LM Michael Nguyễn Quang SVD
Truyền Giáo Hôm Nay: Đối Thoại


I. Truyền Giáo và Đối Thoại
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền tới các môn đệ lệnh truyền rao giảng Tin Mừng tới muôn dân. Cả bốn bản Phúc Âm đều ghi lại sứ vụ truyền giáo mà Đức Giêsu trao cho các người môn đệ. Trong Tin Mừng Máccô, Ngài phán, “Hãy đi khắp bốn phương, loan báo Tin Mừng tới muôn loài thụ tạo” (Mc 16:15). Trong Tin Mừng Mátthêu, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28:19). Trong Tin Mừng Luca và sách Tông Đồ Công Vụ, “Thầy truyền đến các con điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24:49), “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Trong Tin Mừng Gioan, “Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai các con” (Ga 20:21). Sứ vụ truyền giáo này không chỉ áp dụng tới những người môn đệ của thế kỷ thứ nhất CN, nhưng còn tới tất cả mọi Kitô hữu vào mọi thời đại. Vì thế, sứ vụ truyền giáo cũng đồng nghĩa với công cuộc loan báo Tin Mừng tới mọi người của mọi nền văn hóa và tôn giáo trong mọi thời đại.

Giáo hội từ những ngày đầu tiên vẫn trung thành với sứ vụ truyền giáo đã được Đức Giêsu trao trên đôi vai. Đối thoại với những người dân ngoại là một trong những phương cách mà Giáo hội đã chọn để rao giảng Tin Mừng từ những ngày đầu tiên. Tại Areopagus, tông đồ dân ngoại Phaolô đã đối thoại với những nhà trí thức và dân của thành phố Athens. Ngài chỉ ra rằng vị thần “Không-Biết-Tên” chính là Thiên Chúa (Cv 17:23). Sách Tông Đồ Công Vụ thật sự ra là một cuốn sách trình bày những cuộc đối thoại của người Kitô hữu tới những sắc dân và những tôn giáo trong thế kỷ thứ nhất CN. Bởi những cuộc đối thoại không mệt mỏi của các tông đồ và tín hữu thế hệ tiên khởi, Tin Mừng của Đức Giêsu đã đi tới nhiều thành phố trong đế chế La Mã. Sau cùng, Tin Mừng theo bước chân của thánh Phaolô đi tới kinh thành Roma, một hình ảnh tượng trưng cho “khắp cùng thế giới” vào thế kỷ thứ nhất.

Trong bài tiểu luận chủ đề “Truyền Giáo Hôm Nay: Đối thoại,” tác giả sẽ triển khai nét đối thoại, một trong những phương cách để thực hiện sứ mạng truyền giáo. Bởi nét truyền giáo qua đối thoại như lời đề nghị của Giáo Hội, tác giả sẽ thảo luận về đối thoại tôn giáo, đối thoại văn hóa, đối thoại với người nghèo và đối thoại với môi trường sinh thái.

II. Đối Thoại Ơn Cứu Độ
Pope Phaolô VI trong tông huấn Ecclesiam Suam 70 nhắc đến danh từ đối thoại trong cụm từ “cuộc đối thoại ơn cứu độ” (the dialogue of salvation). Pope Phaolô VI khẳng định dòng lịch sử ơn cứu độ cũng chính là một cuộc đối thoại của Thiên Chúa với con người dưới nhiều hình thức (ES 70). Qua những cuộc đối thoại của Ngôi Lời với nhân loại, con người được mặc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và nhiều mầu nhiệm khác.

Theo văn kiện Ad Gentes, đối thoại giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Linh nảy sinh ra tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho con người (AG 2). Bởi thế từ những ngày đầu tiên, Thần Khí Thiên Chúa bay phủ cõi vô minh vô vật, và Ngôi Cha bắt đầu đối thoại với cõi hỗn độn qua Ngôi Lời. Hoa trái của cuộc đối thoại này là sự xuất hiện của vũ trụ và con người trong hình ảnh của Thiên Chúa. Đối thoại ơn cứu độ tiếp tục giữa Thiên Chúa với Adam và Eva tại Vườn Địa Đàng, nối tiếp với Noah và tổ phụ Abraham. Và khi dân riêng sống đời nô lệ bên Ai Cập, Thiên Chúa đối thoại với Moses. Trên vùng đất hứa, cuộc đối thoại ơn cứu độ nối tiếp với những vị Quan Án, Ngôn sứ, Vương triều Saul, David, Solomon. Và khi thời kỳ viên mãn đã tới, Thiên Chúa đối thoại với trần gian qua chính Ngôi Lời. Bởi thế, Lời nhập thể và dựng lều giữa chúng ta (John 1:14). Tác giả Hebrews bắt đầu lá thư với hàng chữ, “Trong quá khứ, Thiên Chúa đã đối thoại với tổ tiên của chúng ta qua các vị ngôn sứ nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau, nhưng trong những ngày cuối cùng này, Ngài đã đối thoại với chúng ta qua chính người Con của Ngài” (Hebrews 1:1). Sau khi Đức Giêsu Kitô quay về trời, cuộc đối thoại ơn cứu độ được tiếp nối qua Ngôi Ba Thiên Chúa. Chúa Thánh Linh, vị thuyền trưởng đang lèo lái con tàu Giáo Hội về bến của ngày cánh chung parousia.

A. Đối Thoại Tôn Giáo: John 4:4-42
1. Nostra Aetate Dialogue and Proclamation

Một trong những văn kiện của Công đồng Vatican II là Tuyên ngôn Nostra Aetate liên quan đến ơn cứu độ. Chương 2 của văn kiện Nostra Aetate xác nhận sự hiện diện của nhiều tôn giáo trên thế giới: Do Thái giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, và những tôn giáo khác. Trên tất cả trong Tuyên ngôn Nostra Aetate, các vị Thượng phụ Công đồng cũng long trọng xác nhận có “tia sáng của Sự Thật” (a ray of Truth) bên ngoài Giáo hội. Một trong những hoa trái của Nostra Aetate là tín hữu Kitô phải có khả năng đối thoại với tín hữu của các tôn giáo khác.

Kỷ niệm 25 năm của văn kiện Nostra Aetate, Pontifical Council of Inter-religious cho ra đời văn kiện Dialogue and Proclamation (DP). Trong phần mở đầu của văn kiện, DP nhắc lại chương 2 của Nostra Aetate đồng thời sử dụng cụm từ “đối thoại tôn giáo/interreligious dialogue.” Văn kiện DP còn nhắc tới bối cảnh của thế giới ngày hôm nay, một thế giới toàn cầu (global village). Nơi đó, có một ý thức mới về sự hiện hữu của đa tôn giáo (there is a new awareness of religious plurality). Bởi thế, Pontifical Council of Inter-religious nhắc nhở người tín hữu phải đối thoại tôn giáo trong khi truyền bá Tin Mừng.

Đức Giáo Hoàng Francis trong chuyến tông du tại Iraq đã đối thoại tôn giáo với tín hữu của Hồi Giáo và Do Thái Giáo. Tại phố Ur của Chaldeans, ngài nhắc tới Abraham, tổ phụ của cả ba tôn giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tại phố Ur, trong thông điệp gửi tới những tín hữu con cháu Abraham, ngài nhắc lại hình ảnh những vị sao trên trời mà Thiên Chúa Cha, trong cuộc đối thoại với tổ phụ Abraham đã so sánh. Đức Giáo Hoàng kết luận, chúng ta, tín hữu của ba tôn giáo phát xuất từ Abraham chính là những ngôi sao đã được nhắc tới trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và tổ phụ Abraham.

2. Đối thoại Tôn giáo bên bờ giếng Jacob: John 4:4-42
Là người truyền giáo đầu tiên trong dòng lịch sử của ơn cứu độ, Đức Giêsu đã nhiều lần vượt đường biên tôn giáo Do Thái để đối thoại với những tôn giáo khác. Một trong những cuộc đối thoại tôn giáo nổi bật trong Tân Ước chính là đối thoại bên bờ giếng Jacob với người phụ nữ Samaria.

Người Samaria nguyên thủy là con cháu của mười chi tộc thuộc Bắc quốc Israel trộn lẫn với 5 quốc gia lân bang: Babylon, Cuthah, Avvah, Havah, Sephavaim (1Các Vua17:24). Khi những người dân của 5 quốc gia di dân tới Bắc quốc Israel, họ mang theo cả những vị thần của họ. Người Babylon có thần Succoth-Benoth. Người Cuthah có thần Nergal. Người Avva có hai thần, thần Nibhaz và thần Tartak. Người Havath có thần Ashima. Và người Sepharvaim có thần Adrammelech và Anamelech (2Các Vua 17:30). Tổng cộng tất cả là bẩy vị thần. Cho nên ngoài Adonai Thiên Chúa, người Samaria cũng thờ phượng bẩy vị thần ngoại bang do cha ông của họ đã từng mang tới vùng đất mới (2Các Vua 17:29-33).

Bởi hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt, tôn giáo của người Samaria có những nét tương đồng và dị biệt so với Do Thái giáo, trong khi người Do Thái công nhận 39 cuốn sách Cựu Ước, người Samaria chỉ công nhận Ngũ Thư, 5 quyển sách đầu tiên của Cựu Ước, tương truyền do chính tay đại ngôn sứ Moses sáng tác. Trong khi người Do Thái mong chờ Đấng Xức Dầu (Anointed One), hay Messiah, người Samaria mong chờ Ta’heb, Đấng Quay Lại (Returned One). Trong con mắt của người Samaria Đấng Ta’heb là Ngôn sứ có những vai trò tương tự như đại Ngôn sứ Moses; bởi Ngài sẽ giải quyết những dị biệt, bất đồng, và tranh chấp về tôn giáo giữa người Samaria và người Do Thái. Trong khi người Do Thái tin vào Mười Điều Răn, người Samaria tin rằng Yahweh Thiên Chúa đã trao cho ngôn sứ Moses Mười Một Điều Răn. Điều Răn bị người Do Thái “cố tình bỏ quên” là “Ngươi sẽ xây dựng Đền Thờ trên núi Gerizim”. Bởi thế, trong khi người Do Thái tin rằng đền thờ Jerusalem là nơi duy nhất xứng đáng để thờ phượng Yahweh Thiên Chúa, người Samaria tin rằng đền thờ trên núi Gerizim là nơi xứng đáng nhất để thờ phượng Yahweh.[1]

3. Họ tin vào Đức Giêsu
Qua cuộc đối thoại tôn giáo bên giếng nước, Đức Giêsu giúp người phụ nữ Samaritan nhận ra Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Hơn thế nữa, Ngài đã giúp bà nhận ra đã đến giây phút con người không thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ, nhưng Thần Khí và sự thật (John 4:23). Sau cuộc đối thoại tôn giáo với Đức Giêsu, bà đã bỏ lại sau lưng vò nước ngay bên bờ giếng. Bà đi về làng, giới thiệu Đức Giêsu tới mọi người trong làng. Bởi lời chứng của bà, người dân làng đã đến bên bờ giếng để gặp gỡ và trở thành môn đệ của Đức Giêsu.

B. Đối Thoại Văn Hóa: Tử Đạo Việt Nam
1. Paul 1Cr 9:20-21

Vào đầu thế kỷ công nguyên, trong khi rao giảng Tin Mừng tới người dân của những nền văn hóa khác biệt trong đế chế La Mã, Giáo Hội đã tiếp cận sứ vụ truyền giáo bằng những cuộc đối thoại văn hóa. Do đó thánh Phaolô đã nói, “với những người Do Thái, tôi trở thành người Do Thái, để thu phục người Do Thái… Với những người ngoài Luật, tôi trở thành người ngoài Luật” (1Cr 9:20 -21).

Đối thoại văn hóa giúp đỡ và hỗ trợ con người của một nền văn hóa đặc thù nhận ra rằng Đức Giêsu và Tin Mừng đã hiện thân trong nền văn hóa của riêng họ. Nhờ thế, họ sẽ đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng vào trong tâm hồn một cách tự nhiên và dễ dàng hơn.

2. Bách hại Công Giáo
Khâm Ðịnh Sử Việt Thông Giám Cương Mục, xuất bản năm 1884, ghi nhận năm 1533 dưới thời trị vì của vua Lê Trang Tôn (1514-1548), có người Tây dương, Inêkhu lén vào hai ngôi làng tại Ninh Cường và Trà Lũ, tỉnh Nam Định truyền bá “Da-tô tả đạo” tới người Việt Nam. Sau Inêkhu, cũng có nhiều nhà truyền giáo khác đặt chân tới Việt Nam. Tuy nhiên họ cũng không tạo ra được nhiều ảnh hưởng tới xã hội Việt Nam bởi rào cản ngôn ngữ và lệnh cấm đoán Giatô tả đạo. Mãi cho đến khi những nhà truyền giáo Dòng Tên đặt chân vào Việt Nam năm 1615, công việc truyền giáo tại Việt Nam mới khởi sắc. Theo như Alexandre de Rhodes, vào năm 1650, có khoảng 300 ngàn người được rửa tội tại Bắc Việt Nam.

Giáo hội Việt Nam non trẻ nhanh chóng gặt hái một mùa vụ bội thu. Nhưng rồi cũng lại thật nhanh bước sâu vào một chương sách viết bằng chính máu đào đổ ra cho niềm tin Kitô. Cuộc bách đạo người Công Giáo Việt Nam qua nhiều hình thức khác nhau đã kéo dài gần ba thế kỷ (1625-1860). Có khoảng 100 ngàn tín hữu người Việt đã bị kết án tử hình dưới 7 triều đại Chúa Trịnh, 6 triều đại Chúa Nguyễn, 2 đời vua và tướng Tây Sơn, và 3 đời Vua của nhà Nguyễn.

Hiện tượng bách hại Kitô giáo kéo dài gần ba thế kỷ đặt lên một câu hỏi tới những nhà nghiên cứu tôn giáo và lịch sử Việt Nam. Khi Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo du nhập vào Việt Nam, người Việt không những chào đón mà còn hội nhập những tinh túy của Tam giáo vào Việt giáo. Tuy vậy, điều này lại không xảy ra với Kitô giáo. Chưa hết, Kitô giáo trong lịch sử Việt Nam đã bị gán nhãn là “tả đạo” ngay khi tôn giáo này xuất hiện trên trang sử Việt. Khâm Định Sử Việt Thông Giáo Cương Mục viết, “đời vua Lê Trang Tôn, có người Tây Dương tên I-nê-Khu lén vào xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thuỷ, âm thầm truyền bá Da Tô tả đạo.” Cụm từ “tả đạo” cũng được nhà cầm quyền khắc trên khuôn mặt của những tù nhân tín hữu Việt Nam. Phong trào Văn Thân vào thế kỷ 19 thậm chí còn đưa ra khẩu hiệu “Bình tây Sát tả” để giải thích cho sự ra đời của phong trào.

Câu hỏi khách quan đặt ra ở đây là tại sao Kitô giáo lại bị liệt vào danh sách tả đạo bởi những nhà lãnh đạo người Việt Nam? Một trong những lý do chính yếu đã dẫn đến hiện tượng “Kitô giáo trở thành tả đạo” có liên hệ tới đạo hiếu của người Việt. Nói một cách khác, cốt lõi căn bản tôn thờ một Thiên Chúa của Kitô giáo tạo ra mâu thuẫn nghiêm trọng tới cốt lõi tôn kính tổ tiên của Việt giáo.

Cấm đoán người tín hữu Việt Nam tham gia và thực hành nghi thức tôn kính ông bà tổ tiên đã “gây ra một rạn nứt giữa Tin Mừng và văn hóa bản địa.” Do đó, Phan Đình Cho kết luận: “Việc lên án thờ cúng tổ tiên là một lỗi lầm bi thương và là một thảm họa cho Giáo hội tại [Việt Nam]… cũng chính vì Kitô giáo bị xem như một tôn giáo ngoại quốc, một tôn giáo đã ra lệnh cấm thực hành những gì là thánh thiêng và mang tính tôn giáo nhất tại [Việt Nam].”

3. Đối thoại Văn hóa: Ecclesia in Asia 20
Để Tin Mừng được loan truyền rộng rãi tới người Việt Nam, Giáo hội Việt Nam phải có những cuộc đối thoại văn hóa theo hướng hội nhập văn hóa. Những cuộc đối thoại văn hóa này gợi lên những hình ảnh của Đức Giêsu gần gũi thân quen với não trạng Á Châu, đồng thời vẫn trung thành với Kinh Thánh và truyền thống. Qua những cuộc đối thoại với văn hóa Việt Nam, người Việt Nam nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong đời sống văn hóa của họ. Qua đó, họ nhận ra tầm quan trọng của Tin Mừng trong đời sống của họ. Các vị Giám Mục Á Châu trong lần họp Thượng Hội Đồng Châu Á tại Rome năm 1998, qua Tông Huấn Ecclesia in Asia 20 các ngài đề nghị những hình ảnh của Đức Giêsu trong văn hóa Á Châu, những hình ảnh thân quen với tâm tình của người Á Châu, thí dụ, “Đức Giêsu là Vị Thầy Khôn Ngoan, Đấng Chữa Lành, Đấng Giải Phóng, Vị Linh Hướng, Đấng Giác Ngộ, Người Bạn Giàu Lòng Thương Xót của Người Nghèo, Người Samaria Nhân Hậu, Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng Vâng Lời.”

C. Đối Thoại với Người Nghèo: Luke 11:1-17
1. Đức Giêsu: Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo
“Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo (preferential option for the poor) [cũng] là một lựa chọn ưu tiên của người Kitô. Đó là một lựa chọn ưu tiên diễn tả mối quan tâm của Đức Kitô, Đấng đã đến thế gian để rao giảng ơn cứu rỗi tới người nghèo.” Nói một cách ngắn gọn, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, Giáo Hội đề nghị, phải là kim chỉ nam cho công tác và đời sống mục vụ tại các giáo xứ. Thật vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong văn kiện Evangelii Gaudium 199 nhấn mạnh, “[Nếu] không có lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, ‘công cuộc loan báo Tin Mừng, nguyên thủy vốn là hình thức bác ái, có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc nhấn chìm trong đại dương ngôn từ’.”

Người nghèo trong xã hội Do Thái là một ưu tiên của Đức Giêsu. Những người mắc bệnh phong hủi, tàn tật hay những người bị xã hội đẩy sang bên lề luôn là những mối bận tâm của Đức Giêsu. 10 người mắc bệnh phong sống ở vùng ngoại vi đã được Đức Giêsu chữa lành. Người mù từ thủa bẩm sinh đã được Đức Giêsu dung bùn bôi lên mắt, rồi sai anh ta tới hồ nước trong thành để rửa mắt. Zachaeus, người thu thuế nổi tiếng của thành Jericho đã được Đức Giêsu gợi ý để Ngài có thể bước chân qua ngưỡng cửa của căn nhà người thu thuế cho một bữa ăn tối. Những người vướng bệnh phong hủi, tàn tật hay bị xã hội gạt sang bên lề đường xét trong lăng kiếng văn hóa Do Thái là người nghèo. Nói một cách khác, họ là những người công dân hạng hai trong xã hội.

2. Luke 11:1-17
Câu truyện Đức Giêsu hồi sinh người con trai duy nhất của bà góa thành Nain trong Luke 11:1-17 là một thí dụ về cuộc đối thoại với người nghèo trong xã hội. Khi Ngài hồi sinh người con trai của bà góa, Đức Giêsu không chỉ hồi sinh một mạng người, nhưng ngài còn hồi sinh cả địa vị trong xã hội của bà góa, bởi nếu không có người con trai, bà góa chỉ là công dâng hạng hai trong xã hội Do Thái. Nói một cách khác, bà là một người không có tiếng nói trong xã hội.

3. “Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài” (Luke 11:16)
Bởi cuộc đối thoại với người nghèo trong xã hội, những người chứng kiến phép lạ ngạc nhiên. Họ ngợi ca, “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài” (Luke 11:16). Và tin tức về cuộc đối thoại với người nghèo tại thành phố Nain vang xa tới cả Judea và những vùng phụ cận.

D. Đối Thoại với Môi Trường Sinh Thái
1. Gen 1:26

Trong quá khứ, nhiều người tin rằng con người là chủ nhân tuyệt đối trên mặt đất, dựa vào câu “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất’” (Gen 1:26). Cụm từ “làm bá chủ” xuất hiện một lần nữa trong câu 28 trong cùng một bối cảnh. Dựa vào Gen 1:26, 28 như một phân giải, con người đã xây dựng một xã hội hình thành trên mô hình con người là chủ nhân. Tất cả những loại thụ tạo khác kể cả Trái đất đều xoay quanh trục con người và phục vụ cho quyền lợi con người. Đây chính là mô hình “chủ nhân-đầy tớ” của thời chế độ nô lệ còn là một thực thể. Trong mô hình này, con người là chủ nhân tuyệt đối, Trái đất và các loài thụ tạo khác là đầy tớ không có tiếng nói. Trái đất trong mô hình này bị đối xử như là một đối tượng, một vật thuộc về quyền sở của con người, chứ không phải là ngược lại.

2. Sinh thái học
Nhưng bắt đầu từ giữa thế kỷ hai mươi, giữa những thách đố gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, Sinh thái học, một môn học mới đã xuất hiện nhằm nâng cao ý thức của nhân loại về nét linh thiêng của mọi tạo vật. Sinh thái học đồng thời cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ và những tương tác và hệ lụy song phương giữa con người với Trái đất. “Sinh thái học chú trọng…đến những mối tương quan” giữa những sinh vật trên Trái đất. Sinh thái học thúc đẩy con người phải xem xét lại cách thức mỗi cá nhân nhìn nhận và đối xử với những loài thụ tạo khác, đồng hiện hữu và cùng sinh sống trên mặt Trái đất. Dưới lăng kiếng của Sinh thái học, từ con ong, cái kiến cho tới bụi cỏ, rừng cây và đồi xanh, núi cao trong thiên nhiên, chúng đều có đời sống và/hoặc những vai trò đóng góp để quân bằng đời sống tự nhiên trên mặt Trái đất.

3. Mark 16:15, John 3:16, Laudato Si’
Trong lần đàm thoại với Nicodemus, Đức Giêsu đã mặc khải cho nhà lãnh đạo Do Thái biết rõ lý do tại sao Con Thiên Chúa đã nhập thể. Đó là, bởi vì Thiên Chúa Cha quá yêu thương “thế gian” đến nỗi Ngài đã ban người Con của Ngài xuống thế gian để cứu rỗi (John 3:16). Và trước khi về trời, Đức Giêsu Phục Sinh đã truyền cho các người môn đệ, “Hãy đi khắp bốn phương rao giảng Tin Mừng tới muôn loài thụ tạo” (Mark 16:15). Trong bản văn nguyên thủy của John 3:16, tác giả John đã sử dụng danh từ kósmos, có nghĩa thế giới hay thế gian. Tác giả John không dừng lại ở câu 16, nhưng lập lại cùng một tư tưởng ở câu tiếp theo, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (John 3:17). Nói một cách khác, tác giả John một lần nữa xác nhận “thế giới” là đối tượng mà Thiên Chúa gửi Con của Ngài xuống làm người. Điều nổi bật trong hai đoạn văn này là Thiên Chúa yêu con người, muốn cứu chuộc con người. Và bởi yêu thương thế gian, Ngài muốn cứu chuộc thế gian. Thế giới không chỉ có con người, nhưng bao gồm nhiều sinh vật và thực vật khác. Trong cùng một lăng kiếng mở rộng, Tin Mừng thông thường được “hiểu và diễn giải” trong bối cảnh “tới con người và cho con người.” Nhưng Đức Giêsu Phục Sinh, như được trình bày trong Tin Mừng Mark, trước khi về trời đã khai triển và mở rộng bối cảnh của ơn cứu chuộc. Theo như Đức Kitô, không chỉ có con người mới là đối tượng của ơn cứu độ, nhưng tất cả “mọi loài thụ tạo” đều là đối tượng của Tin Mừng. “Loài thụ tạo” trong Mark 16:15 không phải chỉ có con người, nhưng bao gồm những sinh vật khác, thí dụ, chó, mèo, gà, vịt, con ong, cái kiến, bướm đẹp, sâu róm, cá cua, cỏ dại, hoa mắc cở, cây rừng. Nói một cách tổng quát, tất cả những sinh vật và thực vật và ngay cả núi đồi đều cùng chia sẻ một Ngôi Vườn, “ngôi nhà chung” với con người. Cho nên trong tông huấn Laudato Si’, Pope Francis nhắc tới Thánh Francis Assisi, “người có mối liên hệ với mọi loài thụ tạo, ngay cả các bông hoa, [ngài] cũng rao giảng và mời gọi chúng ‘ngợi ca Thiên Chúa’.” Dưới lăng kiếng Sinh thái học, tất cả các loài thụ tạo trong Ngôi Vườn, hay Ngôi Nhà Chung, hay thế giới đều có mối quan hệ với nhau. Nói ngắn gọn, con người và thế giới có mối quan hệ của liên hệ hỗ tương.

4. SARS-CoV-2
Nhưng rất tiếc, bắt đầu từ những ngày cuộc cách mạng kỹ nghệ bùng nổ, con người gia tăng tốc độ xây dựng thế giới qua mô hình “chủ nhân-đầy tớ.” Với mô hình này, con người hành xử trong vị thế chủ nhân chặt bỏ rừng xanh, xây dựng đô thị, chế tạo xe cộ, xây cất hãng xưởng, đổ ra sông biển hóa chất. Nói ngắn gọn, con người đối xử các loại sinh vật, thực vật và Trái đất như những phương tiện chỉ để phục vụ con người.

Hệ quả của mô hình “chủ nhân-đầy tớ” này là hiện tượng khí thải trong bầu khí quyển của Trái đất gia tăng. Từ những ngày khi cuộc cách mạng kỹ nghệ bùng nổ, khoa học gia ghi nhận lượng khí thải CO2 hiện diện trong bầu khí quyển vượt tới mức hơn 40%. Những khí thải này đã đến từ những sinh hoạt kỹ nghệ, khai thác khoáng sản, phương tiện giao thông, vấn nạn phá rừng, nông trại nuôi bò chăn chiên, v.v.

Và mới đây nhất, cuộc cách mạng thông tin điện tử tạo ra ngôi làng toàn cầu với tuyên ngôn “cho một nền văn minh thượng thặng,” tốc độ sinh hoạt kỹ nghệ tăng vọt dẫn đến hệ lụy phương tiện giao thông tăng vọt, nhiều khu rừng tăng vọt độ bị phá hủy, và thú vật hoang dã cũng tăng vọt tỷ lệ mất đi môi trường sống quen thuộc, sông ngòi và đại dương trở thành bãi rác thải những chất hóa học độc hại.

Không ai có thể ngăn cản được bước đi “cho nền văn minh thượng thặng” của con người cho tới giây phút vi khuẩn SARS-CoV-2 xuất hiện trên mặt Trái đất. Rất nhanh, vi khuẩn SARS-CoV-2 chủng corona “vô hình” đẩy ngược thế cờ. Chủng người “hữu hình” đang ở thế chủ nhân bị đẩy lui hoàn toàn vào thế bị động. Chủng mới corona đi tới đâu, chủng người rút lui vào ở ẩn trong nhà chỗ đó. Bởi bị giới hạn trong bốn bức tường, tất cả những sinh hoạt thường nhật của con người trên Trái đất dừng lại. Bởi thế, độ khí thải CO2 trong bầu khí quyển giảm dần, sau cùng đạt tới con số giảm hơn 7% vào những ngày cuối năm 2020.

III. Đối Thoại Truyền Giáo
1. Ad Gentes 2 và Evangelii Gaudium 120

Giáo Hội nguyên thủy là một Giáo Hội truyền giáo. Công đồng Vatican II qua Ad Gentes xác nhận, Giáo Hội mang căn tính truyền giáo. Nói một cách khác, Giáo Hội đã được Đức Giêsu thiết lập để người tín hữu đi ra và đi tới muôn dân trên mặt đất để truyền bá Tin Mừng. Điều này Đức Giêsu Phục Sinh đã truyền cho 11 vị môn đệ vào chương cuối của Tin Mừng Matthew, “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Matt 28:19). Pope Francis mới đây trong Tông Huấn Evangelii Gaudium 120 xác nhận, Tất cả những ai đã chịu phép Rửa, dù đảm nhận vị trí nào trong Giáo Hội hay trình độ kiến thức và đức tin ở cấp độ nào đi nữa, [họ] đều là những tác nhân của loan báo Tin Mừng… Mọi Kitô hữu đều là những nhà truyền giáo… [Chúng ta] luôn luôn là những người môn đệ truyền giáo.”

Như đã trình bày ở trên, đối thoại là một trong nhiều phương pháp truyền giáo mà Giáo Hội có thể làm để loan báo Tin Mừng. Đặc biệt khi cuộc cách mạng kỹ thuật bùng nổ biến trái đất của năm châu bốn biển thành một ngôi làng toàn cầu. Trong ngôi làng này, tín đồ của các tôn giáo sống chung trong một thành phố, trên một con đường. Hàng xóm của một người tín hữu Công Giáo ở hai bên tay trái và phải có thể là một người di dân Ả Rập hoặc Ấn Độ. Trong thành phố nơi người tín hữu định cư, người ta nhận ra những ngôi chùa của đạo Phật, ngôi đền thờ Hồi giáo và và đền thờ Hindu nằm cách nhau không xa. Thêm vào đó, bởi những biến loạn trong thế giới ngày hôm nay, nhiều người đã rời bỏ vùng đất quê hương ruột thịt để di dân tới những vùng đất mới. Di dân trong một ý nghĩa nào đó cũng là những người nghèo. Họ cần sự chăm sóc của Giáo hội địa phương. Qua Giáo hội, họ nhận ra hình ảnh và tấm lòng của Thiên Chúa yêu thương con người.

2. Đối Thoại Tôn Giáo
Đối thoại với những tôn giáo khác tại địa phương là những điều mà các vị lãnh đạo của giáo hội địa phương có thể thực hiện. Đối thoại tôn giáo theo như văn kiện Dialogue and Proclamation 42 có thể thực hiện trong 4 lãnh vực: Đối thoại trong cuộc sống/Dialogue of life, Đối thoại hành động/Dialogue of action, Đối thoại thần học/Dialogue of Theological Exchange, Đối thoại kinh nghiệm tôn giáo/Dialogue of Religious Experience.

a) Đối thoại trong đời sống, qua đó, mọi người sống trong tinh thần cởi mở và gần gũi, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, và cả những vấn đề và mối bận tâm của con người trong đời sống hằng ngày. Khi Covid-19 tàn phá nhiều thành phố ở Việt Nam, các vị lãnh đạo Công Giáo kêu gọi tu sĩ và linh mục tình nguyện đi vô những bệnh viện phục vụ các nạn nhân Covid-19.

b) Đối thoại hành động, trong đó các Kitô hữu và những người của tôn giáo bạn cộng tác và làm việc với nhau cho một mục đích chung. Đó là, phát triển tâm linh và vật chất. Đối thoại hành động cũng nhắm đến những dự án có khả năng giải thoát con người khỏi những hạn chế trong đời sống, thí dụ, chiến dịch xóa đói giảm nghèo.

c) Đối thoại thần học, nơi các thần học gia tìm cách hiểu sâu hơn về các di sản tôn giáo của họ, và đánh giá cao các giá trị tinh thần của tôn giáo bạn. Các vị lãnh đạo Công Giáo và tôn giáo bạn gặp nhau trao đổi những giá trị của tôn giáo. Một tờ báo chuyên môn về Thần học Liên tôn xuất bản hằng tháng là một dự án khả thi.

d) Đối thoại kinh nghiệm tôn giáo, trong đó mọi người, bắt nguồn từ truyền thống tôn giáo của riêng họ, chia sẻ sự phong phú về tinh thần của họ, chẳng hạn về cầu nguyện và chiêm niệm, đức tin và cách tìm kiếm Thiên Chúa hoặc Đấng Tuyệt đối. Tương tự như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Phanxicô đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo bạn tại nguyện đường thánh Phanxicô Asissi để cầu nguyện cho một hòa bình thế giới, các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam có thể gặp nhau tại thánh thất Cao Đài Tây Ninh, Chùa Thiên Mụ, Nhà thờ Phát Diệm, Đền thờ Hùng Vương để cầu nguyện cho quốc thái dân an.

3. Đối Thoại Văn Hóa
Việt Nam là một quốc gia đa văn hóa. Theo con số thống kê, người Việt Nam bao gồm 54 sắc tộc. Các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm khoảng 14,7% dân số (14.123.255). Chiếm đa số trong 53 nhóm sắc tộc này là người Tày, Thái, Mường, Mông và Nùng. Họ định cư ở phía bắc, tây bắc và tây cao nguyên Trung phần. Nhóm sắc tộc Việt Kinh, chiếm khoảng 85,3% dân số (82.085.729 người). Người Việt Kinh cư ngụ ở khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, và những phần còn lại của Việt Nam. Cùng với nhau, 54 nhóm sắc tộc này hình thành một gia đình văn hóa chung, được gọi là đồng bào.

Ngày Tết của người Kinh Việt cũng như ngày hội lớn trong năm của những sắc tộc Việt khác nên là những ngày Hội Văn hóa của Giáo hội Việt Nam. Vào những ngày hôm đó, mọi người bất luận tôn giáo hay chủng tộc được mời gọi tham gia vào bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc văn hóa sau thánh lễ. Vào ngày hôm đó, mọi tín hữu được Giáo hội Việt Nam được khuyến khích tham gia trong trang phục sắc tộc và chia sẻ với nhau những màn trình diễn văn hóa và thức ăn sắc tộc riêng biệt.

4. Đối Thoại với Người Nghèo
Người di dân không thuộc diện người nghèo nếu phân tích dưới lăng kính vật chất. Nhưng Federation of Asian Bishops Conferences - FABC khẳng định và kết luận di dân vẫn thuộc diện người nghèo bởi ba lý do.

Thứ nhất, di dân chính là nạn nhân của một bối cảnh xã hội, nơi đó, họ bị đòi hỏi hoặc cài đặt vào tình thế bắt buộc phải duy trì hoặc cải thiện đời sống kinh tế của chính họ và gia đình. Bởi thế họ phải rời bỏ quê cha đất tổ! Bởi thân phận di dân, nơi đất khách quê người, họ sẵn sàng làm việc dưới những điều kiện và hoàn cảnh khắc nghiệt, bình thường người bản xứ sẽ không làm, hoặc nếu làm, mức lương tối thiểu cũng không phải mức lương di dân thông thường nhận được.

Thứ hai, người di dân thuộc diện người nghèo, bởi họ bị chia cách với gia đình, bởi thế di dân sống nơi đất khách không thể hoàn thành thiên chức làm cha mẹ hoặc vợ chồng. Nơi quê nhà, con cái họ thiếu vắng hình ảnh và sự chăm sóc của bố mẹ. Sống nơi đất khách, di dân thiếu vắng tình thương của gia đình, sự bảo vệ của họ hàng, và tình liên đới với hàng xóm.

Thứ ba, di dân thuộc diện người nghèo bởi chính hoàn cảnh di dân của họ. Bởi đời sống di dân đặc thù, người di dân sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước những thử thách liên quan tới giá trị đạo đức và đời sống tôn giáo. Nói một cách ngắn gọn, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu – FABC khẳng định di dân thuộc diện người nghèo không phải dưới lăng kính vật chất, nhưng thuộc về lãnh vực của tâm lý và tâm linh.

Bởi thuộc diện người nghèo, di dân xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của giáo hội địa phương bởi Thiên Chúa là Thiên Chúa của di dân; và di dân đã được Thiên Chúa chúc lành từ những ngày đầu tiên trong dòng lịch sử ơn cứu độ. Và bởi di dân là người nghèo, họ được Đức Giêsu chúc lành trong Tám Mối Phúc Thật, “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5: 3). Chính Đức Giêsu cũng đã từng là di dân, và chính Ngài cũng đã tự khoác trên mình thân phận của người di dân khi Ngài phán, “Ta là khách lạ, và ngươi đã tiếp đón ta” (Mt 25:35). Bởi thế, người di dân xứng đáng nhận được sự hỗ trợ mục vụ của giáo hội địa phương.

5. Đối Thoại với Môi Trường Sinh Thái
Nếu cùng nhau xác nhận lại tiền đề con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, được chính Ngài giao ban trên đôi vai sứ vụ cấy trồng và chăm sóc tất cả thụ tạo do Ngài dựng nên; nếu nhận ra chính Đức Giêsu Phục Sinh đã trao tới Giáo Hội trọng trách rao giảng Tin Mừng tới tất cả các loài thụ tạo. Và nếu xác tín rằng Đức Giêsu đã được sai đến để loan báo Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương thế gian, cung cách những người tín hữu liên hệ tới tất cả sinh vật và thực vật trên thế giới này sẽ khác!

Bởi thế, trong bối cảnh của hiểm họa nhiệt độ biến đổi và Trái đất ấm dần, cũng chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Laudato Si’ đã kêu gọi Giáo hội phải lên đường, trăn trở với và hoán cải cách nhìn về vấn đề sinh thái, “ecological conversions.” Nói một cách khác, Giáo hội của ngày hôm nay phải là một Giáo hội Xanh. Để xây dựng một Giáo hội Xanh, tất cả những người tín hữu – lãnh đạo cũng như giáo dân, giáo xứ, cơ sở, học đường phải trở thành Xanh – tín hữu Xanh, giáo xứ Xanh, cơ sở Xanh, học đường Xanh. Giáo Hội của ngày hôm nay theo như Đức Thánh Cha phải là một Giáo Hội thân thiện với môi trường.

Thư Mục Tham Khảo
Ellis, Claire. Culture Shock! Vietnam: A Guide to Custom and Etiquette. London: Kuperard, 1995.
Federation of the Asian Bishops’ Conferences. “Total Human Development and the Church as a Community of Faith in Asia.” FABC Papers 33 (October 1982): 1-8.
Nguyen Van Chu. Tho Cung To Tien (The Veneration of Ancestors) and Evangelization in Vietnam: An Imperative of Inculturation. Quezon City: Institute of Consecrated Life in Asia, 2005.
Peter Phan. Vietnamese – American Catholics. New York/Mahwah, New Jersey: Paulist Press, 2005.
Phillips, Douglas. Vietnam. New York, NY: Chelsea House, 2006.
Pope Francis. Apostolic Exhortation on the Proclamation of the Gospel in Today’s World Evangelii Gaudium. AAS 107 (2013).
__________. Encyclical Letter on Care for Our Common Home Laudato Si’. AAS 112 (2015).
Vũ Thế Bình, chủ biên. Non Nước Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 2005.
Tân Việt, “Tin Tức Việt Nam,” Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 396 (Tháng Tám 2019): 59-64.