VATICAN CITY (Zenit.org).- Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo cho biết cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Tin Lành chính mạch – tức là các phái Anglican, Lutheran, Cải cách và Methodist – đang trên bước đường đi vào một giai đoạn mới.

Hồng y Walter Kasper trong cuộc họp báo tại văn phòng báo chí Tòa thánh hôm thứ Năm vừa qua tuyên bố như trên khi giới thiệu một cuốn sách do Hội đồng xuất bản nhan đề “Thu hoạch Hoa trái: Những Khía cạnh Căn bản của Đức tin Kitô giáo trong cuộc Đối thoại Đại kết.”

Cuốn sách dày 207 trang mô tả những tiến bộ đạt được trong cuộc đối thoại hiệp nhất suốt 40 năm qua, tính từ khi Công đồng Vatican II kết thúc. Sách bao gồm cả phần đóng góp của các nhà thần học Tin Lành, mất hai năm mới hoàn thành xong, có trọng tâm là cuộc đối thoại với các giáo hội Tin Lành, vì họ là những tổ chức đầu tiên thiết lập cuộc đối thoại chính thức với Tòa thánh kể từ sau Công đồng Vatican II.

Đức Hồng y nói: “Cùng với cuốn sách này, chúng ta chấm dứt giai đoạn thứ nhất, giai đoạn tràn đầy hoa trái, đồng thời, chúng ta đi vào một giai đoạn mới, với niềm hy vọng cũng sẽ kết quả và những vấn đề khó khăn còn dở dang sẽ được giải quyết.”

Những thành quả

Hồng y Kasper nói rằng nay là lúc ước lượng tình hình cuộc đối thoại đại kết, và “chính chúng ta cũng thấy vui mừng ngạc nhiên vì tất cả những gì thành đạt được trong những năm qua.”

Về việc thu hoạch những hoa trái của cuộc đối thoại, như nhan đề của cuốn sách nêu lên, Hồng y Kasper cho biết rằng “đó quả thực là một mùa màng rất phong phú, chúng ta đã giải quyết được nhiều mối tranh cãi và những vấn đề lịch sử lớn lao của Phong trào Cải cách.”

Ngài nói tiếp: “Đây có thể là câu trả lời rõ rệt cho những ý kiến đang lan tràn, có lúc ngay cả trong Giáo triều Roma nữa, hoặc cho những cáo buộc vô căn cứ nói rằng cho đến nay nỗ lực hiệp nhất với các giới chức Tin Lành đã không đem lại được kết quả nào và chúng ta trở về tay không.”

“Chúng ta không muốn những kết quả phong phú đạt được bị quên lãng và phải bắt đầu lại từ con số không.”

Trạng thái đại kết

“Chúng ta muốn bắt đầu một tiến trình tiếp nhận những thành quả phong phú này ngay trong lòng Giáo hội, muốn đạt tới một loại hình mới về tình trạng đại kết.”

Hồng y Kasper cho biết hiện nay có những đổi thay nhanh chóng xảy ra ở phương Tây, ở địa hạt đại kết cũng như ở mọi lãnh vực khác.

Do đó, sau những hồ hởi của những năm đầu tiếp sau Công đồng, ngày nay đang có một thứ tình trạng kiệt sức nào đó trong cuộc đối thoại hiệp nhất.

“Tuy nhiên, tình trạng điều độ mới cũng có thể là dấu hiệu của một sự trưởng thành lớn lao hơn. Cuộc hành trình đi đến hiệp nhất có thể sẽ dài lâu hơn, không như sau thời gian Công đồng chúng ta tưởng sẽ thực hiện được.”

Cuốn sách phản ảnh những thay đổi các cộng đồng tôn giáo trong cuộc đối thoại đã trải qua trong suốt 40 năm.

Hồng y Kasper giải thích: “Có lẽ những người đối thoại với chúng ta không còn giống như trước nữa: họ đã thay đổi nhiều hơn những người chúng ta gặp trong thời gian Công đồng họp và sau thời gian Công đồng kết thúc. Có những phân mảnh trong nội bộ, có các vấn đề mới trong lãnh vực luân lý đạo đức, những vấn đề mà trong quá khứ chưa được biết tới.”

“Ngay cả trong Giáo hội Công giáo cũng có những đổi thay. Có đôi lúc các tài liệu của chúng ta cũng làm cho những người đối tác khó tiêu hóa kịp. Với cuốn sách này, chúng ta muốn tạo ra một thứ men mới thúc đẩy tác dụng kích thích.”

“Bằng cách minh họa vô số những thành quả tích cực đạt được trong 40 năm qua, chúng ta muốn chứng tỏ rằng ta có khả năng đạt được bất cứ điều gì nếu tiếp tục cam kết dấn thân vào công trình đại kết.”

Cuốn sách nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, đến những kết quả trong 4 cuộc đối thoại song phương với 4 Giáo hội Tin Lành, được chia thành từng đề tài, để cho phép so sánh và có một cái nhìn rõ ràng hơn vào phạm vi những gì thành đạt được trong 40 năm đối thoại.

Trong sách cũng liệt kê những địa hạt hội tụ đại kết, có thể giúp trong tiến trình tiếp nhận những kết quả trong các Giáo hội khác.

Về những khó khăn cần được giải quyết, Hồng y Kasper giải thích rằng “chúng ta đã xác định được những vấn đề trong khoa chú giải Kinh thánh, trong nhân loại học, trong khoa giáo hội học và cũng cả trong cách tìm hiểu về phép Thánh Thể.”

Hội nghị chuyên đề 2010

Theo lời loan báo của Đức Hồng y, các Giáo hội Công giáo và Tin Lành hy vọng tổ chức một hội nghị chuyên đề vào tháng 2 năm 2010 để thảo luận về tương lai phong trào hiệp nhất ở phương Tây.

Cuốn sách trình bầy hôm thứ Năm tại Vatican sẽ được dùng làm căn bản cho những cuộc thảo luận trong hội nghị đó.

Trong cuộc họp báo, ngoài Hồng y Kasper còn có Đức ông Mark Langham, viên chức thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo, và cũng là một trong những người cộng tác chính với Đức Hồng y trong công tác thực hiện cuốn sách.

Đức ông Langham nói rằng Hồng y Kasper “muốn cho thành quả 40 đối thoại đại kết, bằng hình thức này, được thế hệ mới biết đến, một thế hệ lớn lên sau những năm hậu Cộng đồng, và có lẽ không biết thấu đáo những gì đã đạt được.”

Các đề mục đối thoại

Đức ông giải thích rằng cuốn sách được chia làm 4 chương: “Căn nguyên của Đức tin Chung của Chúng ta; Cứu độ, Công chính hóa và Thánh hóa; Giáo hội; Phép Thanh tẩy và phép Thánh Thể.”

Áp dụng phương pháp học của chính cuộc đối thoại đại kết, chương đầu trình bầy nền tảng chung của mọi bên trong cuộc đối thoại.

Chương hai tập trung vào vấn đề trọng tâm của Phong trào Cải cách – đó là ơn cứu độ, công chính hóa và thánh hóa – nơi đây “một sự đồng thuận đáng kể đã đạt được, tạo ra dấu mốc lịch sử trong các mối liên hệ đại kết.”

Tuy nhiên, “vẫn còn những vấn nạn cần được minh xác thêm, chẳng hạn như vấn đề liên quan đến vai trò của tín lý về công chính hóa trong phạm vi giáo hội học.”

Chương thứ ba, dài nhất, xem xét sứ mệnh, thẩm quyền và thừa tác vụ của Giáo hội, bắt đầu bằng cách thức những phương diện này được trình bầy trong những bản tuyên bố chung của các Giáo hội trong những năm qua.

“Liên quan đến phần này, có những tranh cãi và hiểu lầm trong thế kỷ 16 đã được xem xét lại, và được giải quyết phần nào”, tuy những khó khăn còn tồn tại trong những vấn nạn chính, chẳng hạn như “Giáo hội là gì” hoặc là “đâu là Giáo hội.”

Theo ý kiến của Đức ông Langham, “điều này chứng tỏ rằng sự liên hệ giữa các yếu tố tâm linh và vật chất cụ thể xác định nên Giáo hội, sẽ phải được nghiên cứu sâu xa thêm nữa.”

Chương thứ tư đề cập tới sự tranh cãi về Phép Thánh Thể đã xuất hiện trong thời gian Cải cách, “nhờ vào cuộc đối thoại mạnh mẽ, và trên hết nhờ vào sự nhấn mạnh đổi mới về chức năng của Chúa Thánh Linh, nên đã có thể tiến đến được một điểm đồng quy quan trọng.”

Dầu sao, “một số vấn nạn về nhiệm tích đó cũng cần được nghiên cứu thêm, cũng như đặc tính hy tế trong Thánh lễ, sự hiện diện đích thực của Chúa trong Mình Thánh, và ý nghĩa của sự “chuyển bản thể (transubstantiation).”

Trong chương cuối cùng, Hồng y Kasper đúc kết một tổng hợp về 4 cuộc đối thoại và tầm quan trọng của tất cả những gì đã đạt thành.