TRO NHẮC TA Ý THỨC THÂN PHẬN MÌNH

Thứ Tư Lễ Tro

Năm nào cũng thế, Hội Thánh dành cả mùa Chay dài để mời gọi đoàn con ý thức thân phận nhỏ nhoi mỏng dòn nơi bản tính con người của mình, vốn dễ bị tội lỗi thống trị.

Nghi thức xức tro chính là nghi thức khai mạc mùa chay. Nó là hành động hữu hiệu và cụ thể nhất nhắc nhở ta về thân phận và kiếp người nhỏ nhoi mỏng dòn ấy. Để khi cúi đầu nhận lãnh một chút tro từ tay thừa tác viên, bạn và tôi hiểu rằng: Thân phận này chỉ là bụi tro, Bởi thế, nghi thức xức tro là một nghi thức sám hối nhiều ý nghĩa.

Nếu ta xức tro bằng một ý hướng ngay lành, bằng một tâm hồn thành thật, nghi thức này sẽ cho ta sự khiêm tốn cần thiết để đón nhận bài học của một sự thật rất quí giá: xuất phát từ tro bụi, thân phận được hoàn trả cho bụi tro. Chỉ cần một lần xuôi tay nhắm mắt là đủ để tất cả tan biến.

Đồng thời mùa chay còn giúp ta có đủ thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh, đón mừng vị thủ lãnh của ta vượt qua sự chết, sự đau khổ đưa ta vào nguồn sống thật.

Dẫu chỉ là tro bụi, nhưng nhờ Chúa Kitô, thân phận bụi tro không mất đi, không tan biến đời đời, nhưng lại được mặc lấy sự sống vĩnh cửu, sự sống phục sinh huy hoàng của chính Chúa Kitô.

Với việc ý thức thân phận của bản thân và chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Phục sinh như thế, Hội Thánh mời gọi ta ăn năn sám hối, mời gọi ta trở về với Chúa bằng nỗ lực nên thánh của mình. Bài học của sự trở về và nên thánh của các thánh sẽ là bài học cụ thể cho ta noi gương bắt chước. Tôi muốn nhắc lại cuộc trở về của thánh Phaolô tông đồ.

Sách Công vụ tông đồ cho biết, thánh Phaolô là thanh niên Dothái nhiệt thành và rất sùng đạo. Phaolô không thể chấp nhận giáo thuyết quá mới mẽ của Ông Giêsu, một thứ giáo thuyết dường như đi ngược mọi lề luật, mọi truyền thống cha ông. Chính bản thân Ông Giêsu đã bị các lãnh đạo trong đạo Dothái và chính quyền đế quốc giết chết nhục nhã, thảm hại trên thập giá.

Cuộc đời Ông Giêsu chấm hết từ đó, vậy mà những người xưng là môn đệ của Ông lại rao giảng ở khắp nơi rằng Ông đã sống lại, không những vẫn sống cho đến nay, mà sẽ sống đời đời.

Đám môn đệ khờ dại ngu ngốc còn cho rằng: Ông Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế trần gian này chỉ có một. Mỉa mai thay! Làm sao một người đạo đức như Phaolô, rất mực tôn thờ Chúa như Phaolô lại có thể chấp nhận những điều ấy. Phạm thượng đến thế là cùng!

Chưa hết, đám môn đệ đáng thương còn hăng say gieo rắc cái lý thuyết đầy tội lỗi ấy khắp nơi. Bây giờ lũ người mê muội ấy càng lúc càng đông. Phải chặng đứng. Phải tiêu diệt. Phải bảo vệ tôn giáo và truyền thống cha ông.

Và cuộc tử đạo đầu tiên bắt đầu. Một thanh niên ngoan đạo không kém gì Phaolô: Stêphanô. Khác một điều, Stêpanô lại trung thành với Giêsu quá mức, sẵn sàng chết để tuyên xưng niềm tin vào Giêsu. Tội của Stêphanô đáng chết.

Ngày tử hình Stêphanô, Phaolô làm chứng nhân cho cuộc hành quyết này. Từ đó chàng trai Phaolô càng hăng say bảo vệ Dothái giáo. Anh lên Giêrusalem, xin các bậc lãnh đạo chứng minh thư để đi Damas bắt hết bọn người ngu ngốc tin tưởng vào Giêsu, đem về Giêrusalem mà xử tội.

Phaolô lầm to. Các môn đệ của Chúa Giêsu không hề ngu ngốc, chỉ có Phaolô là không hiểu biết gì. Phaolô không hề là đối tượng thù ghét của Chúa. Chỉ có Phaolô là thù ghét Chúa và bắt bớ môn đệ của Ngài mà thôi.

Phaolô đâu ngờ rằng, chính khi ra sức bảo vệ đạo giáo, bảo vệ truyền thống cha ông, Phaolô đã kịch liệt chống đối Thiên Chúa, phạm thượng đến mức quá sức tưởng tượng và tàn nhẫn vô song khi đổ máu các môn đệ.

Chúa Giêsu chẳng những không thù ghét mà còn muốn Phaolô trở lại làm môn đệ cho Ngài. Buổi trưa hôm ấy, tiếng của Chúa uy hùng trong ánh sáng huyền diệu siêu phàm: "Saolô, Saolô sao người bắt bớ Ta?", đã xô Phaolô ngã trong cơn khiếp sợ kinh hoàng.

Từ đó Phaolô đổi đời. Chàng trai Saolô ngày nào hăng say chống phá đạo mới của Thủ Lãnh Giêsu bao nhiêu, giờ đây trở nên thánh Phaolô hăng say gìn giữ, bảo vệ giáo huấn của Ngài bấy nhiêu.

Chúa Giêsu đã không lầm khi chọn một kẻ thù nghịch với mình làm môn đệ. Bởi kẻ thù nghịch ấy bây giờ trở thành một trong những môn đệ hàng đầu trong số các môn đệ. Phaolô nguyện suốt đời tôn thờ Chúa Giêsu, suốt đời trung thành với giáo huấn của Chúa.

Thánh Phaolô đã nên giống Thầy Giêsu cho đến mức, cuối đời, sau những năm tháng dài vất vả bôn ba khắp nơi rao giảng giáo huấn của Thầy, đã hiến dâng dòng máu, hiến dâng mạng sống của mình làm chứng tá cho giáo huấn đó.

Thánh Phaolô là tấm gương cho sự quyết tâm trở về và trung thành với Chúa của Chúng ta. Cuộc trở về của ngài là bài học của sự dứt khoát từ bỏ quá khứ mà ta cần học lấy cho chính mình, để dù tội lỗi đến đâu, bất xứng cách mấy, ta nhìn vào đó mà đứng lên, làm một cuộc đổi đời.

Không chỉ là tấm gương tuyệt hảo cho ta, bài đọc hai của lễ Tro, trích thư gửi giáo dân thành Côrintô, thánh Phaolô còn mời gọi: "Nhân danh Chúa Kitô, tôi năn nỉ anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa".

"Tôi năn nỉ anh em"! Lời mời gọi sao mà tha thiết, sao mà đáng yêu. Từ một con người quá xa lạ với đạo Chúa, xa lạ đến mức như là tội ác, vậy mà giờ đây lại có những lời chân thành thấm thía đến thế.

Con người đó rất đáng để bạn và tôi khâm phục, rất đáng để bạn và tôi bước theo, rất đáng để bạn và tôi học đòi bắt chước mà sống ơn gọi sám hối trong suốt mùa Chay.

Cả con người và lời "năn nỉ" đó, nếu bạn và tôi mang theo và ghi nhớ vào lòng mình, thì không chỉ trong mùa Chay, nhưng còn là cả cuộc đời, chúng ta sẽ nên tốt lành thánh thiện như chính bản thân thánh nhân.

Có ai ngờ một kẻ chống đạo lại trở thành thánh nhân. Thánh Phaolô, một bầu trời hy vọng cho ta. Ngay cả một lần chối Chúa cũng chưa từng, và sẽ không bao giờ dám có một ý nghĩ nào manh nha như thế, đừng nói chi đến chống đối Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng điều mà thánh Phaolô đã đạt được hôm nay, nhờ tình yêu của Chúa, chúng ta cũng sẽ đạt được trọn vẹn như thế.

Mùa chay, rắc một chút tro tàng lên đầu để mỗi ngày ý thức thân phận bé nhỏ của mình mà cảm nhận lòng thương xót của Chúa, mà nỗ lực cộng tác với ơn Chúa. Nhờ đó ta dám hy vọng chính bản thân ta có thể bước ra từ thân phận tội nhân để trở thành thánh nhân.