CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 4,35-41
35Khi ấy, lúc chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bên bờ bên kia đi !” 36Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.
37Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đằng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” 39Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40Rồi Người bảo các ông : “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” 41Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau : “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
VỚI CHÚA GIỮA CƠN BÃO TRẦN ĐỜI
Câu chuyện hôm nay nằm ở phần đầu Tin Mừng Mác-cô (1,14-8,30). Phần này nhắm mạc khải cho biết Đức Giê-su là ai và sứ mệnh của Người là gì. Nó đạt đến cao điểm trong việc Phê-rô tuyên xưng Đấng Ki-tô (x. 8,27-30), nhưng lời tuyên xưng này đã được bản văn chúng ta chuẩn bị. Quả thế, lời cảm thán của các môn đệ : “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” phải được giải thích không như một câu hỏi đơn giản, nhưng như một ngạc nhiên đầy thán phục trước mầu nhiệm của Đấng hành động với quyền lực trời cao. Ngoài ra, đoản văn lại được đặt ngay sau giáo huấn bằng dụ ngôn (x. 4,1-34) vốn đã thiết lập một ranh giới rõ rệt giữa những kẻ ở ngoài chẳng hiểu gì với các Tông đồ được nghe giải thích mầu nhiệm. Trình thuật hôm nay, một dụ ngôn bằng hành động (xin lưu ý tước hiệu “Thầy” gán cho Đức Giê-su ở 4,38), cho thấy ngoài việc giống như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống, môn đệ phải tin tưởng theo Thầy qua mọi hiểm nguy.
1- Cơn cuồng nộ của biển cả
Đang lúc cảnh này thực sự xảy ra trên một cái hồ đơn sơ, tương đối nhỏ và hẹp, thì chi tiết “biển” xuất hiện nơi đoản văn có ý nghĩa gì? Trong ngôn ngữ Hip-ri, mọi diện tích nước, dù là ao hồ hay đại dương, đều có chung một tên gọi : biển. Ngoài ra, theo tâm thức của người Xê-mít (Ít-ra-en và các dân lân cận), biển được quan niệm như một vực thẳm trong đó tung hoành những thủy quái, mang tên giao long, thuồng luồng (x. Is 27,1; Tv 74,13-14; Đn 7,22-3; Kh 12,13), Ra-háp (x. Is 30,7; 51,9-10; Tv 87,4; 89,10-11; G 9,13; 26,12-13) chuyên đe dọa con người và chống lại Thiên Chúa bằng những cơn cuồng phong hung hãn. Như thế, từ đầu đến cuối Thánh Kinh, biển cả được trình bày như một thực thể từ đó phát sinh nhiều quyền lực tác hại. Nên trước tiên cần chế ngự yếu tố ấy đã. Thế mà chiến thắng này vượt quá tất cả sức mạnh nhân loại; duy quyền năng Thiên Chúa mới có thể bắt ba đào hung hãn phải tuân nghe và cứu con người khỏi cơn bão tố (x. Tv 107,26-30).
Như thế, trình thuật dẹp yên bão tố, thay vì xuất hiện như một câu chuyện giữa bao câu chuyện tường thuật một trong nhiều phép lạ của Đức Giê-su, lại mặc một ý nghĩa hết sức đặc biệt. “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”, bấy nhiêu chi tiết thị giác ấy góp phần tạo nên một bầu khí thử thách và hiểm nguy. Nhưng đó chẳng phải một tai nạn tầm thường : toàn thể quang cảnh đều xảy ra trên biển, trên vực thẳm nguyên sơ vốn là nơi ẩn núp của các tà lực. Chúng lay động hầu chôn vùi mọi người, và cùng với họ chôn vùi luôn Con Thiên Chúa đang đến cứu thế gian ! Nên ta hiểu được tại sao vào đoạn cuối, Đức Giê-su nói với biển bằng chính những lời mà Người thường dùng để chống lại quỷ dữ (x. Mc 1,25) và ta cũng hiểu được sự ngạc nhiên của các môn đệ trước cử chỉ có vẻ như một cuộc thần hiển thực sự này.
Nếu lưu ý rằng mỗi một đoản văn Tin Mừng, trong giáo lý của Giáo hội sơ khai, đã được nuôi dưỡng và chịu ảnh hưởng bởi những trình thuật Khổ nạn-Phục sinh đến độ nào, thì khó mà không thấy in chìm nơi đây cơn bão tố thật của ngày thứ Sáu thánh vốn đã ụp xuống trên Đức Giê-su lẫn môn đệ mình.
2- Giấc ngủ của Đức Giê-su
Thế nhưng đang khi chiếc thuyền và những kẻ trên thuyền bị nguy ngập, Đức Giê-su vẫn nằm ngủ. Tuy Mác-cô không bao giờ muốn tách ra khỏi lời rao giảng mang tính thần học của ông những kỷ niệm về cuộc đời Đức Giê-su, vẫn không chắc chắn nếu kết luận rằng nhờ bình tâm hoặc nhờ có sức khỏe mà Người ngủ yên được trong cơn bão lớn như vậy ! Đúng hơn phải xem giấc ngủ ấy là một hình ảnh về cái chết của Người hay một biểu tượng về sự vắng mặt thể lý của Người. Thật vậy, khi bàn về sự chết, Thánh Kinh thường dùng hạn từ “giấc ngủ”. Tv 13,4 đã nài van Thiên Chúa : “Xin tỏa ánh sáng cho đôi mắt rạng ngời, để con khỏi ngủ giấc ngàn thu”. Đa-ni-en thì có lời tiên báo : “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy…” (Đn 12,2). Tân Ước cũng năng lấy lại hình ảnh bóng bảy ấy (x. 1Tx 4,14-15; 5,10; Ep 5,14; Ga 11,11-14; Mc 5,39-41).
Tuy nhiên, chủ đề “giấc ngủ” nói đây cũng được dùng trong Thánh Kinh để diễn tả sự dửng dưng của Thiên Chúa và sự vắng mặt bên ngoài của Người. Thánh vịnh gia bị bỏ rơi đã thử đánh thức Thiên Chúa như sau : “Lạy Chúa, xin tỉnh giấc ! Ngài cứ ngủ được sao? Xin trỗi dậy đi nào” (Tv 44,24; x. Tv 35,23; 59,6; 78,65). Ngôn sứ I-sai-a từng liên kết cách chí lý quyền năng sáng tạo của TC (chiến thắng của Người trên đại dương, hỗn mang nguyên thủy và trên những thủy quái của nó), hành động cứu chuộc của Người trong cuộc Xuất hành, với việc Người “thức dậy” (Is 51,9-10).
Thành thử ta thấy được rằng quan niệm thần học “giấc ngủ của Thiên Chúa” đã có từ thời Cựu Ước ! Kể ra, đó là một tâm tình và một thái độ hoàn toàn phù hợp với thân phận chung của con người : vì bất lực, ngu dốt, bị tứ bề đe dọa, con người tôn giáo tự nhiên kêu cầu ngay TC; thất vọng vì thấy TC không tỏ mình ra trong các nguyên nhân tự nhiên, họ bèn nghĩ rằng Người đã ngủ ! Nhiều người do đó dồn nén những cảm tình tôn giáo để giới hạn hành động của mình vào việc xây dựng một đô thành trần gian. Nhưng thay vì những ảo tưởng, những mối hy vọng hão huyền và những lối giải quyết hạn hẹp như vừa thấy, Kinh Thánh nói chung và đặc biệt bản văn hôm nay dạy rằng cần phải thanh luyện không ngừng thái độ tôn giáo của ta để đưa nó đến đức tin chân thực. Chớ nên nghĩ Thiên Chúa vắng mặt, thiếp ngủ hay đã chết, như triết gia vô thần Friedrich Nietzsche từng phát biểu ! Dù hiện diện và hành động hiệu nghiệm hơn mọi thực tại của thế giới chúng ta, Người vẫn ở một mức độ thâm sâu, đến nỗi đà hướng của chúng ta về Người phải biến thành niềm tin bằng cách tự thanh tẩy trong mỗi giây phút, thì mới đạt tới Người được. Nhưng không phải bất cứ niềm tin nào, mà là niềm tin bám rễ sâu vào Đức Ki-tô, nghĩa là niềm tin biết chấp nhận cái chết như Người trước khi đạt đến sự Phục sinh. Ngôi Lời Nhập thể đã chết, nhưng đã sống lại; Người đã biến mất khỏi thế gian hữu hình của chúng ta, nhưng giờ đây càng hoạt động cách hiệu nghiệm hơn với tất cả quyền lực của Thánh Thần.
3- Đức tin của các Tông đồ.
Tiếng kêu đánh thức Đức Giê-su của các môn đệ : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (c.38) có thể hiểu như một lời trách móc táo bạo và âu yếm, nhưng phải giải thích nó như một sự thiếu đức tin : không những các môn đệ sợ Đức Giê-su ngủ say chẳng cứu được họ, mà còn chưa hiểu rằng ơn cứu độ do Đức Ki-tô mang đến, thay vì loại bỏ những hiểm nguy và những trận bão, thì lại phải trải qua khổ nạn và cái chết.
“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Lời quở trách này đặc biệt nặng nề nơi Mác-cô nếu đem so với 2 Tin Mừng Nhất lãm còn lại (x Mt 8,26; Lc 8,25). Trong cuộc sống của các Tông đồ, có một thời điểm họ đã đáng bị quở trách như thế : đó là lúc họ thất vọng bỏ đi, chạy trốn khi Đức Ki-tô bị bắt, bị kết án và bị xử tử. Và mối hoài nghi của họ sâu xa đến nỗi họ đã từ chối tin những kẻ đầu tiên chứng kiến Đức Ki-tô phục sinh hiện ra. Nơi đoạn cuối của Mác-cô (16,9-20), mối nghi ngờ và nỗi xao xuyến của các Tông đồ đã được đặc biệt nhấn mạnh : hai lần, và việc lặp lại này rất có ý nghĩa, các chứng nhân đầu tiên về Đấng sống lại đến báo tin vui cho họ, nhưng họ chẳng muốn tin một ai. Lúc đó, Đức Ki-tô đích thân hiện ra và Người “khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16,14). Có lẽ vì đã nghĩ đến sự thiếu lòng tin này của các Tông đồ khi thuật lại câu chuyện dẹp yên bão tố, Mc đã đặt trên miệng Đức Giê-su một lời quở trách nặng nề sự thiếu đức tin của họ như vậy.
Ở đây đã tự mạc khải Con TC, Chủ tể muôn loài (x. Mc 16,15) khi Đức Giê-su, trong một cử chỉ chắc hẳn giới hạn, nhưng hữu hiệu và mang tính tiên tri, uy nghi ra lệnh cho gió và biển. Qua hành vi cứu độ này, Người loan báo, sửa soạn, khai mạc cuộc chiến quyết liệt Người sắp tung ra để đương đầu với Quyền lực của Sự Ác cùng Tử Thần. Trong viễn tượng đó, ta thấy được vì sao Đức Giê-su nói với biển bằng chính những lời Người thường dùng để ra lệnh cho quỷ dữ tà thần (x.1,25), khiến các Tông đồ ngạc nhiên nhận ra đó thực là một cuộc thần hiển.
Kết luận
Đức Giê-su không hứa với Giáo Hội là sẽ che chở cho khỏi cơn bão tố, trái lại Người hứa Giáo Hội sẽ thắng bão tố, sẽ không bị chìm ngập và con thuyền Giáo Hội, cho dầu xảy ra gì chăng nữa, sẽ đến bờ như đã hứa. Chúa Ki-tô đã chẳng trải qua cơn bão tố Khổ nạn để rồi đạt đến bờ Phục sinh ư? Cuộc sống Giáo Hội và cuộc sống mỗi Ki-tô hữu chúng ta không thoát khỏi định luật này, là định luật của tất cả những ai, những gì muốn về với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đây chẳng phải là định luật Thiên Chúa ra một cách độc đoán, như thể Người muốn ta phải trả giá Nước Trời, hành hạ đã rồi mới cho được nghỉ ngơi an hưởng thiên đàng. Bão tố, gian nan, thử thách chính là những gì xảy ra khi ta quyết tâm trung thành với Thiên Chúa, khi ta từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi sự để chiếm đoạt cho được Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực của ta.
Vào khoảng 2g20 sáng ngày 15-04-1912, Titanic -con tàu sang trọng hàng đầu thế giới thời điểm đó- đã va phải một tảng băng trôi; tai nạn bất ngờ khiến nó bị thủng lớn, chìm dần với khoảng 1.500 hành khách thiệt mạng vì thiếu thuyền cứu hộ. Con tàu đang trong chuyến hải trình đầu tiên từ Southampton (Anh) tới New York (Mỹ) thì gặp nạn gần đảo Newfoundland (Canada). Chuyện lạ lùng là lúc ấy, muốn giúp hành khách bình tĩnh hơn giữa cảnh hỗn loạn, dàn nhạc con tàu đã chơi đàn suốt hơn hai tiếng, cho tới tận khi tàu chìm và họ chìm theo. Không tìm một chỗ trên xuồng cứu hộ cho bằng được, trái lại vẫn đồng lòng như một, bình tĩnh biểu diễn, chẳng ai rời bỏ vị trí, hẳn họ đã hình dung ra kết cục của mình. Bản nhạc cuối cùng được chơi là giai điệu bài thánh ca “Nearer My God To Thee” (Chúa ơi, cho con gần Ngài hơn nữa”). Chỉ huy ban nhạc lúc ấy là nghệ sĩ vĩ cầm người Anh Wallace Hartley, một tín hữu sùng đạo. Anh ra đi năm 34 tuổi. Về sau, gia đình của anh đã cho khắc trên bia kỷ niệm những câu đầu trong bài thánh ca này. Ngoải ra còn phải nhắc tới cha Thomas Byles, cũng người Anh, 42 tuổi, định sang New York để làm lễ cưới cho em trai mình. Tuy có hai cơ hội để lên thuyền cứu sinh, cha đã quyết định từ chối đặc ân đó, để ở lại với những hành khách kém may mắn, giải tội cho họ cũng như an ủi và cầu nguyện với họ trước khi con tàu chìm xuống đáy đại dương. Vì sự hy sinh cao cả ấy nên cha Byles đang được điều tra để tiến hành phong Chân phúc. Tất cả những Kitô hữu ấy đã chẳng sống niềm tin của mình trong cảnh chìm tàu và dìm mạng thực sự của họ sao?
35Khi ấy, lúc chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bên bờ bên kia đi !” 36Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.
37Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đằng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” 39Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40Rồi Người bảo các ông : “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” 41Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau : “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
VỚI CHÚA GIỮA CƠN BÃO TRẦN ĐỜI
Câu chuyện hôm nay nằm ở phần đầu Tin Mừng Mác-cô (1,14-8,30). Phần này nhắm mạc khải cho biết Đức Giê-su là ai và sứ mệnh của Người là gì. Nó đạt đến cao điểm trong việc Phê-rô tuyên xưng Đấng Ki-tô (x. 8,27-30), nhưng lời tuyên xưng này đã được bản văn chúng ta chuẩn bị. Quả thế, lời cảm thán của các môn đệ : “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” phải được giải thích không như một câu hỏi đơn giản, nhưng như một ngạc nhiên đầy thán phục trước mầu nhiệm của Đấng hành động với quyền lực trời cao. Ngoài ra, đoản văn lại được đặt ngay sau giáo huấn bằng dụ ngôn (x. 4,1-34) vốn đã thiết lập một ranh giới rõ rệt giữa những kẻ ở ngoài chẳng hiểu gì với các Tông đồ được nghe giải thích mầu nhiệm. Trình thuật hôm nay, một dụ ngôn bằng hành động (xin lưu ý tước hiệu “Thầy” gán cho Đức Giê-su ở 4,38), cho thấy ngoài việc giống như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống, môn đệ phải tin tưởng theo Thầy qua mọi hiểm nguy.
1- Cơn cuồng nộ của biển cả
Đang lúc cảnh này thực sự xảy ra trên một cái hồ đơn sơ, tương đối nhỏ và hẹp, thì chi tiết “biển” xuất hiện nơi đoản văn có ý nghĩa gì? Trong ngôn ngữ Hip-ri, mọi diện tích nước, dù là ao hồ hay đại dương, đều có chung một tên gọi : biển. Ngoài ra, theo tâm thức của người Xê-mít (Ít-ra-en và các dân lân cận), biển được quan niệm như một vực thẳm trong đó tung hoành những thủy quái, mang tên giao long, thuồng luồng (x. Is 27,1; Tv 74,13-14; Đn 7,22-3; Kh 12,13), Ra-háp (x. Is 30,7; 51,9-10; Tv 87,4; 89,10-11; G 9,13; 26,12-13) chuyên đe dọa con người và chống lại Thiên Chúa bằng những cơn cuồng phong hung hãn. Như thế, từ đầu đến cuối Thánh Kinh, biển cả được trình bày như một thực thể từ đó phát sinh nhiều quyền lực tác hại. Nên trước tiên cần chế ngự yếu tố ấy đã. Thế mà chiến thắng này vượt quá tất cả sức mạnh nhân loại; duy quyền năng Thiên Chúa mới có thể bắt ba đào hung hãn phải tuân nghe và cứu con người khỏi cơn bão tố (x. Tv 107,26-30).
Như thế, trình thuật dẹp yên bão tố, thay vì xuất hiện như một câu chuyện giữa bao câu chuyện tường thuật một trong nhiều phép lạ của Đức Giê-su, lại mặc một ý nghĩa hết sức đặc biệt. “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”, bấy nhiêu chi tiết thị giác ấy góp phần tạo nên một bầu khí thử thách và hiểm nguy. Nhưng đó chẳng phải một tai nạn tầm thường : toàn thể quang cảnh đều xảy ra trên biển, trên vực thẳm nguyên sơ vốn là nơi ẩn núp của các tà lực. Chúng lay động hầu chôn vùi mọi người, và cùng với họ chôn vùi luôn Con Thiên Chúa đang đến cứu thế gian ! Nên ta hiểu được tại sao vào đoạn cuối, Đức Giê-su nói với biển bằng chính những lời mà Người thường dùng để chống lại quỷ dữ (x. Mc 1,25) và ta cũng hiểu được sự ngạc nhiên của các môn đệ trước cử chỉ có vẻ như một cuộc thần hiển thực sự này.
Nếu lưu ý rằng mỗi một đoản văn Tin Mừng, trong giáo lý của Giáo hội sơ khai, đã được nuôi dưỡng và chịu ảnh hưởng bởi những trình thuật Khổ nạn-Phục sinh đến độ nào, thì khó mà không thấy in chìm nơi đây cơn bão tố thật của ngày thứ Sáu thánh vốn đã ụp xuống trên Đức Giê-su lẫn môn đệ mình.
2- Giấc ngủ của Đức Giê-su
Thế nhưng đang khi chiếc thuyền và những kẻ trên thuyền bị nguy ngập, Đức Giê-su vẫn nằm ngủ. Tuy Mác-cô không bao giờ muốn tách ra khỏi lời rao giảng mang tính thần học của ông những kỷ niệm về cuộc đời Đức Giê-su, vẫn không chắc chắn nếu kết luận rằng nhờ bình tâm hoặc nhờ có sức khỏe mà Người ngủ yên được trong cơn bão lớn như vậy ! Đúng hơn phải xem giấc ngủ ấy là một hình ảnh về cái chết của Người hay một biểu tượng về sự vắng mặt thể lý của Người. Thật vậy, khi bàn về sự chết, Thánh Kinh thường dùng hạn từ “giấc ngủ”. Tv 13,4 đã nài van Thiên Chúa : “Xin tỏa ánh sáng cho đôi mắt rạng ngời, để con khỏi ngủ giấc ngàn thu”. Đa-ni-en thì có lời tiên báo : “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy…” (Đn 12,2). Tân Ước cũng năng lấy lại hình ảnh bóng bảy ấy (x. 1Tx 4,14-15; 5,10; Ep 5,14; Ga 11,11-14; Mc 5,39-41).
Tuy nhiên, chủ đề “giấc ngủ” nói đây cũng được dùng trong Thánh Kinh để diễn tả sự dửng dưng của Thiên Chúa và sự vắng mặt bên ngoài của Người. Thánh vịnh gia bị bỏ rơi đã thử đánh thức Thiên Chúa như sau : “Lạy Chúa, xin tỉnh giấc ! Ngài cứ ngủ được sao? Xin trỗi dậy đi nào” (Tv 44,24; x. Tv 35,23; 59,6; 78,65). Ngôn sứ I-sai-a từng liên kết cách chí lý quyền năng sáng tạo của TC (chiến thắng của Người trên đại dương, hỗn mang nguyên thủy và trên những thủy quái của nó), hành động cứu chuộc của Người trong cuộc Xuất hành, với việc Người “thức dậy” (Is 51,9-10).
Thành thử ta thấy được rằng quan niệm thần học “giấc ngủ của Thiên Chúa” đã có từ thời Cựu Ước ! Kể ra, đó là một tâm tình và một thái độ hoàn toàn phù hợp với thân phận chung của con người : vì bất lực, ngu dốt, bị tứ bề đe dọa, con người tôn giáo tự nhiên kêu cầu ngay TC; thất vọng vì thấy TC không tỏ mình ra trong các nguyên nhân tự nhiên, họ bèn nghĩ rằng Người đã ngủ ! Nhiều người do đó dồn nén những cảm tình tôn giáo để giới hạn hành động của mình vào việc xây dựng một đô thành trần gian. Nhưng thay vì những ảo tưởng, những mối hy vọng hão huyền và những lối giải quyết hạn hẹp như vừa thấy, Kinh Thánh nói chung và đặc biệt bản văn hôm nay dạy rằng cần phải thanh luyện không ngừng thái độ tôn giáo của ta để đưa nó đến đức tin chân thực. Chớ nên nghĩ Thiên Chúa vắng mặt, thiếp ngủ hay đã chết, như triết gia vô thần Friedrich Nietzsche từng phát biểu ! Dù hiện diện và hành động hiệu nghiệm hơn mọi thực tại của thế giới chúng ta, Người vẫn ở một mức độ thâm sâu, đến nỗi đà hướng của chúng ta về Người phải biến thành niềm tin bằng cách tự thanh tẩy trong mỗi giây phút, thì mới đạt tới Người được. Nhưng không phải bất cứ niềm tin nào, mà là niềm tin bám rễ sâu vào Đức Ki-tô, nghĩa là niềm tin biết chấp nhận cái chết như Người trước khi đạt đến sự Phục sinh. Ngôi Lời Nhập thể đã chết, nhưng đã sống lại; Người đã biến mất khỏi thế gian hữu hình của chúng ta, nhưng giờ đây càng hoạt động cách hiệu nghiệm hơn với tất cả quyền lực của Thánh Thần.
3- Đức tin của các Tông đồ.
Tiếng kêu đánh thức Đức Giê-su của các môn đệ : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (c.38) có thể hiểu như một lời trách móc táo bạo và âu yếm, nhưng phải giải thích nó như một sự thiếu đức tin : không những các môn đệ sợ Đức Giê-su ngủ say chẳng cứu được họ, mà còn chưa hiểu rằng ơn cứu độ do Đức Ki-tô mang đến, thay vì loại bỏ những hiểm nguy và những trận bão, thì lại phải trải qua khổ nạn và cái chết.
“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Lời quở trách này đặc biệt nặng nề nơi Mác-cô nếu đem so với 2 Tin Mừng Nhất lãm còn lại (x Mt 8,26; Lc 8,25). Trong cuộc sống của các Tông đồ, có một thời điểm họ đã đáng bị quở trách như thế : đó là lúc họ thất vọng bỏ đi, chạy trốn khi Đức Ki-tô bị bắt, bị kết án và bị xử tử. Và mối hoài nghi của họ sâu xa đến nỗi họ đã từ chối tin những kẻ đầu tiên chứng kiến Đức Ki-tô phục sinh hiện ra. Nơi đoạn cuối của Mác-cô (16,9-20), mối nghi ngờ và nỗi xao xuyến của các Tông đồ đã được đặc biệt nhấn mạnh : hai lần, và việc lặp lại này rất có ý nghĩa, các chứng nhân đầu tiên về Đấng sống lại đến báo tin vui cho họ, nhưng họ chẳng muốn tin một ai. Lúc đó, Đức Ki-tô đích thân hiện ra và Người “khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16,14). Có lẽ vì đã nghĩ đến sự thiếu lòng tin này của các Tông đồ khi thuật lại câu chuyện dẹp yên bão tố, Mc đã đặt trên miệng Đức Giê-su một lời quở trách nặng nề sự thiếu đức tin của họ như vậy.
Ở đây đã tự mạc khải Con TC, Chủ tể muôn loài (x. Mc 16,15) khi Đức Giê-su, trong một cử chỉ chắc hẳn giới hạn, nhưng hữu hiệu và mang tính tiên tri, uy nghi ra lệnh cho gió và biển. Qua hành vi cứu độ này, Người loan báo, sửa soạn, khai mạc cuộc chiến quyết liệt Người sắp tung ra để đương đầu với Quyền lực của Sự Ác cùng Tử Thần. Trong viễn tượng đó, ta thấy được vì sao Đức Giê-su nói với biển bằng chính những lời Người thường dùng để ra lệnh cho quỷ dữ tà thần (x.1,25), khiến các Tông đồ ngạc nhiên nhận ra đó thực là một cuộc thần hiển.
Kết luận
Đức Giê-su không hứa với Giáo Hội là sẽ che chở cho khỏi cơn bão tố, trái lại Người hứa Giáo Hội sẽ thắng bão tố, sẽ không bị chìm ngập và con thuyền Giáo Hội, cho dầu xảy ra gì chăng nữa, sẽ đến bờ như đã hứa. Chúa Ki-tô đã chẳng trải qua cơn bão tố Khổ nạn để rồi đạt đến bờ Phục sinh ư? Cuộc sống Giáo Hội và cuộc sống mỗi Ki-tô hữu chúng ta không thoát khỏi định luật này, là định luật của tất cả những ai, những gì muốn về với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đây chẳng phải là định luật Thiên Chúa ra một cách độc đoán, như thể Người muốn ta phải trả giá Nước Trời, hành hạ đã rồi mới cho được nghỉ ngơi an hưởng thiên đàng. Bão tố, gian nan, thử thách chính là những gì xảy ra khi ta quyết tâm trung thành với Thiên Chúa, khi ta từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi sự để chiếm đoạt cho được Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực của ta.
Vào khoảng 2g20 sáng ngày 15-04-1912, Titanic -con tàu sang trọng hàng đầu thế giới thời điểm đó- đã va phải một tảng băng trôi; tai nạn bất ngờ khiến nó bị thủng lớn, chìm dần với khoảng 1.500 hành khách thiệt mạng vì thiếu thuyền cứu hộ. Con tàu đang trong chuyến hải trình đầu tiên từ Southampton (Anh) tới New York (Mỹ) thì gặp nạn gần đảo Newfoundland (Canada). Chuyện lạ lùng là lúc ấy, muốn giúp hành khách bình tĩnh hơn giữa cảnh hỗn loạn, dàn nhạc con tàu đã chơi đàn suốt hơn hai tiếng, cho tới tận khi tàu chìm và họ chìm theo. Không tìm một chỗ trên xuồng cứu hộ cho bằng được, trái lại vẫn đồng lòng như một, bình tĩnh biểu diễn, chẳng ai rời bỏ vị trí, hẳn họ đã hình dung ra kết cục của mình. Bản nhạc cuối cùng được chơi là giai điệu bài thánh ca “Nearer My God To Thee” (Chúa ơi, cho con gần Ngài hơn nữa”). Chỉ huy ban nhạc lúc ấy là nghệ sĩ vĩ cầm người Anh Wallace Hartley, một tín hữu sùng đạo. Anh ra đi năm 34 tuổi. Về sau, gia đình của anh đã cho khắc trên bia kỷ niệm những câu đầu trong bài thánh ca này. Ngoải ra còn phải nhắc tới cha Thomas Byles, cũng người Anh, 42 tuổi, định sang New York để làm lễ cưới cho em trai mình. Tuy có hai cơ hội để lên thuyền cứu sinh, cha đã quyết định từ chối đặc ân đó, để ở lại với những hành khách kém may mắn, giải tội cho họ cũng như an ủi và cầu nguyện với họ trước khi con tàu chìm xuống đáy đại dương. Vì sự hy sinh cao cả ấy nên cha Byles đang được điều tra để tiến hành phong Chân phúc. Tất cả những Kitô hữu ấy đã chẳng sống niềm tin của mình trong cảnh chìm tàu và dìm mạng thực sự của họ sao?