NGÀY 21/12
Dc 2,8-14; Lc 1,39-45
GIÁNG SINH, MÙA TÌNH YÊU

Chúng ta đang rất gần với lễ mừng Con Chúa giáng trần. Có thể gọi Giáng Sinh là lễ tình yêu, lễ Thiên Chúa giao duyên với con người qua Ngôi Lời Nhập Thể. Trong ý nghĩa đó, một cách rất thú vị, Giáo Hội chọn sách Diễm Ca để chúng ta đọc trong ngày phụng vụ ưu tiên này. Vì rất ít cơ hội để suy niệm tác phẩm này, nên chúng ta cần dừng lại để chú giải và tìm hiểu ý nghĩa bài đọc I (Dc 2,8-14).

Tôi còn nhớ, có lần đi dự lễ khấn dòng về, có một thầy nhận xét khi nghe các nữ tu đọc bài đọc từ sách Diễm Ca. Thầy nói: “Lễ khấn lễ khót gì mà cứ đọc chuyện anh anh em em, yêu đương tình tứ trong thánh lễ.” Có lẽ phản ứng đó phản ánh tâm thức của người Việt vốn quen tách biệt và đối lập cái đạo đức với cái phàm tục, coi tình yêu nhục thể là điều cấm kỵ, và bất xứng với những gì là thánh thiêng đạo đức. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại số phận long đong của sách Diễm Ca.

Quả thật, cuốn thiên tình sử này có một số phận và đời sống rất long đong ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, nó là tập thơ được tranh luận sôi nổi nhất, có khi bị liệt vào loại sách ‘index’, sách cấm. Nhưng cuối cùng, giá trị và vẻ đẹp của nó lên ngôi và khẳng định vị trị của mình với thời gian như quả quyết của Rápbi Akiba, một bậc thầy Do Thái: “Cả thế giới này không sao sánh được với cái ngày mà khúc Diễm Ca được ban cho Ítraen.”

Diễm Ca cũng là cuốn sách được nhiều giáo phụ ưa thích, được các nhà tu đức như Gioan Thánh Giá làm sách gối đầu giường, một cuốn sách đã đào tạo nên những vị thánh nổi tiếng và đóng góp lớn cho nền linh đạo Kitô giáo.

Chúng ta đi vào ý nghĩa bản văn. Diễm Ca là một thế giới thơ, đầy biểu tượng, với những lời yêu thương bóng bẩy. Theo Giáo Phụ Origene chú giải dựa trên học thuyết 4 ý nghĩa Kinh Thánh, trích đoạn Diễm Ca mà chúng ta vừa nghe diễn tả những ý nghĩa sau đây:

1) Theo nghĩa văn tự, Diễm Ca diễn tả tình yêu nồng nàn, mãnh liệt và rất nhân bản của một đôi trai gái. Xét về phương diện tự nhiên, đó là một cuộc tình đẹp, thơ mộng, được Thiên Chúa chúc phúc, không có gì là xấu xa, tội lỗi.

2) Theo nghĩa phúng dụ của Do Thái giáo, chàng là hình ảnh của Thiên Chúa, hay của Đấng Mêsia. Còn nàng là hình ảnh của dân Ítraen. Tình yêu của chàng và nàng là hình ảnh diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người. Thiên Chúa đã yêu dân riêng như chàng yêu nàng, như chàng đi tìm kiếm nàng và nàng khát khao chờ đợi chàng. Bởi thế, người Do Thái đọc Diễm Ca trong lễ Vượt Qua và tối thứ Sáu hằng tuần trước ngày Sabát.

3) Theo nghĩa tiên trưng, hay nghĩa thiêng liêng Kitô giáo, chàng là hiện thân của Đức Kitô và nàng là đối tượng tình yêu của Người, là Hội Thánh. Đức Kitô là hôn phu và Hội Thánh là hiền thê của Người. Đức Kitô đã yêu thương, thanh tẩy và hiến mình cho Hội Thánh, trở thành kiểu mẫu cho tình yêu vợ chồng như được nói trong Ep 5,24-25. Vì thế, các Giáo Phụ không ngớt lời ca tụng mầu nhiệm Nhập Thể như cuộc hôn lễ của Đức Kitô với Hội Thánh Người.

4) Cuối cùng, theo nghĩa luân lý hay nghĩa ứng dụng liên quan đến tâm hồn chúng ta: Chàng là Đức Kitô luôn yêu quý và thiết tha với mọi tâm hồn tín hữu, đặc biệt các tâm hồn đã tận hiến cho Người. Nàng là tiền ảnh ưu việt của Đức Maria và là lý tưởng tình yêu mà chúng ta được mời gọi dành cho Đức Giêsu.

Khi những tâm hồn tận hiến từ bỏ đời sống gia đình, đôi bạn, để chọn lựa đời sống độc thân dâng hiến, đó là một chọn lựa đi vào giao ước hôn phối thiêng liêng với Đức Giêsu. Họ không dấn thân cho một cái gì, một ý tưởng, hay cho hệ thống luân lý, nhưng cho một Con Người, để suốt đời yêu mến và phụng sự Người trên hết mọi sự. Theo đó, ơn gọi độc thân dâng hiến là cách thế đích thực để diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Têrêxa Hài Đồng đã yêu mến Chúa như nàng yêu chàng và ngài quả quyết: “Ơn gọi của con chính là tình yêu.” Nếu đời tu không đi vào con đường tình yêu này, không sống và diễn tả tình yêu là trung tâm điểm của ơn gọi dâng hiến, thì có nguy cơ chúng ta chỉ là những “công chức tôn giáo” xét về chức năng; còn xét về đời sống, chúng ta dễ trở thành những “trai già, gái già” khô khan và vô cảm trong tương quan liên vị.

Vì thế, trong khi trông chờ Con Chúa giáng sinh, xin Chúa Thánh Thần là tình yêu, đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa yêu mến Chúa và khát khao tìm kiếm Chúa, như Người đã thực hiện trong lòng Đức Maria hôm nay khiến Mẹ lên đường chia sẻ niềm vui có Chúa với người chị họ mình. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/