1. Đảng Cộng sản cách chức Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn … một lần nữa

Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民), Giám Mục Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang lại mất tích. Các nguồn tin địa phương nói với AsiaNews rằng chính quyền đã bắt giữ vị Giám Mục và thư ký của ngài, là Cha Tưởng Tô Niên (Jiang Sunian, 蒋苏年), người cũng là chưởng ấn của giáo phận, để ngăn cản các ngài tham dự tang lễ của Cha Trần Nãi Lượng (Chen Nailiang, 陈乃亮) là vị linh mục cao niên vừa qua đời vào hôm Chúa Nhật ở tuổi 90.

Giống như giám mục đầu tiên của Ôn Châu, Đức Cha Lâm Hi Li (Lin Xili, 林希丽) Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn thường là đối tượng của các buổi tẩy não nhằm buộc ngài phải gia nhập Giáo hội “chính thức” do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Giám mục Thiệu Chúc Mẫn được Đức Giáo Hoàng công nhận nhưng Đảng cộng sản tuyên bố có quyền đối với tất cả các hoạt động tôn giáo, đã không công nhận.

Kitô hữu chiếm hơn 10% dân số ở Chiết Giang. Giống như Giám mục Thiệu Chúc Mẫn, Cha Trần Nãi Lượng thuộc cộng đồng “thầm lặng”; vì lý do này, chính quyền đã cấm tất cả các tu sĩ thầm lặng tham dự tang lễ hoặc cử hành Thánh lễ. Ba linh mục từ giáo xứ Thụy An (Ruian 瑞安)sẽ cử hành tang lễ cho vị linh mục quá cố.

Cha Trần Nãi Lượng, từng là cha xứ ở Bình Dương (Pingyang, 平阳), được cộng đoàn yêu mến. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bách hại ngài kể từ khi ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, bỏ tù ngài và gửi ngài đến các trại lao động để “cải tạo” trong vài năm.

Giám mục Thiệu Chúc Mẫn cũng đã phải chịu đựng sự ngược đãi của bọn cầm quyền; ngài cũng đã bị bắt và giam giữ nhiều lần, lần cuối cùng vào ngày 7 tháng 4 năm 2022, khi bọn cầm quyền đưa ngài đi nơi khác bằng máy bay, có lẽ để ngăn cản ngài cử hành các nghi lễ trong Tuần Thánh, đặc biệt là Thánh Lễ Truyền Dầu.

Vài tháng trước đó, vào ngày 25 tháng 10 năm 2021, cảnh sát đã bắt giữ ngài, với lý do là “du lịch” khỏi nơi cư trú mà không xin phép. Ngài được thả khoảng hai tuần sau đó.

Trong một trường hợp tương tự, cảnh sát đã đưa Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn và Cha Tưởng Tô Niên đi “chu du” từ ngày 23 tháng 8 đến ngày 8 tháng 10 năm 2016 để các ngài không tham dự tang lễ của Đức Cha Chu Vệ Phương (Zhu Weifang, 朱卫芳) là vị tiền nhiệm của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn ở Giáo phận Ôn Châu.

Sự đàn áp của chính phủ đối với người Công Giáo Trung Quốc, đặc biệt là các thành viên của Giáo hội thầm lặng, vẫn tiếp tục bất chấp Thỏa thuận năm 2018 của Vatican về việc bổ nhiệm giám mục, được gia hạn vào tháng 10 năm 2020 và 2022.

Ngoài Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn, Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国) cũng bị giam giữ, quản thúc tại gia. Các giám mục khác, như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进), đã bị quấy rối hoặc buộc phải tham gia các phiên họp chính trị, bao gồm cả Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).

Chế độ cộng sản cũng đã nhiều lần quản thúc tại gia Đức Cha Augustinô Thôi Thái (Cui Tai - 崔泰) của giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua - 宣化). Các năm trước, vào dịp Tết Nguyên Đán Đức Cha Thôi Thái được trả tự do để về nhà đón Tết với người chị đã rất già của mình, sau Tết lại đi tù tiếp. Năm nay, cộng sản không trả tự do cho ngài nhưng cho người nhà vào thăm ngài trong tù.
Source:Asia News

2. Linh mục lưu vong nói giám mục bị xét xử ở Nicaragua đã thành lập văn phòng nhân quyền bí mật

Linh mục Nicaragua lưu vong Uriel Vallejos kể lại cách giám mục Rolando Álvarez của Matagalpa, người đã bị quản thúc tại gia kể từ ngày 19 tháng 8, đã thành lập một văn phòng nhân quyền bí mật để ghi lại cuộc đàn áp của chế độ độc tài Daniel Ortega.

Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Công Giáo Tây Ban Nha Alfa y Omega được xuất bản vào ngày 26 Tháng Giêng, vị linh mục đầu tiên làm rõ rằng không có lệnh bắt giữ quốc tế nào đối với ngài.

“Bạn sẽ không tin đâu, nhưng đó là một trò lừa bịp của chính phủ. Họ nói rằng họ đã yêu cầu Interpol bắt giữ tôi, nhưng một người liên lạc bên trong Liên Hiệp Quốc đã xác nhận với tôi rằng chế độ Ortega chưa chính thức đưa ra bất kỳ yêu cầu nào chống lại tôi,” vị linh mục nói với tuần báo tại một địa điểm không được tiết lộ.

Vallejos giải thích rằng cả Đức Cha Álvarez và vị linh mục “đều bị buộc tội âm mưu phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời tung tin giả gây bất lợi cho Nhà nước.”

Trong một phiên điều trần được tổ chức vào ngày 10 Tháng Giêng giữa những khiếu nại về những bất thường trong thủ tục tố tụng, tòa án đã quyết định rằng vụ án của vị giám mục sẽ được đưa ra xét xử.

Ba ngày sau, hệ thống tư pháp đưa ra một danh sách nhân chứng “bịa đặt” chống lại vị Giám Mục, một số người không liên quan gì đến vụ án và thậm chí còn không biết trước rằng tên của họ có trong danh sách đó.

Vallejos nói rằng cuộc đàn áp chống lại Giáo Hội Công Giáo trở nên tồi tệ hơn với các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2018, khi các giám mục và linh mục phản ứng bằng cách “nói sự thật về những gì đang xảy ra và đứng về phía người dân”.

Vị linh mục giải thích: Lúc đó, mọi người bắt đầu đến nhờ Giáo Hội giúp đỡ.

Chẳng hạn, vị linh mục nói “một người con trai của họ bị cầm tù, người khác bị giết, người thứ ba phải đi đày”.

Trước tình hình đó, Đức Cha Álvarez đã tập hợp các linh mục của mình lại và nói với họ rằng ngài sẽ mở một văn phòng nhân quyền bí mật để giúp đỡ những người này và công khai vụ việc của họ.

“Tại cuộc họp đó, ngài đã hỏi ai là người tự do muốn tham gia và cảnh báo rằng bất kỳ ai làm như vậy đều có thể bị bỏ tù hoặc bị lưu đày.”

Vị linh mục nói rằng tại giáo xứ Lòng Chúa Thương Xót của ngài ở Sébaco thuộc Giáo phận Matagalpa, binh lính đã đến để ghi lại các bài giảng của ngài để sau này sử dụng chống lại ngài.

Ngài cũng là tổng giám đốc của Đài phát thanh và kênh Công Giáo Sébaco, hoạt động trong khuôn viên giáo xứ. Đài phát thanh đã bị chế độ độc tài đóng cửa vào ngày 1 tháng 8 năm 2022. Cảnh sát chống bạo động đã ngăn không cho Cha Vallejos và một nhóm tín hữu rời khỏi nhà xứ.

Cảnh sát “tiến vào nhà nguyện và điện của chúng tôi bị cắt. Chúng tôi cũng không có thức ăn,” vị linh mục kể lại. Giáo xứ vẫn bị bao vây trong ba ngày cho đến ngày 4 tháng 8, khi Cha Vallejos bị bắt và bị giải đi.

“Chủ tịch hội đồng giám mục nói với tôi rằng chính phủ muốn tôi vào tù, nhưng Đức Cha Rolando Álvarez bắt đầu thương lượng và khiến họ chấp nhận cho tôi đến chủng viện ở Managua để đổi lấy sự im lặng của tôi,” vị linh mục bị lưu đày kể lại.

Ngay sau đó, vị linh mục trốn khỏi đất nước đến Costa Rica, nơi ngài nhận được sự giúp đỡ từ Giáo hội địa phương.

“Tôi không thể bịt miệng sự thật, mặc dù tôi sợ rằng vì cuộc phỏng vấn này mà họ có thể tra tấn các linh mục đang ở trong tù,” Cha Vallejos kết luận.
Source:Catholic News Agency

3. Điện tặc Nga tấn công các trang web của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, và các bệnh viện ở Hoa Kỳ và Đức

Các tin tặc Nga đã đánh sập một số trang web của Đức, Hoa Kỳ và Ukraine bằng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ gọi tắt là DdoS, nhằm đáp trả quyết định của Berlin và Washington triển khai xe tăng tới Ukraine để hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tại Ukraine, trang web của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã không thể truy cập được trong khoảng 24 giờ trước khi các chuyên viên kỹ thuật phục hồi được. Một số trang web của chính phủ Ukraine cũng bị ảnh hưởng. Killnet, một nhóm tin tặc Nga, đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công.

Trong một ví dụ điển hình khác về việc chiến tranh mạng bước vào đấu trường cùng với chiến tranh truyền thống, nhóm hack Killnet đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công DDoS vào các trang web, ngân hàng và sân bay của chính phủ Đức, các báo cáo cho biết. Cơ quan an ninh mạng BSI của Đức cho biết các cuộc tấn công phần lớn không hiệu quả. Killnet tự nhận mình là một nhóm “hacktivist” đã tích cực tấn công vào những người phản đối cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Các tin tặc như Killnet và một nhóm đồng minh có tên XakNet được cho là quan tâm đến việc bảo vệ các mục tiêu xã hội và chính trị hơn là lợi ích tài chính.

Các chuyên gia an ninh mạng từ lâu đã lo lắng về việc Điện Cẩm Linh thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các quốc gia đã hỗ trợ Ukraine cung cấp vũ khí và sử dụng các nhóm không gian mạng do nhà nước bảo trợ để thực hiện các cuộc tấn công. Mối quan hệ của Killnet với Mạc Tư Khoa không rõ ràng. XakNet, một nhóm tin tặc thân Nga đã hoạt động được khoảng một năm, trước đây đã phủ nhận mọi liên kết với chính phủ Nga.

Các quan chức an ninh mạng của Đức cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc tấn công Killnet không đạt được bất kỳ thành công đặc biệt nào ngoại trừ việc ngăn cản truy cập đến các trang Web trong một khoảng thời gian.

“Hiện tại, một số trang web không thể truy cập được. Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy tác động trực tiếp đến dịch vụ tương ứng và theo đánh giá của BSI, những điều này sẽ không xảy ra nếu các biện pháp bảo vệ thông thường được thực hiện,” BSI cho biết trong một tuyên bố.

Canada trong danh sách bị tấn công.

Killnet đã đe dọa các quốc gia khác đã hỗ trợ vũ khí cho Kyiv. Tuần trước, các quan chức mạng Canada đã kêu gọi “tăng cường cảnh giác” trước nguy cơ tấn công mạng trả đũa từ các tin tặc có liên kết với Nga vào ngày 26 Tháng Giêng sau khi Ottawa gửi xe tăng chiến đấu tới Ukraine.

Phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Truyền thông, gọi tắt là CSE, cho biết cơ quan này “biết các báo cáo về sự gia tăng các nhóm tin tặc liên kết với nhà nước Nga đang tìm cách phá hoại các đồng minh liên kết với Ukraine, để đáp lại việc họ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Ukraine.”

Trung tâm An ninh mạng Canada đã cảnh báo cộng đồng an ninh mạng Canada, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quan trọng và những người bảo vệ mạng công nghiệp quốc phòng nâng cao nhận thức và bảo vệ họ trước các mối đe dọa mạng độc hại, Tập đoàn Phát thanh Canada đưa tin.

Các bệnh viện Hoa Kỳ bị tấn công

Killnet cũng bị nghi ngờ trong một số cuộc tấn công vào các trang web của 13 bệnh viện Hoa Kỳ vào hôm thứ Hai 30 Tháng Giêng.
Source:msspalert.com