NGHE MỘT NGÔI VỊ
“Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn!”.

Henry Scougal nói, “Đã từ lâu, Thiên Chúa đấu tranh với một thế giới cứng đầu; Ngài ban cho nó muôn phúc lộc, nhưng những món quà này không chiếm được trái tim nó. Cuối cùng, Ngài ban chính Ngài như một quà tặng! Lắng nghe Ngài là lắng ‘nghe một Ngôi Vị!’”. Ngôi Vị ấy đang sống, đang hoạt động và đang điều khiển lịch sử nhân loại và lịch sử mỗi người chúng ta.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một; qua Người Con ấy, nhân loại được nghe Lời Ngài. Tin Mừng hôm nay làm sáng tỏ điều Scougal nói, ai nghe Người Con, là ‘nghe một Ngôi Vị’; họ là người “có phúc”. Cụ thể, với Chúa Giêsu, đó là những ai làm hai điều: “nghe”, và “vâng giữ Lời!”. Mặc dù điều này có vẻ khá rõ ràng khi đọc, nhưng thực tế, nó khó hơn tưởng tượng.

Để một cuộc sống được gọi là “có phúc”, trước hết, con người phải biết lắng nghe Đấng tác thành nên nó. “Nghe” bao hàm nhiều điều hơn là chỉ quen thuộc với các Tin Mừng. “Nghe” không chỉ là tôi nhận thức tất cả những gì Chúa Giêsu bày tỏ, nhưng còn là tôi đã thực sự nội tâm hoá Lời đã nghe, hiểu những gì Lời đòi hỏi; nói cách khác, tôi biết rõ mục đích đời tôi trong chương trình của Chúa và ra sức thi hành. Điều quan trọng là hiểu rằng, Tin Mừng luôn sống động và luôn mời gọi. Nói khác đi, đón nhận Lời không chỉ là đón nhận một số bài học từ các sách cổ; đúng hơn, nghe Lời, có nghĩa là ‘nghe một Ngôi Vị!’.

Thứ đến, “vâng giữ Lời”. Giêsu, Con Thiên Chúa đang nói với chúng ta; Lời Ngài hướng dẫn chúng ta từng bước trong cuộc sống; Lời đang nói trong mọi khoảnh khắc, truyền cảm hứng để chúng ta làm điều này, tránh điều kia. Và như thế, việc nghe Lời được hoàn thành nhờ thói quen hiệp thông, cầu nguyện suốt ngày và suốt đời; đồng thời, đem áp dụng Lời vào cuộc sống.

Một khi ý thức “nghe Lời Chúa” là nghe chính Chúa Giêsu, Đấng còn có tên là “Ngôi Lời”, thì nhất thiết chúng ta phải thấu hiểu tất cả những gì Ngài muốn nói. Trên thực tế, nếu không vâng giữ những gợi ý yêu thương liên tục và nhẹ nhàng của Ngài, chúng ta không thể nghe được tiếng Ngài. Chúng ta trở nên rối bời và dễ dàng bị chi phối, hoặc định hướng bởi những tiếng nói khác trong thế giới, những tiếng nói vốn làm cho chúng ta không còn phân biệt con đường nào là con đường ngắn nhất để nên thánh, con đường nào là con đường vinh quang Chúa chọn cho mình. Một khi biết nghe và vâng giữ Lời, chúng ta trở nên thiết thân với Chúa Giêsu, nên người nhà của Ngài, sống với Ngài trong mối tương quan còn hơn cả tương quan huyết tộc; đồng thời, trở nên anh chị em với nhau. Đây cũng là điều mà Phaolô nói đến trong thư Galata hôm nay, “Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa”.

Anh Chị em,

“Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn!”. Maria, kiểu mẫu trong việc nghe và vâng giữ Lời. Người phụ nữ trong Tin Mừng thốt lên, “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!”. Cô có một cái nhìn sâu sắc; cô sâu sắc, bởi cô đã cảm nhận được sự vĩ đại của Chúa Giêsu; từ sự vĩ đại đó, cô suy ra sự vĩ đại của Mẹ Ngài. Với cô, rõ ràng, ai đã sản sinh ra kiệt tác của nhân loại này, phải là một kiệt tác của nhân loại; Maria là “kiệt tác của một Kiệt Tác”. Và cô ấy đúng! Lời Chúa mời gọi bạn và tôi gẫm xem, chúng ta có gặp khó khăn nào trong việc nghe và quan sát Lời? Hãy nói với Chúa, chúng ta đã quá chú ý đến nhiều tiếng nói khác từ khôn ngoan thế gian, đang khi Giêsu, chúng ta ngoảnh mặt và từ chối. Phúc lộc dành cho bạn và tôi, là những người đang nghe Lời, ‘nghe một Ngôi Vị’; nhưng, chúng ta chỉ thật sự hưởng lấy phúc lộc đó, khi dám nuốt lấy Lời và để cho Lời trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, Thầy Dạy đức tin, xin giáo dục con như đã giáo dục Giêsu trong việc nghe và giữ Lời; nhờ đó, con cũng có thể trở nên ‘một kiệt tác’, dẫu là một ‘kiệt tác quèn!’”, Amen.

(Tgp. Huế)