1. 3 Nhà thờ Công Giáo bị phá hoại bởi những kẻ cực đoan
“Thật đáng tiếc khi mọi người lại trút sự thất vọng của họ lên các nhà thờ,” Cha Peter Damian Harris, Cha Sở tại Nhà thờ Công Giáo Rất Thánh Mân Côi tại 3671 Milam, Houston, nói.
Khi anh chị em giáo dân đến nhà thờ lúc 8 giờ sáng thứ Hai để họp, họ nhìn thấy những khẩu hiệu phò phá thai được vẽ nguệch ngoạc trên lối vào chính của nhà thờ và một cửa phụ.
Vì sự việc, nhà thờ đã thay đổi giờ làm việc. Nhà thờ sẽ mở 30 phút trước khi xưng tội và thánh lễ, rồi đóng lại ngay sau đó.
“Rất đáng tiếc, nhưng tôi thà thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, khi phải đối phó với nguy cơ bị ai đó đến phá hoại không gian thiêng liêng của chúng tôi,” Cha Harris nói.
Ngài tin rằng vụ phá hoại tại nhà thờ có liên quan đến hành vi phá hoại tại hai Nhà thờ Công Giáo ở Katy.
“Chắc chắn, đó là kết quả của vụ rò rỉ tài liệu của Tối Cao Pháp Viện vào tuần trước.”
Ngài cho biết hai nhà thờ bị phá hoại ở Katy là St. Bartholemew và St Elizabeth Anne Seaton.
Cha Harris nhấn mạnh rằng: “Tại các nhà thờ khác, ai đó đã cố gắng xúc phạm Thánh Thể.”
Ngài muốn nói điều này với bất cứ ai xúc phạm các nhà thờ
“Bạn nên vào trong, cầu nguyện hay trò chuyện, chứ đừng cố gắng xúc phạm không gian thiêng liêng của chúng tôi. Điều này sẽ không ngăn cản chúng tôi, nó càng thúc đẩy chúng tôi tiếp tục trở thành nhân chứng cho Chúa Kitô và thế giới,” Cha Harris nói.
Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong một diễn biến đáng kinh ngạc, tổ chức tin tức Politico vào tối thứ Hai đã công bố bản thảo bị rò rỉ về quyết định của Tòa án Tối cao được mong đợi rất nhiều trong vụ phá thai ở Mississippi, Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson.
Bản dự thảo dài 98 trang, được viết bởi thẩm phán bảo thủ Samuel A. Alito Jr., là một tài liệu đáng chú ý vì nó tiết lộ rằng đa số năm thẩm phán sẵn sàng lật ngược hai quyết định mang tính bước ngoặt đã định hình luật phá thai và chính trị quốc gia trong nhiều thập kỷ. Đó là phán quyết Roe kiện Wade, hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc vào năm 1973, và Planned Parenthood kiện Casey, nhằm khẳng định phán quyết Roe vào năm 1992.
Sau vụ rò rĩ này, hàng loạt các nhà thờ Công Giáo đã bị tấn công.
Source:Fox News
2. Tổng thống Duda nói Ba Lan phải đòi Nga bồi thường vì vụ thảm sát Katyn
Ba Lan phải kêu gọi các tổ chức tư pháp quốc tế truy cứu trách nhiệm của Nga, với tư cách là nước kế thừa Liên Xô, đối với vụ thảm sát Katyn. Warsaw phải nhận được việc chi trả bồi thường của Mạc Tư Khoa.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đưa ra lập trường trên khi gặp gỡ gia đình các nạn nhân vụ thảm sát Katyn.
“Tôi không nghi ngờ gì rằng nhà nước Nga ngày nay phải gánh chịu trách nhiệm kế thừa về tội ác Katyn. Và nếu ngày hôm nay chúng ta phải nộp đơn kiện ai, thì đó là nhà nước Nga. Và tôi tin rằng đây là con đường phải tiến hành,” tổng thống Duda nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng ông cảm thấy có bổn phận đạo đức và lịch sử trước những người Ba Lan là phải “canh tân nỗ lực truy cứu tội ác và xác định danh tính của những người chịu trách nhiệm trước tư pháp quốc tế”.
Tội ác của Katyn là vụ hành quyết của lực lượng an ninh NKVD gần làng Katyn vào năm 1940 đối với hơn 22.000 sĩ quan Ba Lan và các thành viên khác của chính quyền Ba Lan. Các vụ hành quyết tương tự cũng diễn ra gần Tver, Kharkiv, Kyiv và Minsk. Trong một thời gian dài, sử học Liên Xô phủ nhận việc giết người Ba Lan bởi các cơ quan đặc nhiệm của Liên Xô, thay vào đó đổ lỗi cho quân Đức. Đức Quốc xã vạch trần tội ác của NKVD với thế giới vào tháng 4 năm 1943. Mãi đến năm 1990, Liên Xô mới thừa nhận trách nhiệm về tội ác này. Tuy nhiên, Nga vẫn từ chối bàn giao cho Ba Lan phần lớn tài liệu lưu trữ liên quan đến cái gọi là vụ Katyn.
Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan thường xuyên thúc giục các chính quyền Ba Lan đưa ra ánh sáng vụ Katyn và đòi Nga bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân. Tuy nhiên, chính quyền Ba Lan đã không dám làm mất lòng Nga. Cuộc chiến tại Ukraine có lẽ đã khiến các nhà lãnh đạo Ba Lan can đảm hơn trong các chính sách đối với Nga.
3. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố các lệnh trừng phạt đối với Thượng phụ Kirill sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của ông theo bất kỳ cách nào
Tòa Thượng Phụ Chính thống Nga nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt mà Ủy ban Âu Châu có kế hoạch áp đặt lên Thượng phụ Kirill sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của ông và đời sống của Giáo hội Nga theo bất kỳ cách nào.
“Đối với Đức Thượng phụ, tôi nghĩ rằng không có biện pháp trừng phạt nào ngăn cản ngài tiếp tục các hoạt động của mình, nhằm củng cố xã hội Nga, nhằm mục đích chăm sóc mục vụ cho toàn bộ đàn chiên nhiều triệu người của Giáo hội Chính thống Nga và nhằm đạt được hòa bình giữa các dân tộc Slavic huynh đệ càng sớm càng tốt”, Tổng Giám Mục Hilarion, người đứng đầu Ủy ban Đối Ngoại Thánh Công Đồng Nga, cho biết trong chương trình Giáo hội và Thế giới trên Russia-24 TV.
Theo ông, những phát biểu của vị giáo chủ được phương Tây nhìn nhận qua lăng kính tuyên truyền đang được thực hiện trên các phương tiện truyền thông, và các chính trị gia phương Tây không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về những phát biểu này.
“Do đó, nếu họ áp đặt các biện pháp trừng phạt, tất nhiên đây là quyền của họ, chúng tôi không thể tác động điều này theo bất kỳ cách nào, nhưng những lệnh trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của Giáo Hội Chính thống Nga theo bất kỳ cách nào,” Tổng Giám Mục Hilarion nói.
Người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, đã nằm trong số những cá nhân sẽ bị đưa vào vòng trừng phạt thứ sáu của Liên minh Âu Châu.
Các nguồn tin cho biết bản dự thảo của vòng trừng phạt thứ sáu đã được gửi đến các đại sứ các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu để xem xét và sẽ được thông qua vào tuần tới.
Theo một báo cáo năm 2006 được Forbes công bố vào năm 2020, Kirill, người ủng hộ nồng nhiệt cuộc chiến ở Ukraine, có tài sản lên đến 4 tỷ đô la.
Ở Nga có một tạp chí nổi tiếng chuyên theo đuổi các phóng sự điều tra về các nhà tài phiệt Nga làm ăn phi pháp. Đó là tờ Novaya Gazeta. Tạp chí do Dmitri Muratov, người đoạt giải Nobel làm chủ biên, trong đó các ký giả bị ám sát chết gần hết, mới nhất là cô Anna Politkovskaja qua đời vào ngày 5 tháng 4 vừa qua. Novaya Gazeta ước tính vào năm 2019 rằng Thượng Phụ Kirill có một khối tài sản từ 4 đến 8 tỷ đô la.
Các số liệu không được xác minh và trong mọi trường hợp không thể xác minh được. Tài sản cá nhân đáng kể này là kết quả của việc nhà nước Nga miễn thuế đối với một phần đáng kể thuốc lá và bia được Chính Thống Giáo Nga nhập khẩu từ nước ngoài về bán tại Nga. Ngài Thượng phụ còn bị cáo buộc là người đứng tên cho những tài sản của Putin, Lavrov và những người khác.
Source:Interfax
4. Nhật ký trừ tà số # 189: Phép thuật và Đức tin
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #189: Magic vs. Faith”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số # 189: Phép thuật và Đức tin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Cô ta đã dính líu với yoga, các đạo sư, các học viên phù thủy và ma thuật trong hơn mười năm. Nhờ ân điển của Thiên Chúa, cô đã có một kinh nghiệm sâu sắc về Chúa Giêsu và điều đó đã thay đổi cuộc đời cô. Đôi mắt của cô ấy được mở ra trước cái ác mà cô ấy đã tham gia và cô ấy ngừng tất cả các thực hành huyền bí. Cô trở lại với đức tin Công Giáo với một lòng nhiệt thành và niềm tin mới.
Nhưng những con quỷ của bói toán, những người hầu như vẫn ẩn nấp, giờ đã biến sự hiện diện của chúng trở nên xấu xa. Sau nhiều tháng thực hiện các đợt trừ tà, cô ấy đã khá hơn nhiều, mặc dù vẫn chưa hoàn toàn được giải thoát. Những con quỷ vẫn quyết tâm đeo bám.
Cô ấy đang dần dần được thanh lọc và chữa lành, bong tróc các lớp bên trong hết lớp này đến lớp khác. Gần đây, cô ấy đã nhận được một cái nhìn sâu sắc, đặc biệt khiến tôi chú ý. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy nhận ra rằng, trong khi cô ấy đã ngừng tất cả những thực hành huyền bí và ma thuật này, cô ấy vẫn có một cách thế đầy ma thuật tiềm ẩn khi tiếp cận đời sống tâm linh.
Ví dụ, khi cầu nguyện cho ai đó, đôi khi cô ấy sẽ gửi trực tiếp “năng lượng chữa lành” của mình vào người đó hơn là cầu xin Chúa giúp họ. Khi lo lắng về ai đó hoặc điều gì đó, cô ấy có thể cố gắng “hình dung” câu trả lời cho sự lo lắng, cố gắng phân tích điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, thay vì cầu xin Chúa quan tâm đến nó. Đôi khi cô thấy mình đang sử dụng “con mắt thứ ba” huyền bí của mình để cố gắng “nhìn thấy” hoặc biết điều gì đó về mặt tâm linh. Sau đó, cô ấy nói, “Tôi nhận ra rằng tôi vẫn đang cố gắng kiểm soát các tình huống. Tôi nhận ra rằng tôi có một vấn đề với sự tin tưởng thực sự vào Chúa.”
Cô ấy nói thêm, “Vấn đề cốt lõi là thực sự tin cậy vào Chúa - vào sự toàn năng và tình yêu của Ngài dành cho tôi.” Cô ấy nói, “Khi tôi bắt đầu thực hành việc hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Chúa như một đứa trẻ, tôi thực sự cảm thấy thoát khỏi kiểu suy nghĩ ma thuật này. Đây là lúc ma quỷ dường như ở xa tôi nhất.”
Sự khác biệt giữa niềm tin và phép thuật là cơ bản. Kitô hữu tin cậy nơi Thiên Chúa và khiêm nhường nhận ra rằng mọi ân sủng đều đến từ Thiên Chúa, theo ý muốn của Ngài. Người thực hành ma thuật và những điều huyền bí cố gắng kiểm soát các lực lượng tâm linh và truy cập kiến thức ẩn, nghĩa là cố gắng tự mình đạt được sức mạnh và lợi ích mong muốn.
Sự thấu hiểu của cô ấy là một ân sủng lớn lao khác từ Chúa. Tôi hài lòng vì cô ấy đã đón nhận ân sủng này. Nó cho thấy rằng sự giải phóng hoàn toàn của cô ấy đang tiến gần hơn một bước nữa.
Source:Catholic Exorcisms