CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 20, 1-9.

“Đức Chúa Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.”


Chúa đã sống lại. Al-le-lu-ia

Đức Chúa Giê-su đã sống lại rồi, tiếng reo vui mừng của chị Ma-ri-a Mác-đa-la, tiếng reo vui mừng của tông đồ Phê-rô và Gioan, của hai môn đệ đi thành Em-mau...

Chúa đã sống lại rồi như một điệp khúc vui mừng được hát lên bởi những tâm hồn tin tưởng và yêu mến Đức Chúa Giê-su đang vang vọng từ miền Ga-li-lê-a năm nọ, cho đến hôm nay trên khắp thế giới, và vang mãi đến muôn đời. Al-le-lu-ia !

Chúa đã sống lại rồi, mấy chữ thật đơn giản nhưng thật long trọng, nó như lời tuyên bố của một vị thẩm phán toàn năng: quyền lực tử thần từ đây chấm dứt, quyền lực sa tan từ đây kết thúc, cuộc sống ghét ghen hận thù, kiêu căng ích kỷ từ đây trở thành yêu thương, đoàn kết, bao dung tha thứ nơi mỗi một tâm hồn đã cùng với Đức Chúa Giê-su mai táng trong mồ và nay đã sống lại.

1. Ngôi mộ trống...

Đức Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh là một phép lạ vĩ đại của Ngài để củng cố niềm tin và hy vọng nơi những người tin vào Ngài, và để nhắn gởi tới những kẻ không tin Ngài là Thiên Chúa như một thông điệp yêu thương và tha thứ.

Phục sinh là một biến cố quan trọng và đỉnh cao của Người Ki-tô hữu, bởi vì như lời thánh Phao-lô đã nói với chúng ta rằng, nếu Đức Chúa Giê-su chết đi mà không sống lại thì tất cả chúng ta đều là những kẻ điên điên khùng khùng, nhưng Đức Chúa Giê-su đã sống lại và đức tin của chúng càng thêm phong phú và vững chắc.

Đức Chúa Giê-su hôm qua chịu đau khổ chịu chết trên thập giá, hôm nay Ngài đã sống lại và thống trị đến muôn đời, đó chính là niềm tin, yêu và hy vọng của chúng ta –những người tin vào Đức Chúa Giê-su- là vinh quang và là danh dự của chúng ta.

Đức Chúa Giê-su, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, chính Ngài chứ không ai khác đã sống lại từ cõi chết và đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ thật sớm khi vầng thái dương chưa xuất hiện, nhưng các bà kinh hoàng vì không thấy xác của Đức Chúa Giê-su đâu cả, thất vọng và hoang mang, khiếp sợ và lo âu, đã làm cho các bà không còn sáng suốt nhận ra hai thiên thần đang đứng bên mồ Chúa, hai ngài nói với các bà: “Sao các bà lại tìm người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24, 5b-6a). Thế là không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa đã sống lại rồi, ngôi mộ trống rỗng, lòng các bà cũng hân hoan vui mừng dù không thấy xác Chúa trong mồ nữa, nhưng đức tin của các bà đã thấy Ngài đã sống lại, sống lại thật rồi, ôi vui mừng, ôi hạnh phúc: Thầy đã sống lại rồi.

Mồ chính là nơi an táng những người chết, cho nên nó tượng trưng cho buồn bã cho chết chóc.

Mồ cũng chính là tâm hồn của chúng ta, nơi chất chứa bao nhiêu là tội lỗi mà chính chúng ta đã phạm trong cuộc sống, những kiêu căng ích kỉ, những giận hờn ghét ghen mà chúng ta đã chất chứa trong lòng như những gia bảo của tội nguyên tổ, thì hôm nay, nó được mở tung ra, đón lấy hùng khí của ngày Phục Sinh, nó được Đức Chúa Ki-tô phục sinh thánh hóa và cứu chuộc, và để rồi trong Ngài, chúng ta không còn những thối tha dơ dáy của xác chết con người cũ của chính mình, nhưng nó trở thành trống rỗng để dễ dàng đón nhận dồi dào ơn của Đức Chúa Ki-tô Phục sinh.

Mồ trống, tâm hồn trống vì đã được ân sủng phục sinh của Đức Chúa Ki-tô dọn dẹp sạch sẽ, chúng ta bắt đầu lại một cuộc sống mới trong tình thương của Đấng Phục Sinh, đó chính là yêu thương và phục vụ.

2. Xin các bà về nói...

Người thanh niên mặc áo trắng nói với các bà đến mộ sáng hôm ấy rằng: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông”. Một mệnh lệnh của người sống lại từ cõi chết ! Một lời nhắn nhủ của Đức Chúa Giê-su ! Nhưng dù là của ai chăng nữa thì cũng là một lời loan báo tin vui Chúa đã sống lại của người thanh niên mặc áo trắng.

“Xin các bà về nói...” về nói lại không những với các tông đồ và với thánh Phê-rô, mà hãy nói với tất cả những ai mà các bà gặp trên đường đi, hãy nói cho họ biết: Chúa đã sống lại rồi.

Hôm kia trên đường đi chúng ta đã càm ràm với người bạn về công việc làm ăn không có lợi cho mình; hôm qua trên công sở, nơi trường học chúng ta đã chửi người bạn không cùng ý kiến với mình; hôm nay chúng ta đi đến đâu cũng đều nhìn tha nhân bằng ánh mắt thông cảm yêu thương.

Hôm kia chúng ta đã sống trong ích kỷ của mình, chỉ biết mình, hôm qua chúng ta chỉ thấy những khuyết điểm của anh chị em mà không thấy ưu điểm của họ, hôm nay chúng ta nhìn thấy họ là những người đáng yêu, bởi vì chính Đức Chúa Ki-tô đã thấy chúng ta đều là những người đáng yêu, mặc dù chúng ta là những người tội lỗi, đức tin này được bắt nguồn từ đêm Phục Sinh của Đấng Cứu Thế, và biến đổi tâm hồn chúng ta trở thành những con người được phục sinh, do đó, chúng ta không những có bổn phận phải loan truyền tin vui Phục Sinh, mà còn có bổn phận làm chứng về những gì chúng ta đã tin, đã sống về mầu nhiệm phục sinh của Đức Chúa Ki-tô.

Ngày hôm nay, không phải người thanh niên áo trắng nói với chúng ta, nhưng chính Đấng Phục Sinh đã nói với chúng ta: “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo...” không chỉ loan báo cho những người thân thiết, mà là cho tất cả mọi người. Đi loan báo Tin Mừng cũng có nghĩa là ra đi để đem tình yêu của Chúa Phục Sinh đến cho mọi người, bởi vì ơn cứu độ không chỉ dành cho một vài người, nhưng là cho toàn thể nhân loại.

“Xin các bà về nói...”, “Các con hãy đi loan báo...” tất cả đều là sứ điệp của tình yêu, là mệnh lệnh được ban ra từ sự kiện Đấng đã từ cõi chết sống lại – Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

3. Cầu nguyện.

Lạy Đức Chúa Giê-su Phục Sinh,

Hôm nay chúng con cùng toàn thể vũ trụ hân hoan mừng Đại Lễ Phục Sinh, Chúa đã sống lại.

Chúa đã sống lại sau khi bị mai táng trong mồ, để cho chúng con nhận ra môt sự việc mà chúng con đã quên mất trong cuộc sống đầy bon chen: chúng con cũng sẽ được sống lại với Chúa khi kết thúc cuộc sống ở trần gian này.

Chúng con cảm tạ Chúa, vì nếu Chúa là vị quan toà nghiêm khắc và không biết thông cảm, thì dù Chúa có sống lại môt ngàn lần thì cũng vô ích đối với chúng con là những ngừơi tội lỗi, nhưng Chúa là Đấng rất nhân từ và công bằng, Chúa sống lại để chúng con cùng được tham dự vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa ngay tại trần gian này, đó là chúng con trở nên khoan dung hơn, tha thứ hơn, khiêm tốn hơn và yêu thương hơn khi đồng hành với tha nhân.

Lạy Đức Chúa Giê-su, có những lúc chúng con nghĩ rằng, bốn mươi ngày chay tịnh đã trở thành quá khứ khi Chúa sống lại, cho nên chúng con không thèm giữ chay nữa, không thèm hy sinh nữa, không thèm đền tội nữa, cho nên cuộc sống của chúng con chẳng khác gì chưa sống lại với Chúa, chúng con vẫn không trở nên người mới trong Chúa, bởi vì chúng con coi bốn mươi ngày chay tịnh như là cưỡng ép phải giữ, cho nên khi lễ phục sinh đến thì chúng con như chim sổ lồng, như cá xuống sông vì không còn bị ràng buộc vì chay tịnh và hy sinh nữa.

Xin Chúa ban cho chúng con biết rằng, mỗi ngày trong cuộc sống là mỗi thánh lễ phục sinh, mỗi giây phút trong cuộc sống đều là chay tịnh và phục sinh, để chúng con luôn kết hợp với tình yêu của Chúa mà sống đúng tinh thần phục sinh của Chúa đã dạy chúng con, đó là yêu thương và phục vụ, hy sinh và tha thứ. Amen.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info