Ngày Huynh Đệ Giáo Hội Việt Nam & Hoa Kỳ Năm 2007

Từ năm 1999, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam và Hoa Kỳ đã chọn Chúa nhật XXII Mùa Phụng vụ Thường niên hằng năm làm ngày kết thân huynh đệ giữa hai Giáo hội. Mục đích chính của ngày này là để hai Giáo hội đặc biệt hiệp thông cầu nguyện với nhau và cho nhau. Ngày huynh đệ năm 2007 là Chúa nhật ngày 2 tháng 9.

Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau nhìn lại một số những sự kiện hay tiến trình liên hệ giữa hai Giáo hội Việt Nam và Hoa Kỳ, do Ủy ban Giao tế và Liên lạc của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ghi nhận sau đây.

***

HÀNH TRÌNH HIỆP THÔNG VÀ LIÊN ĐỚI HAI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM VÀ HOA KỲ

Ban Thưởng Vụ HĐGMVN họp với Liên Đoàn (2003)
Hiệp thông và Liên đới là nét đặc trưng của mối tương giao giữa hai Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ và Hội đồng Giám mục Việt Nam, như đã được Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhấn mạnh trong bài diễn văn phát biểu trước phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ ngày 10-11-2003 tại Washington, DC.

Lược qua tiến trình liên hệ giữa hai Hội đồng Giám mục, đặc biệt trong những năm gần đây, có thể cho chúng ta một cái nhìn khá trung thực về mối giây Hiệp thông và Liên đới ấy, đồng thời cảm nhận được niềm hy vọng cho một viễn tượng tốt đẹp hơn nữa giữa hai Giáo hội tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

A. Trước ngày thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam

Lịch sử của hai quốc gia và hai Giáo hội sẽ đào sâu hơn về cội nguồn của mối liên hệ thân tình hôm nay. Trong phạm vi đơn giản của bài này, chúng ta nhận thấy trong lịch sử cận đại việc tiếp xúc giữa hai dân tộc và hai Giáo hội khơi nguồn từ những cá nhân và đoàn thể đi tìm một chân trời mới cho “vấn đề Việt Nam” sau hai thế chiến.

Các chính khách đi tìm giải pháp chính trị. Một số các nhà lãnh đạo tôn giáo đi tìm trao đổi một hiệp thông trong đức tin và trong việc đào tạo hàng giáo sĩ, tu sĩ cho một Việt Nam thời hậu chiến; thế nên một số các Linh mục, Tu sĩ Việt Nam đã được gửi đi du học tại các đại học và chủng viện Hoa Kỳ đầu thập niên 1950.

Để nâng đỡ nhau và để gìn giữ giây liên lạc với Giáo hội bên nhà, các anh chị em giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam du học khắp nơi đã quy tụ lại thành những Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam hoặc Hội Liên Tu Sĩ quốc gia, hay liên quốc gia, từ Âu, Á sang Mỹ. Nhiều hội đoàn ái hữu này về sau đã biến thành những Ban Tuyên Úy, hoặc Cộng Đồng Giáo Sĩ Tu Sĩ vẫn với mục đích ái hữu tương trợ lẫn nhau, đồng thời để chia sẻ công tác mục vụ cho khối di dân tỵ nạn đến từ Việt Nam.

Có thể nói mối liên hệ giữa một số các Giám mục Việt Nam và hàng giáo phẩm Hoa Kỳ trong thời Hiệp Định Genève chủ yếu nhắm tới nhu cầu tị nạn từ Bắc vào Nam. Và tiếp nối trong thời chiến tranh Việt Nam, mối liên hệ đó vẫn thường nằm trong khuôn khổ Cứu Trợ Công Giáo đặc biệt qua các chương trình dinh điền, định cư tại miền nam Việt Nam.

B. Từ sau ngày thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam

Đức Cha Hòa đọc diễn văn trước HĐGM Hoa Kỳ (2003)
Đại Hội Giám mục toàn quốc năm 1980 với Thư Chung công bố việc thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam đã mở đầu cho việc nối kết một nhịp cầu mới với các Hội đồng Giám mục trên thế giới, đặc biệt là với Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ.

1. Phía Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ

a) Giai đoạn 1972-1989

- Năm 1972, đang giữa cuộc chiến, quan tâm đến những thống khổ người dân Đông Nam Á phải chịu, Hội đồng Công giáo (lúc đó là ngành lo “việc đời, việc xã hội” của các Giám mục Hoa Kỳ) đã kêu gọi dân chúng Mỹ nhiệt tâm ủng hộ các chương trình cứu trợ và tái thiết Việt Nam.

- Tháng 11 năm 1975, Hội đồng Công giáo của các ngài cũng đã đệ trình đến Quốc hội chứng từ “Đông Dương: thuyền chứa các thương tích của chiến tranh” thúc giục việc tu chỉnh lại “Sắc luật về Kinh doanh với Kẻ địch” nhằm cho phép các tàu hàng tư nhân chuyển tải các vật dụng tiếp cứu đến trong vùng.

- Tháng 12 năm 1975, vị Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã ký vào lời kêu gọi “Hòa giải và Tái thiết Đông Dương thời hậu chiến” của Ủy Ban Tổng Thư ký Hội Đồng Liên Tôn nhằm cổ động bãi bỏ vụ phong tỏa mậu dịch và cung cấp vật liệu cứu trợ tái thiết.

ĐHY Mẫn tặng quà HĐGMHK (2003)
Phải nói ưu tiên hàng đầu của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ trong giai đoạn hậu chiến cho đến cuộc viếng thăm chính thức đại diện cho Hội đồng do các Đức Tổng Giám mục Roger Mahony, Theodore McCarrick và Edward O’Meara từ 4 đến 9 tháng 1, 1989 nhằm trực tiếp tích cực giúp đỡ, cũng như thúc đẩy chính quyền Hoa Kỳ đẩy mạnh các chương trình tỵ nạn, cứu trợ, và đoàn tụ, hỗ trợ công cuộc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích, khai mở mậu dịch tư nhân hầu xoa dịu vết thương chiến tranh và tái thiết Việt Nam.

Một điểm son cần lưu ý trong giai đọan này là Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong việc đón nhận, giúp định cư và hòa hợp vào đời sống Mỹ của hàng trăm ngàn người Việt tỵ nạn. Các văn phòng di dân tị nạn thuộc các giáo phận cũng như các giáo xứ và đoàn thể Công giáo đã sát cánh với các cơ quan xã hội của chính quyền làm việc rất đắc lực và hữu hiệu trong tiến trình hội nhập rất phức hợp và bao la này.

b) Giai đoạn từ 1989 đến hiện tại

Một cách chính thức, các Giám mục Hoa Kỳ đã đi bước đầu để nối kết quan hệ giữa hai Giáo Hội Việt Nam và Hoa Kỳ; điểm này đã được chính Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam xác nhận trong bài diễn văn trước toàn thể Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 10-11-2003. Bước đầu tiên chính thức đến từ lá thư do Đức Tổng Giám mục John L. May, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ lúc ấy, gửi cho Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn ngày 13-8-1988 đề nghị một cuộc viếng thăm Việt Nam vào năm sau, 1989.

Sau nhiều lần hội ý với các cơ quan hữu trách liên hệ, đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ do Đức TGM Roger Mahony hướng dẫn, từ 4 đến 9 tháng 1 năm 1989, đã đến thăm và gặp gỡ với Đức Hồng y Căn, các Giám mục, cũng như một số giới chức chính quyền Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn… Như bản tường trình sơ khởi về chuyến đi được gửi tới Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ ngày 17-1-1989 xác nhận, “cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi nhưng rất hữu ích” được thực hiện với một số lý do chính yếu và rõ rệt sau đây:

  • (1) Để bày tỏ sự yểm trợ và mối quan tâm của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ dành cho Giáo hội và dân tộc Việt Nam;
  • (2) Để thảo luận với các nhà lãnh đạo Giáo hội Việt Nam về phương cách tốt đẹp nhất Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ có thể trợ giúp dân tộc Việt Nam;
  • (3) Để khai mào một cuộc đối thoại cởi mở, chân thành và xây dựng với các giới chức chính quyền Việt Nam về một số vấn đề hệ trọng, đặc biệt các vấn đề về tự do tôn giáo, các nhu cầu nhân sự của dân chúng Việt Nam, các vấn đề di trú và tị nạn, và mối quan tâm của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ với các quân nhân Hoa Kỳ mất tích và một số vấn đề khác;
  • (4) Để nối lại và bày tỏ liên hệ đoàn kết giữa cộng đồng Công giáo Hoa Kỳ - nay gồm nhiều tín hữu Việt Nam - và Giáo hội cùng dân tộc Việt Nam.


Năm tháng sau, trong cuộc họp khoáng đại bán niên ngày 17 tháng 6 năm 1989, các Giám mục Hoa Kỳ đồng chấp thuận và công bố bản Tuyên ngôn “A Time for Dialogue and Healing: A pastoral Reflection on United States - Vietnam Relations” (“Thời Điểm để Đối Thoại và Thuyên Chữa: Tuyên Ngôn Mục Vụ về Liên Hệ Việt-Mỹ”) do Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ phát hành, (bản dịch Việt ngữ của Đồng Tâm, Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á Portland, Oregon).

Đây là một “suy tư mục vụ” nền tảng chỉ đạo cho các mối tương giao của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đối với các vấn đề Việt Nam từ đó đến nay.

Lời mở đầu nêu lên ý thức sáng rõ của các ngài về thực tế phức tạp của “vấn đề Việt Nam”, đồng thời xác định vai trò mục tử và tình liên đới huynh đệ của các ngài với hàng Giám mục và dân chúng Việt Nam.

Chúng tôi đề cập đến vấn đề phức tạp và bất ổn này là mối bang giao Việt Mỹ và những vấn đề rộng lớn hơn liên quan tới Đông Nam Á, với tư cách là những chủ chiên thấu hiểu nỗi đau khổ, sự phân ly và mất mát do chiến tranh tàn khốc gây ra. Chúng tôi lên tiếng với tư cách là chủ chiên đi tìm kiếm cơ hội để mang lại một tiếng nói hòa giải và một niềm hy vọng khai mào cho một cuộc đối thoại xây dựng, và với tư cách là giảng sư Phúc Âm của Công Bằng và Hòa Giải.

“Chúng tôi không thể thay lời cho Giáo hội tại Việt Nam, nhưng chúng tôi muốn sát cánh với Giáo hội ấy và hợp lực với chư huynh Giám mục Việt Nam trong chiều hướng xây dựng một mối liên hệ tốt đẹp hơn cho hai dân tộc chúng ta, một mối liên hệ dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của tất cả mọi dân tộc.”

Trong phần kết, các ngài nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng nay đã đến lúc phải tiến xa hơn cái di sản chiến tranh, để bắt đầu đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp của những nạn nhân cuộc chiến, ngõ hầu có thể đề cập tới những khó khăn và tới cơ hội chuẩn bị cho một sự liên hệ tốt đẹp hơn giữa nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam
.”

Đề cao Đối Thoại như là “phương tiện hữu hiệu để Giải quyết những Nhu cầu và Vấn đề Quan trọng”, các Giám mục Hoa Kỳ đã chân thành và thẳng thắn nêu lên một số các vấn đề đáng quan tâm lúc bấy giờ, cũng như một số vẫn còn có giá trị tồn đọng cần được lưu ý giải quyết hôm nay:

  • (1) Quan trọng hàng đầu là tất cả mọi người dân Việt Nam phải được hưởng một cách đầy đủ trọn vẹn, bất kể họ theo tôn giáo nào, thứ quyền cốt yếu nhất của con người là quyền tự do tôn giáo;
  • (2) Phóng thích ngay tức khắc các vị linh mục, tu sĩ, quí sư, và mục sư từ các trại giam cho họ trở về các thánh đường, miếu đền, chùa chiền để họ có thể thi hành phận sự mục vụ của họ cách tự do, cũng như phải sớm thả số người hiện còn bị lưu giữ tại các trại học tập cải tạo chính trị, những người bị quản thúc tại gia và xúc tiến thủ tục di trú cho những ai muốn rời Việt Nam;
  • (3) Phát triển một môi trường chính trị trong đó mọi người dân Việt Nam được hưởng các nhân quyền căn bản;
  • (4) Giải quyết số quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích;
  • (5) Chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Cambốt;
  • (6) Giúp các gia đình ly tán và những ai hội đủ điều kiện rời Việt Nam trong Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự được hoàn tất thủ tục xuất cảnh mau lẹ hơn nữa;
  • (7) Xúc tiến thủ tục di trú cho các trẻ em Mỹ lai muốn xuất ngoại với các thân nhân hội đủ điều kiện.
Không ngừng chân thành và thẳng thắn đối thoại là cách hành xử nhất thống của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ trong suốt quá trình liên lạc với nhà cầm quyền tại Việt Nam. Đây cũng là một cách bày tỏ cụ thể mối hiệp thông và tình liên đới với hàng Giám mục Việt Nam cũng như với các tôn giáo bạn và dân chúng Việt Nam.

Thật vậy, kể từ ngày công bố Tuyên ngôn quan trọng nói trên, mỗi lần có biến chuyển nào liên hệ đến hai quốc gia và hai Giáo hội, thì qua các cơ quan đại diện chính thức của mình, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đều lên tiếng khẳng định lại lập trường Hiệp thông và Liên đới với Hội đồng Giám mục và nhân dân Việt Nam:

- Bảy tháng sau ngày Tổng thống Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh phong toả mậu dịch đối với Việt Nam (3-2-1994), Đức Cha Daniel P. Reilly, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Quốc tế của Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ, qua Tuyên ngôn ký ngày 15-9-1994, đã lên tiếng đón nhận quyết định đó, nhưng đồng thời cũng nhắc lại mối quan tâm đặc biệt của các Giám mục Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo, về việc tiếp tục giúp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam, cũng như về số phận trôi nổi của hàng chục ngàn người tị nạn, các trẻ em Mỹ lai, các nạn nhân Hoá Chất Màu Cam. Đức cha Reilly kết luận:

“Tự do Tôn giáo luôn là tiêu chuẩn cần yếu cho việc thăng tiến tương quan giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Là những người ủng hộ và cổ động cho việc thăng tiến tương giao giữa hai dân tộc, chúng tôi quyết tâm bảo vệ các quyền lợi và giá trị nhân phẩm của mọi tín hữu tại Việt Nam.”

- Cùng ngày Tổng thống Clinton công bố chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, 11-7-1995, một lần nữa Đức cha Daniel P. Reilly đón nhận tin này, và một lần nữa ngài nhắc lại những mối quan ngại nói trên. Qua bản “Công bố về việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam” ngày 11-7-1995, Đức cha Reilly trích lại đoạn này trong “Tuyên ngôn Mục Vụ về Liên Hệ Việt-Mỹ” năm 1995:

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng sự hiện diện chính thức và sự đối thoại liên tục không hề là dấu chỉ sự công nhận hay không một chế độ, nhưng sự thiết lập một cơ quan chính thức sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhờ đó các khó khăn có thể được thảo luận, và có khi được giải quyết… (sự đối thoại này - như chúng tôi đã không ngớt kêu gọi - phải bao gồm mối quan tâm liên tục cho quyền làm người, quyền tự do tôn giáo, và sự thành tâm tìm kiếm công bình)”

- Từ 26-8 đến 2-9 năm 1999, một phái đoàn gồm các Giám mục thuộc các ủy ban có liên hệ đến Việt Nam của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ do chính Đức cha Chủ tịch Joseph A. Fiorenza hướng dẫn đã đi thăm viếng Việt Nam theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam qua thư của Đức Hồng y Chủ tịch Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng.

Chuyến đi này được nhiều người ở Việt Nam nhắc tới như là một chuyến đi lịch sử của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Chuyến đi lịch sử vì phái đoàn gặp gỡ, qui tụ được nhiều cơ quan, đoàn thể, đạo, đời, Mỹ, Việt khắp cả ba miền đoàn đã đi qua. Đặc biệt trong Thánh lễ đồng tế tại Nhà thờ Chánh Toà Hà Nội hôm Chúa nhật 29-8-1999, Đức Hồng y Tụng thay lời cho các Giám mục Việt Nam đã đề nghị lấy ngày Chúa Nhật XXII thường niên hằng năm là ngày Giáo hội hai bên cầu nguyện cho nhau. Lời đề nghị chân tình này đã được phái đoàn Hoa Kỳ vui mừng đón nhận và đông đảo toàn thể giáo dân nhiệt liệt tán thành.

Trưa hôm sau, dưới tượng đài Đức Mẹ tại Linh địa La Vang, sau khi lược qua lịch sử Mẹ La Vang và hiện tình hai quốc gia, bằng một giọng chân thành cảm động, Đức cha Fiorenza đã đại diện cho Giáo hội Hoa Kỳ “xin nhận Đức Mẹ La Vang là Mẹ của Giáo hội và dân tộc Hoa Kỳ.”

Trong cuộc họp mặt huynh đệ với các giáo sĩ và tu sĩ tại Toà Tổng Giám mục Sài Gòn, Đức cha Fiorenza đã ca ngợi niềm tin Công giáo sâu đậm của giáo dân Việt Nam, cũng như số ơn gọi tu trì thật đông đảo tại Việt Nam, và ngài mời gọi Giáo hội Việt Nam quảng đại đáp ứng cho nhu cầu truyền giáo bao la của Á Châu. Phái đoàn đã đi thăm một số Chủng viện, dòng tu nam nữ, cô nhi viện, chẩn y viện, và cử hành Thánh lễ đồng tế tại ba Nhà thờ Chánh Toà của cả ba Tổng Giáo phận.

Tại Hà Nội, Huế, cũng như ở Sài Gòn, phái đoàn đã được các cấp chính quyền tiếp đón, trao đổi một cách cởi mở chân thật và sáng rõ về một số vấn đề thiết thực liên hệ đến các ủy ban Giám mục trong phái đoàn như Ủy ban Di dân Tỵ nạn với Đức cha John Cummins, Cơ quan Cứu trợ Công giáo với Đức cha John Ricard, Ủy ban Chính sách Quốc tế với Đức Hồng Y McCarrick, cựu Tổng Giám mục Washington, DC.

Với các giới chức Việt Nam cũng như các viên chức Toà Đại sứ quán Hoa Kỳ, phái đoàn luôn nêu cao những thành đạt khả quan về mọi mặt được chứng kiến tại Việt Nam, đồng thời cũng khuyến khích chính quyền Việt Nam cần nới rộng hơn nữa các hạn chế nhất là về tự do tôn giáo. Phái đoàn cũng nhắc đến ước nguyện đi thăm viếng Việt Nam của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II; chính quyền Việt Nam hoan hỉ đón nhận và bày tỏ ý muốn một ngày không xa sẽ được dịp tiếp đón Đức Giáo Hoàng.

Lãnh đạo Liên Đoàn CGVN họp với Giám mục Hoa Kỳ và Việt Nam (2003)
Hầu hết ở mỗi nơi phái đoàn đến viếng thăm, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đều nói lời khen ngợi về những đóng góp và gương sáng đức tin người Công giáo Việt Nam đã mang đến cho Giáo hội Hoa Kỳ, nhất là đã đóng góp thật nhiều ơn gọi tu sĩ, linh mục cho các giáo phận Hoa Kỳ trong mấy thập niên vừa qua. Những tâm tình, nhận thức và chia sẻ chân thực này được gói ghém trong Bản Nhận định “Hoà bình, Hoà giải và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam” của Đức cha Chủ tịch Fiorenza, công bố ngày 24-11-1999, hai tháng sau chuyến đi lịch sử nói trên.

- Tiếp tục đẩy mạnh những cải cách và nới rộng cần yếu về tự do tôn giáo tại Việt Nam, ngày 16-5-2001, ông Thomas E. Quigley, cố vấn về chính sách Á châu thuộc Văn phòng Phát triển Xã hội và Hoà bình Thế giới của Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ đã trình bày trong phiên họp về Nhân Quyền của Quốc hội Mỹ về đề tài “Ngược đãi Tôn giáo tại Việt Nam,” nói riêng đối với Giáo hội Công giáo. Lược qua lịch sử cận đại, đặc biệt là hơn thập niên sau ngày thống nhất Nam - Bắc năm 1975, cùng với các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo đã bị áp chế nặng nề. Từ 1989, thái độ của chính quyền đã cởi mở hơn, tuy nhiên việc tuyển lựa, bổ nhiệm, thuyên chuyển nhân sự; việc xuất bản sách báo, mở mang trường học, việc hoàn trả các cơ sở đã bị tịch biên… vẫn còn tiến triển rất chậm.

- Ngày 28-4-2004, Đức cha John H. Ricard, SSJ, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Quốc tế đã gửi đến Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Nguyễn Tâm Chiến, nhờ chuyển đến nhà cầm quyền Việt Nam mối quan tâm đặc biệt của Giáo hội Hoa Kỳ về trường hợp áp bức tôn giáo đối với người Dân tộc Dega ở Cao nguyên Trung phần, và về việc giảm án cho cha Nguyễn Văn Lý. Ngài cũng đề cập đến “sự khôn ngoan” của việc chính thức thành lập bang giao với Toà Thánh.

- Nhân cuộc viếng thăm huynh đệ đáp lễ của phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam từ 7 đến 14 tháng 11, 2003 tại Washington DC, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ qua các cuộc gặp gỡ với các ngài, đã thắt chặt thêm tình huynh đệ và chia sẻ với nhau một cách chân thành thẳng thắn những niềm vui cũng như những ưu tư lo lắng trong đời mục vụ của mình, đồng thời cũng tái khẳng định niềm cảm mến và nỗ lực quan tâm tới các vấn đề Giáo hội Việt Nam còn đang đối diện.

Ngoài những giây liên lạc chính thức trong tư cách Hội đồng Giám mục với nhau, đã có khá nhiều cuộc thăm viếng cá nhân của một vài Hồng y, Giám mục, Bề trên các Dòng tu tại các giáo phận và cơ quan đạo đời, trong đó có chuyến đi của Đức Hồng y Law, Tổng Giám mục Boston, cuối tháng 8 năm1991.

Một cách cụ thể đặc biệt biểu trưng cho tình liên đới với Giáo hội và dân tộc Việt Nam, nhất là với những người thiếu may mắn trong xã hội, Cơ quan Cứu trợ Công giáo (CRS, Catholic Relief Services) trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sau nhiều năm chuẩn bị đã được phép vào mở Văn phòng ở Hà Nội năm 1994 và hiện nay cũng có một đại diện ở Sài Gòn, chủ yếu nhằm khuyến khích và tài trợ sinh hoạt giáo dục, giúp các trẻ em khuyến tật, ngăn ngừa lũ lụt, cũng như các dự án cấp cứu khác trên toàn cõi Việt Nam.

Hỗ trợ cho các công tác cứu trợ khẩn cấp đặc biệt là các vụ bão tố lũ lụt thường tàn phá các vùng duyên hải Việt Nam, các Giám mục Hoa Kỳ cho phép và nhiều khi cổ động lạc quyên trong các cộng đoàn, giáo xứ Việt Nam để trực tiếp, hoặc qua CRS, gửi về giúp đỡ các gia đình nạn nhân.

Nét Đặc Trưng Về Mối Liên Hệ

Qua những tài liệu và dữ kiện trên, chúng ta có thể rút ra được một ít nét đặc trưng sau đây về mối liên hệ của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đối với Hội đồng Giám mục Việt Nam:

  • (1) Tâm tình tương kính huynh đệ: Ngay từ những liên hệ đầu tiên, phải nói đây là điểm nổi bật nhất trong tương giao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ dành cho Hội đồng Giám mục Việt Nam. Không chỉ trong tuyên ngôn, tuyên cáo mà trên thực tế gặp gỡ giữa anh em Giám mục với nhau, bầu khí thân tình, tương kính này là nét ai cũng thấy rõ bất cứ ở đâu.
  • (2) Tiên phong trong việc giao tế: Ý thức trách nhiệm liên đới trong hàng Giám mục Hoa Kỳ đối với Giáo hội và dân tộc Việt Nam rất cao, thế nên các ngài đã tiên phong đi bước trước trong việc lên tiếng cứu trợ nhân đạo cho các thuyền nhân, nạn nhân, cũng như đã cử đoàn đại diện đến thăm Việt Nam năm 1989, đặc biệt chính Đức cha Chủ tịch đã nhanh chóng đáp lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam hướng dẫn phái đoàn đến thăm cả ba Giáo tỉnh Việt Nam năm 1999.
  • (3) Nhãn quan thế giới, hướng tới tương lai: Mối liên hệ đối với Việt Nam nói chung và Hội đồng Giám mục Việt Nam nói riêng được các Giám mục Hoa Kỳ đặt trong một địa bàn quốc tế: nhìn theo hướng đi được Phúc Âm hướng dẫn của Toà Thánh, và tầm quan yếu của đất nước và Giáo hội Việt Nam trong vùng Á châu, đặc biệt là vai trò trọng yếu của các vị thừa sai tương lai của Việt Nam trước cánh đồng truyền giáo bao la đầy thách đố và đầy hy vọng của thế giới hôm nay. Các ngài ý thức sâu xa không chỉ những quan tâm và nhu cầu trước mắt, nhưng còn nhắm tới cả con đường trước mặt trong quan hệ giữa hai Hội đồng và hai Quốc gia. Do đó, các quyết định liên quan đến mối tương giao này đều được cân nhắc trong viễn ảnh rộng rãi và lâu dài đó. Với nhiều biến cố xảy ra dồn dập nhất là từ sau cuộc chiến tại Việt Nam; với lượng giao thông, du lịch, trao đổi văn hoá, y tế, khoa học, mậu dịch… ngày càng tăng triển nhanh chóng và hỗn hợp, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ thường giữ một thái độ quân bình cẩn trọng và nhẹ nhàng trong các nhận định có căn bản và cân nhắc mực thước của mình, nhằm đạt đến hiệu năng tối đa trong việc duy trì và phát triển mối hiệp thông và tình liên đới đối với Hội đồng Giám mục và Giáo hội tại Việt Nam. Ngay cả những khi cần can đảm kịp thời lên tiếng để bênh vực công lý hoặc cổ võ cho một công tác nhân đạo, từ thiện nào, tiêu chuẩn mở rộng, lắng nghe nhẹ nhàng nhưng hữu hiệu này vẫn luôn được các ngài trân trọng giữ gìn.
  • (4) Tinh thần trách mhiệm mục tử: Là mục tử của gần nửa triệu người Công giáo Việt Nam, các Giám mục Hoa Kỳ lưu ý và quan tâm đến tình tự gia đình và dân tộc rất sâu xa nơi giáo dân Việt Nam. Cảm nhận được những đau thương của quá khứ còn hằn đậm trong ký ức và tâm khảm của nhiều người đã giúp các ngài có một ý thức, một mối đồng cảm bén nhạy hơn về vai trò mục tử của mình trong tương quan với Hội đồng Giám mục cũng như với các giới hữu trách khác tại Việt Nam.


HĐGMHK tổ chức tiếp tân HĐGMVN (2003)
Mối đồng cảm về chiều sâu lịch sử, lòng cảm phục đối với nếp sống đạo đức truyền thống từ quê Mẹ Việt Nam đã được các ngài nêu lên trong các tuyên ngôn mục vụ cho người di dân tị nạn, rõ rệt nhất là trong tài liệu chỉ đạo căn bản do các ngài phổ biến đầu năm 2002 “Sự hiện diện của người gốc Châu Á và Thái Bình Dương: Hoà hợp trong Đức Tin.” (“Asian and Pacific Presence: Harmony in Faith”)

Có thể nói chính vì tinh thần trách mhiệm mục tử và vì mối đồng cảm với nền văn hoá và đạo lý của con cái Á Châu, trong đó người Việt giữ một vai trò và ảnh hưởng khá lớn, mà các ngài đã tự cam kết “duy trì sự liên lạc có hệ thống với Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Á Châu và Châu Đại Dương để phát triển một nền thần học trong bối cảnh Châu Á và Thái Bình Dương, và cũng để phát triển một chính sách trao đổi nhân sự…” (Đáp Ứng Mục Vụ số 8).

2. Phía Hội đồng Giám mục Việt Nam:

a) Giai đoạn hình thành và khai mở liên lạc (1980-1996)

Như đã nhấn mạnh ở trên, Đại Hội đồng Giám mục Việt Nam đầu tiên họp tại Hà Nội từ 24-4 đến 1-5-1980 đánh dấu một bước tiến hiệp nhất rất đáng kể trong quan tâm mục vụ đối với toàn thể cộng đồng dân Chúa qua Thư Chung 1980 “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

Đại Hội cũng ghi lại một mốc điểm hành chính và ngoại giao thật quan trọng qua việc “duyệt lại nội quy và đặt lại cơ cấu của Hội đồng Giám mục Việt Nam”, “thể hiện tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm của các giám mục đối với Hội Thánh toàn cầu”, thiết lập một cơ cấu chính thức thống nhất đại diện cho toàn thể Giáo hội Việt Nam trong tương quan đối với chính quyền, với các cơ cấu, đoàn thể, tổ chức, tôn giáo khác trong cũng như ngoài nước, đặc biệt là trong tương giao với Toà Thánh, với Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, cũng như với các Hội đồng Giám mục khắp nơi.

Có thể nói mở đường cho mối giây liên lạc quốc tế này là chuyến đi Moscow, thủ đô Nga, của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức cha Giuse Nguyễn Tùng Cương, đại diện cho Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự Hội nghị những nhà tôn giáo bảo vệ sự sống khỏi thảm hoạ hạt nhân, do Giáo hội Chính thống Nga tổ chức ngày 10-5-1982. Năm năm sau, đoàn đại biểu Giáo hội Chính thống Nga đến thăm Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Riêng đối với Giáo hội Hoa Kỳ, ngay sau năm 1975, qua các cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Mỹ, đã có những liên lạc khá thường xuyên, đa số mang tính cách cá nhân, nhất là trong lãnh vực mục vụ Bí tích, hôn nhân, hoặc di dân đoàn tụ giữa các Giám mục Việt Nam và các Giám mục Hoa Kỳ.

Vì hoàn cảnh của đất nước và cả Hội đồng Giám mục Việt Nam mới thống nhất lúc bấy giờ với rất nhiều vấn đề cục bộ cần phải cấp thời giải quyết, do đó việc tái lập liên hệ và tương quan với Giáo hội và Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nằm trong tư thế “đáp trả” đón nhận. Điển hình là các cuộc đón tiếp các cá nhân trước năm 1989 và đoàn đại biểu của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào tuần đầu tháng 1 năm 1989, trong đó phía Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đóng vai chủ động trong việc mà Đức cha Hòa đã gọi là “đi bước đầu tiên hướng tới việc tái canh tân những quan hệ giữa hai Giáo hội chúng ta.”

b) Giai đoạn tăng triển tình huynh đệ (1996-1999)

Mãi cho đến năm 1996, sau nhiều nỗ lực ngoại giao, nhất là những trao đổi giữa hai vị chủ tịch của hai Hội đồng - phía Hoa Kỳ với Đức cha Anthony M. Pilla rồi tới Đức cha Joseph A. Fiorenza, - ngày 27-1-1999, Đức Hồng y Chủ tịch Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, thay lời cho hàng Giám mục và Giáo hội Việt Nam, đã viết thư cho Đức cha Joseph A. Fiorenza, Giám mục giáo phận Galveston-Houston, chúc mừng ngài vừa được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ và đồng thời cũng nhắc lại lời mời trước đây đã gởi cho Đức cha Anthony Pilla, vị Chủ tịch tiền nhiệm của ngài là xin cử một phái đoàn đi thăm Việt Nam trong một tương lai gần.

Đức cha Fiorenza đã vui lòng chấp nhận lời mời và đồng ý hướng dẫn phái đoàn, gồm có Đức Tổng Giám mục Theodore E. McCarrick, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Quốc tế, Đức cha John H. Ricard, Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, và Đức cha John S. Cummins thuộc Ủy ban Di Dân, cùng với ba nhân viên điều hành của các ủy ban ấy đi tháp tùng.

Cuộc thăm viếng lịch sử này đã được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Tổng Thư ký và các Linh mục thư ký 3 giáo tỉnh của Hội đồng Giám mục Việt Nam điều hợp với nhân viên Ban chấp hành Cộng đồng Giáo sĩ và Tu sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức. Chuyến đi này đã được phái đoàn tường trình đầy đủ chi tiết cho các Giám mục Hoa Kỳ ngay khi về lại Mỹ; và gần 3 tháng sau, ngày 24-11-1999, nhân dịp Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đã cho công bố bản Nhận định của Đức cha Fiorenza mang tựa đề “Hoà bình, Hoà giải và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam.”

c) Giai đoạn Liên đới, Hiệp thông (1999-hiện tại)

Trong cuộc viếng thăm huynh đệ đáp lễ của phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam từ 7 đến 14 tháng 11 năm 2003 tại Washington DC, các ngài đã đưa ra 6 điểm mà Giáo hội tại Việt Nam hiện đang ưu tư và quan tâm, đó là:

  • (1) Tình hình xã hội và kinh tế;
  • (2) Đường hướng mục vụ gia đình, nói cách khác hiện trạng con người Việt Nam hôm nay ra sao?;
  • (3) Giới trẻ và những hoạt động cho giới trẻ;
  • (4) Vấn đề mục vụ cho người khuyết tật (hiện nay nguyên tại Việt Nam một triệu rưỡi người);
  • (5 Tình trạng của người di dân và lao động nước ngoài (tổng số có tới 2 triệu người);
  • (6) Những người bị bệnh HIV/AIDS và nghiện may túy (con số tới gần 200,000).
Khi nhắc lại chuyến viếng thăm đầu tiên của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đến Việt Nam vào năm 1989, Ðức Giám mục Hòa nói “Quý Ðức cha đã đi bước đầu tiên hướng tới việc tái canh tân những quan hệ giữa hai Giáo hội chúng ta”.

Mười năm sau đó vào năm 1999, một phái đoàn Giám mục Hoa Kỳ do Ðức Cha Joseph A. Fiorenza tại Galveston- Houston dẫn đầu đến thăm Việc Nam, hồi ấy ngài là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, dịp này lại càng thắt chặt thêm sự liên hệ giữa hai Hội Thánh.

Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã gọi chuyến viếng thăm của Đức cha Chủ Tịch Hội Đồng GMHK tới Việt Nam vào năm 1999 là “một bước ngoặc lịch sử, một dấu hiệu bền vững của tình hữu nghị hiệp thông, củng cố thêm mối quan hệ đặc biệt chia sẻ trách nhiệm giữa Giáo hội Hoa Kỳ và Giáo hội Việt Nam”. Ðức cha Hòa cũng bày tỏ lòng cám ơn đến những nỗ lực của các Giám mục Hoa Kỳ:

“Trong lúc Giáo hội Việt Nam đã ở trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, quý Ðức cha đã tìm cách để giúp đỡ chúng tôi”. “Và chúng tôi không thể nào quên được tình thương yêu và sự chăm sóc mục vụ mà quý Ðức cha đã cống hiến cho gần nửa triệu các anh chị em, là những người Công giáo Việt Nam hiện sống và làm việc tại Hoa Kỳ, xin nhận nơi đây lòng chân thành cám ơn của chúng tôi cho tất cả các công việc này”.

Ðức cha Hòa cũng nhận định rằng Việt Nam đã có những sự tiến triển về xã hội và kinh tế “đáng kể” trong những năm gần đây, “nhưng hàng triệu người Việt Nam vẫn còn đang sống nghèo đói… vật chất, trí thức và tinh thần.”

Trong khi hoạt động để có “một quốc gia hòa bình và thịnh vượng” tại Việt Nam, Ðức cha Hòa nói thêm “chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện của chúng tôi nơi đây sẽ tăng thêm những quan hệ hiệp thông và cộng tác giữa Giáo hội Việt Nam và Giáo hội Hoa Kỳ.”

Trong phái đoàn Giám mục Việt Nam tham dự còn có Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, vừa được tấn phong Hồng y trong số 30 vị vào tháng 10.2003. Mặc dầu Ðức tân Hồng y không có tuyên bố gì trước Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, thế nhưng lá thư của Ðức tân Hồng y khi còn là Tổng Giám mục đã gửi cho Ðại Hội Giáo Dân Công Giáo vào mùa Giáng Sinh 2002, đã được dịch ra tiếng Anh và được phân phối trong hội nghị trong ngày khai mạc Hội nghị Hội đồng Giám mục vào ngày thứ Hai 10.11.2003.

Ðức Hồng y nhắc đến 2 bổn phận hàng đầu mà Việt Nam phải đối đầu là “dần dần tẩy sạch” những tệ nạn trong nước và làm phong phú thêm những giá trị nhân bản “để làm cho xã hội chúng ta có định hướng nhân bản hơn”.

Trong thư Ðức Hồng y Mẫn đã kêu gọi đến “một tình liên đới trong xã hội” tại Việt Nam, ngài nói đến “Ðộc tài là con đường đưa đến chế độ cực quyền, độc trị và quan liêu, mọi thứ dưới quyền cai trị của nhà nước, đàn áp và bất công. Những điều này là sự suy đồi nghiêm trọng mà nó tiêu diệt giá trị nhân bản và cản trở đến sự phát triển của quốc gia”.

Ngài đã nói đến các người giáo dân trong vai trò lãnh đạo nên “đóng góp những nỗ lực tích cực của họ để xây dựng và bảo vệ đất nước chúng ta theo những chỉ dẫn thích hợp của Công giáo, của lương tâm và của niềm tin”. Một vài tệ nạn mà Ðức Hồng y Phạm Minh Mẫn vạch trần gồm có chủ thuyết duy vật, đánh mất đi giá trị con người và sự bất công vẫn còn tiếp diễn.

Ðây là lần thứ hai mà Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức viếng thăm và tham dự Hội nghị Hội đồng Giám mục Công giáo quốc gia bạn. Lần đầu tiên Hội đồng Giám mục đã tham gia Hội nghị Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân vào năm 2002.

Thay Lời Kết

Cuộc hành trình hiệp thông và liên đới giữa hai Giáo hội Công giáo Việt Nam và Hoa Kỳ là một tiến trình liên hệ chẳng những cần thiết cho Hội Thánh, mà còn là một tương quan đối thoại mở đường nối kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia.

Ngày kết thân huynh đệ hai Giáo hội Việt Nam và Hoa Kỳ đã được khởi sự bước đầu bằng hiệp thông và liên đới với nhau trong lời cầu nguyện. Gần 70 triệu người Công giáo Mỹ, mà trong đó có khoảng nửa triệu dân Công giáo Việt Nam liên kết gắn bó với trên 6 triệu đồng bào Công giáo nơi quê nhà để cùng dâng lên Cha trên trời, đặc biệt trong ngày kết thân huynh đệ này, những tâm tình khẩn nguyện tha thiết nhất cho quốc thái dân an tại đất nước Hoa Kỳ cũng như trên quê hương Việt Nam mến yêu.

Xin cho cả hai Giáo hội đã bắt đầu hiệp thông và liên đới với nhau trong kinh nguyện, cũng tiếp tục đẩy mạnh sự hỗ trợ nhau trong mọi công việc sống và loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, cùng nhau hướng tới con đường phía trước, chia sẻ với nhau niềm Vui Mừng và Hy Vọng. Một tay nắm lấy Chúa Giêsu, Mẹ Maria La Vang và các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam, một tay nắm lấy anh chị em, hai Hội Thánh Việt-Mỹ đồng hành xây dựng những con người mới sẵn sàng cùng nhau thể hiện và cổ võ lối sống “Bác ái, Huynh đệ, Hiệp nhất, Phục vụ” cho một Việt Nam mới, một đất nước Việt Nam của sự thật, tự do, công lý, và tình thương!

Ghi chú Tài liệu tham chiếu:

  • Các văn bản của HĐGM Hoa Kỳ
  • Các văn bản của HĐGM Việt Nam
  • Các tài liệu của VietCatholic
  • Các tài liệu của Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ