ĐÓNG ĐINH MỘT VỊ THẦN
“Chính Tôi đây!”.
Heywood Broun nói, “Không ai luôn nói về Chúa cho bằng những người cho rằng, ‘Không có Ngài!’”. Một nhà tu đức khác thì nói, “Không ai biết Đức Giêsu là Chúa mà lại đóng đinh Ngài! Nhưng, với ai tin Giêsu, mỗi lần phạm tội trọng, là họ đóng đinh Ngài; ‘đóng đinh một vị Thần!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ghi lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chỉ một mình Gioan có được lời khẳng định tuyệt vời của Ngài, “Chính Tôi đây!”. Khẳng định này đưa chúng ta về với một sự thật vô cùng quan trọng. Rằng, Ngài là Thiên Chúa! Vì thế, đóng đinh Giêsu, nhân loại ‘đóng đinh một vị Thần!’.
“Chính Tôi đây!”, “Chính là Ta!”, “Tôi Là!”, hay “Tôi Hằng Hữu!” là những ‘danh xưng’ chỉ dành cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã sử dụng danh hiệu này để mặc khải chính Ngài cho Môisen trên núi Sinai. Kitô giáo sử dụng nó để nói về Đấng tạo dựng muôn loài, nghĩa là tất cả mọi vật hiện hữu. Tuyệt vời thay, “Chính Tôi đây!” cũng là lời mà Chúa Giêsu công khai tuyên bố trước quân dữ. Như vậy, chẳng vô tình chút nào, Ngài muốn công khai thần tính của Ngài! Vì lý do đó, Gioan viết, “Nghe thế, họ giật lùi lại và ngã xuống đất!”.
Suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chúng ta đừng bao giờ quên thần tính của Ngài; Ngài là một Thiên Chúa bị đóng đinh, cũng là Đấng Cứu Độ Thế Giới, một thế giới trong đó con người ‘đóng đinh một vị Thần!’.
Thú vị thay! Cũng trong bối cảnh này, Phêrô tuyên bố một lời ngược lại hoàn toàn, một lời ‘không thể phàm nhân hơn’: “Không phải tôi!”. Đó là lời nói dối của ông trước một cô gái. Mỉa mai thay, không phải trước một bà hoàng, nhưng trước một đầy tớ! “Không phải tôi” là ‘nội hàm’ cho tất cả yếu đuối và mỏng giòn nhất của con người; Phêrô là đại diện cho mỗi người chúng ta. Khi làm vậy, Phêrô xác nhận sự yếu hèn của bản thân cũng như nhu cầu của mình đối với ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Về điểm này, bạn và tôi nên đồng ý với Phêrô!
Bối cảnh thương khó của Chúa Giêsu đặt liền kề việc chối Thầy của Phêrô và bản án thập giá của Ngài. Mặc dù cái chết của Chúa Giêsu vẫn sẽ xảy ra nếu không có sự chối Thầy của Phêrô; nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tác động đến ông. Ngài đã chết thay cho Phêrô và tất cả mọi người; qua đó, Ngài cứu cả nhân loại khỏi mọi tội lỗi. Sự thiếu đức tin và tình yêu của Phêrô không thay đổi được điều đó; nhưng một khi Phêrô quay trở lại và tin, ông nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã làm tất cả cho ông. Từ đó, Phêrô loan báo chân lý này thật xa và thật rộng! Rằng, “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Ngài vào thập giá” khác nào ‘đóng đinh một vị Thần’. Nhưng “Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại; đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!”. Tác phẩm “Thập Giá Chiến Thắng” của Janice Alexander đã vẽ Ngài vui mừng, như một vị Vua đang dang tay ôm lấy cả nhân loại.
Anh Chị em,
“Chính Tôi đây!”. Khẳng định của Chúa Giêsu nói lên tất cả! Ngài là Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người, sống dưới chế độ lề luật của con người, và chết bởi lề luật của nó. Ngài chấp nhận bản án, chấp nhận cho nó ‘đóng đinh một vị Thần’. Thế nhưng, chính nhờ sự chết và những đau khổ Ngài chịu, nhân loại nhận được công chính hoá. Đó là đường lối khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ngài là vị Thiên Sai mà Chúa Cha đã phán, “Tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy mọi tội ác của họ” như Isaia tiên báo qua bài đọc hôm nay; cũng là Đấng mà tác giả thư Do Thái hôm nay tuyên xưng, “Con Thiên Chúa trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài”; hoặc đó còn là Đấng gọi Thiên Chúa là Cha như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi lần phạm tội, con đóng đinh Chúa, ‘đóng đinh một vị Thần!’. Như Phêrô, xin giúp con kiên trì xây dựng lại bản chất thứ hai; đó là khả năng thống hối và quay trở lại!”, Amen.
(Tgp. Huế)