Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 10h sáng thứ Bẩy 19 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa Công nghị Tuyên Thánh cùng với các Hồng Y đang có mặt tại Rôma. Công nghị đã đồng thanh biểu quyết tuyên thánh cho 6 vị:
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (Giovanni Battista Montini)
Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero Galdámez, tử vì đạo.
Cha Francesco Spinelli, linh mục triều, đấng sáng lập dòng các Nữ Tu Chầu Thánh Thể;
Cha Vincenzo Romano, linh mục triều;
Chị Maria Katharina Kasper, nữ tu sáng lập dòng Nữ tì khó nghèo của Chúa Giêsu Kitô;
Chị Nazaria Ignacia của Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu (nhũ danh: Nazaria Ignacia March Mesa), nữ tu sáng lập dòng các Thập Tự Quân Truyền Giáo của Giáo Hội.
Trong công nghị, Đức Thánh Cha đã truyền ghi tên các vị Chân Phước này vào sổ bộ các Thánh vào ngày 14 tháng 10, 2018.
Cũng trong ngày 14 tháng 10, trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên kéo dài từ 3 đến 28 tháng 10, sẽ diễn ra lễ Tuyên Thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.
2. Tòa Thánh công bố lá thư thoái vị của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI
Mười ba năm trước khi qua đời, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết thư cho Niên Trưởng Hồng Y Đoàn nói rằng nếu ngài bị bệnh nặng hoặc có những lý do đó cản trở việc thực thi chức vụ của mình, thì Niên Trưởng Hồng Y Đoàn và các Hồng Y cao cấp khác ở Rôma phải chấp nhận việc từ chức của ngài.
Bình luận về bức thư này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta phải cảm tạ Chúa đã hướng dẫn và gìn giữ Giáo Hội, vì Ngài đã thương cho Đức Thánh Cha Phaolô VI tiếp tục sứ vụ cho đến ngày cuối cùng của đời mình trong tư cách một người cha, một mục tử, một người thầy, một người anh và một người bạn.”
Toàn văn lá thư của Đức Thánh Cha Phaolô VI và lời bình luận ngắn gọn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được đưa vào một cuốn sách mới vừa được xuất bản Ý, đó là cuốn “Con thuyền của Thánh Phaolô”. Tác giả là Đức Ông Leonardo Sapienza, Nhiếp Chính của Phủ Giáo Hoàng. Bức thư và lời bình luận cũng được công bố hôm 15 tháng 5 trên tờ Quan Sát Viên Rôma.
Đã có những lời đồn đại từ lâu về lá thư thoái vị của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, và vào năm 2017 Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Phó Niên Trưởng Hồng Y, đã xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết một lá thư như vậy. Nhưng lá thư đó không được công bố cho đến khi cuốn sách của Đức Ông Sapienza được xuất bản.
Bức thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI được viết vào ngày 2 tháng 5 năm 1965, và được gửi đến Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, vào thời điểm đó là Đức Hồng Y Eugene Tisserant, người Pháp.
Đức Ông Sapienza cũng đã xuất bản một lá thư từ Đức Thánh Cha Phaolô VI gởi đến Đức Hồng Y Amleto Cicognani, người Ý, lúc đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thông báo cho ngài về lá thư đó và cho phép ngài đọc lá thư này.
Chân Phước Phaolô VI nói rằng ngài đã viết lá thư này với một “nhận thức trách nhiệm trước mặt Chúa và với một trái tim đầy lòng tôn kính và bác ái, là điều liên kết chúng ta với Giáo Hội Công Giáo thánh thiện, và với nhận thức rõ rệt về sứ mệnh truyền giáo của chúng ta với thế giới.”
“Trong trường hợp bệnh tật, được tin rằng không thể chữa trị được hoặc cần một thời gian dài điều trị và cản trở tôi thực hiện đầy đủ các chức năng của chức vụ tông đồ của mình; hoặc trong trường hợp xảy ra bất cứ một trở ngại nghiêm trọng và kéo dài nào,” Chân Phước Phaolô VI viết rằng ngài xin được thoái vị “cả chức vụ giám mục của Rôma cũng như người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo thánh thiện”.
Trong lá thư, Đức Thánh Phaolô VI cũng chính thức trao thẩm quyền cho Niên Trưởng Hồng Y Đoàn cùng với, ít nhất, các Hồng Y lãnh đạo các cơ quan trong giáo triều Rôma, và vị Hồng Y Giám Quản Giáo phận Rôma “chấp nhận và hiệu lực hóa” việc thoái vị của ngài vì lợi ích của Giáo Hội.
Nhận xét về bức thư, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng lá thư nàykhiến ngài “kính phục” đối với “chứng tá khiêm nhường và tiên tri về tình yêu dành cho Chúa Kitô và Hội thánh” của Đức Thánh Cha Phaolô VI.
“Khi đối diện với nhiệm vụ to lớn được giao phó cho ngài, khi đối diện với những phản đối và một xã hội đang trải qua những thay đổi chóng mặt, Đức Phaolô VI đã không rút lui khỏi trách nhiệm của mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. “Điều quan trọng đối với ngài là nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Và một giáo hoàng mắc bệnh nghiêm trọng không thể thực hiện chức vụ tông đồ với hiệu quả đầy đủ.”
Giáo Luật quy định một vị giáo hoàng có thể từ chức, nhưng sự từ chức ấy phải được chính ngài bầy tỏ một cách “tự do và đúng cách”. Đó là những điều kiện khó xác định được khi một vị giáo hoàng mất khả năng nhận định sáng suốt vì bệnh tật. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết trước lá thư này.
3. Câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen
Ngày 13 tháng 5 vừa qua, Giáo Hội cử hành ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52, trong dịp này một nhân vật được coi là huyền thoại về truyền thông của Công Giáo Hoa Kỳ lại được nhắc đến như một gương sáng cho các ký giả Công Giáo.
Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen sinh ngày 8 tháng 5 năm 1895 và qua đời vào ngày 9 tháng 12 năm 1979. Án tuyên thánh cho ngài đang được xúc tiến.
Một vài tháng trước khi ông qua đời, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã được phỏng vấn trên truyền hình quốc gia. Một trong những câu hỏi ông được đặt ra với ngài là: “Đức Cha đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Vậy ai là người truyền cảm hứng cho Đức Cha? Có phải đó là một giáo hoàng không?”
Câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục đã gây kinh ngạc cho nhiều người:
“Đó không phải là một giáo hoàng, Hồng Y, một giám mục khác, hay thậm chí là một linh mục hay nữ tu, mà là một cô gái Trung Quốc mười một tuổi.”
Ngài kể rằng khi những người cộng sản chiếm được Trung Quốc, họ đã giam cầm một thừa sai trong nhà xứ của mình sát bên ngôi nhà thờ. Một ngày kia, trong khi bị nhốt trong nhà mình, vị linh mục nhìn ra ngoài cửa sổ và kinh hoàng khi thấy lính tráng cộng sản rầm rập bước vào nhà thờ. Chúng tiến lên cung thánh, mở cửa nhà tạm và trong một hành động đầy hận thù, đã quăng chiếc chén thánh xuống làm vung vãi Mình Thánh Chúa trên sàn nhà. Giữa hoàn cảnh nguy ngập của tình hình đã từ lâu, bị cô lập tứ bề, nhà thờ không còn nhận được bánh lễ và rượu lễ nên vị linh mục biết chính xác có bao nhiêu bánh thánh còn trong chén: ba mươi hai chiếc.
Rồi thì chúng bỏ đi, không chú ý đến một cô gái nhỏ đang núp trong những hàng ghế trong nhà thờ, là người đã thấy mọi thứ. Đêm đó, cô trở lại, và lén lút vượt qua tên lính vẫn ngồi canh trước cửa nhà xứ. Cô bước vào nhà thờ, nơi cô đã làm một giờ thánh có lẽ để đền tạ cho sự khinh miệt Thánh Thể mà cô đã chứng kiến.
Sau giờ thánh của mình, cô lên cung thánh, và quỳ gối xuống, cô đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh bằng lưỡi mình vì vào thời điểm đó, Giáo Hội không cho phép người giáo dân chạm vào Hình Bánh bằng tay của họ.
Mỗi đêm, cô gái trở về nhà thờ để làm giờ thánh của mình và đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh trên lưỡi của mình cũng giống như cô đã làm đêm đầu tiên. Vào đêm thứ ba mươi hai, sau khi rước chiếc bánh cuối cùng, cô vô tình tạo ra tiếng động đánh thức tên lính canh đang ngủ gật trước nhà xứ của vị linh mục. Từ cửa sổ phòng ngủ của mình, vị linh mục chứng kiến một cảnh tượng quá đau đớn đang mở ra trước mắt ngài. Cô gái cố gắng chạy nhưng tên lính bắt kịp cô và đánh cô đến chết bằng báng súng.
Khi Đức Giám Mục Sheen nghe câu chuyện được chính vị thừa sai kể lại trong một Đại Hội Thánh Thể, ngài cảm động đến rơi lệ, và đã hứa với Chúa, ngài sẽ làm một giờ thánh trước Thánh Thể mỗi ngày trong suốt cuộc đời còn lại của mình .. Và không chỉ trung tín với lời hứa của mình, nhưng trong mọi cơ hội có thể có, ngài luôn truyền bá lòng tôn sùng Thánh Thể.
4. Đức Thánh Cha công bố danh sách 14 tân Hồng Y – Việt Nam mất cơ hội có tân Hồng Y lần này
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 20 tháng 5, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng ngài sẽ tấn phong 14 tân Hồng Y vào ngày 29 tháng 6, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.
Đức Thánh Cha nói các vị tân Hồng Y đến từ 11 quốc gia, “thể hiện tính phổ quát của một Giáo Hội tiếp tục công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trên trái đất này.”
Trong danh sách các Tân Hồng Y có ba vị trên 80 tuổi “nổi bật vì sự phục vụ của các ngài dành cho Giáo Hội.”
Ngay tại thời điểm hiện nay, khi Đức Thánh Cha công bố quyết định này, Hồng Y Đoàn có 213 thành viên, trong đó có 115 vị dưới 80 tuổi và do đó hội đủ điều kiện bỏ phiếu trong một mật nghị bầu tân giáo hoàng.
Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, sẽ mừng sinh nhật lần thứ 80 của ngài vào ngày 8 tháng Sáu. Như thế, vào ngày 29 tháng 6, Hồng Y Đoàn dự kiến sẽ có 227 vị trong đó 125 vị là Hồng Y cử tri.
Sau ngày 29 tháng 6, số Hồng Y cử tri do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong sẽ chiếm gần một nửa. Mười chín vị Hồng Y cử tri do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong; và 47 vị do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tấn phong.
Các tân Hồng Y đến từ: Iraq, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Peru, Madagascar, Nhật Bản, Mexico và Bolivia.
Các Hồng Y mới, được liệt kê theo thứ tự được Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo, là:
- Thượng phụ Chaldean Louis Raphael I Sako, 69 tuổi, người Iraq.
- Đức Tổng Giám Mục Luis F. Ladaria, 74 tuổi, người Tây Ban Nha, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
- Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, 64 tuổi, người Ý, Giám quản Giáo phận Rome.
- Đức Tổng Giám Mục Giovanni Angelo Becciu, 69 tuổi, người Ý, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
- Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, 54 tuổi, người Ý, Quan Phát Chaẩn của Đức Giáo Hoàng.
- Đức Tổng Giám Mục Joseph Coutts của Karachi, 72 tuổi, người Pakistan,.
- Đức Giám Mục Antonio dos Santos Marto của giáo phận Leiria-Fatima, 71 tuổi, người Bồ Đào Nha.
- Đức Tổng Giám Mục Pedro Barreto của Huancayo, 74 tuổi, người Peru.
- Đức Tổng Giám Mục Desire Tsarahazana của Toamasina, 63 tuổi, người Madagascar.
- Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Petrocchi của L’Aquila, Ý, 69 tuổi.
- Đức Tổng Giám Mục Thomas Aquinas Manyo Maeda ở Osaka, Nhật Bản, 69 tuổi.
- Đức Tổng Giám Mục Sergio Obeso Rivera, Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu của Xalapa, Mexico, 86 tuổi.
- Đức Giám Mục Toribio Ticona Porco, vị giám mục về hưu của Corocoro, Bolivia, 81 tuổi.
- Cha Claretian Aquilino Bocos Merino, 80 tuổi, người Tây Ban Nha.
Trong 11 vị Hồng Y dưới tuổi 80 được tấn phong lần này có đến 3 vị thuộc Á Châu, nơi tỷ lệ gia tăng dân số Công Giáo từ 4 đến 5%. Trong tất cả các châu lục, Á Châu là lục địa mênh mông nhất. Với hơn 3.6 tỷ dân, Á châu là lục địa đông dân nhất toàn cầu. Tuy nhiên, đây lại chính là nơi có tỷ lệ người Công Giáo thấp nhất thế giới. Tỷ lệ người Công Giáo tại Á Châu chỉ có 3.3% so với 15.27% tại Phi Châu, 25.24% tại Đại Dương Châu, 37.85% tại Âu Châu, và 59.08% tại Mỹ Châu. Chính vì thế, các triều đại Giáo Hoàng gần đây đều rất chú ý đến Á Châu.
Vào ngày 1 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã qua tuổi 80, Việt Nam không còn cử tri Hồng Y nào.
Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Sàigòn vào ngày 1 tháng Ba năm 1998, và 5 năm sau được tấn phong Hồng Y ngày 21 tháng 10 năm 2003. Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Hà Nội vào ngày 13 tháng Năm năm 2010, và hơn 4 năm sau được tấn phong Hồng Y ngày 14 tháng Hai năm 2015. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc cũng đã coi sóc tổng giáo phận được 4 năm.
Với cái chết đột ngột của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Giáo Hội tại Việt Nam có lẽ vừa mất đi một cơ hội để có vị Hồng Y thứ Bẩy trong năm nay.
Sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào tháng Ba năm 2013, từ năm 2014, mỗi năm Đức Thánh Cha đều tấn phong các tân Hồng Y. Công nghị tấn phong 14 vị lần này là Công Nghị tấn phong Hồng Y lần thứ 5. Trong 4 lần trước, Đức Thánh Cha đã tấn phong tổng cộng 61 vị Hồng Y từ 43 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y.
5. Phản ứng của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về vụ thảm sát tại trường trung học Santa Fe
Một thiếu niên 17 tuổi trang bị một khẩu tiểu liên và một khẩu súng lục đã nổ súng tại một trường trung học ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, giết chết ít nhất 10 người và làm bị thương 10 người khác.
Tay súng, được cảnh sát xác định là Dimitrios Pagourtzis, đã bị bắt giam vì tội giết người sau vụ tấn công vào sáng thứ Sáu tại trường trung học Santa Fe, ở phía đông nam Houston khoảng 50km.
Thống đốc Texas là ông Greg Abbott cho biết vụ nổ súng, diễn ra chỉ vài phút trước 8 giờ sáng thứ Sáu 18 tháng 5, là “một trong những cuộc tấn công ghê tởm nhất mà chúng tôi từng thấy trong lịch sử các trường học tại Texas”.
Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra tuyên bố sau:
“Cộng đồng chúng ta và Giáo Hội tại địa phương hiệp thông trong biến cố vừa được thêm vào một danh sách ngày càng dài những người bị ảnh hưởng bởi cái ác do bạo lực súng đạn gây ra.
Tôi gởi những lời cầu nguyện chân thành của tôi, cùng với các giám mục anh em của tôi, đến tất cả những người đã chết, gia đình và bạn bè của họ, những người bị thương, và đến cộng đồng địa phương.
Đáng buồn thay, tôi lại phải một lần nữa chỉ ra sự rạn nứt rõ ràng trong văn hóa và xã hội của chúng ta, khi những đứa trẻ sáng nay cắp sách đến trường để học hỏi và các thầy cô đến đó để truyền cảm hứng cho họ sẽ không về nhà nữa.
Chúng ta là một quốc gia, ở đây và bây giờ, phải nói một tiếng dứt khoát: không còn những cái chết như thế nữa!
Chúa chúng ta là Chúa của sự sống. Xin Chúa hiện diện cùng chúng ta trong nỗi buồn này và chỉ cho chúng ta cách thức tôn vinh món quà quý giá của sự sống và cách thức sống trong hòa bình.”
6. Thư Đức Phanxicô gửi các giám mục Chí Lợi sau các cuộc gặp gỡ 3 ngày
Lúc 6 giờ 40 tối thứ Năm 17 tháng 5, cuộc gặp gỡ thứ tư và sau cùng của Đức Thánh Cha với 34 giám mục Chí Lợi đã kết thúc tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Cuối thời gian suy tư, trao đổi và gặp gỡ huynh đệ này, Đức Phanxicô đã trao cho mỗi vị giám mục anh em của ngài lá thư sau đây bằng tiếng Tây Ban Nha:
Các hiền huynh thân mến trong hàng giám mục, tôi muốn cám ơn các hiền huynh đã nhận lời mời của tôi để, cùng nhau, chúng ta có thể thực hiện một cuộc biện phân thành thực về các biến cố nghiêm trọng đã gây hại cho sự hiệp thông giáo hội và làm suy yếu việc làm của Giáo Hội tại Chí Lợi trong mấy năm qua.
Dưới góc độ các biến cố đau lòng trên liên quan tới việc lạm dụng trẻ em, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm, chíng ta đã trao đổi các quan điểm về tính nghiêm trọng của chúng cũng như các hậu quả bi đát chúng đã đem lại, đặc biệt đối với các nạn nhân.
Đức Thánh Cha viết tiếp:
Đối với mỗi nạn nhân, tôi hết lòng xin sự tha thứ, lời xin mà các hiền huynh vốn hợp nhất một lòng và với quyết tâm sửa chữa sự thiệt hại đã gây ra. Tôi cám ơn các hiền huynh vì sự hoàn toàn sẵn lòng mà mỗi hiền huynh đã chứng tỏ trong việc tham gia và hợp tác trong mọi thay đổi và quyết nghị mà chúng ta sẽ thực thi trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tái lập công lý và hiệp thông giáo hội.
Sau những ngày cầu nguyện và suy niệm này, tôi chỉ thị cho các hiền huynh tiếp tục xây dựng một Giáo Hội tiên tri biết đặt vào tâm điểm điều quan trọng nhất này là: phục vụ Chúa nơi người đói ăn, nơi tù nhân, nơi di dân, nơi người bị lạm dụng.
Xin các hiền huynh đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa Giêsu chúc lành cho các hiền huynh và xin Đức Trinh Nữ Maria chăm sóc các hiền huynh.
7. Tất cả các Giám Mục Chí Lợi từ chức
Vào lúc bế mạc cuộc họp 3 ngày với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tất cả các Giám Mục Chí Lợi đều yêu cầu các nạn nhân của vụ tai tiếng lạm dụng tính dục ở quốc gia này tha thứ và đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng.
Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 5, các Giám Mục đã cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “sự lắng nghe hiền phụ và sự sửa sai trong tình huynh đệ” và cầu xin sự tha thứ cho những nỗi đau gây ra cho các nạn nhân, cho Đức Giáo Hoàng, dân Chúa và quốc gia vì “những thiếu sót và sai lầm nghiêm trọng” của các ngài.
Bản tuyên bố đã được đọc cho giới báo chí nghe bằng tiếng Tây Ban Nha bởi Đức Giám Mục Juan Ignacio González của San Bernardo, một thành viên của ủy ban quốc gia Chí Lợi về bảo vệ trẻ vị thành niên; và sau đó bằng tiếng Ý bởi Đức Giám Mục Fernando Ramos, Giám Mục Phụ Tá Santiago và là thư ký của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi.
Trong bản tuyên bố, các Giám Mục cũng cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna người Malta và Đức Ông Jordi Bertomeu, người Tây Ban Nha, về cuộc điều tra sâu rộng liên quan đến cuộc khủng hoảng mà hai vị đã thực hiện hồi đầu năm nay.
Các Giám Mục cũng cảm ơn các nạn nhân vì “sự bền đỗ và lòng can đảm của họ, bất chấp những khó khăn rất lớn về phương diện cá nhân, tinh thần, xã hội và gia đình mà họ phải đối mặt,” nhiều lần giữa sự hiểu lầm và tấn công từ chính cộng đồng giáo hội của họ.
Các Giám Mục cũng cầu mong sự giúp đỡ của các nạn nhân để Giáo Hội tại Chí Lợi vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay và nói rằng vào cuối phiên họp sau cùng với Đức Thánh Cha vào ngày 17 tháng Năm, mỗi Giám Mục đang tại chức đã trình lên Đức Thánh Cha thư từ chức của các ngài và chờ quyết định của Đức Thánh Cha.
Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, Đức Cha González cho biết bây giờ các Giám Mục sẽ trở lại giáo phận của các ngài và sẽ tiếp tục công việc như thường lệ cho đến khi nhận được chỉ thị của Đức Giáo Hoàng. Ngài sẽ bác bỏ việc từ chức này, hay chấp nhận ngay lập tức, hoặc giải quyết đơn này khi có thể bổ nhiệm được một Giám Mục khác.
Trong cuộc họp từ ngày 15 đến 17 tháng 5 giữa Đức Thánh Cha và các Giám Mục Chí Lợi, có 32 vị là Giám Mục đương chức và 2 vị đã về hưu. Các ngài đã được chính Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập vào tháng trước sau cuộc điều tra của Đức Tổng Giám Mục Scicluna và Đức Ông Bertomeu về tai tiếng lạm dụng tính dục tại Chí Lợi, dẫn đến một báo cáo dài 2,300 trang.
8. Tình cảnh khốn cùng của 7000 người thiểu số Kachin tại Myanmar trên đường trốn chạy
Theo Thông tấn xã Fides từ Yangon, hơn 7,000 người Công Giáo thuộc dân tộc thiểu số Kachin, ở miền bắc Miến Điện, đã bị buộc phải bỏ nhà cửa trốn chạy vì sự leo thang bạo lực giữa quân đội Miến Điện và các phiến quân độc lập Kachin. Đức Giám Mục Francis Daw Tang, đứng đầu giáo phận Myitkyina, ở bang Kachin xác nhận với Thông tấn xã Fides như trên.
Ngài giải thích: “Vào đầu tháng Tư, quân đội Miến Điện đã bắt đầu tấn công khu vực biên giới với Trung Quốc. Nhiều làng bị tấn công và dân chúng bắt đầu di tản. Nhiều người đã bị kẹt trong rừng ba tuần nay, không có thức ăn và không được đi đâu cả, vì họ bị tình nghi là những người cộng tác với đám quân nổi loạn”.
Đức Cha cho biết tiếp “Những người tị nạn đã đến giáo xứ Tanghpre. Hiện tại đã có 243 gia đình đến được giáo xứ, tổng cộng khoảng 1200 người. Số 600 người khác đã đến Palana, tại nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả, và nhiều người khác chia thành các nhóm nhỏ đã đến trú ẩn trong một số các nhà thờ khác”.
Ngài nói thêm rằng “Caritas Miến Điện đang trợ giúp những người này! Hôm qua, một số khoảng 400 người đã tới được thủ phủ Kachin, là Myitkyina, nơi đã có hơn 4000 người tị nạn khác.”
Theo nhà phân tích chính trị Stella Naw, những gì đang xảy ra ở phía bắc Miến Điện “là một cuộc chiến mà người dân vô tội trở thành nạn nhân của quân đội Miến Điện, trong khi cộng đồng quốc tế làm lơ tình trạng khốn cùng này”, và mặc kệ những khủng hoảng đangxảy ra với người Hồi giáo Rohingya.
Bà Yanghee Lee, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đã kêu gọi hãy chấm dứt ngay cuộc chiến này. Bà nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là không thể chấp nhận được: thường dân vô tội bị giết và bị thương và hàng trăm gia đình đang trốn chạy để tránh cái chết”!
9. Luật trợ tử của tiểu bang California bị một thẩm phán Tòa Thượng Thẩm lật ngược
Một phán quyết được một thẩm phán California công bố hôm 15 tháng 5 đã đảo ngược luật của tiểu bang cho phép trợ tự. Diễn biến này rất đáng khích lệ vì nó “là một luật tồi tệ”, Ned Dolejsi, giám đốc điều hành của Diễn Đàn Công Giáo California nói.
Dolejsi nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 16 tháng 5 cho biết: “Ai cũng biết rõ lập trường chống lại luật trợ tử của chúng tôi, nhưng luật này cũng bị phản đối bởi một liên minh rộng lớn các bác sĩ, y tá, những người cao niên và cộng đồng những người khuyết tật, là những người đã chiến đấu chống lại luật này vì nhiều lý do.”
Thẩm Phán Daniel Ottolia của Tòa Thượng Thẩm Quận Riverside phán quyết rằng các nhà Lập Pháp California đã vi phạm luật hiện hành khi thông qua Đạo Luật Lựa Chọn Cuộc Sống Cuối Đời trong một phiên nhóm đặc biệt dành riêng cho việc chăm sóc sức khỏe. Luật 2015, có hiệu lực vào tháng 6 năm 2016, theo đó các bác sĩ được quyền kê toa thuốc trợ tử cho bất kỳ bệnh nhân nào khi có hai bác sĩ xác nhận rằng bệnh nhân không thể sống lâu hơn sáu tháng nữa.
Phản ứng trước diễn biến này Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi chào mừng diễn biến luật trợ tử của California giờ đây bị lật ngược lại. Trợ tử không phải là chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi cầu nguyện rằng phán quyết đáng khích lệ này sẽ không bị lật lại và các nhà lập pháp sẽ suy nghĩ lại sai lầm thảm khốc này, từ chối việc trợ tử và bảo vệ tất cả bệnh nhân.”
10. Vị Hồng Y cổ vũ mạnh mẽ cho Phụng Vụ Latinh qua đời ở tuổi
Đức Hồng Y Darío Castrillón Hoyos, nhà vô địch cổ vũ mạnh mẽ cho Phụng Vụ Latinh, đã qua đời ở Rome, hưởng thọ 88 tuổi.
Đức Hồng Y người Colombia đã từng là chủ tịch của ủy ban giáo hoàng Ecclesia Dei khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 công bố Tự Sắc “Summorum Pontificum”, cho phép cử hành rộng rãi Phụng Vụ Latinh cũ.
Ngày mùng 7-7-2007 Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố thư gửi các Giám Mục Công Giáo toàn thế giới để giới thiệu Tự Sắc “Summorum Pontificum” về việc dùng phụng vụ Latinh trước khi có cuộc cải tổ năm 1970.
Ngài cho biết đây là kết qủa các suy tư, tham khảo và cầu nguyện lâu dài. Ngài trả lời cho hai nỗi lo lắng: thứ nhất là nỗi lo sợ cho rằng việc dùng lễ nghi phụng vụ cũ tiếng Latinh gây thiệt hại cho quyền bính của Công Đồng Chung Vatican II và các quyết định của Công Đồng, trong đó có quyết định liên quan tới việc cải tổ phụng vụ; và thứ hai là nỗi lo sợ cho rằng việc dùng Sách Lễ cũ tiếng Latinh năm 1962 có thể tạo ra các hỗn loạn và chia rẽ trong các cộng đoàn giáo xứ.
Sau Tự Sắc này, Đức Hồng Y trở thành người ủng hộ nhiệt tình cho Thánh lễ Latinh. Ngài thậm chí còn tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn mọi giáo xứ đều có Thánh Lễ Latinh, chứ không chỉ những nơi có nhu cầu.
“Tất cả các giáo xứ. Chứ không phải là nhiều giáo xứ - tất cả các giáo xứ, bởi vì đây là ân sủng của Thiên Chúa,” Ngài nói như trên với Catholic Herald vào năm 2008. “Đức Giáo Hoàng đem lại sự phong phú này, và điều quan trọng là các thế hệ mới phải biết quá khứ của Giáo Hội. Hình thức thờ phượng này rất cao quý, quá đẹp – đó là cách thức thể hiện đức tin của chúng ta sâu sắc nhất về mặt thần học”
Ngài đã trở thành vị Hồng Y đầu tiên trong 40 năm cử hành Phụng Vụ Latinh tại Nhà thờ Westminster.
Đức Hồng Y Castrillón Hoyos sinh năm 1929. Ngài được thụ phong linh mục năm 1952 và được tấn phong giám mục năm 1971. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 1998 và bổ nhiệm ngài vào chức vụ Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ. Sau đó, ngài là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei từ năm 2000 đến 2009.
11. Đức Thánh Cha đã gặp gỡ phái đoàn Phật giáo Thái Lan
Hôm thứ Tư 16/5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đón tiếp một cách đặc biệt phái đoàn Phật giáo từ Thái Lan trong Đại thính đường Phaolô VI tại Vatican. Ngài nói:
“Tôi hân hoan và nồng nhiệt đón chào và cảm ơn món quà quý giá là cuốn sách thiêng liêng mà quí thiền sư chùa Wat Pho đã dịch ra ngôn ngữ thời nay. Đó là một dấu hiệu hữu hình cho tâm tình huynh đệ của quí vị và tình thân hữu mà chúng tôi luôn dành cho quí vị. Tôi liên tưởng tới cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Hòa Thượng Somdej Phra Wanaratana tại Vatican xưa kia mà tấm hình chụp được tìm thấy ở cửa ra vào của đại thính đường này; và tại Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn, mà quí vị ghé thăm trong những ngày này.”
Ước muốn chân thành của tôi là Phật giáo và Công Giáo sẽ ngày càng gần gũi nhau hơn, nâng cao hiểu biết về nhau, tôn trọng truyền thống tâm linh của nhau hầu cung cấp cho thế giới những chứng tích giá trị về công lý, hòa bình và bảo vệ phẩm giá con người.
Với lòng biết ơn về cuộc gặp gỡ này, tôi chân thành gửi tới quí vị phép lành thiêng liêng của niềm vui và hòa bình.”
12. George Weigel: Cộng sản sẽ tàn, đừng xun xoe nịnh bợ để rồi tàn theo nó
Tiến sĩ George Weigel
Các cuộc đàm phán giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh đã khựng lại vào thời điểm này khiến nhiều người có thể thở phào nhẹ nhõm. Người ta chưa rõ lý do cho sự khựng lại này nhưng theo Catholic Herald có thể có một cái gì đó liên quan đến tình trạng của Đài Loan. Bất kể điều gì đang diễn ra đằng sau hậu trường, tất cả những người Công Giáo chúng ta nên có sự cảm thông rất lớn đối với những người Đài Loan dũng cảm - những người đề cao dân chủ và thực hành một sự khoan dung tôn giáo, và những người đã sống trong căng thẳng với sự hiếu chiến của Trung Quốc gần bảy mươi năm qua. Chúng ta nên cầu nguyện rằng Đài Loan không bị vất bỏ với hy vọng giành được ưu ái của Bắc Kinh.
Trong bài The Holy See, China, and Evangelization (Tòa Thánh, Trung Quốc, và Phúc Âm Hóa), đăng trên First Thing, George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã một lần nữa nhắc nhở chúng ta về những hệ quả về mặt tôn giáo, và thực tiễn trong một thỏa thuận với Trung Quốc. George Weigel viết:
Chế độ cộng sản ở Trung Quốc tự bản chất là không ổn định, dù cho những gì xuất hiện trên bề mặt có vẻ là một mô hình phát triển thành công. Cộng sản Trung Quốc sẽ không cai trị Trung Quốc muôn đời. Và khi một Trung Quốc hậu cộng sản cuối cùng được mở ra với thế giới, Trung Quốc sẽ trở thành một cánh đồng truyền giáo mênh mông lớn nhất kể từ khi người châu Âu đặt chân đến bán cầu này vào thế kỷ thứ mười sáu. Một khi Vatican nhượng bộ và để cho đảng cộng sản Trung Quốc nắm giữ những vai trò quan trọng trong đời sống nội bộ của Giáo hội, đạo Công Giáo trở nên đồng nhất với một chế độ cộng sản thối nát, thì sẽ có những bất lợi nghiêm trọng về truyền giáo ở Trung Quốc trong tương lai.
13. Ðức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm trung tâm chăm sóc người vô gia cư ở Ái Nhĩ Lan.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Ái Nhĩ Lan nhân Ðại hội gia đình thế giới được tổ chức tại Dublin. Theo chương trình chính thức, ngài sẽ viếng thăm Ðại hội gia đình tại công viên Croke vào thứ Bảy 25 tháng 08 năm 2018; và vào ngày Chúa Nhật 26 tháng 8 năm 2018, ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại công viên Phoenix của Dublin.
Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng sẽ thăm trung tâm chăm sóc người vô gia cư của dòng Capuchin ở Dublin.
Cuộc viếng thăm của Ðức Giáo hoàng tại trung tâm này sẽ diễn ra vào trưa thứ Bảy, 25 tháng 08 năm 2018, không lâu sau khi ngài đến Ái Nhĩ Lan.
Tu huynh Kevin Crowley, 82 tuổi, thuộc dòng Capuchin, từ hơn 40 năm nay đã chăm sóc cho những người nghèo và người vô gia cư tại đây đã cám ơn Ðức Tổng Giám mục Diarmuid Martin về việc sắp xếp cuộc viếng thăm của Ðức Giáo hoàng
Mỗi ngày trung tâm Capuchin cung cấp khoảng 1,000 bữa ăn nóng và mỗi tuần phân phát khoảng 1,400 đến 2,000 gói thực phẩm. Mỗi năm trung tâm cần khoảng 3 triệu euro để hoạt động. Trung tâm cũng phân phát quần áo cũng như các dịch vụ y tế và xã hội nhờ các chuyên viên dành thời gian của họ để giúp đỡ mà không nhận lương.
14. Đức Giáo Hoàng đấu giá chiếc Lamborghini lấy tiền giúp tái định cư các Kitô hữu Iraq
“Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì cử chỉ hiền phụ này. Đức Giáo Hoàng là người cha của toàn thể Giáo Hội và nghĩ đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang đau khổ như chúng tôi.”
Đức Thượng Phụ Công Giáo Chanđê thành Babylon, là Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, đã nói như trên khi hay tin chiếc Lamborghini Huracan độc nhất vô nhị trên thế giới - mà nhà sản xuất xe đã trao cho Đức Giáo Hoàng vào mùa thu năm ngoái - đã được bán đấu giá vào hôm 12 tháng 5, 2018 với số tiền lên đến 840,000 đô la.
Theo mong muốn của Đức Giáo Hoàng, số tiền trên đang được sử dụng cho các mục đích bác ái, trong đó phần lớn số tiền được trao cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ để hỗ trợ các dự án giúp xây dựng lại các làng Kitô giáo trên vùng đồng bằng Nineveh ở Iraq.
Tính đến ngày 7 tháng 5 năm 2018, số gia đình đã trở về vùng đồng bằng Nineveh là 8,768 gia đình, tức là hơn 45% trong số 19,452 gia đình bị buộc phải bỏ chạy khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào khu vực này hồi tháng 6 năm 2014.
“Chúng tôi sẽ có thể làm nhiều hơn nữa với món quà của Đức Giáo Hoàng. Tôi cảm tạ Đức Thánh Cha bằng cả trái tim mình, nhưng đồng thời xin tất cả những ai có thể hãy giúp hỗ trợ các Kitô hữu trên vùng đồng bằng Nineveh”, Đức Hồng Y Louis Sako nói thêm.
Kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt đầu tấn công vào miền bắc Iraq, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã quyên góp 44 triệu đô la cho các dự án viện trợ khẩn cấp và nhân đạo tại Iraq.
15. Đức Hồng Y Louis Antonio Tagle kêu gọi cầu nguyện và ăn chay trước nạn tin giả tại Phi Luật Tân
Đức Hồng Y Louis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila, đã kêu gọi cầu nguyện và ăn chay vì Phi Luật Tân đang phải đối mặt với một cuộc “khủng hoảng của sự thật” do những tin giả và các nguồn tin bị chính trị đảng phái chi phối gây ra.
Đức Hồng Y đã kêu gọi như trên trong một lá thư được Tổng Giáo Phận Manila gửi đến các ký giả vào hôm thứ Năm, 17 tháng Năm, và được ký bởi Đức Hồng Y Tagle vào ngày Chúa Nhật, 13 tháng Năm, ngày Truyền Thông Thế Giới.
Trong thư gửi các linh mục, nam nữ tu sĩ của Tổng Giáo Phận Manila, Đức Hồng Y Tagle yêu cầu các vị cử hành 12 ngày cầu nguyện và ăn chay từ ngày 20 tháng Năm, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cho đến ngày 31 tháng Năm, Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Thánh Elizabeth.
Trong thời gian này, các nhà thờ trong tổng giáo phận Manila sẽ rung chuông nhà thờ vào lúc 3 giờ chiều để tưởng nhớ đến cái chết của Chúa, cầu xin các ơn của Chúa Thánh Thần, và đọc kinh kính Lòng Thương Xót.
Anh chị em giáo dân và hàng giáo sĩ được khích lệ ăn chay hoặc làm một việc “bác ái cụ thể hay một hành động phục vụ”.
Ngài khích lệ việc cử hành long trọng ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là lễ “chân lý và tình yêu”, bao gồm các chương trình học hỏi về thiện ích chung.
Đức Hồng Y Tagle nhấn mạnh rằng “Chúng ta cần xin Chúa tha thứ vì những tội lỗi xúc phạm đến chân lý và mở lòng mình ra với các tác động của Thánh Linh là Thần Chân Lý.”
“Qua việc ăn chay hãm mình, chúng ta chuyển hướng trọng tâm các hành động của mình từ thái độ vị kỷ hướng đến các thiện ích cộng đồng.”
Ngài nhận xét rằng:
“Cuộc khủng hoảng sự thật đã gieo những hạt giống nghi kỵ, oán giận và chia rẽ. Chính trị đảng phái đã gây ra những thiệt hại cho thiện ích chung của quốc gia”