1. Cha Piô Năm Dấu Thánh đã nói những ngôn ngữ mà ngài không biết. Đặc sủng Xenoglossia là gì?

Nhiều chứng từ lịch sử ghi lại rằng Thánh Piô Pietrelcina đáng kính (thường được gọi là Cha Piô Năm Dấu Thánh), mà Giáo Hội mừng lễ ngài vào ngày 23 tháng 9, có khả năng nói và viết những ngôn ngữ mà thực ra ngài không biết.

Trang web PadrePio.it cho biết vị linh hướng của Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh, là Cha Agostino da San Marco ở Lamis, đã lưu ý vào năm 1912 rằng Cha Piô “không hề học tiếng Hy Lạp hay tiếng Pháp”.

Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 1912, sau khi nhận được những lá thư viết bằng một trong những ngôn ngữ đó, vị linh mục đã hỏi Cha Piô: “Ai đã dạy cha tiếng Pháp?” — và vị thánh đã trả lời: “Với câu hỏi của Cha về tiếng Pháp của con, con xin trả lời bằng một câu của tiên tri Giêrêmia … nescio loqui /nét sô lô quy/” nghĩa là “Than ôi, con không biết nói”.

Vào ngày 20 tháng 9 cùng năm đó, Cha Piô đã nói với Cha Agostino: “Các nhân vật trên trời không ngừng viếng thăm và khiến con nếm trải cảm xúc của những người được ban phước. Và nếu sứ mệnh của thiên thần hộ mệnh của chúng ta là lớn lao, thì sứ mệnh của con còn lớn lao hơn khi phải làm giáo viên để giải thích các ngôn ngữ khác.”

Trong cuốn sách Những câu nói và giai thoại của Cha Piô, Cha Constantino Capobianco viết rằng bà Angela Serritelli là một giáo viên tại San Giovanni Rotondo, đã được ơn hoán cải sau khi xưng tội với Cha Piô. Bà thúc giục anh trai đang sống ở Hoa Kỳ đưa con gái về Ý để xưng tội và rước lễ từ tay Cha Piô.

Cô gái không nói được tiếng Ý và Cha Piô không nói được tiếng Anh, nên ông ấy đã cử một người phụ nữ tên là Mary Pyle đi cùng.

Mary Pyle nói với Cha Piô: “Thưa cha, con đã đi cùng cháu gái của bà Angela đến để xưng tội với cha” “Không sao đâu,” Cha Piô nói

Nhưng người phụ nữ cố nài nỉ: “Thưa cha, con đến đây để giúp cô ấy vì cô gái không hiểu tiếng Ý,” và vị thánh trả lời: “Mary, con có thể đi vì đây là những điều riêng tư của cô ấy.”

Sau khi xưng tội, cô gái giải thích rằng Cha Piô đã nói chuyện với cô bằng tiếng Anh và họ có thể hiểu nhau rõ ràng.

Trong nhật ký của mình, Cha Agostino nhớ lại rằng vào ngày 21 Tháng Giêng năm 1945, ngài được kể rằng “vào năm 1940 hoặc 1941, một linh mục người Thụy Sĩ đã đến với Cha Piô và nói chuyện bằng tiếng Ý với Cha”.

“Trước khi rời đi, vị linh mục đã giao phó một người phụ nữ bị bệnh cho ngài và Cha đã trả lời bằng tiếng Đức một ngôn ngữ mà ngài không biết: 'ich werde sie an die gottliche Barmherzigkeit' nghĩa là 'Tôi giao phó bà ấy cho Lòng Thương Xót Chúa'. Vị linh mục đã rất ngạc nhiên về sự việc này và ngài đã kể lại điều đó cho nhiều người.”

Xenoglossia hay còn được viết là Xenoglossy, và đôi khi còn được gọi là xenolalia, là hiện tượng được cho là huyền bí trong đó một người có khả năng nói, viết hoặc hiểu một ngôn ngữ nước ngoài mà họ không thể thủ đắc bằng các phương pháp tự nhiên. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại xenos là “người nước ngoài” và glōssa là “lưỡi” hoặc “ngôn ngữ”.

Thuật ngữ xenoglossy lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà nghiên cứu ngoại cảm người Pháp Charles Richet vào năm 1905. Các tài liệu về xenoglossy được tìm thấy lần đầu tiên trong Tân Ước khi mô tả các thánh Tông đồ được ơn nói tiếng lạ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađôkia, Pontô, và Axia, có người là dân Phyghia, Pamphylia, Ai cập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do Thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơrêta hay người Ả rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: “Thế nghĩa là gì?” Nhưng người khác lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” (Cv 2:1-13)


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Zenari: Tại Syria, bom nghèo đói giết chết hy vọng

Đức Hồng Y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Damasco, thủ đô Syria, báo động rằng thảm trạng của dân Syria đang đi vào quên lãng, dù rằng chiến tranh tại đây bước vào năm thứ 14.

Chúa nhật, ngày 22 tháng Chín vừa qua, Đức Hồng Y Zenari đã cử hành thánh lễ tại Nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Ân Phúc (Santa Maria delle Grazia), ở khu Fornaci gần Vatican, là nhà thờ hiệu tòa của ngài. Trong cuộc gặp gỡ các linh mục sau thánh lễ, Đức Hồng Y cho biết nhân dân Syria đã kiệt quệ và đang bước vào năm thứ 14 của chiến tranh: Chiến tranh đã giết hại hơn 500.000 người, trên 7 triệu người di tản nội địa và hơn 5 triệu người khác tị nạn sang các nước khác. Theo Liên Hiệp Quốc, 16 triệu 700.000 người dân Syria đang cần được trợ giúp nhân đạo và gần 13 triệu người ở trong tình trạng bất an lương thực trầm trọng.

Đức Hồng Y Zenari nói về bao nhiêu thánh giá lớn, nhỏ, mỗi người phải vác. Ngài nhắc lại hình ảnh quá khứ, hơn một triệu người Syria phải trốn chạy chiến tranh, dưới trời mưa và trời tuyết, chỉ mang theo được những gì họ có thể: “Một con đường khổ giá dài bao nhiêu cây số”.

Một vụ khác, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, bom rơi trên thành phố Homs, và một ông từ coi nhà thờ đã hỏi cha xứ, cha Michele, xem phải chuẩn bị phụng vụ ở đâu, trong bối cảnh mọi sự bị tàn phá và các nhà thờ thì bị hư hại. Cha Michele bảo ông từ lấy một dây thật dài và kéo quanh những khu bị chiến tranh tàn phá rồi dựng một cây thánh giá ở giữa trên đó có ghi “Calvario”. Đức Hồng Y nói: “Sợi dây ấy ngày nay càng dài hơn, nó dài hàng kilômét, và bao quanh cả vùng Trung Đông. Tôi đã thấy bao nhiêu tàn phá, chết chóc, các trẻ em bị cụt tay cụt chân, bao nhiêu đau khổ trong những năm giao tranh khốc liệt. Giờ đây thì quả bom nghèo đói đang nổ tung, không để cho ta thấy hy vọng nào nơi dân chúng”.

Đức Hồng Y Zenari xác nhận rằng các cuộc cấm vận chống chế độ ở Syria có ảnh hưởng rất trầm trọng trên dân chúng: “Trong thời chiến tranh, còn có ánh sáng, giờ đây thì tối om bao trùm đất nước: thiếu thuốc men, lương thực, các vật dụng hằng ngày, các ngân hàng không đầu tư nữa, tài chính ngưng lại cũng như nền giáo dục. Ngày nay, một bác sĩ Syria chỉ kiếm được 20 Euro một tháng. Người ta học hành khi có thể và nghĩ đến việc xuất cư. Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày có 500 người rời khỏi Syria.”

Trong bối cảnh đó, Giáo hội đi hàng đầu trong việc cứu trợ, an ủi, mở ra mọi hoạt động ngoại giao để ngăn cản tình trạng rơi vào vực thẳm của dân chúng ở Syria”.

3. Carl R. Trueman: Mất Phúc Âm Là Trở Về Với Tình Trạng Ấu Trĩ

Carl Trueman là giáo sư nghiên cứu Kinh thánh và tôn giáo tại Đại Học Grove City và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công của Hoa Kỳ.

Ông vừa có bài viết trên tờ First Things nhan đề “Lose the Gospel, Return to Childishness” nghĩa là “Mất Phúc Âm Là Trở Về Với Tình Trạng Ấu Trĩ”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong tiểu thuyết The Book of Laughter and Forgetting (Sách cười và lãng quên) xuất bản năm 1975 của Milan Kundera, tổng thống Tiệp Khắc Gustav Husak—”Tổng thống của sự lãng quên”—tuyên bố, “Trẻ em! Các em chính là tương lai!” Kundera nói tiếp rằng điều này đúng “không phải vì một ngày nào đó các em sẽ trở thành người lớn mà vì nhân loại đang ngày càng trở nên trẻ con hơn, vì ấu trĩ chính là hình ảnh của tương lai”.

Bài viết gần đây của Douglas Murray trên tờ Spectator về Giáo hội Anh đã xác nhận sự sáng suốt mang tính tiên tri của nhà văn người Tiệp. “Vũ trường im lặng” của Nhà thờ Canterbury vào tháng 2 và “buổi tiệc rave” sắp tới của Nhà thờ Peterborough vào tháng 11 chắc chắn nói lên một thời kỳ ấu trĩ. Những tòa nhà này được xây dựng với mục đích tôn thờ nghiêm chỉnh và thiêng liêng; đó là lý do tại sao nhiều thế hệ đã đầu tư nhiều thập niên và nguồn lực vào việc xây dựng chúng. Việc sử dụng chúng bây giờ cho các sự kiện có thể dễ dàng được tổ chức trong một chiếc lều tạm bợ nói lên nhiều điều về bản chất tôn sùng chủ nghĩa khoái lạc tầm thường trong thời đại của chúng ta.

Nó cũng nói lên nhiều điều về một Giáo Hội đã mất hết niềm tin vào phúc âm được mã hóa trong Giáo Lý 39 điều, Sách Cầu Nguyện Chung và Sách Các Bài Giảng của Giáo Hội này từ lâu. Các báo cáo gần đây tiết lộ rằng Giáo Hội này ngày càng từ bỏ cụm từ “nhà thờ” để ủng hộ các mô tả khác, chẳng hạn như “cộng đồng”. Và bất kỳ ai nhìn vào The Queen's Window ở Tu viện Westminster có nhiều khả năng nhớ lại các cảnh trong SpongeBob hơn là kinh ngạc trước những suy nghĩ về đấng sáng tạo và ơn cứu chuộc siêu việt của nhân loại. Mất phúc âm, trở về với tình trạng ấu trĩ; đây dường như là mệnh lệnh của ngày hôm nay.

Thật vậy, sự ấu trĩ này là kết quả tất yếu của loại chủ nghĩa tự do thần học đã thống trị rất nhiều Giáo Hội trong nhiều thế hệ. Trớ trêu thay, chủ nghĩa tự do thần học thường là sản phẩm của một số bộ óc tuyệt vời nhất. Friedrich Schleiermacher, cha đẻ về mặt khái niệm của chủ nghĩa tự do Tin lành, là một trong những trí tuệ chói lọi nhất thời bấy giờ. Trường phái Tübingen, đã gây ra thiệt hại lớn cho đức tin chính thống, tự hào có một loạt các học giả xuất sắc. Và trong thế giới nói tiếng Anh, những nhân vật như CH Dodd và John AT Robinson là những người có khả năng học thuật thực sự. Tuy nhiên, thần học tự do, khi định hình đời sống thờ phượng và nghi lễ của Giáo Hội và thái độ của giáo dân trong nhiều năm, dường như chỉ có xu hướng chạy theo một hướng duy nhất trên thực tế là lần tìm về sự ấu trĩ.

Thánh Phaolô nghĩ rằng người ngoài cuộc vô tình bước vào một buổi lễ Kitô giáo vào thời của ngài sẽ bị choáng ngợp bởi cảm giác về sự thánh thiện của Chúa đang được tôn thờ. Kẻ đột nhập bất hạnh vào Nhà thờ Peterborough ngày nay cũng có thể bị choáng ngợp - bởi tiếng ồn chói tai và cảnh tượng đáng xấu hổ của những người lớn vui đùa như những thiếu niên khi hai căn bệnh tâm linh lớn của thế giới hiện đại của chúng ta, sự báng bổ và sự ấu trĩ, kết hợp lại với nhau.

Sự pha trộn giữa cái phàm tục và não trạng trẻ con này có lý: Con người càng thay thế Chúa làm thước đo của mọi vật, thì họ càng trở nên nhỏ bé. Họ không thể lớn lên, vì thiếu một mục đích nhất định, thực sự không có gì để họ phát triển thành. Và khi sự thánh thiện bị sức mạnh của con người làm ô uế, thì bản thân con người cũng bị thu hẹp lại, không còn là người mang hình ảnh của Chúa nữa mà chỉ là những khối vật chất gắn liền với ý chí. Vào thế kỷ thứ tư, Athanasius có thể tuyên bố rằng Chúa đã trở thành con người để con người có thể trở thành thần thánh. Con người được tôn vinh bởi hành động của Chúa siêu việt. Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng con người đã tự biến mình thành thần thánh để Chúa có thể bị thu hẹp lại thành con người bình thường. Hơn thế nữa, rằng nhân loại có thể trở thành một cấu trúc trẻ con mà mối quan tâm không bao giờ vượt ra ngoài những nhu cầu cấp thiết của tình trạng con người, dù đó là giải trí, chính trị hay chỉ đơn giản là cảm thấy tốt về bản thân mình. Tất nhiên, những người theo chủ nghĩa tự do không độc quyền về vấn đề này: Bất kỳ người theo Kitô giáo nào nói về “người đàn ông vĩ đại ở trên lầu” hoặc bắt chước những thành ngữ và lời chỉ trích trẻ con của thời điểm chính trị hiện tại đều có tội như vậy.

Chúng ta còn ấu trĩ. Kundera đã tiên tri về điểm đó. Điều đó không có nghĩa là những vấn đề đang bị đe dọa ở cả Giáo Hội và thế giới không thực sự nghiêm trọng. Nhưng những thành ngữ để giải quyết chúng đã trở nên ấu trĩ, và Giáo Hội phải chống lại sự cám dỗ đi theo thế giới trong vấn đề này. Do đó, để tìm kiếm sự phù hợp không đòi hỏi phải đầu hàng hoặc bắt chước tình trạng ấu trĩ, mà đúng hơn là phải nắm bắt lại ý nghĩa của việc trở thành người lớn. Giáo Hội phải làm chứng cho một đức tin trưởng thành. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần một cảm giác mới về sự thánh thiện, thiêng liêng và siêu việt. Và điều đó phải bắt đầu từ hàng lãnh đạo cao cấp nhất, nơi mà nó thường vắng mặt nhất. Các mục tử Kitô giáo ồn ào nhất hiện nay cho thấy ít khác biệt so với các phạm trù, thái độ và mối bận tâm của các nhà lãnh đạo thế tục. Đây là một sự thoái thác nhiệm vụ đáng buồn; trong số tất cả mọi người, các mục tử nên hướng lên thiên đàng, đến nơi Chúa Kitô ngự và cầu bầu cho dân của Người. Đó là tiếng gọi của họ, mặc dù một số người rõ ràng thấy điều đó là tầm thường và hạn chế. Nếu các nhà lãnh đạo Kitô giáo còn ấu trĩ, thì còn hy vọng gì cho các giáo đoàn của họ? Để hội thánh trở nên có liên quan, hội thánh phải tránh xa những điều ấu trĩ và lấy lại các ưu tiên của mình. Trước hết và quan trọng nhất, đó là nơi mà các Kitô hữu tôn thờ một Thiên Chúa thánh khiết, Đấng đã giải cứu chúng ta khỏi “những cách sống trẻ con” của chúng ta bằng giá rất đắt (1 Côrinhtô 13:11)


Source:First Things

4. Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Giám mục, Linh mục, Phó tế, Nam nữ thánh hiến, Chủng sinh và Nhân viên mục vụ Bỉ

Sáng Thứ Bẩy, 28 Tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới Vương cung thánh đường Thánh Tâm Koekelberg để gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Phó tế, Nam nữ thánh hiến, Chủng sinh và Nhân viên mục vụ. Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tôi rất vui khi được ở đây giữa anh chị em. Tôi cảm ơn Đức Giám Mục Terlinden vì những lời của ngài và đã nhắc nhở chúng ta về sự ưu tiên của việc loan báo Tin Mừng. Cảm ơn tất cả anh chị em.

Ở ngã tư là nước Bỉ này, anh chị em là một Giáo hội “đang chuyển động”. Thực thế, trong một thời gian, anh chị em đã cố gắng biến đổi sự hiện diện của các giáo xứ trong khu vực, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc đào tạo giáo dân; trên hết anh chị em làm việc để trở thành một Cộng đoàn gần gũi với mọi người, đồng hành với mọi người và làm chứng bằng những cử chỉ thương xót.

Lấy cảm hứng từ những câu hỏi của anh chị em, tôi muốn cống hiến cho anh chị em một số suy tư xoay quanh ba từ ngữ: Tin mừng hóa, niềm vui, lòng thương xót.

Con đường đầu tiên phải đi là truyền giáo. Những thay đổi của thời đại chúng ta và cuộc khủng hoảng đức tin mà chúng ta đang trải qua ở phương Tây đã thúc đẩy chúng ta quay trở lại với điều thiết yếu, đó là Tin Mừng, để tin mừng Chúa Giêsu mang đến thế gian được loan báo cho mọi người một lần nữa, làm cho mọi vẻ đẹp của nó tỏa sáng. Cuộc khủng hoảng - mọi cuộc khủng hoảng - là thời gian được cống hiến để lay động chúng ta, đặt chúng ta vào thế đặt nghi vấn và thay đổi. Đó là một dịp quý giá - theo ngôn ngữ Kinh Thánh người ta gọi là kairòs, một dịp đặc biệt - như đã xảy ra với Áp-ra-ham, Mô-sê và các tiên tri. Thực vậy, khi chúng ta trải qua nỗi cô đơn, chúng ta phải luôn tự hỏi Chúa muốn truyền đạt thông điệp gì cho chúng ta. Và cuộc khủng hoảng cho chúng ta thấy điều gì? Chúng ta đã đi từ một Kitô giáo được đặt trong khuôn khổ xã hội hiếu khách đến một Kitô giáo “thiểu số”, hay nói đúng hơn là một Kitô giáo làm chứng. Và điều này đòi hỏi sự can đảm của một cuộc hoán cải trong Giáo hội, để khởi xướng những biến đổi mục vụ liên quan đến các thói quen, mô hình, ngôn ngữ đức tin, để chúng thực sự phục vụ việc truyền giáo (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 27).

Và tôi muốn nói với Helmut: lòng can đảm này cũng cần có ở các linh mục. Là những linh mục không giới hạn mình trong việc bảo tồn hay quản lý một di sản của quá khứ, nhưng là những mục tử, những mục tử trong tình yêu Chúa Kitô và chú ý nắm bắt các vấn đề của Tin Mừng - thường là ngầm định - khi đồng hành với Dân thánh của Thiên Chúa; và chúng ta đi về phía trước một chút, một chút ở giữa và một chút ở phía sau. Và khi chúng ta mang Tin Mừng – tôi nghĩ đến những gì Yaninka đã nói với chúng ta – Chúa mở lòng chúng ta để gặp gỡ những người khác biệt với chúng ta. Thật là đẹp, quả thật điều cần thiết là trong giới trẻ phải có những ước mơ và linh đạo khác nhau. Nó phải chính xác như thế, vì có thể có nhiều con đường bản thân hoặc cộng đồng, tuy nhiên chúng đều dẫn chúng ta đến cùng một mục tiêu, đến cuộc gặp gỡ với Chúa: trong Giáo hội có chỗ cho mọi người - mọi người, mọi người! – và không ai phải là bản sao của người khác. Sự hiệp nhất trong Giáo hội không phải là sự độc dạng, mà là sự hài hòa của sự đa dạng! Và tôi cũng muốn nói với Arnaud: tiến trình đồng nghị phải là sự trở lại với Tin Mừng; nó không được có một số cải cách “thời thượng” nào đó trong số các ưu tiên của mình, nhưng hãy tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể làm cho Tin Mừng đến được với một xã hội không còn lắng nghe nó hoặc đã rời xa đức tin? Tất cả chúng ta hãy tự hỏi mình điều này.

Cách thứ hai: niềm vui. Ở đây chúng ta không nói về những niềm vui gắn liền với điều gì đó tạm thời, cũng như chúng ta không thể chiều theo những mô hình trốn chạy và giải trí theo chủ nghĩa tiêu dùng. Đó là một niềm vui lớn lao hơn, đi kèm và duy trì cuộc sống ngay cả trong những lúc đen tối hay đau đớn, và đây là một món quà đến từ trên cao, từ Thiên Chúa. Đó là niềm vui của tâm hồn được Tin Mừng khơi dậy: đó là biết được điều đó trên đường đi. chúng ta không đơn độc và ngay cả trong những hoàn cảnh nghèo khó, tội lỗi, ưu phiền, Thiên Chúa vẫn ở gần, chăm sóc chúng ta và sẽ không để cho cái chết có tiếng nói cuối cùng. Chúa ở gần, gần gũi. Rất lâu trước khi trở thành Giáo hoàng, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã viết rằng quy tắc phân định là: “Nơi nào thiếu niềm vui, nơi nào sự hài hước chết đi, nơi đó không có cả Chúa Thánh Thần […] và ngược lại: niềm vui là dấu hiệu của ân sủng”. (Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, Brescia 1978, 129). Thật là đẹp! Và vì vậy tôi muốn nói với anh chị em: ước gì việc rao giảng, cử hành, phục vụ và tông đồ của anh chị em cho phép niềm vui trong tâm hồn anh chị em được tỏa sáng, bởi vì điều này đặt ra những câu hỏi và thu hút ngay cả những người ở xa. Niềm vui của trái tim: không phải nụ cười giả tạo nhất thời mà là niềm vui của trái tim. Tôi cám ơn Sơ Agnese và nói với sơ: niềm vui là con đường. Khi sự chung thủy có vẻ khó khăn, chúng ta phải chứng tỏ – như sơ đã nói, Agnese ạ – rằng đó là “con đường hướng tới hạnh phúc”. Và rồi, nhìn thấy con đường dẫn đến đâu, chúng ta sẵn sàng hơn để bắt đầu cuộc hành trình.

Và cách thứ ba: lòng thương xót. Tin Mừng, được đón nhận và chia sẻ, được đón nhận và cho đi, dẫn chúng ta đến niềm vui vì nó khiến chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, Đấng chuyển động vì chúng ta, Đấng vực dậy chúng ta khỏi những vấp ngã, Đấng không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho chúng ta. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này trong tâm hồn: Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho chúng ta. “Nhưng thưa Cha, ngay cả khi con đã phạm phải điều gì nghiêm trọng?”. Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho anh chị em. Điều này, khi đối diện với kinh nghiệm về sự dữ, đôi khi có vẻ “bất công” đối với chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ đơn giản áp dụng công lý trần thế như sau: “Ai phạm sai lầm thì phải trả giá”. Tuy nhiên, sự công bằng của Thiên Chúa thì cao cả hơn: những ai mắc lỗi lầm được kêu gọi sửa chữa lỗi lầm của mình, nhưng để chữa lành tâm hồn họ cần đến tình yêu thương xót của Thiên Chúa: Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Thiên Chúa luôn tha thứ; chính nhờ lòng thương xót của Người mà Thiên Chúa công chính hóa chúng ta, nghĩa là làm cho chúng ta trở nên công chính, vì Người ban cho chúng ta một trái tim mới, một cuộc sống mới.

Vì vậy tôi muốn nói với Mia: cảm ơn con vì công việc vĩ đại con đã làm để biến sự giận dữ và nỗi đau thành sự giúp đỡ, sự gần gũi và lòng cảm thương. Sự lạm dụng tạo ra đau khổ và vết thương khủng khiếp, đồng thời làm suy yếu con đường đức tin. Và cần có rất nhiều lòng thương xót, để không trở nên chai đá trước nỗi đau khổ của các nạn nhân, để họ cảm nhận được sự gần gũi của chúng ta và cống hiến mọi sự giúp đỡ có thể, để học hỏi từ họ - như con đã nói - trở thành một Giáo hội phục vụ mọi người mà không khuất phục ai. Đúng vậy, bởi vì một trong những gốc rễ của bạo lực là lạm dụng quyền lực, nên khi chúng ta sử dụng các vai trò này, chúng ta phải đè bẹp hoặc thao túng người khác.

Và lòng thương xót – tôi nghĩ đến sự phục vụ của Pieter – là từ khóa dành cho các tù nhân. Khi bước vào nhà tù, tôi tự hỏi: tại sao lại là họ mà không phải là tôi? Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không giữ khoảng cách với những vết thương và sự ô uế của chúng ta. Người biết rằng tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm, nhưng không ai sai cả. Không ai mất đi mãi mãi. Do đó, thật đúng đắn khi đi theo mọi con đường của công lý trần thế và con đường nhân bản, tâm lý và hình sự; nhưng hình phạt phải là một liều thuốc, nó phải đưa đến sự chữa lành. Chúng ta cần giúp đỡ mọi người tự đứng vững trở lại, tìm ra con đường của mình trong cuộc sống và trong xã hội. Trong đời mỗi người chỉ có một lần được phép coi thường một người: giúp họ đứng dậy. Chỉ như thế thôi. Hãy nhớ rằng: tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm, nhưng không ai sai, không ai mất đi mãi mãi. Lòng thương xót, luôn luôn, luôn luôn thương xót.

Thưa anh chị em, tôi xin cảm ơn. Và để chào mừng anh chị em, tôi muốn nhớ đến một tác phẩm của Magritte, họa sĩ nổi tiếng của anh chị em, có tựa đề “Hành động của đức tin”. Nó tượng trưng cho một cánh cửa đóng từ bên trong, tuy nhiên cánh cửa này bị phá vỡ ở trung tâm và mở ra bầu trời. Đó là một cái nhìn thoáng qua, mời gọi chúng ta đi xa hơn, hướng cái nhìn về phía trước và hướng lên trên, không bao giờ khép kín mình, không bao giờ ở trong chính mình. Đây là hình ảnh tôi để lại cho anh chị em, như một biểu tượng của một Giáo hội không bao giờ đóng cửa - làm ơn, đừng bao giờ đóng cửa! –, mang đến cho mọi người một lối mở vào cõi vô tận, nơi biết cách nhìn xa hơn. Đây là Giáo hội truyền giáo, sống niềm vui Tin Mừng, thực hành lòng thương xót.

Thưa anh chị em, hãy cùng nhau bước đi, cùng với Chúa Thánh Thần, và thực hành lòng thương xót, để trở thành Giáo hội như thế. Không có Chúa Thánh Thần thì không có Kitô giáo nào xảy ra cả. Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta, dạy chúng ta điều này. Ngài sẽ hướng dẫn anh chị em và giữ gìn anh chị em. Tôi chúc phúc cho mọi người từ tận đáy lòng. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!