Gianni Valente, tân giám đốc của thông tấn Fides, ngày 31 tháng 10, có bài viết về liên hệ giữa Hamas và các Kitô hữu trước cuộc tấn công khủng bố của họ tại Israel.
Theo ông, tại Dải Gaza, trước những hành động tàn bạo do Hamas và Thánh chiến Hồi giáo gây ra vào ngày 7 tháng 10 và trước khi cuộc ném bom của Israel bắt đầu, chỉ có hơn một nghìn Kitô hữu sống trong số hơn hai triệu người Palestine theo đạo Hồi... Ngày nay không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra với họ, trước thảm họa hiện đang diễn ra ở Gaza. Trong khi đó, cần lưu ý rằng cuộc di cư của các Kitô hữu khỏi Đất Thánh đã được đẩy nhanh đáng kể trong 80 năm qua liên quan đến các giai đoạn đẫm máu của cuộc xung đột Israel-Palestine.
Và sự xuất hiện của Hamas trên sân khấu Pales-tine cũng đánh dấu “trước” và “sau” đối với các Kitô hữu ở Gaza.
Trong nhiều thập niên, sự đồng nhất với chính nghĩa dân tộc của Palestine cũng là một phương tiện hữu ích để nhiều Kitô hữu Palestine tái khẳng định danh tính của họ như các cộng đồng Ả Rập bản địa trong một môi trường bị tan tác bởi các cuộc xung đột vốn hành khổ Thánh địa kể từ khi thành lập Nhà nước Israel cho đến nay để tìm kiếm một giải pháp giải độc cho sự đe dọa và phân biệt đối xử bè phái với việc qui chiếu "nguồn gốc Ả Rập" chung. Bản chất phi bè phái của nhiều phong trào chính trị ở Palestine đã khuyến khích sự gia nhập của các nhà hoạt động từ các gia đình và cộng đồng Kitô giáo. Tỷ lệ các Kitô hữu trong hàng ngũ của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) chắc chắn cao hơn tỷ lệ người được rửa tội trong dân số Palestine. Trong số những người khác, Habib Kawaji, Hanna Nasser và Giám mục Anh giáo Elias Khoury là thành viên của Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine. Các nhà lãnh đạo lịch sử của các đảng Mácxít và cực đoan như George Abash của Mặt trận Bình dân và Nayef Awatmeh của Mặt trận Dân chủ cũng xuất thân từ các gia đình Kitô giáo. Tuy nhiên, trong hoạt động chính trị của mình, các nhà hoạt động Kitô giáo đã không bày tỏ những tuyên bố về danh tính của họ từ góc độ tôn giáo, mà thay vào đó họ "ngụy trang" mình bằng "nguồn gốc Ả Rập" chung của những người đồng hương Hồi giáo của họ. Dự thảo Hiến pháp của Nhà nước Palestine, được soạn thảo năm 2003, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và sự bảo vệ của nhà nước đối với các thánh địa của các tôn giáo khác nhau, nhưng đồng thời coi luật Sharia của người Hồi giáo là nguồn luật lệ chính. Lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat cũng thu hút sự chú ý của quốc tế đến các Kitô hữu ở Palestine như một bộ phận bản địa của người dân Pales-tine. Trong chuyến đi đầu tiên tới Rome vào năm 1982, Arafat đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp đón tại Vatican theo lời mời của Hội đồng liên nghị viện do chính trị gia Công Giáo Ý Giulio Andreotti làm chủ tịch, vào thời điểm mà không có nguyên thủ quốc gia phương Tây nào có liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine.
Năm năm sau, Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Đức Thượng phụ Michel Sabbah làm người đứng đầu Tòa Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem ở Palestine lần đầu tiên. Sau chiến thắng chính trị của Hamas, Arafat qua đời ở Pháp vào tháng 11 năm 2004. Hơn một năm sau, vào tháng 1 năm 2006, phong trào Hồi giáo Hamas - mà trong những năm trước cũng đã nhận được sự ủng hộ ở West Bank bên ngoài "thành trì" Gaza - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, chiếm ưu thế trước Fatah, Đảng của Arafat. Trong các cuộc bầu cử này, các ứng cử viên Kitô giáo cũng có tên trong danh sách của Hamas và được bầu với số phiếu của đa số người Hồi giáo. Tại các thành phố có sự hiện diện mạnh mẽ của Kitô giáo (Bêlem, Beit Jala, Beit Sahour, Ramallah), các ủy viên hội đồng Hamas được bầu trong cuộc bầu cử địa phương năm 2005 đã ủng hộ việc thành lập các hội đồng thành phố do các thị trưởng Kitô giáo đứng đầu. Ngay ở Bêlem, thành phố nơi Chúa Giêsu sinh ra, thị trưởng Công Giáo Latinh Victor Batarseh đã cai trị với sự ủng hộ của sáu ủy viên hội đồng Hamas và thị trưởng do Thánh chiến Hồi giáo bầu chọn, điều này truyền cảm hứng cho các chính sách của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng của các đảng “cũ”. Ngay cả phó tổng giám mục lúc bấy giờ, Fouad Twal, - người sẽ trở thành Thượng phụ Latinh của Giêrusalem vào năm 2008 - cũng thừa nhận trong một số cuộc phỏng vấn rằng nhiều cử tri Kitô giáo, tức giận vì sự thiếu linh hoạt, tham nhũng của các đảng Palestine cũ và việc không thực hiện lời hứa thành lập một Nhà nước Palestine, góp phần vào thắng lợi chính trị của Hamas.
Sau chiến thắng chính trị, các nhà lãnh đạo Hamas tiếp tục chính sách đầy những cử chỉ và tuyên bố xoa dịu đối với “anh em Kitô giáo” của họ. Vài tháng trước cuộc bầu cử, Mahmoud al-Zahar, người sau này trở thành ngoại trưởng trong chính phủ do Hamas lãnh đạo, tuyên bố: “Sẽ không có gì ngạc nhiên lớn nếu có một người theo Kitô giáo trong ban lãnh đạo Hamas trong tương lai”. Vào tháng 2 năm 2006, khi Dải Gaza và West Bank cũng bị tàn phá bởi các nhóm vũ trang đe dọa trả thù chống phương Tây vì phim hoạt hình chống Mohammad, Mahmoud al-Zahar đã đến thăm nhà thờ Công Giáo ở Gaza và hứa với các nhà báo rằng ông sẽ cử những người hộ tống có vũ trang của Hamas trước các định chế Kitô giáo "bởi vì các bạn là anh chị em của chúng tôi."
Năm 2007, khi xung đột giữa Hamas và Fatah ở Dải Gaza leo thang thành xung đột vũ trang và dẫn tới sự chia rẽ thực sự trong chính phủ Palestine (Hamas ở Dải Gaza, Fatah ở West Bank), các nhà lãnh đạo của đảng duy Hồi giáo đã mời các nhà báo phương Tây đến trình bày rằng "Hòa bình đã trở lại Dải Gaza" và tổ chức một chuyến tham quan bằng xe buýt cho họ, chuyến tham quan này cũng dừng trước nhà thờ Công Giáo và bao gồm một cuộc gặp với linh mục lúc bấy giờ là Cha Manuel Musallam. Dải Gaza vẫn nằm dưới sự cai trị của Hamas, trong một khu vực liên tục bị chia cắt bởi các cuộc chiến tranh bùng nổ tàn phá dân thường, các Kitô hữu phải trải qua thử thách và đau khổ cùng với đồng bào của mình.
Cha Gabriel Romanelli, Cha xứ giáo xứ Công Giáo, đã nhiều lần cho Fides hay đời sống tông đồ phát triển xung quanh cộng đoàn.”Đối với tôi đó là một sứ vụ thực sự cao đẹp. Lần nào tôi cũng ngạc nhiên khi nghĩ rằng, theo truyền thống, Hài nhi Giêsu đã đi qua Gaza trên đường đi và về từ Ai Cập, trong tư cách Thánh Gia, mà giáo xứ của chúng tôi được đặt theo tên, đã phải chạy trốn để cứu mình khỏi cái ác của vua Hêrôđê" (xem Fides, 25/2/2022). Vào tháng 12 năm 2020, một điều khoản từ một bộ phận của Bộ Tôn giáo ở Dải Gaza đã ra lệnh cho tất cả người Hồi giáo hạn chế “sự tham gia” của họ vào các lễ kỷ niệm Giáng sinh của Kitô giáo. Động thái này cho thấy sự hai mặt dùng làm công cụ của rất nhiều tuyên bố xoa dịu trước đây được các nhà lãnh đạo Hamas bày tỏ đối với “anh chị em Kitô giáo” của họ. Tại Giêrusa-lem, Cha Ibrahim Faltas, tu sĩ Ai Cập thuộc Hạt Giám hộ Thánh địa, đã tố cáo gay gắt “mặt tối” trong lịch sử của Hamas. Để làm hòa, một số đại diện của Hamas đã đến thăm cộng đồng ở Gaza và chụp ảnh với vị linh mục dưới gốc cây thông Noel.
Ở Gaza, thời Hamas cai trị, các Kitô hữu được phép giữ điều được Cha Gabriel Romanelli cho là rất quan trọng “duy trì sự hiện diện thể lý của chính Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể” và cầu xin để Người cũng trông đến đường đi hàng ngày của những kẻ bước chân theo Người. Vì ngày nay, điều rõ ràng hơn là việc tiếp tục công việc này một cách toàn vẹn hoàn toàn được giao phó cho phép lạ chứ không phải cho các chiến lược phản kháng của con người. (“Mẹ ơi, chúng con không thể làm điều đó một mình, không có Con của Mẹ chúng con không thể làm gì được,” xem Đức Giáo Hoàng Phan-xicô, Cầu nguyện cho Hòa bình, ngày 27 tháng 10 năm 2023).