1. Tân Tổng thư ký Caritas Quốc tế
Chiều ngày 15 tháng Năm vừa qua, Đại hội lần thứ 22 của Caritas Quốc tế đã bầu vị Tổng thư ký mới, với nhiệm kỳ 5 năm. Đó là ông Alistair Dutton, người Ecosse, cho đến nay là Giám đốc Caritas Ecosse và trong ba thập niên, ông phục vụ trong tổ chức Caritas.
Trước đó, ông Alistair cũng là Giám đốc dịch vụ nhân đạo thuộc Caritas Quốc tế, từ năm 2009 đến 2014. Trong trách nhiệm này, ông đã đi tới hơn 70 nước trên thế giới, những vùng chiến tranh, thiên tai và các vấn đề nhân đạo khác để phối hợp các công tác cứu trợ.
Cùng ngày 15 tháng Năm vừa qua, đại hội với 400 đại biểu đến từ 162 Caritas quốc gia, đã bầu vị Phó Tổng thư ký, là bà Kirsty Robertson, Giám đốc Caritas Australia từ 4 năm nay.
Ông Alistair kế nhiệm ông Aloysius John, người Pháp gốc Ấn Độ. Tuyên bố sau khi đắc cử, tân Tổng thư ký Caritas quốc tế nói rằng: “Caritas là nhà, là gia đình và là ơn gọi của tôi. Tôi hứa khiêm tốn lắng nghe, suy nghĩ kỹ lưỡng và kiến tạo những nhịp cầu. Tôi hứa dùng quyền của Tổng thư ký để hướng dẫn Liên đoàn Caritas cùng nhau tiến bước”.
2. Tân Chủ tịch Caritas Quốc tế: Đức Tổng Giám Mục Kikuchi
Đức Cha Tarcisius Isao Kikuchi, Tổng giám mục Giáo phận Tokyo, Nhật Bản, đã được bầu làm tân Chủ tịch Caritas Quốc tế, kế nhiệm Đức Hồng Y Antonio Tagle, người Philippines, hiện là Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng.
Đức Cha Kikuchi năm nay 65 tuổi (1958), thuộc dòng Ngôi Lời, đã hoạt động truyền giáo tại Ghana bên Phi châu, làm cha sở một giáo xứ miền quê trong tám năm. Năm 2004, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Niigata Nhật Bản, và 13 năm sau thăng Tổng giám mục Giáo phận thủ đô Tokyo. Ngài từng làm Giám đốc Caritas Nhật Bản trong 15 năm, từ năm 2007 đến 2022, và làm Chủ tịch Caritas Á châu từ năm 2011 đến 2019, kiêm thành viên Ban chấp hành Caritas quốc tế từ năm 1999 đến 2004, thành viên Hội đồng đại diện của Tổ chức này từ năm 2011 đến 2019.
Hôm 13 tháng Năm vừa qua, tại Đại hội thứ 22 của Caritas Quốc tế, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi đã đắc cử Chủ tịch của cơ quan này. Tuyên bố tại Đại hội sau khi được bầu chọn, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi nói với 400 đại biểu đến từ hơn 160 nước trên thế giới, rằng: “Caritas phải đi hàng đầu trong việc đón tiếp, đồng hành, phục vụ và bảo vệ những người nghèo và người dễ bị tổn thương. Sứ mạng này phải được hỗ trợ và ở tâm điểm những quan tâm của các Caritas thành viên Caritas Quốc tế, và tôi, cùng với vị Tổng thư ký, muốn hướng dẫn toàn thể Liên đoàn Caritas chu toàn sứ mạng quan trọng này. Tất cả chúng ta được mời gọi đồng hành với nhau”.
Đức Tổng Giám Mục Nhật Bản Tarcisio Isao Kikuchi của Tokyo cũng là tổng thư ký của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, gọi tắt là FABC.
FABC là một hiệp hội của các hội đồng giám mục Công Giáo ở Nam, Đông Nam, Đông và Trung Á, nhằm thúc đẩy tình đoàn kết và trách nhiệm chung vì phúc lợi của Giáo hội và của xã hội trong khu vực.
Đức Cha Tarcisio sinh ngày 1 tháng 11 năm 1958, và là thành viên của Dòng Ngôi Lời Truyền Giáo. Ngài được truyền chức linh mục vào ngày 15 tháng 3 năm 1986.
3. Đức Thánh Cha có thể trở lại Fatima hành hương
Giám đốc Trung tâm Thánh Mẫu Fatima, cha Carlos Cabecinhas, nói rằng rất có thể Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại kính viếng Đức Mẹ tại Trung tâm Thánh Mẫu Fatima, trong dịp đến Bồ Đào Nha, nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ vào đầu tháng Tám năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Ecclesia của Công Giáo Bồ, hôm 14 tháng Năm vừa qua, cha Cabecinhas nói: “Có thể Đức Thánh Cha sẽ gặp đông đảo các tín hữu tại Đền thánh này”.
Cha mới được tái bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Thánh Mẫu Fatima với nhiệm kỳ 5 năm.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Fatima hành hương hồi năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây và ngài chủ sự lễ tôn phong hai chân phước mục đồng Phanxicô Marto (1908-1919) và em ruột Giacinta Marto (1910-1919), trước sự tham dự của khoảng một triệu tín hữu.
Cha Cabecinhas nói: “Vì chiến tranh tại Ukraine, Fatima lại trở nên thời sự đối với Đức Thánh Cha. Qua sự thánh hiến nước Ukraine và Nga cho Khiết Tâm Đức Mẹ, ngài đề cao Fatima như một sứ điệp hòa bình và là nơi cầu nguyện liên lỷ cho hòa bình. Chiều kích này luôn luôn là một yếu tố trường kỳ trong sứ điệp Fatima”.
Linh mục Giám đốc Đền thánh Fatima cũng cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế tại Bồ Đào Nha trở nên trầm trọng hơn vì chiến tranh tại Ukraine, và người ta cũng cảm thấy điều đó tại Fatima. Có nhiều người xin trợ giúp hơn tại nơi hành hương này so với trước kia. “Có nhiều gia đình không thể trả tiền thuê nhà và nhiều người khác không thể trả tiền mua thuốc. Nhiều người già với tiền hưu ít ỏi cũng lâm vào tình trạng thiếu thốn”.
Một điều khác cũng được cha Cabecinhas nói tới trong cuộc phỏng vấn là có nhiều tín hữu hành hương từ hải ngoại đến Trung tâm Thánh Mẫu Fatima. Trong những năm bị đại dịch, các buổi lễ kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ngày 13 tháng Năm được cử hành mà không có tín hữu hành hương. Điều này làm cho dân chúng cảm thấy phải sống thảm kịch đại dịch trong tâm trạng bất an. Nay, số tín hữu hành hương đã trở lại mức độ trước đại dịch và lại có những nhóm đến từ các nước xa xăm như Hàn Quốc.