mắt chúng tôi. Cha chánh xứ Giêgôriô Nguyễn Quí Trung và cha phó Yon người dân tộc vui vẻ đón chúng tôi trong ngôi nhà gỗ, sau lưng nhà thờ.
Xem Hình
Qua câu chuyện, cha chánh xứ cho biết, giáo họ Đưng K’nớ trước kia là họ lẻ thuộc giáo xứ Lang Biang, được hình thành từ năm 1953, khi các cha Thừa Sai Paris và một số giáo lý viên người Lạch đến truyền giáo tại làng Đưng K’nớ cho những người dân tộc Cil ở nơi này. Ban đầu chỉ có một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ để giáo dân đọc kinh, học giáo lý và được hiệp dâng thánh lễ. Từ sau năm 1975, quí cha không được vào đây dâng thánh lễ nữa.
Đến năm 2008, chính quyền huyện Lạc Dương đồng ý để quí cha ở giáo xứ Lang Biang vào dâng lễ cho giáo dân các ngày Chúa Nhật, lễ trọng và lễ an táng. Nhà nguyện được nới rộng hơn vào năm 2013. Vì lợi ích của 1.500 giáo dân người dân tộc ở vùng sâu, cách xa giáo xứ đến hơn 50 km nên giáo họ được nâng lên hàng giáo xứ từ ngày 01/11/2017, chính cha Grêgôriô được bổ nhiệm là vị chánh xứ tiên khởi. Đến nay, giáo xứ đã có đến 2.250 giáo dân và nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng.
Thánh lễ tối thứ bảy do cha phó người dân tộc hiệp dâng. Vì tất cả giáo dân trong xã là người dân tộc nên không có thánh lễ tiếng Việt ở đây. Cha chánh xứ đã làm quen (đi ra đi vào vùng này dâng lễ) và sống với giáo dân ở đây tổng cộng là 45 năm nên ngôn ngữ không còn là rào cản công việc. Còn cha phó xứ Yon, sau bao năm khổ tu mới trở thành linh mục để được phục vụ chính dân tộc mình một cách gần gũi, thân thiện. Ở đây có thói quen đáng yêu là sau thánh lễ, cha chủ tế ôm và xoa đầu từng cháu thiếu nhi ngay tại gian cung thánh trước khi chúng ra về, làm chúng tôi tròn xoe con mắt.
Vui nhất là câu chuyện trong bữa cơm tối, cũng ở căn nhà gỗ sau lưng nhà thờ. Bữa cơm rất đạm bạc. Cha xứ là “cụ ông” trên 80 tuổi, ăn rau nhiều hơn ăn thịt, cha kể chuyện đến đâu, chúng tôi cười khanh khách đến đó. Cha bảo, mấy chục năm trước nơi đây nghèo nàn, dân chúng còn nặng tục lệ riêng, muốn ăn hai ổ bánh mì thì đổi hai ký cà phê... Cha đi bộ trường kỳ để phục vụ, còn đường đi trong làng thì lên dốc xuống đèo như “bay lên thiên đàng rồi nhào xuống hỏa ngục”, sau này mới đi xe máy. Cha gắn bó nơi này mấy chục năm và tay cha có chiếc vòng mà người dân tộc đeo vào cho cha, mang ý nghĩa “từ nay cha sống chết cùng chúng tôi”. Cha kể chuyện ở rừng, còn chúng tôi cứ lóng ngóng, nghe không hiểu, cha bực mình thốt lên: “Trông dễ thương mà sao chậm hiểu thế!” Rồi các cha và chúng tôi cùng cười xòa. Mọi người ăn cơm, riêng tôi xin ăn mì gói. Thế là một thầy giúp xứ, người dân tộc Lạch, lui cui bưng tô mì nóng hổi lên bàn. Chúng tôi cảm ơn rối rít.
Còn cha phó khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tốt tướng theo “phong cách núi rừng”, thế mà có học vị cao đến cử nhân; cha phải “tu trui” khốn khổ, vì yếu tố “bên ngoài” chứ không phải “bên trong”, rồi mãi mới được làm linh mục. Nhìn cha mà chúng tôi khâm phục trong lòng.
Tâm điểm của chúng tôi trong chuyến công tác là cùng hiệp dâng thánh lễ với cộng đoàn dân Chúa ở đây vào sáng Chúa Nhật, rồi sau đó là chia sẻ Mùa Chay cho 50 gia đình khó khăn với gạo cộng phong bì và 200 em thiếu nhi. Được cha chánh xứ cho phép, chúng tôi còn đứng ở hai con dốc là đường đến nhà thờ, để trao “phong bì quà sáng” một cách tế nhị cho các cụ ông, cụ bà đi lễ. Cái công việc này nó “vặt vãnh” thế đó nhưng sao chúng tôi rất thích. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi chứng kiến được hình ảnh người ta nườm nượp địu con đến nhà thờ từ con dốc quanh co đến bậc thang khá dốc bằng đá ấy.
Giáo dân ngồi kín trong lòng nhà thờ, cả hai bên hành lang và sân cuối khuôn viên. Thật trang trọng và sốt sắng, trước thánh lễ, đoàn rước nhỏ gồm thánh giá nến cao, giúp lễ, những người phục vụ được chọn và cha chủ tế đã đi từ phòng áo, vòng ra cuối nhà thờ, từ từ lên cung thánh trong tiếng cồng chiêng rất sốt sắng làm lòng chúng tôi lâng lâng. Vì là Chúa Nhật IV Mùa Chay nên cha mặc áo hồng, khiến chúng tôi nhớ đến một “câu đối Mùa Chay” trên cung thánh của một nhà thờ ở Sài Gòn:
“Tím cõi lòng sám hối vì tội lỗi Xanh hy vọng vui mừng bởi hồng ân”
Giữa rừng núi bạt ngàn, nơi ngôi nhà thờ gỗ này, của lễ được dâng lên cách đơn sơ chân thành hẳn là ấm lòng Thiên Chúa, là người cha nhân từ.
Xin mọi người thứ lỗi khi chúng tôi kể ra việc này: lúc cha giảng lễ, nhiều em nhỏ cọ quạy, có lẽ vì lạnh, miệng mồm lại nhạt nhẽo nên sụt sịt khóc...chúng tôi bèn vào phòng lấy hai bịch kẹo mút ra âm thầm dúi vào tay chúng, 80 cây kẹo mà chia hết, thế là vị ngọt làm bầu khí “im bặt” vui vẻ, không còn loi nhoi. Ông trùm nói nhỏ với chúng tôi: “Ở đây, nhiều cha mẹ mang kẹo bánh đi để dụ cho chúng nó không khóc”. Chúng tôi gật đầu cười.
Sau thánh lễ là phần phát quà. Vì sân nhà thờ nhỏ nên chúng tôi chỉ ghi nhận sự việc bằng một số hình ảnh. Các cháu được áo thun, Vitamin C, kẹo dẻo và hộp sữa. Hình như các cháu chẳng hiểu gì khi tôi cầm micro nói vài lời. Còn người lớn thì nhận quà thong thả hơn. Ở đây, cha xứ và cha phó mong muốn giáo dân đi đến nhà thờ phải ăn mặc tươm tất gọn gàng, sạch đẹp càng tốt. Thế nên quang cảnh sáng Chúa Nhật ở đây sáng sủa, vui tươi....nhưng khi đến thăm bệnh nhân tại nhà chúng tôi mới thấy dù mặc đẹp, nhà ở của nhiều người giáo dân rất tuềnh toàng.
Sau khi ăn sáng, chúng tôi đi sâu vào làng để thăm những bệnh nhân được quí ông trùm giới thiệu. Này là chị suy thận, kia là ông đau tim, một số người bị tai biến. Phải sẻ chia như thế nào đây đối với các bệnh nhân có những căn bệnh “dành cho nhà giàu” như thế? Thôi thì đến thăm là quí và họ cũng rất vui khi được an ủi phần nào.
Nhà cửa bằng gỗ, chẳng theo một khuôn mẫu nào hết. Có đi vào con đường làng dốc lên dốc xuống mới thấy thót cả tim; dẫu vậy cứ cố gắng đi. Bất ngờ, chúng tôi còn gặp hai cháu bé, đi lễ về đã phải ngồi phụ mẹ, cho đất vào bao nilon để ươm cây cà phê. Dân làng sống bằng việc trồng cà phê. Nải chuối ở đây thì to gấp đôi những nơi khác. Còn rau quả thì rất “sạch” không bị phun thuốc gì hết. Nơi này, cả một xã dân cư mà không có chợ búa gì cả, chỉ có hai tiệm tạp hóa ở đầu làng, bán đủ thứ “trên đời”, từ bánh kẹo đến cá rau... Đặc biệt, nhà dân nơi này có nuôi chó nhưng không phải để bán, để ăn mà xem chúng như là “người bạn sống cùng”, thậm chí đi rừng làm cà phê chó cũng đi theo. Mời các bạn trẻ hay các đoàn từ thiện, thích cảnh núi rừng và thương người dân tộc thật thà thì đến đây thăm cảnh và sẻ chia.
Chúng tôi chào quí cha khi cha xứ đang đi ủng, có người đến chở bằng xe gắn máy, chuẩn bị vào một giáo điểm sâu hơn nữa trong rừng, cách đó 15 km, có mấy chục gia đình giáo dân với ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ mới cất. Cha vào đó khoảng hai hay ba ngày thì về. Cha nói: “Thôi về bình an nhé! Có dịp cứ lên đây, xin mời!”. Thế mới biết “cụ già 80” cứ kiên trì truyền giáo nơi rừng sâu heo hút thì quí biết bao!
Chúng tôi lại chào cha phó, tạm biệt làng dân tộc để đi trên con đường quanh co trở ra TP Đà Lạt. Buổi chiều, dạo quanh phố chợ, thấy lòng xốn xang khó chịu: chẳng hiểu đất trời trao quyền hành cho ai mà mấy chục năm qua (từ khi tôi bắt đầu đi dạy học cho đến nay nghỉ hưu đã chín năm) mà phố chợ ở đây ngày càng nhếch nhác, di dân ngày càng đông trong trạng thái vật vã kiếm sống, rác và mùi hôi của nước ứ đọng...chỉ có một số con đường rộng đẹp, sạch sẽ quanh khu nhà thờ Con Gà, bên mấy khách sạn năm sao.
Về đến Sài Gòn, chúng tôi mang theo ít quà đặc sản và một chút tâm tư. Cố mở máy điều hòa ở nhiệt độ thấp cho...giống Đà Lạt, nhưng sao thấy cái lạnh giả tạo quá. Người dân tộc nghèo ở vùng rừng sâu cao nguyên được thiên nhiên ưu đãi bầu khí trong trẻo mát lạnh, nhưng nếu thiếu dinh dưỡng và lao động quá sức thì cái lạnh có khi trở thành nguyên nhân gây bệnh, mà “xén đi” phần tuổi thọ cao thường có ở những người sống nơi vùng cao. Và có lẽ, chỉ có yêu thương chan hòa mới làm cho người ta ấm lại và “bầu khí trong lành” của tình người sẽ xua đi cái ác vốn tiềm ẩn và đang trỗi dậy trong đời sống xã hội phức tạp.
Từ thành phố Đà Lạt, phải đi 60 km mới đến được xã Đưng K’nớ. Ban đầu, chúng tôi định đến một nhà thờ chỉ cách TP Đà Lạt 20 km, nhưng rồi Chúa Thánh Thần dẫn chúng tôi đến đây với con đường rừng quanh co rất dễ sợ. Đến quá buổi trưa, hình ảnh ngôi nhà thờ gỗ bên trên những bậc thang đá hiện ra ấn tượng trong mắt chúng tôi. Cha chánh xứ Giêgôriô Nguyễn Quí Trung và cha phó Yon người dân tộc vui vẻ đón chúng tôi trong ngôi nhà gỗ, sau lưng nhà thờ.
Xem Hình
Qua câu chuyện, cha chánh xứ cho biết, giáo họ Đưng K’nớ trước kia là họ lẻ thuộc giáo xứ Lang Biang, được hình thành từ năm 1953, khi các cha Thừa Sai Paris và một số giáo lý viên người Lạch đến truyền giáo tại làng Đưng K’nớ cho những người dân tộc Cil ở nơi này. Ban đầu chỉ có một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ để giáo dân đọc kinh, học giáo lý và được hiệp dâng thánh lễ. Từ sau năm 1975, quí cha không được vào đây dâng thánh lễ nữa.
Đến năm 2008, chính quyền huyện Lạc Dương đồng ý để quí cha ở giáo xứ Lang Biang vào dâng lễ cho giáo dân các ngày Chúa Nhật, lễ trọng và lễ an táng. Nhà nguyện được nới rộng hơn vào năm 2013. Vì lợi ích của 1.500 giáo dân người dân tộc ở vùng sâu, cách xa giáo xứ đến hơn 50 km nên giáo họ được nâng lên hàng giáo xứ từ ngày 01/11/2017, chính cha Grêgôriô được bổ nhiệm là vị chánh xứ tiên khởi. Đến nay, giáo xứ đã có đến 2.250 giáo dân và nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng.
Thánh lễ tối thứ bảy do cha phó người dân tộc hiệp dâng. Vì tất cả giáo dân trong xã là người dân tộc nên không có thánh lễ tiếng Việt ở đây. Cha chánh xứ đã làm quen (đi ra đi vào vùng này dâng lễ) và sống với giáo dân ở đây tổng cộng là 45 năm nên ngôn ngữ không còn là rào cản công việc. Còn cha phó xứ Yon, sau bao năm khổ tu mới trở thành linh mục để được phục vụ chính dân tộc mình một cách gần gũi, thân thiện. Ở đây có thói quen đáng yêu là sau thánh lễ, cha chủ tế ôm và xoa đầu từng cháu thiếu nhi ngay tại gian cung thánh trước khi chúng ra về, làm chúng tôi tròn xoe con mắt.
Vui nhất là câu chuyện trong bữa cơm tối, cũng ở căn nhà gỗ sau lưng nhà thờ. Bữa cơm rất đạm bạc. Cha xứ là “cụ ông” trên 80 tuổi, ăn rau nhiều hơn ăn thịt, cha kể chuyện đến đâu, chúng tôi cười khanh khách đến đó. Cha bảo, mấy chục năm trước nơi đây nghèo nàn, dân chúng còn nặng tục lệ riêng, muốn ăn hai ổ bánh mì thì đổi hai ký cà phê... Cha đi bộ trường kỳ để phục vụ, còn đường đi trong làng thì lên dốc xuống đèo như “bay lên thiên đàng rồi nhào xuống hỏa ngục”, sau này mới đi xe máy. Cha gắn bó nơi này mấy chục năm và tay cha có chiếc vòng mà người dân tộc đeo vào cho cha, mang ý nghĩa “từ nay cha sống chết cùng chúng tôi”. Cha kể chuyện ở rừng, còn chúng tôi cứ lóng ngóng, nghe không hiểu, cha bực mình thốt lên: “Trông dễ thương mà sao chậm hiểu thế!” Rồi các cha và chúng tôi cùng cười xòa. Mọi người ăn cơm, riêng tôi xin ăn mì gói. Thế là một thầy giúp xứ, người dân tộc Lạch, lui cui bưng tô mì nóng hổi lên bàn. Chúng tôi cảm ơn rối rít.
Còn cha phó khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tốt tướng theo “phong cách núi rừng”, thế mà có học vị cao đến cử nhân; cha phải “tu trui” khốn khổ, vì yếu tố “bên ngoài” chứ không phải “bên trong”, rồi mãi mới được làm linh mục. Nhìn cha mà chúng tôi khâm phục trong lòng.
Tâm điểm của chúng tôi trong chuyến công tác là cùng hiệp dâng thánh lễ với cộng đoàn dân Chúa ở đây vào sáng Chúa Nhật, rồi sau đó là chia sẻ Mùa Chay cho 50 gia đình khó khăn với gạo cộng phong bì và 200 em thiếu nhi. Được cha chánh xứ cho phép, chúng tôi còn đứng ở hai con dốc là đường đến nhà thờ, để trao “phong bì quà sáng” một cách tế nhị cho các cụ ông, cụ bà đi lễ. Cái công việc này nó “vặt vãnh” thế đó nhưng sao chúng tôi rất thích. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi chứng kiến được hình ảnh người ta nườm nượp địu con đến nhà thờ từ con dốc quanh co đến bậc thang khá dốc bằng đá ấy.
Giáo dân ngồi kín trong lòng nhà thờ, cả hai bên hành lang và sân cuối khuôn viên. Thật trang trọng và sốt sắng, trước thánh lễ, đoàn rước nhỏ gồm thánh giá nến cao, giúp lễ, những người phục vụ được chọn và cha chủ tế đã đi từ phòng áo, vòng ra cuối nhà thờ, từ từ lên cung thánh trong tiếng cồng chiêng rất sốt sắng làm lòng chúng tôi lâng lâng. Vì là Chúa Nhật IV Mùa Chay nên cha mặc áo hồng, khiến chúng tôi nhớ đến một “câu đối Mùa Chay” trên cung thánh của một nhà thờ ở Sài Gòn:
“Tím cõi lòng sám hối vì tội lỗi Xanh hy vọng vui mừng bởi hồng ân”
Giữa rừng núi bạt ngàn, nơi ngôi nhà thờ gỗ này, của lễ được dâng lên cách đơn sơ chân thành hẳn là ấm lòng Thiên Chúa, là người cha nhân từ.
Xin mọi người thứ lỗi khi chúng tôi kể ra việc này: lúc cha giảng lễ, nhiều em nhỏ cọ quạy, có lẽ vì lạnh, miệng mồm lại nhạt nhẽo nên sụt sịt khóc...chúng tôi bèn vào phòng lấy hai bịch kẹo mút ra âm thầm dúi vào tay chúng, 80 cây kẹo mà chia hết, thế là vị ngọt làm bầu khí “im bặt” vui vẻ, không còn loi nhoi. Ông trùm nói nhỏ với chúng tôi: “Ở đây, nhiều cha mẹ mang kẹo bánh đi để dụ cho chúng nó không khóc”. Chúng tôi gật đầu cười.
Sau thánh lễ là phần phát quà. Vì sân nhà thờ nhỏ nên chúng tôi chỉ ghi nhận sự việc bằng một số hình ảnh. Các cháu được áo thun, Vitamin C, kẹo dẻo và hộp sữa. Hình như các cháu chẳng hiểu gì khi tôi cầm micro nói vài lời. Còn người lớn thì nhận quà thong thả hơn. Ở đây, cha xứ và cha phó mong muốn giáo dân đi đến nhà thờ phải ăn mặc tươm tất gọn gàng, sạch đẹp càng tốt. Thế nên quang cảnh sáng Chúa Nhật ở đây sáng sủa, vui tươi....nhưng khi đến thăm bệnh nhân tại nhà chúng tôi mới thấy dù mặc đẹp, nhà ở của nhiều người giáo dân rất tuềnh toàng.
Sau khi ăn sáng, chúng tôi đi sâu vào làng để thăm những bệnh nhân được quí ông trùm giới thiệu. Này là chị suy thận, kia là ông đau tim, một số người bị tai biến. Phải sẻ chia như thế nào đây đối với các bệnh nhân có những căn bệnh “dành cho nhà giàu” như thế? Thôi thì đến thăm là quí và họ cũng rất vui khi được an ủi phần nào.
Nhà cửa bằng gỗ, chẳng theo một khuôn mẫu nào hết. Có đi vào con đường làng dốc lên dốc xuống mới thấy thót cả tim; dẫu vậy cứ cố gắng đi. Bất ngờ, chúng tôi còn gặp hai cháu bé, đi lễ về đã phải ngồi phụ mẹ, cho đất vào bao nilon để ươm cây cà phê. Dân làng sống bằng việc trồng cà phê. Nải chuối ở đây thì to gấp đôi những nơi khác. Còn rau quả thì rất “sạch” không bị phun thuốc gì hết. Nơi này, cả một xã dân cư mà không có chợ búa gì cả, chỉ có hai tiệm tạp hóa ở đầu làng, bán đủ thứ “trên đời”, từ bánh kẹo đến cá rau... Đặc biệt, nhà dân nơi này có nuôi chó nhưng không phải để bán, để ăn mà xem chúng như là “người bạn sống cùng”, thậm chí đi rừng làm cà phê chó cũng đi theo. Mời các bạn trẻ hay các đoàn từ thiện, thích cảnh núi rừng và thương người dân tộc thật thà thì đến đây thăm cảnh và sẻ chia.
Chúng tôi chào quí cha khi cha xứ đang đi ủng, có người đến chở bằng xe gắn máy, chuẩn bị vào một giáo điểm sâu hơn nữa trong rừng, cách đó 15 km, có mấy chục gia đình giáo dân với ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ mới cất. Cha vào đó khoảng hai hay ba ngày thì về. Cha nói: “Thôi về bình an nhé! Có dịp cứ lên đây, xin mời!”. Thế mới biết “cụ già 80” cứ kiên trì truyền giáo nơi rừng sâu heo hút thì quí biết bao!
Chúng tôi lại chào cha phó, tạm biệt làng dân tộc để đi trên con đường quanh co trở ra TP Đà Lạt. Buổi chiều, dạo quanh phố chợ, thấy lòng xốn xang khó chịu: chẳng hiểu đất trời trao quyền hành cho ai mà mấy chục năm qua (từ khi tôi bắt đầu đi dạy học cho đến nay nghỉ hưu đã chín năm) mà phố chợ ở đây ngày càng nhếch nhác, di dân ngày càng đông trong trạng thái vật vã kiếm sống, rác và mùi hôi của nước ứ đọng...chỉ có một số con đường rộng đẹp, sạch sẽ quanh khu nhà thờ Con Gà, bên mấy khách sạn năm sao.
Về đến Sài Gòn, chúng tôi mang theo ít quà đặc sản và một chút tâm tư. Cố mở máy điều hòa ở nhiệt độ thấp cho...giống Đà Lạt, nhưng sao thấy cái lạnh giả tạo quá. Người dân tộc nghèo ở vùng rừng sâu cao nguyên được thiên nhiên ưu đãi bầu khí trong trẻo mát lạnh, nhưng nếu thiếu dinh dưỡng và lao động quá sức thì cái lạnh có khi trở thành nguyên nhân gây bệnh, mà “xén đi” phần tuổi thọ cao thường có ở những người sống nơi vùng cao. Và có lẽ, chỉ có yêu thương chan hòa mới làm cho người ta ấm lại và “bầu khí trong lành” của tình người sẽ xua đi cái ác vốn tiềm ẩn và đang trỗi dậy trong đời sống xã hội phức tạp.