Đối với Jonathan Liedl của CNA, các vấn đề với Con đường Đồng nghị đi sâu hơn nhiều so với các đề xuất gây tranh cãi mà nó đưa ra.



Thực vậy, nhìn từ xa, các vấn đề chính của Con đường Đồng nghị Đức dường như đủ rõ ràng. Chúng ở dạng các nghị quyết gây tranh cãi, khi tiến trình kết thúc giai đoạn đầu vào ngày 9-11 tháng 3 với một phiên họp ở Frankfurt, đã tiến triển với đa số áp đảo: ban phước lành cho các cặp đồng tính, đưa ý thức hệ chuyển giới vào thực hành của Giáo hội, thúc đẩy Vatican cho phép việc phong chức bí tích cho phụ nữ, v.v.

Nhưng theo dõi các thủ tục từ phòng họp thượng hội đồng và tìm hiểu sâu xa bối cảnh rộng lớn hơn của Giáo Hội Công Giáo Đức cho thấy một điều gì đó có hệ thống và độc ác hơn nhiều đang diễn ra, trong đó các đề xuất được quảng cáo chỉ là hoa trái có tính hủy diệt.

Các vấn đề của Con đường Đồng nghị nằm ở gốc rễ của toàn bộ vụ việc: nền tảng ba mũi nhọn của các tiền đề thần học thiếu sót nghiêm trọng, các chiến thuật cưỡng bức để ép buộc sự tuân thủ và tinh thần bất tuân đầy kiêu ngạo. Kết quả là một dự án trong đó đức tin phổ quát của Giáo Hội Công Giáo - được dạy bởi huấn quyền, được phát biểu trong Sách Giáo lý và được các tín hữu trên toàn thế giới tuân theo - gần như không thể phát hiện được.

Thần học thiếu sót

Từ góc độ thần học, các vấn đề được đưa ra bởi Con đường Đồng nghị có vẻ khác biệt và đa dạng. Việc chúc lành cho các mối quan hệ đồng tính liên quan đến nhân học và luân lý thần học, vấn đề về việc truyền chức cho phụ nữ là vấn đề của bí tích học, và một Hội đồng đồng nghị thường trực trong đó giáo dân có thể phủ quyết hàng giám mục thuộc lĩnh vực giáo hội học.

Tuy nhiên, điểm chung của mỗi và mọi đề xuất của Con đường Đồng nghị là chúng được soi sáng bởi cùng một nền thần học căn bản, hoặc sự hiểu biết về bản chất của mặc khải Thiên Chúa cho nhân loại. Ở bình diện căn bản nhất này, nhãn quan thần học làm sinh động Đường lối Đồng nghị được đặc trưng bởi sự nghi ngờ sâu sắc đối với khả năng của Chúa Giêsu Kitô – Lời dứt khoát của Thiên Chúa – đến với chúng ta ngày nay một cách đáng tin cậy qua Thánh Kinh và Thánh Truyền, qua trung gian là thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội.

Vì không tin tưởng vào khả năng của Giáo hội trong việc giải thích Mặc khải Thiên Chúa, nên các “nguồn” khác xuất hiện như những nguồn giải thích dứt khoát đức tin Công Giáo: cụ thể là cảm thức thế tục về tiến trình lịch sử và kinh nghiệm chủ quan. Các lập luận dựa trên các tiêu chuẩn này chiếm ưu thế trong suốt phiên họp thứ năm của Con đường Đồng nghị. Thí dụ, hầu hết các biện minh cho việc phong chức cho phụ nữ tại phiên họp đều dựa trên cảm thức chủ quan của từng phụ nữ rằng họ được kêu gọi vào thừa tác vụ thụ phong hoặc vào nhu cầu được tri nhận là phải cập nhật thực hành của Giáo hội để phản ảnh các chuẩn mực văn hóa phổ biến ở Đức. Werner Otto, một linh mục, lưu ý rằng ngài không thể tin rằng vấn đề phụ nữ giảng trong Thánh lễ vẫn còn cần được thảo luận vào năm 2023. Ngài đã nhận được một tràng pháo tay nồng nhiệt.

Có lẽ một trong những khoảnh khắc thần học kỳ lạ nhất trong hội nghị Frankfurt diễn ra giữa cuộc thảo luận liên quan đến ý thức hệ chuyển giới, khi Julianne Eckstein, giáo sư thần học ở Münster, lập luận rằng vì sách Sáng thế không phân biệt được những con vật yêu quí và những con vật hoang dã, nên điều chúng ta có thể làm bây giờ là vượt ra ngoài mô tả hạn hẹp của nó về loài người như nam hay nữ. Cũng trong cuộc đàm đạo đó, một nữ tu nói rằng mặc dù chúng ta không biết nhiều về bản chất con người, hay thậm chí về Thiên Chúa, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện diện trong mỗi người, một lập luận ủng hộ cảm thức chủ quan của một người nào đó lấn át thẩm quyền của Giáo hội giảng dạy dựa trên Mặc khải Thiên Chúa. Vẫn còn một đại biểu khác nói rằng chỉ có Truyền thống của Giáo Hội Công Giáo là cản trở việc chấp nhận ý thức hệ chuyển giới, và nó cần phải bị “tiêu diệt”.

Trong tác phẩm Những nguyên tắc của Thần học Công Giáo (1989), Joseph Ratzinger đã đưa ra một mô tả về ít nhất một trong những động lực rõ ràng đang diễn ra: một sự đảo ngược phương trình của nhà thần học người Đức chịu ảnh hưởng Hegel là Karl Rahner về những ý kiến phổ biến của con người về Kitô giáo.

“Nếu các giáo huấn của Kitô giáo có tính nhân bản một cách phổ quát, là những quan điểm phổ quát về lý trí con người, thì phải kết luận là những quan điểm được chấp nhận phổ quát này là Kitô giáo,” Giáo hoàng tương lai Bênêđictô XVI đã viết như thế, mô tả quan điểm này làm suy yếu thẩm quyền của Giáo hội ra sao. “Nếu đúng như vậy, thì người ta phải giải thích Kitô giáo là gì dựa trên những phát hiện phổ quát của lý trí con người.”

Nói cách khác, không hẳn là cách tiếp cận “không điều gì là chắc chắn, nên mọi điều đều được cả”. Thay vào đó, lý trí được cho là giác ngộ của con người đã xuất hiện như một tiêu chuẩn thần học tối hậu, qua đó Kinh thánh và Truyền thống phải bị sàng lọc. Những gì nói đều có giá trị.

Điều này thấy rõ ràng qua cách Con đường Đồng nghị tiếp cận một cách lựa lọc các giáo huấn của Công đồng Vatican II. Bất chấp rõ ràng phủ nhận Dei Verbum, hiến chế tín điều của công đồng về Mạc khải Thiên Chúa, bằng cách bác bỏ tính đặc biệt và dứt khoát của mặc khải Kitô giáo trong bản văn nền tảng của Thượng hội đồng, các tài liệu và các đại biểu của Con đường Đồng nghị thường xuyên sử dụng các khái niệm từ các giáo huấn của Công đồng để biện minh cho các đề xuất của họ. Nhưng được sàng lọc qua một nền thần học căn bản thiếu sót, những khái niệm này trở nên biến dạng, mất cân bằng và bị trừu tượng hóa khỏi các bản văn trong đó chúng được trình.

Giáo huấn của Lumen Gentium 9 về “dân Chúa” được trích dẫn làm cơ sở cho chủ trương để giáo dân vượt qua thẩm quyền của một giám mục hoặc đọc cho ngài viết ra giáo huấn của ngài, bất chấp mọi điều khác mà tài liệu nói về bản chất phẩm trật của Giáo hội; khái niệm “cảm thức đức tin của tín hữu” đã được sử dụng để biện minh cho việc thay đổi tín lý và kỷ luật của Giáo hội trên cơ sở các cuộc thăm dò ý kiến, dường như không biết rằng có ít hơn 5% người Công Giáo Đức đi lễ và việc thiếu hiểu biết hoặc chấp nhận tín lý căn bản của Công Giáo là điều cố hữu; và việc Gaudium et Spes đề cập đến “các dấu chỉ thời đại” đã được nói đến như thể đó là tiêu chuẩn thần học tối hậu, một lập trường gần đây đã bị Cha Thomas Marschler, một linh mục và nhà thần học tại Đại học Augsburg, chỉ trích (xem https://churchlifejournal.nd.edu/articles/signs-of-the-times-as-a-new-locus-theologicus).

Nếu một cách tiếp cận thần học dựa trên những diễn giải méo mó về chùm khái niệm công đồng này - “dân Chúa”, “Dấu chỉ thời đại”, “Cảm thức đức tin của các tín hữu” - nghe có vẻ quen thuộc, đó là bởi vì nó cũng đã được sử dụng để lập luận cho những thay đổi đáng kể đối với Giáo hội thông qua Thượng hội đồng đang diễn ra về tính đồng nghị bởi các nhân vật ở nơi khác, như Hồng Y Robert McElroy, và được cho là hiện diện cả trong “tài liệu làm việc” của giai đoạn lục địa của thượng hội đồng. Do đó, cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến Con đường Đồng nghị Đức cũng có thể sẽ có những hệ luận cho dự án thần học rộng lớn hơn này.

Nhưng trong khi quan điểm thần học này là một điều gì đó xa lạ trong Giáo hội hoàn vũ - mặc dù là một quan điểm ồn ào, có vị trí tốt và được tài trợ tốt - thì nó hoàn toàn thống trị bối cảnh Đức và Con đường Đồng nghị. Hầu hết những lời giải thích của những người Công Giáo Đức vẫn trung thành với huấn quyền đều viện dẫn cuộc khủng hoảng dạy giáo lý kéo dài nhiều thế hệ ở Đức, trong đó hướng dẫn căn bản đã bị bỏ qua bởi các mục tử được đào tạo bởi một cơ sở lãnh đạo thần học hàn lâm thù địch với các vị giáo hoàng của Rôma, huấn quyền và Sách Giáo lý.

Các chiến thuật kiểu [George] Orwell

Tuy nhiên, một thiểu số khá lớn những người tham gia Con đường Đồng nghị, và đặc biệt là các giám mục, không chia sẻ quan điểm thần học bị bóp méo này cũng như không tán thành các giải pháp có vấn đề mà nó đã dẫn đến. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết biết rõ điều đó dựa trên số phiếu bầu tại phiên họp tháng này. Đó là bởi vì các giám mục Đức không đồng ý đã bị khuất phục trước một chiến dịch đe dọa tàn bạo của ban lãnh đạo Con đường Đồng nghị, các đại biểu và thậm chí cả các giám mục đồng nghiệp của họ, nên đã thay đổi kết quả của các cuộc bỏ phiếu quan trọng.

Tại phiên họp trước đó vào tháng 9, các quy tắc đã được thay đổi sau khi một phần ba số giám mục Đức bỏ phiếu chống lại một bản văn thúc đẩy một lối hiểu hoàn toàn bất chính thống về tình dục con người, ngăn cản việc áp dụng văn bản đó. Để ngăn chặn kết quả như vậy xảy ra lần nữa, ban lãnh đạo phiên họp đã vô hiệu hóa một cách hữu hiệu quyền bầu cử bằng cách bỏ phiếu kín, bằng cách bảo đảm rằng việc bỏ phiếu kín phải được toàn thể phiên họp chấp thuận. Thực vậy, điều này đã xảy ra với một nghị quyết hết sức quan trọng ở Frankfurt. Thực thế, khi Giám Mục Phụ Tá Florian Wörner của Augsburg cố gắng yêu cầu bỏ phiếu kín, một điều phải có sự hỗ trợ bằng văn bản của bốn người khác, các đại biểu khác đã yêu cầu được biết tên của các giám mục khác đã tham gia với ngài.

Động thái gây tranh cãi để bỏ phiếu công khai đã hữu hiệu một cách tàn nhẫn. Trong khi 20 giám mục đã bỏ phiếu chống lại bản văn cơ sở về tình dục vào tháng 9 (trong khi 3 giám mục bỏ phiếu trắng), các con số gần như bị đảo ngược khi được đem ra đầu phiếu công khai ngay đối với các bản văn hành động từng bị bác bỏ. Chẳng hạn, trong cuộc bỏ phiếu ban phép lành cho người đồng tính, chín giám mục đã bỏ phiếu “Không”, nhưng 11 vị bỏ phiếu trắng. Và trong cuộc bỏ phiếu chấp nhận đưa ý thức hệ chuyển giới vào thực hành của Giáo hội, 13 giám mục đã bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ có 7 giám mục bỏ phiếu chống lại biện pháp này. Trong cả hai trường hợp, nếu các giám mục bỏ phiếu trắng bỏ phiếu chống lại nghị quyết, thì nghị quyết đó sẽ không được thông qua.

Trong khi nhiều người đặt câu hỏi về tư cách đạo đức của một giám mục muốn không đồng ý với các biện pháp này nhưng đã bỏ phiếu trắng thay vì bỏ phiếu “Không” vì sợ phản ứng dữ dội, thì rất ít người bên ngoài hiểu được mức độ mà hàng giám mục Đức bị bao vây một cách hữu hiệu bởi một thế lực thù địch tích cực và mạnh mẽ của bộ máy giáo dân trong giáo hội. Làm giàu nhờ “thuế nhà thờ” do chính phủ thu, Giáo Hội Công Giáo ở Đức sử dụng 800,000 người, một con số cao gần bằng tổng số người Công Giáo Đức đi lễ hầu hết các Chúa nhật (900,000). Thực thế, nhiều nhân viên của Giáo hội ở Đức không tham gia vào các thực hành căn bản của đức tin Công Giáo, chẳng hạn như Thánh lễ Chúa nhật, cũng như không đồng ý với các tín lý cốt lõi của Giáo hội. Tuy nhiên, vì luật lao động của Giáo hội, luật này thậm chí còn được bảo vệ nhiều hơn sau khi hội đồng giám mục Đức thông qua những luật mới vào tháng 11 vừa qua, nên các giám mục có rất ít khả năng loại bỏ các tác nhân thù địch hoặc những người đi trệch khỏi đức tin.

Một điển hình có thể tìm thấy ở Cologne, nơi việc phản đối gay gắt chống lại Đức Hồng Y Rainier Maria Woelki sau khi ngài bị cáo buộc xử lý sai việc lạm dụng giáo sĩ, được nhiều người coi như một nỗ lực che đậy mỏng manh nhằm bịt miệng vị giáo phẩm vốn là người chỉ trích nổi bật Con đường Đồng nghị. Đức Hồng Y Woelki đã phải đối đầu với sự phản đối rộng rãi của các nhân viên của giáo phận thực tế đã hoàn toàn làm tê liệt thừa tác vụ của ngài. Ngài thậm chí đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã không chấp nhận nó, nhưng cũng không đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho vị giáo phẩm đang gặp khó khăn. Đức Hồng Y Woelki, có giáo phận nằm ở nơi được nhiều người coi là thủ đô “LGBTQ” của Đức, đã bỏ phiếu trắng cho nghị quyết ban phước lành cho người đồng tính tại phiên họp tháng này.

Các chiến thuật mà những người đề xướng Con đường Đồng nghị đã sử dụng phù hợp với những lời lẽ hoa mỹ trên sàn phiên họp này. Rất thường xuyên, các giám mục bị khiển trách công khai vì đã đưa ra những sửa đổi đối với các bản văn, thường xuyên bị cáo buộc là thư lại và không quan tâm đến tính đồng nghị thực sự. Trong nhiều trường hợp, còn có ngụ ý cho rằng các giám mục nên tự tử nếu họ không ủng hộ các nghị quyết liên quan đến việc ban phước cho người đồng tính và thay đổi bản dạng phái tính. Trong ít nhất một trường hợp, một giám mục đã bị chế nhạo trong một tràng pháo tay hợp xướng. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng phiên họp thứ năm và cũng là phiên họp cuối cùng này thực sự thuần thục hơn so với cuộc họp tháng 9, lúc một số giám mục từng bỏ phiếu “Không” chống lại bản văn căn bản đã bị áp lực phải thú tội trước toàn thể phiên họp.

Trên thực tế, năm cựu đại biểu đã từ chức để phản đối trước phiên họp cuối cùng, quyết định không tham gia.

Dorothea Schmidt, một trong bốn nữ đại biểu chọn không tham gia Thượng Hội đồng vào tháng Hai, nói với Register: “Những cuộc tấn công cá nhân và phỉ báng thường trút xuống chúng tôi, những người đã lên tiếng theo tinh thần giáo huấn của Giáo hội. Toàn bộ tiến trình Đồng nghị là chính trị, không phải là Đồng nghị như Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn.”

Tinh thần bất tuân

Các nhà tổ chức Con đường Đồng nghị thường cẩn thận, thậm chí có chiến lược, để không vượt qua những gì họ coi là lằn ranh đỏ do Rôma vạch ra. Trường hợp rõ ràng nhất là quyết định trì hoãn việc bỏ phiếu để thành lập một hội đồng đồng nghị thường trực, điều mà Vatican đã cảnh báo rõ ràng trước khi diễn ra phiên họp. Thay vào đó, các đại biểu đã bỏ phiếu thành lập một “Ủy ban Đồng nghị”, ủy ban này sẽ được giao nhiệm vụ chuẩn bị một Hội đồng Đồng nghị thường trực có thể có, trong khi hội đồng giám mục Đức và Ủy ban Trung ương đầy quyền lực của người Công Giáo Đức cố gắng thu hút sự ủng hộ đối với các đề xuất của họ ở Rôma và nước ngoài.

Trong một số trường hợp khác tại phiên họp Frankfurt, các đại biểu và các nhà lãnh đạo nói tới giáo luật, tín lý và các kỷ luật của Giáo hội, tốt nhất, như là hủ tục hành chính cần được khắc phục trên con đường dẫn đến một kết quả đã định trước, thay vì là những biểu thức đức tin hợp pháp cần được tiếp nhận và định hình theo.

Loại tinh thần bất tuân này không phải là điều mới mẻ. Các giám mục Đức từng bác bỏ Humanae Vitae và lệnh cấm tránh thai nhân tạo với “Tuyên bố Königstein” năm 1968, vốn chưa bao giờ được chính thức hủy bỏ. Người Công Giáo Đức thường xuyên nói về một loại Deutscher Katholizismus [Đạo Công Giáo Kiểu Đức] tự coi mình ở trên và vượt xa những gì Vatican hoặc phần còn lại của Giáo hội hoàn vũ phải nói.

Và, tất nhiên, có những tiền lệ cũ hơn về sự bất tuân của người Đức đối với Rôma, điều mà nhóm đối lập Maria 1.0 đã nhắc nhở các giám mục và đại biểu bên ngoài cuộc họp Thượng hội đồng bằng một tấm biển ghi: Mach nicht den Luther! (“Đừng làm Luther!”) (xem hình).

Trong những tuần sau khi phiên họp kết thúc, tinh thần bất tuân đã bộc phát một cách cụ thể hơn. Bất chấp tuyên bố năm 2021 của Vatican rằng “Giáo hội không có, và không thể có, quyền ban phước cho sự kết hợp của những người đồng tính” và Đức Hồng Y Pietro Parolin nhấn mạnh rằng các giám mục Đức không thể làm gì về vấn đề này nếu không có Giáo hội hoàn vũ, Đức Giám Mục Georg Bätzing nhấn mạnh trên truyền hình Đức rằng việc thực hành sẽ diễn ra ở Đức, dù có hay không có sự chấp thuận của Vatican.

“Chúng tôi sẽ thực hiện nó ở đây,” Giám mục Bätzing nhắc lại khi trả lời câu hỏi liệu ngài có chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có đồng ý hay không.

Mặc dù mô tả Con đường Đồng nghị là duy ưu tú, ý thức hệ, không nghiêm túc và không hữu ích, nhưng Đức Thánh Cha vẫn chưa thực hiện bất cứ can thiệp cụ thể nào vào tình trạng của Giáo hội ở Đức. Những người Công Giáo trên thực địa chấp nhận đức tin phổ quát đang khao khát có sự can thiệp, nhưng không tin rằng sẽ có sự giúp đỡ. Các cuộc thảo luận về việc “rời khỏi Giáo hội để vẫn còn là Công Giáo,” hoặc không liên kết với guồng máy Công Giáo được công nhận hợp pháp ở Đức để không bị tội đồng lõa với chủ nghĩa dị giáo tràn lan của nó, đang lan rộng trong nhóm này, cũng như các câu hỏi về việc được chuyển đến các giáo phận chính thống hơn, hoặc thậm chí ở nước ngoài.

Nếu sự rõ ràng và sửa sai từ Rôma không đến sớm, nhiều người lo sợ rằng cùng một nền thần học đáng ngờ, chiến thuật Orwell và tinh thần bất tuân được biểu lộ bởi Con đường Đồng nghị ở Đức sẽ sớm lan rộng ở những nơi khác. Và vì lý do chính đáng: Các thượng hội đồng Đức minh nhiên cho thấy rằng đây là mục tiêu của họ.

Các cuộc thảo luận ở Frankfurt đã đụng đến các chiến lược của Con đường Đồng nghị nhằm thu hút sự ủng hộ đối với các đề xuất của nó ở Rôma và xa hơn thế nữa, vì nhiều mục tiêu của nó - chẳng hạn như phong chức cho phụ nữ hoặc chấm dứt tình trạng độc thân của linh mục - sẽ cần có sự chấp thuận ở bình diện hoàn cầu. Khả năng tạo “video quảng cáo” thậm chí đã được đề cập. Nhiều lần, các đại biểu của Con đường Đồng nghị đã nói về công việc khiêu khích của họ là cần thiết để dẫn đến những thay đổi trong giáo huấn và thực hành của Giáo hội ở những nơi khác trên thế giới.

Nó phản ảnh một vần điệu ngắn nổi tiếng của Kaiser Wilhelm II vào năm 1907, mà chính nhiều người Công Giáo Đức cho rằng vẫn còn đặc trưng cho não trạng của người Đức: Am deutschen Wesen mag die Welt genesen (“Phong cách sống của người Đức sẽ chữa lành thế giới”).

Hoặc, trong trường hợp này, cách “khác biệt” làm Công Giáo của Con đường Đồng nghị Đức sẽ lây nhiễm ra khắp Giáo hội.