Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Phục Sinh, Năm C (Ga 21, 1-19)

Thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm11, 33-34) thánh Phao-lô xác định không ai có thể hiểu thấu ý Thiên Chúa.

Tuy nhiên những chỉ dẫn từ lời Chúa (Ga 21, 1-19) gợi hướng cho người ta có thể mạo muội gẫm suy về đường lối của Người: khích lệ, phục vụ và tin tưởng.

I. KHÍCH LỆ

Sau một thời gian theo Thầy Giê-su rong ruổi khắp đất nước, nay Thầy đã ra đi, các Tông Đồ trở lại với nghề nghiệp đánh cá. Ngặt nỗi, dù đã thức suốt đêm vật lộn với biển khơi và thân xác đã rã rời mỏi mệt nhưng những người học trò của Thầy Giê-su cũng chẳng bắt được con cá nào.

Giữa lúc các Tồng Đồ buông xuôi chán nản, Chúa Giê-su Phục Sinh đã xuất hiện. Người đến bên các môn đệ và tận tình hướng dẫn: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”. Các Tông Đồ đã thả lưới như lời dạy của Thầy mình, và bắt được nhiều cá đến nỗi: “không sao kéo lên nổi”. Thế mới hay “mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên”.

Rõ ràng đường lối Chúa là đường lối khích lệ với những dạy bảo cụ thể. Lời của Chúa đã vực dậy những tâm hồn uể oải, chán chường, thất vọng… đồng thời soi sáng hướng đi mới mang lại hiệu quả tốt đẹp mỹ mãn. Mong rằng bài học khích lệ của Chúa sẽ thấm sâu vào mỗi người nhất là những người có trách nhiệm hướng dẫn người khác về xã hội cũng như tâm linh, hầu giúp họ luôn: kiên nhẫn, khuyến khích, nâng đỡ, giúp mọi người tìm được niềm hạnh phúc.

II. PHỤC VỤ

Vâng lời Thầy, các Tông Đồ đã tiếp tục ra khơi. Còn lại một mình, Chúa đã nướng cá và bánh để kịp phục vụ cho những người học trò của mình. Thật thoải mái khi sau một thời gian trầm mình dưới nước lạnh lẽo, bước lên bờ, các ngư phủ đã có sẵn lửa để sưởi ấm, có sẵn cá và bánh để lót dạ.

Trong cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su đã phục vụ đến hiến mạng sống. Nay trong mầu nhiệm phục sinh, Người tiếp tục ân cần phục vụ. Chúa đã dạy cho các Tông Đồ bài học phục vụ không phải bằng lý thuyết mà là một cuộc dấn thân cụ thể. Bài học phục vụ còn sáng lên khi Chúa mời gọi các Tông Đồ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”.

Chúa Phục sinh mời gọi các Tông Đồ mang cá vừa mới đánh bắt được đến trình diện Chúa. Hẳn đây là một bài học phục vụ vô vi lợi. Từ đây các Tông Đồ sẽ không tìm lợi ích cho riêng mình mà luôn tìm lợi ích cho người khác. Cộng tác với ơn Chúa, các Tông Đồ sẽ đi khắp muôn nơi cứu rỗi các linh hồn, hăng say làm việc nhưng không bao giờ kêu ca hay phản kháng.

III. QUẢNG ĐẠI

Vâng lời Thầy các Tông Đồ đã thả lưới. Bước lên bờ, các ông được nghỉ ngơi trong sự chăm sóc của Thầy mình với lời mời gọi chân tình: “Anh em đến mà ăn”. Trước lời dạy bảo, sự phục vụ tận tình dạt dào yêu thương của Thầy Giê-su chí thánh, các môn đệ nhận ra Người “là Chúa” nhưng đang tận tình phục vụ các ông.

Còn nhớ, cách đấy không lâu, khi Thầy Giê-su bị bắt và đang lúc bị hành hạ thì học trò Phê-rô đã chối Thầy. Lúc ấy, bên ánh lửa thiêu đốt bập bùng giữa đêm thâu, ông Phê-rô đã ba lần chối Thầy. Nay bên ánh lửa ấm áp của tình Thầy trò, của bình minh ngày mới, tình thương quảng đại tha thứ của Chúa Phục sinh đã vực dậy tâm hồn tan nát lỗi lầm của ông Phê-rô hướng dẫn ông bày tỏ niềm tin yêu đối với Chúa.

Đêm đen đã qua và bình minh ngày mới đã rạng ngời. Chúa đã không chấp nhất quá khứ lỗi lầm của ông Phê-rô. Trái lại Người còn tin tưởng trao phó nhân loại mới cho ông chăm sóc: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Nhân loại mới ấy Thiên Chúa đã cứu độ trải dài suốt lịch sử và đã trả giá đắt bằng chính máu của Người. Chúa đã tin tưởng trao cơ đồ của Người cho một người có quá khứ tội lỗi. Từ nay, tình yêu sẽ được đáp trả bằng tình yêu. Như Thầy đã hy sinh mạng sống, các Tông Đồ cũng sẽ hiến mình phục vụ hy sinh “dang tay cho người khác thắt lưng”

KẾT

Không ai có thể đạt thấu thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, người ta có thể vững tin Thiên Chúa luôn quan phòng điều tốt nhất cho con người.

Vị thánh nào cũng có một quá khứ; tội nhân nào cũng có một tương lai. Phê-rô một người đã từng ba lần chối Chúa nay đã lãnh nhận trọng trách thủ lãnh của Hội Thánh.

Chỉ có tình thương tha thứ của Thiên Chúa mới làm nên điều diệu kỳ như thế.