1. Nhận định của Đức Cha Giuseppe Pasotto về tình hình nguy hiểm tại Georgia
Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Pasotto, Giám Quản Tông Tòa giáo phận Kavkaz, bao gồm cả thủ đô Tbilisi, đã lập tức từ Ý trở về Georgia sau các cuộc biểu tình lớn chưa từng có.
Ngài đưa ra lời kêu gọi đừng “đi theo con đường bạo lực để giải quyết các vấn đề” mà hãy “lắng nghe với sự tôn trọng của những người có suy nghĩ khác để hiểu nơi nào có khả năng đối thoại”.
Trở về từ Ý vào tối thứ Tư 8 tháng Ba, vị giám mục thấy thành phố đang hỗn loạn. Người biểu tình xuống đường để phản đối dự luật mới được đề xuất được gọi là luật “đặc vụ nước ngoài”. Theo luật này, cá nhân và các tổ chức nhận được từ 20% thu nhập từ nước ngoài phải ghi danh với chính quyền là “đặc vụ nước ngoài”. Với luật mới này, Giáo Hội Công Giáo, Caritas và tất cả các tổ chức bác ái lập tức trở thành “đặc vụ nước ngoài” và có nguy cơ bị bắt giam hay trục xuất bất cứ lúc nào.
Luật này do Putin áp đặt lên các nước thuộc khối Liên Xô cũ và y chang như luật đang được áp dụng tại Nga.
Trong thời kỳ Liên Xô, Nga đã đưa người di dân sang các nước khác để duy trì sự thống trị đế quốc của mình. Đám con cháu người Nga thường nắm giữ các vị trí cao trong xã hội, chẳng hạn như Bidzina Ivanishvili, tài phiệt Georgia, nguyên thủ tướng, và là người sáng lập ra đảng Giấc mơ Georgia, là đảng cầm quyền hiện nay.
Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili, đang ở thăm Hoa Kỳ, đã chỉ ra rõ ràng vai trò của Putin trong vụ này. Cô thề sẽ phủ quyết luật này. Tuy nhiên, trong toàn bộ Quốc Hội do Giấc mơ Georgia chiếm ưu thế, chỉ có 13 nghị sĩ bỏ phiếu chống trên tổng số 150 nghị sĩ; nghĩa là một khi tổng thống Zourabichvili phủ quyết, 137 nghị sĩ kia sẽ bỏ phiếu phủ quyết quyết định phủ quyết của tổng thống. Tổng thống có thể giải tán Quốc Hội, và đó là lúc Putin đưa quân vào xâm lược.
Các cuộc biểu tình ở Tbilisi có nét tương đồng đáng kinh ngạc với các cuộc biểu tình năm 2013 ở Ukraine mà cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc Cách mạng Maidan 2014, trong đó các nhà hoạt động thân phương Tây đã buộc Tổng thống Viktor Yanukovych thân với Điện Cẩm Linh từ chức sau khi ông tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.
Georgia, giống như Ukraine và Moldova, có tranh chấp lãnh thổ công khai với Mạc Tư Khoa. Y hệt như vùng Donbas của Ukraine, Nga đã dựng nên các nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia và Abkhazia—chiếm khoảng 20% lãnh thổ Georgia—kể từ chiến thắng của Mạc Tư Khoa trong Chiến tranh Nga-Georgia năm 2008.
Có một nguy cơ rất cao là giờ đây khi đã thất bại ở Ukraine, Nga có thể chiếm Georgia như một giải an ủi.
Những người biểu tình đã vượt qua các rào cản do cảnh sát dựng lên và cố gắng đột nhập vào tòa nhà Quốc hội nơi văn bản được thông qua trong lần đọc đầu tiên. Đức Tổng Giám Mục Pasotto cho biết: “Cuộc biểu tình rất lớn và kéo dài đến khuya. Cảnh sát đã cố gắng giải tán người biểu tình bằng hơi cay và vòi rồng. Hôm nay lúc ba giờ sáng đã có một cuộc biểu tình mới và những người biểu tình đã nói rằng họ sẽ tiếp tục hàng ngày cho đến khi họ loại bỏ luật này. Do đó, chúng ta cần xem ngay tình hình diễn biến như thế nào”.
Một vấn đề khiến Đức Cha lo lắng là sự hiện diện “trong số những người biểu tình có những người đã trà trộn vào để tạo ra vấn đề và kích động”.
Cũng đáng lo ngại là tín hiệu mà Quốc Hội gửi đi. “Với sự chấp thuận này các nhà lập pháp chỉ ra một quan điểm rõ ràng: chúng tôi không muốn Âu Châu. Một dấu hiệu rất mạnh mẽ bởi vì phê duyệt nó có nghĩa là nói không với việc Georgia gia nhập Âu Châu”. Đức Tổng Giám Mục Pasotto nhắc lại rằng Georgia đã nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu nhưng năm ngoái đã bị bỏ lại, có thể nói như vậy, trong “danh sách chờ đợi” trong khi vẫn trong khuôn khổ của cùng một hội nghị thượng đỉnh, 27 nhà lãnh đạo của Liên minh Âu Châu đã quyết định trao cho Ukraine và Moldova tình trạng của các quốc gia ứng cử viên cho tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Kể từ đó, chính phủ Georgia đã đưa ra các quyết định “đưa đất nước đến gần Nga hơn là Liên minh Âu Châu” trong khi Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng “80% dân số đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý cho NATO và Âu Châu”.
Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng luật mới quy định rằng các công ty phi thương mại nhận được hơn 20% vốn tài trợ từ các nguồn nước ngoài được ghi danh là “đặc vụ nước ngoài”, với những hạn chế có thể có đối với hoạt động của họ. Đức Cha cảnh báo rằng ngay cả “các nhà thờ cũng có nguy cơ”. “Tất cả các tổ chức hợp pháp khi họ vượt quá 20% vốn tài trợ từ các nguồn nước ngoài sẽ được ghi danh là đặc vụ nước ngoài, với những hạn chế có thể có đối với hoạt động của họ. Ngay cả Caritas của chúng ta cũng sẽ là một trong những tổ chức đầu tiên bị ảnh hưởng vì hầu hết thu nhập của tổ chức này đều đến từ nước ngoài”. Vài ngày trước, Hội đồng Tôn giáo đã họp và biểu quyết về một tuyên bố chung, trong đó bày tỏ sự bất đồng với văn bản của luật. Đức Tổng Giám Mục cho biết “Vấn đề đối với chúng ta không phải là luật đưa ra hoặc cung cấp các trường hợp ngoại lệ bao gồm các nhà thờ và tổ chức có liên quan đến niềm tin tôn giáo. Vấn đề đối với chúng ta là chính việc xây dựng luật, bởi vì ngay cả khi các nhà thờ được miễn trừ, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ khi quyền tự do của những người khác, của các tổ chức phi chính phủ, bị tước đoạt và bị chụp mũ là các lực lượng chống chính phủ”. Do đó, câu hỏi cơ bản là phải bảo đảm thái độ “tôn trọng” đối với những gì các tổ chức phi chính phủ, Giáo hội và các tổ chức tôn giáo làm cho đất nước. “Việc kiểm tra tính minh bạch của nguồn tài trợ là đúng. Nhưng đã có luật và các công cụ bảo đảm sự minh bạch này. Ví dụ, Caritas của chúng ta khai báo rõ ràng mọi khoản thu nhập, bao nhiêu, từ đâu và được sử dụng như thế nào. Nhà nước đã có đầy đủ các phương tiện và công cụ để kiểm soát tính minh bạch của các quỹ. Hoàn toàn không cần một luật mới để bảo đảm điều đó”.
Source:SIR