Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên/C
Marie đã chọn phần tốt nhất
(Lc 10,38-42)
Như chúng ta đã biết, Ðức Giêsu đang cùng với các môn đệ của Người trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem, một nơi sắp sửa chứng kiến những biến cố đau thương cuối cùng của cuộc đời trần thế của Người. Và trên cuộc hành trình đó, Người đến nghỉ chân nơi các gia đình bạn hữu và thân quen của Người. Hôm nay, «Người đi vào một làng và có một người phụ nữ tên là Mác-ta ra đón Người và mời về ở nhà bà».
Bà Mác-ta có một người em gái tên là Marie và một người em trai tên là La-da-rô, và cả ba chị em đều là những người thân quen của Ðức Giêsu và các môn đệ Người. Trong lúc Ðức Giêsu có mặt tại nhà chị em bà Mác-ta, thì đương nhiên có cả các môn đệ và đám dân chúng đi theo, và Người rao giảng cho họ Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Bởi vậy, trong khi Mác-ta tất bật lo nấu nướng soạn sửa thức ăn cho khách khứa, đến thở không ra hơi, thì Marie, cô em gái bà, lại ngồi mê say lắng nghe từng lời Chúa nói.
Trước tình huống đó, Mác-ta đã không thể chịu được nữa, nên đành bạo dạn thưa với Chúa để Người bảo Marie đứng dậy giúp cho bà một tay với, chứ một mình bà chẳng những vừa quá vất vả, vừa không sao làm kịp được. Nhưng khi nghe Mác-ta nói thế, Ðức Giêsu chẳng những không làm theo ý bà, mà như tỏ vẻ trách khéo bà nữa: «Marie đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi», nghĩa là chuyện Marie biết ngồi lắng nghe lời Chúa như thế là một điều quá tốt, nên không ai có quyền ngăn cản được cô ta!
Nhưng qua sự việc đó, chúng ta tự hỏi là Ðức Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta điều gì?
Trước hết, thái độ cư xử của Ðức Giêsu hơi lạ thường. Thoạt đầu, lời đề nghị hay lời yêu cầu của Mác-ta xem ra rất hợp lý; còn câu trả lời của Chúa xem ra là cả một sự thiếu tế nhị đối với Mác-ta, một người đang vô cùng vất vả lo cơm nước hầu hạ Người và đoàn môn đệ của Người.
Quả thế, Mác-ta thực sự là hình ảnh một người nội trợ tháo vát, nhanh nhẹn và đầy lo lắng tiếp đãi khách khứa của Chúa một cách thật chu đáo. Nhưng rồi đột nhiên một lúc nào đó có thể xảy ra là các công việc mà Mác-ta một mình đang lo toan cốt để phục vụ vị khách qúi và đầy thân quen của gia đình bà, và nhất là một vị khách mà bà vô cùng kính yêu, lại làm bà quá mệt mỏi. Bà cảm thấy như thế không được, bà cần có người trợ giúp bà trong công việc cơm nước cho khách. Do đó, đang lúc Ðức Giêsu ngồi nói chuyện với mọi người về Nước Thiên Chúa, bà đã chạy đến thưa với Chúa để Người sai Marie ra giúp bà một tay.
Phải chăng Mác-ta đã hành động không đúng? Trong trường hợp tương tự, thử hỏi ai trong chúng ta lại hành động khác hơn?
Tuy nhiên, trong cách Mác-ta thưa trình với Chúa, có lẽ bà đã tỏ ra hơi phàn nàn khó chịu một chút, bởi vì trong lúc một mình bà làm không hết việc, thì cô em Marie của bà lại được ngồi thong dong trao đổi với Chúa: «Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?» Phải chăng đây không phải là phản ứng bình thường của chúng ta, một khi chúng ta trở nên mệt mỏi và bẳn gắt, một đàng do công việc quá bề bộn và một đàng khác khi chúng ta cảm thấy chỉ một mình chúng ta cáng đáng công việc, còn những người khác cứ thong thả ngồi chơi xơi nước, chứ không ai chịu làm gì cả, và chúng ta nói : «Trở đi trở lại cũng chỉ thấy có một người làm hết mọi việc!», hay: «Không ai giúp tôi lấy được một tay!»
Rất có thể trước đó Mác-ta đã nhắy mắt ra hiệu cho Marie đến giúp bà, nhưng đã không có hiệu quả, nên bà nghĩ cần phải nại đến sự công bằng và sự can thiệp của Chúa thì may ra mới thành công dễ dàng, tức Marie sẽ ra giúp bà, vì bà vẫn nghĩ là Marie sẽ phải vâng lời Chúa, khi Người truyền cho cô. Do đó Mác-ta đã quyết định hành động!
Nhưng câu trả lời của Ðức Giêsu đã hoàn toàn không trùng hợp với dư đoán của Mác-ta: «Mác-ta, con băn khăn lo lắng nhiều chuyện quá!» Quả thật, chúng ta cũng cảm thấy Mác-ta quá lo lắng, và vì thế chúng ta nhận thấy bà quá gần gủi chúng ta, hầu như một người trong chúng ta : và Ðức Giêsu trách bà… «chỉ có một điều cần thiết mà thôi. Marie đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi!»
Ðức Giêsu trách Mác-ta vì bà luôn lo lắng bận bịu, chứ không được rảnh rang thoải mát chút nào cả. Vâng, bà muốn làm hết mọi việc và việc nào cũng phải hoàn toàn trọn vẹn cả. Bà muốn cho các khách khứa của bà được hài lòng vui vẻ. Bởi vậy, để có được người giúp đỡ và để bớt lo lắng vất vả, bà đã không ngại trách khéo Chúa cốt mong được Người thông cảm và ra lệnh cho Marie, em gái bà ra giúp bà một tay, bằng cách nêu lên sự công bằng: «Thưa Thầy, em con để con một mình phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?»
Nhưng ở đây, nếu chúng ta khách quan phân tích, chúng ta thấy rằng khởi đầu ý nghĩ của bà Mác-ta là chính đáng. Bà muốn tiếp đãi Ðức Giêsu thật chu đáo, nên tìm mọi cách chu toàn bổn phận nội trợ của mình thật hoàn hảo. Nhưng rồi sự thể thay đổi từ từ, đến nỗi xem ra điều quan trọng đối với Mác-ta lúc bấy giờ không còn là việc tiếp đãi Chúa cách đàng hoàng, nhưng là chính việc tiếp đãi, và rồi bà đã yêu cầu cả Chúa nữa cũng phải tham gia vào việc tiếp đãi đó bằng việc sử dụng uy quyền của mình.
Lòng Mác-ta thực sự đầy mọi băn khoăn lo lắng, khiến bà đã không còn có thể đủ sáng suốt để phân biệt được giữa chính mình với công việc mình làm nữa; chẳng những thế, bà còn coi những người khác đều là những người cần phải giúp đỡ bà; bà không còn có thể nghe họ nói, không còn có thể kính trọng họ và nhất là không còn có thể phục vụ họ nữa. Hơn thế nữa, bà còn cho người khác là lười biếng hay thiếu quan tâm, và dĩ nhiên tất cả hoàn toàn chỉ vì thiện ý.
Trong khi đó, câu trả lời của Ðức Giêsu thật rõ ràng, chứ không cần phải bàn cãi thêm. Cũng vậy, sau khi trách yêu Mác-ta, Ðức Giêsu đã từ chối không can thiệp theo lời đề nghị của bà là sai Marie đi giúp bà. Bởi vì lời kêu xin của Mác-ta không vì Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn do ý riêng của bà, và vì thế, không phát xuất từ tình yêu thương. Lời cầu xin của Mác-ta không chính đáng, nên không được nhậm lời; nó chỉ làm tổn hại cho Marie, và vì thế, Ðức Giêsu không muốn can thiệp vào.
Chúng ta thấy rằng kinh nghiệm của Mác-ta thật vô cùng quý báu, và đồng thời đó là một lời cảnh cáo quan trọng cho mỗi người trong chúng ta. Vâng, sự thành thật và tự nhiên của Mác-ta và tiếp liền sau đó là sự phản ứng của Ðức Giêsu, đã cắt nghĩa cho chúng ta thấy rõ được thái độ và tư duy của chúng ta.
Thoạt đầu xem ra câu trả lời của Ðức Giêsu không công bằng! Thế nhưng, trong thực tế, sự đòi hỏi của Mác-ta mới không công bằng. Thật vậy, Marie rất có thể giúp đỡ bà, vì chính Ðức Giêsu cũng không hề coi thường công việc nội trợ là lo lắng sửa soạn bữa ăn. Nhưng trong trường hợp này, phương tiện đã trở nên quan trọng hơn mục đích; Mác-ta đã muốn công việc của mình phải thành công xuôi chảy còn quan trọng hơn việc tiếp đãi Chúa.
Quá đó, một bài học mà chúng ta có thể rút tỉa ra được, đó là cần phải tỉnh thức để chống lại sự cám dỗ có thể làm cho chúng ta dễ bị lẫn lộn mục đích với phương tiện. Và một mục đích quan trọng duy nhất của cuộc sống chúng ta là phụng sự Thiên Chúa, chứ không phải lợi dụng Thiên Chúa để thực hiện những tham vọng và dự định cá nhân của mình.
Bởi vậy, trong Giáo Hội, người ta thường bắt gặp một số các tổ chức từ thiện, các hội đoàn hay các tín hữu đã lợi dụng tổ chức chung để thỏa mãn tham vọng thống trị và điều khiển kẻ khác của mình; Và chúng ta còn «lợi dụng» cả Thiên Chúa nữa, hầu tổ chức và đoàn thể của chúng ta được thành công tốt đẹp hơn mọi tổ chức và đoàn thể khác trong giáo xứ.
Nói tóm lại, một khi chúng ta lẫn lộn giữa mục đích và phương tiện; một khi chúng ta đặt nặng sự thành công của các chương trình hành động và dự định của chúng ta hơn cả việc phụng sự Thiên Chúa và sống đức tin; một khi chúng ta tự lấy mình làm quan trọng, v.v… bấy giờ chúng ta đã bắt đầu tự dối mình và tự bước vào con đường lầm lạc.
Con người chỉ có thể tự giải thoát ra khỏi chính mình và ra khỏi những đòi hỏi và tham vọng thái quá của chính mình, khi họ biết cương quyết trở nên hoàn thiện trong Ðức Kitô. Ðồng thời, người ta đừng quên rằng nhiều khi dưới những hình thức công bằng bên ngoài, lại chứa đựng sự chối từ điều thiện hảo, lại bỏ qua phần tốt nhất!