TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM 5
BÀI 3. CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý NGÀY 23.10.1955.

A. Sự lựa chọn khó khăn.

Lúc 20 giờ ngày 29.04.1955, Kiến nghị ‘Truất phế Quốc trưởng Bảo Đại’ của Hội đồng Nhân dân Cách mạng được Đài Phát thanh Sài gòn truyền đi cho toàn quốc và thế giới biết tin cuộc cách mạng tại Việt Nam đã truất phế Quốc trưởng Bảo đại và Ủy ban Cách mạng Quốc gia kêu mời các nhân sĩ và đồng bào ngày hôm sau đến tại tòa Đô chính Sài gòn để nghe Ủy ban thuyết trình về biến cố lịch sử vừa xảy ra.

Từ sáng sớm ngày 30.04.1955, các giới nhân sĩ, các đại diện các chánh đảng, thanh niên sinh viên phụ nữ, báo chí… phấn khởi tụ tập đầy nghẹt phòng khánh tiết tòa Đô chánh Sài gòn. Sau khi được nghe tường trình về phiên đại hội ngày hôm qua, một lần nữa, ông Bảo Đại bị hạ bệ khi có người bắt thang leo lên gỡ bức ảnh to lớn hình Quốc trưởng treo trước cửa tòa Đô chính và ném xuống đất, rồi có những thanh niên nhảy lên dậm đạp cho nát bét.

Những biến cố này làm ông Ngô đình Diệm lo âu vì, trong thâm tâm mình, ông chỉ nghĩ đến một chế độ quân chủ lập hiến. Ông Diệm vẫn muốn trung thành với lời hứa cùng Quốc trưởng Bảo Đại. Nhưng để hợp với ý nguyện của các đại diện Quốc Dân, ông phải thuận ý cùng họ tiến đến một thể chế Cộng hòa cho Việt Nam.

Tuy vậy, ông Diệm cũng đã viết thư trình bày cùng ông Bảo Đại sự kiện Hội đồng Nhân dân Cách mạng thỉnh cầu ‘Truất quyền Quốâc trưởng của ông’. Nhưng trong thư phúc đáp, ông Bảo Đại cho biết ông không trở lại Việt Nam. Cựu tướng Trần văn Đôn đã viết nơi trang 133, sách ‘Việt Nam Nhân Chứng’ : « Theo ông Nhu kể lại, trước ngày trưng cầu dân ý, Thủ tướng Diệm tự tay viết một là thư dài giải thích tình hình và mời Bảo Đại về nước lãnh đạo, nhưng Cựu Hoàng kh ông trả lời ».

Những đại diện Quốc Dân đưa ra những ý kiến để ủng hộ ông Diệm nhận lãnh trọng trách đưa Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp trở thành một nước Cộng hòa độc lập và dân chủ :

1.- Trao toàn quyền dân sự và quân sự.

Ngày 18.06.1954, khi Quốc trưởng kêu gọi đến lòng ái quốc của ông Diệm để bảo vệ sự tồn vong của Việt Nam để chống lại Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa. Để đối phó với tình hình cực kỳ khó khăn lúc ấy, Quốc trưởng Bảo Đại đã trao cho Ngô đình Diệm toàn quyền dân sự và quân sự.
Sau sự trao quyền này, Bảo Đại chỉ còn là một Quốc trưởng tượng trưng quốc gia, tức chính Bảo Đại "tự truất phế" khi trao toàn quyền tuyệt đối cho ông Ngô đình Diệm và, nói một cách khác, có thể xem đây như Bảo Đại đã gián tiếp tự mình dọn đường để lùi bước và nhường cho người khác lên thay thế mình.

2.- Phản Bội hay Trung Thành.

Vấn đề này đặt ra giữa hai ông Bảo Đại và Ngô đình Diệm có thể được coi là không đúng chổ vì :
- Thứ nhất không có vấn đề đạo đức hay luân lý vốn thuộc sự giao kết cá nhân với cá nhân trong tinh thần đạo lý thiêng liêng ràng buộc họ. Ngoài ra, về điểm này, thì đã mấy ai có thể ‘hơn’ ông Diệm?
- Thứ hai, đây là vấn đề mối tương quan chính trị giữa hai nhân vật có những chính sách, đường lối khác biệt nhau thì có thẩm quyền nào bắt buộc họ phải trung thành?

Chúng ta không nên đặt việc trung thành cho ông Diệm khi :
- Năm xưa khi cách chức Thượng Thư của ông Diệm, ông Bảo Đại đã thu lại cả Kim Khánh Bội tinh của ông Diệm, chỉ còn để lại chức hàm Tuần Vũ thì có ác quá không? Nhưng ông Diệm không thù oán gì với ông Bảo Đại vì biết Quốc trưởng chỉ thi hành lệnh của Tây!

- Khi thuyết phục ông Diệm đãm nhận trách vụ Thủ tướng, Bảo Đại biết và nói ‘Đất Nước rất bi đát, có thể bị chia cắt và cần bảo vệ nó bằng chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa’. Thế mà Quốc trưởng không làm gì để giúp đỡ ông Diệm mà còn hổ trợ để Bảy Viển cùng các giáo phái võ trang gây những khó khăn cho Đất Nước, đồng bào và ông Diệm. Ngoài ra, không ai bị bắt buộc phải trung thành với một vị ‘hôn quân’ như Bảo Đại đã bị mang tiếng là nhu nhược, thụ động, phóng đãng và xúi dục chia rẽ?

- Sau khi ông Bảo Đại bị truất phế, bà Từ Cung (thân mẫu cựu hoàng) vẫn được cấp 5000 đồng/tháng. Nha Kiến thiết vẫn tiếp tục sửa chữa cung điện ngoài Huế và ngay cả Biệt điện Đà lạt hay những nhà săn ở Ban Mê Thuột, những đồn điền hay công ty Cao nguyên, du thuyền Hương Giang hay nhà cửa đứng tên ông này bà kia vẫn để nguyên mặc dầu có lệnh tịch thâu ban hành ngày 16.12.1957. Tất cả những động sản, bất động sản đứng tên ông Vĩnh Cẩn hay Nguyễn Đệ và vợ, chính phủ không đụng tới.

- Chúng ta cũng nên nhớ : năm 1945, ông Bảo Đại đã từng thoái vị trước Việt Minh.

Bởi thế, Thủ tướng Ngô đình Diệm đã tiến hành cuộc Trưng cầu Dân ý ngày 23.10.1955 để hợp thức hóa cuộc cách mạng thay đổi chánh thể Việt Nam từ Quân chủ sang Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Tổng thống do dân cử trực tiếp với nhiệm kỳ do Hiến pháp quy định.
B. Một cuộc đảo chánh ‘bỏ túi’bị thất bại.

Ngày 28.04.1955, đồng thời với việc triệu mời Thủ tướng Diệm sang Pháp, ông Bảo Đại cũng bổ nhiệm tướng Nguyễn văn Vỹ, chỉ huy trưởng Ngự lâm quân, Đà Lạt, vào chức vụ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia thay thế tướng Lê văn Tỵ qua Pháp. Tướng Vỹ vội kéo Ngự lâm quân về Sài gòn và, ngày 30.04.1955, đến nhà tướng Tỵ yêu cầu tướng Tỵ trao quyền cho ông theo lệnh của Quốc trưởng. Tướng Tỵ trả lời: « Tôi sẵn sàng nếu Thủ tướng ra lệnh ». Do đó, tất cả đồng ý vào Dinh gặp Thủ tướng.

Tại Dinh Độc lập, tướng Vỹ cùng các sĩ quan tùy tùng chạm trán những đại diện Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia, danh xưng mới của Ủy ban Cách mạng, sau khi trình diện Quốc Dân ở tòa Đô chánh, đến gặp Thủ tướng. Vừa gặp mặt, ông Nhị Lang chĩa thẳng súng vào người tướng Vỹ và hô to: ‘Giơ tay lên, không tôi bắn!’. Ông Vỹ hoảng hốt giơ tay cao. Ông Nhị Lang nói với ông Hồ hán Sơn: ‘Hãy bóc galon ông này cho tôi!’, ông Sơn thi hành dưới ống kính chụp hình của phóng viên Francois Sully và được báo Life đăng trong số phát hành tháng 7.1955. Ông Trần trung Dung kêu cứu với ông Diệm và Thủ tướng vội ra kéo Vỹ vào phòng họp. Cùng lúc, ông Ngô đình Nhu chạy đến can gián Nhị Lang: « Thôi đừng nóng, mấy ông Tướng vào họp bàn với Cụ ».

Chỉ vài giờ trước đó, tướng Vỹ và khoảng 50 sĩ quan khác kéo đến Dinh không những chỉ để đòi thay thế tướng Tỵ trong chức vụ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia mà còn để yêu cầu Thủ trướng Ngô đình Diệm từ chức, nếu cần. Bây giờ, tình thế đã thay đổi, tướng Vỹ phải ký giấy cam kết trở lại hợp tác với Thủ tướng. Thất thế, mọi người đều bỏ rơi ông, khiến ông phải cuốn gói rút quân về Đà lạt lúc đó đã 3 giờ sáng ngày hôm sau. Từ đó, tướng Vỹ sang Cao Miên rồi đến Pháp sống lưu vong.

C. Tổ chức Trưng cầu Dân ý.

Ngày 06.10.1955, Thủ tướng Diệm tuyên bố quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý như là một đáp ứng cho những đề nghị ‘dân chủ và hợp pháp’. Tiếp đó, hai hình thức truyền thông và vận động cử tri được khai triển :

1. Các cơ quan truyền thông chính phủ bắt đầu giải thích lý do tổ chức Trưng cầu Dân ý, vận động cử tri đi bầu và hướng dẫn cách thức đầu phiếu cho hợp lệ.

Cuộc trưng cầu dân ý có thể được xem như là hành vi khởi đầu gia nhập vào thế giới tự do vì, trước đó, người Việt chưa có dịp đầu phiếu cấp toàn quốc. Thủ tướng Diệm tuyên bố : « Đây chính là bước khởi đầu của người dân được tự do hành xử quyền hạn chính trị ».

Trong bản tuyên bố của chính phủ ngày 19.10.1955, ông Diệm tha thiết mời gọi cử tri hãy nắm lấy cơ hội để thực hiện quyền dân chủ của mình: « Quốc dân đồng bào, hãy mạnh dạn bày tỏ ý chí của mình! Hãy dũng cảm tiến lên con đường Tự Do, Dân Chủ và Độc Lập! Ừ. Tờ truyền đơn giải thích “Cuộc trưng cầu dân ý là phương pháp cực kỳ dân chủ theo đó người dân có thể bày tỏ nghĩ của mình bằng cách bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như chọn lựa thể chế cho quốc gia, chọn lựa người lãnh đạo đất nước v.v… ».

Hôm 22.10.1955, qua làn sóng đài phát thanh, Thủ tướng nói : « Ngày 23 Tháng Mười tới đây là ngày đầu tiên trong lịch sử đất nước, nam cũng như nữ được hành xử một trong những quyền hạn của người dân trong chế độ dân chủ, đó là quyền bỏ phiếu ».

2. Trong khi đó, các vận động viên thuộc Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia thì chỉ trích những hành vi của Quốc trưởng (với những chứng cớ cụ thể) và đề cao những thành tích mà ông Diệm đã thực hiện được trong 10 tháng đầu tiên cầm quyền với trách nhiệm Thủ tướng, dù không được Bảo Đại trợ giúp hay viện trợ vật chất từ Hoa kỳ rất hiếm hoi.

Họ nói với người dân rằng ông Bảo Đại là kẻ bán nước, hiếu sắc chẳng khác nào một thứ của nợ làm cản bước đi lên của đất nước. Trong khi đó, ông Diệm sẽ đưa đất nước vào thời kỳ sán lạn của lịch sử Việt Nam bằng thiết lập một nền dân chủ, dân tộc tự quyết và bảo đảm quyền hạn của mọi công dân. Khắp nơi, người ta đọc thấy những bích chương và biểu ngữ ‘Dồn phiếu cho chí sĩ Ngô đình Diệm là xây dựng một xã hội công bằng và hạnh phúc’, ‘Chào mừng Ngô Chí sĩ, vị cứu tinh của dân tộc’ hay ‘Truất phế Bảo Đại là nhiệm vụ công dân của một nước tự do’. Ngoài ra, đồng bào được nghe nhắc nhở những câu hát như:
‘Phiếu đỏ ta bỏ vô bì
Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi’.

Ngày 18.10.1955, ông Bảo Đại đưa ra lời tố cáo ông Diệm dùng cuộc trưng cầu dân ý để chủ trương độc tài cá nhân và tạo nên sự hiềm khích giữa Pháp và Hoa kỳ. Đồng thời ông tuyên bố thu hồi quyết định bổ nhiệm ông Diệm làm Thủ tướng.

C. Ngày Trưng cầu Dân ý.

Chính quyền đã công bố những chi tiết cụ thể cho việc bỏ phiếu. Việc này được xem ra quá thường đối với người Tây Phương vào thập niên 1950, nhưng nó lại rất mới lạ và quan trọng với cử tri Việt Nam vào năm 1955.

Trong một nỗ lực bảo đảm phổ thông đầu phiếu, hoặc ít ra bề ngoài là như vậy, tất cả nam nữ công dân từ 18 tuổi đã ghi danh trong cuộc kiểm tra dân số gần đó đều có quyền đi bầu và bỏ phiếu kín. Theo đó, tổng số cử tri ghi danh là 5.960.302 người. Để ngăn ngừa gian lận, những địa điểm đầu phiếu được thiết lập cho mỗi 1.000 cử tri.

Khi bước vào phòng phiếu, cử tri xuất trình thẻ căn cước để nhận phiếu bầu và một phong bì. Lá phiếu gồm hai phần :
- bên trái, lồng trong khung màu xanh (màu xui xẻo) là hình ông Bảo Đại mặc quốc phục, bên dưới có hàng chữ ‘Tôi không truất phế Bảo Đại và không công nhận Ngô Đình Diệm như tổng thống để thành lập thể chế cộng hòa’ ;
- bên phải, lồng trong khung màu đỏ (màu may mắn), là hình ông Diệm trong bộ âu phục, bên dưới có hàng chữ ‘Tôi truất phế Bảo Đại và chọn ông Ngô Đình Diệm như tổng thống để thành lập chế độ cộng hòa’.

Kết quả :

- 5.721.735 phiếu thuận truất phế ông Bảo Đại và công nhận ông Ngô Đình Điệm như tổng thống để thành lập chế độ cộng hòa ;
- 63.017 bỏ phiếu không chịu truất phế ông Bảo Đại;
- 44.155 phiếu không hợp lệ ;
- 131.395 người không bỏ phiếu.

Nhiều nhà báo Mỹ cho rằng sự thành công của cuộc trưng cầu dân ý được coi như có khả năng củng cố nền chính trị của Miền Nam đang tách rời khỏi Pháp và nhích về phía Hoa kỳ. Việc truất phế ông Bảo Đại báo hiệu những nỗ lực cuối cùng để nắm quyền của Pháp hoàn toàn chấm dứt. Các nhà ngoại giao và ký giả Pháp cũng đồng quan điểm như vậy. Tuy vậy, Pháp đã mau chóng thừa nhận Việt Nam Cộng hòa.

(còn tiếp)