Thế giới nhìn vào Gaza và chứng kiến bom đạn và cái chết. Cha Youssef Asaad và giáo xứ Thánh Gia đăng tải những lời chứng trên mạng xã hội về lòng bác ái, tình liên đới và các cử hành hợp nhất người Công Giáo và Chính thống giáo. Các gia đình Hồi giáo cũng được hỗ trợ. Thượng Phụ Pizzaballa nói với các Kitô hữu ở Gaza rằng họ không đơn độc. Hôm nay Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho hòa bình tại Nhà thờ Thánh Phêrô. Ở Israel, sự ủng hộ cho cuộc xâm lược Gaza đang sụp đổ.



Đó là tin của AsiaNews, ngày 27 tháng 10. Hãng tin này cho biết: trong những tuần gần đây, thế giới đã chú ý và quan ngại theo dõi cuộc chiến leo thang giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, với nhiều cái chết, đặc biệt là dân thường, và sự tàn phá.

Các tên lửa do phong trào cực đoan Hồi giáo bắn và các cuộc không kích của Israel cho đến nay hầu như không tạo ra sự khác biệt giữa các mục tiêu quân sự và bệnh viện, nhà thờ, đền thờ Hồi giáo và nhà riêng.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, một giọng nói đã nổi lên từ Gaza kêu gọi cầu nguyện và hòa bình, làm chứng cho một đức tin của Cha Youssef Asaad, phụ tá linh mục giáo xứ Latinh Thánh Gia, vượt xa luận lý của bom đạn và máu.

Linh mục quản xứ, Cha Gabriel Romanelli, ở bên ngoài Dải Gaza vào thời điểm Hamas tấn công, và vẫn chưa được Israel cho phép quay trở lại Gaza, mặc dù đã nhiều lần yêu cầu.

Sau khi mở cửa nhà thờ giáo xứ cho những người di tản, Cha Youssef bắt đầu tổ chức các hoạt động, cử hành Thánh lễ hàng ngày và chủ trì các buổi cầu nguyện được đăng trên trang Facebook của mình và của giáo xứ với một mục tiêu: hòa bình.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng làm điều tương tự hôm 27 tháng 10 lúc 6 giờ chiều, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, với việc đọc kinh Mân côi và chầu Thánh Thể, kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Thánh địa.

Các bài đăng hàng ngày của Cha Youssef cho thấy cuộc sống trong giáo xứ rất mãnh liệt. Từ Thánh lễ đến kinh Mân côi, từ câu thánh vịnh trong ngày đến những lời cầu xin hòa bình, giáo xứ Thánh Gia là nơi sống động, năng động, mạnh mẽ hơn bom đạn và xung đột.

Vào ngày 15 tháng 10, giáo xứ đã tổ chức lễ rửa tội, một phản ứng trước vụ thảm sát thường dân tại Nhà thờ St Porphyrius, điều mà Cha Youssef đã công bố và mô tả trên mạng xã hội.

Giáo xứ Thánh Gia hôm nay đang che chở cho hơn 700 người - Kitô hữu nhưng cũng hỗ trợ các gia đình Hồi giáo - nhiều người trong số họ đã chứng kiến nhà cửa của mình bị hư hại hoặc bị tàn phá bởi chiến tranh. Quân đội Israel liên tục kêu gọi sơ tán, ra lệnh cho cha xứ phụ tá, các nữ tu và tín hữu di chuyển về phía nam Dải Gaza.

Nhưng cảm giác gần gũi với nhà thờ của họ – nơi cung cấp thức ăn, chỗ ở và sự chăm sóc mặc dù thực tế là các nguồn lực ngày càng khan hiếm – mạnh hơn luận lý của cái chết và chiến tranh, mà họ đáp lại bằng Thánh lễ sáng sớm, đọc kinh Mân Côi, chầu Mình Thánh Chúa và Thánh lễ thứ hai vào cuối ngày với sự tham dự của người Công Giáo và Chính thống giáo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ và tuân theo việc thể hiện đức tin này với thế giới bên ngoài, hầu như mỗi ngày đều gọi điện cho Cha Youssef ở Gaza và Cha Romanelli ở Bêlem để biết thông tin và cập nhật về tình hình.

Trong khi đó, Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, đã ngỏ lời với các Kitô hữu ở Gaza trong một thông điệp video ngày 26 tháng 10; trong đó, ngài nói về “những thời điểm khó khăn”, tuy nhiên hy vọng “có thể sớm đến gặp anh chị em, như mọi năm, để gặp gỡ, cầu nguyện và trao đổi lời chứng với anh chị em”.

Bằng tiếng Ả Rập và tiếng Anh, Đức Hồng Y dâng lời cầu nguyện và mọi nỗ lực để chấm dứt xung đột, nói rằng ngài “được khích lệ” bởi “chứng từ của anh chị em, qua cách anh chị em đang sống trong tình huống khủng khiếp này”.

“Sự đau khổ và đau đớn của anh chị em là mối quan tâm của tôi và tôi dành toàn bộ thời gian của mình trước hết để cầu nguyện, nhưng cũng đối thoại với tất cả những người có trách nhiệm để chấm dứt tình trạng này.”

Vị giáo chủ Latinh kết thúc thông điệp của mình khi nói với các Kitô hữu ở Gaza rằng họ không “đơn độc” bởi vì “tất cả cộng đồng Kitô hữu ở Thánh địa và không chỉ ở Thánh địa, trên toàn thế giới, đều ở bên anh chị em, cầu nguyện cho anh chị em và nâng đỡ anh chị em”, cùng với “18 anh chị em trên thiên đàng cầu nguyện cho anh chị em”. Số người vừa kể có ý nói đến những người thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel nhằm vào Nhà thờ Chính thống Hy Lạp St Porphyrius.

Trong khi đó, sự phản đối ngày càng tăng ở Israel chống lại hoạt động trên bộ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu công bố nhằm đáp trả cuộc tấn công của Hamas...

Một cuộc thăm dò của tờ báo Maariv cho thấy 49% người Israel phản đối một cuộc tấn công toàn diện trên bộ, nói rằng "tốt hơn là hãy chờ xem", 29% ủng hộ, trong khi 22% nói rằng họ chưa quyết định.

Con số này rất đáng chú ý khi so sánh với một cuộc khảo sát tương tự được công bố bởi cùng một tờ báo vào ngày 19 tháng 10, khi 65% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ mạnh mẽ một cuộc tấn công mặt đất. Trong một tuần, mức hỗ trợ đã giảm mạnh 36 điểm.

Vấn đề con tin Israel (ít nhất là 229 theo báo cáo mới nhất) nằm trong tay Hamas và những khó khăn của một chiến dịch trên thực địa đang hết sức nặng nề, với việc Hamas dựa vào một mạng lưới đường hầm lớn để tiến hành chiến tranh du kích trong đô thị, điều này sẽ khiến Israel sa lầy với thương vong nặng nề.

Trong khi sự ủng hộ chung cho một cuộc chiến toàn diện chống lại Hamas dường như đang giảm bớt trong lòng người Israel, thì cũng có mối lo ngại ngày càng tăng rằng xung đột có thể leo thang và gây rắc rối cho toàn bộ Trung Đông và xa hơn nữa, như một số nhân vật nổi tiếng gần đây đã nói với AsiaNews.

Về phần mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại lời kêu gọi cầu nguyện của mình.

Trong buổi cầu nguyện tại Nhà thờ Thánh Phêrô, một đoạn trong “Bài giảng” của Thánh Augustinô đã được đọc, trong đó nhà thần học vĩ đại khẳng định rằng “khi chúng ta còn là kẻ thù, chúng ta đã được hòa giải với Thiên Chúa qua cái chết của Con của Người” trong khi “trong Chúa Kitô, chúng ta tìm thấy tình yêu lớn hơn khi thấy Người đã từ bỏ cuộc sống của mình không phải vì bạn bè mà vì kẻ thù của mình.”

Suy tư thứ hai được lấy từ Thánh Gioan XXIII, đấng, trong thông điệp Phục sinh ngày 13 tháng 4 năm 1963, đã viết: “Xin Người trục xuất khỏi tâm hồn con người bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho hòa bình”.

“Xin Người soi sáng cho những người cai trị các dân tộc để ngoài việc quan tâm đến phúc lợi xứng đáng cho công dân của mình, họ còn có thể bảo đảm và bảo vệ món quà hòa bình vĩ đại;

“Xin Người khơi dậy ý chí của mọi người, để họ có thể vượt qua những rào cản chia rẽ, trân trọng mối dây bác ái lẫn nhau, hiểu người khác và tha thứ cho những người đã làm sai; nhờ hành động của Người, cầu mong tất cả các dân tộc trên trái đất trở thành anh em, và cầu mong hòa bình được mong đợi nhất sẽ nở rộ và luôn ngự trị giữa họ.”



Chiến tranh nhấn chìm tổng sản lượng của người Palestine. Kitô hữu tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình

Hơn một tháng sau khi bắt đầu xung đột giữa Israel và Hamas, Tổng sản lượng ở West Bank và Dải Gaza đã giảm 4%. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng đề cập đến 400,000 người nghèo mới, con số này có thể tăng lên 600,000 người nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài đến cuối năm nay. Tại Giêrusalem, Tòa Thượng Phụ Latinh cổ võ việc cầu nguyện xin chấm dứt bạo lực. Đức Hồng Y Pizzaballa: 'đừng mất hy vọng'.

Đó là nội dung bản tin ngày 10 tháng 11 của AsiaNews. Hãng tin này cho hay: Đó là một bức tranh "thô" và khủng khiếp xuất hiện từ báo cáo của Liên hiệp quốc, trong một thực tế đã trình bày những yếu tố quan trọng trong quá khứ, ngày càng gia tăng cùng với sự leo thang xung đột và việc bao vây vùng đất Palestine của quân đội mang Ngôi sao Đavít.

Hơn 2/3 trong số 2.3 triệu người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi Israel tiến hành các cuộc không kích dữ dội kéo dài nhiều tuần, sau đó là chiến dịch trên bộ nhằm tiêu diệt Hamas.

Được soạn thảo bởi Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc và Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hiệp quốc cho vùng Tây Á, nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên đưa ra đánh giá nhanh chóng nhưng toàn diện về hậu quả kinh tế của cuộc chiến ở Gaza và tác động đến dân số.

Nếu xung đột tiếp tục diễn ra trong tháng thứ hai, Liên Hiệp Quốc dự đoán rằng Tổng Sản Lượng Quốc Gia của Palestine, vốn chỉ là 0.4 tỷ Mỹ kim trước khi chiến tranh bắt đầu, sẽ giảm 8.4% và thiệt hại 0.7 tỷ Mỹ kim.

Nếu xung đột kéo dài sang tháng thứ ba, tổng sản lượng quốc gia của Palestine sẽ giảm 12%, thiệt hại 0.5 tỷ Mỹ kim và hơn 660,000 người bị đẩy vào cảnh nghèo đói. Với những hậu quả không chỉ ở Gaza hay Thánh địa, mà còn đối với toàn bộ khu vực Trung Đông vốn đã bị đánh dấu bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế ở nhiều khu vực khác nhau.

Phó tổng thư ký Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, Abdallah Al Dardari, cho biết mức giảm 12% tổng sản lượng quốc gia vào cuối năm sẽ là "lớn và chưa từng có".

Bằng cách so sánh, nền kinh tế Syria đã mất 1% tổng sản lượng quốc gia mỗi tháng vào thời kỳ tuyệt đỉnh của cuộc xung đột và Ukraine phải mất một năm rưỡi chiến đấu để mất 30% tổng sản lượng quốc gia, trung bình khoảng 1.6% mỗi tháng, càng khẳng định thêm rằng tác động tàn khốc đến Gaza là như thế nào.

Trong khi đó, hôm qua, các Kitô hữu tại Giêrusalem đã tham gia buổi cầu nguyện cho hòa bình, do giáo xứ Latinh phối hợp với Sabeel và Trung tâm Hướng đạo Công Giáo Ả Rập tổ chức để nhấn mạnh niềm hy vọng “vẫn còn đập trong trái tim các tín hữu”.

Đặc biệt, những người được đón tiếp tại giáo xứ Thánh Gia ở Gaza, và những người tham dự thánh lễ hàng ngày và cầu nguyện – trong những khoảnh khắc cộng đồng thường được phát lại trên internet – để cầu xin hòa bình, trong khi vị phó linh mục giáo xứ cập nhật thông tin về tình huống với những tin nhắn ngắn trên mạng xã hội.

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, đã chủ trì buổi cầu nguyện và yêu cầu những người hiện diện dành một phút im lặng để tưởng nhớ các nạn nhân. Cùng với vị linh mục Latinh, có một số linh mục và giám mục thuộc các hệ phái Kitô giáo khác nhau, cũng như các tu sĩ và giáo dân đã đến dự một giây phút hiệp nhất và suy gẫm trong thời điểm khó khăn.

Cha Ibrahim Faltas, thuộc Cơ quan trông coi Thánh địa, đã có bài phát biểu khai mạc, nhấn mạnh “lòng can đảm” của các nhà lãnh đạo giáo hội và của toàn thể cộng đồng, kêu gọi những lời cầu nguyện và khẩn cầu, sau đó là những bài thánh ca và bài hát do trẻ em trình bày. Sau khi đọc đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu Trên Núi, “Các Mối Phúc Thật”, Đức Hồng Y Pizzaballa sau đó nhắc nhở mọi người rằng “chúng ta không được mất hy vọng về hòa bình! Chúng ta phải chọn cầu nguyện thay vì bạo lực và hủy diệt, bởi vì lời cuối cùng là sự sống." Cuối cùng, Đức Hồng Y bày tỏ tình đoàn kết với những người bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau trên khắp Thánh Địa, cũng như minh họa những nỗ lực đưa ra để chấm dứt chiến tranh và đạt được một giải pháp công bằng và hoàn cầu.