1. Toàn văn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Cordileone gửi Nancy Pelosi cấm không được rước lễ

Sau một thời gian đối thoại mà không có kết quả, Đức Tổng Giám Mục Cordileone của tổng giáo phận San Francisco đã ra thông báo sau gởi đến bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

THÔNG BÁO

Gửi Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ Nancy Pelosi

Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et spes, đã nhắc lại giáo huấn từ ngàn xưa và nhất quán của Giáo hội rằng “ngay từ giây phút đầu tiên thụ thai, sự sống phải được bảo vệ cẩn thận nhất; và phá thai cũng như giết trẻ sơ sinh là những tội ác không thể kể xiết. “(Số 51). Quả thật, các Kitô hữu luôn đề cao phẩm giá của cuộc sống con người trong mọi giai đoạn, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, bắt đầu từ cuộc sống trong bụng mẹ. Tương tự như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tỏ ra rất rõ ràng và nhấn mạnh trong giáo huấn về phẩm giá của cuộc sống con người khi còn trong bụng mẹ.

Chân lý luân lý căn bản này có hậu quả đối với người Công Giáo trong cách họ sống đời sống của họ, đặc biệt là những người được giao phó để thúc đẩy và bảo vệ công ích của xã hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng rất nhất quán trong việc duy trì giáo huấn liên tục này của Giáo hội, và thường xuyên nhắc nhở chúng ta rằng “những người trực tiếp tham gia vào các cơ quan lập pháp có 'nghĩa vụ nghiêm trọng và rõ ràng là chống lại' bất kỳ luật nào tấn công cuộc sống con người. Đối với họ, cũng như đối với mọi người Công Giáo, không thể cổ vũ những luật đó hoặc bỏ phiếu cho chúng “(xem Ghi chú Tín lý về một số câu hỏi liên quan đến sự tham gia của người Công Giáo vào đời sống chính trị [24 tháng 11 năm 2002], n. 4, §1). Một nhà lập pháp Công Giáo ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai, sau khi biết giáo lý của Giáo hội, đã phạm một tội lỗi nghiêm trọng, là nguyên nhân gây ra tai tiếng trầm trọng nhất cho người khác. Do đó, luật chung của Giáo hội quy định rằng những người như vậy “không được rước lễ” (Bộ Giáo luật, khoản 915).

Về việc áp dụng những nguyên tắc này đối với người Công Giáo trong đời sống chính trị, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc bấy giờ, với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã viết cho các giám mục Hoa Kỳ vào năm 2004 giải thích cách tiếp cận sẽ được thực hiện như sau:

“khi sự hợp tác chính thức của một người trở nên rõ ràng, được hiểu là, trong trường hợp của một chính trị gia Công Giáo, liên tục vận động và bỏ phiếu cho luật phá thai và trợ tử, vị linh mục của người ấy nên gặp ông ta, hướng dẫn ông ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho ông ta rằng ông ta không được lên rước lễ cho đến khi ông ta chấm dứt tình hình tội lỗi khách quan của mình, và cảnh báo ông ta rằng ông ta sẽ bị từ chối không cho rước lễ. Khi 'những biện pháp phòng ngừa này không có tác dụng...,' và người được đề cập, với sự ngang bướng cố chấp, vẫn tiến lên rước Mình Thánh Chúa, thì 'thừa tác viên Rước Lễ phải từ chối phân phát.'“

Cố gắng noi theo chỉ dẫn này, tôi biết ơn bà vì bà đã dành thời gian cho tôi trong quá khứ để nói về những vấn đề này. Thật không may, tôi đã không nhận được cơ hội như vậy sau nhiều yêu cầu của tôi muốn được nói chuyện với bà một lần nữa kể từ khi bà thề sẽ luật hóa quyết định Roe chống Wade của Tòa án Tối cao trong luật liên bang sau khi thông qua Dự luật Thượng viện Texas 8 tháng 9 năm ngoái. Đó là lý do tại sao tôi thông báo mối quan tâm của tôi với bà qua lá thư vào ngày 7 tháng 4 năm 2022, và thông báo cho bà qua thư đó rằng, nếu bà không công khai bác bỏ việc ủng hộ cái gọi là “quyền” phá thai, và tiếp tục công khai nại đến đức tin Công Giáo để ủng hộ cho điều đó và tiếp tục rước lễ, thì tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố, phù hợp với điều luật 915, rằng bà không được rước lễ.

Vì bà đã không công khai bác bỏ lập trường của mình về việc phá thai, và tiếp tục nại đến đức tin Công Giáo của mình trong việc biện minh cho lập trường của bà, cũng như cứ tiếp tục rước lễ, cho nên thời điểm đó đã đến. Trách nhiệm của tôi trong tư cách là Tổng Giám mục San Francisco là “quan tâm đến tất cả các tín hữu Kitô được giao cho tôi chăm sóc” (Bộ Giáo luật, khoản 383, §1), qua tuyên bố này, tôi thông báo cho bà dưới đây rằng bà không được lên Rước lễ và nếu bà làm như vậy, bà sẽ bị từ chối không cho Rước lễ, cho đến khi bà công khai từ chối việc ủng hộ việc hợp pháp hoá phá thai, đi xưng tội, và được ơn xá giải cho tội trọng này trong Bí tích Hòa giải.

Hãy biết rằng tôi sẵn sàng tiếp tục cuộc trò chuyện của chúng ta bất cứ lúc nào, và sẽ tiếp tục dâng lời cầu nguyện và ăn chay cho bà.

Tôi cũng yêu cầu tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận San Francisco cầu nguyện cho tất cả các nhà lập pháp của chúng ta, đặc biệt là các nhà lập pháp Công Giáo đang cổ vũ hợp pháp hóa phá thai, để với sự giúp đỡ và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, họ có thể được hoán cải trái tim liên quan đến vấn đề nghiêm trọng nhất này và sự sống của con người có thể được bảo vệ và nâng đỡ trong mọi giai đoạn và điều kiện của cuộc sống.

Ban hành tại San Francisco, vào ngày thứ mười chín của tháng Năm, trong Năm của Chúa chúng ta 2022.

[Đã ký]

+ Salvatore J. Cordileone

Tổng giám mục San Francisco



Source:Catholic News Agency

2. Vài nét về bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi

Bà Nancy Pelosi sinh ngày 26 tháng Ba, 1940, năm nay 82 tuổi. Tuyệt đại đa số những người Công Giáo sẽ nghĩ rằng ở tuổi gần đất xa trời ấy bà phải tỏ ra lo lắng về phần rỗi linh hồn của mình và ngừng ủng hộ phá thai. Hy vọng của đại đa số những người Công Giáo chúng ta đối với bà Pelosi rất mong manh. Bà ấy có một tập hợp các lý thuyết để chống lại lập trường phò sinh của Giáo Hội.

Nhóm “Catholics for Choice” nghĩa là nhóm “Công Giáo phò phá thai” là một tổ chức nhỏ, nhưng được tài trợ rất mạnh với mục đích chính là nhằm đưa ra các “lý lẽ thần học” cho các chính trị gia tự xưng là Công Giáo nhưng ủng hộ việc phá thai. Ngày 24 tháng 8, 2008, nhóm này đã đưa Pelosi ra gặp gỡ giới truyền thông trong sự kiện “Meet the Press” của năm đó để trình các “lý luận thần học” biện minh cho chủ trương phò phá thai. Bà ta bác bỏ các giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến phá thai và kêu gọi Giáo Hội “hoán cải, thay vì cứ tiếp tục bị ám ảnh bởi vấn đề phá thai.” Một ngày sau đó, Đức Tổng Giám Mục Donald Wuerl của Washington, D.C chính thức quở trách Pelosi về những tuyên bố do bà ta đưa ra.

Tháng Hai năm sau đó, 2009, bà ta xin gặp Tổng Giám Mục của mình là Đức Cha George Hugh Niederauer, Tổng Giám Mục San Francisco, là người cũng đã mạnh mẽ quở trách bà hồi tháng 8, 2008. Sau một cuộc tranh cãi nẩy lửa bà ta tuyên bố với ngài rằng lập trường chống phá thai của Đức Tổng Giám Mục là giáo điều, vụ luật. Trong khi lập trường phò phá thai của bà ấy là nhân văn, tiến bộ. Bà sẽ dành cuộc đời mình để chiến đấu cho quyền phá thai của phụ nữ và sẽ hiên ngang đứng trước mặt Chúa ở tòa phán xét!

Bực mình với Đức Tổng Giám Mục Niederauer, bà Pelosi sang tận Vatican để tranh luận với thần học gia nổi tiếng nhất trong thế giới Công Giáo là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tiếp bà trong 15 phút sau buổi tiếp kiến chung thứ Tư 18/2/2009.

Thấy trước khả năng có thể bị lợi dụng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cấm không được chụp hình, không được mang theo các ký giả và nhiếp ảnh gia.

Theo Sandro Magister, ký giả người Ý chuyên về Vatican, sau 15 phút gặp gỡ bà Pelosi, chủ yếu dành để quở trách bà ta, Đức Bênêđíctô thứ 16 bước ra mặt rất buồn. Ngài truyền cho Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố tức khắc một bản tuyên bố có nội dung như sau:

“Sau buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ ngắn gọn với Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, cùng với đoàn tùy tùng của bà.

Đức Thánh Cha đã nhân cơ hội để nói về các yêu cầu của luật luân lý tự nhiên và giáo huấn nhất quán của Giáo hội về phẩm giá của cuộc sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, là điều khích lệ mọi người Công Giáo, và đặc biệt là các nhà lập pháp, các luật gia và những người có trách nhiệm vì lợi ích chung của xã hội, phải hợp tác với tất cả những người nam nữ thiện chí trong việc tạo ra một hệ thống pháp luật công bằng có khả năng bảo vệ cuộc sống con người ở tất cả các giai đoạn phát triển của nó”.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđíctô thứ 16, bà Pelosi vẫn giữ một thái độ bác bỏ công lý cho các thai nhi, ủng hộ các chính sách phá thai cực đoan bao gồm phá thai muộn từ tiền nộp thuế của người dân, cả ở Hoa Kỳ cũng như ở hải ngoại, cũng như buộc các dòng tu Công Giáo như dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo phải cung cấp thuốc phá thai trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe của các nữ tu.

Bà Nancy Pelosi tỏ ra cực đoan hơn sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp

Nguyên nhân trực tiếp của quyết định do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone là bà ta ngày càng tỏ ra cực đoan hơn trong việc ủng hộ phá thai.

Lần thứ hai bà ta được một vị Giáo Hoàng tiếp là vào ngày 9 tháng 10 năm ngoái, 2021.

Theo thông lệ đối với các cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với những người không phải là nguyên thủ quốc gia, vào thời điểm công bố, Vatican đã không cho biết chi tiết về những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Pelosi đã thảo luận.

Các bức ảnh do Vatican công bố cho thấy Pelosi cũng đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao.

Chủ tịch Hạ viện là người Mỹ gốc Ý có mặt tại Rôma để có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các diễn giả G20. Bà ta cũng đã gặp Thủ tướng Ý Mario Draghi.

Một ngày trước khi tiếp kiến Đức Giáo Hoàng, bà Pelosi, năm nay 81 tuổi, đã thảo luận về môi trường, di cư và nhân quyền trong chuyến thăm Vatican.

Hồng Y Peter Turkson cũng tiếp bà Nancy Pelosi tại Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện

Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện đã ra một thông báo về chuyến thăm của bà Nancy Pelosi vào ngày 8 tháng 10 trong một bài đăng trên tài khoản Twitter của mình.

Nancy Pelosi cực đoan đến mức coi quan điểm phò sự sống của Giáo Hội là một tai tiếng

Pelosi sống ở vùng Pacific Heights của San Francisco. Báo cáo công bố tài chính năm 2016 của bà liệt kê trong số tài sản của bà có một ngôi nhà và vườn nho ở St. Helena, California, hai tòa nhà thương mại ở San Francisco và một dãy phố ở Loomis, California.

Trung tâm Responsive Politics ước tính vào năm 2014, giá trị tài sản của Pelosi là 101,273,023 Mỹ Kim, đứng thứ 8 trong số 25 thành viên giàu có nhất của Quốc hội.

Bà ta rất giàu, ở tuổi này, bà ấy không cần làm gì cả, ngồi hưởng phước ăn không hết của, Nhưng bà vẫn muốn làm việc vì muốn cổ võ cho phá thai không phải ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

Chúng ta nên cầu nguyện cho bà ấy nhưng với thái độ cố chấp và kiêu căng của bà, hy vọng bà ấy hoán cải là rất mong manh. Quan điểm phò phá thai của bà ta đi xa đến mức coi rằng thật là một tai tiếng trầm trọng khi người Công Giáo chống phá thai.

Sau khi hạ gục được tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cáo buộc những người phò sinh là đã đặt thái độ chống phá thai của họ lên trên các nguyên tắc của nền dân chủ. Bà Pelosi nói như trên trong lần xuất hiện trên podcast của cựu Thượng nghị sĩ Hillary Clinton.

“Tôi nghĩ rằng Donald Trump đã có thể trở thành tổng thống là vì vấn đề quyền lựa chọn của phụ nữ”, Pelosi nói trong chương trình “Bạn và tôi đều ủng hộ Hillary Clinton” ngày 18 tháng Giêng, 2021. Bà ta mạt sát 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump là một “tai họa cho nước Mỹ” và quyết liệt đổ lỗi cho những cử tri phò sinh đã gây ra cái tai họa ấy. Pelosi nói rằng sự ủng hộ của các cử tri có niềm tin tôn giáo đối với Tổng thống Trump là một vấn đề “khiến tôi rất đau buồn trong tư cách là một người Công Giáo”.

Pelosi, một bà mẹ Công Giáo có 5 con, đã nhiều lần xung đột với Đức Tổng Giám Mục của giáo phận quê hương về việc bà ủng hộ việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã phát động một chiến dịch cầu nguyện vào tháng 9 năm 2021 nhằm mục đích truyền cảm hứng cho sự “hoán cải tâm hồn” của các chính trị gia ủng hộ việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco nói: “Cần có sự hoán cải trái tim của đa số đại diện Quốc hội của chúng ta về vấn đề này, bắt đầu từ lãnh đạo Hạ viện, Nancy Pelosi”.

“Do đó, tôi mời tất cả những người Công Giáo tham gia vào một chiến dịch cầu nguyện và ăn chay quy mô lớn và tỏ tường cho Chủ tịch Hạ Viện Pelosi. Xin anh chị em cầu nguyện một chuỗi mân côi mỗi tuần và ăn chay vào các ngày thứ Sáu để hoán cải trái tim bà ấy.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone cũng kêu gọi những người Công Giáo và những người thiện chí ghi danh tham gia chiến dịch “Bông hồng và chuỗi hạt cho Nancy Pelosi”


Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Denver: Đức Cha Cordileone đã 'làm mọi cách' để tránh việc cấm Pelosi rước lễ

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Sáu ủng hộ quyết định của Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone không cho Nancy Pelosi rước lễ vì bà ta kiên trì ủng hộ việc phá thai.

“Tôi ủng hộ và khen ngợi vị giám mục anh của tôi vì đã đưa ra quyết định can đảm, từ bi và cần thiết này,” Đức Cha Aquila nói. “Tôi biết Đức Tổng Giám Mục Cordileone là một mục tử với trái tim và khối óc của Chúa Kitô, người thực sự mong muốn dẫn dắt những người khác đến với tình yêu, lòng thương xót và lời hứa của Chúa Kitô về sự cứu rỗi đời đời.”

Thông báo của Đức Tổng Giám Mục Cordileone được đưa ra vào lúc 3 giờ chiều thứ Sáu theo giờ Đông Bộ Hoa Kỳ và giải thích rằng lý do cho quyết định của ngài “hoàn toàn là về phương diện mục vụ, chứ không phải chính trị.”

Ngay sau khi Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đưa ra tuyên bố này web site của tổng giáo phận San Francisco bị tấn công và nhiều ngày sau vẫn không thể hoạt động bình thường.

Đức Tổng Giám Mục Aquila nói rằng thông báo của Đức Cha Cordileone cho Pelosi và bức thư riêng của ngài gửi các linh mục của tổng giáo phận “trình bày rõ ràng giáo huấn của Giáo hội về phá thai, nêu chi tiết những nỗ lực sâu rộng mà ngài đã thực hiện để đối thoại với chủ tịch Hạ Viện Pelosi, đồng thời giải thích lý do giáo luật và mục vụ cho quyết định này.”

Đức Tổng Giám Mục Aquila khuyến khích các tín hữu trong tổng giáo phận của mình đọc tất cả những bức thư mà Đức Cha Cordileone đã đưa ra.

Trích lời Đức Tổng Giám Mục Cordileone, Đức Cha Aquila nói, “cải đạo luôn tốt hơn là loại trừ, và trước khi bất kỳ hành động nào như vậy có thể được thực hiện, nó phải được thực hiện trước bằng những nỗ lực chân thành và kiên trì đối thoại và thuyết phục.”

Đức Cha Cordileone “đã cố gắng hết sức để cố gắng tránh bước này,” Đức Tổng Giám Mục Denver nói thêm.

“Như tôi đã viết trước đây và Đức Tổng Giám Mục Cordileone cũng nói rõ, vấn đề này không phải là về chính trị hay đơn giản là thực thi các quy tắc của Giáo hội, mà là về tình yêu - tình yêu đối với cá nhân và tình yêu đối với toàn thể cộng đồng”.

Aquila nói tiếp: “Giáo huấn của Giáo hội rõ ràng rằng con người sẽ gây nguy hiểm cho linh hồn của họ nếu họ bị xa cách Thiên Chúa vì tội trọng và sau đó rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng. Nếu Giáo Hội thực sự yêu thương họ, như một Giáo Hội từ ái, thì sẽ Giáo Hội phải kêu gọi họ trở lại mối quan hệ mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa qua việc ăn năn sám hối trước khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Giêsu để họ được cứu rỗi đời đời. Khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người 'hãy ăn năn và tin'“ (Mc 1, 15). “

“Và khi người đó là người của công chúng, tình yêu đối với cộng đồng có nghĩa là chống lại tai tiếng và sự nhầm lẫn, bảo vệ những người khác không bị dẫn dắt đến tội lỗi khi họ không nhìn thấy vấn đề được giải quyết một cách thích hợp và nhân ái.”

Đức Cha Aquila nói thêm rằng ngài “sẽ khuyến khích các tín hữu của Tổng giáo phận Denver, bao gồm cả các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, đọc các bức thư do Đức Tổng Giám Mục Cordileone viết, và cầu xin Chúa Thánh Thần với tấm lòng rộng mở xóa bỏ mọi nghi ngờ hoặc bối rối mà anh chị em có về vấn đề này, và dẫn anh chị em đến một mối quan hệ mật thiết và trọn vẹn hơn với Chúa Giêsu”.

Ngài nói: “Những gì Thánh Phêrô và các Thánh Tông Đồ nói với các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo vào thời của các ngài ‘Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người’ (Công vụ 5: 29), vẫn còn giá trị cho đến ngày nay”.

Đức Cha Aquila kết luận bằng cách kêu gọi cầu nguyện cho “tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, để họ có thể cai trị theo cách thúc đẩy và bảo vệ phẩm giá do Chúa ban cho mỗi người, từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho tiểu bang và đất nước của chúng ta, để một lần nữa chúng ta có thể coi mọi cuộc sống quý giá như một món quà thực sự từ Cha trên trời của chúng ta.”
Source:Catholic News Agency