Tiến sĩ Thomas R. Rourke của Catholic World Report, ngày 26 tháng 3, cho rằng: Thật sáo rỗng khi nhận định rằng các tập tục tình dục đã “thay đổi”. Mặc dù không sai khi nói rằng các chuẩn mực tình dục đã “thay đổi”, nhưng sự phổ biến của ngôn ngữ này có xu hướng che khuất tính cụ thể của những gì đã thực sự xảy ra.



Thực vậy, xem xét các thành phần khác nhau của triết lý đang thúc đẩy những người ủng hộ cuộc cách mạng tình dục, cũng như nhiều người Công Giáo cấp tiến, bản tóm tắt tốt về các đề xuất khác nhau của họ chỉ đơn giản là thế này: toàn bộ lĩnh vực tình dục của con người không bị luật pháp chi phối. Có thể nói, tình dục là “vùng tự do vô luật lệ”. Mặc dù hiếm khi được quảng cáo như vậy (nó vẫn còn quá cấp tiến đối với hầu hết mọi người), nhưng một cuộc điều tra sâu sắc về tư tưởng cấp tiến—cả thế tục lẫn Công Giáo—cho thấy cách diễn đạt này, trên thực tế, là một bản tóm tắt chính xác.

Nói cách khác, toàn bộ lĩnh vực tư duy luân lý truyền thống và các quy tắc mà nó đặt ra đối với việc thực hiện tính dục của con người, phải bị loại bỏ hoàn toàn. Nó phải được thay thế bằng quyền tự do lựa chọn không bị hạn chế bởi bất cứ điều gì mà tư tưởng phương Tây cho đến nay đã công nhận là luật.(1)

Ý niệm cho rằng tình dục của con người không nên bị chi phối bởi các nguyên tắc vững chắc, bất biến là điều hiển nhiên nhất trong tư tưởng thế tục. Trong nhiều thập niên, chúng ta đã nghe điệp khúc cho rằng các chuẩn mực luân lý truyền thống liên quan đến tình dục là khắt khe, đạo đức giả, lấy cảm hứng từ sự thống trị của nam giới và/hoặc sự đàn áp nữ giới, hướng tới việc “kiểm soát” (bị coi là điều xấu), biến phụ nữ thành “nhà máy sản xuất trẻ em, ” và kìm hãm xã hội loài người trong vũng lầy của tư duy tiền Khai sáng. Kết luận là chúng ta nên chuyển tất cả những điều này thành tự do của con người. Đàn ông và đàn bà đến tuổi có thể tự quyết định về những vấn đề như vậy.(2)

Chúng ta có thể điều tra cuộc cách mạng tình dục một cách sâu xa như chúng ta muốn, tìm hiểu xem ai có thể tham gia vào các hành vi tình dục, các loại mối liên hệ khác nhau giữa những người tham gia (người yêu, chỉ qua đêm, v.v.) và hoàn cảnh xung quanh hành vi đó (kết hôn, không kết hôn)—và chúng ta sẽ thấy không có gì có thể gọi là luật lệ để chi phối mọi tình huống. Toàn bộ lĩnh vực được xác định bởi “sự lựa chọn tự do”, bản thân nó được xác định bởi bất cứ “chuẩn mực” nào mà người tham gia đã chọn cho mình, để theo đuổi một sự hiểu biết phi chuẩn mực, tự chọn khác về “sự thỏa mãn” hoặc đơn giản là khoái lạc.

Không có trường hợp nào mà hành vi tình dục có thể bị coi là vô luân vì bản chất của những người tham gia, bản thân hành vi hoặc hoàn cảnh xung quanh hành vi đó. Không lập luận nào khẳng định rằng một hành vi tình dục đặc thù nào bị điều chỉnh bởi một quy tắc vĩnh viễn sẽ có giá trị ở đây—trừ khi người tham gia chọn quy tắc đặc thù đó.

Chúng ta phải rõ ràng hơn và nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của sự thay đổi này. Thật sáo rỗng khi nhận định rằng các tập tục tình dục đã “thay đổi”. Mặc dù không sai khi nói rằng các chuẩn mực tình dục đã “thay đổi”, nhưng sự phổ biến của ngôn ngữ này có xu hướng che khuất tính cụ thể của những gì đã thực sự xảy ra. Xin sử dụng một phép loại suy: Tôi có thể đang đi bộ xuống một con phố và thay đổi hướng đi của mình năm độ sang trái hoặc phải. Đó cũng là một sự “thay đổi”. Nhưng nó sẽ là một mô tả rất nghèo nàn và thiếu sót về những gì đã xảy ra với các chuẩn mực tình dục.

Người ta lấy những chuẩn mực chi phối tình dục con người trong toàn bộ lịch sử của phương Tây và họ đảo ngược chúng hoàn toàn. Và bây giờ các “chuẩn mực” mới - thực ra là sự vắng mặt của chúng - khiến người ta đi theo hướng ngược lại trước đây. Các “chuẩn mực” mới đi theo hướng ngược 180 độ so với hướng nguyên thủy.

Mọi điều sai trái và được công nhận như thế hai thế hệ trước giờ đây đều đúng: ly hôn rồi tái hôn hàng loạt, ngoại tình, chung sống giữa những người chưa kết hôn, gian dâm nói chung, tránh thai, thủ dâm và đồng tính luyến ái. Rất ít người trong chúng ta thực sự nghĩ thấu đáo hàm ý đầy đủ của điều đó; tác giả chỉ xin đề cập đến hai hàm ý ở đây.

Đầu tiên, trong khi những cấm đoán truyền thống rõ ràng hướng đến việc duy trì sáng thế và sự ổn định của các gia đình, và các hoạt động tình dục hỗ trợ mục đích đó, thì các chuẩn mực hiện tại về mặt luận lý chỉ có thể dẫn đến sự phá hủy gia đình truyền thống. Khi nền luân lý tình dục phát triển, gia đình cũng phát triển.

Thứ hai, nếu những người cấp tiến và các “chuẩn mực” mới là đúng, thì hàm ý rõ ràng là các Giáo Hội và giáo phái Kitô giáo nói chung, và hơn hết là Giáo Hội Công Giáo, trong nhiều thế kỷ đã tích cực đánh lạc hướng toàn thể nhân loại về những gì có lẽ là chuẩn mực trung tâm nhất của sự hiện hữu luân lý của con người.(3) Với chiều sâu và bề rộng của một sai lầm khổng lồ như vậy, tại sao mọi người lại lắng nghe những gì Giáo hội hay Kitô hữu nói ngày nay? Hơn nữa, Giáo hội thực tế có nên thừa nhận điều bị cho là sai lầm hay không? Càng khó hiểu hơn khi người ta nhận ra rằng những Kitô hữu đang cổ vũ cho sự thay đổi triệt để hướng về quan điểm hiện đại tin rằng sự thay đổi như vậy sẽ làm cho Giáo hội trở nên “đáng tin cậy” hơn!

Điều đáng lưu ý là hiện tượng loại bỏ luật pháp khỏi lĩnh vực tình dục này, xét về tổng thể, trực tiếp đi ngược lại những gì xảy ra trong hầu hết các khía cạnh khác của cuộc sống. Trong hai thế hệ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều luật lệ điều chỉnh hành vi của chúng ta gần như trên khắp mọi lãnh vực. Thí dụ, hãy so sánh vị trí của chúng ta ngày nay với đầu thập niên 1960 liên quan đến các luật điều chỉnh chăm sóc sức khỏe, quyền riêng tư (không bao gồm lĩnh vực tình dục), kinh tế và giáo dục. Nhìn chung, mô hình rõ ràng là người ta đang buộc các hành vi của con người tùy thuộc ngày càng nhiều vào các quy định hơn. Về mặt chính trị, điều này thường được diễn dịch thành các quy định của liên bang. Vì vậy, cuộc cách mạng tình dục có đặc điểm đặc biệt hơn nữa là lời kêu gọi chấm dứt luật pháp đối với nó trong khi xã hội nói chung đang mở rộng các lĩnh vực bị luật pháp và qui định chi phối ngày càng nhiều.

Một minh xác khác cũng cần được đưa ra. Một số người có thể bối rối trước tuyên bố cho rằng lĩnh vực tình dục đang trở thành “khu vực không có luật pháp”. Thực thế, há không phải càng ngày càng có nhiều luật lệ hơn nhằm hạn chế chúng ta ở đây hay sao? Ngày càng có nhiều luật lệ nói với chúng ta rằng chúng ta không thể hạn chế phá thai, rằng chúng ta phải cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí bằng chi phí của chính phủ, rằng chúng ta phải cho phép và bảo vệ “hôn nhân đồng tính”, chuyển giới và “quyền tình dục” mới được xây dựng hoàn toàn tưởng tượng. Tuy nhiên, xem ra đề xuất “vô luật” không đứng vững trong lãnh vực tình dục.

Quả thực có nhiều luật mới, nhưng chúng hết thẩy đều được thiết kế để bảo đảm rằng tình dục không bị chi phối bởi bất cứ chuẩn mực tình dục đúng đắn và khách quan nào. Chúng ở đó để bảo vệ khu vực không có luật pháp khỏi sự xâm nhập tiềm tàng của các nhà lập pháp, hành pháp và tòa án. Thí dụ, các luật cho phép tiếp cận các biện pháp tránh thai do chính phủ chi trả rõ ràng là có đó để thúc đẩy việc sử dụng chúng, để bảo đảm rằng những người tham gia vào các hành vi tình dục có quyền lựa chọn tự do của họ mà không gặp bất tiện phải mang thai và sinh con.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét phiên bản Công Giáo của vấn đề, mà thoạt nhìn có vẻ như không liên quan gì đến chủ nghĩa cấp tiến. Chúng ta có sách Giáo lý chứa đầy những điều cấm đối với tất cả những điều mà cuộc cách mạng tình dục đã hợp pháp hóa: ly hôn, chung sống phi hôn nhân, gian dâm, thủ dâm, đồng tính luyến ái, “hôn nhân đồng tính” và chuyển giới. Trong khi một số người Công Giáo cấp tiến chia sẻ chính nghĩa chung với các đối tác thế tục của họ, thì bối cảnh Công Giáo đòi hỏi (ít nhất ở một mức độ nào đó) những người này phải tiến bước một cách gián tiếp hơn để đạt được cùng một mục đích. Chỉ đơn giản thúc đẩy chương trình nghị sự thế tục một cách không nao núng là điều quá đáng. Tệ hơn nữa, cách tiếp cận như vậy làm cho mục tiêu đúng ra trở thành minh bạch với hầu hết mọi người; điều rõ ràng là mục tiêu chỉ đơn giản lật đổ toàn bộ các quy tắc đã hiện hữu hàng thế kỷ. Nhiều người Công Giáo chưa sẵn sàng cho điều đó, hoặc ít nhất là chưa sẵn sàng để làm điều đó một cách công khai. Nền thần học mới đã phát triển ở đây thực ra không mới đến thế, như chúng ta đã nghe về nó sau Công đồng Vatican II.(4) Một trong những vấn đề với nó là nó bị bao vây bởi những cuộc tranh luận bất tận về việc chính xác ai sẽ ủng hộ nó, thẳng thắn mà nói phần lớn không trung thực.(5)

Hãy nhớ rằng Veritatis Splendor của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được viết như một phản ứng đối với sự phát triển của loại thần học luân lý lệch lạc vốn phủ nhận sự tồn tại của một luật vĩnh viễn, ràng buộc liên quan đến tính dục con người. Các trường phái tư tưởng khác nhau bị thông điệp năm 1993 bác bỏ cuối cùng đều hoàn toàn trái ngược với giáo lý thực sự của Giáo hội. Vấn đề ở đây là các trường phái khác nhau này, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như “thuyết lựa chọn căn bản”, “thuyết duy hệ quả”, “thuyết duy tỷ lệ” và “thuyết duy cứu cánh”, tất cả đều chỉ về cùng một hướng nới lỏng các chuẩn mực cụ thể, nghiêm ngặt đối với hành vi của con người. Tất cả đều có xu hướng ủng hộ điều được gọi là “tính tiệm tiến của luật pháp” [gradualism of the law], theo đó không có luật phổ quát cụ thể nào chi phối hành vi luân lý trong mọi tình huống.

Nói cách khác, cách tiếp cận này không phải chỉ phủ nhận bất cứ quy tắc nào của Giáo hội. Nó nói rằng mọi người có thể thấy mình rơi vào các tình huống trong đó họ không thể thỏa mãn đầy đủ các đòi hỏi đầy đủ của luật lệ. Đến một mức độ nào đó, nó liên quan đến việc chấp nhận việc vi phạm các chuẩn mực. Thông thường, vẫn có các tiêu chuẩn, đòi hỏi một người Công Giáo phải tham vấn một linh mục trước—và sau đó, tất nhiên, tham vấn lương tâm mình. Nhưng, cuối cùng, người đó chọn tiêu chuẩn nào sẽ chi phối hành vi của mình vào ngày hôm đó—miễn là người đó hứa sẽ cố gắng đạt được tiêu chuẩn của Giáo Hội vào một thời điểm nào đó trong tương lai (mặc dù không được xác định). Rõ ràng, không có cuộc thảo luận đầy đủ nào về điều này ở đây. Nhưng sự tương phản với giáo huấn vĩnh viễn của Giáo hội đã trở nên rõ ràng nơi những người, chẳng hạn như Walter Kasper và hầu hết các giám mục Đức (và một loạt các giám mục khác trên thế giới), những người đã tranh luận về việc cho người ly dị và tái hôn rước lễ trong một số trường hợp. Những người theo đuổi lựa chọn này phải kiểm tra lương tâm của họ với sự giúp đỡ của một linh mục để xác định xem hành động hiện tại của họ có phải là điều tốt nhất họ có thể làm hay không. Nhưng điểm mấu chốt là họ tự chọn cho mình. Quy luật luân lý không phải là nói bị ném ra ngoài, theo nghĩa chặt chẽ, mà là bị “đá lên trên” có thể nói như vậy; nó hoạt động như một mục tiêu dài hạn, chứ không phải là một hướng dẫn và đánh giá hành động tức khắc.

Khi các chuyến xuất du thần học dọc theo những đường hướng này được tuân theo trong các trường hợp cá thể, và khi liên quan đến việc lựa chọn hành động thực tế thực sự phải được thực hiện, thì luật luân lý cũng hướng dẫn người Công Giáo này như hướng dẫn đối tác thế tục của họ vốn tuân theo quy tắc của thuyết tương đối. Điều này có vẻ khắc nghiệt và tác giải không cho rằng các trường hợp đều giống hệt như nhau. Nhưng thực tại trong cả hai trường hợp là: người hành động không bị chi phối bởi một quy luật phổ quát, mà là (ít nhất trong một khoảng thời gian không xác định) một luật lệ do chính họ lựa chọn. Như Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã nhiều lần nói rõ, cách tiếp cận này không tương ứng với những gì Giáo hội luôn luôn giảng dạy. Giáo hội dạy rằng một số hành vi vi phạm chuẩn mực tình dục cấu thành vấn đề nghiêm trọng và phải ăn năn và hoán cải ngay khi vi phạm. Giáo hội không hề cho phép hoặc chế tài những hành động vi phạm từ bên trong các quy tắc luân lý và bí tích của Giáo hội.

Hướng tới các cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục sắp diễn ra tại Vatican vào tháng 10 tới, tác giả tránh đưa ra ý kiến của mình về các khả thể. (Những người khác đã làm điều đó và tác giả tin rằng điều đó có lẽ được thực hiện tốt nhất bởi các chuyên gia về giáo luật.) Cuối cùng, nếu mọi điều trở nên tồi tệ, các giải pháp khả thi sẽ phụ thuộc vào quyền của các giám mục và Hồng Y chính thống theo giáo luật. Tác giả chỉ muốn nhấn mạnh một khả thể đáng lo ngại. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Amoris Laetitia, đã đưa ra một tài liệu mơ hồ vừa rõ ràng vừa không rõ ràng cho phép những người ly dị và tái hôn rước lễ, nhưng dường như mở cánh cửa cho điều đó. Ngài bị bốn Hồng Y yêu cầu làm rõ lập trường của Giáo hội, nhưng ngài nói rằng ngài sẽ không làm điều đó, sau đó quay ngược trở lại và tán thành cách tiếp cận của các giám mục Á Căn Đình, nhưng rõ ràng là ngài đã mở toang cánh cửa. Sách Giáo lý vẫn không thay đổi.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Thượng Hội đồng hiện nay kết thúc vào năm tới với việc ban hành một văn kiện, từ Đức Giáo Hoàng và với thẩm quyền của huấn quyền, trong yếu tính có cùng một cách tiếp cận đối với một loạt các vấn đề tình dục mà trước ngài đã đưa ra với việc cho phép những người ly dị và tái hôn được Rước lễ? Tuy không thay đổi Sách Giáo lý, toàn bộ tín lý của Giáo hội về tính dục, hôn nhân và gia đình có thể bị phá hoại và lật đổ một cách hữu hiệu bằng cách sử dụng các phương pháp tương tự: ban hành một tài liệu không rõ ràng, từ chối đưa ra một cách giải thích dứt khoát, sau đó cho phép các giám mục Á Căn Đình hoặc Đức và những người khác giải thích nó tùy ý họ muốn—một cách tiếp cận mà tác giả nghĩ rõ ràng sẽ dẫn Giáo hội vào ít nhất một “sự ly giáo thực tế.” Những người ủng hộ đều nhất loạt phủ nhận không có bất cứ người nào đã thay đổi giáo huấn Công Giáo cả. Nhưng tác giả nghĩ rằng nó sẽ làm cho Giáo Hội Công Giáo, về bản chất, giống như các Giáo Hội Tin lành chính dòng hiện nay hoặc Hiệp thông Anh giáo, trong đó không ai còn nhất trí về bản chất của hôn nhân, gia đình, hoặc luân lý tình dục.

Nên chú ý nhiều hơn đến việc tất cả những điều này đã có vẻ trở nên “bình thường” xiết bao và cảm giác thờ ơ đó có thể trở nên tồi tệ đến mức nào. Há chúng ta đã không quen với ý tưởng cho rằng một số giám mục và Hồng Y là chính thống, trong khi những vị khác thì không hay sao? Và há điều này đã không được phản ảnh trong việc chúng ta chấp nhận một số giáo dân giữ quan điểm Công Giáo trong khi những người khác giữ quan điểm ngược lại hay sao? Há những người Công Giáo trẻ tuổi đã không hấp thụ tất cả những điều này hay sao? Như thế, sự không chính thống—đi ngược lại với những gì Giáo hội dạy—không phải là vấn đề lớn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có thành tích nói rằng ngài không sợ ly giáo. Và khó mà thấy ngài thực sự trừng phạt những giám mục này trong tương lai vì đã làm những gì họ đang làm ngày hôm nay.

Tác giả thực sự không muốn công khai chỉ trích Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài buộc nói rằng đây là một trong những kết quả tồi tệ nhất trong cách điều hành Giáo hội của ngài. Người Công Giáo trẻ tuổi được hướng dẫn để hiểu rằng các Thánh lễ Latinh ở giáo xứ của họ phải bị cấm bởi sự can thiệp quyết đoán của Đức Giáo Hoàng, nhưng nhiều vị Hồng Y thường xuyên đưa ra những lập trường không chính thống mà nhìn chung không có phản ứng nào từ Đức Giáo Hoàng. Các nhà thần học đã làm điều đó trong hai thế hệ. Đúng, Đức Giáo Hoàng đã chính thức chỉ trích các giám mục Đức và “Con đường Đồng nghị”, nhưng họ và những người khác có thể giải thích việc thiếu hành động như một kiểu thờ ơ với hành vi phạm tội. Và chỉ một tuần trước, một số giám mục Đức đã thông báo rằng họ sẽ cho phép việc chúc lành phụng vụ cho “các cuộc kết hợp đồng tính” trong nhà thờ của họ. Một lần nữa, những người trẻ tuổi Công Giáo hấp thụ những bài học nào đây?

Tất cả chúng ta cần phải nói nhiều hơn nữa để phản đối những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta. Khi tác giả lớn lên, không thể tưởng tượng nổi việc những người tự xưng và thực hành Công Giáo lại phản đối giáo huấn đạo đức Công Giáo về tính dục và gia đình. Một giám mục làm như vậy sẽ bị cất chức, và nhanh chóng nếu ngài không ăn năn công khai! Bây giờ chúng ta có thể tự hỏi liệu có bao giờ có bất cứ biện pháp kỷ luật nào được áp dụng đối với các giám mục và Hồng Y duy trì các chủ trương không chính thống hay không. Tất cả chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện cho Mẹ Thánh Giáo hội trong Mùa Chay này và hơn thế nữa.

Chú thích:

(1) Cuộc thảo luận này giả định một cách tiếp cận của trường phái Tôma đối với định nghĩa luật lệ. Nó chấp nhận sự phân biệt giữa luật tự nhiên và luật nhân bản. Trong hầu hết các trường hợp, bài báo hiểu luật theo nghĩa luật tự nhiên, nhưng nó cũng bao gồm các luật của con người dựa trên luật tự nhiên.

(2) Người ta bị cám dỗ nghĩ rằng các luật lệ chống hiếp dâm là một ngoại lệ thực sự ở đây, nhưng không phải vậy. Việc cấm hiếp dâm không phải là một việc lồng phần còn lại của nền luân lý cũ, mặc dù nó luôn bị nền luân lý đó lên án. Trong trường hợp hiếp dâm, điều bị vi phạm không phải là chuẩn mực tình dục theo nghĩa chặt chẽ, mà là một chuẩn mực chống lại bạo lực nói chung và quyền của phụ nữ được tự do lựa chọn. Nếu chúng ta xem xét trường hợp hiếp dâm điển hình, hành vi đó trong mọi trường hợp được đánh giá là không sao nếu có sự đồng ý. Tương tự như thế, các luật lệ cấm người lớn có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên rơi vào khuôn mẫu rộng hơn theo đó, trong nhiều trường hợp, luật lệ đối xử với trẻ vị thành niên cách khác vì chúng được cho là không có khả năng đưa ra quyết định trưởng thành ở một độ tuổi nào đó. Một lần nữa, cùng một hành vi được thực hiện với một người nào đó hai ngày trước sinh nhật lần thứ mười tám của họ, trong mọi trường hợp, ba ngày sau đó sẽ không sao, nếu có sự đồng ý.

(3) Tôi gọi các chuẩn mực tình dục là chuẩn mực trung tâm nhất với giả định là không gì có thể là trung tâm đối với sự triển nở của con người hơn là tình trạng gia đình trong xã hội, một đề xuất vẫn hoàn toàn được hỗ trợ bởi bất cứ việc sử dụng bằng chứng trung thực nào. Các xã hội hoặc cộng đồng mà gia đình phần lớn không hiện hữu là nơi mà tất cả các bệnh lý của con người phát triển. Không có chương trình hoặc chi tiền nào của chính phủ có thể cứu được những cộng đồng như vậy.

(4) Về mặt thần học, đây dường như là một đặc điểm trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Đó là sự tái xuất hiện của nghị trình của cuối thập niên 60 và 70, nhưng giờ đây với một người ủng hộ rõ ràng ngự trên Tòa Phêrô.

(5) Sau khi phát hành Veritatis Splendor, việc lắng nghe những lời phàn nàn liên tục của các nhà thần học khăng khăng rằng những lời chỉ trích của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về lý thuyết “lựa chọn căn bản”, thuyết duy tỷ lệ, thuyết duy hệ quả, thuyết tương đối và thuyết duy cứu cánh đã không tạo thành một chỉ trích bất cứ nhà thần học thực sự nào. Không ai trong số những nhà thần học này có thể nhận ra chính họ trong mô tả của Đức Giáo Hoàng về trường phái tư tưởng của họ. (Tác giả đoán tất cả chúng ta nên cảm thấy tiếc cho Đức Giáo Hoàng. Ngài đã lãng phí cả một thông điệp, không chỉ trích các trường phái tư tưởng thực sự không có người theo?) Chúng ta đã thấy đi thấy lại trò chơi chữ này nhiều lần. Khi Thánh bộ Đức tin ban hành chỉ thị đầu tiên về Thần học Giải phóng, một lần nữa chúng ta được cho biết rằng Thánh bộ đã làm sai tất cả, vì không ai thực sự nắm giữ các lập trường bị chỉ trích. Nhiều điều tương tự đang diễn ra ngày hôm nay. Tất cả các nhà thần học đều chế giễu bất cứ lời chỉ trích nào đối với lý thuyết của họ, cho rằng những người chỉ trích dường như không thực sự “hiểu” những gì họ đang thực sự nói.