Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau các nghi thức đón tiếp chính thức Đức Thánh Cha tại Phủ Tổng Thống Rumani và cuộc gặp gỡ với chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn; lúc 15:45, Ðức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ Ðức Thượng Phụ Daniel là Giáo Chủ Chính Thống Giáo Rumani, và Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này tại Tòa Thượng Phụ.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Kính thưa Đức Thượng Phụ,

Các vị Tổng Giám Mục và Giám Mục đáng kính của Thánh Hội Đồng

Cristos a înviat! [Chúa Kitô đã sống lại!] Sự phục sinh của Chúa là trung tâm trong lời rao giảng của các thánh Tông đồ được các Giáo Hội của chúng ta truyền lại và bảo tồn. Vào ngày lễ Phục sinh, các Tông đồ vui mừng khi thấy Chúa Sống lại (x. Ga 20,20). Anh em thân mến, trong mùa Phục Sinh này, tôi cũng vui mừng khi thấy một hình ảnh phản chiếu của Người trên khuôn mặt các anh em. Hai mươi năm trước đây, tại Thánh Hội Đồng này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tôi đã đến để chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Kitô được ghi khắc trên Giáo Hội của anh em; Tôi đã đến để kính viếng khuôn mặt đau khổ này, là bảo chứng cho những hy vọng mới của anh em”(Diễn từ trước Đức Thượng Phụ Teoctist và Thánh Hội Đồng, ngày 8 tháng năm 1999: Insegnamenti XXII.1 [1999], 938). Hôm nay tôi cũng đã đến đây với tư cách là một người hành hương, một người anh em trong cuộc lữ hành trần thế, mong muốn được nhìn thấy thiên nhan Chúa trên khuôn mặt những người anh em của tôi. Khi tôi đang nhìn anh em vào lúc này đây, tôi muốn gởi đến anh em lời cảm ơn chân thành vì sự chào đón của anh em.

Những mối liên kết trong đức tin hiệp nhất chúng ta đã có từ thời các Thánh Tông đồ, là những nhân chứng của Chúa Giêsu phục sinh và đặc biệt là mối liên kết giữa Thánh Phêrô và Thánh Anrê, là người theo truyền thống đã mang đức tin đến những vùng đất này. Là anh em ruột thịt với nhau (x. Mc 1: 16-18), hai vị cũng là những người anh em với nhau trong cách thế rất đặc biệt thể hiện nơi việc cùng đổ máu vì Chúa. Các ngài nhắc nhở chúng ta rằng có một dòng máu huynh đệ đi trước chúng ta và, giống như một dòng chảy thầm lặng và mang lại sự sống đang tiếp tục chảy qua nhiều thế kỷ, chưa bao giờ ngừng nuôi dưỡng và nâng đỡ chúng ta trên cuộc hành trình của mình.

Ở đây, cũng như ở nhiều nơi khác hiện nay, anh em đã trải qua cuộc vượt qua từ cái chết đến sự phục sinh: những người con nam nữ của đất nước này, từ các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác nhau, đã biết thế nào là ngày Thứ Sáu bách hại, ngày thứ Bảy chịu đựng trong im lặng trước khi đạt đến Chúa Nhật Phục sinh. Đã có biết bao những vị tử đạo và những vị hiển tu! Trong quá khứ gần đây, đã có biết bao người, từ những hệ phái [Kitô] khác nhau, đứng cạnh nhau trong các nhà tù để lần lượt hỗ trợ lẫn nhau! Ngày nay, tấm gương của họ chói ngời trước chúng ta và trước cả những người trẻ, những người [may mắn] không phải trải qua những tình trạng bi thảm đó. Những gì họ phải chịu đựng, thậm chí đến độ hy sinh mạng sống, là một gia tài quá quý giá không thể bị coi thường hoặc nhạt phai. Đó là một di sản chung hiệu triệu chúng ta hãy gần gũi với nhau như anh chị em, những người cùng chia sẻ di sản đó. Chúng ta hãy hiệp nhất với Chúa Kitô trong đau khổ và nỗi buồn, và hiệp nhất với Chúa Kitô trong sự phục sinh, để “cả chúng ta cũng có thể tiến bước trong sự mới mẻ của cuộc sống” (Rm 6: 4).

Thưa Đức Thượng Phụ, các anh em thân mến, hai mươi lăm năm trước, cuộc gặp gỡ giữa các vị Tiền nhiệm của chúng ta là một ân sủng Phục Sinh, một sự kiện không chỉ góp phần làm mới quan hệ giữa Chính thống giáo và Công Giáo ở Rumani, mà còn đóng góp cho cuộc đối thoại Chính thống và Công Giáo nói chung. Chuyến thăm đó, là lần đầu tiên một Giám mục Rôma đến với một đất nước đa số theo Chính thống giáo, đã mở đường cho các sự kiện tương tự khác. Ở đây tôi nhớ đến với lòng biết ơn Đức Thượng Phụ Teoctist. Làm sao chúng ta lại có thể quên nhắc nhớ lời tự phát của ngài “Hiệp nhất, hiệp nhất!” được thốt lên ở đây, tại Bucharest này, trong những ngày đó! Đó là một lời tuyên bố về niềm hy vọng trỗi dậy từ dân Chúa, một lời tiên tri đã khai mở một thời đại mới: thời đại cùng nhau hành trình tái khám phá và hồi sinh tình huynh đệ mà ngay bây giờ đang hợp nhất chúng ta. Và cuộc gặp gỡ này đã là một sự hiệp nhất.

Hành trình cùng với sức mạnh của ký ức. Không phải ký ức về những sai lầm phải chịu đựng và gây ra, những phán xét và định kiến, cũng như những vạ tuyệt thông khiến chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn và chỉ mang lại sự cằn cỗi. Thay vào đó, ký ức về cội nguồn: về những thế kỷ đầu tiên khi Tin Mừng, được rao giảng với sự táo bạo và tinh thần tiên tri, đã gặp gỡ và giác ngộ các dân tộc và những nền văn hóa mới; ký ức về những thế kỷ đầu tiên của các vị tử đạo, về các Giáo Phụ và những vị hiển tu, ký ức về sự thánh thiện hàng ngày được sống và làm chứng bởi rất nhiều người đơn sơ chia sẻ cùng một niềm tin nơi Chúa Kitô, về những thế kỷ đầu tiên khi Tin Mừng được loan báo với tất cả sự thẳng thắn, tự do và với tinh thần ngôn sứ. Tạ ơn Chúa, gốc rễ của chúng ta thật đẹp, thật mạnh mẽ và chắc chắn, và, cho dù sự tăng trưởng của chúng ta lúc này lúc khác đã trải qua những khúc quanh và ngã rẽ, chúng ta được mời gọi, như Vịnh Gia, để nhớ đến với lòng biết ơn tất cả những gì Chúa đã thực hiện giữa chúng ta và dâng lên Ngài một bài hát ca ngợi lẫn nhau (x. Tv 77: 6.12-13). Việc ghi nhớ các bước được thực hiện và hoàn thành cùng nhau khuyến khích chúng ta tiến tới tương lai với một nhận thức rõ ràng về sự khác biệt giữa chúng ta, nhưng trên hết là để tạ ơn bầu khí gia đình được tái khám phá và một ký ức hiệp thông được hồi sinh, giống như một ngọn đèn, có khả năng thắp sáng những bước đi trong cuộc hành trình của chúng ta.

Hành trình cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa. Chúng ta có một ví dụ về cách thế Chúa chúng ta hành động vào buổi chiều Phục sinh khi Ngài đi bên cạnh các môn đệ trên đường Emmaus. Họ đã thảo luận về tất cả những gì đã xảy ra, những lo lắng, do dự và những nghi vấn của mình. Ở đó, Chúa lắng nghe một cách kiên nhẫn và tham gia vào cuộc đối thoại chân thành với họ, giúp họ hiểu rõ và thấu hiểu những gì đã xảy ra (x. Lc 24: 15-27).

Cả chúng ta cũng cần lắng nghe Chúa, đặc biệt là trong những năm gần đây, khi thế giới của chúng ta đã trải qua những thay đổi nhanh chóng về văn hóa và xã hội. Sự phát triển công nghệ và sự thịnh vượng kinh tế có thể đã mang lại lợi ích cho nhiều người, nhưng còn có nhiều người hơn vẫn bị loại trừ một cách vô vọng, trong khi hiện tượng toàn cầu hóa có xu hướng san bằng những khác biệt đã góp phần vào việc làm mất gốc những giá trị truyền thống và làm suy yếu đạo đức và đời sống xã hội, mà gần đây chúng ta phải chứng kiến những cảm giác sợ hãi ngày càng tăng, thường được khéo léo vun bồi, dẫn đến thái độ từ chối và thù ghét. Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau để đừng chịu khuất phục trước những cám dỗ của một “nền văn hóa thù ghét”, một nền văn hóa tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, có lẽ không đến mức là một ý thức hệ như trong thời điểm xảy ra những bách hại của chủ nghĩa vô thần, nhưng thuyết phục hơn và không kém phần duy vật. Thông thường, nó được ngụy trang như một con đường để phát triển xem ra có vẻ nhanh chóng và dễ dàng, nhưng trong thực tế chỉ là thờ ơ và hời hợt. Sự suy yếu của những ràng buộc xã hội, dẫn đến sự cô lập, có tác động đặc biệt đến tế bào cơ bản của xã hội, là gia đình. Nó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực vươn ra và tham gia vào những khó khăn mà anh chị em của chúng ta phải đối mặt, đặc biệt là những người trẻ, không phải với sự nản lòng và hoài cổ, như của các môn đệ trên đường Emmaus, nhưng với mong muốn truyền đạt Chúa Giêsu phục sinh, là trung tâm của hy vọng. Cùng với anh chị em của chúng ta, chúng ta cần lắng nghe Chúa một lần nữa, để trái tim chúng ta có thể bùng cháy trong chúng ta và lời rao giảng của chúng ta không trở nên yếu ớt (thượng dẫn, Câu 32,35). Chúng ta cần để cho trái tim của chúng ta được sưởi ấm bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Cuộc hành trình đi đến hồi kết, giống như tại Emmaus, với lời cầu nguyện kiên định rằng Chúa vẫn ở lại với chúng ta (xem câu 28-29). Chúa là Đấng đã được tỏ ra trong việc bẻ bánh (câu. 30-31), mời gọi chúng ta sống bác ái, để phục vụ lẫn nhau, để “dâng lên Thiên Chúa” trước khi chúng ta “nói về Thiên Chúa”, Ngài mời gọi chúng ta hướng đến một sự thiện không phải một cách thụ động, nhưng được chuẩn bị để đứng dậy và cất bước, đến với một sự phục vụ tích cực và hợp tác (xem câu 33). Chúng ta thấy một ví dụ tuyệt vời về điều này trong nhiều cộng đồng Chính thống Rumani hợp tác hiệu quả với nhiều giáo phận Công Giáo ở Tây Âu nơi họ hiện diện. Trong nhiều trường hợp, một mối quan hệ tin tưởng hỗ tương và tình bạn đã phát triển, đặt nền móng trong tình huynh đệ và được nuôi dưỡng bằng những cử chỉ cụ thể của sự chấp nhận, hỗ trợ và đoàn kết. Thông qua sự phát triển của sự hiểu biết lẫn nhau này, nhiều người Công Giáo và Chính thống Rumani đã phát hiện ra rằng họ không phải là người lạ, mà là anh chị em và bằng hữu với nhau.

Hành trình cùng nhau hướng tới một ngày lễ Ngũ tuần mới. Con đường phía trước chúng ta dẫn từ Lễ Phục Sinh đến Lễ Ngũ Tuần: từ buổi bình minh của lễ Phục sinh hiệp nhất ló dạng ở đây hai mươi năm trước, chúng ta đã bắt đầu hướng tới một Lễ Ngũ Tuần mới. Đối với các môn đệ, lễ Phục sinh đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình mới, ngay cả khi nỗi sợ hãi và sự bất định của họ chưa tan biến. Tình trạng ấy kéo dài cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần, khi, tập trung quanh Mẹ Thánh của Thiên Chúa, các Tông đồ, trong một Thần khí và sự đa dạng và phong phú của ngôn ngữ, đã làm chứng cho Chúa Phục sinh bằng lời nói và cuộc sống của họ. Cuộc hành trình của chúng ta đã bắt đầu một lần nữa với sự chắc chắn rằng chúng ta là anh chị em đi bên cạnh nhau, chia sẻ đức tin dựa trên sự phục sinh của cùng một Chúa. Từ lễ Phục sinh đến ngày lễ Ngũ tuần là thời gian quy tụ và cầu nguyện cùng nhau dưới sự bảo vệ của Mẹ Thánh của Thiên Chúa, là thời gian cầu khẩn Thánh Linh cho nhau. Cầu xin Chúa Thánh Thần làm mới chúng ta, vì Người coi thường sự đồng nhất và thích hình thành sự hiệp nhất từ sự đa dạng đẹp đẽ và hài hòa nhất. Cầu xin ngọn lửa của Người thiêu đốt sự thiếu tự tin của chúng ta và hơi thở của Người xóa tan sự do dự ngăn chúng ta làm chứng cùng nhau với cuộc sống mới mà Ngài trao ban cho chúng ta. Cầu xin Ngài, là Đấng xây dựng tình huynh đệ, ban cho chúng ta ân sủng để đi bên cạnh nhau. Cầu xin Ngài, là Đấng tạo ra sự mới mẻ, làm cho chúng ta can đảm khi chúng ta trải nghiệm những cách thế chia sẻ và những cách truyền giáo chưa từng có. Cầu xin Ngài, là sức mạnh của các vị tử đạo, đừng để chúng ta biến hồng ân tự hiến của Ngài ra vô ích.

Thưa Đức Thượng Phụ và các anh em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau hành trình, để ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và vì thiện ích chung của chúng ta, khi chúng ta tìm cách giúp các anh chị em của chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu. Một lần nữa tôi bảo đảm với anh em về lòng biết ơn của tôi và tình cảm, tình bạn, tình huynh đệ và lời cầu nguyện của tôi, và của Giáo Hội Công Giáo.


Source:Libreria Editrice Vaticana