Ngày 07-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 08/09: Ai thuộc về gia phả của Chúa? – Lễ Sinh Nhật Đức Maria - Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
03:11 07/09/2022


Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:

Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Đó là lời Chúa
 
Cần một tầm cao của niềm tin
Lm. Minh Anh
05:23 07/09/2022

CẦN MỘT TẦM CAO CỦA NIỀM TIN
“Phúc cho anh em, những người nghèo khó!”.

Một nhà thần học nói, “‘Phúc cho ai nghèo khó, đang đói, hoặc đang khóc!’. Để hiểu nó, bạn ‘cần một tầm cao của niềm tin!’. Mất để mất, mất để được! Bạn đang ở đâu và sẽ đi về đâu?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Mất để mất, mất để được!”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài; đồng thời, xác tín, đây là những lời từ miệng Ngài, “Phúc cho anh em, những người nghèo khó”, “đang phải đói”, “đang phải khóc!”. Rất nghịch thường, nhưng đây là sự thật. Để có thể hiểu những lời này, như nhà thần học kia lưu ý, chúng ta ‘cần một tầm cao của niềm tin!’.

Chúng ta có thể hình dung Chúa Giêsu đang ngước mắt lên, nhìn vào khuôn mặt của những kẻ theo ngài. Hôm nay, Ngài cũng nhìn vào mắt bạn và tôi; thu hút sự chú ý của bạn và tôi bằng ánh mắt yêu thương đó. Chúng ta chấp nhận những gì Ngài nói, bởi đây là lời của chính Ngài, không ai khác; và chúng ta tin, Ngài là Ngôi Lời, có lời ban sự sống đời đời. Đương nhiên, nghèo nàn, đói khát, buồn phiền và bị loại trừ không hấp dẫn ai, nhưng chúng là những giá trị thực của Nước Trời mà Chúa Kitô đã công bố, và thế là đủ cho tôi và bạn!

Trước hết hãy tìm Nước Chúa! Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta tìm kiếm các giá trị trên cao, quên đi bản thân và an nhàn thế tục. Ngài sẽ chăm sóc, bồi thường cho chúng ta. Thiên đàng đang đợi; ở đó, tiếng cười và niềm vui, một sự viên mãn chúng ta không thể nào lường trước. Quả là gian nan khi không tìm kiếm “thiên đàng trên mặt đất” trong giàu sang, danh lợi như bao người. Thế nhưng, người đời mất để mất; họ mất sức lực, thời giờ, sức khoẻ để làm giàu… nhưng rốt cuộc, tay trắng ra đi; mất để mất! Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói, “Thời giờ vắn vỏi… những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi”. Như vậy, ai không dính bén thế sự, dám mất tất cả vì Nước Trời, sẽ được tất cả, họ được Chúa; mất để được! Nó ‘cần một tầm cao của niềm tin’ và một tinh thần kiên định!

Khác với các phúc của Matthêu, bốn phúc của Luca còn kèm thêm bốn điều cảnh báo, “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”, “được no nê”, “được vui cười”, “được ca tụng”. Nếu con đường của bạn và tôi xem ra phù hợp hơn với những mặt đối lập này; hôm nay, hãy nhìn lại! Tôi đang ở đâu và sẽ đi về đâu? Con đường đó, về lâu dài, dẫn tôi đến đâu?

Vậy, đừng đặt niềm tin vào vật chất và các thứ phù du; đừng tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo ‘những người bán khói’, những kẻ chào mời một nền văn hoá chết chóc, những chuyên gia về ảo tưởng, vốn chỉ ‘mất để mất!’. Chúng ta ‘cần một tầm cao của niềm tin’, mở mắt tâm hồn, hầu có được cái nhìn sâu sắc hơn về thực tại và chữa lành tật ‘thiển cận kinh niên’ mà tinh thần thế tục đã lây nhiễm. Với những lời nghịch lý của mình, Chúa Giêsu khuấy động chúng ta, Ngài tiết lộ điều gì thực sự làm chúng ta phong phú, no thoả; mang lại cho chúng ta niềm vui và phẩm giá; những gì thực sự mang lại ý nghĩa và sự viên mãn cho một cuộc sống ‘mất để được!’.

Anh Chị em,

“Phúc cho anh em, những người nghèo khó!”. Nói những lời này với các môn đệ, với đám đông theo Ngài ngày ấy; hôm nay, Chúa Giêsu dường như cũng đang muốn nói với bạn và tôi. Hãy đặt các giá trị thế gian vào đúng vị trí của chúng; rõ ràng, đó là những gì ‘mất để mất’. Đang khi với Chúa Giêsu và Vương Quốc Ngài, những gì không thể sánh ví, chúng ta ‘mất để được’. Được Giêsu, được tất cả; mất Giêsu, mất hết. Không dễ! Phải ‘cần một tầm cao của niềm tin!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, khi con kết hợp với Chúa trên đất, xin giúp con trải nghiệm một chút niềm vui có Chúa trên trời, Đấng con sẽ được, khi chấp nhận mất tất cả!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Bao dung nhân hậu noi gương Chúa Cha
Lm. Đan Vinh
05:28 07/09/2022

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN C
Xh 32,7-11.13-14; 1 Tm 1,12-17; Lc 15,1-32
BAO DUNG NHÂN HẬU NOI GƯƠNG CHÚA CHA

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 15,1-32
(1) Tất cả những người Thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các kinh sư thì lẩm bẩm : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. (3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này : (4) Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (5) Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói : “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy, tôi nói cho các ông hay : “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. (8) Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? (9) Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói : “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất”. (10) Cũng thế, tôi bảo cho các ông hay : “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. (11) Rồi Đức Giê-su nói tiếp : “Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng : “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với Người : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. (20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”. (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23) rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. (25) Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. (27) Người ấy trả lời : “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha : “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh. Thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”. (31) Nhưng người cha nói với anh ta : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

2. Ý CHÍNH :
Thấy Đức Giê-su gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi, nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư lên tiếng trách cứ Người. Bấy giờ Người đã dùng ba dụ ngôn diễn tả lòng thương xót và niềm vui của Thiên Chúa đối với những tội nhân biết hối cải là : “Con chiên bị lạc”, “Đồng bạc bị đánh mất” và “Người Cha nhân hậu”.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-3 : + Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi : Trong xã hội Do thái, những người thu thuế bị coi như tội nhân công khai. Người thu thuế và gái điếm là hai hạng người thường bị nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư lên án (x. Lc 5,30; 7,34). Ở đây Lu-ca ghi nhận những người thu thuế và tội lỗi thường đến nghe lời Đức Giê-su giảng. Điều này cho thấy Đức Giê-su không khinh dể xa lánh tội nhân, nhưng sẵn sàng đón tiếp để cứu độ họ.
- C 4-7 : + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con... : Hình ảnh người mục tử với đàn chiên là một đề tài cổ điển của Cựu ước, nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Người (x. Lc 12,32). Con chiên tìm lại được là biểu tượng về ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Mt 4,6-7). Lu-ca cho thấy tình thương của Thiên Chúa là Đấng luôn đi tìm và đưa các tội nhân trở về đàn chiên (x. Lc 15,4-7). + Để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất : Ở đây phải hiểu ngầm là chín mươi chín con chiên trong đàn đã được mục tử nhốt ở một nơi an tòan trong hoang địa, trước khi đi tìm con chiên lạc. Tuy chỉ là một con chiên, nhưng đối với mục tử cũng là một số lớn, đến nỗi ông quyết tâm đi tìm bằng được. Điều này cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với kẻ có tội thật lớn lao.
- C 8-10 : + Người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng... : Đồng quan là một đơn vị tiền tệ của Hy-lạp. Đơn vị tiền tệ này tương đương với quan tiền Rô-ma (x. Lc 7,41), là tiền công nhật của một nông nhân làm việc đồng áng (x. Mt 20,2). + Lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? : Nhà của người dân Pha-lét-tin làm bằng đất sét và có ít cửa nên bị tối. Do đó, dù giữa ban ngày, để tìm kiếm một vật nhỏ như một quan tiền, người ta cũng phải thắp đèn cầy lên. Trong dụ ngôn này, một phụ nữ vốn liếng chỉ có mười quan tiền, nên phải vất vả tìm kiếm cho bằng được đồng quan bị mất... Điều này ám chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Người không muốn bất cứ ai bị hư mất, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. + Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối : Thiên Chúa vui mừng và chia sẻ niềm vui với cả triều thần thánh trên trời khi thấy một người tội lỗi ăn năn hối cải trở về.

4. CÂU HỎI :
1) Những ai bị người Pha-ri-sêu và kinh sư khinh dể, nhưng được Đức Giê-su sẵn sàng đón tiếp?
2) Thánh kinh thường dùng hình ảnh nào để diễn tả tương quan giữa Đức Chúa với Ít-ra-en là con dân của Người?
3) Phải chăng người mục tử bỏ mặc 99 con chiên giữa hoang địa cho sói dữ cắn xé, để đi tìm một con chiên bị lạc?
4) Hai dụ ngôn nào diễn tả tình thương của Thiên Chúa luôn quan tâm đi tìm các tội nhân, và dụ ngôn nào cho thấy tình thương của Người sẵn sàng tha thứ và đón nhận tội nhân sám hối trở về?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA :
“Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

2. CÂU CHUYỆN :

1) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA SỰ THA THỨ :
Ngày 13-5-1981, giữa lúc hàng chục ngàn người chen chúc nhau tại quảng trường thánh Phê-rô để đón Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên làm mọi người đứng tim. Đức Thánh Cha đã bị ngã gục trên chiếc xe mui trần, máu vọt lên tung tóe. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị giáo hoàng bị mưu sát. A-li A-ga-ca, hung thủ tội ác, đã bị bắt ngay tại chỗ. Sau đó hung thủ người Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam tại nhà tù Re-bi-bli-a ở Rô-ma. Cả thế giới đều kinh hoàng về tội ác tày trời này. Năm 1984, thế giới còn kinh ngạc hơn nữa khi Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, là người đã bị ám sát trước đó, đã đến thăm và nói chuyện với kẻ sát hại mình tại nhà tù. Không ai biết hai bên nói gì với nhau, nhưng qua hệ thống truyền thông, mọi người đều rất cảm động khi thấy Đức Thánh Cha bắt tay A-li A-ga-ca, với nụ cười trìu mến. Phải chăng đây là hình ảnh sống động nhất về tình yêu của Đức Giê-su khi Người niềm nở đón tiếp các tội nhân.
Ít lâu sau, vợ của kẻ sát nhân đã đến Rô-ma để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha, vì ngài đã sẵn sàng tha thứ cho chồng của mình. Còn chính hung thủ A-li A-ga-ca sau khi mãn hạn tù, đã xin được nhập vào quốc tịch Va-ti-can và được trở thành em nuôi của Đức Thánh Cha.

2) LOÀI NGƯỜI THÍCH KẾT ÁN HƠN LÀ CẢM THÔNG VỚI TỘI NHÂN :
Bệnh HIV AIDS (hay SI-DA) ngày nay đã trở thành một vấn đề lớn của nhân loại, một “căn bệnh của thế kỷ” mà đến nay loài người vẫn chưa tìm ra phương thế chữa trị hữu hiệu. Cách đây ít lâu, trên đài VTV3 có chiếu một bộ phim nhiều tập khá hay, nhan đề là “Gió qua miền tối sáng”. Bộ phim đề cập đến số phận của nhiều nhân vật bị lây nhiễm vi-rút liệt kháng (HIV-AIDS). Thái độ của các bệnh nhân đầu tiên thường là bàng hoàng, không tin là mình lại bị mắc chứng bệnh quái ác này. Rồi sau khi đã chấp nhận thực tế, một mặt họ tìm xem ai đã lây bệnh cho mình, mặt khác họ vẫn cố che giấu không để người chung quanh biết mình đã bị mắc bệnh. Rồi trong số những người mắc bệnh, người thì chấp nhận hoàn cảnh để cố sống tốt đẹp và tránh lây bệnh cho tha nhân. Nhưng cũng có kẻ hận đời và sống buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi, nhằm truyền bệnh cho nhiều người khác cùng chết với mình cho hả dạ. Còn quần chúng nói chung, do chưa hiểu về phương cách lây lan, nên khi vừa nghe người nào mắc phải thứ bệnh quái ác này là bắt đầu bàn tán xầm xì to nhỏ và cảnh giác cao độ, thể hiện qua thái độ xa lánh bệnh nhân... khiến người mắc bệnh cảm thấy cô đơn và tủi hổ. Cuối cùng người bệnh đành phải dời chỗ đến nơi không ai biết mình bị mắc chứng bệnh này.
Gần đây ở Phi-líp-pin cũng có chiếu một bộ phim tài liệu về việc phòng chống HIV AIDS. Phóng viên đã hỏi một thanh niên bị mắc bệnh AIDS thời kỳ chót : “Anh dự định thế nào về tương lai của anh?” Chàng thanh niên đã thành thật cho biết như sau : “Tôi hy vọng sau khi tôi chết, hãng bảo hiểm nhân thọ sẽ trả cho tôi một số tiền để nuôi chú chó cưng của tôi. Vì từ khi tôi công khai thừa nhận chứng bệnh này, tôi đã bị mọi người khinh dể xa lánh, kể cả những người thân trong gia đình ruột thịt của tôi. Chỉ có chú chó cưng là không thay lòng đổi dạ. Nó vẫn tiếp tục vẫy đuôi mừng rỡ mỗi khi gặp mặt tôi như trước”.

3) LÒNG THƯƠNG XÓT SẼ CHIẾN THẮNG SỰ THÙ HẬN :
Cha PI-Ô là một vị linh mục nổi tiếng thánh thiện. Ngày kia, ngài tới Ro-ton-do và tình cờ gặp Ce-sa-re Fes-ta, một kẻ đứng đầu phái Tam Điểm tại đây. Khi gặp ngài, ông ta ngạc nhiên và nói :
- Ngài cũng ở đây với chúng tôi, những người theo phái Tam Điểm hay sao?
Cha Pi-ô đáp lại :
- Phải, thế mục đích của các anh là gì?
Ông ta trả lời :
- Chúng tôi chống lại Giáo hội.
Cha Pi-ô liền cầm lấy tay ông ta, nhìn ông ta bằng cặp mắt trìu mến, rồi kể lại cho ông ta nghe dụ ngôn đứa con hoang đàng, hay câu chuyện tấm lòng của một người cha.
Một giờ sau, ông ta đã quì gối xưng tội. Rồi sau đó, ở mọi nơi và trong mọi lúc, ông ta sẵn sàng tuyên xưng lòng khoan dung và thương xót bao la của Thiên Chúa.
Còn chúng ta hôm nay có sẵn sàng sám hối ăn năn trở về cùng Thiên Chúa để được ơn tha thứ không? Vì tâm tình sám hối ăn năn chính là phương thế để được Chúa thứ tha.

4) NOI GƯƠNG CHÚA ĐỂ XÓT THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI :
Một lần kia, các tu sĩ trong miền dẫn tới Đức Giám Mục An-mô-na một thiếu nữ mang bầu xin ngài ra hình phạt. Nhưng Đức cha đã ban phép lành cho thai nhi, rồi ra lệnh ban cho cô sáu tấm vải bằng lanh mịn. Những kẻ tố cáo lại nói :
- Tại sao Đức Cha làm như thế? Xin ra cho nó một hình phạt.
Ngài ôn tồn bảo :
- Anh em thử nghĩ xem, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi phải làm gì hơn nữa?
Nói thế rồi ngài cho cô ta về. Từ đấy không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.

3. SUY NIỆM :

1) Đặc tính của lòng thương xót của Thiên Chúa :

a) Không bỏ rơi nhưng quyết tâm đi tìm chiên lạc :
Đức Giê-su là mục tử tốt lành biết rõ và gọi tên từng con chiên (x Ga 10,14), đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (x Ga 10,10). Con người thật đáng quí trước mặt Người. Người tìm kiếm con người và không muốn một người nào bị hư mất. Như người mục tử tốt lành không đành bỏ rơi một con chiên lạc, nhưng quyết tâm đi tìm cho tới khi tìm thấy (x Lc 15,4); Như người đàn bà có mười quan tiền bị rớt một đồng, đã không bỏ mặc, nhưng đốt đèn, quét nhà quyết tìm lại bằng được (x Lc 15,8); Như người cha có hai đứa con trai, đã không bỏ mặc đứa con thứ bất hiếu đi hoang, nhưng hằng ngày mong chờ nó hồi tâm sám hối trở về (x Lc 15,20).

b) Vui mừng khi tìm lại những gì đã hư mất :
Đức Giê-su là hiện thân lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Người không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. Người vui mừng đón tiếp tội nhân trở về giống như mục tử tốt lành đi tìm một con chiên lạc, khi tìm được rồi liền vui mừng vác nó trên vai và đưa về đàn. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói : “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó” (Lc 15,5-6);
Thiên Chúa cũng giàu lòng từ bi nhân hậu như người đàn bà kia có 10 đồng bạc đã bỏ công tìm kiếm một đồng bị mất. Khi tìm thấy rồi liền nói với người xung quanh : “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được quan tiền tôi đã đánh mất” (Lc 15,9);
Thiên Chúa còn hành xử bao dung như người cha nhân lành, hằng ngày chờ mong đứa con đi hoang trở về, và khi thấy bóng nó từ đàng xa, đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ nó và hôn lấy hôn để. Rồi không để nó nói hết câu thú tội, đã sẵn sàng tha thứ và trả lại mọi quyền lợi mà nó đã mất khi bỏ nhà đi hoang : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,20-24).

2) Đối xử thế nào với tội nhân noi gương Mục Tử nhân lành Giê-su?

a) Cảm thông với tội nhân :
Trong cuộc sống, chúng ta thường có thái độ giống như các biệt phái và Kinh sư khi thích xét đoán và kết án tha nhân. Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của Đức Giê-su đầy lòng thương xót : Người cảm thông khi ngồi đồng bàn với các người thu thuế tội lỗi; Người chọn một người thu thuế tên là Lê-vi vào số mười hai Tông đồ; Người bênh vực và cứu người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi bị ném đá chết… Sở dĩ Người ưu ái gần gũi tội nhân là vì muốn chữa lành cho họ như Người đã nói: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9.13).
Chỉ có một tội không bao giờ được tha là tội kiêu ngạo của ma quỷ khi “xúc phạm đến Chúa Thánh Thần”. Đó là tội chết mất linh hồn mà các người Pha-ri-sêu và Kinh sư Do thái đã lỗi phạm, khi cố chấp không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, mượn tay Phi-la-tô kết án tử hình thập giá cho Người, và từ chối gia nhập Nước Trời do Người thiết lập.

b) Đi tìm kiếm tội nhân và vui mừng đón nhận họ trở về :
Thiên Chúa luôn yêu thương mọi người là con cái của Ngài. Ngài đã sai Con Một đến trần gian là Đức Giê-su để ban ơn cứu độ cho loài người. Khi đi giảng đạo, Đức Giê-su muốn cho mọi người đều gia nhập Nước Trời để được cứu độ. Đặc biệt Người ưu ái đối với các tội nhân: bênh vực người đàn bà ngoại tình khỏi bị kết án, tha thứ cho người trôm lành thật lòng sám hối ăn năn, đi tìm các con chiên lạc và vui mừng tiếp nhận họ, sẵn sàng kêu gọi người thu thuế Mát-thêu vào nhóm 12 tông đồ, cho cô gái tội lỗi Ma-ri-a Ma-đa-le-na theo làm môn đệ của Người… Việc đi tìm và đưa những tội nhân sám hối trở về với Chúa cũng chính là sứ mạng của mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay.

c) Quảng đại tha thứ những xúc phạm của kẻ khác đối với chúng ta :
- Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng từ bi tha thứ tội lỗi chúng ta, thì Người muốn chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ các xúc phạm của tha nhân đối với chúng ta, như người cha trong dụ ngôn đã yêu cầu người anh cả tiếp nhận đứa em đi hoang trở về. Trong thực tế, người ta chỉ dễ tha thứ lỗi lầm của kẻ khác khi ý thức được tình trạng tội lỗi của mình. Có nhận mình là tội nhân, chúng ta mới cảm thông và dễ tha thứ cho kẻ khác.
- Đừng đòi kẻ có tội phải bị trừng phạt mới vừa lòng : Mục sư Mác-tin Lu-thơ Kinh (Martin Luther King) đã nói như sau : “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì chắc mọi người đều đã trở thành những kẻ mù lòa từ lâu rồi !”. Một phóng viên đã hỏi Tổng thống LANH-CÔN (A Lincoln) là ông sẽ làm gì đối với dân Miền Nam sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ? Ông liền trả lời : “Tôi sẽ đối xử với họ như họ chưa bao giờ bỏ nhà đi hoang”.
- Đây cũng chính là cách đối xử của Đức Giê-su đối với các tội nhân. Người sẵn sàng tha thứ vô điều kiện, “phục hồi trọn vẹn” cho ông Phê-rô, như thể ông chưa bao giờ phạm tội chối Thầy. Đây cũng chính là cách chúng ta phải cư xử với kẻ xúc phạm đến chúng ta : Phải sẵn sàng tha thứ với một tình thương bao dung giống như Thiên Chúa đã bao dung với chúng ta, như lời cầu trong kinh Lạy Cha : “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Vì nếu chúng ta đối xử với tha nhân thế nào, thì Thiên Chúa công minh cũng sẽ xử với ta như thế: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,2).
- Thánh Phao-lô dạy các tín hữu chúng ta sống đức mến như sau : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc; không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không mùng khi thấy sự gian ác,nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả; hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7).

4. THẢO LUẬN :

Giả như bạn là người anh cả trong dụ ngôn hôm nay thì bạn sẽ làm gì : vào nhà cha để cùng tham dự bữa tiệc vui đón đứa em đi hoang trở về, hay đứng bên ngoài kêu trách lòng nhân hậu của Cha, như các người Pha-ri-sêu và kinh sư xưa đã làm?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHA. Xin dẫn dắt chúng con mau quay về với Cha, giúp chúng con điều chỉnh những sai lỗi. Xin giúp chúng con sớm trỗi dậy, vì tin rằng tình thương của cha còn lớn hơn muôn ngàn lần những tội lỗi của chúng con. Ước gì vấp ngã sẽ làm chúng con trưởng thành hơn, thấy được sự mỏng dòn yếu đuối của mình và cảm nghiệm được lòng Cha bao dung nhân hậu. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con cũng biết đối xử từ bi thương xót đối với những kẻ đã xúc phạm đến chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Hãy là những người con trong Người Con
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:35 07/09/2022

HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI CON TRONG NGƯỜI CON
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu, người Cha, dù nhân hậu, lại thật bất hạnh. Ông chỉ có hai đứa con nhưng cả hai đều "có vấn đề". Các con của ông vừa khác nhau nhưng cũng vừa giống nhau.

1. KHÁC NHAU GIỮA NGƯỜI CON CẢ VÀ NGƯỜI CON THỨ.

Người con thứ nổi loạn với cha và gia đình mình. Nó đòi Cha chia gia tài rồi "hốt" tất cả tài sản được chia bỏ ra đi hết sức vô tình, hết sức cứng cỏi, không thèm nhìn lại ngôi nhà của mình, nơi đã từng ôm ấp mình, nơi mình được bảo vệ và bao bọc trong tình thương trời bể, nơi mình đã từng sinh ra, cho mình tuổi thơ và sự trưởng thành...

Nặng hơn, hành động ra đi tàn nhẫn của đứa con không thèm đếm xỉa đến tình cảm của Cha, bỏ mặc nỗi đau quặn thắt khi Cha phải đối diện trước cái chết của linh hồn mà con ông, dù đã lớn nhưng không khôn, đang chọn lựa.

Khi bỏ nhà, bỏ Cha, chối từ luôn cả tình yêu của Cha, đứa con thứ tự coi gia đình là nhà tù đối với bước chân “yêu đời”, là vách núi ngăn cản sức sống đang lên của nó. Nó quyết định cho mình con đường riêng bằng sự phủ nhận tất cả tình yêu và công trạng của người Cha Già chỉ biết yêu thương, suốt đời cặm cụi dành hết mọi tình yêu thương ấy cho con mà thôi.

Trong hành động trác táng, suy đồi, đứa con thứ không chỉ phung phí sạch sức khoẻ bản thân, tài sản, thanh danh gia đình, mồ hôi nước mắt cha mẹ, mà còn phản bội và giẫm đạp tất cả, chỉ để tìm một chút thỏa mãn của bản thân.

Chơi bời vô độ nên chóng suy sụp, trác táng không điểm dừng nên ngày đi huy hoàng bao nhiêu, giờ đây sau bao cuộc vui chí tử, thằng con ra hèn hạ, bần cùng, tàng tạ không còn thể thống, không còn hình người bấy nhiêu.

Sau bao lần ném mình vào chốn không thuộc về loài người, cho nó cái kết bi thảm: Heo là vật người Dothái ghê tởm, vậy mà nó phải đi với heo. Kinh khủng hơn, độ tàn tạ và mất nhân tính của nó lớn đến nỗi, nó muốn nhét thức ăn của heo vào miệng, nhưng cũng chẳng ai cho. Thua cả heo!

Trong sự dơ bẩn tột cùng của bản thân, đứa con thứ nhìn thấy Cha. Tuy nhiên, cho tới lúc đang ở đáy bùn đen, thì động lực trở về vẫn không là tình yêu của Cha, mà chỉ vì bản thân quá tả tơi, quá thê thảm mà thôi.

Thánh Luca cho biết suy nghĩ của đứa con: "Bao nhiêu người làm công cho cha tôi được cơm dư gạo thừa, mà tôi lại chết đói! Thôi, tôi đứng lên, đi về cùng cha". Động lực trở về của đứa con chỉ là cái bao tử, chỉ là miếng ăn!

Chắc chắn, nếu không rơi vào tang thương đầy sỉ nhục, đứa con không bao giờ nhớ Cha, không bao giờ sám hối vì bỏ Cha ra đi. Nó sẽ chẳng mảy may nhìn lại mái ấm mà nó từng dung thân, nơi mà Cha nó đang từng ngày già nua, héo hắt và đau yếu luôn chực chờ tấn công. Nó cũng chẳng bao giờ tiếc xót mớ sản nghiệp mà Cha tần tảo, cặm cụi một đời chỉ để nó phá nát trong phút chốc.

Cho đến ngày nó trở về, cuộc trở về vẫn không trọn vẹn. Nó hoàn toàn không vì Cha yêu hay yêu Cha. Nó trở về không thực sự do lòng thống hối thúc đẩy. Nó trở về chỉ vì hết đường chọn lựa. Nó trở về vì cuộc đời mà nó từng yêu thích và đồng hành đã lột sạch con người nó. Giờ đây nó chỉ là một thứ rác rưởi, bị cuộc đời ghẻ lạnh, bị trôi dạt ra bên lề cuộc đời ấy. Chỉ có đường về nó mới sống. Cứng đầu ở lại, nó sẽ chết. Vì nó đã đói đến tận cùng.

Người con cả thật hoàn hảo. Chẳng những nó không đòi chia gia tài, không đòi của cải, mà hằng ngày còn lo làm lụng để có thể bổ sung vào số tài sản của Cha, hay chí ít là không làm tài sản của Cha hao hụt. Nó nghiêm túc làm việc và có trách nhiệm với công việc, đến nỗi ngày đứa em trở về, nó còn không hay biết. Lúc em trở về, đứa con cả đang ở ngoài đồng.

Cứ nhìn diện mạo thì thấy, nó quá hiếu thảo, quá vâng phục Cha. Nó không bỏ nhà, không bỏ Cha để đi hoang. Nó không ăn chơi, không rượu chè trác táng, ngược lại còn luôn ở bên cạnh Cha, ở trong nhà Cha. Cứ sự thường mà nói, đứa con cả thuộc hàng “công chính”. Trước mắt mọi người, đứa con cả là đứa con mẫu mực, đáng khen, đáng học đòi bắt chước.

Đứa con cả là đại diện cho chúng ta. Hay chúng ta là khuôn đúc của đứa con cả. Chúng ta cũng ở trong nhà Cha của mình, ở cạnh Cha của mình. Bởi hơn ai hết, chúng ta đọc kinh ngày mấy lần, nguyện tắt ngày mấy lượt. Chúng ta suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, dâng thánh lễ mỗi ngày. Chúng ta lần chuỗi đều đặn, viếng Chúa thường xuyên. Chúng ta thấy mình, biết mình, hãnh diện mình thuộc về Chúa… Tắt một lời, chúng ta ở trong “nhà Cha” của mình còn hơn con tim ở trong lồng ngực. Chúng ta có dư lý do để người đời thấy chúng ta là… “thánh”.

Dù vậy, thật mỉa mai: Đứa con cả không vô tội!

2. GIỐNG NHAU GIỮA NGƯỜI CON CẢ VÀ NGƯỜI CON THỨ.

Thực ra cả hai đều Đi hoang, phản bội và bất hiếu.

Không đứa nào chia sẻ một chút tâm tư của Cha. Chưa từng có đứa con nào trong hai đứa cho thấy chúng hiểu được những tình thương, tình cảm của Cha. Chúng chưa từng nhận ra bất cứ ưu tư hay hoài bão nào của Cha.

Không một đứa hiểu được tình Cha yêu chúng lớn là dường nào. Cha là tình thương nhưng mỗi đứa con chỉ là một thế giới của ích kỷ. Cha bao dung nhưng con chỉ hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở, ngược lại, tâm hồn của những đứa con lại khép kín.

Trong khi Cha luôn tìm con, thì các con lại không ngừng buông mình ra khỏi lòng Cha. Cha luôn đi về phía các con để mong chúng thấu hiểu mình, thì chúng càng ngày càng ra khỏi nhà Cha, xa cách lòng Cha. Cha sẵn sàng tha thứ, còn các con chỉ biết kết án. Chúng chỉ lo cho bản thân, chỉ muốn hưởng thụ hay kéo mọi thứ về phía bản thân, bất kể Cha đêm ngày vun quén cho chúng.

Không đứa nào thấy hình ảnh Cha già hắt hiu mà động một chút lòng xót thương, thông cảm hay đỡ nâng. Không đứa nào có ít nhất vài lời nghĩa ân, hay tệ lắm cũng là tiếng cám ơn để Cha còn thấy chút gì thương cảm dành cho ông còn sót lại trong cõi lòng chúng.

3. Đừng là ai, dù con cả hay con thứ.

Qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu, Chúa Giêsu cho thấy, Thiên Chúa có một gia đình. Chính Thiên Chúa là Cha, chúng ta là con. Trong gia đình của Thiên Chúa, có những đứa con đi cùng tội lỗi, ngỗ nghịch, hoang đàng. Cả những người tưởng chừng công chính, vẫn không hoàn toàn công chính. Bất cứ ai trong chúng ta đều có những đổ vỡ, những thấy bại, những tội lỗi. Chúng ta không thể nhớ nổi, trong đời mình, bao nhiêu sa ngã, hư thân và tội lỗi.

Hãy luôn tâm niệm, dù tôi là hình ảnh của đứa con cả hay đứa con thứ, tôi đều cần trở về, đều cần nối lại tình thương của Cha trong tôi, đều cần một vòng ta ôm ấp ấm áp của Cha. Bởi dù tôi chưa đi hoang trong đời sống, chưa rời bỏ đức tin, chắc chắn đã rất nhiều lần, do suy nghĩ, hành động, lối sống của tôi không phù hợp đường lối của Cha mình, là tôi đã đi hoang trong chính tâm hồn.

Đừng bao giờ mang tư tưởng cho rằng, tôi đang ở trong nhà Cha, tôi không cần trở về. Chỉ có đứa con thứ ngỗ nghịch mới phải trở về mà thôi. Không. Nếu đứa con thứ chỉ có một cuộc trở về thì đứa con cả phải cần gấp đôi: Nó phải trở về với Cha và với em nó!

Từng người hãy nhìn vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa mà ăn năn tội. Hãy vì tình yêu của Chúa mà làm lại cuộc đời, mà vươn lên thoát khỏi những ảnh hưởng và cám dỗ của tội lỗi. Chúng ta hãy đáp trả tình yêu của Chúa bằng nỗ lực liên tục sống trong Chúa, cậy dựa vào Chúa và luôn nỗ lực làm việc thiện, tránh xa những gì dẫn chúng ta đến chỗ xa rời Chúa.

Chúng ta đừng là đứa con nào trong hai đứa con của dụ ngôn, mà hãy là người con theo mẫu của Người Con Một của Thiên Chúa. Hãy mang lấy hình ảnh của Chúa Giêsu. Hãy học lấy tấm gương trung hiếu của Chúa Giêsu. Hãy lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu. Hãy thực tập gương thảo hiếu mà Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha.

Tắt một lời, chúng ta đừng là đứa con nào của dụ ngôn, nhưng hãy nên những người con trong Một Người Con để gắn bó với Thiên Chúa, để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn gần chúng ta để trao ban tình yêu như Người Cha đến với con mình.





 
Tôi – Thiên Chúa – và tha nhân
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:56 07/09/2022
Tôi – Thiên Chúa – và tha nhân

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIV – C

(Lc 15, 1-3. 11-32)

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ XXIV thường niên C hôm nay như là một bức tranh ba chiều, giúp chúng ta đọc, nghe và suy gẫm để khám phá ra : Tôi là ai? Tha nhân là ai? Và Thiên Chúa là Đấng nào?

Bài đọc I trích sách Xh 32, 7-11.13-14 qua cách sử sự của Môse cho thấy tha nhân cần được kêu cứu như thế nào.

Đứng trước một dân được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn, ấp ủ và đỡ nâng, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Chúa luôn muốn điều tốt cho dân, bảo vệ dân khỏi mọi tai ương, dẫn dân ra khỏi ách nô lệ Ai cập, vậy mà giờ đây dân bỏ Chúa, thay vì thờ Chúa lại yêu cầu Aaron đúc bò vàng thờ : “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai Cập” (Xh 32, 1).

Để sửa trị dân, Thiên Chúa đã truyền cho Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và bảo: đây là thần của chúng ta” (x. Xh 32, 7-9). Chúa nổi giận, muốn tiêu diệt dân này, chỉ còn lại gia đình ông Môsê. Nhưng Môsê thưa cùng Thiên Chúa: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân ». Ông nại đến lời Chúa hứa với Abraham, Isaac và Israel”. Nhờ vậy: “Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe”. Môsê, quả là một con người tuyệt vời. Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ nói: “Được đó, Chúa giết sạch hết đi, chừa lại nhà của con thôi, con sẽ làm cho Chúa được vinh quang, rạng rỡ…”. Đằng này: “Ông lại cố làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại”, ông van xin Chúa tha cho dân, ông coi dân như chính bản thân mình, gắn bó với dân, không màng chi đến những lợi lộc cá nhân, coi tội lỗi của dân chính là tội lỗi của mình. Đúng là thương người như thể thương thân.

Môsê thương dân, vì ông cũng là người được Chúa thương. Về điểm này, thánh Phaolô cũng có lòng thương người như vậy. Ông nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong thư gửi cho Timôthêô Phaolô nói rất rõ ràng: “Đức Giêsu Kitô đã đến thê gian để cứu những người tội lỗi”, ông cũng không ngần ngại xác nhận: “Mà kẻ đầu tiên là tôi’’ (1Tm1, 15). Ông không giấu diếm về quá khứ của mình: “Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược” (1Tm1, 13). Tuy nhiên: “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người” (1Tm1, 14). Có ai ngờ một người bắt đạo lại trở thành một người giảng đạo cách nhiệt thành. Đó là mầu nhiệm thánh thiện và tội lỗi nơi cuộc đời Phaolô, vị tông đồ dân ngoại. Người được Chúa xót thương.

Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương. Cả ba dụ ngôn đều thể hiện Tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả những ai chẳng được yêu và cũng chẳng đáng yêu, gián tiếp lên án sự cứng cỏi và khắc nghiệt mà những con người “đàng hoàng” hơn kia đã đối xử với họ”.

Người cha, từ ngày con bỏ nhà ra đi, ông thương con, ngày ngày ra ngóng con trở về, nên khi ông thấy nó từ đàng xa, ông quên cả tuổi già và quên luôn cuộc sống phóng đãng của con trai ông, ông chạy tới ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy lấy hôn để. Thằng con trai ông hết sức kinh ngạc về tình yêu mà cha nó dành cho nó.

Khi quan sát hình ảnh người cha ôm người con, nghe người cha nói với người con khiến chúng ta liên tưởng tới Thiên Chúa là Cha xử với chúng ta là tội nhân như thế. Thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars đã thốt lên rằng : “Đây hình ảnh tuyệt đẹp về sự vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa đối với tội nhân khốn khổ nhất!... Ôi Thiên Chúa của con, rằng tội lỗi là một cái gì đó thật khủng khiếp! Làm thế nào chúng con có thể phạm tội được? Nhưng tất cả chúng con là những kẻ khốn nạn, ngay khi chúng con còn là tội nhân, thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước. Lòng thương xót của Thiên Chúa cộng với lòng trắc ẩn. Tình yêu của Đấng Cứu Thế thật bất ngờ bởi ân sủng của Người trước các tội nhân, Người ôm hôn tội nhân, trao ban cho họ sự an ủi tuyệt vời…Ôi khoảnh khắc tuyệt với ! Chúng ta mà hiểu được thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc ! Nhưng than ôi, chúng ta không phù hợp với ơn thánh, nên những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời ấy biến mất…Chao ôi, đâu là điều mà tội nhân tin tưởng, cho dù tội lỗi đến đâu đi chăng nữa, thì hãy biết và tin rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô hạn! ” (Trích bài giảng thứ Chúa nhật III Mùa Chay của thánh Gioan Maria Vianney).

Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn. Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, đơn giản không chỉ là ơn tha tội nhưng không do Thiên Chúa ban. Đây là cuộc gặp gỡ của niềm tin mà người con tội lỗi đã đặt để vào lòng thương xót của người cha, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và con tìm thấy được tình yêu trìu mến.

Chúa Giêsu đồng bàn với quân tội lỗi, nhưng Người không đến để hợp thức hóa tội lỗi, làm cho những kẻ lầm lỗi cứng lòng, hay ngày càng tội tề hơn. Người đến để loan báo rằng họ có thể sống khác để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ, không nản vì sự thờ ơ, hay khác biệt của những con người.

Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh. Đúng như thế, tội nhân được tha thứ là con người của niềm vui và tác động của ân sủng.

Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, xin giúp đỡ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:29 07/09/2022

53. Khi tôi thực hiện việc yêu người, thì đó chính là Đức Chúa Giê-su tự mình làm việc trong tôi.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:30 07/09/2022
91. RẮN MẶC ÁO GIÁP

Con giun đất và con rắn kết bái làm anh em, ra ra vào vào vẫn là chung một đường, thề với nhau là đồng cam cộng khổ.

Một hôm chúng nó chia tay ra về. Rất lâu sau đó, con giun đất gặp một con rùa thì cho đó là con rắn, nên tiến lên phía trước vẩy tay chào.

Con rùa không quen biết con giun đất nên cũng phớt lờ, con giun đất buồn bực bỏ đi và nói với mọi người:

- “Anh em kết nghĩa với tôi làm võ quan, cho nên không dám nhận tôi là người bạn nghèo kết thân lúc trước nữa. Có thể thấy nhân tình thế thái ở đâu cũng như nhau”.

Mọi người hỏi giun đất làm sao biết được bạn mình làm võ quan, giun đất nói:

- “Nó trước đây giống như tôi vậy, tức là dài như một cây gậy, bây giờ nó mặc thêm áo giáp, không phải võ quan thì là cái gì hử”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 91:

Cái tai hại nhất của con người là nhìn lầm và hiểu lầm. Nhìn lầm người khác mà tưởng là người thân nên oán trách họ khi họ không đáp lễ lại; hiểu lầm là cứ lấy bụng của mình mà suy đoán bụng người khác, thế là hiểu lầm càng hiểu lầm thêm.

- Đức Chúa Giê-su không lầm khi chọn những môn đệ của mình, nhưng có một vài môn đệ nhìn lầm và hiểu lầm là làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su thì phải hách, phải được cung phụng, phải được người khác phục vụ, thế là các môn đệ ấy làm cớ cho người khác nói xấu bêu rếu Giáo Hội.

- Đức Chúa Giê-su không lầm khi thành lập Giáo Hội ở trần gian, nhưng có một phải phần tử của Hội Thánh nhìn lầm và hiểu lầm Giáo Hội Chúa ở trần gian là phải đả đảo, phải lật đổ, phải bếu xấu, phải bôi nhọ đối phương, thế là họ làm cho người khác hiểu lầm Giáo Hội Chúa là tập đoàn chia rẻ, ghét ghen và thù hận.

- Đức Chúa Giê-su không lầm khi ban Thánh Thần cho chúng ta –người Ki-tô hữu – nhưng chúng ta cứ tưởng chỉ có Thánh Thần của mình là sự thật, là can đảm, còn Thánh Thần của người khác là dối trá, là sợ hãi nhút nhát. Thế là chúng ta làm cho người khác cứ tưởng Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su đang phân đàn rẻ nghé...

Con giun đất không biết mình lầm nên đem chuyện lầm này nói khắp thiên hạ, nó không có lỗi, chỉ là hồ đồ thôi. Nhưng biết mình lầm mà không khiêm tốn sửa đổi, biết mình lầm mà không khiêm tốn nói lời xin lỗi thì buồn lắm đó, ai cũng buồn cả huống gì là Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
NỖI KHỔ CỦA CON LÀ NIỀM ĐAU CỦA MẸ
Giáo Hội Năm Châu
19:07 07/09/2022
 
Một lịch sử có tên Emmanuel
Lm. Minh Anh
19:35 07/09/2022

MỘT LỊCH SỬ CÓ TÊN EMMANUEL
“Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!”.

Truyền thống kể rằng, Gioakim và Anna có một cuộc hôn nhân “chẳng đi đến đâu”; họ son sẻ! Vô cùng thất vọng, Gioakim đi theo đoàn chiên vào sa mạc, lưu lại chốn hoang dã một thời gian dài. Ở đó, sứ thần hiện ra báo cho ông, một đứa trẻ sẽ chào đời. Gioakim trở về với vợ ở Bethesda, ôm ấp hy vọng; quả thế, Anna đã mang thai, sinh hạ Maria. Thiên Chúa lấy những gì vô dụng để làm nên điều hữu dụng nhất, kiệt tác Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, người sẽ cưu mang Giêsu, Emmanuel; với Ngài, lịch sử nhân loại nay trở nên ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ Sinh Nhật Đức Mẹ tường thuật mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại với gia phả của Chúa Giêsu; trong đó, Con Thiên Chúa mặc lấy lịch sử tốt xấu của tổ tiên Ngài. Vậy mà, nhờ Ngài, lịch sử đó được định hình để làm nên lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!

Đó là một lịch sử được báo trước! Mikha, trong bài đọc hôm nay, đã nói tiên tri về Đức Mẹ; vị ngôn sứ nói đến ‘cái kết cứu độ’ của gia phả, “Ngài sẽ bỏ dân Ngài, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Với khôn ngoan thế gian, chúng ta không hiểu tại sao Thiên Chúa lại chọn trở thành một người. Trong gia phả của Chúa Giêsu, xuất hiện kẻ tốt, người xấu; hạng trung thành, kẻ bất tín; người hữu dụng, kẻ vô dụng. Thật khó hiểu, tại sao Thiên Chúa lại chuốc lấy những gì là lầm lỗi, kém cỏi để biến nó thành của mình. Hoặc sao Ngài mặc lấy dòng dõi của tôi, lịch sử cá nhân tôi - cả điều tốt lẫn điều xấu - để định hình nó, cho nó trở thành lịch sử cứu rỗi cho chính tôi và cho những người khác; tại sao Ngài tiếp tục làm điều này? Khi nào thì đủ? Vậy mà Thiên Chúa nói, và sẽ luôn có thể nói, “Ta có thể làm được gì nữa cho con?”.

Gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu với Abraham, một con người thánh thiện, đầy niềm tin; nhưng qua năm tháng, lịch sử của dòng dõi ấy vấy bao tội lỗi. Vì thế, khi mang lấy huyết thống của dòng tộc này, Con Thiên Chúa muốn cứu lấy không chỉ dòng dõi Abraham, nhưng còn cứu lấy cả nhân loại trước Abraham và sau Abraham; cả những ai thuộc về Abraham hay không thuộc về Abraham. Tắt một lời, Ngài ôm lấy kiếp người, trọn vẹn với vui buồn nhân thế của nó; một kiếp nhân sinh đang bị xâu xé bởi tội nguyên tổ. Ngài đi vào trong chính lịch sử của nó, một lịch sử mà Ngài sẽ định hình nên lịch sử cứu độ. Và để làm được công việc đó; Ngài phải đi vào nhân loại này, và nhất định Con Thiên Chúa cần có một người mẹ.

Sinh Nhật Maria báo trước Sinh Nhật Chúa Giêsu. Ngài đã làm người; có cha, có mẹ, có huyết thống. Ngài khiêm nhường chen mình vào dòng tộc con người chán chường, đầy khiếm khuyết này, hầu cứu độ nó. Để làm điều đó, Ngài phải ở với con người, ở cùng con người; và nhờ Ngài, lịch sử con người trở nên ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!

Anh Chị em,

“Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!”. Chúng ta không biết mầu nhiệm Nhập Thể và nhiệm cục Cứu Độ của Thiên Chúa sẽ thế nào nếu không có Đức Maria. Chiêm ngắm con người tuyệt vời của Mẹ, chúng ta thấy Mẹ như hòn đất sét trong tay người Thợ Gốm tài hoa có tên là Thiên Chúa, Đấng nắn nên Mẹ. Mừng sinh nhật Mẹ, chúng ta nhớ đến sinh nhật thiêng liêng của mình ngày được rửa tội. Chớ gì, mỗi người chúng ta cũng biết ngoan nguỳ và khiêm hạ như Đức Mẹ, và Chúa cũng sẽ nắn đúc chúng ta nên một kiệt tác của Ngài; và lịch sử mỗi người cũng được định hình để trở nên một lịch sử cứu rỗi cho chính mình, cho người khác và cho cả nhân loại. Và rồi đây, như Đức Mẹ, bạn và tôi cũng có thể reo lên, “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca; vì lẽ, với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, lịch sử của cuộc đời bạn, cuộc đời tôi, cũng là ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, một lịch sử được Thiên Chúa xót thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, như Mẹ, xin giúp con mềm mỏng với ân sủng Thánh Thần; nhờ đó, lịch sử đời con cũng được định hình nên lịch sử cứu rỗi cho linh hồn con và linh hồn anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhật thực của người Công Giáo trong chính trị Ý
Đặng Tự Do
05:20 07/09/2022


“Ở Ý có một thế giới Công Giáo suy nghĩ, viết lách, và tạo ra các tác phẩm đủ loại: nhưng trong các cuộc diễn thuyết trước công chúng, thế giới này hầu như không có.” Đây là nhận xét của nhà báo Corriere della Sera, người tin rằng chỉ có Giáo hoàng ngày nay vẫn có thể làm cho mình được lắng nghe ở Bán đảo Ý.

Lý do cho sự nhật thực này: Bản sắc Công Giáo đã trở nên không thể xác định được. Thật vậy, để “tồn tại”, cần phải “bao gồm” một cái gì đó. Ở đây, chúng ta có thể dẫn chứng khoảng cách ý thức hệ lớn giữa một số người Công Giáo về khái niệm chiến tranh chính nghĩa hoặc quyền phá thai, chẳng hạn. Đối mặt với chủ nghĩa thế tục hóa và chủ nghĩa cá nhân, Công Giáo đã đi từ một thái độ chống đối cam chịu sang một logic thỏa hiệp. Bản sắc Công Giáo đã chia nhỏ thành một nhóm bản sắc. Nguyên tắc thống nhất về các vấn đề cơ bản đã bị phá vỡ. Bởi vì điều này, người Công Giáo, mặc dù vẫn còn rất nhiều, đã trở nên câm lặng về mặt chính trị. Vẫn còn phải xem liệu điều này có chính xác hay không.
Source:ow2.rassegnestampa.it
 
Vệ binh Thụy Sĩ của Vatican nỗ lực thu hút tân binh
Đặng Tự Do
05:21 07/09/2022


Đội quân nhỏ nhất thế giới, trong những năm gần đây gặp khó khăn trong việc tuyển mộ tân binh, đã tạo ra một chức vụ quan hệ truyền thông mới trong nỗ lực mang thu hút các thành viên mới.

Trong một thông cáo ngày 1 tháng 9, Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tuyên bố họ đang mở rộng sự hiện diện của mình ở Thụy Sĩ “bằng cách tạo ra một văn phòng báo chí và một đầu mối liên lạc cho các cơ quan chức năng”.

Người đàn ông được bổ nhiệm cho công việc này là Stefan Wyer, từ công ty Visp và đã từng làm việc với tư cách là một nhà tư vấn kinh doanh độc lập về truyền thông và chính trị.

Wyer sẽ báo cáo trực tiếp với Chỉ huy Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, Christoph Graf, là người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 2015, và ông cũng sẽ làm việc chặt chẽ với người đứng đầu Văn phòng Tuyển dụng và Thông tin Vệ binh Thụy Sĩ, Bernhard Messmer.

Sau quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2018 về việc tăng số lượng Vệ binh Thụy Sĩ từ 110 lên 135, “nhu cầu tuyển dụng tân binh đã tăng lên”, thông cáo cho biết quá trình tuyển dụng “phải được hỗ trợ bởi công tác quan hệ công chúng tích cực hơn”.

Theo thông cáo, việc thúc đẩy 'quan hệ công chúng mới' của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ sẽ bao gồm việc tạo ra một đầu mối liên hệ trực tiếp với Truyền thông Thụy Sĩ, và công bố tốt hơn các hoạt động và thực thể trực thuộc Lực lượng Bảo vệ.

Trong vài năm qua, Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã cố gắng thay đổi nhận thức rằng những người nhập ngũ chỉ đơn thuần là một yếu tố nhằm thu hút khách du lịch tại Vatican, khi các du khách nước ngoài chụp ảnh bên cạnh đồng phục sặc sỡ và mũ lông vũ của họ.

Thay vào đó, Lực lượng Bảo vệ đã tìm cách nhấn mạnh các thành viên được huấn luyện quân sự và tháp tùng Đức Giáo Hoàng ở mọi nơi ngài đi, kể cả trong các chuyến công du nước ngoài.

Các tân binh được tuyên thệ nhậm chức hàng năm vào ngày 6 tháng 5, đánh dấu ngày vào năm 1527 khi 147 Vệ binh Thụy Sĩ đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Thất trong cuộc bao vây thành Rôma. Chỉ có 42 lính canh sống sót sau vụ thảm sát, và ngày tuyên thệ được chọn đặc biệt như một lời nhắc nhở về những gì họ phải sẵn sàng hy sinh khi tuyên thệ bảo vệ và phục vụ Đức Giáo Hoàng.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.
Source:Crux
 
Các Giáo Hội nhấn mạnh nhu cầu hòa giải, thống nhất và xây dựng hòa bình ở Ukraine
Đặng Tự Do
05:22 07/09/2022


Hội nghị toàn thể Âu Châu được tổ chức vào ngày 2 tháng 9 tại Karlsruhe bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh thánh về Người Samaritanô nhân hậu, Luca 10, phản ánh bối cảnh về tình yêu thương từ bi của Chúa Giêsu Christ.

Đức Tổng Giám Mục Yevstratiy của Chernihiv và Nizhyn thuộc Chính thống Ukraine cho biết: “Trong hơn ba thế kỷ, Đế quốc Nga và Liên bang Xô Viết đã cố gắng xóa bỏ căn tính của người Ukraine. Nhưng, chúng tôi đang đấu tranh thành công cho tự do của chúng tôi, cho tương lai độc lập của chúng tôi.”

Đức Tổng Giám Mục Yevstratiy đánh giá cao các tổ chức đại kết vì lập trường mạnh mẽ của họ trước cuộc xâm lược của Nga và lời kêu gọi của họ đối với Thượng phụ Kirill của Nga. Ngài nói: “Không ai có quyền nhân danh Chúa mà ủng hộ cho hành động xâm lược, không ai có quyền biện minh cho tội ác chiến tranh và hành động diệt chủng”.

Giáo sư Sergii Bortnyk thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine đã chia sẻ cách mà Giáo Hội của ông đang giúp đỡ các nạn nhân chiến cuộc. “Nhiều tín hữu đã trở thành tình nguyện viên. Giáo Hội của chúng tôi nhận và phân phối các loại trợ giúp nhân đạo khác nhau - đặc biệt là từ các quốc gia láng giềng và từ các hội thánh chị em của chúng tôi,” ông nói.

Tổng thư ký Hội nghị các Giáo Hội Âu Châu, Tiến sĩ Jørgen Skov Sørensen nhấn mạnh “Ukraine là mối quan tâm không chỉ của Âu Châu mà còn của thế giới”.

“Do quá khứ ở Âu Châu gần đây của chúng ta, chiến tranh trên đất Âu Châu mang ý nghĩa vượt qua thời gian và địa điểm thực tế của chúng trong lịch sử. Nó gợi lên những ký ức đã qua lâu rồi. Và nó thách thức sự tin tưởng mạnh mẽ của Âu Châu rằng phần này của thế giới đã - hoặc đang - phát triển thành một lục địa hòa bình lâu dài sau chiến tranh.”.

Sørensen đã chia sẻ cách Hội nghị các Giáo Hội Âu Châu tổ chức Hội nghị Âu Châu vào tháng Hai sau khi Nga xâm lược Ukraine, nơi chương trình được thiết lập để giải quyết nỗi sợ hãi, sự không chắc chắn và cú sốc đã nhấn chìm Âu Châu vào thời điểm đó. “Chúng tôi đã lắng nghe tiếng của người Ukraine, và của toàn Âu Châu. Chúng tôi đã phân tích. Chúng tôi đã cầu nguyện cùng nhau.”

Tiến sĩ Dagmar Pruin, chủ tịch Tổ chức Bánh mì cho Thế giới Kathesiahenhilfe đã chia sẻ cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại những đau khổ khôn lường cho người dân như thế nào. Bà nói: “Sự tàn phá, di dời, tra tấn và những cái chết bạo lực là thực tế của hàng triệu người.”

Pruin đã nói về những thách thức đáng kể mà các cơ quan Giáo Hội phải đối mặt trong việc cung cấp viện trợ cho các nạn nhân của chiến tranh, đặc biệt là khi có nhu cầu lớn phát sinh từ các thảm họa khác, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh rằng công việc nhân đạo của các Giáo Hội đang và phải tiếp tục được bắt nguồn từ tầm nhìn yêu thương.
Source:oikoumene.org
 
Tông hiến Praedicate Evangelium nói gì về việc giáo dân cai quản trong Giáo Hội?
Vũ Văn An
05:52 07/09/2022
Theo tờ The Pillar, trong mật nghị Hồng Y vừa qua, người ta không thấy diễn ra những chuyện như dư luận đồ đoán nào là Đức Phanxicô sẽ tuyên bố từ chức nào là chí ít ngài cũng sẽ ban hành một tự sắc hay tông hiến nào đó về định chế giáo hoàng hưu trí. Tuy nhiên, nhân bàn đến tông hiến Predicate Evangelium, các vị Hồng Y đã tranh luận rất sôi nổi về một sự thay đổi lớn của tông hiến này đối với nguyên tắc cai quản trong Giáo Hội, tức điều được gọi là việc giáo dân cai quản trong Giáo Hội.

Euphemia Szaniawska, Nữ đan viện trưởng với gậy Giám mục


Thực vậy, tông huấn trên bao gồm một cải cách nay đã được nhiều người biết đến. Cải cách này nói rằng “bất cứ thành viên giáo dân nào cũng có thể cầm đầu một thánh bộ hay văn phòng”, mở đường cho giáo dân nam nữ phục vụ ở những bình diện cao cấp nhất của guồng máy quản trị của Tòa Thánh.

Tuy nhiên, trong chính bản văn của tông hiến Praedicate, cuộc cải cách được bối cảnh hóa một cách bị các luật sư giáo luật cho là không rõ ràng. Và một số nhà thần học và luật sư giáo luật nói rằng kế hoạch - hoặc ít nhất là một số cách giải thích - có thể trái ngược với những lời dạy của Công đồng Vatican II.

Những mối quan tâm đó đã được lặp lại bởi một số Hồng Y ở Rôma nhân mật nghị vừa qua.

Và vấn đề không chỉ là về Vatican. Mặc dù sự thay đổi các chính sách quản trị ở Giáo triều Rôma là một vấn đề lớn lao, nhưng Đức Giáo Hoàng nói rõ ràng rằng ngài coi những cải cách giáo triều của ngài là một tấm gương cho toàn thể Giáo hội.

Hiện nay, ai có quyền hành?

Giáo hội nói rằng trong đời sống Giáo hội, các giám mục và những người khác ở các vị trí có thẩm quyền có thể thực hiện ba loại chức năng, hay munera: các chức năng giảng dạy, thánh hóa và cai quản; các chức năng này phát xuất từ thẩm quyền do Chúa Giêsu Kitô ban cho các Tông đồ của Người, và những người kế nhiệm các vị.

Mặc dù ý tưởng này luôn luôn quan trọng, nhưng Công đồng Vatican II đã đặc biệt quan tâm đến việc nhấn mạnh rằng các giám mục có một phần đặc biệt trong các chức năng đó.

Lumen gentium, hiến chế tín lý của Công đồng Vatican II về Giáo hội, giải thích rằng “Trong việc phong chức [giám mục] của mình, người thụ phong được ban cho việc tham gia hữu thể học vào các chức năng thánh thiêng; điều này hoàn toàn rõ ràng trong Truyền thống, bao gồm cả truyền thống phụng vụ.”

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nói đơn giản hơn: “Chính Chúa Kitô đã chọn các tông đồ và ban cho các ngài quyền được thông phần vào sứ mệnh và quyền hành của Người”.

Sách Giáo lý giải thích: “Vì được liên kết với chức giám mục, nên chức vụ của các linh mục được chia sẻ thẩm quyền mà chính Chúa Kitô đã xây dựng, thánh hóa và cai trị Thân thể Người”.

Mối liên hệ giữa Bí tích Truyền chức và việc thực thi quyền lực cai quản trong Giáo hội cũng được định nghĩa trong Bộ Giáo luật, trong đó nói rằng “Những người được thiết lập trong phẩm trật Giám mục hoặc Linh mục lãnh nhận sứ mệnh và khả năng hành động nhân danh ngôi vị của Chúa Kitô là Đầu.”

Theo giáo luật, “những người đã nhận được các chức thánh có đủ tư cách, theo tiêu chuẩn quy định của giáo luật, đảm nhiệm quyền cai quản, hiện hữu trong Giáo hội bởi định chế thần linh và cũng được gọi là quyền tài phán”.

Dù Giáo hội nói về việc phong chức và thẩm quyền một cách đặc thù, giáo dân cũng có thể tham gia vào sinh hoạt cai quản của Giáo hội. Giáo dân đảm nhiệm các vai trò như chưởng ấn của giáo phận, người cổ vũ công lý (công tố viên giáo luật), và thậm chí cả thẩm phán tại các tòa án giáo luật.

Nhưng luật pháp của Giáo hội xác định sự tham gia của họ là "hợp tác" vào quyền cai quản và phạm vi của vai trò hợp tác này có giới hạn.

Điều gì đã thay đổi?

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành tông hiến Praedicate, tông hiến mới này đã xác định: mọi vai trò ở giáo triều, trong căn bản, là một chức năng được chức vụ Giám mục Rôma ủy quyền; nó nói rằng “mỗi định chế giáo triều thực thi sứ mệnh riêng của mình do quyền lực mà nó đã nhận được từ Giám mục Rôma mà nhân danh ngài, nó điều hành bằng quyền lực ủy nhiệm để thực thi nhiệm vụ tối thượng [primatial munus] của ngài. "

Tông hiến nói rõ, “Vì lý do này, bất cứ thành viên giáo dân nào cũng có thể chủ trì một Thánh bộ hoặc một Văn phòng, tùy thuộc vào quyền cai quản và năng quyền và chức năng chuyên biệt của Thánh bộ hoặc Văn phòng được đề cập.”

Điều đó đang được một số nhà quan sát giải thích như một thay đổi hết sức lớn lao về mặt thần học - họ cho rằng nó tách biệt việc phong chức bí tích khỏi khả năng đảm nhiệm các chức vụ trong Giáo hội, vốn trực tiếp thực thi các đặc quyền cai quản quan trọng.

Nhưng nhiều người khác nói rằng điều khoản giới hạn, "tùy thuộc vào quyền cai quản..." có nghĩa là công bố của Đức Giáo Hoàng không đi xa bao nhiêu – có nghĩa, giáo dân bị hạn chế trong việc bổ nhiệm vào hầu hết các chức vụ quan trọng trong giáo triều, bởi vì theo giáo luật (hoặc thần học) họ không có khả năng thực thi quyền cai quản do quyền riêng của họ.

Vậy cải cách ở đâu?

Một số vai trò ở Vatican, như đứng đầu Bộ Giáo dục Công Giáo, có thể sẽ được giáo dân đảm nhiệm mà không đặt ra những nghi vấn sâu rộng về bản sắc Giáo hội.

Nhưng liệu một giáo dân có thể được bố trí phụ trách các Bộ như Bộ Giáo lý Đức tin, hoặc Giáo sĩ, hoặc Thờ phượng Thiên Chúa và được trao quyền lực ổn định vượt trên các giám mục về các vấn đề đức tin và luân lý, quản trị các linh mục của chính họ, hoặc cai quản các bí tích hay không?

Chính tông hiến Praedicate không nói rõ về những vấn đề này - nó đưa ra một khả thể và một giới hạn cho khả thể đó, nhưng không cho biết các chi tiết chuyên biệt.

Và nó không giải quyết những hệ lụy của một quyết định hành chính có thể nêu lên những câu hỏi thần học sâu xa về quyền lực và mục đích của các chức thánh trong đời sống của Giáo hội.

Đó là những gì mà tuần này các vị Hồng Y nói các ngài đang thắc mắc.

Các vị Hồng Y nói gì?

Trong một cuộc họp báo ở Vatican sau khi ban hành tông hiến Praedicate, Cha Gianfranco Ghirlanda, Dòng Tên, một luật sư giáo luật cao cấp, người đã giúp soạn thảo tông hiến, đã đưa ra cách giải thích cực đoan [maximalist] về các vai trò mở ra cho giáo dân. Ngài nói rằng “quyền lực quản trị trong Giáo hội không phát xuất từ Bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng phát xuất từ việc ủy thác hợp luật [canonical mission].”

Ghirlanda xem ra tán thành một lập luận thần học cho rằng cuối cùng, quyền lực cai trị duy nhất trong Giáo hội phát xuất từ Đức Giáo Hoàng, và ngài có thể chia sẻ hoặc ủy thác nó tùy thích. Theo một số phiên bản của lập luận này, các giám mục chỉ có chức năng bí tích đúng nghĩa mà thôi, ngoài ra các ngài hoạt động dưới quyền lực của một mình Đức Giáo Hoàng.

Những bình luận của Ghirlanda đã gây xôn xao dư luận vào thời điểm đó - một số nhà thần học và giáo luật cho biết dường như chúng làm giảm giáo huấn của Lumen Gentium Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về mối liên hệ nội tại giữa việc truyền chức thánh và việc cai quản Giáo hội, và sự nhấn mạnh của Công đồng Vatican II về bản chất và thẩm quyền của hợp đoàn giám mục - với Đức Giáo Hoàng đứng đầu - như là thẩm quyền tối cao trong Giáo hội.

Chẳng bao lâu sau đó, Đức Phanxicô đã thăng vị giáo sĩ khi đó 79 tuổi làm lên làm Hồng Y; Ghirlanda là một trong số 20 thành viên mới của Hồng Y đoàn đã tham dự mật nghị vừa qua.

Nhưng dù việc đưa ngài vào Hồng Y đoàn cho thấy ít nhất Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng sẵn sàng lắng nghe lý thuyết của Ghirlanda về việc cai quản Giáo hội, thì đây không hề là ý kiến duy nhất mà ngài được nghe vào cuối tuần qua.

Mặc dù không có cuộc thảo luận chung công khai nào trong suốt mật nghị, các Hồng Y được khuyến khích gửi thẳng suy nghĩ của họ đến Đức Phanxicô, sau khi họ gặp nhau trong các nhóm ngôn ngữ nhỏ hơn.

Một số Hồng Y, bao gồm cả các thành viên trong giới cố vấn thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng, đã cảnh cáo chống lại việc thúc đẩy việc tách quyền cai quản khỏi các chức thánh bí tích.

Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục và là thành viên phục vụ lâu nhất của giáo triều dưới thời Đức Phanxicô, đã công bố phản hồi của mình, cũng như Đức Hồng Y Walter Kasper, vị Hồng Y người Đức mà Đức Phanxicô đã giao nhiệm vụ dẫn dắt cuộc thảo luận chính trong suốt mật nghị toàn thể mới đây nhất vào năm 2014.

Trong đánh giá của riêng ngài về quan điểm của Đức Hồng Y Ghirlanda, được đăng tải trên tờ L’Osservatore Romano vào tháng trước, Đức Hồng Y Ouellet thừa nhận rằng cùng một vấn đề đã được tranh luận vào những thời điểm khác nhau trong suốt lịch sử của Giáo hội và đưa ra các thí dụ cho cả hai bên. Nhưng vị Hồng Y lưu ý rằng nhiều nhà giáo luật học coi lập luận của Ghirlanda là "một cuộc cách mạng Copernicus trong việc cai quản Giáo hội, không liên tục hoặc thậm chí đi ngược lại sự phát triển giáo hội học của Công đồng Vatican II."

Đức Hồng Y Ouellet viết: “Về việc cai quản giáo triều Rôma, nói rằng việc ủy thác hợp luật mà Đức Thánh Cha giao phó đã đủ để thiết lập quyền tài phán của mọi thẩm quyền được thi hành trong các thánh bộ, dù người được chỉ định là Hồng Y, giám mục, tu sĩ hoặc giáo dân, là điều không đủ.”

Đức Hồng Y nói, làm như thế là duy trì mãi “não trạng vụ luật… chỉ nhấn mạnh đến việc ủy thác quyền lực, mà không tính đến chiều kích đặc sủng của Giáo hội, một điều sẽ trực tiếp đi ngược lại việc mở đầu cho sự phân quyền chân chính.”

Theo suy nghĩ của riêng mình, Đức Hồng Y Kasper, người được Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần coi là nguồn cảm hứng và là người cố vấn trong những năm đầu của triều đại giáo hoàng của ngài, nhấn mạnh rằng Công đồng Vatican II “có xu hướng tái nối kết hai phạm vi và hợp nhất hai quyền lực” của thẩm quyền bí tích và cai quản.

Đức Hồng Y Kasper viết: “Tính nhị nguyên giữa thẩm quyền được ban cho qua bí tích do việc truyền chức và thẩm quyền cai quản hoặc quyền tài phán được ban cho do ủy quyền có thể kết cục ở chỗ tách biệt khỏi đời sống bí tích của Giáo hội và cũng có thể phát triển một cuộc sống nào đó của riêng nó với những hậu quả bất hạnh."

Những người ủng hộ trường phái suy nghĩ của Ghirlanda có xu hướng lập luận căn cứ theo lịch sử. Họ chỉ ra những thời điểm trong quá khứ, trong đó một số thẩm quyền giáo dân trong Giáo Hội xem ra đã thực thi thẩm quyền tài phán. Thí dụ phổ biến nhất thuộc loại này là thí dụ của các nữ đan viện trưởng đội mũ Giám Mục trong các thế kỷ trước; các vị này đôi khi thực thi một loại thẩm quyền thông thường, trên thực tế, đối với đời sống giáo hội trong lãnh thổ xung quanh các đan viện của họ.

Mẹ Đan viện trưởng Placida von Eichendorff của Đan viện Frauenchiemsee


Những người ủng hộ khác cho rằng ý tưởng cai quản trong Giáo hội coi các chức thánh bí tích như điều chủ yếu để thực thi một số chức vụ nào đó chỉ là một lập luận bênh vực cho chủ nghĩa giáo sĩ trị. Theo họ, nếu thẩm quyền cai quản tối cao thuộc về Đức Giáo Hoàng, ngài sẽ quyết định ai có thể và nên chia sẻ quyền cai quản của ngài, và ngài có thể giao quyền đó cho bất cứ ai mà ngài quyết định có khả năng thực hiện tốt nhất công việc được giao phó.

Mặc dù hầu hết các nhà giáo luật và nhà thần học đồng ý với nguyên tắc đó ở một mức độ nào đó, nhưng không có sự nhất trí về việc có thể mở rộng nó tới bao xa, và hậu quả thần học có thể là gì khi cố gắng tách việc cai quản Giáo hội khỏi hệ thống phẩm trật bí tích của nó.

Bên ngoài Rôma

Việc tản thẩm quyền cai quản Giáo hội, nhằm nâng cao việc đánh giá mới đối với thẩm quyền tông truyền của các giám mục giáo phận cá thể, là chủ đề chính của Công đồng Vatican II, và vẫn là một vấn đề sống động trong cuộc cải cách việc lãnh đạo đang tiếp diễn của Giáo hội.

“Con đường đồng nghị”, hiện đang được thực hiện bởi các giám mục Đức, đã làm cho việc tản thẩm quyền giảng dạy và cai quản giáo hội khỏi Rôma và hướng tới việc cai quản của giáo dân địa phương, trở thành ưu tiên chính, bao gồm việc thúc đẩy kế hoạch tạo ra một “hội đồng đồng nghị” thường trực hoạt động như một cơ quan toàn quốc cai quản Giáo hội, đặt một ủy ban gồm giáo dân và giám mục có thẩm quyền trên các giám mục giáo phận về nhiều vấn đề.

Kế hoạch đó, và nói rộng hơn “con đường đồng nghị” của Đức, đã gây ra nhiều cảnh cáo lặp đi lặp lại từ Rôma, bao gồm cả Thánh bộ Giám mục của Đức Hồng Y Ouellet, vốn gọi con đường đồng nghị của Đức là “không có giá trị về mặt giáo hội học,” và ý niệm về một hội đồng quản trị hỗn hợp gồm giám mục và giáo dân là điều bất khả.

Đức Hồng Y Kasper, từ lâu được coi là một trong những tiếng nói tiến bộ hàng đầu trong Giáo hội Đức và hoàn cầu, đã lên án ý tưởng về một cơ quan cai quản đồng nghị thường trực gồm các thành viên giáo dân là “một sự đổi mới thái quá”.

Nhưng nếu các kế hoạch của Đức muốn có việc giáo dân cai quản nhiều hơn đã liên tiếp bị Rôma và chính Đức Giáo Hoàng phản đối nhiều lần, thì sự phản đối đó dường như không phổ quát, ngay cả với những cộng tác viên thân cận nhất của Đức Phanxicô.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Herder Thema của Đức tuần này, người đứng đầu Văn phòng Thư ký Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma, Đức Hồng Y Mario Grech, đã chỉ trích những lời cảnh cáo công khai chống các kế hoạch Đức của các giáo phẩm cao cấp như Đức Hồng Y Kasper.

Grech, người được Đức Phanxicô phong làm Hồng Y vào năm 2020, chịu trách nhiệm điều hợp tiến trình hoàn cầu của “Thượng hội đồng về tính đồng nghị”, hiện đang ở giai đoạn lục địa và dự kiến sẽ kết thúc tại Rôma vào năm tới.

Đức Hồng Y nói rằng "những lời tố cáo" các kế hoạch Đức không hề có tính giúp đỡ và chỉ gây phân cực, và những người chia sẻ các quan tâm của các Đức Hồng Y Ouellet và Kasper nên 'đối thoại' với các nhà lãnh đạo con đường đồng nghị.

Đức Hồng Y Grech khuyến khích các nhà phê bình "tin tưởng vào Giáo Hội Công Giáo ở Đức và vào các giám mục, các ngài biết những gì các ngài đang làm."

Sự thiện cảm rõ ràng của Đức Hồng Y Grech đối với các kế hoạch của Đức, và khuynh hướng của ngài muốn dành cho chúng giá trị đáng tin có thể được chứng minh là đáng kể. Ngoài việc có trong chương trình nghị sự tuần này, chủ đề giáo dân cai quản đã nhiều lần được nêu trong các báo cáo về Thượng hội đồng của các quốc gia và giáo phận khác.

Điều quan trọng là, các báo cáo về Thượng hội đồng coi việc giáo dân cai quản như một vấn đề then chốt có xu hướng phát xuất từ các giáo phận Châu Âu hoặc Bắc Mỹ, nơi báo cáo mức tham gia thấp nhất vào chính tiến trình thượng hội đồng – thấp đến độ bất thường là 1% người Công Giáo địa phương - so với các giáo phận ở những nơi như Châu Phi, nơi có tỷ lệ tham gia cao hơn nhiều và tin tưởng hơn nhiều vào các cơ cấu cai quản truyền thống của Giáo hội.

Với tư cách là người đứng đầu văn phòng thư ký thượng hội đồng, quan điểm của Đức Hồng Y Grech về cuộc tranh luận giáo dân quản trị có thể ảnh hưởng nhiều đến chương trình nghị sự của thượng hội đồng và giọng điệu của cuộc đàm luận xung quanh việc giáo dân quản trị ở Rôma trước cuộc họp vào tháng 10 tới.

Chuyện gì xảy ra tiếp?

Trước mắt, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ bổ nhiệm một loạt những người đứng đầu mới cho các thánh bộ của Vatican trong tháng tới, bao gồm cả việc cử người thay thế cho Đức Hồng Y Ouellet 78 tuổi. Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định bổ nhiệm bao nhiêu giáo dân, và vào những bộ phận nào, sẽ là một dấu hiệu rõ ràng ban đầu cho thấy ngài muốn thúc đẩy khái niệm giáo dân cai quản đi xa đến đâu - ít nhất là vào lúc này.

Nhưng cũng có thể Vatican âm thầm cho phép các giáo phận bổ nhiệm giáo dân vào các văn phòng tòa Giám Mục địa phương vốn dành riêng cho các giáo sĩ trong giáo luật.

Chẳng hạn, nhiều nguồn tin ở Tổng giáo phận Washington, DC nói với The Pillar rằng đầu năm nay, Đức Hồng Y Wilton Gregory đã yêu cầu Tòa thánh cho phép ngài bổ nhiệm một giáo dân làm người điều hành phủ giáo phận, một vai trò giám sát việc quản lý của tổng giáo phận vốn được giáo luật nói thông thường nên là tổng đại diện và luôn phải là một linh mục.

Nếu Washington và các giáo phận khác ở những nơi như Hoa Kỳ bắt đầu bổ nhiệm giáo dân vào các vai trò được dành riêng cho các linh mục trong giáo luật - với sự chấp thuận của Vatican - thì điều đó có thể báo hiệu Đức Phanxicô dự định để các cải cách giáo triều của ngài được thực hiện ngay lập tức trong vận hành bình thường của các Giáo hội địa phương.

Xa hơn nữa, nếu việc giáo dân cai quản được nhắc đến trong các tài liệu Thượng Hội Đồng phát xuất từ Vatican từ nay cho đến năm tới thì chắc chắn nó sẽ lên âm điệu và hướng đi cho cuộc tranh luận của chính Thượng Hội Đồng. Còn nếu nó được thông qua trong văn kiện cuối cùng của Thượng Hội Đồng, thì hẳn nó sẽ giúp lên khuôn cho thái độ của Đức Giáo Hoàng đối với các cuộc bổ nhiệm giáo dân trong tương lai tại nhiều bộ phận của Vatican và tại các giáo phận trên khắp thế giới.

Kỳ tới: Phản hồi của Đức Hồng Y Müller đối với việc giáo dân cai quản trong Giáo Hội
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các bà mẹ nhân dịp mừng Lễ sinh nhật Đức Trinh nữ Maria
Thanh Quảng sdb
19:27 07/09/2022
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các bà mẹ nhân dịp mừng Lễ sinh nhật Đức Trinh nữ Maria

Nhân dịp mừng lễ Sinh nhật Đức Maria vào thứ Năm (8/9/2022), Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho tất cả các bà mẹ, đặc biệt là những người có con bị đau ốm một cách nào đó.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

“ Đức Maria đã cảm nghiệm được hồng ân của Thiên Chúa như một người nữ đầy ân sủng, để Mẹ chia sẻ hồng ân này với các bà mẹ khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ suy tư này trong lời chào mừng trong buổi triều yết ngày thứ Tư, ĐTC nối kết tình mẫu tử của Đức Maria với những người mẹ trần thế...

Đức Thánh Cha bày tỏ sự cảm thông của ngài với các bà mẹ ở khắp mọi nơi, đặc biệt những người mẹ có con đang bệnh tật!

“Cha muốn bày tỏ lòng cảm thông của cha với tất cả các bà mẹ, đặc biệt là những người mẹ có con đau yếu, bệnh tật, hoặc tù đầy...”

Lời cầu nguyện đặc biệt cho các bà mẹ có con bị tù đầy

ĐTC cầu nguyện một cách đặc biệt cho các bà mẹ có con bị tù đầy, "để niềm hy vọng của họ không bị lịm tắt."

ĐTC nói: “Thật không may, có rất nhiều người tự tử trong tù, trong số đó có những tù nhân trẻ tuổi. “Đôi khi, tình yêu của mẹ có thể giúp bảo vệ ai đó khỏi nguy hiểm này”.

“Xin Đức Mẹ an ủi tất cả các bà mẹ, đặc biệt những bà mẹ đang đau khổ vì sự đau khổ của con cái họ.”

Nhà tù và tự sát

Như Đức Thánh Cha đã đề cập, tỷ lệ tự tử trong các nhà tù cao hơn nhiều so với con số chung chung.

Một số nghiên cứu cho biết các tù nhân ở Hoa Kỳ có nguy cơ tự tử cao gấp 4 lần, vì nhiều tác động khác nhau, từ nỗi sợ hãi các tù nhân anh chị khác và hậu quả của tội ác. Hầu hết các vụ tự tử xảy ra trong các phòng giam cách ly.

Chỉ riêng ở Anh quốc có 92 trường hợp tự tử trong các nhà tù vào năm 2018.

Theo tờ Samaritans, một mạng lưới từ thiện quốc tế, các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến việc tự tử trong tù bao gồm “tâm thần, quá khứ tự hủy hại bản thân, kinh nghiệm đau buồn và hoàn cảnh bất lợi”.
 
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Biện phân, trường hợp điển hình: Thánh Inhaxiô Thành Loyola
Vũ Văn An
20:10 07/09/2022


Theo tin Tòa Thánh, buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9.00 tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ Ý cũng như khắp nơi trên thế giới.

Trong bài diễn văn bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng tiếp tục chu kỳ dạy giáo lý mới về Biện phân, tập trung vào chủ đề: “Một điển hình: Thánh Inhaxiô Thành Loyola” (Bài đọc Kinh Thánh: Huấn ca 6: 18-19).

Sau khi tóm tắt bài giáo lý của mình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc bằng việc đọc kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta sẽ tiếp tục suy niệm về việc biện phân - trong thời gian này, chúng ta sẽ nói, mỗi thứ Tư hàng tuần, về sự biện phân thiêng liêng - và để làm việc này, điều hữu ích cho chúng ta là đề cập đến một nhân chứng chuyên biệt.

Một trong những điển hình có tính giáo huấn nhiều nhất được Thánh Inhaxiô thành Loyola cung cấp cho chúng ta, với một tình tiết có tính quyết định trong cuộc đời của ngài. Thánh Inhaxiô đang ở nhà dưỡng bệnh, sau khi bị thương ở chân trong một trận chiến. Để xua tan cảm giác buồn chán, ngài xin một thứ gì đó để đọc. Ngài thích những câu chuyện về tinh thần hiệp sĩ, nhưng tiếc là ở nhà chỉ có thể tìm thấy hạnh các thánh. Ngài miễn cưỡng chấp thuận, nhưng trong quá trình đọc, ngài bắt đầu khám phá một thế giới khác, một thế giới chinh phục ngài và xem ra cạnh tranh với thế giới hiệp sĩ. Ngài bị cuốn hút bởi các nhân vật Thánh Phanxicô và Thánh Đa Minh, và cảm thấy muốn bắt chước họ. Nhưng thế giới của tinh thần hiệp sĩ cũng tiếp tục phát huy sức hút của nó đối với ngài. Và như vậy, trong chính bản thân ngài, ngài cảm thấy trong mình sự luân phiên của các ý nghĩ - ý nghĩ hiệp sĩ và ý nghĩ các thánh - dường như chúng cân bằng với nhau.

Tuy nhiên, Thánh Inhaxiô cũng bắt đầu nhận ra một số khác biệt. Trong cuốn Tự truyện của mình - ở ngôi thứ ba - ngài viết: “Khi nghĩ về những điều trần tục” - và về những điều hào hiệp, người ta hiểu - “điều đó mang lại cho họ niềm vui lớn, nhưng sau đó họ thấy mình khô khan và buồn bã. Nhưng khi nghĩ đến cuộc hành trình tới Giêrusalem, và chỉ sống bằng các loại thảo mộc và thực hành khổ hạnh, họ không những tìm thấy niềm vui khi nghĩ đến chúng, mà cả khi không còn nghĩ đến chúng nữa ”(Chương 8); chúng đã để lại cho ngài một dấu vết của niềm vui.

Trong kinh nghiệm này, chúng ta lưu ý hai khía cạnh hơn cả. Thứ nhất là thời gian: tức là các ý nghĩ về thế gian hấp dẫn lúc đầu, nhưng sau đó chúng mất đi vẻ hào nhoáng và để lại sự trống rỗng và bất mãn; chúng rời anh chị em cách đó, trống rỗng. Ngược lại, các ý nghĩ về Thiên Chúa, thoạt đầu, khơi dậy một sự phản kháng nào đó - “Nhưng tôi sẽ không đọc câu chuyện nhàm chán này về các vị thánh” - nhưng khi chúng được chào đón, chúng mang lại một sự bình an chưa từng thấy, và sự bình an này sẽ kéo dài trong một thời gian lâu.

Rồi, ở đây, là khía cạnh khác: điểm kết thúc của những ý nghĩ. Lúc đầu, tình hình có vẻ không rõ ràng lắm. Có một sự phát triển trong việc biện phân: chẳng hạn, chúng ta hiểu điều gì tốt cho chúng ta không phải một cách trừu tượng, chung chung, mà là trong hành trình của cuộc đời chúng ta. Trong các quy tắc biện phân, kết quả của kinh nghiệm nền tảng này, Thánh Inhaxiô nêu ra một tiền đề quan trọng, giúp hiểu rõ tiến trình này: “Trong những người đi hết từ tội trọng này sang tội trọng nọ, kẻ thù thường được sử dụng để đề xuất với họ các thú vui biểu kiến ”- để trấn an họ rằng mọi sự đều tốt đẹp -“ khiến họ tưởng tượng ra những thú vui và khoái cảm nhục dục để níu kéo họ nhiều hơn và khiến họ phát triển trong tệ nạn và tội lỗi của mình. Ở những người này, tinh thần tốt sử dụng phương pháp ngược lại, kích thích họ và cắn xé lương tâm họ qua quá trình lý trí” (Linh thao, 314). Nhưng điều này không thành công.

Có một lịch sử đi trước người biện phân, một lịch sử mà người ta buộc phải biết, vì biện phân không phải là một loại sấm ngôn [oracle] hay thuyết định mệnh, hoặc một điều gì đó từ phòng thí nghiệm, như đánh cuộc số phận mình trên hai khả thể. Các vấn đề lớn xuất hiện khi chúng ta đã đi được một đoạn đường trong cuộc đời, và chúng ta phải quay trở lại đoạn đường đó, để hiểu những gì chúng ta đang tìm kiếm. Nếu, trong cuộc sống, chúng ta đạt được một chút tiến bộ, thì: “Nhưng tại sao tôi lại đi theo hướng này, tôi đang tìm kiếm điều gì?”, Và đó là chỗ để việc biện phân diễn ra. Khi thấy mình bị thương trong nhà của cha mình, Thánh Inhaxiô hoàn toàn không nghĩ gì tới Thiên Chúa, hay cách cải tạo cuộc sống của mình, không. Ngài có được trải nghiệm đầu tiên về Thiên Chúa bằng cách lắng nghe trái tim mình, điều này khiến ngài có một sự đảo ngược lạ lùng: những thứ hấp dẫn từ cái nhìn đầu tiên đã làm ngài vỡ mộng, trong khi ở những thứ khác, bớt sáng chói hơn, ngài tìm thấy sự bình an lâu dài. Chúng ta cũng có trải nghiệm đó; rất thường xuyên, chúng ta bắt đầu nghĩ về một điều gì đó, và chúng ta dừng lại ở đó, và sau đó chúng ta thất vọng. Ngược lại, nếu chúng ta thực hiện một công việc bác ái, làm một hành vi tốt và cảm thấy đôi chút hạnh phúc, một ý nghĩ tốt đến với chúng ta và hạnh phúc đến với chúng ta, một điều gì đó vui vẻ và đó là một trải nghiệm hoàn toàn là của chúng ta. Ngài, Thánh Inhaxiô đã có kinh nghiệm đầu tiên về Thiên Chúa bằng cách lắng nghe trái tim của chính ngài, điều đó cho thấy ngài đã có một sự đảo ngược kỳ lạ. Đây là những gì chúng ta phải học hỏi: lắng nghe trái tim của chính mình, để biết điều gì đang xảy ra, phải đưa ra quyết định gì, để đưa ra một phán đoán nào đó về một tình huống, người ta phải lắng nghe trái tim của chính mình. Chúng ta nghe truyền hình, truyền thanh, điện thoại di động; chúng ta là chuyên gia lắng nghe, nhưng tôi hỏi anh chị em: anh chị em có biết cách lắng nghe trái tim của mình không? Anh chị em có dừng lại để hỏi: “Nhưng trái tim tôi thì thế nào? Có hài lòng không, có buồn không, có đang tìm kiếm điều gì không?”. Để đưa ra các quyết định đúng đắn, anh chị em cần lắng nghe trái tim mình.

Đây là lý do tại sao Thánh Inhaxiô sẽ tiếp tục đề nghị người ta đọc các sách về cuộc đời các thánh, bởi vì chúng cho thấy phong cách của Thiên Chúa trong cuộc sống của những con người không khác chúng ta lắm, trong một lối tường thuật dễ hiểu, bởi vì các thánh được tạo ra bằng xương bằng thịt như chúng ta. Hành động của các ngài nói với các hành động của chúng ta, và các ngài giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của chúng.

Trong tình tiết nổi tiếng đó về hai cảm xúc mà Thánh Inhaxiô có được, một là khi đọc về các hiệp sĩ và hai là khi đọc về cuộc đời của các thánh, chúng ta có thể nhận ra một khía cạnh quan trọng khác của sự biện phân mà chúng ta đã đề cập lần trước. Có một sự ngẫu nhiên biểu kiến trong các biến cố của cuộc sống: mọi thứ dường như phát sinh từ một rủi ro tầm thường - không có sách nào về hiệp sĩ, chỉ có hạnh các thánh. Một rủi ro, tuy nhiên, lại giữ một bước ngoặt có thể xảy ra. Chỉ sau một thời gian, Thánh Inhaxiô mới nhận ra điều đó, lúc ngài dành hết sự quan tâm của mình cho nó. Anh chị em hãy nghe cho kỹ: Thiên Chúa hoạt động thông qua những biến cố không thể lường trước được, vì chúng xảy ra một cách tình cờ; tình cờ điều này xảy ra với tôi, và tình cờ tôi gặp người này, tình cờ tôi xem bộ phim này. Nó không được lên kế hoạch nhưng Thiên Chúa hoạt động thông qua những biến cố không thể lên kế hoạch được, và qua cả các rủi ro: “Đáng lẽ tôi phải đi dạo nhưng tôi có vấn đề ở chân, tôi không thể…”. Rủi ro: Thiên Chúa đang nói gì với anh chị em? Cuộc sống đang nói với anh chị em điều gì ở đó? Chúng ta cũng đã thấy điều này trong một đoạn của Tin Mừng Mátthêu: một người đàn ông đang cày ruộng tình cờ bắt gặp kho báu được chôn giấu. Một tình huống hoàn toàn bất ngờ. Nhưng điều quan trọng là họ nhận ra đó là cơ hội may mắn của cuộc đời mình và quyết định một cách tương ứng: họ bán tất cả mọi thứ và mua thửa ruộng đó (xem 13:44). Tôi xin hiến anh chị em một lời khuyên: hãy lưu ý tới điều bất ngờ. Người nói với anh chị em: "Nhưng tôi không mong đợi điều này". Có phải cuộc sống đang nói với anh chị em, có phải Chúa đang nói với anh chị em, hay là ma quỷ? Một ai đó. Nhưng có một điều gì đó cần biện phân, tôi phải phản ứng ra sao khi đối diệnt với những điều bất ngờ. Nhưng tôi đang yên ổn ở nhà và "Bùm!" - mẹ chồng tôi đến; và chị em phản ứng thế nào với bà mẹ chồng? Bằng tình yêu hay một điều gì khác ở bên trong? Anh chị em phải biện phân. Tôi đang làm việc tốt ở văn phòng, và một người bạn đồng sở đến nói với tôi rằng anh ta cần tiền: bạn phản ứng thế nào? Anh chị em thấy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta trải qua những điều chúng ta không mong đợi, và ở đó chúng ta có thể học cách hiểu trái tim mình khi nó chuyển động.

Biện phân là trợ cụ giúp nhận ra các tín hiệu mà Chúa tự tỏ mình ra trong những tình huống bất ngờ, thậm chí khó chịu, như vết thương ở chân dành cho Thánh Inhaxiô. Một cuộc gặp gỡ thay đổi cuộc đời có thể nảy sinh từ chúng, mãi mãi, như trường hợp của Thánh Inhaxiô. Một điều gì đó có thể phát sinh khiến anh chị em trở nên tốt hơn dọc đường đi, hoặc tệ hơn, tôi không biết, nhưng anh chị em hãy cẩn thận; sợi chỉ đẹp nhất được trao cho chúng ta bởi điều bất ngờ: "Tôi phải hành động như thế nào khi thấy điều này?" Xin Chúa giúp chúng ta biết lắng nghe tâm hồn mình và biết khi nào thì chính Người là người hành động và khi nào thì không, và đó là một điều gì khác.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Hưng Hoá lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho 19 hộ gia đình tại bản Cò Lìu - Sơn La
Caritas Hưng Hóa
20:58 07/09/2022
Caritas Hưng Hoá lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho 19 hộ gia đình tại bản Cò Lìu - Sơn La

Triển khai chiến dịch: “Together We - Chúng ta cùng nhau” được khai mạc cuối năm 2021 với câu chủ đề “Cùng Nhau Đến Và Bước Đi Với Người Nghèo” mà Caritas Hưng Hóa đã chọn, ngày 05.09.2022, Ban Bác ái xã hội – Caritas Hưng Hoá hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mang ánh sáng đến trao tặng cho 19 hộ gia đình tại bản Cò Lìu, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho anh em đồng bào dân tộc thiểu số.

Bản Cò Lìu thuộc xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Bản nằm sâu trong vùng núi nên đường đi vào bản vô cùng khó khăn, hiểm trở. Người dân trong bản thuộc dân tộc H’mông, rất ít người biết tiếng Kinh. Cuộc sống của họ đơn sơ, giản dị và nghèo nàn vì không có nhiều đất đai để canh tác, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, một vụ ngô.

Đoàn bác ái Caritas đến với bản gồm có cha Giuse Đỗ Văn Kiêm - Phó Giám đốc Caritas Hưng Hoá, quý dì Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa trong Ban bác ái Caritas, cha Phêrô Nguyễn Xuân Doanh – cha xứ giáo xứ Yên Châu và Caritas giáo xứ Yên Châu.

Mỗi hộ gia đình nghèo nơi bản Cò Lìu đã được Ban Caritas lắp đặt trao tặng 02 bóng đèn điện chiếu sáng. Món quà tuy nhỏ nhưng đong đầy tình thương và vô cùng ý nghĩa trong đêm tối nơi cảnh núi rừng. Kể từ đây người dân bản Cò Lìu bước sang một trang sử mới - xóa tan bóng tối của đêm đen.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Cuộc sống nếu như không sống vì người khác thì đó không còn là cuộc sống nữa”. Việc làm của Caritas Hưng Hóa hôm nay đã giúp tỏa sáng nơi vùng núi rừng xa xôi hẻo lánh. Ước chi ánh sáng vật lý này sẽ tạo nên những tia sáng chiếu soi vào con tim mỗi người dân, để làm bừng sáng và ấm lên tình Chúa, tình người. Và ước chi ánh sáng hữu hạn này giúp người dân hướng đến một ánh sáng là cội nguồn và cùng đích của ánh sáng là Đức Giêsu Kitô, để từ đó tình Chúa được lan tỏa trong cuộc sống yêu thương của mỗi người.

Ban Caritas Hưng Hóa chúng con xin chân thành cảm ơn quý ân nhân đã cộng tác với chúng con để đem niềm vui, ánh sáng cùng với món quà yêu thương đến với bà con người dân nơi vùng núi Tây Bắc này.

Một số hình ảnh:

Vp Caritas

caritashunghoa.org
 
VietCatholic TV
Đại tá tư lệnh hàng đầu của Putin thiệt mạng. Hoa Kỳ khẳng định Ukraine thành công rất lớn ở Kherson
VietCatholic Media
03:15 07/09/2022


1. Đại tá tư lệnh hàng đầu của Putin thiệt mạng. Truyền thông Nga đưa tin lúng túng

Đại tá Bardin Artem Igorevich, được Điện Cẩm Linh bổ nhiệm làm tư lệnh chi khu Berdyansk của Ukraine, được tường trình đã thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng, khói bốc lên bầu trời có thể quan sát từ nhiều cây số cách đó.

Đoạn phim kinh dị cho thấy chiếc xe của viên tư lệnh bốc cháy, xoắn lại, ngay sau vụ nổ làm rung chuyển thành phố ở vùng Zaporizhzhia, miền nam Ukraine.

Một con phố ở trung tâm thành phố có nhiều cây cối, bên cạnh một văn phòng hành chính được sử dụng bởi quân xâm lược Nga, đã bị rung chuyển bởi vụ nổ.

Theo Yaroslav Trofimov, Giám đốc Đối ngoại của Wall Street Journal, ban đầu các nguồn tin quân sự của Nga ở Zaporizhzhia cho biết Igorevich được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, nhưng đã chết sau đó.

Một giờ sau đó, một quan chức Nga của Zaporizhzhia, trả lời cuộc phỏng vấn của cơ quan truyền thông nhà nước Nga Gazeta Russiya, đã phủ nhận tuyên bố từ chính bộ phận của ông ta, cho rằng Igorevich vẫn còn sống và đang chiến đấu giành giật sự sống.

Một giờ sau đó, một quan chức Nga khác Vladimir Rogov, lại nói với hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti rằng Đại tá Bardin Artem Igorevich đã “anh dũng hy sinh” và rằng chế độ của Zelenskiy đứng sau vụ tấn công. Ông ta cũng nói thêm rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Sau vụ nổ, một cuộc đấu súng ác liệt đã nổ ra ở Beredyansk, với video ghi lại âm thanh của những tiếng súng nổ vang khắp thành phố bị chiếm đóng.

Ông Rogov nói thêm rằng ba phương tiện khác đã bị hư hại hoàn toàn trong vụ nổ, nhưng không có thương vong nào khác ngoại trừ Đại tá Igorevich. Tin tức này của Ông Rogov khiến nhiều người thắc mắc. Cả ba chiếc xe đều bị nổ tung mà chỉ có một mình Đại tá Igorevich bị thiệt mạng mà không có ai khác bị thương hay thiệt mạng.

Mặc dù Kyiv không công khai lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng người ta tin rằng các cuộc tấn công này được thực hiện bởi các lực lượng thân Ukraine.

Biến cố này diễn ra khi Ukraine tuyên bố số người chết của Nga trong cuộc chiến đã lên tới hơn 50.000 người.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Ukraine gọi tắt là SBU, Bardin là quan chức mới nhất do Nga bổ nhiệm bị giết ở Ukraine, khi lực lượng của Putin đang sa lầy ở phía nam và phía đông đất nước.

Tháng trước, một quan chức hàng đầu thân Putin khác đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe ở Ukraine, do các lực lượng Ukraine gây ra.

Cộng tác viên người Nga Ivan Sushko, 40 tuổi, được quân đội Nga bổ nhiệm làm quan chức ở Zaporizhzhia. Người cha đã có gia đình qua đời sau khi vụ nổ xé toạc chiếc xe của ông, với khoảnh khắc kinh hoàng được ghi lại trên CCTV.

Ivan Rogov, người trung thành với Putin, cho biết cuộc tấn công được thực hiện bởi “những kẻ phá hoại” trong khu vực và thề sẽ truy lùng họ.

Ông tuyên bố rằng Ukraine đang tấn công các quan chức do Nga hậu thuẫn, những người “giúp cải thiện cuộc sống của người dân bình thường”. Tatyana, vợ của người chết đã cáo buộc “Đức Quốc xã Ukraine” thực hiện vụ đánh bom xe hơi.

Cái chết của ông diễn ra chỉ vài ngày sau khi con gái của người được cho là chuyên gia chiến tranh của Putin bị ám sát.

Con gái của Alexander Dugin đã chết trong một vụ đánh bom xe ở ngoại ô Mạc Tư Khoa, trong một cuộc tấn công mà Nga đổ lỗi cho Ukraine, nhưng Kyiv đã quyết liệt phủ nhận và nhiều người Nga lưu vong tin rằng chính Putin gây ra vụ tấn công.

Tháng trước, một cảnh sát trưởng thân Nga ở miền đông Ukraine bị phát hiện treo cổ chết.

Phong trào kháng chiến của Ukraine đã loại bỏ một số quan chức trong những tuần gần đây, với việc các quan chức hàng đầu của Nga bị nổ tung, đầu độc và bị bắn, khi mạng lưới của Putin đang khép lại.

2. Ngũ Giác Đài khẳng định: Lực lượng Ukraine đã chiếm lại hàng loạt thị trấn gần Kherson

Theo một quan chức Ngũ Giác Đài, Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận rằng các lực lượng tấn công của Ukraine ở khu vực Kherson “tiếp tục thực hiện một số hoạt động phản công” rất thành công, bao gồm cả việc chiếm lại các thị trấn cũng như đánh vào các sở chỉ huy, các kho đạn và đường tiếp tế của quân Nga.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba 6 tháng 9, Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết:

Những gì chúng tôi thấy ở khu vực Kherson trước tiên là một số hoạt động tấn công tiếp tục của người Ukraine. Họ tiếp tục thực hiện một số chuyển động về phía trước. Chúng tôi biết rằng họ đã chiếm lại hàng loạt thị trấn và làng mạc.

Ông nói thêm, Mỹ cũng đã chứng kiến “một số hoạt động tấn công không thành công của Nga gần Bakhmut”.

Một cố vấn cho chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine cho biết ông ấy hy vọng Kyiv sẽ thông báo “tin tức tuyệt vời” về cuộc phản công của họ ở khu vực phía đông Kharkiv.

Serhiy Leshchenko cho biết sẽ sớm có một tin tuyệt vời từ Tổng thống Zelenskiyy về hoạt động phản công ở vùng Kharkiv.

Trong khi đó, Serhiy Haidai, thống đốc bang Luhansk, cho biết quân đội Ukraine đã “có được chỗ đứng” ở khu vực phía đông.

Thống đốc Haidai cho biết các lực lượng Ukraine đã “tiến lên đáng kẹ” trong khu vực Luhansk và đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga.

Ông nói: “Vùng Luhansk tiếp tục tự vệ. Các đợt tấn công của địch đã bị đẩy lui, có những kết quả tích cực nhất định: các hậu vệ của chúng ta đã tiến lên đáng kể và có được chỗ đứng vững chắc. Chúng tôi đang mong đợi những chiến thắng trong những ngày sắp tới”.

3. Các huyết mạch giao thông ở phía nam nằm dưới sự kiểm soát hỏa lực của quân đội Ukraine

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 7 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các huyết mạch giao thông ở phía nam Ukraine giờ đây đã nằm dưới sự kiểm soát hỏa lực của Lực lượng vũ trang Ukraine.

“Tình hình miền nam vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng hoàn toàn do Lực lượng Phòng vệ kiểm soát. Chúng tôi tiếp tục các trận đánh để giành các vị trí chiến thuật, củng cố và cải thiện vị trí của chúng tôi dọc theo giới tuyến. Chúng tôi tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tiêu diệt lực lượng và năng lực của quân xâm lược, nhất là công tác hậu cần. Quân xâm lược cố gắng cơ động, nhưng chúng tôi đã bóc trần kế hoạch của chúng. Chúng tôi tiếp tục thực hiện việc kiểm soát hỏa lực đối với các huyết mạch giao thông và phá hủy các giao lộ thay thế mà đối phương mới tạo ra”, Natalia Humeniuk, người đứng đầu trung tâm báo chí điều phối chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine, cho biết trong cuộc họp báo.

Humeniuk nói thêm rằng ba cầu vượt phao đã bị phá hủy vào tuần trước, và một cầu nữa trong tuần này. Cô nhấn mạnh rằng quân xâm lược nhận thức được rất khó tiếp tục nắm giữ các vùng lãnh thổ đã chiếm được.

“Họ hiểu rằng họ không có nơi nào để tái triển khai lực lượng mới. Mặc dù chỉ huy của các lực lượng chiếm đóng cố gắng tái triển khai lực lượng dự bị. Các đơn vị di chuyển từ hướng này sang hướng khác. Tuy nhiên, thông tin liên lạc của họ tiết lộ rằng các lực lượng đang ở đường cùng. Điều này khiến họ phải khoanh tay đầu hàng và sẽ nhanh chóng công khai đầu hàng “, người đứng đầu trung tâm báo chí cho biết.

Như đã báo cáo, các đơn vị quân đội, có thể được sử dụng trong cuộc chiến chống Ukraine, đang được thành lập ở bán đảo Crimea do Nga chiếm đóng.

4. Người Nga chịu tổn thất lớn ở khu vực Kherson

Trong cuộc họp báo sáng thứ Tư 7 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã công bố một cuộc điện thoại bị đánh chặn gần đây, trong đó một người lính Nga phàn nàn với vợ về những tổn thất mà lực lượng xâm lược hiện đang phải gánh chịu ở khu vực Kherson, phía nam Ukraine.

Trong cuộc gọi, kẻ xâm lược nói với vợ của mình về các cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine và hậu quả là thương vong rất cao trong quân Nga.

“Máy bay chiến đấu của tụi anh đã cất cánh và không bao giờ quay trở lại. Nó hẳn đã bị hạ gục. Tụi anh đã bị tấn công hai lần trong buổi sáng nay sau khi họ theo dõi tín hiệu điện thoại. Khi mười hai chiếc xe đang cố vượt qua bên kia sông bằng cầu phao, chúng nó pháo kích tới tấp. Tất cả mọi người ở đó đều bị ảnh hưởng nặng nề. Con sông Dnipro này giờ đầy xác chết,”

Anh ta cũng báo cáo rằng các tuyến đường tiếp vận của Nga trên hướng Kherson đã bị cản trở.

“Tất cả các cây cầu đều bị sập, tụi anh đang ở đây hoàn toàn hoang mang.”

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, một vụ đánh chặn mới của SBU cho thấy quân đội Nga, hiện đang nắm giữ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine, không còn mong muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến, chỉ mong sống sót thoát ra khỏi chiến trường.

5. Pháo binh Ukraine phá hủy xe bọc thép Patrul của Nga

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 7 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết tại vùng Donetsk, một đơn vị phòng không của Lực lượng Dù đã tiêu diệt một xe bọc thép Patrul cùng với một toán lính xâm lược Nga.

“ Một cuộc tấn công chính xác” đã đánh trúng một trong những thiết bị quân sự hiện đại nhất của Nga, là Xe bọc thép Patrul của Lực lượng Vệ binh Nga”, cùng với phi hành đoàn.

“Đội trinh sát trên không của chúng tôi đã phát hiện ra chiếc xe, chuyển tọa độ cho pháo binh của chúng tôi, và sau đó là vấn đề kỹ năng. Mục tiêu đã bị bao vây và giao tranh diễn ra. Các thiết bị, cùng với quân xâm lược Nga, đã bị loại khỏi vòng chiến.”

Thông tấn xã quốc gia của Ukraine cho biết con số thiệt mạng của quân đội Nga tại Ukraine ước tính là 50.150 người. Ngoài ra, các lực lượng Ukraine đã phá hủy 2.077 xe tăng chiến đấu chủ lực, 4.484 xe bọc thép chiến đấu, 1.179 hệ thống pháo và rất nhiều khí tài quân sự khác.

6. Ủy viên năng lượng của Liên Hiệp Âu Châu Kadri Simson cho biết, Nga đang đốt lượng khí dư thừa vì nước này không còn khả năng lưu trữ sau khi cắt giảm việc giao hàng tới Âu Châu.

Phát biểu với các phóng viên trong chuyến thăm Indonesia, Simson cho biết:

Các vệ tinh của chúng tôi đang ghi nhận sự rò rỉ khí tự nhiên, và trong nhiều trường hợp người Nga đã đốt cháy hàng loạt khí tự nhiên và điều này gây ô nhiễm rất nặng nề.

Họ không có đường ống kết nối đến các khu vực khác trên thế giới và kho khí đốt ngầm của họ đã đầy.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Burning Off Natural Gas Which Would Have Gone to Germany – Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy người Nga đang đốt bỏ khí đốt tự nhiên mà lẽ ra sẽ đưa đến Đức”.

Theo phân tích, Nga đang đốt cháy một lượng đáng kể khí đốt tự nhiên trị giá hàng triệu đô la hàng ngày, mà lẽ ra sẽ đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1.

Các chuyên gia tại Rystad Energy có trụ sở tại Na Uy đã phát hiện ra rằng một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG, mới ở phía tây bắc St.Petersburg, gần biên giới của Nga với Phần Lan, đang đốt lượng khí đốt ước tính trị giá 10 triệu USD mỗi ngày, gây lãng phí và hủy hoại môi trường và làm giá năng lượng tăng vọt, BBC News đưa tin.

Nhà máy LNG nằm gần một trạm nén ở đầu đường ống Nord Stream 1, vận chuyển khí đốt đến Đức dưới biển thông qua đường ống Biển Baltic. Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, đã tuyên bố vào tháng 7 rằng họ sẽ giảm các chuyến hàng khí đốt tự nhiên qua đường ống xuống 20% công suất.

Quyết định đó được đưa ra sau các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu đối với cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin chống lại Ukraine, mặc dù Mạc Tư Khoa đã nhấn mạnh động thái này chỉ là vì có các vấn đề kỹ thuật. Đức cho biết động thái này có động cơ chính trị và nhằm tăng chi phí năng lượng.

Các chuyên gia Rystad Energy cho biết việc giám sát vệ tinh về mức nhiệt bức xạ tại nhà máy LNG cho thấy hoạt động đốt khí tự nhiên đã diễn ra kể từ ngày 11/7 và 4,34 triệu mét khối khí đang được đốt mỗi ngày.

Các công dân Phần Lan qua biên giới lần đầu tiên nhận thấy điều gì đó đang diễn ra tại cơ sở khi họ nhìn thấy một ngọn lửa lớn ở đường chân trời vào đầu mùa hè này, theo BBC News.

Các chuyên gia cho biết, mặc dù đốt gas là một thực tế phổ biến tại các nhà máy chế biến, nhưng quy mô đốt gas tại nhà máy LNG là chưa từng có. Đốt gas thường được thực hiện vì lý do kỹ thuật hoặc an toàn - nhưng không phải trên quy mô mà Rystad Energy nhìn thấy.

Tiến sĩ Jessica McCarty, một chuyên gia về dữ liệu vệ tinh từ Đại học Miami ở Ohio, nói với BBC News: “Tôi chưa bao giờ thấy một nhà máy LNG đốt gas nhiều như vậy. “Bắt đầu từ khoảng tháng 6, chúng tôi đã thấy đỉnh núi khổng lồ này, và nó không biến mất. Nó vẫn ở mức rất cao bất thường.”

Miguel Berger, đại sứ của Đức tại Vương quốc Anh, nói với BBC rằng ông tin rằng Nga đang đốt cháy khí đốt tự nhiên vì họ không muốn bán cho Đức và không thể bán nó ở nơi khác.

Berger nói: “Họ không có nơi nào khác để bán khí đốt của mình, vì vậy họ phải đốt nó”.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới sau Ả Rập Xê-út. Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Nga đã cung cấp 40% lượng khí đốt được sử dụng ở Âu Châu.

7. Lực lượng Ukraine 'đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga' ở vùng Donetsk

Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã đẩy lùi một số cuộc tấn công của Nga ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Ukraine giữ vững vị trí của họ và ngăn chặn kẻ thù tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.

Ông nói: Quân đội của chúng ta đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của kẻ thù tại các khu định cư Dolyna, Soledar, Novobakhmutivka, Kodema, Zaitseve, Avdiivka, Mariinka và Lyubomirivka của vùng Donetsk.

Quân đội Ukraine cũng tuyên bố phá hủy các mục tiêu của Nga ở khu vực Donetsk.

Theo thị trưởng địa phương, một vụ nổ mạnh xảy ra ở thành phố bị chiếm đóng Enerhodar, nơi có nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia.

Ông cho biết: “Hôm nay lúc 12:20 cư dân của Enerhodar báo cáo về một vụ nổ mạnh trong thành phố.”

Sau đó, nguồn điện và nước đồng loạt biến mất ở Enerhodar.

8. Tòa Bạch Ốc cáo buộc Nga 'sử dụng năng lượng làm vũ khí'

Tòa Bạch Ốc đã cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí sau khi nước này ngừng cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1.

Một quan chức Mỹ cho biết: “Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí và họ đang chọn cách đóng cửa đường ống dẫn dầu.

“Mỹ và Âu Châu đã và đang hợp tác để bảo đảm có đủ nguồn cung cấp. Kết quả của những nỗ lực này, kho khí đốt của Âu Châu sẽ đầy cho việc sưởi ấm mùa đông quan trọng. Chúng tôi còn nhiều việc phải làm “.

Điện Cẩm Linh đã cảnh báo rằng Nga sẽ không tiếp tục cung cấp khí đốt cho Âu Châu cho đến khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ, đổ lỗi cho “tập thể phương Tây” vì quyết định đóng cửa các dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1.

Cho đến hôm thứ Hai 5 tháng 9, Nga vẫn cho rằng việc ngừng bơm khí đốt xảy ra do các trục trặc kỹ thuật liên quan đến tuabin. Tuy nhiên, hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov tuyên bố thẳng thừng rằng:

Vấn đề ngừng bơm khí đốt xảy ra do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây áp dụng đối với nước ta và một số công ty. Không có lý do nào khác có thể gây ra sự việc ngừng bơm này.

Bình luận của ông Peskov đánh dấu yêu cầu rõ ràng nhất của Mạc Tư Khoa cho đến nay là Liên Hiệp Âu Châu phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Nga nối lại việc cung cấp khí đốt cho lục địa này.

9. Nga tuyển dụng binh sĩ từ bệnh viện tâm thần để bù đắp tình trạng thiếu hụt quân nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Recruits Soldiers From Mental Health Unit to Make Up Troop Shortfall”, nghĩa là “Nga tuyển dụng binh sĩ từ cơ sở tâm thần để bù đắp tình trạng thiếu hụt quân nhân”

Nga đang tuyển dụng các tình nguyện viên cho cuộc chiến chống Ukraine của Vladimir Putin từ một bệnh viện chăm sóc sức khỏe tâm thần ở St. Petersburg, cung cấp các ưu đãi bằng tiền mặt và hơn thế nữa để khuyến khích mọi người chiến đấu.

Trang web của Bệnh viện Tâm thần học số 2 ở St.Petersburg có một áp phích kêu gọi tân binh cho các tiểu đoàn tình nguyện “Kronstadt”, “Neva” và “Pavlovsk” trên trang chủ của nó.

Theo quảng cáo, sau đó dường như đã bị loại bỏ, những người tình nguyện ký hợp đồng ít nhất sáu tháng sẽ được hứa thanh toán một lần, trợ giúp nhà ở và các dịch vụ xã hội, quyền được hưởng tư cách của một cựu chiến binh và quyền vào các trường đại học mà không cần thi cử, và được hỗ trợ vật chất một lần.

Một biểu ngữ quảng cáo cũng nêu chi tiết cách vượt qua cuộc kiểm tra tâm thần để được cấp phép mang vũ khí.

Đó là một phần của chiến dịch tuyển dụng rộng rãi hơn đối với các tân binh khi cuộc chiến của Putin tiến đến tháng thứ bảy. Các nhà chức trách Nga đang tiếp tục tuyển dụng lao động hợp đồng hàng loạt mà không thông báo về việc điều động chiến tranh.

Putin đã phát động cái mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhưng nhà lãnh đạo này chưa thông báo về việc tổng động viên. Tuyên bố chiến tranh toàn diện với Ukraine sẽ cho phép Putin theo luật của Nga có quyền gọi nhập ngũ và huy động lực lượng dự bị.

Vào tháng 7, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã công bố một báo cáo cho thấy Nga đang thực hiện một “cuộc vận động thầm lặng” thông qua các trung tâm việc làm trong khu vực.

Trong một bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram, trung tâm cho biết họ đã tìm thấy khả năng tuyển dụng hơn 20.000 lao động hợp đồng người Nga.

Trung tâm Chống Thông tin giả cho rằng hàng nghìn vị trí tuyển dụng này cho thấy những tổn thất của quân đội Nga, và “vấn đề chung đối với việc tuyển dụng quân nhân.”

Trước đó, một tìm kiếm của Newsweek trên một trang web tuyển dụng địa phương vào tháng 5 đã tìm thấy hơn một chục mẩu tin tuyển dụng những người được tham gia trong các khóa huấn luyện để nhập ngũ và làm việc trong thời chiến.

Phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng chính quyền ở St.Petersburg cũng đã cố gắng tuyển dụng những người vô gia cư của thành phố. Tổ chức bác ái dành cho người vô gia cư Nochlezhka cho biết các nhân viên từ chính quyền quận Frunzensky của thành phố lớn thứ hai của Nga đã đến thăm một nhà tạm trú vào ngày 17/8.

Một đại diện của Nochlezhka nói với Newsweek rằng các quan chức đã cố gắng nói chuyện với những người ở tại nơi tạm trú và để lại các quảng cáo có thông tin về các dịch vụ hợp đồng.

Nhân viên trực tại nơi tạm trú không cho phép điều này và yêu cầu các quan chức nói chuyện với quản lý trước khi họ rời đi.

Ukraine cũng cho biết hôm thứ Hai rằng Nga đã bắt đầu tuyển dụng binh lính bị bệnh và bị thương từ bệnh viện để thay thế những tổn thất của họ.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga đang tiếp tục “huy động cưỡng bức” tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine.

“ Ở Donestsk, những kẻ xâm lược Nga đã tìm thấy một 'nguồn mới' để bổ sung những tổn thất về nhân lực”.

“Vì vậy, gần đây, các đại diện của quân đội chiếm đóng của Nga đã bắt đầu đến các bệnh viện địa phương trong thành phố và buộc 'xuất viện' các bệnh nhân.

“Những người đàn ông trong độ tuổi quân dịch mắc nhiều bệnh hoặc thương tích khác nhau, bao gồm cả những người bị thương trong chiến tranh đang được điều trị, bị cưỡng bức như vậy.”

Newsweek đã không thể xác minh độc lập những tuyên bố này và đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết khoảng 49.800 lính Nga đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, mặc dù Nga chưa xác nhận những con số đó. Vào ngày 25 tháng 3, một tướng Nga nói với truyền thông nhà nước rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương.
 
TGM Ukraine cáo buộc ba thế kỷ người Nga muốn tận diệt người Ukraine. Người Công Giáo và chính trị Ý
VietCatholic Media
05:19 07/09/2022


1. Nhật thực của người Công Giáo trong chính trị Ý

“Ở Ý có một thế giới Công Giáo suy nghĩ, viết lách, và tạo ra các tác phẩm đủ loại: nhưng trong các cuộc diễn thuyết trước công chúng, thế giới này hầu như không có.” Đây là nhận xét của nhà báo Corriere della Sera, người tin rằng chỉ có Giáo hoàng ngày nay vẫn có thể làm cho mình được lắng nghe ở Bán đảo Ý.

Lý do cho sự nhật thực này: Bản sắc Công Giáo đã trở nên không thể xác định được. Thật vậy, để “tồn tại”, cần phải “bao gồm” một cái gì đó. Ở đây, chúng ta có thể dẫn chứng khoảng cách ý thức hệ lớn giữa một số người Công Giáo về khái niệm chiến tranh chính nghĩa hoặc quyền phá thai, chẳng hạn. Đối mặt với chủ nghĩa thế tục hóa và chủ nghĩa cá nhân, Công Giáo đã đi từ một thái độ chống đối cam chịu sang một logic thỏa hiệp. Bản sắc Công Giáo đã chia nhỏ thành một nhóm bản sắc. Nguyên tắc thống nhất về các vấn đề cơ bản đã bị phá vỡ. Bởi vì điều này, người Công Giáo, mặc dù vẫn còn rất nhiều, đã trở nên câm lặng về mặt chính trị. Vẫn còn phải xem liệu điều này có chính xác hay không.
Source:ow2.rassegnestampa.it

2. Vệ binh Thụy Sĩ của Vatican nỗ lực thu hút tân binh

Đội quân nhỏ nhất thế giới, trong những năm gần đây gặp khó khăn trong việc tuyển mộ tân binh, đã tạo ra một chức vụ quan hệ truyền thông mới trong nỗ lực mang thu hút các thành viên mới.

Trong một thông cáo ngày 1 tháng 9, Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tuyên bố họ đang mở rộng sự hiện diện của mình ở Thụy Sĩ “bằng cách tạo ra một văn phòng báo chí và một đầu mối liên lạc cho các cơ quan chức năng”.

Người đàn ông được bổ nhiệm cho công việc này là Stefan Wyer, từ công ty Visp và đã từng làm việc với tư cách là một nhà tư vấn kinh doanh độc lập về truyền thông và chính trị.

Wyer sẽ báo cáo trực tiếp với Chỉ huy Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, Christoph Graf, là người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 2015, và ông cũng sẽ làm việc chặt chẽ với người đứng đầu Văn phòng Tuyển dụng và Thông tin Vệ binh Thụy Sĩ, Bernhard Messmer.

Sau quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2018 về việc tăng số lượng Vệ binh Thụy Sĩ từ 110 lên 135, “nhu cầu tuyển dụng tân binh đã tăng lên”, thông cáo cho biết quá trình tuyển dụng “phải được hỗ trợ bởi công tác quan hệ công chúng tích cực hơn”.

Theo thông cáo, việc thúc đẩy 'quan hệ công chúng mới' của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ sẽ bao gồm việc tạo ra một đầu mối liên hệ trực tiếp với Truyền thông Thụy Sĩ, và công bố tốt hơn các hoạt động và thực thể trực thuộc Lực lượng Bảo vệ.

Trong vài năm qua, Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã cố gắng thay đổi nhận thức rằng những người nhập ngũ chỉ đơn thuần là một yếu tố nhằm thu hút khách du lịch tại Vatican, khi các du khách nước ngoài chụp ảnh bên cạnh đồng phục sặc sỡ và mũ lông vũ của họ.

Thay vào đó, Lực lượng Bảo vệ đã tìm cách nhấn mạnh các thành viên được huấn luyện quân sự và tháp tùng Đức Giáo Hoàng ở mọi nơi ngài đi, kể cả trong các chuyến công du nước ngoài.

Các tân binh được tuyên thệ nhậm chức hàng năm vào ngày 6 tháng 5, đánh dấu ngày vào năm 1527 khi 147 Vệ binh Thụy Sĩ đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Thất trong cuộc bao vây thành Rôma. Chỉ có 42 lính canh sống sót sau vụ thảm sát, và ngày tuyên thệ được chọn đặc biệt như một lời nhắc nhở về những gì họ phải sẵn sàng hy sinh khi tuyên thệ bảo vệ và phục vụ Đức Giáo Hoàng.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.


Source:Crux

3. Các Giáo Hội nhấn mạnh nhu cầu hòa giải, thống nhất và xây dựng hòa bình ở Ukraine

Hội nghị toàn thể Âu Châu được tổ chức vào ngày 2 tháng 9 tại Karlsruhe bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh thánh về Người Samaritanô nhân hậu, Luca 10, phản ánh bối cảnh về tình yêu thương từ bi của Chúa Giêsu Christ.

Đức Tổng Giám Mục Yevstratiy của Chernihiv và Nizhyn thuộc Chính thống Ukraine cho biết: “Trong hơn ba thế kỷ, Đế quốc Nga và Liên bang Xô Viết đã cố gắng xóa bỏ căn tính của người Ukraine. Nhưng, chúng tôi đang đấu tranh thành công cho tự do của chúng tôi, cho tương lai độc lập của chúng tôi.”

Đức Tổng Giám Mục Yevstratiy đánh giá cao các tổ chức đại kết vì lập trường mạnh mẽ của họ trước cuộc xâm lược của Nga và lời kêu gọi của họ đối với Thượng phụ Kirill của Nga. Ngài nói: “Không ai có quyền nhân danh Chúa mà ủng hộ cho hành động xâm lược, không ai có quyền biện minh cho tội ác chiến tranh và hành động diệt chủng”.

Giáo sư Sergii Bortnyk thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine đã chia sẻ cách mà Giáo Hội của ông đang giúp đỡ các nạn nhân chiến cuộc. “Nhiều tín hữu đã trở thành tình nguyện viên. Giáo Hội của chúng tôi nhận và phân phối các loại trợ giúp nhân đạo khác nhau - đặc biệt là từ các quốc gia láng giềng và từ các hội thánh chị em của chúng tôi,” ông nói.

Tổng thư ký Hội nghị các Giáo Hội Âu Châu, Tiến sĩ Jørgen Skov Sørensen nhấn mạnh “Ukraine là mối quan tâm không chỉ của Âu Châu mà còn của thế giới”.

“Do quá khứ ở Âu Châu gần đây của chúng ta, chiến tranh trên đất Âu Châu mang ý nghĩa vượt qua thời gian và địa điểm thực tế của chúng trong lịch sử. Nó gợi lên những ký ức đã qua lâu rồi. Và nó thách thức sự tin tưởng mạnh mẽ của Âu Châu rằng phần này của thế giới đã - hoặc đang - phát triển thành một lục địa hòa bình lâu dài sau chiến tranh.”.

Sørensen đã chia sẻ cách Hội nghị các Giáo Hội Âu Châu tổ chức Hội nghị Âu Châu vào tháng Hai sau khi Nga xâm lược Ukraine, nơi chương trình được thiết lập để giải quyết nỗi sợ hãi, sự không chắc chắn và cú sốc đã nhấn chìm Âu Châu vào thời điểm đó. “Chúng tôi đã lắng nghe tiếng của người Ukraine, và của toàn Âu Châu. Chúng tôi đã phân tích. Chúng tôi đã cầu nguyện cùng nhau.”

Tiến sĩ Dagmar Pruin, chủ tịch Tổ chức Bánh mì cho Thế giới Kathesiahenhilfe đã chia sẻ cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại những đau khổ khôn lường cho người dân như thế nào. Bà nói: “Sự tàn phá, di dời, tra tấn và những cái chết bạo lực là thực tế của hàng triệu người.”

Pruin đã nói về những thách thức đáng kể mà các cơ quan Giáo Hội phải đối mặt trong việc cung cấp viện trợ cho các nạn nhân của chiến tranh, đặc biệt là khi có nhu cầu lớn phát sinh từ các thảm họa khác, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh rằng công việc nhân đạo của các Giáo Hội đang và phải tiếp tục được bắt nguồn từ tầm nhìn yêu thương.
Source:oikoumene.org
 
Binh biến trong quân Nga: Cả Trung Đoàn từ chối chiến đấu. Nga kiệt quệ, tháo chạy cả ở Donetsk
VietCatholic Media
16:28 07/09/2022


1. Ukraine bắn hạ máy bay chiến đấu Su-25 của Nga, phá hủy 12 trọng pháo, và 5 xe tăng

Trong bản báo cáo chiều thứ Tư 7 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, các lực lượng phòng thủ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 460 binh sĩ Nga, cũng như phá hủy một lượng đáng kể thiết bị quân sự và ba kho đạn.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Tình hình trong khu vực hoạt động của miền nam Ukraine đang căng thẳng và năng động. Quân xâm lược tiếp tục tiến hành các trận địa phòng ngự và pháo kích ác liệt vào các khu vực đông dân cư dọc giới tuyến và hậu cứ của ta. Quân xâm lược Nga đã tăng cường trinh sát trên không bằng máy bay không người lái. Tại quận Mykolaiv, một máy bay không người lái do thám loại Orlan-10 đã bị bắn hạ.”

Cố gắng giữ vững vùng đất đã chiếm đóng, quân xâm lược sử dụng chiến thuật thường dùng là không kích vào các vùng Bilohirka, Kostromka, Sukhyi Stavok và Bezymenne, “họ đã phải trả giá đắt khi mất một máy bay cường kích. Quân đội Ukraine cho biết một chiếc Su-25 trị giá 85 triệu Mỹ Kim đã bị các đơn vị hỏa tiễn phòng không của chúng tôi 'hạ cánh' trước lịch trình”.

Các phi công của Lực lượng Không quân Ukraine đã thực hiện 13 lần xuất kích, trong khi các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh thực hiện hơn 250 nhiệm vụ tấn công.

Tổn thất của đối phương được xác nhận trong khu vực Kherson bao gồm 83 binh sĩ, 5 xe tăng chiến đấu chủ lực, 12 xe tăng Msta-B và Msta-S, 3 khẩu Hyacinth-B và 3 xe bọc thép chiến đấu. Ngoài ra, ba kho đạn đã bị phá hủy - ở Hola Prystan, Tomyna Balka và Snihurivka.

Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 50.610 binh sĩ Nga trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 7 tháng 9, trong đó có 460 binh sĩ chỉ trong ngày qua.

2. Trung đoàn 127 thuộc quân đoàn 1 Nga từ chối chiến đấu

Tờ Daily Mail số ra ngày thứ Tư 7 tháng 9 cho biết các chỉ huy Nga ở Kherson đối mặt với cuộc binh biến khi toàn bộ trung đoàn từ chối chiến đấu do thiếu nguồn cung cấp và không được trả lương trong khi Ukraine tiếp tục một loạt các cuộc phản công.

Các chỉ huy của Nga ở miền nam Ukraine bị chiếm đóng đang phải đối mặt với hàng loạt thất bại khi các trung đoàn từ chối chiến đấu do thiếu nguồn cung cấp cơ bản và không được trả lương.

Trung đoàn 127 của quân đoàn 1 Nga được tường trình đã phớt lờ lệnh tham gia trận chiến gần thành phố Kherson, miền nam Ukraine, theo thông tin tình báo được Bộ chỉ huy tác chiến phía nam Ukraine đưa ra.

Những người lính dẫn đầu cuộc binh biến nói với cấp trên rằng họ không thể chiến đấu vì họ đã phải chịu đựng nhiều tuần thiếu nước và khẩu phần ăn khan hiếm, trong khi không nhận được tiền lương.

Cơ quan an ninh quân đội Nga, gọi tắt là GRU, và cơ quan mật vụ FSB của Nga đã 'điều tra' những cá nhân chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc nổi dậy và 'loại bỏ' họ khỏi vị trí, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết như trên.

Những người kháng lệnh có thể sẽ phải đối mặt với một số phận khó khăn – họ bị chuyển đến các trung tâm giam giữ trên lãnh thổ do Nga chiếm đóng, nơi họ bị bắt trở lại tiền tuyến hoặc bị giam giữ trong điều kiện khủng khiếp và bị tra tấn.

Biến cố này diễn ra khi các quan chức chính quyền địa phương do Điện Cẩm Linh cài đặt ở Kherson cho biết họ buộc phải đình chỉ một cuộc 'trưng cầu dân ý' về việc liệu thành phố có nên gia nhập Liên bang Nga hay không do lo ngại về an toàn trong bối cảnh Ukraine đang có những hành động phản công trong khu vực.

Trung đoàn 127 chỉ là một trong số các đơn vị của Nga đã quyết định bất tuân mệnh lệnh trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Bất chấp nguy cơ kết thúc trong trại tra tấn hoặc bị xử tử, rất nhiều binh sĩ của Putin đã từ chức ngay lập tức, sau khi biết được sự thật về cuộc xung đột mà họ được giao nhiệm vụ.

Những người khác đã gục ngã sau nhiều tuần chiến đấu chịu đựng trong khi không được cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống và đạn dược.

3. Ukraine cho rằng Putin không đạt được tiến bộ ở Donetsk khi thời hạn chót đến gần

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Failing to Make Progress in Donetsk as Deadline Looms: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho rằng Putin không đạt được tiến bộ ở Donetsk khi thời hạn chót đến gần.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các quan chức Kyiv cho biết quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin không đạt được tiến bộ nào ở Donetsk khi thời hạn cuối cùng của ông là ngày 15 tháng 9 đến gần.

Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 để “giải phóng” Donbas, một khu vực ly khai của Ukraine bao gồm Donetsk và Luhansk. Ban đầu, Putin hy vọng vào một chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu, vì Nga có một trong những quân đội lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quân đội Nga đã phải đối mặt với một lực lượng phòng thủ mạnh hơn mong đợi từ Ukraine, những người mà các nỗ lực phòng thủ đã được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự từ các đồng minh của họ, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Sau hơn sáu tháng giao tranh, Nga đã không đạt được bất kỳ chiến thắng đáng kể nào ở Ukraine, khi quân đội tuần trước đã mở cuộc phản công ở Kherson, thành phố lớn đầu tiên bị Nga chiếm khi bắt đầu chiến tranh - một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của Ukraine.

Putin được tường trình đã ra lệnh cho quân đội của mình thời hạn cuối cùng vào ngày 15 tháng 9 để chiếm toàn vùng Donetsk. Vào tháng 6, Nga đã chiếm khoảng một nửa diện tích của khu vực, mặc dù vẫn chưa rõ chính xác diện tích mà nước này hiện đang nắm giữ là bao nhiêu.

Trong bản cập nhật về hoạt động hôm thứ Ba, các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine cho biết quân đội của họ đang ngăn cản binh sĩ Nga tiến sâu hơn vào Donetsk khi thời hạn cuối cùng của ngày 15 tháng 9 sắp đến.

“Các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ giữ vị trí của họ và ngăn chặn kẻ thù tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine”, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như trên.

Bản cập nhật cho biết quân đội đã “đẩy lùi thành công” các cuộc tấn công của kẻ thù trong các khu vực của Donetsk, bao gồm các khu vực Dolyna, Soledar, Novobakhmutivka, Kodema, Zaitseve, Avdiivka, Maryinka và Lyubomirivka.

Bản cập nhật cho thấy các lực lượng Nga đang phải vật lộn để đáp ứng thời hạn mà Putin đặt ra vào đầu tháng.

Tổn thất của Nga tiếp tục tăng đến mức chóng mặt ở Ukraine. Hôm thứ Ba, Ukraine cho biết hơn 50.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng Hai. Quân đội Nga đã phải đối mặt với một số trở ngại, bao gồm thiếu động lực, ít được đào tạo và khả năng lãnh đạo kém, buộc Mạc Tư Khoa phải chuyển sang những cách thức mới để tuyển quân.

Vào tháng 5, tờ The Mạc Tư Khoa Times đưa tin Điện Cẩm Linh đang thưởng cho các binh sĩ mới để thuyết phục họ tham gia.

Putin cũng đang quay sang Triều Tiên để mua vũ khí mới trong bối cảnh các cuộc đấu tranh đang gia tăng, cho thấy quân đội Nga có thể đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Mạc Tư Khoa bị cắt khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Các vũ khí của Triều Tiên có thể thúc đẩy quân đội Nga.

Cuộc phản công Kherson của Ukraine đã làm gia tăng thêm những thách thức mà quân đội của Putin phải đối mặt. Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby tuần trước cho biết rằng các báo cáo về cuộc phản công đã buộc Nga phải điều động “một số đơn vị nhất định” ở các khu vực quan trọng khác để đối phó. Cuối tuần qua, Ukraine đã tái chiếm và phất cờ trước một bệnh viện.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

4. Nga tấn công tân Thủ tướng Anh Liz Truss, cho rằng tân thủ tướng Anh không có khả năng 'giúp Anh trên trường quốc tế'

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, đã chỉ trích thủ tướng mới của Anh, Liz Truss, vì lập trường thỏa hiệp của cô và cho biết Vương quốc Anh sẽ không củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế dưới sự lãnh đạo của cô.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Mạc Tư Khoa, ông Lavrov cho biết tân thủ tướng Anh đã cố gắng “bảo vệ lợi ích của nước Anh mà không tính đến quan điểm của những người khác và không có bất kỳ nỗ lực thỏa hiệp nào”.

Lavrov nói thêm:

Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ giúp Anh duy trì hoặc củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế, vốn rõ ràng đã bị lung lay sau khi nước này rời Liên minh Âu Châu.

Ông cũng chế nhạo thủ tướng sắp tới khi nói rằng cô không biết tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, là bạn hay kẻ thù.

Ông ta nói:

Đối với Liz Truss... ưu tiên quan trọng hơn là hãy giải quyết những người hàng xóm thân thiết nhất của cô ấy, bao gồm cả việc cuối cùng quyết định xem Tổng thống Macron là bạn hay là kẻ thù của cô ấy. Câu hỏi này vẫn còn lơ lửng trong không khí.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết Vương quốc Anh đã cố gắng “bù đắp” cho Brexit bằng cách thực hiện “các bước quyết liệt trên trường thế giới” và đang hành động “mạnh mẽ đối với tình hình ở Ukraine”.

Đây không phải là lần đầu tiên Ngoại trưởng Lavrov tấn công cô Liz Truss. Trong bài nhận định nhan đề “How Liz Truss, Russia's Nemesis, Could Change Ukraine War if She Becomes PM”, nghĩa là “Liz Truss, nữ thần báo oán của nước Nga, có thể thay đổi chiến tranh Ukraine như thế nào nếu cô ấy trở thành thủ tướng”, tờ Newsweek cho biết Nga đã cố ý làm nhục cô Liz Truss trong vai trò Ngoại trưởng Anh vào tháng Hai năm nay.

Ngoại trưởng Lavrov đã hỏi Truss khi họ gặp nhau vào tháng 2 rằng liệu cô ấy có công nhận chủ quyền của Nga đối với Rostov và Voronezh hay không. Cô ấy nói rằng Vương quốc Anh sẽ không công nhận.

Trước câu hỏi bất ngờ, Ngoại trưởng Liz Truss dường như không biết rằng trên thực tế Rostov và Voronezh là những thành phố của Nga chứ không phải của Ukraine.

Tuy nhiên, cách thức Ngoại trưởng Nga Lavrov đưa ra câu hỏi mẹo ấy cũng đáng bị phê phán. Người ta không thể giả định một người có thể biết hết các thành phố của Nga. Đối với Lavrov Rostov và Voronezh là những thành phố lớn, nhưng đối với hầu hết mọi người trên thế giới khi nói đến Nga, người ta thường chỉ biết Mạc Tư Khoa hay cùng lắm là St. Peterburg.

Người Nga chắc chắn sẽ phải trả giá cho những vụ tấn công này.

5. Ba tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh theo dõi lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Nga ở vùng biển gần với Vương quốc Anh.

Các chiến hạm Anh Westminster, Lancaster và Richmond đã theo dõi tàu tuần dương lớp Slava, Marshal Ustinov, là con tàu chị em của tàu Mạc Tư Khoa xấu số bị chìm ở Hắc Hải hồi tháng 4.

Họ cũng đã theo dõi tàu khu trục lớp Udaloy, mang tên Phó Đô đốc Kulakov và tàu chở dầu Vyazma khi ba tàu này đi về Nga từ phía đông Địa Trung Hải sau khi hỗ trợ Nga xâm lược Ukraine kể từ tháng Hai.

Đồng thời, tàu tuần tra Mersey cũng đã bám theo tàu nghiên cứu quân sự Akademik Ioffe của Nga trên hành trình về phía nam qua các tuyến vận chuyển Dover vào eo biển Manche.

Một phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết:

Các tàu khu trục nhỏ và trực thăng của Anh đã sử dụng một loạt các cảm biến tiên tiến và công nghệ hải quân hiện đại để theo dõi chặt chẽ ở Biển Celtic và qua eo biển Manche “.

Chỉ huy trưởng Ed Moss-Ward, sĩ quan chỉ huy của chiến hạm Westminster cho biết:

An ninh hàng hải ở các vùng biển xung quanh Vương quốc Anh là yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng và khả năng phục hồi của chúng ta.

Hải quân Hoàng gia Anh thường xuyên bám theo các tàu chiến trong lãnh hải Vương quốc Anh và các vùng biển lân cận để bảo đảm tuân thủ tầu của các nước luật hàng hải, ngăn chặn hoạt động xấu và bảo vệ lợi ích quốc gia của Anh.

Việc hộ tống nhóm đặc nhiệm Nga đã chứng tỏ rằng Hải quân Hoàng gia Anh cam kết duy trì an ninh hàng hải và hợp tác với các đồng minh Nato.

Chiến hạm Lancaster đã bám theo các tàu Nga từ eo biển Gibraltar đến Biển Celtic trong khuôn khổ lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh của NATO ở Đại Tây Dương.

Chiến hạm Westminster được triển khai từ Portsmouth để đánh chặn các tàu Nga ở Biển Celtic, nơi tàu chở dầu Nguyên soái Ustinov được tiếp nhiên liệu bởi tàu chở dầu Vyazma.

6. Quan chức do Nga cài đặt bị thiệt mạng trong vụ đánh bom thứ ba trong 2 tuần qua

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Third Russia-Installed Official Killed in Bombing in 2 Weeks”, nghĩa là “Quan chức do Nga cài đặt bị thiệt mạng trong vụ đánh bom thứ ba trong 2 tuần qua.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Ba quan chức Nga được bố trí tại các thành phố Ukraine bị chiếm đóng đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom trong hai tuần qua trong bối cảnh Kyiv đang tăng cường nỗ lực giành lại lãnh thổ của mình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 để “giải phóng” khu vực Donbas, một khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Mạc Tư Khoa phần lớn đã không đạt được bất kỳ chiến thắng lớn nào ở Ukraine, quân đội của họ đã khiến Nga bất ngờ với nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi. Tuy nhiên, Nga đã giành được một số lãnh thổ ở Donbas, nơi họ đã cài đặt các nhà lãnh đạo của riêng mình.

Một số quan chức do Điện Cẩm Linh cài đặt đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công trong những tuần gần đây khi tổn thất của Nga ngày càng gia tăng và Ukraine tìm cách chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng — cụ thể là ở Kherson, thành phố lớn đầu tiên mà Nga chiếm được khi bắt đầu chiến tranh. Các diễn biến này xảy ra khi Ukraine cho biết số người chết của Nga đã vượt qua 50.000 người vào hôm thứ Ba.

Trong cuộc tấn công chống Nga mới nhất, một “chỉ huy”, tên là Artem Bardin, đã chết sau khi chiếc xe của anh ta bị nổ tung ở thị trấn Berdyansk bên trong vùng Zaporizhzhia, theo hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda.

Zaporizhzhia đã là một địa điểm quan trọng trong cuộc chiến vì bất cứ ai kiểm soát lãnh thổ cũng sẽ kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia, cơ sở điện hạt nhân lớn nhất ở Âu Châu. Hiện tại, thị trấn vẫn bị lực lượng của Putin chiếm đóng và các chuyên gia cảnh báo rằng giao tranh tại nhà máy có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân.

Sau vụ nổ hôm thứ Ba, Bardin được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nghiêm trọng nhưng đã chết vì vết thương của mình, Pravda đưa tin. Thông tin thêm về cuộc tấn công - bao gồm cả việc quân đội Ukraine hay một nhóm khác đứng sau cuộc tấn công này - vẫn chưa được biết.

Hai quan chức khác do Nga cài đặt đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom chưa đầy hai tuần trước đó.

Vào ngày 26 tháng 8 tại Berdyansk, Oleksandr Kolesnikov, phó cảnh sát giao thông địa phương của Nga, đã chết trong một vụ nổ gần trung tâm y tế mỏ Kryvorizky, theo một báo cáo trước đó từ Pravda. Kolesnikov cũng được đưa đến bệnh viện với những vết thương do mảnh đạn bắn và chết vì vết thương quá nặng.

Nga cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tấn công..

Thị trưởng Mykhaylivka được Putin bổ nhiệm, Ivan Sushko, đã bị giết bởi một quả bom xe được cố ý đặt dưới ghế ngồi của ông, quan chức Nga Volodymr Rogov viết trong một bài đăng trên Telegram được dịch vào ngày 24/8.

Các nhà lãnh đạo được cài đặt khác đã bị giết trong các cuộc tấn công trước đó, theo Đài Âu Châu Tự do. Vào ngày 6 tháng 8, một phó thị trưởng Nova Kakhovka do Nga bổ nhiệm đã bị bắn chết bởi một tay súng không rõ danh tính bên ngoài nhà của ông. Vào ngày 24 tháng 6, một vụ đánh bom xe ở Kherson đã giết chết Dmytro Savluchenko, người được Điện Cẩm Linh bổ nhiệm làm lãnh đạo ban giám đốc khu vực về các chính sách thanh niên.

Một số quan chức thân Putin thậm chí còn bị nhắm vào bên trong Nga.

Alexander Dugin, một đồng minh thân cận của Putin, đã bị nhắm tới trong một vụ đánh bom xe hơi ở ngoại ô Mạc Tư Khoa vào ngày 20 tháng 8. Tuy nhiên, ông ta không ở trong xe vào thời điểm đó, vì vậy vụ tấn công đã giết chết con gái 29 tuổi của ông ta, Darya Dugina. Ilya Ponomarev, một chính trị gia cũ của Nga, trở thành đối thủ của Putin, tuyên bố rằng một tổ chức có tên là Quân đội Cộng hòa Quốc gia chịu trách nhiệm về vụ đánh bom.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để đưa ra bình luận.
 
Tổng thống Đức chỉ trích Thượng Phụ Kirill. Phản ứng của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa
VietCatholic Media
19:45 07/09/2022


1. Tân Hồng Y Arthur Roche cảnh báo thái độ phản đối Công đồng Vatican II không phải là Công Giáo

Tân Hồng Y Arthur Roche, tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, nói rằng những ai “ngoan cố” phản đối “những cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II có nguy cơ theo đuổi một quan điểm không còn là Công Giáo nữa. Công Đồng là cơ chế cao nhất tồn tại trong Giáo hội,” ngài nói với The Tablet và National Catholic Reporter.

'Nếu bạn bỏ qua điều đó, bạn đang đặt mình sang một bên, ra ngoài rìa của Giáo hội. Bạn đang trở nên theo đạo Tin lành hơn là Công Giáo. “Người bảo vệ cuộc cải cách công đồng, cánh tay phải của Đức Thánh Cha Phanxicô cho phụng vụ, tin rằng việc phản đối nó là” rất nghiêm trọng “. Vị giám chức khẳng định rằng Thánh lễ bằng tiếng bản ngữ có thể trang nghiêm như Thánh lễ bằng tiếng Latinh. Tuy nhiên, ngài nói, “Thánh lễ Latinh theo Sách lễ năm 1962 vẫn tồn tại cho những ai muốn.”

Một số nhà phê bình tỏ ra không hài lòng với việc đồng hóa việc yêu thích thánh lễ La Tinh với thái độ chống lại Công Đồng Vatican II.
Source:The Tablet

2. Căng thẳng tại Đại hội Kỳ thứ 11 của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô

Trong diễn văn hôm 31 tháng Tám vừa qua, tại buổi khai mạc Đại hội, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, một tín hữu Tin lành Đức, đã mạnh mẽ lên án việc Thượng phụ Kirill của Chính thống Nga đã biện minh cho chiến tranh của Nga chống Ukraine. Ông nói: “Giới lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga đã thao túng các tín hữu và toàn thể Giáo hội thuộc quyền đi vào một con đường sai lầm chống tôn giáo và phạm thượng. Giới lãnh đạo Giáo hội này đã tham dự vào những tội ác chiến tranh chống lại Ukraine”.

Phái đoàn Chính thống Nga tại Đại hội Kỳ XI của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô, đang tiến hành tại thành phố Karlsruhe đã phản đối những lời phê bình nghiêm khắc này của Tổng thống Đức và gọi những lời cáo buộc này là “vô căn cứ” và sự “tạo áp lực một cách trá hình”.

Phản ứng về những lời này, trong tuyên bố trên mạng của Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa, trưởng phái đoàn của Chính thống Nga tham dự Đại hội, là Đức Tổng Giám Mục Antony, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa nói rằng: “Tổng thống Đức đã đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ, và hoàn toàn cố tình làm ngơ không biết đến những cố gắng nhân đạo của Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa trong cuộc xung đột với Ukraine. Những lời của ông Steinmeier là một “sự trá hình tạo áp lực của một quan chức cấp cao của chính quyền trên một tổ chức kỳ cựu nhất giữa các Giáo hội Kitô, xen mình vào việc nội bộ của Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô và là một toan tính nghi ngờ về đặc tính trung lập về chính trị nhắm xây dựng hòa bình của Hội đồng đại kết”.

Trong ngày thứ hai của Đại hội, hôm 01 tháng Chín vừa qua, bầu không khí thay đổi, và các Giáo hội cử hành “Ngày của Công trình tạo dựng”. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã gửi một sứ điệp Video đến các phái đoàn tham dự đại hội, trong đó ngài nhắc nhở rằng sự thay đổi khí hậu là một đe dọa lớn nhất mà trái đất phải đương đầu. Sự gia tăng nhiệt độ trái đất, bị nhiều người làm ngơ không biết tới, sẽ làm cho số người chết vượt quá con số người chết vì các bệnh truyền nhiễm, nếu sự thay đổi nhiệt độ này không được hạ xuống”.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo về hội nghị của những người trẻ Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ do Tòa Thượng phụ Đại kết tổ chức vào đầu tháng 9, Đức Thượng phụ nói rằng “Tôi đã bày tỏ lập trường của Tòa Thượng phụ Đại kết kể từ khi bắt đầu cuộc chiến đau thương này. Tôi đã nói rằng điều đó là không chính đáng và không thể chấp nhận được “.

Ngài tiếp tục: “Đáng buồn thay, Thượng phụ Mạc Tư Khoa nói rằng đó là một cuộc thánh chiến và cố gắng biện minh cho nó và giải thích nó bằng các thuật ngữ tâm linh và tôn giáo”.

“Nhưng tôi đã tự mình sửa sai ngài và nói rằng đó không phải là một cuộc thánh chiến mà là một cuộc chiến ma quỷ và ác độc. Khi hàng ngàn tân binh của cả hai bên bị giết, và không chỉ binh lính mà còn cả dân thường, làm sao chúng ta có thể dùng hai tay để chúc phúc cho cuộc chiến này, như Thượng Phụ của Mạc Tư Khoa đã làm?”

Ngài cũng nhấn mạnh rằng Nga có thể chọn một cách khác để giải quyết các vấn đề của mình với Ukraine mà nước này có biên giới. “Putin đã chọn cách tồi tệ nhất. Chúng tôi muốn cuộc chiến này kết thúc sớm hơn, và muốn các cường quốc phương Tây giúp thuyết phục Nga”.

Mở đầu bài phát biểu của mình, đề cập đến đại hội, Thượng phụ Đại kết tuyên bố rằng Tòa Thượng phụ Đại kết, với tư cách là Giáo hội Mẹ, luôn thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến giới trẻ.

“Chúng tôi có người Nga, người Ukraine, người Gagauzia, người Gruzia, người Rumani, v.v. và tất cả chúng tôi đều vây quanh họ với tình cảm như nhau mà không phân biệt đối xử ủng hộ người này hay người kia. Tất cả họ đều là con cái của Tòa Thượng Phụ chừng nào họ còn sống ở đây, ở Thổ Nhĩ Kỳ này”.

Ngài nhấn mạnh rằng “theo luật chính thống của Giáo hội Chính thống, không Giáo hội nào khác có quyền tài phán đối với Chính thống giáo sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ Tòa Thượng phụ Đại kết, là Giáo hội địa phương. Cả Tòa Thượng phụ Nga, Tòa Thượng phụ Rumani, hay Tòa Thượng phụ Bulgaria. Không có Giáo Hội nào có thẩm quyền. Tất cả những người trẻ này, những người sẽ tập trung vào thứ Tư tới tại khách sạn để dự hội nghị, tất cả đều là những đứa con tinh thần của Tòa Thượng Phụ Đại kết.”

Đức Thượng Phụ Đại Kết lưu ý rằng “chúng tôi muốn thể hiện tình yêu và tình cảm của Tòa Thượng Phụ Đại Kết, sự quan tâm của Giáo Hội đối với các thành viên của xã hội, những người trong các lãnh vực cuộc sống. Và rằng họ thuộc về Tòa Thượng Phụ Đại Kết
Source:oikoumene.org

3. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Đại hội Lần thứ XI của Hội đồng đại kết

Đức Thánh Cha Phanxicô chào thăm và mời gọi các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái trên thế giới dấn thân trong cuộc chiến chống bất công và căng thẳng xã hội, đồng thời xây dựng hòa bình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội Lần thứ XI của Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô, đang tiến hành từ ngày 31 tháng Tám đến ngày 08 tháng Chín tới đây, tại thành phố Karlsruhe, nam Đức, về chủ đề: “Tình yêu Chúa Kitô chuyển động, hòa giải và hiệp nhất thế giới”.

Tham dự đại hội, có 800 đại biểu của các Giáo hội Kitô thành viên, cùng với các chuyên gia, tổng cộng là 4.000 người. Sứ điệp của Đức Thánh Cha được Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên đọc tại Đại hội, sáng ngày 01 tháng Chín vừa qua. Đức Hồng Y hướng dẫn phái đoàn Giáo Hội Công Giáo gồm 20 người tham dự Đại hội này.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chiến tranh, kỳ thị, và những hình thức bất công khác và căng thẳng kéo dài, kể cả nơi các tín hữu Kitô. Thế giới hoàn cầu hóa, trong đó chúng ta đang sống, đòi chúng ta có một chứng tá chung về Tin mừng, như câu trả lời cho những đòi hỏi cấp thiết của thời đại chúng ta”.

Linh mục Ioan Sauca, Tổng thư ký Hội đồng đại kết, đã cám ơn Đức Thánh Cha và ca ngợi sự cộng tác với nhau trong sự tín nhiệm giữa Tòa Thánh và Hội đồng đại kết.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng Đại hội hiện nay ở thành phố Karlsruhe, với sự tham dự của các đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và thuộc 350 Giáo hội và Cộng đoàn Giáo hội, tự nó đã là một biểu tượng về sự đa nguyên được hòa giải. Ngài hy vọng đại hội này càng tăng cường tình hiệp thông, để “Sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô nam nữ trở thành một dấu chỉ sáng ngời về niềm hy vọng và an ủi cho con người”.

Giáo Hội Công Giáo không phải là thành viên của Hội đồng đại kết nhưng cộng tác với tổ chức quốc tế này trong nhiều ủy ban và nhóm làm việc, trong tư cách là khách mời.