ÂM THANH CỦA THINH LẶNG
“Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài!”.

Dù rất yêu quý sự thinh lặng, một nhà sư trẻ vẫn rời chùa. Lý do, chùa không còn yên tỉnh! Anh xin nhập một thiền viện. Sau 10 năm, sư cụ thỉnh ý anh; anh đáp, “Ăn tệ!”. 10 năm sau, anh nói, “Ngủ tệ!”. 10 năm nữa trôi qua, anh thưa, “Tôi đi!”. Sư cụ bảo, “Điều đó không làm tôi ngạc nhiên! Bạn nói, bạn yêu quý thinh lặng; nhưng bạn đã không làm gì khác, ngoài phàn nàn! Làm sao bạn có thể nghe được âm thanh của thinh lặng?”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Âm thanh của thinh lặng’ cũng là những gì chúng ta sẽ khám phá qua Lời Chúa hôm nay; đặc biệt, với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài!”. Chính trong thinh lặng, Thiên Chúa hiện diện! Và cũng chính trong thinh lặng, Thiên Chúa nói!

Ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều là những con người đi tìm Thiên Chúa, “Linh hồn con những khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa!”. Chính cuộc tìm kiếm liên lỉ này khiến chúng ta trở thành những con người hành hương hướng về Chúa. Êlia là một người tìm Chúa. Ông lên đường đến núi Horeb; ở đó, ông gặp Chúa, nhưng không theo cách ông mong đợi - bài đọc một. Trong nền văn hoá thời bấy giờ, người ta mong đợi thần minh tỏ mình qua những hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên như trong lửa, bão tố hoặc động đất; tuy nhiên, Thiên Chúa tỏ mình cho Êlia một cách tế nhị và khiêm tốn - “trong tiếng gió hiu hiu” - hoặc thú vị hơn, trong ‘âm thanh của thinh lặng!’.

Thật không dễ để chúng ta có được ‘thinh lặng’ trong thời đại ngày nay; vậy mà, chính ở đó, Thiên Chúa tỏ mình cách tỏ tường hơn cả. Bởi thinh lặng không phải là nét đặc trưng của nền văn hoá chúng ta; vì thế, bạn và tôi phải tìm kiếm nó. Một khi trở nên hoà hợp với Thiên Chúa, dù Ngài chỉ ‘lướt qua’, chúng ta vẫn được Ngài ban sức mạnh để có thể nghe điều Ngài dạy, làm điều Ngài muốn; đồng thời, biết sống mối tương quan với người khác cách đúng đắn, trong sự tôn trọng họ như Chúa Giêsu mời gọi.

Sự tôn trọng mỗi người dành cho tha nhân được Chúa Giêsu nói đến hôm nay cũng chỉ hiểu được khi chúng ta chìm sâu trong thinh lặng. Liên quan đến sự tinh tuyền của trái tim, Ngài coi nhu cầu về sự trong sạch ở một cấp độ cao hơn so với Cựu Ước, vốn dạy “chớ ngoại tình”. Ngài nói, nhìn một người nữ với ham muốn đã là tội! Ngài không nói, công nhận một người khác phái xinh đẹp là tội; nhưng là tội khi xem người đó như một đồ vật với suy nghĩ vạy vò trong lòng. Nói cách khác, bản thân sự cám dỗ không phải là tội; chính khi dung dưỡng cám dỗ đó trong tim, dành cho nó một ‘chỗ ở’, đú đởn bỡn nhả với nó trong tâm trí… là chúng ta đã bước qua lằn ranh đỏ!

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài!”. Để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và nhất là trong tha nhân, Chúa Giêsu mời chúng ta chìm sâu vào ‘âm thanh của thinh lặng’. Ngài mời chúng ta dìm mình trong cầu nguyện; để từ đó, có khả năng không chỉ thay đổi hành vi mà còn thay đổi tấm lòng. Sự biến đổi nội tâm này nếu hiểu theo nghĩa Thánh Kinh là công việc của Thánh Thần; vì chỉ Thánh Thần mới có sức mạnh đổi mới lòng người, thanh tẩy mọi ước muốn lăng loàn và gột sạch những ý định xấu xa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chỉ biết phàn nàn, nhưng ham thích cầu nguyện; vì biết rằng, Chúa thường xuất hiện trong tiếng gió hiu hiu và chỉ nói trong im ắng!”, Amen.

(Tgp. Huế)