Trong bản tuyên bố trên, hai nhà lãnh đạo cầu nguyện cho việc thay đổi cõi lòng nơi tất cả những người sử dụng bạo lực, cũng như nài nỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia lắng nghe tiếng kêu của những người “đang rất cần cơm bánh, chứ không phải súng đạn”.
Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố Chung:
Hôm nay tại Etchmiadzin Thánh Thiện, trung tâm tinh thần của mọi người Armenia, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Tối Cao của Mọi Người Armenia Karekin II nâng tâm trí chúng tôi lên cảm tạ Đấng Toàn Năng vì sự gần gũi liên tục và mỗi ngày mỗi lớn mạnh hơn giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo trong việc hai Giáo Hội cùng làm chứng cho sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng trong một thế giới bị xâu xé bởi xung đột và khao khát được an ủi và hy vọng.Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Cha, Con và Thánh Thần, vì đã làm cho chúng tôi có thể đến với nhau trong lãnh thổ thánh kinh Ararat này, một lãnh thổ tọa lạc tại đây như một nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ mãi mãi là sự che chở và cứu rỗi của chúng ta. Tinh thần chúng tôi rất hài lòng khi nhớ lại: năm 2001, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 1,700 việc tuyên bố Kitô Giáo là tôn giáo của Armenia, Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm Armenia và là chứng nhân của một trang sử mới trong các mối liên hệ ấm áp và huynh đệ giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi rất biết ơn khi được ơn phúc hiện diện với nhau ở buổi phụng vụ long trọng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma ngày 12 tháng Tư năm 2015, nơi chúng tôi đoan hứa hết sức chống lại bất cứ hình thức kỳ thị và bạo lực nào, và tưởng niệm các nạn nhân của điều được Bản Tuyên Bố Chung của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Karekin II nói đến như là “cuộc tận diệt một triệu rưỡi Kitô hữu Armenia, trong điều thường được nhắc đến như là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20” (27 tháng Chín, 2001).
Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa vì hôm nay, đức tin Kitô Giao lại một lần nữa trở thành một thực tại sinh động ở Armenia, và Giáo Hội Armenia đang thi hành sứ mệnh của mình với một tinh thần hợp tác huynh đệ giữa các Giáo Hội, nâng đỡ các tín hữu trong việc xây dựng một thế giới liên đới, công lý và hoà bình.
Tuy vậy, đáng buồn thay, chúng tôi chứng kiến một thảm kịch lớn lao đang diễn ra trước mắt chúng tôi, với không biết bao nhiêu người vô tội đang bị sát hại, bị phân tán hay buộc phải biệt xứ một cách đau lòng và không chắc chắn, bởi các cuộc tranh chấp liên lỉ vì lý do sắc tộc, kinh tế, chính trị và tôn giáo ở Trung Đông và ở các vùng khác trên thế giới. Thành thử, các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc đã trở thành mục tiêu cho cuộc bách hại và đối xử tàn bạo, đến nỗi việc chịu đau khổ vì niềm tin tôn giáo của người ta đã trở thành một thực tại hàng ngày. Các vị tử đạo thuộc mọi Giáo Hội và sự đau khổ của các ngài là một “đại kết bằng máu” vượt qua các chia rẽ lịch sử giữa các Kitô hữu, kêu gọi tất cả chúng ta phải cổ vũ việc hợp nhất hữu hình các môn đệ của Chúa Kitô. Nhờ sự cầu bầu của các Thánh Tông Đồ, Phêrô và Phaolô, Tađêô và Bartôlômêô, chúng tôi cùng cầu xin cho một sự thay đổi cõi lòng nơi tất cả những ai đang phạm tội ác và những ai đang ở vị thế ngăn chặn bạo lực. Chúng tôi nài nỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia lắng nghe tiếng kêu của hàng triệu con người đang khao khát hòa bình và công lý trên thế giới; họ đòi phải tôn trọng các quyền lợi do Thiên Chúa ban cho họ, họ đang rất cần cơm bánh, chứ không phải súng đạn. Đáng buồn thay, chúng tôi đang chứng kiến việc người ta trình bầy tôn giáo và các giá trị tôn giáo một cách cực đoan, một lối trình bầy được sử dụng để biện minh cho việc phổ biến hận thù, kỳ thị và bạo lực. Việc biện minh các tội ác dựa trên các ý niệm tôn giáo là điều không thể chấp nhận được, vì “Thiên Chúa không phải là tác giả của hỗn loạn, mà là của hòa bình” (1Cr 14:33). Hơn nữa, việc tôn trọng đối với sự dị biệt tôn giáo là điều kiện cần thiết cho việc chung sống hòa bình của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Chính vì là các Kitô Hữu, nên chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và thực thi các con đường tiến tới hòa giải và hòa bình. Về phương diện này, chúng tôi cũng xin bầy tỏ lòng hy vọng của chúng tôi về một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan tới Nagorno-Karabakh.
Ý thức điều Chúa Giêsu từng dạy các môn đệ khi Người nói: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn; Ta khát, các con đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con đã chào đón Ta; Ta trần truồng, các con đã mặc áo cho Ta; Ta đau ốm, các con đã thăm viếng Ta; Ta ở trong tù, các con đã tới thăm Ta” (Mt 25:35-36), chúng tôi xin các tín hữu trong các Giáo Hội của chúng tôi mở lòng và mở tay ra đón nhận các nạn nhân của chiến tranh và khủng bố, các tị nạn và gia đình họ. Người ta đang tranh cãi về cảm thức nhân loại, liên đới, cảm thương và đại lượng, những điều chỉ có thể phát biểu một cách thích đáng trong một cuộc giao kết các tài nguyên thực tiễn ngay tức khắc. Chúng tôi nhìn nhận mọi điều đã được thực hiện, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng về phần các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng quốc tế, nhiều điều hơn vẫn còn cần được làm để bảo đảm quyền lợi của mọi người được sống trong hòa bình và an toàn, để duy trì việc thượng tôn pháp luật, để che chở các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, để chống việc buôn người va buôn lậu.
Việc tục hóa các thành phần lớn lao trong xã hội, việc nó tách ra khỏi thể linh thiêng và thể thần linh, đang nhất thiết dẫn tới một viễn kiến phạm thánh và duy vật về con người và gia đình nhân bản. Về phương diện này, chúng tôi quan tâm tới cuộc khủng hoảng gia đình tại nhiều quốc gia. Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo chia sẻ cùng một viễn kiến về gia đình, dựa trên hôn nhân, một hành vi tự ý cho đi và yêu thương trung thành giữa người đàn ông và người đàn bà.
Chúng tôi vui mừng xác nhận rằng bất chấp các chia rẽ liên tục giữa các Kitô hữu, chúng tôi đã tiến tới chỗ hiểu rõ ràng hơn rằng điều kết hợp chúng tôi nhiều hơn điều chia rẽ chúng tôi. Đây là căn bản vững chắc để sự hợp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô trở thành tỏ hiện, phù hợp với lời lẽ của Chúa: “để chúng nên một” (Ga 17:21). Trong các thập niên vừa qua, mối liên hệ giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo đã mỹ mãn bước vào một giai đoạn mới, được củng cố bằng những lời cầu nguyện hỗ tương và các cố gắng chung trong việc vượt qua các thách đố hiện thời. Hôm nay, chúng tôi xác tín tầm quan trọng chủ yếu của việc đẩy xa mối liên hệ này thêm nữa, dấn thân vào một sự hợp tác sâu xa và dứt khoát hơn không những trong lãnh vực thần học, mà còn cả trong lãnh vực cầu nguyện và hợp tác tích cực trên bình diện các cộng đồng địa phương, nhằm mục tiêu tham dự sự hiệp thông trọn vẹn và cụ thể nói lên sự hợp nhất. Chúng tôi thúc giục các tín hữu của chúng tôi làm việc cách hoà hợp để cổ vũ các giá trị Kitô Giáo trong xã hội, các giá trị vốn đang đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng nền văn minh công lý, hoà bình và liên đới nhân bản. Con đường hòa giải và tình huynh đệ đang mở ra trước mặt chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng hằng hướng dẫn chúng ta bước vào mọi chân lý (xem Ga 16:13), nâng đỡ mọi cố gắng chân chính nhằm xây dựng các cây cầu yêu thương và hiệp thông giữa chúng ta.
Từ Etchmiadzin Thánh Thiện, chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu của chúng tôi tham gia với chúng tôi trong lời cầu nguyện, theo lời lẽ của Thánh Nerses Đầy Ơn Thánh: “Lạy Chúa vinh hiển, xin Chúa chấp nhận lời khẩn cầu của các tôi tớ Chúa, và nhân từ làm cho các lời khẩn nguyện của chúng con nên trọn, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Thánh Thiên Chúa, Thánh Gioan Baotixita, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi Stêphanô, Thánh Grêgôriô Soi Sáng, Các Thánh Tông Đồ, Các Tiên Tri, Các Nhà Thần Học, các Vị Tử Đạo, các Thượng Phụ, Các Vị Ẩn Tu, Các Vị Đồng Trinh và mọi vị Thánh của Chúa ở trên trời và ở dưới đất. Và, lạy Thiên Chúa Ba Ngôi không thể phân rẽ, chúng con vinh danh và thờ lạy Chúa muôn muôn đời. Amen”
Etchmiadzin Thánh Thiện, 26 tháng Sáu, 2016
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đức Thượng Phụ Karekin II