CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM B : GA 15,9-17

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các giới răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

“12 Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

“16Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.



NIỀM VUI YÊU THƯƠNG

Bằng cặp mắt dò xét, vị linh mục quan sát nét mặt của mỗi tín hữu trong nhà thờ. Cha đang kêu gọi lòng từ tâm, xin họ dâng cúng để thông phần vào công cuộc truyền giáo cho người sắc tộc. Cha cố đánh thức lòng hy sinh của thính giả, giúp cho họ biết : “Cho thì vui hơn là nhận”, song cha thất vọng. Cha cầu nguyện : “Chúa ơi, xin giúp đỡ con”.

Lúc ấy, trong góc nhà thờ, một thiếu nữ tàn tật vì mất một chân, rất cảm động về lời kêu gọi của vị linh mục. Cô vừa khóc vừa cầu nguyện : “Lạy Chúa Giê-su, con không có gì để dâng, song con rất muốn anh em sắc tộc được nghe về tình yêu cứu rỗi của Chúa. Chúa ôi, con chẳng có gì cả”. Trong lòng cô có tiếng se sẽ đáp lại : “Con ơi, con có cái nạng mà ! Nó là bạn yêu dấu của con, đã đưa con đến công viên, dẫn con đến nhà thờ, làm cho con hạnh phúc”. Thiếu nữ nức nở thưa rằng : “Chúa ơi, phải ! Con bằng lòng cho nó”. Nói thế rồi, thiếu nữ đưa cây nạng vào tay viên chấp sự đi thâu tiền. Ngần ngại, bối rối trong giây phút, nhưng rồi hiểu được ý muốn của thiếu nữ, viên chấp sự bèn lấy cây nạng đem lên đặt trên bàn để của lễ.

Linh mục bước xuống, run rẩy cầm nạng đưa lên cho cộng đoàn xem. Cảm động đến nghẹn ngào về sự hy sinh tuyệt vời của thiếu nữ, cha nói : “Anh chị em có thấy không? Đây là cây nạng của một thiếu nữ tàn tật, là tất cả những gì cô có để làm nhẹ bớt sự đau khổ của mình, nhưng cô đã dâng nó cho Chúa, còn anh chị em thì sao?” Im lặng trong giây phút, linh mục nghiêm nghị hỏi : “Ai muốn mua cây nạng này nơi hội truyền giáo để trả lại cho thiếu nữ?”. Một người đứng lên: “Con xin góp 10 ngàn để mua lại” - “Con xin góp thêm 20 ngàn” - “Con cũng xin đóng góp 50 ngàn”… Và cứ như vậy, đến nỗi trong thoáng chốc, số tiền dâng đã thành một đống bạc lấp cả cây nạng đang để trên bàn. Mọi người đều hớn hở tạ ơn Chúa đã làm phép lạ. Linh mục đến ôm choàng lấy cô mà nói : “Con yêu quý, cây nạng của con đã đem lại cho hội truyền giáo sắc tộc một số tiền lớn lao và đem lại cho cộng đoàn một niềm vui khôn tả. Bây giờ cha xin trả nó lại cho con”. Sung sướng mỉm cười, cô đón nhận lại món quà đã dâng cho Chúa. Ai nấy cũng đưa mắt nhìn cô qua giòng lệ. Một niềm vui yêu thương chưa từng có bao phủ cả cộng đoàn.

1. Yêu thương để có niềm vui

Bài Tin Mừng này sắp nói với chúng ta về niềm vui yêu thương đó : “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy (điều răn yêu mến)… anh em sẽ được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em nên trọn vẹn”.

Mỗi lần nghe câu này, chúng ta đều ít nhiều có sự luyến tiếc. Hình như cuộc sống của chúng ta lẽ ra đã khác, đã hiến thân cho tình yêu hơn, nếu chúng ta đã được cho biết thật sớm mối liên hệ giữa nỗ lực yêu thương và nỗi vui mừng. Nếu chúng ta đã có thể làm cho con cái chúng ta hiểu rằng khi thực thi tình bác ái huynh đệ, người ta đi vào trong một niềm vui khiến mình thỏa mãn, hãy tin rằng chúng sẽ được trang bị đủ để sống, để đương đầu với lòng tự ái ích kỷ, để có những lý tưởng cao đẹp : “Vui mừng chẳng qua chỉ là sự nẩy nở và phát triển của tình yêu. Tình yêu càng vô vụ lợi bao nhiêu, niềm vui càng hoàn hảo bấy nhiêu. Dĩ nhiên, chúng ta phải luôn cố gắng bồi dưỡng niềm vui. Vui mừng không hủy diệt hết khổ cực và chối bỏ mọi cố gắng, nhưng vui mừng có hiệu năng chuyển biến đau khổ thành hạnh phúc, yếu nhược thành sức mạnh… thành tình yêu” (Gaston Courtois). Người ta nhận định giới trẻ tại những quốc gia giàu có ngày nay là “thế hệ mất phương hướng” vì chẳng biết sống để làm gì. Họ dư thừa phương tiện vật chất nhưng vẫn luôn cảm thấy tâm hồn trống trải.

Tuy nhiên, để truyền bí quyết sống hạnh phúc nói trên vào trong máu của đám trẻ, nó cần phải chảy trong máu của chúng ta ! Phải chăng chúng ta xác tín rằng càng nỗ lực yêu mến, niềm vui càng tràn ngập? càng ra khỏi chính mình, lòng ta càng ăm ắp bình an? càng tạo phúc hạnh cho người, đời ta càng được hạnh phúc? Biết bao nhiêu kẻ đã sống cuộc đời vô vị hay chỉ có những niềm vui chẳng bao giờ làm thỏa mãn, vì tưởng chỉ cần đổ đầy bụng hoặc đổ đầy trí, chỉ cần hưởng thú vui vật chất hay đạt được thật nhiều kiến thức. Chỉ có niềm vui đích thật khi quả tim được đổ đầy !

2. Yêu thương như Thầy để có niềm vui trọn vẹn

Nhưng niềm vui nào đây? “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy”. Niềm vui “của Thầy”. Niềm vui của Đức Giê-su. Như Người từng nói : Thầy ban cho anh em bình an “của Thầy”, điều răn “của Thầy”. Nếu không đi đến đó, đến một niềm vui rất đặc biệt, mang nhãn hiệu “niềm vui của Đức Giê-su”, chúng ta sẽ đụng phải sự hoài nghi quanh mình và có thể trong mình: “Làm mọi cái để nên tốt, có chắc điều này làm ta hạnh phúc không? Vì quá khó khăn và đôi khi gây thất vọng”. Trong hạ bán thế kỷ vừa qua, dân số Âu châu tăng lên 60 % nhưng những vụ tự tử lại tăng lên 600 %. Tại Á châu, quốc gia phát triển bậc nhất là Hàn Quốc cũng là nơi hiện có nhiều người trẻ tự tử hơn cả, trung bình 38 người mỗi ngày (internet). Những kẻ chối bỏ cuộc đời như thế đã thường nghĩ rằng : mình suy nhược vì không tìm thấy hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống.

Đúng là không hạnh phúc và có thể thất vọng, khi chúng ta cứ ở mãi trong các khu vườn nhân ái bé nhỏ của mình. Đức Giê-su lôi chúng ta ra khỏi những kiểu tử tế đầy tính toán, đầy cẩn thận, chẳng làm cho ta say sưa, ra khỏi những thói lịch sự rất tinh tế, rất nghiêm túc, song chẳng chất chứa chút xả thân nào. Người muốn lôi chúng ta vào giữa cơn điên rồ. “Hãy thương yêu như Thầy” và con sẽ khám phá được một niềm vui con đã không hình dung nổi.

Hai chữ “như Thầy” này đề nghị với chúng ta một chuyện mà có thể chúng ta không dám : đi vào trong luồng tình yêu nối kết Đức Giê-su với Cha của Người : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Người”.

Lẽ ra phải viết chữ “như” và chữ “ở” thật to tướng. Chúng ta sẽ có thể yêu mến như Đức Giê-su nếu chúng ta ở trong tình thương của Người, trong chính tình thương của Thiên Chúa. Một vài kẻ hiểu chữ “như” này cách yếu ớt, cách mơ mộng, coi như một loại chuyện thần tiên, khó mà thành thực tại. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng Tin Mừng thật là một bản văn linh ứng và thành thử cần phải tin, thì tại sao không tin vào lời mời kỳ lạ này : “Nếu con muốn, con cũng có thể yêu thương như Thầy”.

Thiên Chúa là tình yêu, và tôi đã được mời đi vào tình yêu đó ! Vào trong niềm vui yêu thương của Người. Phải chăng quá đẹp nên khó thật? Đúng là đẹp, đúng là thật, nhưng phải đo lường cho được chữ “như”. Ngay khi Đức Giê-su phán : “Anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em”, Người nói rõ thêm một điểm khiến ta phải sợ : “Không có tình thương nào lớn hơn bằng hiến mạng mình”.

Niềm vui yêu thương hết sức làm phỉ nguyện nhưng giá của nó cũng quá đáng, cũng “trên trời”, nên ta hiểu tại sao đã có những do dự, đã có lời nhạo báng của những kẻ nghe chúng ta nói “Ta hãy yêu thương !”; hơi như trong các vở ca kịch, diễn viên hùng hồn hát “Ta hãy bước đi !” mà chẳng nhúc nhích tí nào.

Ở đây, hơn bao giờ hết, phải ra khỏi các từ. Tôi vẫn còn nhớ câu hỏi ngây thơ nhưng tàn bạo của một đứa trẻ trong lớp giáo lý. Vừa nghe tôi nói sống Tin Mừng chính là thực thi bác ái huynh đệ, em liền hỏi : “Điều đó xảy ra ở đâu?” Chỉ khi “xảy ra ở đây”, bên trong một kinh nghiệm hiến trao, mà ta mới có kinh nghiệm về Niềm Vui được : “Niềm vui của bạn chỉ toàn vẹn khi bạn có Thiên Chúa trong tròng mắt, trong tâm hồn, khi bạn giang đôi tay phục vụ tha nhân, giúp đỡ người nghèo khó, vỗ về kẻ yếu hèn” (Joseph Folliet). “Niềm vui thâm sâu là kỷ phần của những Ki-tô hữu biết quan tâm đến việc kết hợp đời sống họ vào đời sống Đức Ki-tô” (Dillenschneider).