1. Các giám mục Tây Ban Nha về thăm Tòa Thánh trong bối cảnh có quá nhiều vấn đề

Các giám mục Tây Ban Nha sẽ chia thành bốn nhóm, lần lượt về Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ và thăm Tòa Thánh, trong tháng Mười Hai tới đây và tháng Giêng năm 2022.

Hôm 31 tháng Mười vừa qua, Đức Hồng Y Juan José Omella, Tổng giám mục giáo phận Barcelona, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, cho biết các giám mục miền Catalugna, gồm hai Giáo tỉnh Tarragona và Barcelona, được xếp vào lịch trình viếng thăm, từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Giêng năm tới. Lần chót các giám mục về Roma thăm Tòa Thánh cách đây hơn bảy năm, tức là vào năm 2014.

Khi đưa ra thông báo này, Đức Hồng Y Juan José Omella đã lặp lại lời kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho Giáo Hội tại đây đang phải trải qua nhiều sóng gió.

Tai tiếng gần đây nhất là vụ linh mục Juan Miguel Ferrer Grenesche, Cha sở của nhà thờ chính tòa Toledo, đã phải đệ đơn từ chức sau những cuộc biểu tình liên tục của anh chị em giáo dân vì ngài cho mượn nhà thờ để quay phim làm bối cảnh cho một video ca nhạc, trong đó có những cảnh nhảy múa khiêu gợi và các cử chỉ dâm ô trong nhà thờ.

Trong khi vụ tai tiếng này đã được giải quyết với quyết định từ chức của linh mục Juan Miguel và thánh lễ phạt tạ vào hôm Chúa Nhật 17 tháng 10, một vụ trước đó liên quan đến Giám mục Xavier Novell Gomà vẫn còn tiếp tục gây đau thương cho Giáo Hội.

Giám Mục Xavier Novell Gomà, người đã từ chức Giám Mục giáo phận Solsona vào tháng 8, đã nộp đơn xin kết hôn dân sự với người bạn gái của mình. Cô ta là một người đã ly hôn, tôn thờ Satan và chuyên viết các tiểu thuyết dâm ô kể lại chính cuộc sống thác loạn của mình.

Đại dịch Covid-19 đã làm ngưng các cuộc viếng thăm của các giám mục trong nhiều tháng và chỉ từ đầu tháng Chín mới đây, tiến trình này được mở lại, với ba đoàn giám mục Pháp, rồi trong tháng Mười vừa qua, các giám mục Ba Lan cũng đã chia thành bốn nhóm, gồm các giáo tỉnh khác nhau về Roma thăm Tòa Thánh.

2. Người Công Giáo nên phản ứng thế nào khi gặp ma?

Hôm 31 tháng 10, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài nhan đề “How should a Catholic react to an encounter with a ghost?”, nghĩa là “Người Công Giáo nên phản ứng thế nào khi gặp ma?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Điều họ cần là sự giúp đỡ về tinh thần của chúng ta.

Là người Công Giáo, chúng ta tin rằng Thiên Chúa, Đấng sáng tạo ra vạn vật hữu hình và vô hình, đã tạo ra thế giới xung quanh chúng ta với nhiều thứ diễn ra hơn là những gì nằm trên bề mặt. Vào một ngày bình thường, điều này làm ta nhớ đến sự hiện diện của sự chuyển cầu của Chúa hay các thánh. Tuy nhiên, khi ngày lễ Halloween đến gần, Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê khiến chúng ta phải suy ngẫm về hiện tượng vô hình ma quái phổ biến nhất: là hồn ma.

Lịch sử ma

Khái niệm về ma không có gì mới đối với thế giới. Trên thực tế, ngay cả trong thời kỳ Kinh thánh được viết, người ta vẫn quan niệm rằng những linh hồn bất an có thể quay trở lại thế giới vật chất. Trong một bài đăng trên National Catholic Register, Tom McDonald chỉ ra những trường hợp trong Cựu ước và Tân ước nơi các hồn ma được đề cập đến.

Trong Cựu Ước, trong Sách Samuel quyển thứ nhất, Phù thủy Endor triệu hồi linh hồn của Samuel để tiên đoán số phận của Sauul. Trong Tân Ước, sau khi Chúa Phục Sinh, các sứ đồ nhầm Chúa Kitô Phục Sinh là một hồn ma cho đến khi Chúa Giêsu mời Tôma cảm nhận những vết thương trên thân xác của ngài.

Những tài liệu tham khảo này hầu như không có vẻ gì là ma quái, nhưng chúng chứng minh rằng khái niệm về ma là khái niệm mà nhân loại đã vật lộn trong hàng nghìn năm. Vào thời điểm đó, nhiều bộ óc vĩ đại nhất của Giáo hội đã cố gắng giải thích hiện tượng này.

Các Giáo phụ

Thánh Augustinô là một nhà tư tưởng Công Giáo đã thảo luận về chủ đề này và ngài cho rằng cuộc gặp gỡ của Sauul là một thực thể ma quỷ. Theo trang Catholic.com, Thánh Augustinô coi hầu hết những lần nhìn thấy ma quái là những lần nhìn thấy các thiên thần. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những suy nghĩ của Thánh Augustinô về vấn đề này được viết ra với mục đích lôi kéo các tín hữu tránh xa các tập tục ngoại giáo.

Mặt khác, Thánh Thomas Aquinas cho rằng ma là một thực tại. Trên thực tế, Thánh Thomas Aquinas được cho là đã có vài lần chạm trán với các hồn ma vào thời của mình. Trong một lần ngài cho biết đã được hồn phách của một người bạn thân đến thăm, đó là một người mà ngài không hề biết đã qua đời. Thánh Thomas Aquinas đã viết về những hồn ma như sau:

“Theo sự sắp đặt của ơn Chúa quan phòng, những linh hồn bị chia cách đôi khi xuất hiện từ nơi ở của họ và hiện ra với con người. Cũng đáng tin rằng điều này đôi khi có thể xảy ra với những kẻ bị lên án, và họ được phép xuất hiện với người sống để hướng dẫn và cảnh báo.”

Quan điểm hiện đại

Quan điểm của Công Giáo về ma đã tiếp tục phát triển trong nhiều thế kỷ kể từ khi các Tiến sĩ Hội Thánh viết ra những suy nghĩ của các ngài. Trong thời gian gần đây, giáo sư triết học và thần học Công Giáo Peter Kreeft đã phân loại các loại ma khác nhau. Kreeft cho rằng có ba loại ma:

“Sad, wispy”: Con ma “sad, wispy” – nghĩa là Con ma “buồn bã, mong manh như sương khói” là một linh hồn phải chịu đựng cho đến khi nó được giải thoát khỏi những vương vấn còn lại trên trần thế. Những hồn ma này vẫn ở lại để học một bài học từ những sai lầm của họ trong cuộc sống.

“Những hồn phách độc hại và lừa dối”: Đây là những thực thể đến “từ địa ngục” và thường được gọi lên một cách bừa bãi trong các buổi lễ gọi hồn hoặc trong thuật cầu cơ.

“Sáng sủa, hạnh phúc”: Đó là linh hồn của bạn bè hoặc người thân trong gia đình đã qua đời. Kreeft lưu ý rằng những linh hồn này xuất hiện theo lệnh của Chúa, để mang đến thông điệp về hy vọng và tình yêu.

Tờ US Catholic lưu ý rằng Kreeft lý luận rằng không có mâu thuẫn giữa ma và thần học Công Giáo. Các hồn ma có thể tồn tại trên thiên đường, luyện ngục hoặc địa ngục, và có thể xuất hiện trên trái đất. Kreeft đã đi xa đến mức cho rằng những hồn ma có thể chứng thực cho giáo huấn Công Giáo về thế giới bên kia. Anh viết:

“Các hồn ma xác nhận, thay vì bác bỏ hoặc làm rối loạn thần học Công Giáo về thế giới bên kia. Đặc biệt là sự tồn tại của một cuộc sống sau khi chết, đó là điểm chính mà những người hoài nghi tranh cãi.”

Phản ứng của người Công Giáo

Người Công Giáo có nên tin vào hiện tượng có ma hay không, có lẽ tốt nhất là nên nhờ sự tư vấn của một linh mục. Cha Tim Plavac, thuộc Giáo xứ Thánh Bede của Ohio, nói rằng người Công Giáo thực sự có thể thừa nhận sự tồn tại của ma và linh hồn xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, ngài thận trọng lưu ý rằng sự thừa nhận này không bao giờ được dẫn các tín hữu đến các thực hành huyền bí.

Cha Plavac viết:

“Khi chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của ma trong nhà và trong cuộc sống, tôi thấy họ là những linh hồn thiếu thốn. Họ trở thành nỗi đau cho chúng ta bởi vì họ đang đau đớn, giống như một người đang bị xáo trộn nội tâm, họ không thể không trở thành nỗi đau trong cuộc sống của người khác. Điều họ muốn và cần là sự giúp đỡ về mặt tinh thần của chúng ta”.

Cuối cùng, Cha Plavac đã chỉ ra một cách sắc sảo rằng, những thứ va chạm trong đêm có thể là những tiếng kêu cứu.

Nếu điều này thực sự là như vậy, thì lời cầu nguyện là công cụ thương xót mà các tín hữu cần làm để đưa những linh hồn đang bồn chồn đau khổ này đến chốn bình an. Khi đối mặt với những ám ảnh có thể xảy ra, cách hành động tốt nhất là cầu nguyện.

Phil Kosloski của Aleteia chỉ cho chúng ta một lời cầu nguyện đúng đắn có thể mang lại ơn giải thoát cho một hồn phách đang gặp khó khăn, được gọi là lời cầu nguyện “Cho sự yên nghỉ muôn đời” với nội dung như sau

Lạy Chúa, xin ban ơn yên nghỉ đời đời cho họ và hãy cho ánh sáng ngàn thu chiếu rọi họ. Xin cho linh hồn các tín hữu đã ra đi, nhờ lòng thương xót của Chúa, được yên nghỉ trong bình an. Amen.


Source:Aleteia

3. Bốn vị tử đạo trong Nội chiến Tây Ban Nha được phong chân phước

Một Hồng Y của Vatican đã phong chân phước cho bốn vị tử đạo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha hôm thứ Bảy.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã tuyên bố Francesco Cástor Sojo López và ba bạn tử đạo được tuyên Chân Phước trong một thánh lễ vào ngày 30 tháng 10 tại nhà thờ chính tòa Tortosa, Catalonia.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y Semeraro nói: “Các vị không tìm kiếm sự tử đạo, bởi vì người ta không tìm kiếm sự tử đạo, nhưng lại phải chịu đựng điều đó. Tuy nhiên, khi đến lúc phải làm chứng cho Chúa Kitô bằng máu, các ngài không sợ hãi thu mình lại nhưng chấp nhận thập giá với tình yêu mến”.

“Vì vậy, cùng với thủ lĩnh là Chân Phước Francisco Cástor Sojo López, hai vị khác bị giết ngay lập tức và Chân Phước Millán Garde Serrano, đã chịu đựng sự tra tấn với thái độ tha thứ cho thủ phạm và tin tưởng vào Chúa, trước khi chết”.

Ước tính có khoảng nửa triệu người đã chết trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, giữa những người Quốc gia và người cộng sản từ năm 1936 đến năm 1939.

Trong số các nạn nhân của làn sóng bạo lực này có 13 giám mục, 4,172 linh mục triều và chủng sinh, 2,364 nam tu sĩ và 283 nữ tu.

Hơn 2,000 vị tử đạo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha đã được phong chân phước và 11 vị được phong thánh. Án tuyên thánh cho 2,000 ứng viên khác đang được xem xét.

Theo tiểu sử chính thức ở Vatican, Cha Francesco Cástor Sojo López sinh tại Madrigalejo, Extremadura, vào ngày 28 tháng 3 năm 1881.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 19 tháng 12 năm 1903. Ngài gia nhập Huynh đoàn các Linh mục Công nhân Giáo phận của Thánh Tâm Chúa Giêsu, được Chân Phước Manuel Domingo y Sol thành lập vào năm 1883.

Ngài đã phục vụ trong các chủng viện và các trường cao đẳng ở Toledo, Plasencia, Badajoz, Segovia, Astorga, và cuối cùng là Ciudad Real, một thành phố ở miền trung Tây Ban Nha.

Vào ngày 12 tháng 9 năm 1936, ngài bị bắt, bị cầm tù và sau đó bị giết ngay đêm đó bên ngoài Ciudad Real.

Cha Manuel Galcerá Videllet sinh tại Caseras, Andalucia, vào ngày 6 tháng 7 năm 1877. Được thụ phong năm 1901, ngài gia nhập Huynh đoàn Linh mục Công nhân Giáo phận năm 1906.

Ngài đã phục vụ ở Zaragoza, Tarragona, Cuernavaca bên Mễ Tây Cơ, Badajoz, Ciudad Real, Rôma, Valladolid và Baeza.

Ngài bị bắt vào ngày 20 tháng 7 năm 1936 và bị giam giữ tại Baeza, miền nam Tây Ban Nha. Ngài bị giết vào ngày 3 tháng 9 năm 1936.

Cha Aquilino Pastor Cambero sinh ngày 4 tháng 1 năm 1911 tại Zarza de Granadilla, Extremadura. Ngài gia nhập Huynh đoàn Linh mục Công nhân Giáo phận năm 1934 và được thụ phong linh mục vào ngày 25 tháng 8 năm 1935.

Ngài đã phục vụ ở Baeza với tư cách là một nhà lãnh đạo của sinh viên. Khi cuộc nội chiến bùng nổ, ngài trốn cùng Manuel Galcerá Videllet tại một dinh thự ở Baeza, nhưng bị bắt cùng với anh ta và đưa đến nhà tù của thành phố. Ngài bị đưa ra khỏi thành phố vào ngày 28 tháng 8 năm 1936, và bị giết.

Cha Millán Garde Serrano sinh ngày 21 tháng 12 năm 1876 tại Vara del Rey, Castilla – La Mancha. Ngài được thụ phong ngày 21 tháng 12 năm 1901 và gia nhập Huynh đoàn Công nhân Giáo phận năm 1903.

Ngài phục vụ trong các chủng viện ở Badajoz, Valladolid, Salamanca, Astorga, Plasencia và León.

Sau khi chiến tranh bùng nổ, ngài đã thi hành sứ vụ linh mục của mình một cách bí mật. Ngày 10 tháng 4 năm 1938, ngài bị bắt và bị kết án. Ngài bị giam cầm và bị tra tấn dã man ở Cuenca.

Ngài được chuyển đến một tu viện Carmelite Discalced, đã được chuyển thành nhà tù, nơi ngài chết vào đêm ngày 7 tháng 7 năm 1938, do hậu quả của các cuộc tra tấn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu anh chị em tín hữu cho các vị tân Chân Phước một tràng pháo tay trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 31 tháng 10.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm qua tại Tortosa, Tây Ban Nha, Francesco Sojo López, Millán Garde Serrano, Manuel Galcerá Videllet và Aquilino Pastor Cambero, là các linh mục trong Huynh đoàn Công nhân Giáo phận, các linh mục của Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được phong chân phước. Tất cả các ngài đều bị giết vì lòng căm thù đức tin. Những mục tử nhiệt thành và quảng đại đã bị giết trong cuộc bách hại tôn giáo vào những năm 1930, các ngài vẫn trung thành với sứ vụ của mình ngay cả khi phải chịu rủi ro về tính mạng. Ước gì chứng tá của các ngài là một gương mẫu đặc biệt cho các linh mục. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho những Chân Phước mới này!”

Đức Hồng Y Semeraro đã thông báo rằng ngày lễ kính các vị tử đạo mới sẽ là ngày 25 tháng 10 hàng năm.

Kết thúc bài giảng của mình tại nhà thờ chính tòa Tortosa, Đức Hồng Y nói: “Xét về cuộc tử đạo của những vị chân phước này, thiết tưởng cũng nên nhắc lại một số ý tưởng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: 'Tử đạo là cuộc thử thách dứt khoát và triệt để, cuộc thử thách lớn nhất của con người, thách đố của phẩm giá con người trước sự hiện diện của chính Thiên Chúa. Đó là “phiên tòa” của con người diễn ra trước mắt Thiên Chúa, một cuộc xét xử trong đó con người, được trợ giúp bởi quyền năng của Thiên Chúa, giành lại chiến thắng”.

Đức Hồng Y Semeraro nói tiếp: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì danh Chúa mà mất mạng sống thì sẽ cứu được”, Chúa Giêsu nói với chúng ta như thế. Trong Chúa Kitô, sự sống không bao giờ bị mất; trái lại, nó được tìm thấy, bởi vì Ngài là Sự sống. Hơn nữa, như Chúa đã nói trong cuộc đối thoại với Mattha Ngài không chỉ là sự sống, mà còn là sự sống lại”.


Source:Catholic News Agency