AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH LINH TÔNG CỦA Đức Mẹ?
SUY NIỆM TUẦN THÁNH 2023
Trên thánh giá, lúc sắp tàn hơi, lúc như không còn chút gì là mãnh lực sự sống, Chúa Giêsu lại dành sự quan tâm của mình, không cho bản thân, mà là cho Mẹ và môn đệ: “NÀY LÀ CON BÀ, NÀY LÀ MẸ CON” (Ga 19, 26-27)
Nếu những lời tha thứ cho người sát hại mình, và tha thứ cho người trộm lành biết hối cải là những lời cao thượng nhất, thì lời ngỏ: “Này là con bà, này là Mẹ con” là lời cảm động nhất trong bảy lời Chúa Giêsu phán ra từ thánh giá.
Đó là lời trăn trối của một người sắp ra đi. Đó là di ngôn của Đấng chấp nhận treo mình trên thánh giá tủi nhục và đớn đau. Đó là di chúc của người con dành cho mẹ, và di chúc của người thầy dành cho đồ đệ.
Với lời trăn trối “Này là mẹ con”giữa cảnh đầy đau đớn, tang thương, nghiệt ngã và mất mát, Chúa đã đặt thánh Gioan vào trong trái tim của người mẹ ruột của Người.
Và khi nói với chính người mẹ ruột: “Này là con Bà”, Chúa muốn Đức Mẹ nhìn nhận thánh Gioan như con mình, người con mà Đức Mẹ cũng hãy yêu quý như “Con lòng Bà” vậy.
Thánh Gioan được tham dự vào trật tự của tình mẫu tử mới mẻ với Chúa Giêsu: Kể từ đây, môn đệ của Thầy trở thành con của mẹ Thầy. Kể từ đây, thánh Gioan trở thành con tinh thần của Đức Maria. Cũng từ giây phút này, “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”, được chính Chúa đặt làm anh em với mình, khi cả hai cùng làm con của Đức Mẹ.
Nhưng không chỉ xoay quanh Đức Mẹ và thánh Gioan. Di ngôn của thập giá mở ra cả một núi ngọt ngào của tình yêu cho một đại linh tông chưa từng có: Tất cả chúng ta được gia nhập vào gia đình của Chúa, để cùng chung một người mẹ rất thánh.
Từ nay, mẹ của Chúa Giêsu cũng là mẹ của chúng ta. Từ nay, ta hãnh diện thừa kế lời di chúc mà thánh Gioan đã nhận lãnh cho mình. Từ trên thánh giá, mẫu tính tinh thần đã được khai sinh: Trong Chúa Giêsu, người con ruột thịt của Đức Mẹ, Đức Mẹ trở nên mẹ thật của từng người chúng ta, và mẹ của cả nhân loại, mẹ của mọi dân tộc.
Cũng từ sau giây phút di ngôn trên thánh giá được phác đi, những ai gắn bó với Chúa Giêsu bằng thái độ đón nhận, bằng con tim rung cảm, bằng việc thực thi Lời Chúa, sống tuân theo thánh ý Chúa, sẽ được Chúa tiếp nhận vào trong dòng họ của Người, trở thành anh chị em của Người và là con của Đức Mẹ. Như vậy, họ là anh chị em của Chúa theo trật tự tinh thần, và là con của Đức Mẹ cũng theo hệ mẫu tử tinh thần.
Dưới chân thánh giá, thánh Gioan không là một cá nhân. Trong tư cách “môn đệ được Chúa yêu”, thánh Gioan đại diện cho mọi môn đệ được Chúa yêu. Do đó, khi được trao vào mẫu tính của Đức Trinh Nữ “môn đệ Chúa yêu”, thì môn đệ ấy đã phát triển thành cả cộng đồng môn đệ của Chúa.
Cả nhân loại, và riêng từng người chúng ta, trở nên con của Đức Mẹ. Danh xưng dành cho Đức Mẹ: Mẹ nhân loại, đã trở thành danh xưng phổ biến từ lâu trong truyền thống của hội Thánh. Hội Thánh yêu mến Đức Mẹ. Hội Thánh dạy mọi người con hãy thảo hiếu với Mẹ của mình.
Kể từ đó, dòng dõi của Đức Mẹ đông vô số kể. Mang một “linh tông” lớn lao, cao cả nhất trần đời. Trải qua thời gian, dòng dõi của Đức Mẹ ngày càng lớn mạnh, ngày càng phong phú, ngày càng mở rộng biên cương. Dòng dõi của Đức Mẹ vẫn phát triển, vẫn không có dấu hiệu kết thúc. Đúng hơn, dòng dõi ấy chỉ kết thúc, cùng với việc kết thúc thời gian trần thế mà thôi.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trần trụi trên thánh giá, chiêm ngắm Đức Mẹ đồng thụ nạn với Chúa Con bên thánh giá, tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Chính Chúa Giêsu, hạt lúa tiên phong đã mục rữa, rồi Đức Mẹ hiệp công lớn lao với con trong cách thức tử đạo riêng của mình, cũng chính là hạt lúa mục rữa, dạy chúng ta hiểu, không có con đường nào khác ngoài con biến mình thành “hạt lúa gieo vào lòng đất”.
Đi theo hành trình của hạt lúa gieo xuống đất để dâng hiến chính mình, dâng hiến mạng sống mình cho danh Chúa, cho tình yêu của Chúa và luôn để tùy nghi Chúa sử dụng mình theo cách Chúa muốn, mỗi chúng ta mới thực sự là thành viên của gia đình Chúa.
Hãy bắt chước Đức Mẹ, đối diện với thánh giá, chấp nhận thánh giá, đi tới cùng trong hành trình thánh giá mà Chúa muốn, để mỗi người lại tiếp tục gieo sức sống của gia đình linh tông của Đức Mẹ mà mỗi chúng ta đang thuộc về.
Sống và chết đến cùng với thánh giá của Chúa như Đức Mẹ, sẽ là một sự sản sinh. Chúng ta có nhiệm vụ sản sinh ngày một nhiều hơn dòng dõi của Đức Mẹ nơi thế gian, bằng cách làm chứng về tình yêu thánh giá của Chúa Giêsu, một tình yêu mạnh đến nỗi, tất cả những ai đón nhận để trở thành một gia đình của Chúa, sẽ vĩnh viễn thuộc về Chúa.
Vậy, đồng làm con của Đức Mẹ với Chúa Giêsu, chúng ta đồng noi theo Đức Mẹ, chấp nhận dấn thân vì yêu dù phải chết. Cái chết đó được thực hiện hằng ngày, bằng sự từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa. Cái chết đó góp phần lớn mở rộng dòng dõi của Đức Mẹ, cũng chính là nối dài mỗi ngày một hơn, hàng ngũ những người em của Chúa Giêsu nơi cõi đời này.