Ngày mai, 7 tháng 11 là ngày chót để trả lời cuộc thăm dò ý dân Úc về việc thay đổi định nghĩa của hôn nhân để bao gồm các cặp đồng tính. Tuy nhiên, cơ quan thống kê Úc, tức cơ quan có nhiệm vụ đặc trách cuộc thăm dò này, cho hay: muốn chắc chắn được đếm, các thư trả lời nên được gửi về cơ quan này trước thời hạn 7 tháng 11 một tuần. Trong khi ấy, có lời mách nước: cử tri có thể mang thư trả lời của mình bỏ thẳng vào thùng thư của cơ quan này đúng ngày 7 tháng 11, thư họ vẫn được cứu xét.

Chính vì thế, cả hai phía ủng hộ và chống hôn nhân đồng tính đều khẩn thiết kêu gọi cử tri tiếp tục gửi câu trả lời của mình về sở thống kê Úc, dù hiện nay đã có đến hơn 12 triệu trong tổng số 16 triệu thư gửi ra đã được trả lời. Cả hai phía đều nhấn mạnh rằng: đừng nghĩ thư trả lời của mình không làm lệch cán cân đã có. Thắng hay thua là câu trả lời của bạn!

Bên nào sẽ thắng

Bên bênh hôn nhân đồng tính đang rất hân hoan trước viễn tượng thắng cuộc của họ. Vì cứ dựa vào các cuộc thăm dò dư luận trước đây, số người ủng hộ hôn nhân đồng tính luôn luôn trổi vượt số người chống lại.

Nhất là giới trẻ, kể cả giới trẻ Công Giáo, nghiêng hẳn về phía hôn nhân đồng tính. Họ như con ngựa bị bịt hai phía, chỉ nhìn thấy phía trước, phía “cảm thông”, thậm chí “công bình”. Mấy sinh viên cựu học sinh các trường Công Giáo có tiếng, khi được hỏi, phần lớn đều cho biết đã bỏ phiếu ủng hộ hôn nhân đồng tính. Đây rõ ràng là một trong các thất bại của hệ thống giáo dục Công Giáo Úc, một thất bại mà hình như một số vị giáo phẩm lấy làm mừng.

Sự kiện trên khiến nhà luật học Edward Peters lên tiếng cảnh cáo “sự nông cạn của một số vị giáo phẩm Úc gần đây”, những vị, đáng lẽ nên cung cấp cho các tín hữu câu trả lời rõ ràng như pha lê cho câu hỏi thăm dò lần này.

Theo ông, nói chung, người Công Giáo không có câu trả lời rõ rệt nào cho các cuộc trưng cầu chính trị. Nhưng khi cuộc thăm dò chính trị đụng đến chính “tín lý của Giáo Hội”, thì là một chuyện khác: phải có câu trả lời rõ ràng, ít nhất về phía những người có nhiệm vụ giảng dậy tín lý này.

Hẳn ai cũng biết: giáo luật điều 209 § 1 quả quyết rằng “tín hữu Kitô Giáo, ngay trong phong cách hành động riêng, luôn luôn có nghĩa vụ phải duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội”. Luôn luôn, nghĩa là ở cả thùng phiếu nữa.

Còn giáo luật điều 1055 § 1 thì dạy rằng hôn nhân hiện hữu giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Trong lịch sử của Giáo Hội, không bao giờ lại có sự công nhận một hôn nhân mà không phải là sự kết hợp một người đàn ông và một người đàn bà. Không hề bao giờ.

Giáo huấn hàng nhiều thiên niên kỷ trên có tính thường hằng và nhất quán đến độ ta phải kết luận giáo huấn này là giáo huấn định tín và đã được huấn quyền thông thường của Giáo Hội công bố một cách vô ngộ (xem giáo luật điều 749 § 2). Mà sự kiện một khẳng định nào đó được Giáo Hội công bố một cách chắc chắn không thể sai lầm có nhiều hệ luận giáo luật đối với người Công Giáo chúng ta, trong đó, có hệ luận này: ai bác bỏ một khẳng định như thế là “chống lại tín lý của Giáo Hội Công Giáo” (giáo luật điều 750 § 2) và do đó, theo điều 1371, tiết 1, có thể bị “phạt thích đáng”.

Hơn nữa, giáo huấn về hôn nhân, như trình bầy trên đây, không những được Giáo Hội công bố một cách vô ngộ, mà nó còn được chính Thiên Chúa mạc khải. Do đó, ai chống lại nó, còn phạm tội lạc giáo nữa, theo giáo luật điều 750, một lạc giáo khiến người vi phạm có thể bị tuyệt thông và nếu người vi phạm là giáo sĩ, thì còn bị hoàn tục nữa (điều 1364).

Thành thử người ta không thể hiểu làm thế nào một số vị giáo phẩm, trong đó, có Đức Cha Long, lại cho rằng vấn đề hôn nhân đồng tính là một vấn đề phức tạp và gợi ý rằng có chỗ để người Công Giáo bất đồng trong giáo huấn này vì việc thông qua luật lệ cho phép hôn nhân đồng tính chẳng có chi là “tận thế” hết.

Nhiều người cho rằng những vị như Đức Cha Long, một phần vì mặc cảm tự ti tị nạn muốn chứng tỏ mình Úc hơn cả người Úc, nên đã đi theo khuynh hướng mà nhiều người cho là của đa số người Úc hiện nay là ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Nhưng thực ra, không có chi là chắc chắn phe ủng hộ hôn nhân đồng tính đã đắc thắng. Thực vậy, theo Mark Kenny và Michael Koziol của tờ Sydney Morning Herald, phe ủng hộ hôn nhân đồng tính cho rằng họ đang dẫn đầu số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý “ngoại trừ nhiều người thẳng thừng nói dối” đối với họ trong các cuộc thăm dò và nghiên cứu trước đây.

Đó là nhận định của một nhà thăm dò có tiếng John Stirton. Ông ta bảo: “Khó có thể thấy phe ‘no’ sẽ thắng thế ngoại trừ một số rất lớn người ta nói dối thẳng thừng với các nhà thăm dò”. Theo ông, kết quả hai cuộc thăm dò hồi tháng Tám, trước khi cuộc trưng cầu được công bố, và hồi tháng Mười, sau khi cuộc trưng cầu đã bắt đầu, người ủng hộ chiếm 65 phần trăm, trong khi người chống đối chỉ có 35 phần trăm.

Cuộc trưng cầu ý dân về nền cộng hòa Úc, do chính Ông Turnbull chủ xướng hồi thập niên 1990 rồi cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh và cuộc bầu tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đều cho thấy không hẳn người được thăm dò nói dối mà chỉ vì mẫu thăm dò có vấn đề mà thôi, chúng không hẳn đại diện cho đa số trầm lặng!

Không theo đám đông mà theo sự thật

Dù sao chạy theo đám đông chưa chắc là cái hiểu đúng đắn đối với việc đọc các dấu chỉ thời đại. Tín lý vô ngộ của Giáo Hội là điều phải được giảng dậy mọi nơi mọi lúc.

Thiển nghĩ những vị như Đức Cha Long nên học ở những người như Tony Abbott: dù biết chủ trương của mình bị chống đối, chống đối đến bị cụng đầu, vẫn can đảm hết lòng bênh vực. Một trong những người không ưa gì Tony Abbott, nhưng vẫn tranh đấu bên cạnh ông cho lương tri: hôn nhân là phải giữa một người đàn ông và một người đàn bà, đó là Mark Latham, cựu Thủ Lãnh Đối Lập trong Quốc Hội Liên Bang, người hiện đang đi ngược lại chủ trương của đa số dân biểu nghị sĩ Lao Động, những người ông từng lãnh đạo.

Thực vậy, theo Stephen Johnson của tờ Daily Mail Australia, Mark Latham cho rằng “hôn nhân đồng tính không nhằm tình yêu mà chiến dịch đồng ý hôn nhân đồng tính nhằm kiểm soát tâm trí người ta, nó đe dọa dân chủ”.

Thực thế, nhiều người chống đối hôn nhân đồng tính đã bị ngăn cản, không được lên tiếng tại ít nhất hai diễn đàn ở Hobart. Ông bảo: “Đây là việc kiểm soát điều người ta có thể nói, có thể nghĩ, có thể tin và kiểm soát cả nơi họ có thể nói”.

Mark Latham cho rằng lá phiếu ‘no’ đang giảm dần khoảng cách với lá phiếu ‘yes’. Người ta mỗi ngày mỗi thấy chiến dịch ‘yes’ nhằm kiểm soát tâm trí người ta.

Mark Latham cũng quan tâm tới tự do tôn giáo và tự do ngôn luận nếu Úc bắt chước các nền dân chủ khác như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Anh trong vấn đề hôn nhân đồng tính. Ông bảo: “Nếu hiện nay ta cho đó là xấu, thì kinh nghiệm ở nước ngoài cho ta hay được lá phiếu ‘yes’ làm cho dạn dĩ, phong trào đấu tranh đồng tính, cánh tả sẽ trở nên hung hăng hơn và còn nhấn mạnh nhiều hơn đến việc kiểm soát điều người ta tin”.

Ông nói thêm: “hôn nhân đồng tính giống như một thứ tôn giáo: không tin nó, bạn sẽ bị đóng đinh!”.

Mark Latham ủng hộ các cuộc kết hợp đồng tính nhưng không ủng hộ việc tái định nghĩa hôn nhân để bao gồm các cuộc kết hợp này. Mark Latham nhìn rõ vấn đề, trong khi những người đáng lẽ phải nhìn rõ lại cố tình lơ mơ như Đức Cha Long.

Thượng nghị sĩ Matt Canavan cũng là người can đảm như Mark Latham. Trong một cuộc tranh luận công khai về hôn nhân đồng tính, bị một người đồng tính văn hỏi, cho rằng phe ‘no’ từng hành hạ anh ta chỉ vì anh ta là người đồng tính, coi anh ta không hơn những kẻ ấu dâm, và hỏi tại sao các chính trị gia không che chở những người “dễ bị thương tổn nhất trong xã hội” như anh ta, đã cho anh ta hay: nạn nhân của xã hội này không phải chỉ có người đồng tính, người có quan điểm khác với phe ‘yes’ cũng từng trở thành nạn nhân.

Thực thế, Thượng Nghị Sĩ Canavan cho biết Đảng Xanh từng đưa ra một nghị quyết ở Thượng Viện gọi những người có quan điểm ủng hộ hôn nhân cổ truyền là cuồng tín với ngụ ý cho rằng không nên để họ phát biểu quan điểm ấy.

Nhân dịp này, Thượng Nghị Sĩ Canavan cũng lột mặt nạ một e-mail của ngân hàng Westpac gửi các nhân viên, thúc giục họ bỏ phiếu ‘yes’. E-mail này phịa ra chuyện: hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ ngăn cản được 3,000 vụ tự tử mỗi năm. Trong khi thực ra, con số tự tử mỗi năm ở Úc chỉ là 2,800 vụ, và không phải tất cả là vì không được “cưới” người đồng tính!

Trong khi các vị trên không ngần ngại nói lên quan điểm của mình, thì trong lòng Giáo Hội, có vị linh mục, vì sợ bị “trả thù” nên chỉ dám nói lén. Phải chăng vị linh mục này thuộc giáo phận Parramatta hay giáo phận Mailtland-Newcastle, là hai giáo phận có các vị giám mục lơ mơ về lá phiếu hôn nhân đồng tính. Trường hợp này được tờ LifeSiteNews tường trình.

Vị linh mục này cho rằng phe ‘yes’ đã được tăng cường rất nhiều nhờ những người ủng hộ thật bất ngờ là Giám Mục Bill Wright của Maitland-Newcastle và Giám Mục Vincent Long của Parramatta.

Không lạ gì, người ủng hộ hôn nhân đồng tính càng ngày càng hung hăng. Thực vậy, theo CatholicHerald.co.uk, những người này không ngại phá phách các thánh đường ở Melbourne, bôi bẩn bằng những khẩu hiệu “đập những tên cuồng tín” và “đóng đinh những tên bỏ phiếu ‘no’”. Một hình nguệch ngoạc khác vẽ thánh giá bình phương với chữ vạn Quốc Xã. Tại Sydney, nhiều nhà thờ cũng bị vẽ nguệch ngoạc. Linh mục Morgan Batt cho biết bị đánh và bị gọi là “đ… mẹ thằng bỏ phiếu ‘no’” khi đang đi qua một khu buôn bán ở Brisbane. Ngài cho hay: chỉ biết “mỉm cười và tiếp tục bước”. Viết trên Facebood, ngài bảo: “Hỡi Nước Úc, điều này thực sự không phải là chúng ta”.