1. Tại sao Tổng Thống, Thủ Tướng dự tang lễ cô ca trưởng đẹp nhất giáo xứ nông thôn?

Sau cái chết kinh hoàng của một giáo viên 23 tuổi ở một thị trấn vùng trung du, hai giám mục Ái Nhĩ Lan đã đặt câu hỏi về thái độ của xã hội đối với phụ nữ và nhắc lại ý kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng bạo lực đối với phụ nữ là một sự xúc phạm đối với Chúa.

Hôm thứ Ba 18 tháng Giêng vừa qua, lễ tang của cô Ashling Murphy đã diễn ra tại giáo xứ Thánh Brigid ở Mountbolus, Hạt Offaly, là một giáo xứ nông thôn nhỏ của giáo phận Meath, nơi cô là ca trưởng một ca đoàn trước khi qua đời. Tổng thống Ireland Michael D. Higgins, Thủ tướng Micheál Martin, cũng như các quan chức chính phủ khác, các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo đã tham dự.

Họ có mặt ở đó để bày tỏ sự đau buồn và phẫn nộ của cả nước trước cái chết của một nhạc sĩ tài năng, một nữ vận động viên thể thao, một giáo viên tận tụy, và một ca trưởng nhà thờ. Cái chết của cô xảy ra giữa ban ngày trong khi cô đang chạy bộ dọc theo một bờ kênh ở Tullamore vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Tư tuần trước 12 tháng Giêng, sau khi vừa dạy học xong tại trường tiểu học của giáo xứ.

Đám tang của cô được tổ chức vào hôm thứ Ba 18 tháng Giêng.

Một người đàn ông đã bị bắt tại một bệnh viện ở thủ đô Dublin, nơi anh ta trình diện vào hôm thứ Năm tuần trước với những vết thương không rõ nguyên nhân, một số được nghi là do chính anh ta tự gây ra, để gây nhầm lẫn cho các nhân viên điều tra.

Anh ta đã bị tạm giữ vào sáng thứ Ba sau khi nhà chức trách đánh giá rằng anh ta đã hồi phục đủ để đối mặt với các câu hỏi tại đồn cảnh sát Tullamore, nơi đang diễn ra cuộc điều tra về vụ hành hung chết người. Gardaí, tức là lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan cho biết:

“Gardaí đang điều tra vụ tấn công gây chết người cho Cô Ashling Murphy xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều thứ Tư, ngày 12 tháng Giêng năm 2022, dọc theo bờ kênh ở Cappincur, Tullamore, Hạt Offaly; và đã bắt giữ một người đàn ông khoảng 30 tuổi vì nghi ngờ giết người”

“Người đàn ông hiện đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Tullamore theo mục 4 của Đạo luật Tư pháp Hình sự 1984. Chúng tôi không có bình luận gì thêm vào lúc này.”

Theo thông tấn xã RTÉ của Ái Nhĩ Lan, người đàn ông bị bắt là một người có gia đình và có 4 đứa con. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan chưa xác nhận tin này. Tên tấn công có thể có ý định hãm hiếp cô. Tuy nhiên, Cô Ashling Murphy là một vận động viên nên đã kháng cự quyết liệt khiến y bị thương.

Hàng nghìn người đã đứng dọc tuyến đường tang lễ để bày tỏ tình đoàn kết với gia đình đau buồn của Murphy. Các lễ canh thức đã được tổ chức trên khắp Ái Nhĩ Lan, Anh và xa hơn thế nữa đến tận New York, Los Angeles, Sydney và Paris vào cuối tuần qua, để tưởng nhớ Murphy và tất cả những phụ nữ đã chết vì bạo lực trong những năm gần đây. Theo Women's Aid, kể từ năm 1996 đến nay, 244 phụ nữ đã bị giết hại dã man ở Ái Nhĩ Lan.

Trước nghi thức cuối cùng tại tang lễ, Đức Cha Tom Deenihan của giáo phận Meath, là giáo phận sở tại, nói với những người thương tiếc “Một cuộc dạo chơi vào một buổi chiều nắng nhẹ vào tháng Giêng nên là một sự kiện hạnh phúc, hứa hẹn những ngày tươi sáng và ấm áp hơn của mùa xuân và mùa hè.”

Thay vào đó, một “hành động bạo lực đồi bại đã tước đi mạng sống của một phụ nữ trẻ tốt bụng, tài năng, được yêu mến và ngưỡng mộ” đã khiến đất nước thống nhất trong đau thương.

Ngài nói rằng tội ác đã đặt câu hỏi về “thái độ của chúng ta đối với phụ nữ, và nó đã đặt câu hỏi về giá trị và đạo đức của chúng ta.”

Đức Cha nói thêm: “Chúng ta không thể cho phép bạo lực và sự coi thường tính mạng con người và cũng như sự xâm phạm đến sự toàn vẹn của phẩm giá bám rễ vào thời đại và văn hóa của chúng ta”.

Trích dẫn từ bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày đầu năm mới về bạo lực đối với phụ nữ, Đức Cha Deenihan nói thêm, “Tất cả chúng ta phải đấu tranh để không có cá nhân nào phải chết như Ashling, và không gia đình nào phải đau khổ như gia đình Murphy.”

Cha Michael Meade, linh mục quản xứ Kilcormac & Killoughey, người chủ tế trong Thánh lễ an táng và là bạn thân của gia đình Murphy, đã kêu gọi “Chúng ta đừng sợ biến lòng hoán cải thành hiện thực.”

Đức Cha Brendan Leahy, của Limerick, cho biết xã hội đã ghi ơn Murphy “phải bảo đảm cuộc hành trình của cô ấy không kết thúc vào thứ Tư mà là đánh dấu một khởi đầu mới và tốt đẹp hơn cho cách phụ nữ được đối xử, cách họ được tôn trọng và thực sự là được bảo vệ”.

Ngài cho biết thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô “bạo lực đối với phụ nữ là không thể chấp nhận được” cần phải được hét lên từ các mái nhà trong tất cả các tổ chức và cộng đồng.

Phát biểu trước cộng đoàn giáo xứ Killeedy, ngài nói: “Chúng ta hãy thừa nhận với nhau tầm quan trọng của việc thúc đẩy một nền văn hóa phản đối bạo lực một cách rõ ràng và thẳng thắn, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ.”
Source:Crux

2. Cộng đồng người Phi Luật Tân ở Los Angeles kỷ niệm 500 năm Santo Niño de Cebú

Đức Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật 16 tháng Giêng để tưởng nhớ 500 năm đạo Công Giáo đến với Phi Luật Tân, và kỷ niệm lễ Santo Niño de Cebú, tức là Chúa Hài Đồng Giêsu của Cebú.

“Hôm nay, chúng ta đặc biệt dâng mình cho Hài Nhi Chí Thánh, Santo Niño, khi chúng ta tiếp tục tạ ơn Chúa vì đã mở cánh cửa đức tin cho người dân Phi Luật Tân, cách đây năm trăm năm,” vị tổng giám mục nói hôm 16 tháng Giêng trong bài giảng lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Các Thiên thần.

“Và tất nhiên, chúng ta cũng nhớ lại rằng ngay sau khi cánh cửa đức tin được mở ra, những người Phi Luật Tân đầu tiên đã đến Mỹ, đến vịnh Morro, vào năm 1587. Thật tuyệt khi nghĩ về điều đó và suy tư rằng người Phi Luật Tân đã ở đây, thờ phượng, và làm việc ở đất nước chúng ta từ rất lâu ngay cả trước khi đất nước chúng ta có tên”.

Ngài nói thêm rằng “hôm nay chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì di sản Công Giáo phong phú của Phi Luật Tân đã trở thành một phần đẹp đẽ trong đời sống Công Giáo của chúng ta ở Los Angeles và ở Mỹ.”

Santo Niño de Cebú là một bức tượng được trao cho Juana, vợ của vua Cebu, sau lễ rửa tội năm 1521 của họ. Bức tượng được tôn kính rộng rãi ở Phi Luật Tân, và hiện được đặt tại Vương Cung Thánh Đường Santo Niño ở thành phố Cebu.

Trước thánh lễ, các truyền thống của Phi Luật Tân được trưng bày trên quảng trường nhà thờ, và hình ảnh của Santo Niño đã được làm phép trong thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã suy tư về đám cưới tại Cana, nói rằng qua phép lạ được thực hiện tại đó, Chúa Kitô “muốn cho chúng ta thấy rằng hôn nhân của người nam và người nữ là biểu tượng của việc Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta biết chừng nào”.

“Chúa yêu tất cả chúng ta, anh chị em và tôi, không có điều kiện và không có ngoại lệ. Chúa yêu mến tất cả anh chị em! Anh chị em là một kho báu đặc biệt đối với Ngài. Đây là sự thật đáng kinh ngạc về đức tin Công Giáo của chúng ta”.

Kết quả là “Chúa có một sứ mệnh cho cuộc đời anh chị em,” một ơn gọi.

“Mỗi người trong chúng ta, cho dù chúng ta là ai, đều có một vai trò trong việc xây dựng vương quốc tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. Và cũng thật thú vị vì đó là ý nghĩa của những người đầy tớ trong bài Tin Mừng hôm nay”.

“Giống như những người tôi tớ đó, chúng ta cần đổ đầy nước của tình yêu vào các bình nước của đời mình, bằng nước của những công việc tốt lành, những công việc của lòng thương xót và sự phục vụ. Và chúng ta làm điều đó bằng những cách đơn giản và bình thường. Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúa Giêsu muốn làm việc với chúng ta, và qua chúng ta. Qua những công việc tốt của chúng ta, qua những công việc của tình yêu thương của chúng ta. Trong gia đình của chúng ta. Tại nơi làm việc của chúng ta. Trong xã hội của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

“Và đây là nước mà Ngài sẽ biến đổi – Ngài sẽ biến thành rượu mới… Nhưng như chúng ta biết, anh chị em thân mến của tôi, mọi thứ bắt đầu từ việc chúng ta tuân theo lời của Chúa Giêsu. Điều này đặc biệt - khi chúng ta suy ngẫm về đoạn Tin Mừng hôm nay - điều mà Đức Maria nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, khi Mẹ nói với các gia nhân: 'Hãy làm bất cứ điều gì người nói với anh em.' Đây là chìa khóa dẫn đến Vương quốc. Đây là chìa khóa cho sự thánh thiện, cho ơn gọi của chúng ta. Để vào sự sống thiêng liêng – hãy làm theo thánh ý của Thiên Chúa, làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu bảo chúng ta”.

Ngày hôm trước Thánh lễ, một buổi bán đồ ăn đã được tổ chức tại giáo xứ Đức Mẹ Loretto ở khu Filipinotown lịch sử của thành phố. Bữa ăn được tổ chức bởi Hội đồng Khu phố Filipinotown và Hội đồng Cố vấn Cộng đồng của Sở Cảnh sát Quận Los Angeles.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha sẽ trao thừa tác vụ giáo lý viên, đọc sách và giúp lễ cho anh chị em giáo dân vào Chúa Nhật Lời Chúa

Vatican đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trao các thừa tác vụ giáo lý viên, đọc sách và giúp lễ cho anh chị em giáo dân lần đầu tiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Chúa Nhật 23 tháng Giêng, là Chúa Nhật Lời Chúa.

Các ứng cử viên từ ba châu lục sẽ nhận các thừa tác vụ mới trong Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ tế.

Hai người đến từ vùng Amazon ở Peru sẽ chính thức được Đức Giáo Hoàng trao thừa tác vụ giáo lý viên, cùng với các ứng viên khác đến từ Brazil, Ghana, Ba Lan và Tây Ban Nha.

Ngài cũng sẽ trao thừa tác vụ đọc sách cho anh chị em giáo dân từ Hàn Quốc, Pakistan, Ghana và Ý.

Mỗi thừa tác vụ này sẽ được trao thông qua một nghi thức do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích chuẩn bị, sẽ được trình bày lần đầu tiên, theo một thông cáo của Vatican đưa ra vào ngày 18 tháng Giêng.

Thông báo cho biết: “Trước bài giảng, các ứng viên sẽ được triệu tập, gọi tên và trình diện trước cộng đoàn”.

Những người được gọi đến thừa tác vụ đọc sách sẽ được trao tặng một cuốn Kinh thánh, trong khi các giáo lý viên sẽ được giao phó một cây thánh giá. Cây thánh giá này là một bản sao của thánh giá mục vụ được sử dụng bởi các vị Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên như một sứ vụ chuyên nghiệp được thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo vào tháng 5 năm ngoái.

Các giáo lý viên trước hết được kêu gọi trở thành chuyên gia trong công tác mục vụ truyền đạt đức tin khi đức tin phát triển qua các giai đoạn khác nhau, từ việc công bố Tin Mừng ban đầu, cho đến việc hướng dẫn nhằm trình bày cuộc sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô, và chuẩn bị cho các bí tích khai tâm Kitô, và sau đó là việc đào tạo tiếp tục ngõ hầu mỗi người có thể giải thích về niềm hy vọng bên trong tâm hồn họ (xem 1 Pr 3:15). Đồng thời, mỗi giáo lý viên phải là một chứng nhân cho đức tin, một người thầy và một nhà khai tâm đức tin, một người bạn đồng hành và một nhà sư phạm, là người giảng dạy cho Giáo Hội. Chỉ qua cầu nguyện, học tập và tham gia trực tiếp vào đời sống của cộng đoàn, họ mới có thể lớn lên trong căn tính này cũng như trong sự chính trực và trách nhiệm mà nó đòi hỏi (x. Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc âm hóa, Chỉ Nam Giáo lý, 113).

Những người được gọi vào thừa tác vụ Giáo lý viên là những người nam và người nữ có đức tin sâu sắc và sự trưởng thành nhân bản, là những người tham gia tích cực vào đời sống của cộng đồng Kitô hữu, có khả năng chào đón người khác, quảng đại và sống một đời sống hiệp thông huynh đệ. Họ cũng cần được đào tạo phù hợp về kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm để trở thành những người truyền đạt có năng lực cho chân lý đức tin và họ phải có một số kinh nghiệm trước đây về việc dạy giáo lý (xem Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 14; CIC số 231 §1; CCEO số 409 §1). Điều cần thiết là họ phải là những người cộng tác trung thành với các linh mục và phó tế, chuẩn bị thi hành chức vụ của mình ở bất cứ nơi nào có thể thấy cần thiết và được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành tông đồ thực sự.

Trong số các ứng cử viên được Đức Thánh Cha Phanxicô trao thừa tác vụ trong tuần này có chủ tịch Trung tâm Phòng thí nghiệm Rôma, được thành lập bởi Arnaldo Canepa, người đã cống hiến hơn 40 năm cuộc đời của mình cho việc dạy giáo lý cho trẻ em.

Đức Giáo Hoàng đã thay đổi giáo luật vào tháng Giêng năm 2021 để phụ nữ có thể được chính thức bổ nhiệm vào các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ.

Trong tông thư Spiritus Domini, Đức Giáo Hoàng đã sửa đổi Bộ Giáo luật, trước đây giới hạn các thừa tác vụ này cho nam giáo dân.

Người đọc sách là người đọc Kinh thánh - không phải là Phúc âm, vốn chỉ được các phó tế và linh mục công bố - cho cộng đoàn trong Thánh lễ.

Sau khi bãi bỏ các chức nhỏ, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết rằng chức giúp lễ là một thừa tác vụ trong Giáo hội với “nhiệm vụ chăm sóc việc phục vụ bàn thờ, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các hoạt động phụng vụ, đặc biệt là trong việc cử hành Thánh lễ”.

Các trách nhiệm tiềm tàng đối với thừa tác viên giúp lễ bao gồm việc phân phát Mình Thánh Chúa như một thừa tác viên bất thường nếu những thừa tác viên đó không có mặt, công khai trưng bày Bí tích Thánh Thể để tôn thờ trong những trường hợp bất thường, và “hướng dẫn các tín hữu khác, những người trên cơ sở tạm thời, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các cử hành phụng vụ bằng cách mang sách lễ, thánh giá, nến, v.v.”

Do hạn chế đi lại liên quan đến sự bùng phát của biến thể omicron COVID-19, các ứng viên từ Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda sẽ không thể tham gia Thánh lễ, như kế hoạch ban đầu. Sự tham dự tại Đền Thờ Thánh Phêrô cũng sẽ được giới hạn chỉ 2,000 người.
Source:Catholic News Agency

4. Giáo xứ Công Giáo đã giúp các gia đình bị bắt làm con tin trong vụ khủng bố tại Hội đường Do Thái ở Texas

Vào thời điểm xảy ra vụ bắt giữ con tin trong hội đường Do Thái ở Colleyville, Texas, vào ngày 15 tháng Giêng vừa qua, các nhà lãnh đạo các tôn giáo đã họp nhau tại Nhà thờ Cộng đồng Công Giáo Chúa Chiên Lành gần đó để chia sẻ một cuộc thảo luận thần học về lý do tại sao những điều xấu lại xảy ra với những người tốt.

Theo Cha Michael Higgins, tình đoàn kết diễn ra trong nhà thờ ngày hôm đó giữa các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái, Hồi giáo, Tin lành và Công Giáo. Họ cầu nguyện cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong khoảng 10 giờ cho một cách giải quyết tích cực khỏi một tình huống bi thảm.

Cha Higgins nói với tờ Crux vào ngày 17 tháng Giêng: “Chúng ta thực sự cần phải nhận ra điểm chung của mình và ngừng tức giận và trói buộc với những thứ chia rẽ chúng ta mà hãy tập trung hơn vào những thứ gắn kết chúng ta – đó là niềm tin chung của chúng ta vào Thiên Chúa”.

Bốn con tin tại Nhà thờ Beth Israel đã được giải thoát vào đêm thứ Bảy sau 10 giờ giằng co giữa tay súng và cảnh sát. Kẻ bắt giữ con tin là Malik Faisal Akram, 44 tuổi, quốc tịch Anh, người đã bị lực lượng thực thi pháp luật giết chết sau khi một biệt đội FBI tinh nhuệ xông vào nhà thờ.

Sự can dự của Cha Higgins và cộng đồng Công Giáo Chúa Chiên Lành bắt đầu ngay trước buổi trưa, khi lực lượng thực thi pháp luật hỏi liệu ngài có thể cung cấp một không gian an toàn cho các thành viên gia đình của con tin hay không. Cha Higgins đã cho họ một không gian riêng trong hội trường nhà thờ, rất gần hội đường Do Thái. Kể từ thời điểm đó, các nhà lãnh đạo liên tôn đã đến và đi suốt cả ngày, nhân viên giáo xứ đến để xử lý điện thoại, và nhiều người đã bỏ bữa ăn của gia đình.

Cha Higgins mô tả trải nghiệm “chứng kiến nỗi đau mà các gia đình phải trải qua” là trải nghiệm “thực sự làm nổi bật sự mong manh của cuộc sống”.

Đức Cha Michael Olson của Fort Worth nói với Crux trong một tuyên bố rằng ngài “biết ơn” vì phản ứng của Cha Higgins và cộng đồng Chúa Chiên lành, đồng thời nói thêm rằng ngài tham gia với “các nhà lãnh đạo tôn giáo của tất cả các tôn giáo trong việc bày tỏ sự nhẹ nhõm và hạnh phúc khi các con tin được giải cứu an toàn”.

Một trong những con tin là Giáo sĩ Charlie Cytron-Walker của cộng đoàn Beth Israel, người mà Cha Higgins mô tả là “người bạn của cộng đồng Công Giáo”. Ngài lưu ý rằng các cộng đồng Công Giáo và Do Thái ở Colleyville đã có mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều năm.

Ngay sau khi tên khủng bố Malik Faisal Akram đến New York vào ngày 29 tháng 12, hắn đã mua một chiếc điện thoại di động có mã vùng New York. Khi vụ khủng bố xảy ra, y gọi cho cảnh sát New York đòi trả tự do cho Aafia Siddiqui, một nữ khủng bố nguy hiểm đã bị kết án.

Siddiqui bị giam giữ tại Căn cứ Không quân Carswell gần Fort Worth. Cô ta bị cáo buộc có quan hệ với al-Qaida và bị kết tội tấn công và âm mưu sát hại một binh sĩ Mỹ vào năm 2010 và bị kết án 86 năm tù.

Aafia Siddiqui sinh ngày 2 tháng 3 năm 1972 trong một gia đình Hồi giáo giàu có và rất cực đoan tại Islamabad, Pakistan. Từ năm 1990, y thị theo học ngành thần kinh học tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ và năm 2001 giành được bằng tiến sĩ về thần kinh học tại đây.

Ngay sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001, cô trở về thăm Pakistan. Cô trở về nước một lần nữa vào năm 2003 khi cuộc chiến ở Afghanistan đang ở thời cao độ.

Ngày 1 tháng Ba, 2003, tên Khalid Sheikh Muhammad, kẻ bị tình báo Hoa Kỳ cáo buộc là “kiến trúc sư” vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 của al-Qaeda bị bắt tại thành phố Rawalpindi. Tên này khai với FBI và CIA rằng Aafia Siddiqui là người cung cấp tiền bạc quyên góp tại Hoa Kỳ và các phương tiện kỹ thuật cho bọn khủng bố al-Qaeda. Lệnh lùng bắt được đưa ra, nhưng lúc đó Aafia Siddiqui đã dẫn 3 đứa con bỏ trốn về Pakistan.

Tháng 5, 2004, FBI đưa Siddiqui vào danh sách 7 tên khủng bố và trao giải thưởng cho bất cứ ai cung cấp tin tức dẫn đến việc bắt giữ hay giết chết Siddiqui.

Tháng 7, 2008 trong khi đang hoạt động tại Ghazni, Afghanistan, cô bị cảnh sát Afghanistan bắt giữ và bị các nhân viên tình báo Hoa Kỳ thẩm vấn.

Trong khi bị giam giữ, Siddiqui nói với các nhân viên tình báo rằng cô ta đã bị khủng bố Taliban bắt cóc và cầm tù. Tuy nhiên, người ta tìm thấy trên người cô các tài liệu chế tạo bom và một số lượng đáng kể sodium cyanide (NaCN).

Trong ngày thứ hai của cuộc phỏng vấn, Siddiqui bất ngờ chụp khẩu súng của người thẩm vấn và bắn một nhân viên FBI vừa đến từ Hoa Kỳ và một quân nhân Mỹ. Người quân nhân này bắn cô bị thương.

Sau khi được điều trị; cô được về Mỹ. Ngày 3 tháng 2 năm 2010 cô bị kết án 86 năm tù. Hiện nữ sát thủ này tại đang thụ án tại Trung Tâm Y Khoa Liên Bang Carswell ở Fort Worth, Texas. Đây là một nhà tù dành để chăm sóc y tế cho các tù nhân nữ bệnh nặng hoặc mắc bệnh tâm thần. Siddiqui bị nhốt trong khu biệt giam được canh gác rất nghiêm nhặt.

Các quan chức cho biết chưa có bằng chứng đây là một phần của một âm mưu lớn hơn, nhưng cảnh sát đang điều tra các số điện thoại do tên khủng bố gọi đến tại New York.
Source:Crux