Ngày 6 tháng Chín này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ rời Rôma đi thăm hai thành phố nhỏ, nhưng mang nhiều ý nghĩa đó là Viterbo và Bagnoreggio. Viterbo cách Rôma chừng 65 dặm, khoảng một giờ lái xe, là nơi việc bầu giáo hoàng theo thể thức “cơ mật viện” hay kín cửa (conclaves) đã xẩy ra lần đầu tiên. Thực vậy, cho tới năm 1271, việc tụ họp các vị hồng y lại để bầu tân giáo hoàng không được gọi là cơ mật viện, hay một cuộc họp diễn ra trong một căn phòng khóa kín. Sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Clement IV vào năm 1268, các vị hồng y họp nhau tại Viterbo không bầu được vị giáo honàg nào để thay thế ngài trong suốt ba năm trời. Cuối cùng, các viên chức của thành phố buộc phải khóa kín các vị hồng y lại trong phòng họp và hàng ngày chỉ cung cấp cho các ngài duy có bánh mì và nước lã mà thôi. Chẳng bao lâu sau đó, Đức Giáo Hoàng Gregory X được các ngài bầu lên. Chính vị giáo hoàng tân cử này đã ban hành sắc chỉ buộc việc bầu cử tân giáo hoàng phải diễn ra trong phòng khóa kín.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ dùng trực thăng bay từ dinh mùa hè tại Castel Gandolfo tới Viterbo. Nhưng trên đường về, ngài sẽ dừng chân tại Bagnoreggio. Có người tự hỏi: tại sao ngài lại dừng chân tại một thị trấn không quan trọng chút nào vậy? Thưa, Bagnoreggio chính là sinh quán của Thánh Bonaventura. Thánh nhân sinh tại đó năm 1217. Nhưng một vị giáo hoàng đâu có bắt buộc phải đi thăm sinh quán của mọi vị thánh? Câu trả lời chỉ có thể là: Thánh Bonaventura là một trong hai vị thánh đã lên khuôn cho tưn tưởng của Đức Đương Kim Giáo Hoàng. Vị thánh kia, chính là Thánh Augustine.

Tại Đức, các học giả phải viết hai luận án. Luận án đầu để nhận lãnh văn bằng tiến sĩ. Luận án sau, gọi là "Habilitationsschrift", để lãnh nhận chức giáo sư giảng dạy. Giữa thập niên 1950, người sinh viên trẻ tuổi Joseph Ratzinger đã viết luận án thứ hai này, tạm gọi là luận án hậu tiến sĩ, về Thánh Bonaventura và cái hiểu của ngài về lịch sử.

Thánh Bonaventura
Tường thuật báo chí cho hay Đức Giáo Hoàng sẽ kính viếng cánh tay của vị thánh này đang được giữ tại nhà thờ chính tòa Bagnoreggio, trong khi các phần thân thể khác của thánh nhân được chôn cất tại Pháp. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cũng sẽ tôn kính sự khôn ngoan sâu sắc trong cái nhìn của Thánh Bonaventura về mạc khải Kitô Giáo, và khi làm như thế, ngài sẽ duyệt lại một trong các quan tâm chính trong chính quan điểm thần học của riêng ngài.

Theo nghĩa này, nếu ta hiểu Đức Bênêđíctô đã học hỏi được gì nơi Thánh Bonaventura, ta sẽ hiểu rõ hơn điều ngài đang dự tính làm vào lúc này, trong triều đại ngài, để dìu dắt Giáo Hội vượt qua một giai đoạn khá nhiễu nhương trong lịch sử. Chính Đức Thánh Cha đã cho ta một ý niệm về bối cảnh tri thức trên trong một bài diễn văn ngài đọc trước một nhóm học giả mấy năm trước đây, trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Lúc ấy ngài nói rằng: “Luận án tiến sĩ của tôi nói về ý niệm dân Chúa nơi Thánh Augustine… Thánh Augustine đối thoại với ý thức hệ Rôma, nhất là sau vụ người Goths xâm chiếm Rôma vào năm 410, và do đó, tôi rất thích xem xem trong những cuộc đối thoại và các nền văn hóa khác nhau này, ngài định nghĩa ra sao về yếu tính của Kitô Giáo. [Tôi thấy] ngài coi đức tin Kitô Giáo không phải là một tiếp diễn đối với các tôn giáo khác, mà đúng hơn là một tiếp diễn của triết học như một chiến thắng của lý trí đối với mê tín…”

Như thế, ta có thể nghĩ rằng bước chính trong tiến trình hình thành nền thần học Ratzinger là hiểu Kitô Giáo như “một tiếp diễn đối với triết học” và như “một chiến thắng của lý trí đối với mê tín”.

Rồi người sinh viên trẻ tuổi Ratzinger tiến thêm bước nữa. Ngài nghiên cứu Thánh Bonaventura. Ngài nói tiếp: “Công trình hậu tiến sĩ của tôi nói về Thánh Bonaventura, một nhà thần học Dòng Phanxicô thế kỷ 13. Tôi khám phá ra một khía cạnh trong nền thần học Bonaventura mà tôi chưa thấy có trong các trước tác có trước, đó chính là tương quan của ngài với ý niệm mới mẻ về lịch sử, từng được Joachim thành Fiore thai nghén trong thế kỷ 12. Joachim nhìn lịch sử như một diễn tiến từ thời kỳ Chúa Cha (thời khó khăn cho loài người phải sống dưới lề luật), qua thời kỳ thứ hai của lịch sử, tức thời Chúa Con (nhiều tự do hơn, nhiều cởi mở hơn, nhiều tình anh em hơn), tới thời kỳ thứ ba của lịch sử, thời kỳ dứt khoát của lịch sử, tức thời Chúa Thánh Thần.

“Theo Joachim, đây là thời của hoà giải phổ quát, hòa giải giữa đông và tây, giữa Kitô hữu và người Do Thái giáo, thời không có luật (theo nghĩa của Thánh Phaolô), thời của tình bằng hữu đích thực trên trần gian.

“Ý niệm đáng chú ý mà tôi khám phá được là một luồng tư tưởng có ý nghĩa trong các tu sĩ Phanxicô đã xác tín rằng Thánh Phanxicô thành Assisi và cả Dòng Phanxicô đã đánh dấu buổi hừng đông của thời kỳ thứ ba trong lịch sử, và họ có tham vọng thực hiện được việc ấy; Bonaventura đã đối thoại một cách phê phán với luồng tư tưởng này”.
Joachim de Fiore


Như thế, thiển nghĩ nhà thần học trẻ tuổi Ratzinger đã rút tỉa từ Thánh Bonaventura quan niệm coi lịch sử nhân bản như một diễn tiến có chủ đích hướng về một mục tiêu chuyên biệt, một thời có những thông sáng tâm linh sâu sắc, “thời của Chúa Thánh Thần”.

Trong khi triết học cổ điển nói tới tính vĩnh cửu của thế giới, và do đó tới chu kỳ “đời đời trở lại” của thực tại, thì Thánh Bonaventura, theo gương Joachim, đã lên án quan niệm coi thế giới là vĩnh hằng, và bênh vực ý niệm cho rằng lịch sử là một diễn tiến có chủ đích gồm các biến cố không bao giờ trở lại, nhưng hướng về một chung cục.

Lịch sử có ý nghĩa

Lịch sử có liên hệ tới, và qui hướng về một ý nghĩa, về Ngôi Lời, về Chúa Kitô.

Điều này không hẳn để nói rằng nhà thần học trẻ tuổi Ratzinger hay Thánh Bonaventura muốn biến lối giải thích đặc thù của Joachim thành của riêng mình. Đúng hơn chỉ muốn nói rằng: giống như Thánh Bonaventura, nhà thần học Ratzinger đã bước vào đối thoại có phê phán với quan niệm tổng thể của ông này, nghĩa là lịch sử có một dáng dấp và một ý nghĩa; rằng, cũng như Thánh Bonaventura, ngài nghiêm chỉnh xem sét ý niệm này.

Người ta còn nhớ Ratzinger lãnh văn bằng hậu tiến sĩ ngày 21 tháng Hai năm 1957, lúc gần 30 tuổi, với khá nhiều “sóng gió”. Ủy ban giám khảo có nhiệm vụ xem sét công trình của ngài thực tế đã bác bỏ phần “phê phán” của luận án, đến độ ngài buộc phải cắt bỏ và viết lại, và chỉ trình bày phần “lịch sử” mà thôi, xoay quanh việc phân tích mối tương quan giữa Thánh Bonaventura và Joachim. Theo chính hồi ký “Milestones: Memoirs 1927-1977” của ngài, giáo sư của ngài là Michael Schmauss phê rằng lối giải thích của ngài về quan niệm mạc khải của Thánh Bonaventura chứng tỏ “một chủ thuyết duy hiện đại đầy nguy hiểm nhất định sẽ dẫn tới việc chủ quan hóa ý niệm mạc khải”. Lúc ấy, và cả bây giờ nữa, ngài vẫn cho rằng lời phê phán của Schmauss không đúng. Vì ngài cho rằng quan niệm mạc khải của Thánh Bonaventura không cùng nghĩa với quan niệm của chúng ta ngày nay là nghĩa “mọi nội dung mạc khải của đức tin”. Theo ngài, đối với Thánh Bonaventura, mạc khải luôn luôn đi kèm với ý niệm hành động, nghĩa là, mạc khải chính là hành vi qua đó Thiên Chúa tự tỏ mình ra, chứ không phải chỉ là kết quả của hành vi đó.

Tại sao điều đó quan trọng? Chính ngài viết trong hồi ký Milestones: “Bởi vì thực sự là như thế, quan niệm mạc khải luôn luôn hàm nghĩa một chủ thể tiếp nhận: nơi nào không có người tiếp nhận mạc khải, nơi đó mạc khải không xẩy ra, vì không có tấm màn nào được kéo lên cả. Do chính định nghĩa, mạc khải đòi một ai đó có thể nắm bắt được nó”.

Nhưng tại sao việc này lại quan trọng? Ngài viết tiếp: “Các thông sáng này, có được nhờ đọc Thánh Bonaventura, sau này rất quan trọng đối với tôi, lúc Công Đồng thảo luận về mạc khải, về Thánh Kinh và thánh truyền. Vì, nếu Thánh Bonaventura đúng, thì mạc khải phải đi trước Thánh Kinh và được ký thác trong Thánh Kinh nhưng vẫn không hoàn toàn đồng nhất với Thánh Kinh. Điều này cũng có nghĩa là mạc khải luôn là điều gì đó vĩ đại hơn những gì đã được viết xuống. Và hơn nữa, nó cũng có nghĩa là không thể có cái thứ “sola scriptura” (chỉ có thánh kinh mà thôi) nguyên tuyền được, vì một yếu tố chủ yếu của Thánh Kinh chính là Giáo Hội trong tư cách chủ thể am hiểu, và hiểu như thế, thì ý nghĩa nền tảng của thánh truyền đã rành rành”.

Nói tóm lại, xét trong yếu tính, điều ngài rút tỉa từ Thánh Bonaventura đã thích ứng và hoàn bị điều trước đó ngài đã rút tỉa từ Thánh Augustine. Nếu tư tưởng của Thánh Augustine nhấn mạnh đến liên tục tính của Kitô Giáo với nền triết học cổ điển, và hợp lý tính của niềm tin Kitô Giáo so với tính dị đoan của ngoại giáo, thì tư tưởng của Thánh Bonaventura nhấn mạnh tới tương phản tính giữa Kitô Giáo và nền triết học cổ điển. Thực ra, tư tưởng ấy lên án phù phiếm tính của nền triết học cổ điển vì đã ôm ấp ý niệm coi thế giới là vĩnh cửu và mọi sự sẽ “đời đời trở lại”, chẳng qua do nó thiếu chân lý mạc khải về một “tác nhân” thần linh.

Nhà thần học Ratzinger gợi ý điều trên trong lời phi lộ cho công trình của ngài về Thánh Bonaventura: “Há việc Hy lạp hóa Kitô Giáo, một việc từng cố gắng vượt qua xì-căng-đan cá biệt thể (the particular) bằng cách hòa lẫn đức tin và siêu hình, đã chẳng dẫn tới việc khai triển theo chiều hướng sai lầm đó sao? Há nó đã chẳng tạo nên một phong thái tĩnh tụ (static) cho tư duy, gây hại cho năng động tính của phong thái Thánh Kinh đó sao?”

Cả nay nữa, nếu ta chịu đọc chương cuối trong tác phẩm mới đây của Đức Giáo Hoàng, cuốn “Chúa Giêsu thành Nazareth”, ta sẽ thấy thuật ngữ siêu hình vốn giả thiết hữu thể học về “con người như một liên hệ” mà nhiều người coi là sợi chỉ xuyên suốt mọi công trình của nhà thần học Ratzinger, từ công trình đầu tiên về Thánh Augustine vào năm 1953, qua luận án hậu tiến sĩ về Thánh Bonaventura (1956) tới cuốn Chúa Giêsu thành Nazareth (2007). Ngài cho rằng mạc khải Kitô Giáo phải vượt lên trên lý trí, mặc dù nó không và không được mâu thuẫn với lý trí.

Thành ra, khi dừng lại Bagnoreggio, theo một nghĩa nào đó, Đức Bênêđíctô XVI quả đã trở về với nguồn cội của cuộc tranh đấu tri thức sâu sắc nhất của mình, nơi ngài đã hiểu trọn vẹn tính mới mẻ của niềm tin Kitô Giáo và niềm tin ấy, chân lý mạc khải ấy, cùng một lúc, vừa hoà hợp vừa chống lại ra sao thứ “lý trí” vốn là của báu của nền triết học cổ điển.

Điều ấy làm cho cuộc du hành Bagnoreggio không phải chỉ là một cuộc du hành bình thường của một vị giáo hoàng, mà là một cuộc hành trình tìm về quá khứ tri thức và tâm linh riêng của chính Đức Thánh Cha, và trở về với cái cốt lõi trong cái nhìn tri thức và tâm linh của ngài.

Theo Robert Moynihan, sáng lập viên và chủ biên nguyệt san Inside the Vatican.