Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott sinh ngày 4 tháng 11 năm 1957. Ông giữ chức thủ tướng thứ 28 của Úc từ năm 2013 đến năm 2015, và là lãnh đạo Đảng Tự do của Úc.
Ông sinh tại ở London, Anh quốc, có mẹ là người Úc và cha là người Anh, và chuyển đến Sydney năm 2 tuổi. Ông học kinh tế và luật tại Đại học Sydney, và sau đó theo học Đại học Nữ hoàng, Oxford, nghiên cứu về Triết học, Chính trị và Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp Oxford, Abbott trở về Úc và nói với gia đình về ý định theo đuổi chức linh mục. Năm 1984 ở tuổi 26, ông vào Chủng viện St Patrick, ở Manly. Ông Abbott đã không hoàn thành chương trình học của mình tại chủng viện, rời nhà trường vào năm 1987 để tham gia vào đời sống chính trị.
Trong một diễn biến đáng chú ý, nhà xuất bản Ignatius do linh mục Dòng Tên Joseph Fessio thành lập và điều hành vừa cho ra mắt cuốn Jesuit at Large của linh mục Dòng Tên Paul Mankowski. Trong cuốn sách, Cha Paul Mankowski cáo buộc linh mục Robert Drinan, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, đã ra tranh cử Hạ Viện Hoa Kỳ và làm Dân biểu từ năm 1971 đến 1981, với hai chủ trương chính là chống chiến tranh Việt Nam và phò phá thai.
Nhân dịp này, ngày 10 tháng Giêng, cựu thủ tướng Úc Tony Abbott đã viết một bài có nhan đề “American Jesuit”, nghĩa là “Dòng Tên tại Hoa Kỳ”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Bị sốc trước cái chết không đúng lúc của ngài vào tháng 9 năm 2020, bạn bè và những người ngưỡng mộ Cha Mankowski kể từ đó đã tìm cách kỷ niệm người đàn ông họ yêu mến, và tưởng nhớ cuộc đời phục vụ gương mẫu của ngài. Jesuit at Large, một bộ sưu tập các bài tiểu luận và bài phê bình của ngài — một số bài trong số đó được xuất bản lần đầu trên tạp chí First Things — do người bạn của ngài và đôi khi cũng là cộng tác viên, George Weigel, biên tập, là nỗ lực mới nhất của họ, nhưng đó không phải là nỗ lực cuối cùng của họ. Nó kích thích sự ao ước của chúng ta muốn có thêm hiểu biết về tính cách của người đàn ông tiên tri này.
Tôi không thể nghĩ có ai khác lại có thể tự tin tiến ra trước xu hướng thời đại trong những thời điểm đó: thể chất mạnh mẽ, ý chí kiên cường, tinh thần mạnh mẽ, trí tuệ quyết liệt, và cá tính khiêm tốn, nhưng cực kỳ tự tin vào sứ mệnh của Giáo Hội và vào Dòng của chính mình. —Thực tế, ngài tự tin hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo của Nhà Dòng. Ngài sẽ vui lòng làm một Tông đồ giữa những kẻ ngoại đạo và là người đầy tớ cho các tín hữu (vì thực sự ngài có nhiều khả năng khác nhau, kể cả với tư cách là tuyên úy ở Jordan). Không ai được trang bị tốt hơn cho một cuộc sống với các nhân đức anh hùng — tuy nhiên ngài thường bị chính những đồng nghiệp của mình từ chối vì ngài không chấp nhận thái độ thoả hiệp khập khiễng của họ với một thế giới mà lẽ ra họ phải hoán cải.
Cha Phaolô là một người viết rất nhiều —các bức thư, tiểu phẩm, và các phản bác châm biếm cũng như các bài tiểu luận và các bài báo. Những điều này thường được xuất bản ẩn danh, bởi vì các cấp trên Dòng Tên của ngài đã cấm ngài viết dưới tên riêng của mình. Mặc dù vậy, bộ sưu tập này, quan trọng và đáng giá, hầu như không làm trầy xước bề mặt sở thích và sự uyên bác của ngài. Về cơ bản, mỗi tác phẩm phản ánh sự phản đối căn bản của ngài đối với chủ trương của Dòng Tên và nói chung là của Giáo Hội Tây phương theo đó các tôi tớ tuyên tín của Thiên Chúa đã bị gạt từ việc cử hành các Thánh lễ và ban phát các phép bí tích khác đầy đức tin sang các hình thái dịch vụ xã hội đúng đắn về mặt chính trị.
Có một nỗi thống thiết đối với những bài luận này. Cho dù đó là “Những cố gắng thuần hóa trong Đời sống Giáo sĩ,” các bề trên tôn giáo có mục đích chính là tránh làm chao đảo con thuyền hoặc cố chấp theo đuổi lập trường hơn là rao giảng Phúc Âm; hay các nữ tu cực đoan và thần học về tình dục của họ trong “Điều tôi thấy ở Học viện Tôn giáo Hoa Kỳ”, chủ đề cơ bản là sự thất vọng của Cha Phaolô trước việc đi sai hướng trong đời sống tôn giáo. Đối với Cha Phaolô, một trong những thủ phạm cao cấp là cố Linh mục Robert Drinan, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, người đã trải qua một thập kỷ tại Quốc hội Hoa Kỳ trong tư cách là một người bạn cánh tả của phe phò phá thai: theo suy nghĩ của Cha Phaolô, làm sao một linh mục được thụ phong lại có thể nghĩ dù chỉ một thoáng qua là được bầu vào chức vụ công quyền xứng đáng hơn là ban phát các phép bí tích, và làm thế nào một tu sĩ Dòng Tên khấn trọn lại có thể kết hợp việc quảng bá đức tin với chủ trương xã hội cánh tả?
40 trang cuối cùng của bộ sưu tập bao gồm “hồ sơ Drinan”, phần lớn là tường thuật của Cha Phaolô về sự qua lại giữa Cha Drinan, và giám tỉnh Dòng Tên của linh mục ấy và vị bề trên tổng quyền Dòng Tên lúc bấy giờ về việc liệu việc ứng cử chính trị của Drinan có được sự chấp thuận của Giáo Hội hay không. Với sự đồng ý của nhân viên lưu trữ Dòng Tên, Cha Phaolô đã nghiên cứu các hồ sơ của Dòng Tên, sau đó ngài đã sẵn sàng công bố. Điều hiển nhiên là đã có sự lừa dối và sự che dấu của hai tu sĩ dòng Tên cao cấp người Mỹ, cộng với sự yếu kém và xuề xòa của bề trên tối cao của họ. Phần thưởng dành cho Cha Phaolô đối với việc tố cáo này là nhiều thập kỷ bị tẩy chay, bị quy chụp là đã vi phạm “tính bảo mật”. Đương nhiên, lệnh trù dâp của Nhà Dòng đã được che đậy trong cáo phó chính thức của Dòng Tên dành cho ngài, trong đó, giữa những điều nhạt nhẽo vô vị, có ghi nhận bất ngờ rằng ngài “có những khác biệt về thần học, triết học và chính trị với nhiều anh em Dòng Tên của ngài và, đôi khi, cả với cấp trên”.
Mặc dù những bài luận này, xứng đáng có lượng độc giả đông nhất có thể, đã có đầy đủ thông tin chi tiết và các hướng dẫn, nhưng cuộc đời của Cha Phaolô thậm chí còn mạnh mẽ hơn những lý lẽ của ngài. Nhiều người nên quen thuộc hơn với những lý lẽ ấy, bởi vì ngài đã nêu gương cho Giáo Hội tốt nhất và dũng cảm nhất. Không thể có chuyện dành thời gian cho ngài mà lại không được nâng cao tinh thần và tiếp thêm sinh lực. Ngài là bằng chứng sống cho thấy có thể trở thành một người đàn ông tốt cũng như một linh mục tốt, ngay cả trong những thời điểm khó căng thẳng nhất này. Khi chúng tôi cùng là sinh viên tại Đại học Oxford, tôi đã tham gia câu lạc bộ quyền anh theo sự thúc giục của ngài, về cơ bản là để dành nhiều thời gian hơn cho anh chàng Kitô hữu vai u thịt bắp tuyệt đỉnh này. Nơi Cha Phaolô, ít nhất ta có một cái nhìn thoáng qua về “Chúa Kitô, anh trai tôi”. Phần lớn nhờ vào nguồn cảm hứng của ngài, sau Oxford, tôi đã trải qua ba năm trong trường dòng trước khi nhận ra rằng đức tin vào các tôi tớ của Chúa không hoàn toàn giống với đức tin vào chính Chúa. Tuy nhiên, đó là một sự khởi đầu.
Phần giới thiệu tiểu sử của Weigel trích dẫn lá thư của Cha Phaolô gửi cho một thanh niên đã hỏi về việc gia nhập Dòng Tên. Bất chấp mọi thứ đã xảy ra, Cha Phaolô nói:
Nếu tôi phải làm lại tất cả... Tôi sẽ vào Dòng Tên vào ngày mai... (bởi vì) có lợi thế khi thuộc về (ngay cả) một dòng băng hoại và phần lớn là phá đổ.... Đầu tiên... là những người đàn ông chính thống mà bạn gặp, họ chính thống vì lý do đúng đắn: bởi vì họ tin rằng đó là sự thật, không phải vì đó là một động thái nghề nghiệp khôn ngoan.... Họ là những người đàn ông xuất sắc; tốt hơn ở bất kỳ mức độ nào so với những gì tôi xứng đáng có được với tư cách là bạn bè... người sẽ không rời bên bạn khi có vẻ như bạn đang đánh một trận thua.... Lời khấn dòng Tên... nói “Và như Ngài đã ban cho con ước muốn được phục vụ Ngài, thì cũng hãy ban cho con ân sủng để hoàn thành điều đó.” Ngài thực hiện.
Cha Paul Mankowski xứng đáng có một tiểu sử đầy đủ. Để làm cho niềm tin trở nên sống động đối với một khán giả phương Tây hoài nghi, khó có thể có một chủ đề nào tốt hơn; và, trong người bạn của cha ấy, khó có một tác giả nào tốt hơn là George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh Gioan Phaolô II,. Vì vậy, quay lại với bạn, George — còn nhiều việc phải làm.
Source:First Things