Linda Ghisoni, Phó Tổng Thư Ký Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã nói chuyện với Hội Nghị “Bảo Vệ Các Vị Thành Niên trong Giáo Hội” ngày 22 tháng 2, 2019 về “Hiệp thông: Làm Việc Với Nhau”. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của bà, một bài nói chuyện được Đức Phanxicô tán thưởng và bình luận sau đó, dựa vào bản tiếng Pháp do Tòa Thánh cung cấp.



******
Dẫn nhập

“Đây là một sự phản bội mới xuất phát từ bên trong Giáo hội. Trong mắt tôi, những người này là những con sói hú gào xâm nhập vào chuồng chiên để sau đó, gây sợ hãi thêm và phân tán đoàn chiên, trong khi đúng hơn họ phải là các Mục tử của Giáo hội biết chăm sóc đoàn chiên bé nhỏ và bảo vệ chúng”.

Trong chứng tá này của một nạn nhân đàn bà bị lạm dụng lương tâm, lạm dụng quyền lực và lạm dụng tình dục bởi các linh mục, các Mục tử này là những con sói hú gào từng tiên thiên (à priori) bác bỏ và, ngay cả sau khi các sự kiện phạm tội đã được chứng minh, đã làm cho người đàn bà này trở thành đối tượng để hăm dọa và hủy hoại phẩm giá, bằng cách định nghĩa người này chỉ như “một con người, cùng lắm, chỉ có thể qua lại giữa một tấm bảng và bức tường” (vô dụng và bị bác bỏ mọi khả thể).

Lắng nghe các nhân chứng như thế này không phải là một thực tập lòng thương hại, mà là một cuộc gặp gỡ với xác thịt Chúa Kitô, trong đó các vết thương không được chữa lành, những vết thương mà như Đức Thánh Cha đã nói, thưa Đức Thánh Cha, không được kê đơn thuốc.

Quỳ gối: đây có lẽ là tư thế thích đáng để xử lý các chủ đề của những ngày này. Quỳ gối trước các nạn nhân và gia đình họ, trước những kẻ lạm dụng, các đồng lõa của họ, những người bác bỏ, những người bị buộc tội một cách bất công, trước những người sao lãng, trước những người che đậy, trước những người cố gắng lên tiếng và hành động nhưng bị bịt miệng, trước những người thờ ơ. Quỳ gối trước Vị Cha giàu lòng thương xót, Đấng nhìn thấy thân xác tan nát của Chúa Kitô, Giáo hội của Người. Người sai chúng ta, như Dân của Người, lãnh trách nhiệm đối với các vết thương và chữa lành chúng bằng dầu thơm tình yêu của Người.

Thưa Đức Thánh Cha, các vị Hồng Y, thưa các vị tổng giám mục, thưa các vị giám mục, thưa các Mẹ và các Cha Bề trên đáng kính đang tụ tập nơi đây, con không có gì để dạy qúy vị. Đúng hơn, con tin rằng cùng nhau bằng cách lắng nghe nhau, chúng ta cam kết làm việc sao cho trong tương lai chúng ta không cần một biến cố ồn ào ầm ĩ như hội nghị này nữa và Giáo hội, dân Chúa, biết chăm sóc, một cách có khả năng, có trách nhiệm và yêu thương, những người bị liên lụy, với những gì đã xảy ra, để việc phòng ngừa không kết thúc bằng một chương trình đẹp đẽ, mà trở thành một thái độ trong công việc mục vụ thông thường.

1. Làm cho việc giải trình trách nhiệm cần thiết và khả hữu

Trước sự dị thường cố hữu trong mọi loại lạm dụng chống lại trẻ vị thành niên, cần thiết, trước hết, ấn định nhiệm vụ phải biết những gì đã xảy ra, cùng với việc ý thức được ý nghĩa của nó, bổn phận cung cấp sự thật, công lý, bồi thường và ngăn ngừa để đạt được việc không tái diễn những điều ghê tởm này.

Việc biết các vụ lạm dụng và bản chất của chúng, hiển nhiên, là khởi điểm căn bản; ngoài ra, không thể dự kiến bất cứ kế hoạch ngăn ngừa nào nếu chúng ta không biết phải tránh những gì. Tuy nhiên, việc biết các sự kiện và xác định bản chất của hiện tượng, dù rất cần thiết và căn bản, nhưng tự nó không đủ” (Đức Phanxicô, Thư Gửi dân Chúa, 20 tháng 8 năm 2018, số 2). Để thoả mãn các đòi hỏi về sự thật, công lý, bồi thường và ngăn ngừa nói trên dây, phải có việc lãnh trách nhiệm cần thiết về phần những người được chỉ định đảm nhiệm nó và do đó, nghĩa vụ của họ là phải làm cho nó được tôn trọng, nghĩa là cần có việc giải trình trách nhiệm.

Giải trình trách nhiệm đòi một diễn trình đánh giá và báo cáo liên quan đến các lựa chọn đã làm và các mục tiêu đã được xác định và ít nhiều được thể hiện. Nó đáp ứng nhu cầu phải có đặc điểm xã hội, đặt người có trách nhiệm đương đầu với bổn phận giải trình không chỉ với chính mình mà còn trước xã hội nơi họ sống và vì lợi ích của xã hội này mà họ được kêu gọi thủ diễn một vai trò chuyên biệt.

Tuy nhiên, việc giải trình trách nhiệm trong Giáo hội, trái với vẻ bề ngoài, không chủ yếu đáp ứng các nhu cầu xã hội và tổ chức. Cũng không, luôn ở hàng đầu, đáp ứng nhu cầu minh bạch, nhu cầu mà tất cả chúng ta được kêu gọi phải chú ý đặc biệt vì các lý do sự thật.

Dù sao, các nhu cầu như vậy, những nhu cầu không được sao lãng hoặc giảm thiểu, rất chính đáng, Giáo hội không thể thờ ơ đối với những gì chiều kích định chế của nó đòi hỏi, nhưng không phải các nhu cầu xã hội này tạo nên nền tảng của giải trình trách nhiệm, một điều phải được tìm kiếm trong bản chất riêng của Giáo hội như là mầu nhiệm hiệp thông.

Chúng ta biết rằng bản chất hiệp thông của Giáo hội đã xuất hiện đặc biệt trong suốt Công đồng Vatican II, mặc dù, thực ra, cả Hiến chế tín lý Lumen Gentium lẫn các văn kiện giáo hội học khác dường như đều không nhấn mạnh một cách minh nhiên đến giáo hội học hiệp thông.

Cần phải chờ Thượng hội đồng giám mục ngoại thường năm 1985 - được triệu tập để “suy niệm, đào sâu và cổ vũ việc áp dụng các giáo huấn của Vatican II hai mươi năm sau khi kết thúc” (Gioan Phaolô II, Bài diễn văn dịp kết thúc Khóa họp ngoại thường thứ II Thượng Hội đồng giám mục, ngày 7 tháng 12 năm 1985) mới có việc khai triển phạm trù hiệp thông như một hình thái giải thích Giáo hội dưới ánh sáng mạc khải. Điều này phát xuất từ việc tham chiếu trước nhất, trực tiếp, căn bản tới chiều kích bí tích của Giáo hội, nghĩa là mầu nhiệm Ba Ngôi trong đó, Giáo hội nhận ra gương mặt thực sự của mình, dù dưới hình thức bí tích và, do đó, có tính loại suy (analogique): “veluti sacramentum” “nghĩa là vừa là dấu chỉ vừa là dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và về sự hiệp nhất của toàn thể loài người” (LG 1).

Chỉ dựa trên nền tảng như vậy, tất cả các hành động trong Giáo hội mới có được ý nghĩa hoàn chỉnh: ngay một hành động có vẻ có nhiều đặc điểm của nhu cầu xã hội hơn là việc giải trình trách nhiệm cũng phải được đặt trong tương quan với bản chất riêng của Giáo hội, hay chiều kích “hiệp thông” của nó.

Điều này có thể có nghĩa gì trong lãnh vực chuyên biệt của chúng ta?

Con thường cảm thấy lo lắng trong Giáo hội đối với sự chú ý dành cho vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em. Một linh mục, vài ngày trước, đã thốt lên, "Lại nữa? Người ta cứ tiếp tục nói đến lạm dụng! Đây là một chú ý quá đáng được Giáo hội dành cho chủ đề này”.

Nhưng ngay cả một nữ lưu ngoan đạo cũng ngây thơ nói với con: "Tốt hơn hết là đừng nói về những vấn đề này, vì nếu không, bạn sẽ làm gia tăng sự hoài nghi đối với Giáo hội. Nói về nó sẽ che khuất hết những gì tốt đẹp đang được thực hiện trong các giáo xứ. Xin Đức Giáo Hoàng, các giám mục và linh mục thấy điều này giữa các đấng".
Có phải nói về nó, hay đúng hơn về chính các lạm dụng - lạm dụng lương tâm, quyền lực, lạm dụng tình dục - che khuất những điều tốt đẹp người ta đang sống trong các giáo xứ không ?

Đối với những người này - và trước hết đối với bản thân con – con xin nói rằng ý thức được hiện tượng và giải trình trách nhiệm của mình không phải là một nỗi ám ảnh, không phải là một hành động truy lùng lạc giáo (inquisitoire) tùy ý để thoả mãn các nhu cầu xã hội đơn thuần, nhưng là một đòi hỏi xuất phát từ chính bản chất của Giáo hội là một mầu nhiệm hiệp thông đặt nền tảng trên Thiên Chúa Ba Ngôi, với tư cách là dân Chúa đang lữ hành, người không tránh né, nhưng đương đầu, với ý thức "hiệp thông" đổi mới, cả các thách đố liên quan đến các hành vi lạm dụng đã phát sinh giữa lòng mình gây hại cho những người nhỏ bé hơn, phá hoại và xé nát sự hiệp thông này.

2. Một số câu hỏi giáo hội học được nêu ra

Chỉ khởi từ viễn kiến Giáo hội như bí tích mà mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi được biểu thị và thể hiện, mà ta mới có thể hiểu chính xác sự đa dạng của các đặc sủng, ơn phúc và các thừa tác vụ trong Giáo hội, sự đa dạng trong các vai trò và chức năng trong dân Chúa.

2.1 Câu hỏi quan trọng đầu tiên xuất phát từ những gì đã nói đến, là như sau: các tín hữu của Giáo hội không tự gán cho mình các vai trò và trách nhiệm trên cơ sở phân phối xã hội vì các đòi hỏi của vận hành định chế: chúng ta biết rằng Chức linh mục chung của các tín hữu, được đặt nền tảng trên bí tích rửa tội, khiến các Kitô hữu tham dự, chính nhờ phép rửa, vào ba munus (chức vụ) của Chúa Kitô, Linh mục, Vua chuá và Nhà tiên tri (xem LG 10).

Do đó, việc trung thực nhắc đến Giáo hội như hiệp thông, như dân Chúa đang lữ hành, đòi hỏi và kích thích đạt tới điều mà mọi thành phần Dân này, mỗi người tùy theo cách riêng của họ, sống cách nhất quán các quyền lợi - nghĩa vụ mà Bí tích Rửa tội vốn làm họ trở thành các tham dự viên. Đó không phải là việc nắm chức vụ hoặc chức năng hoặc chia nhau quyền lực: lời kêu gọi trở thành dân Chúa đem lại cho chúng ta một sứ mệnh mà mọi người được sai đi để sống phù hợp với những ơn phúc đã nhận được, không phải một mình, mà chính xác như một dân tộc.

2.2 Câu hỏi quan trọng thứ hai trong bối cảnh bàn luận của chúng ta là sự thấu hiểu đúng đắn về thừa tác vụ thụ phong, đặc biệt là trong mối tương quan giữa vị Giám mục và các Linh mục.

Nếu một đàng, các linh mục buộc phải kết hợp với giám mục của họ bằng một lòng bác ái và vâng phục chân thành, nhìn nhận nơi ngài thẩm quyền của Chúa Kitô trong tư cách Mục tử tối cao, tuy nhiên, các giám mục, như đã viết trong Sắc lệnh Presbyterorum ordinis ở số 7, phải "quan tâm, bao nhiêu có thể, tới phúc lợi của họ [các linh mục], trước hết là phúc lợi vật chất của họ, nhưng trên hết là phúc lợi thiêng liêng. Vì chính các ngài [các Giám mục], trước hết, chịu trách nhiệm nặng nề đối với sự thánh thiện của các linh mục của mình; do đó các ngài phải tích cực quan tâm đến việc đào tạo thường trực hàng linh mục của mình (CD 15-16) ".

Một mối tương quan đúng đắn giữa giám mục và các linh mục dẫn đến việc giám mục lãnh trách nhiệm thực sự chăm sóc vật chất và tinh thần các linh mục; ngài là người chịu trách nhiệm trước nhất đối với sự thánh thiện của họ.

Điều cần thiết là thừa tác vụ linh mục, ở mọi bình diện, nhờ dựa vào một việc đào tạo vững chắc, phải được sống theo bản chất của nó, như một sự tận tụy và phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội bằng cách rửa chân, như Chúa Giêsu đã làm cho các tông đồ, trong khi làm thất vọng nhiều người cùng thời với ngài vì ngài không thực thi quyền lực mà họ mong đợi: thừa tác vụ linh mục sống như thế giữ gìn khỏi bất cứ cám dỗ nào muốn vuốt ve quyền lực, tự qui chiếu vào chính mình và tự mãn, thống trị và bóc lột người khác để nuôi dưỡng khoái cảm của mình ở mọi bình diện, thậm chí cả khoái cảm tình dục nữa.

Biết bao linh mục, bao giám mục đã tự xây dựng cho mình thừa tác vụ của mình, đời sống cầu nguyện, tận tụy và phục vụ của mình, bằng cách thiết lập các mối tương quan lành mạnh và tự do giữa lòng dân Chúa. Đối với các linh mục này, chúng con xin nói lời cảm ơn, khích lệ và hỗ trợ các ngài trong cuộc sống thánh thiện, phục vụ trong vườn nho của Chúa, vườn nho mà các ngài được mời gọi hướng về!

2.3 Một nhận xét sau cùng, xuất phát từ viễn kiến Giáo hội như hiệp thông, dân Chúa đang lữ hành, là nhu cầu tương tác giữa các đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau. Giáo hội được làm cho hiển thị và hữu hiệu trong bản chất "hiệp thông" của mình nếu mỗi người đã chịu phép rửa sống và thể hiện điều vốn là đặc điểm riêng của mình, nếu sự đa dạng các đặc sủng và thừa tác vụ tự biểu lộ trong dấn thân cần thiết của mỗi người, trong khi tôn trọng các dị biệt.

Văn kiện công đồng đã nói ở trên năm 1965 dành riêng cho các linh mục xác lập không những điều này "các linh mục phải thành tâm nhìn nhận và phát huy phẩm giá của giáo dân và vai trò riêng của họ trong sứ mạng của Giáo hội”, nhưng còn khuyên các ngài "sẵn lòng lắng nghe giáo dân, lưu ý một cách huynh đệ đến các mong chờ của họ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng của họ trong các lĩnh vực hoạt động nhân bản khác nhau, để có thể cùng với họ biện phân các dấu chỉ thời đại". Và văn kiện nói rằng họ đừng ngần ngại tin tưởng giáo dân "giao cho họ các trách nhiệm phục vụ Giáo hội, để họ được tự do và phạm vi hành động, hơn nữa, bằng cách mời họ, khi có cơ hội, tự đưa ra các sáng kiến" (PO 9).

Người ta đã chứng tỏ rằng từ sự hiệp thông từng cấu thành ra Giáo hội, có sự đóng góp nhất thiết và đa dạng của mọi người, không phải để đòi một "vai trò", mà là để làm hiển thị sự phong phú đa dạng của Giáo hội trong việc tôn trọng điều vốn đúng đắn là của riêng mỗi người, chống lại lý thuyết cho rằng đặc sủng tổng hợp là tổng hợp các đặc sủng.

2.4 Cuối cùng, sự tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa nhất thiết phải có tính năng động: các giáo dân, các người thánh hiến không được kêu gọi trở thành những người chỉ biết thi hành những gì các giáo sĩ quyết định, mà tất cả đều là những đầy tớ trong vườn nho duy nhất, nơi mỗi người đóng góp phần riêng của mình bằng cách tự mình dấn thân vào cuộc biện phân được Chúa Thánh Thần gợi ý cho Giáo hội.

Không còn nghi ngờ gì nữa, thừa tác vụ thụ phong, ở mức cấp bậc cao nhất, tức thừa tác vụ giám mục, tự mang trong mình trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng, bằng thẩm quyền được thừa nhận, nhưng ngài không thể hành động một mình hoặc giới hạn trong một số nhỏ hành động biện phân của ngài. Điều sẽ rất quan trọng đối với các giám mục là phải cần đến sự đóng góp, tư vấn và biện phân mà mọi người trong Giáo hội của mình, kể cả các giáo dân, đều có khả năng, không những cho chính họ và cho các lựa chọn bản thân của họ, mà còn như Giáo hội và cho lợi ích của Giáo hội hic et nunc (ngay ở đây và lúc này) nơi họ được mời gọi sống.

Chính nền tảng của "sự hiệp thông" Giáo hội này luôn phải chỉ đường và phương pháp cho chúng ta; trong trường hợp này, là động lực tính của hệ luận toàn thể Dân Thiên Chúa đòi phải sống, trong khi cùng bước đi với nhau, " tính đồng nghị "như một diễn trình chia sẻ, trong đó mỗi người có một vai trò khác nhau, các trách nhiệm đa dạng hóa, nhưng tất cả tạo thành một Giáo hội duy nhất. "Trên thực tế - như chúng ta đọc trong Tông hiến Episcopalis Communio ngày 15 tháng 9 năm 2018 - toàn bộ tín hữu, nhờ được xức dầu phát xuất từ Đấng Thánh (1 Ga 2: 20,27), nên không thể sai lầm trong đức tin và biểu lộ nó qua cảm thức đức tin siêu nhiên của toàn dân Chúa, khi "từ các giám mục đến người cuối cùng trong các tín hữu giáo dân", biểu lộ sự đồng ý phổ quát của mình trong các vấn đề về đức tin và luân lý" (LG 12). [...] Một Giám mục, người sống giữa các tín hữu của mình, mở to tai để nghe "điều Chúa Thánh Thần nói với các Giáo Hội" (Kh 2: 7) và "tiếng nói của các con chiên", thông qua cùng các cơ chế giáo phận này, có nhiệm vụ cố vấn cho Đức Giám Mục, bằng cách khuyến khích một cuộc đối thoại trung thành và xây dựng "(CE 5).

Những suy tư này mời chúng ta tránh hai chủ trương sai lầm.

Một giám mục không thể nghĩ rằng các vấn đề liên quan đến Giáo hội có thể được giải quyết một mình hoặc chỉ riêng với một ít đồng nghiệp, theo điệp khúc: "chỉ có giám mục mới có thể biết điều gì tốt cho các giám mục", hoặc, một cách tương tự, "chỉ một linh mục mới biết điều gì là tốt cho các linh mục, chỉ một giáo dân mới biết điều gì là tốt cho các giáo dân, chỉ một phụ nữ mới biết điều gì là tốt cho các phụ nữ", v.v.

Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng theo ý con, quả là sai lầm khi cho rằng sự tham gia của giáo dân như thế trong các vấn đề đụng tới các thừa tác viên thụ phong phải là một đảm bảo để có sự trung thực nhiều hơn, bởi vì đây sẽ là "bên thứ ba" liên quan đến các biến cố. Ở đâu đó, có người nói: "Chúng ta hãy thành lập một ủy ban giáo dân vì nó đáng tin cậy hơn một ủy ban của các linh mục, những người có xu hướng ít khách quan hơn, trong việc che đậy và chống đỡ một cách tiên thiên".

Là một phụ nữ giáo dân, con phải thành thật nói rằng, không phân biệt giữa các linh mục, giữa các tu sĩ, cũng như giữa các giáo dân, có thể có, và đã có những người không tự do, sẵn sàng che đậy một cách tiên thiên, sẵn sàng phục vụ một ai đó thay vì phục vụ Giáo hội một cách yêu thương, thông minh, và trung thành với ơn gọi riêng của họ.

Trở về bản chất "hiệp thông" của Giáo hội, nơi thể hiện sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ, không có nghĩa là san bằng, nhưng bao gồm sự phong phú và sức mạnh, giúp tìm ra những lý do để tránh những khẩu hiệu cực đoan và không hữu hiệu kia.

3. Các ý tưởng cho một số thể hiện thực tế

Lưu ý tới các nền tảng và các vấn đề được nhắc lại một cách ngắn gọn, cuộc gặp gỡ này cho chúng ta cơ hội nhận ra những gì đang được thực hiện trong Giáo hội, những gì vẫn còn phải thực hiện, ý thức rằng nếu đúng là cuộc họp được Đức Giáo Hoàng triệu tập này không tạo đuợc điểm đến cho một hành trình đã hoàn tất, được xác nhận và hoàn hảo, thì cũng đúng là nó không phải là điểm khởi đầu, như thể người ta có thể bỏ qua các can thiệp của huấn quyền, các chuẩn tắc, các nền mục vụ đã được cổ vũ cho đến nay và nhiều hành động xảy ra sau đó.

3.1 Do đó, điểm đầu tiên là việc nhận thức và nghiên cứu các thực hành đã được rà xét và các hữu hiệu đã được cổ vũ trong các bối cảnh giáo hội khác, các hàng giám mục khác. Con xin nhắc đến các thực hành nhằm mời gọi sự can dự của những người có năng quyền đại diện cho toàn thể dân Thiên Chúa theo khả năng mỗi người đã chịu phép rửa, được Chúa Thánh Thần linh hứng, có khả năng phát biểu một "Sensus fidei" (cảm thức đức tin) mà Giáo hội không thể bỏ qua.

Trong bối cảnh này, quả là tốt khi thừa nhận công việc của những người, trong nhiều năm gần đây, đã cống hiến trí khôn, trái tim và bàn tay cho chính nghĩa này bằng cách lắng nghe các nạn nhân, phát triển các qui thức, các đường hướng hướng dẫn, duyệt lại và nhiều điều khác, bằng cách lợi dụng các kỹ năng chuyên biệt từ toàn thể dân Chúa.

Lưu ý tới tính đa dạng do các bối cảnh văn hóa và xã hội khác nhau trong đó Giáo hội hiện diện, không có vé hạng kinh doanh (class affaire) trong các Giáo hội đặc thù và vé bình dân (classe économique) trong các giáo hội khác, nhưng một Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô được bày tỏ khắp nơi, đảm bảo cho mọi người, các phương tiện, thủ tục, tiêu chuẩn vượt trên những đặc thù nhất thiết của địa phương, bảo vệ trẻ vị thành niên bằng cách tìm kiếm sự thật, công lý, cổ vũ việc bồi thường và ngăn ngừa lạm dụng tình dục.

3.2 Trong các thủ bản hướng dẫn quốc gia, một chương chuyên biệt phải được lồng vào, để xác định các chủ đề quán xuyến và các thủ tục giải trình trách nhiệm, để các giám mục và bề trên dòng thiết lập một thủ tục xác minh thông thường để hoàn thành những điều dự liệu và động viên các hành động được thực hiện hay không, để không còn phải biện minh liên tiếp các lý do của một tác phong nhất định, bằng cách bắt nó tùy thuộc các nhu cầu giai đoạn, mà cuối cùng nối kết với hành động bênh vực.

Dự liệu một thủ tục xác minh thông thường không nên được giải thích như một sự không tin tưởng bề trên hoặc giám mục, mà đúng hơn được coi như một sự hỗ trợ giúp các ngài tập trung, chủ yếu vào chính các ngài và vào thời điểm tốt nhất, nghĩa là, khi mọi thành phần đều biết rõ và đều có mặt về các lý do của một hành động nào đó được thực hiện hoặc bỏ qua. Nói rằng ngay cả giám mục cũng luôn phải đưa ra một giải trình về công việc của mình cho một ai đó không có nghĩa là bắt ngài lệ thuộc một sự kiểm soát hoặc bao vây ngài bằng một sự nghi ngờ tiên thiên, nhưng để ngài dấn thân vào năng động tính hiệp thông giáo hội trong đó, mọi thành viên hành động một cách phối hợp, theo các đặc sủng và thừa tác vụ của họ. Nếu một linh mục báo cáo với cộng đồng, với hàng linh mục và giám mục của mình về hoạt động của mình, thì một giám mục sẽ báo cáo với ai? Ngài phải chịu việc giải trình trách nhiệm nào?

Xác định một phương pháp giải trình trách nhiệm khách quan không những không làm suy yếu thẩm quyền của ngài, mà qúy trọng ngài như là mục tử của một bầy chiên, trong chức năng không tách rời khỏi dân mà ngài được kêu gọi hiến mình cho. Như đối với mỗi người chúng ta, cũng có thể xảy ra sự kiện từ “việc trình báo” mà phát hiện được một lỗi lầm, mà nhận ra đây hiển nhiên là một nẻo đường đi sai, có lẽ vì tại thời điểm ấy, mình nghĩ – một cách sai lầm – rằng mình hành động vì điều tốt. Điều này sẽ không cấu thành một phán đoán dùng để tự bênh vực lấy lại uy tín, một vết nhơ đối với danh tiếng của mình, một đe dọa đối với quyền bính bình thường và trực tiếp của mình (x. CD 8a). Trái lại, nó sẽ là bằng chứng cho một con đường cùng đi với nhau, một con đường một mình nó có thể biện phân được chân lý, công lý, và bác ái. Luận lý học hiệp thông không diễn tiến như một buộc tội và bênh vực, mà như việc cùng chạy với nhau (đúng là "con-correre" chạy với nhau, chỉ có trong hiệp thông) vì lợi ích của mọi người. Do đó, giải trình trách nhiệm là một hình thức trong luận lý học hiệp thông này, một hình thức mà ngày nay càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Ở bình diện địa phương, trên cơ sở giáo phận hoặc khu vực, việc mở các hội đồng hoạt động một cách đồng trách nhiệm với các giám mục và bề trên dòng, bằng cách hỗ trợ các ngài trong trách vụ này một cách có khả năng và bằng cách hành xử như một nơi xác minh và biện phân trong những điều liên quan tới các sáng kiến sẽ đem ra thi hành, tuy nhiên không thay thế các ngài hoặc can thiệp vào các quyết định thuộc trách nhiệm pháp lý trực tiếp của giám mục hoặc bề trên dòng, có thể tạo thành một điển hình và một mô hình cộng tác lành mạnh của giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ trong đời sống của Giáo hội.

3.3 Điều mong muốn là, trong lãnh thổ của mỗi Hội đồng Giám mục, nên lập ra các ủy ban tư vấn độc lập để tư vấn và hỗ trợ các giám mục và bề trên dòng và để cổ vũ một mức độ trách nhiệm thống nhất trong các giáo phận khác nhau. Ước gì các ủy ban này bao gồm các giáo dân, cả các tu sĩ và giáo sĩ nữa. Trong trường hợp này, sẽ không có chuyện những người này phán xét các giám mục, mà là những tín hữu cung cấp lời cố vấn và trợ giúp cho các mục tử, bằng cách cũng đánh giá công việc bằng các tiêu chuẩn hợp tin mừng, và họ cũng thông báo cho các tín hữu của toàn lãnh thổ biết các thủ tục thích hợp.

Nhờ các báo cáo và các cuộc họp định kỳ, các ủy ban cố vấn quốc gia như vậy có thể góp phần vào việc bảo đảm tính thống nhất lớn hơn trong các thực hành và một việc đối chiếu (confrontation) luôn luôn hữu hiệu hơn, để các giáo hội đặc thù học hỏi lẫn nhau trong tinh thần tin tưởng lẫn nhau và hiệp thông, nhằm mục đích tích cực đảm nhiệm và chia sẻ mối quan tâm đối với những người bé nhỏ nhất và dễ bị tổn thương nhất.

3.4 Cần xem xét cơ hội để tổ chức một văn phòng trung ương - không phải về giải trình trách nhiệm, một việc đúng hơn được đánh giá ở cấp địa phương – để cổ vũ việc huấn luyện các cơ chế này trong một bản sắc giáo hội thực sự, khuyến khích và kiểm nghiệm thường xuyên việc điều hành tốt những điều đã được khởi xướng ở cấp địa phương, với việc nhấn mạnh đến tính toàn vẹn cả trong quan điểm giáo hội học, để các đặc sủng và các thừa tác vụ hiện có đều được đại diện thỏa đáng và mỗi người có thể đóng góp với sự đóng góp chuyên biệt của mình trong khi duy trì quyền tự do của họ.

3.5 Cần phải duyệt lại luật lệ hiện hành về quyền giữ bí mật của Đức Giáo Hoàng, để nó bảo vệ các giá trị mà nó dự định bảo vệ, tức phẩm giá của những người liên hệ, tiếng tốt của mỗi người, lợi ích của Giáo hội, nhưng đồng thời, cho phép khai triển một bầu khí minh bạch và tin cậy hơn, tránh ý tưởng cho rằng bí mật được sử dụng để che giấu các vấn đề thay vì bảo vệ các sự thiện có liên quan.

3.6 Cũng cần phải tinh chỉnh các tiêu chuẩn để có được một nền truyền thông chính xác trong một thời đại như thời đại của chúng ta, trong đó, các nhu cầu minh bạch phải được cân bằng với các nhu cầu bảo mật: trên thực tế, một việc bảo mật không thể biện minh được, cũng như một việc tiết lộ không kiểm soát được, đều có nguy cơ tạo ra một nền truyền thông xấu xa và không phục vụ sự thật. Trách nhiệm cũng là phải biết cách truyền thông. Quả thực, nếu người ta không truyền thông, thì làm sao họ có thể giải trình với người khác? Và do đó, có thể có loại hiệp thông nào nữa giữa chúng ta được?

Kết luận

Những xem xét vừa được đề cập liên quan đến các hành động có thể thực hiện được trong tư cách Giáo hội, trong tư cách dân Chúa trong sự hiệp thông và đồng trách nhiệm, không phải chỉ là việc khuyến khích suy tư và đối chiếu theo chiều ngang, đặc biệt trong các công việc nhóm để tạo nên việc đào sâu và áp dụng cụ thể. Thật vậy, như thư gửi dân Chúa đã khuyên chúng ta, "ngày nay chúng ta phải nêu cao thách thức, trong tư cách dân Chúa, sẵn sàng mang lấy nỗi đau của các anh em của chúng ta đang bị bầm dập trong xác thịt và tinh thần của họ. Nếu trong quá khứ, làm ngơ bỏ sót có thể được coi là một hình thức đáp ứng, thì hôm nay chúng ta muốn rằng tình liên đới, hiểu theo nghĩa sâu sắc và đòi hỏi cao hơn của nó, phải mô tả cách xây dựng hiện tại và tương lai của chúng ta".