22. TÉ DẬY KHÔNG NỔI

Có một người đi bộ, vì không cẩn thận nên té xuống đất, vừa lồm cồm đứng dậy thì lại té nữa, thế là thở một hơi dài nói:

- “Nếu biết sớm phải té lần nữa thì vừa rồi khỏi đứng dậy thì tốt hơn !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 22:

Ngã té thì đứng dậy, nhưng nếu bị gãy chân vẹo xương sống thì hết đứng dậy nổi, đó là chuyện tự nhiên thuộc sức khỏe của mỗi người, nhất là những người già cả, đau xương sống...

Té là ngã xuống đất, ai cũng có té xuống đất một lần trong cuộc sống làm người, và té cũng có ý nghĩa sâu xa của nó, nói theo tôn giáo, té là phạm tội, là ngã xuống trong vũng bùn hắc ám đau khổ của tội.

Đức Chúa Giê-su đã ngã xuống đất ba lần khi vác thập giá lên núi Sọ để chịu đóng đinh, nhưng Ngài đã cố gắng đứng dậy vác thập giá đi nốt đoạn đường cứu chuộc còn lại; thánh Phê-rô đã té một lần trong đêm Đức Chúa Giê-su -thầy của ngài bị bắt- cái té này nặng nề đến nỗi suốt đời ngài không thể quên; ông Giu-da Ít-ca-ri-ốt đã té một lần -bán thầy mình là Đức Chúa Giê-su ba mươi đồng bạc- và ông té luôn không đứng dậy nữa.

Ba nhân vật đều té ngã xuống đất: Đức Chúa Giê-su té ngã nhưng vẫn đứng lên dù ngã ba lần, Ngài đã yêu thương nhân loại và hy sinh đến cùng để nhân loại được sống; thánh Phê-rô đã ngã té (phạm tội) một lần, nhưng vì yêu thương Đức Chúa Giê-su và vì tội lỗi của mình nên ngài đã khóc lóc và đứng lên, nên được Đức Chúa Giê-su trao ban sứ mạng làm tông đồ trưởng; ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã ngã té một lần nhưng té luôn vì ông ta không có lòng trông cậy vào tình thương của Đức Chúa Giê-su...

Mỗi ngày chúng ta đều có ngã té (phạm tội) làm mất lòng Thiên Chúa và tha nhân, nhưng mỗi lần phạm tội là mỗi lần chúng ta quyết tâm đứng lên, vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Quyết tâm đứng lên sau khi phạm tội là điều mà Thiên Chúa thích nhất nơi chúng ta, những con người tội lỗi. Chúng ta gọi đó là sự cố gắng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info