HỘI NGỘ LINH MỤC GIÁO TỈNH SÀI GÒN - CỤM B

Ngày 16 tháng 03 năm 2009, ĐTC. Bênêdictô XVI tuyên bố thiết lập “Năm Linh Mục”, bắt đầu từ lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 19 tháng 06 năm 2009 đến lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 11 tháng 06 năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars qua đời (4.8.1859).

Hình ảnh Hội ngộ linh mục tại Xuân Lộc

Mục đích của “Năm Linh Mục” là làm cho mọi người ý thức được tầm quan trọng của vai trò và sứ vụ linh mục trong Hội Thánh và xã hội hôm nay. Việc loan báo “Năm Linh Mục” đã được đón nhận hết sức nồng nhiệt, đặc biệt trong những hàng ngũ linh mục… với sự tham gia nồng nhiệt của dân công giáo, là dân không nghi ngờ vốn yêu mến các linh mục và mong ước các ngài được hạnh phúc, thánh thiện và vui tươi trong công việc tông đồ hằng ngày (ĐHY Claudio Hummer ngày 27.05.2009)

Đối với các linh mục “Năm Linh Mục” còn là dịp để các ngài tìm hiểu thêm và ý thức rõ ràng về căn tính của các ngài, để mọi người cầu nguyện cho các ngài, cộng tác giúp đỡ các ngài hoàn thành sứ mệnh được trao. Đức Hồng Y Claudio Hummer trích lời Đức Thánh Cha nói ngày 16/03 trong dịp đại hội khoáng đại thánh bộ giáo sĩ: “Năm đặc biệt này nhằm cổ võ các linh mục trong nỗ lực tiến tới trên đường trọn lành thiêng liêng, là điều hơn bất cứ cái gì khác, liên hệ mật thiết tới hiệu năng của thừa tác vụ của các ngài”. ĐHY Claudio Hummer viết tiếp: “Vì thế năm nay phải là một năm cầu nguyện của các linh mục, với các linh mục và cho các linh mục, một năm giúp canh tân linh đạo của hàng linh mục và của từng linh mục”.

Trong tinh thần của Năm Linh Mục và Năm Thánh 2010, Giáo tỉnh Sài Gòn tổ chức Hội Ngộ Linh Mục vào ngày 26, 27 tháng 5 năm 2010 chia làm hai cụm: Cụm A: tại Trung tâm Mục vụ TGPSG dành cho các linh mục thuộc 5 giáo phận: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ. Cụm B: tại TGM và Đại Chủng Viện Xuân Lộc dành cho các linh mục thuộc 5 giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa, Phú Cường, Đà Lạt, Phan Thiết.

Ngày 26.5

Cuộc Hội Ngộ Linh Mục, Giáo Tỉnh Sài Gòn, cụm B với chủ đề: HÃY YÊU NHƯ GIÊSU.

TGM Xuân Lộc đã chuẩn bị mọi sự thật chu đáo. Các Cha, các Thầy Đại Chủng Sinh niềm nở đón tiếp, ân cần hướng dẫn các vị khách quý đến từng phòng. 592 linh mục tề tựu trong niềm vui gặp gỡ, tay bắt mặt mừng, hàn huyên trò chuyện.

Cuộc hội ngộ khai mạc vào lúc 11g ngày 26.5 tại hội trường TGM Xuân lộc. Gia đình Lêvi ( cách nói của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn) còn có sự hiện diện đặc biệt của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, GM Xuân lộc, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, GM Phú cường, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống,GM Phan thiết, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, GM Bà rịa, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, GM phụ tá Xuân lộc, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, Bề trên ĐCV Xuân lộc, Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, TĐD GPXuân lộc, Cha Phaolô Lê Đức Huân Giám Quản GPĐà Lạt, Cha Micae Lê Văn Khâm, TĐD GPPhú cường, Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thời TĐD GPBà rịa.

Sau cơm trưa, các tham dự viên được phân chia theo hai khu vực: Đại Chủng Viện và TGM để nghĩ ngơi.

Lúc 14g, hội trường TGM rộn ràng tiếng nhạc chào đón các tham dự viên. Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo thuyết trình đề tài: Lời Chúa trong đời sống và chức vụ linh mục. (x. file đính kèm).

Sau giờ kinh chiều chung 15g30, nghi thức sám hối với những gợi ý xét mình từ đoạn Thánh Kinh (1Tm 4, 12b – 16).

Thiết lập “Năm Linh Mục” nhân kỷ niệm 150 năm “ngày sinh” của cha thánh Gioan Maria Vianney, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI muốn năm này “góp phần vào việc xúc tiến sự dấn thân canh tân nội tâm tất cả các linh mục để làm cho chứng tá Tin Mừng của họ trên thế giới hôm nay sâu sắc và mãnh liệt hơn”. Trong ý tưởng ấy, Ngài đã nghĩ tới tất cả các linh mục trên thế giới và ghi nhận những xác điểm:

1. Làm sao mà tôi không làm nổi bật sự vất vả tông đồ của họ, sự phục vụ dẻo dai và âm thầm của họ, đức ái phổ quát của họ được?

2. Làm sao mà tôi không ca ngợi sự trung tín can đảm của biết bao linh mục mà cho dẫu phải đối diện với những khó khăn và những sự thiếu thông hiểu, vẫn trung thành với ơn gọi của mình: ơn gọi “làm bạn của Chúa Kitô”, đã lãnh nhận từ Ngài một ơn gọi đặc biệt, đã được chọn gọi và sai đi?

3. Làm sao chúng ta không nhớ đến biết bao linh mục bị nhạo báng trong phẩm giá của họ, bị ngăn cản thực hiện tác vụ của mình, thậm chí đôi khi bị bách hại cho đến độ cuối cùng làm chứng bằng máu mình?

Nghĩ tới các linh mục, Đức Thánh Cha cũng ghi nhận “còn tồn tại những hoàn cảnh, không bao giờ lấy làm tiếc đủ, mà chính Giáo Hội phải chịu vì sự bất trung của một số thừa tác viên của mình, nhưng còn là một ý thức mới mẻ và phấn khởi về sự cao cả của ân huệ Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi những hình ảnh sáng ngời của những mục tử quảng đại, những tu sĩ rực cháy tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn, những vị linh hướng sáng suốt và kiên nhẫn”.

Mẫu gương linh mục đã sống “ân huệ của Thiên Chúa”, “Hồng ân linh mục” chính là thánh Gioan Maria Vianney mà chúng ta chiêm ngưỡng đặc biệt trong năm linh mục này. Chính ĐTC. Bênêdictô XVI đã trình bày cho thấy “Cha sở họ đạo Ars rất khiêm tốn, nhưng với tư cách là linh mục, ngài ý thức là một ân huệ bao la cho dân của ngài, một mục tử nhân lành, một mục tử theo như lòng Chúa mong ước, đó là kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa nhân từ có thể ban cho một giáo xứ, và là một trong những ân huệ cao quý nhất của lòng thương xót của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha cũng phác ra một số nét cho thấy thánh Gioan Maria Vianney đã sống hồng ân linh mục thế nào:

1. “Trước tiên đó là sự đồng nhất hóa hoàn toàn bản thân ngài với thừa tác vụ của ngài”

- “Ngài quyết định “ở”, về mặt vật chất, trong nhà thờ giáo xứ… chính ở đó mà phải tìm kiếm ngài nếu người đi cần đến ngài”.

- “Ngài quyết định “ở” cách chủ động trong toàn địa hạt giáo xứ của ngài…” viếng thăm cách có hệ thống các bệnh nhân và các gia đình, tổ chức các tuần đại phúc, thực hiện các công trình từ thiện… chăm lo dạy dỗ trẻ em…

Cha thánh đã thực hiện những công trình trên với sự hợp tác với giáo dân “mà cùng với họ, các linh mục hình thành dân tư tế duy nhất và các ngài ở giữa họ, vì chức linh mục thừa tác”.

2. Cha sở thánh đặc biệt dạy cho các giáo dân trong xứ bằng chứng tá đời sống của mình. Theo mẫu gương của ngài, các giáo dân của ngài đã học cầu nguyện, tự nguyện dừng lại trước nhà tạm để viếng Chúa Giêsu Thánh Thể”… việc giáo dục giáo dân trước sự hiện diện Thánh Thể và rước lễ mặc lấy một hiệu quả hoàn toàn đặc biệt, khi các giáo dân thấy ngài cử hành hy tế thánh lễ”.

3. “Sự đồng nhất bản thân với hy tế thập giá này đã đưa ngài bằng một chuyển động nội tâm duy nhất từ bàn thờ đến tòa giải tội… Qua việc ngài ở thường xuyên lâu giờ tại nhà thờ, trước nhà tạm, ngài đã truyền cảm hứng cho các tín hữu bắt chước ngài, bằng cách đến viếng Chúa Giêsu và đồng thời họ chắc chắn tìm gặp cha sở ở đó, sẵn sàng lắng nghe và tha thứ. Về sau, đoàn các hối nhân gia tăng đến từ khắp nước Pháp, giữ ngài ở tòa giải tội cho đến 16 giờ mỗi ngày”.

Theo gương cha sở thánh họ đạo Ars, chúng ta đặt bí tích Sám hối vào trung tâm của những bận tâm mục vụ. Thánh nhân còn cho thấy phương pháp cho “sự đối thoại cứu độ” mà bí tích này đòi hỏi.

- Người mong mỏi sâu xa và khiêm tốn ơn tha thứ của Thiên Chúa, “sẽ làm thấy nơi ngài sự khích lệ đắm mình vào dòng thác của lòng thương xót của Thiên Chúa”.

- “Ai sầu khổ về sự yếu đuối và tính hay thay đổi của mình, sợ có những sự tái sa ngã sắp đến, thì cha sở cho người ấy thấy bí mật của Thiên Chúa”, “Thiên Chúa nhân lành biết mọi sự… Ngài đi đến chỗ muốn quên đi tương lai để tha thứ cho chúng ta”.

- “Đối với người thú tội cách lạnh nhạt và hầu như dửng dưng, bằng nước mắt, ngài chứng minh sự đau khổ và tính nghiêm trọng mà thái độ tồi tệ này đã gây ra, ngài nói: tôi khóc cho những gì mà anh không khóc”.

- “Nếu có người đến với ao ước về một đời sống thiêng liêng sâu xa hơn và người ấy có khả năng về điều đó, thì ngài dẫn họ vào trong chiều sâu của tình yêu, cho thấy vẻ đẹp khó tả của việc có thể sống kết hợp với Thiên Chúa và trước nhan Ngài”.

Được thiêu đốt bởi đam mê tông đồ vì ơn cứu rỗi của các linh hồn, cha thánh dù thấy mình bất xứng, vẫn vâng phục ở lại nhiệm sở của mình. Hơn nữa ngài còn nêu bật sức mạnh chứng tá tông đồ bằng đời sống hy sinh nhiệm nhặt, thực thi triệt để ba lời khuyên phúc âm. Phong cách sống của ngài làm nên sức mạnh chứng tá tông đồ. “Con người hiện tại muốn nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hay nếu họ nghe các thầy dạy, đó là vì các thầy dạy đã là những chứng nhân” (ĐGH Phaolô VI).

Các linh mục thinh lặng xét mình và cử hành bí tích hòa giải. Từ nhà nguyện TGM, hội trường, các ghế đá đến nhà nguyện ĐCV, các cha xưng tội với nhau, có những cha già đầu bạc trắng nghiêng mình xưng tội với cha trẻ tóc đen mượt. Bầu khí thật thánh thiện và cảm động.

17g30 thánh lễ đồng tế. 26 cha mới lãnh nhận hồng ân linh mục hôm qua (25.5) thuộc Giáo phận Phú Cường cùng đoàn rước với các Giám Mục tiến lên bàn thánh. Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ tế với gợi ý dẫn lễ: Chúng ta tụ họp nơi đây để cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng tạ ơn vì Chúa đã thương trao ban cho chúng ta chức Linh Mục thừa tác và cho chúng ta được cùng với Chúa loan báo Tin Mừng ơn cứu độ để qua tác vụ chúng ta. Chúa được trao ban và chính Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người, đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau xin Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm và Mục Tử Nhân Lành ban những ơn cần thiết cho chúng ta để chúng ta được trở nên như những mục tử theo lòng Chúa mong muốn. Ngài giảng lễ với đề tài “Chức linh mục thừa tác và Bí Tích Thánh Thể”(x. file đính kèm).

Sau cơm tối, buổi giao lưu văn nghệ với nhiều sắc màu âm nhạc đặc sắc. Đội trống Hương Xuân của Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục khai mạc rộn rã. Các ca sĩ Công giáo đến từ Sài gòn như Mai Thảo, Thanh Sử, Hồ Bích Ngọc, Diệu Hiền, Hồng Ân, Tam Ca Áo Trắng làm ấm lên tình Chúa tình người qua những ca khúc trữ tình đạo đời. Nhạc sĩ Thông Vi Vu (Đức cha Giuse Vũ Duy Thống) cùng hát với Minh Tú - Minh Thư bài ca “Một chút”, làm hội trường rộn lên những tràng pháo tay nồng nhiệt. Các cha ca sĩ (GPXuân lộc) làm thành nhóm Đuốc Hồng trẻ trung với ca khúc “tình yêu mang tên Giêsu” nhận được nhiều tán thưởng chúc mừng. Ca đoàn Sao Mai với sự điều khiển của Thế Thông - Khương Huệ, đội múa các Nữ tu Dòng MTG Bắc Hải góp phần làm nên sắc màu đa dạng của đêm nhạc hội ngộ. Sau bài ca kết thúc “gieo và gặt”, Đức cha Giuse, các ca sĩ và các tham dự viên cùng hòa vang tiếng hát rộn vui, mọi người được thưởng thức hội chợ ẩm thực trái cây và chè miền đất đỏ Đồng Nai.

Dịp đặc biệt hội ngộ nên các linh mục trò chuyện, tâm sự, chia sẽ đến khuya mới đi ngũ.

Ngày 27.5

Ngày mới khởi đầu với kinh sáng chung và thánh lễ đồng tế. Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh chủ tế, gợi ý dẫn lễ.

Kính thưa các linh mục rất yêu quí của Chúa Kitô, hằng năm vào Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta đã long trọng cử hành lễ Chúa Giêsu Linh Mục qua Mình Thánh Chúa, hôm nay trong ngày hội ngộ rất quí giá này, một lần nữa chúng ta cũng nhắc lại việc Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể và chức Linh mục để rồi từ đó mỗi người chúng ta là những linh mục của Chúa cũng như các Tông đồ, chúng ta phải sống với Thánh Thể Chúa như thế nào. Cầu xin Chúa cho anh em trong chúng ta cũng như cho các linh mục trên khắp thế giới được sống tâm tình của những tông đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu. Ngài giảng lễ với đề tài: Phép Thánh Thể trong đời sống linh mục. (x. file đính kèm).

8g30 sáng, hội trường rộn vang tiếng nhạc và vũ điệu của nhóm Đuốc Hồng. Cả hội trường nóng lên cùng hòa vào cử điệu qua các bài ca: Giêsu I love You, Nét đẹp, Nối Vòng Tay Lớn..

Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, thuyết trình đề tài: Rữa Chân Cho Nhau (Ga 13,14) với các ghi nhận: Rữa chân cho nhau, yêu thương nhau; một điều cơ bản thuộc về chức linh mục, một sự quân bình trong đời linh mục, một điều cấp bách giữa thời hiện tại.(x.file đính kèm).

Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu tiếp nối bằng những suy tư từ Sắc lệnh về đời sống linh mục, số 8. Ngài gợi lên ba điểm nhấn về tình huynh đệ linh mục.

1. Sự cảm thông:

- Vui buồn có nhau: thăm hỏi chúc mừng nhau vào những dịp lễ bổn mạng, chịu chức, có thể là một cuộc điện thoại, một tin nhắn cũng làm ấm lên tình huynh đệ, thăm viếng anh em khi bệnh tật…

- Nâng đỡ nhau trong khi gặp khủng hoảng, cô đơn, bị hiểu lầm, bị công kích…

- Nhắc bảo nhau với tất cả chân thành tế nhị và bác ái.

2. Chia sẽ cho nhau

- Những kinh nghiệm và thao thức về mục vụ, về điều hành giáo xứ về thuật lãnh đạo cộng đoàn.

- Các bài giảng lễ, các suy niệm đạo đức, những giáo trình dạy học.

- Những kinh nghiệm xây dựng: nhà thờ, nhà giáo lý, nhà mục vụ.

- Bỗng lễ, giới thiệu ân nhân.

3. Cộng tác với nhau

- Công việc mục vụ của giáo hạt, giáo phận.

- Làm việc nhóm như dịch sách, chuyên đề, bài giảng.

- Tham gia hiệp hội linh mục như Hội Prado, hiệp hội linh mục tông đồ nhỏ của Giáo phận Xuân lộc.

- Với một tinh thần chung.

Đức cha Tôma tóm kết bài chia sẽ qua ba chữ C: Cảm thông, Chia sẽ, Cộng tác. Ngài mời gọi các linh mục sống thêm chữ C thứ tư là: Cầu nguyện, đề nghị anh em dành ngày thứ Năm đầu tháng dâng lễ cầu nguyện cho nhau.

Sau khi nghe các Đức Cha thuyết trình, các tham dự viên theo nhóm để thảo luận. Có 12 nhóm được phân bổ đều cho 5 Giáo phận. Các cha thảo luận thật sôi nổi theo các đề tài vừa được nghe giảng.

Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn đến thăm và nói chuyện lúc 10g30.

Ngài gọi hàng linh mục Việt nam là Gia đình Lêvi. Nhìn lại lịch sử Giáo hội Việt nam để thấy được sự phát triển của Gia đình Lêvi qua những con số thống kê và so sánh.

-Năm 1668 có 4 linh mục người Việt nam đầu tiên. Đến nay gia đình Lêvi có 342 tuổi và phát triển không ngừng qua dòng thời gian.

-Năm 1700, tức là 32 năm sau, tăng 10 lần, từ 4 linh mục lên 43 vị.

-Năm 1800, tăng 3 lần: 119 vị

-33 năm sau tăng hơn 30 lần, 1158 linh mục.

-Từ năm 1933 -1963: các chủng viện do hàng giáo sĩ Việt nam đảm nhận, số linh mục tăng gấp đôi, 2018 vị.

-Đến nay, năm 2010, sau 50 năm kể từ khi thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, số linh mục tăng lên 5.000 vị (trong nước 3.700 vị, hải ngoại 1.300 vị).

Tạ ơn Chúa, những hoàn cảnh lịch sử đã tạo nên những Linh Mục Việt Nam làm sứ giả Tin mừng khắp thế giới. Nếu như ngày xưa các sứ giả Tin mừng đến từ Âu Châu truyền giáo cho Việt nam thì bước vào thế lỷ 21, sứ giả Tin mừng Việt nam đi khắp chân trời góc biển gieo hạt giống Phúc âm.

Đức Hồng Y cũng nói đến việc xây dựng Giáo hội, xây nhà thờ, nhà tu, nhà trường đều cần phải đặt trên nền móng là Lời Chúa và trên bốn trụ cột là chân lý, tình yêu, hòa bình và công lý.

Bữa cơm trưa đầm ấm tình huynh đệ, rôm rã câu chuyện gởi trao.

Các giờ làm việc thật khít khao. Đúng 13g15, Nhóm Đuốc Hồng khởi động bằng nhiều bài ca vui nhộn, cử điệu duyên dáng. Các Đức Cha, các cha già cùng chung chia niềm vui hân hoan, cùng hát cùng làm cử điệu rộn nhịp yêu đời.

Sau giờ kinh chiều chung, Đức Cha Tôma Nguyễn VănTrâm nói chuyện về đề tài: “Các thủ tục về tòa án hôn phối”, hướng dẫn trình tự các thủ tục của Tòa cấp I, cấp II, cấp III.

Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ tiếp nối với những hướng dẫn cụ thể về mục vụ hôn nhân như chuẩn bị hôn phối, những cần thiết trước khi cử hành hôn phối, nghi thức cử hành hôn phối, bổn phận ghi sổ, thông báo và việc giải vạ phá thai.

Theo gợi ý hướng dẫn, 12 nhóm tiếp tục thảo luận theo nội dung các đề tài đã được nghe giảng. Đến 16g, đúc kết chung. Thư ký các nhóm tổng kết những trao đổi, những thắc mắc cần giải đáp về mục vụ hôn nhân, luân lý giáo luật và nêu những đề nghị. Niềm vui vỡ òa dòn tan tiếng cười qua các đúc kết dễ thương ngộ nghĩnh. Đức cha Phêrô giải đáp một phần nhỏ vì chuẩn bị tổng kết hội ngộ, hẹn một dịp khác để trả lời các câu hỏi mục vụ từ thực tế giáo xứ.

Đức Ông Vinh Sơn,TĐD GP Xuân lộc thay mặt Ban tổ chức cám ơn quý Đức Cha, quý cha đã tham dự nhiệt thành và ước mong còn được nhiều dịp nữa để phục vụ. Ngài thống kê số lượng tham dự viên như sau:

GIÁO PHẬN ĐĂNG KÝ THAM DỰ TỶ LỆ

BÀ RỊA 83 72 86,72%

ĐÀ LẠT 119 104 87,40%

PHAN THIẾT 80 73 91,25%

PHÚ CƯỜNG 106 85 80,19%

XUÂN LỘC 290 258 88,96%

CỘNG 678 592 88,96%

Đức cha Tôma Trâm đại diện các Đức Cha cám ơn hai Đức Cha GP Xuân lộc và Ban tổ chức. Hai ngày hội ngộ đã để trong tâm trí các tham dự viên những ấn tượng rất đẹp.

Cha Phaolô Lê Đức Huân thay mặt anh em linh mục nói lên lời tạ ơn Chúa qua hai ngày tuyệt vời. Tri ân quý Đức Cha. Cám ơn Ban tổ chức đã phục vụ rất tận tình và chu đáo. Cám ơn các Đại Chủng Sinh đã nhường phòng ở cho các cha. Lần đầu tiên tham dự “Hội Ngộ Linh Mục” thuộc 5 Giáo phận, gần 600 linh mục cùng với các Giám mục dâng lễ, cầu nguyện, kinh phụng vụ, anh em đã sống tình hiệp thông bác ái huynh đệ linh mục. Đến đây anh em đều xóa bỏ giới hạn tuổi tác, chức vụ, giáo phận để làm nên một gia đình Lêvi, gia đình thánh thiện, sống tình huynh đệ linh mục chan hòa. Tương lai, xin quý Đức Cha tổ chức những cuộc hội ngộ như thế này tại Xuân lộc.

Những tràng pháo tay vang rộn, những khúc ca nhộn nhịp yêu đời kết thúc cuộc hội ngộ.

Sau bữa cơm chiều, mỗi linh mục nhận được món quà lưu niệm là tấm hình chụp chung trước tiền sảnh Đại Chủng Viện Xuân Lộc. Hai Đức Cha, các Cha, các Thầy GP Xuân Lộc niềm nở tiễn các vị khách quý ra về trong lưu luyến mến thương.

Năm Linh Mục sắp trôi qua, ĐHY Claudio Hummer bộ trưởng bộ giáo sĩ, trong thư gửi các linh mục về ngày kết thúc “Năm Linh Mục” viết ngày 12 tháng 4 năm 2010 đã nhận định: “Năm Linh Mục đã được đón nhận rất tốt, và cũng cho thấy năm linh mục đã đáp ứng khát vọng sâu xa của các linh mục cũng như toàn thể dân Thiên Chúa”.

Gần đây một chiến dịch rầm rộ của các phương tiện truyền thông đã dựa vào thực tế: “Dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi, một vài linh mục đã phạm phải tội ác nghiêm trọng và đáng ghê tởm là lạm dụng tình dục trẻ em” để công kích Giáo Hội, tấn công vào chính Đức Thánh Cha. Tuyệt đối không thể chấp nhận việc sử dụng tội ác của một số ít để nhục mạ toàn thể hàng linh mục. Tất cả những ai đang làm như thế là đang phạm bất công nghiêm trọng.

Không mặc cảm hay hốt hoảng trước những chống đối chỉ trích, nhưng ý thức thân phận của những “chiếc bình sành” dễ vỡ đang chứa đựng ân sủng lớn lao của thánh chức linh mục. Hội Ngộ là dịp để anh em Linh mục cùng nhìn lại chính mình để tín thác nơi Chúa Giêsu Kitô.

Hội Ngộ Linh Mục là một cơ hội tốt để gia tăng lòng nhiệt thành sứ vụ Linh Mục. Cuộc Hội Ngộ Linh Mục đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp về tình huynh đệ, nhiều kinh nghiệm mục vụ và nhiều dấu ấn thiêng liêng. Hy vọng và tin tưởng sẽ có những cuộc Hội Ngộ lần 2, Hội Ngộ lần 3…nữa.

Kim Ngọc 28.5.2010