MỘT HIỆN DIỆN TRAO BAN SỰ SỐNG
“Thiên Chúa là tình yêu”; “Nhờ Ngài, chúng ta được sống”.

Richard L. Evans nói, “Bi kịch của một cuộc đời không phải là nó kết thúc quá sớm, mà là chúng ta chờ đợi quá lâu để bắt đầu nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Khác với những gì Richard L. Evans cảnh báo, Thiên Chúa đã bắt đầu cuộc sống của Ngài từ đời đời, Ngài bắt đầu nó bằng tình yêu! Thánh Gioan nói, “Thiên Chúa là tình yêu”. Bài đọc thứ nhất hôm nay diễn tả ngắn gọn ý nghĩa sâu xa nhất của mầu nhiệm Giáng Sinh, “Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến thế gian; nhờ Ngài, chúng ta được sống”. Bởi lẽ, sự hiện diện của Ngôi Hai ở giữa loài người là ‘một hiện diện trao ban sự sống’; Tin Mừng hôm nay minh hoạ sự hiện diện này.

“Thiên Chúa là tình yêu”. Đó là một định nghĩa đơn giản nhất nhưng sâu sắc nhất về Thiên Chúa trong toàn bộ Thánh Kinh. Mọi định nghĩa khác có thể nói về Ngài, nhưng dù mỹ miều đến mấy, vẫn chỉ là một bình luận về câu nói gãy gọn, nhưng sâu xa nhất ấy, “Thiên Chúa là tình yêu”. Vì yêu thương, Chúa Cha đã sai Con Một xuống thế, tặng trao con người sự sống; sự sống thần linh, vĩnh cửu và tình yêu; một sự sống mà sự chết không có quyền trên nó, không khổ đau và buồn phiền nào có thể dập tắt. Mặc dầu ‘sự sống’ này là định mệnh cao quý của con người bên kia cái chết, nhưng Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để chúng ta có thể hưởng nếm trước sự sống vĩnh cửu này ở đây và lúc này. Sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, nay là Đấng Phục Sinh, là ‘một hiện diện trao ban sự sống’ cho tất cả chúng ta mọi nơi, mọi lúc, qua Bí tích Thánh Thể.

Thật thú vị, khi Tin Mừng hôm nay được đọc như một tường thuật về ‘một Thánh Lễ’ mang tính tiên tri, báo trước cho hàng vạn Thánh Lễ đang diễn ra mỗi ngày trên các bàn thờ. Marcô tường thuật Chúa Giêsu có mặt không phải trên núi nhưng cạnh một bờ hồ khi Ngài vừa ra khỏi thuyền để nuôi sống một đám rất đông đến 5.000 người. Đây là phép lạ duy nhất được cả 4 Tin Mừng nói đến. Một cách ‘rất nghi lễ’, Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và môn đệ trao cho dân chúng. Toàn bộ trình thuật có một âm bội mạnh mẽ về Bí tích Thánh Thể. Sau khi giảng dạy, được coi như phụng vụ Lời Chúa, Chúa Giêsu đã ‘cử hành’ phụng vụ Thánh Thể; sau đó, Ngài trao bánh và cá cho các môn đệ, để họ chia cho mọi người.

Một chi tiết chúng ta không nên bỏ qua là, Chúa Giêsu không tự mình trực tiếp trao bánh và cá cho dân, Ngài ủy thác cho các môn đệ công việc này; và đó là cách thức Ngài bước vào cuộc sống của con người ngày nay. Chỉ Giáo Hội mới có đặc quyền trao ban Thánh Thể! Tình yêu của Chúa Giêsu thể hiện qua việc Giáo Hội nhận lãnh chính thịt máu Ngài, và sau đó, trao tặng cho những người khác. Nếu những gì Giáo Hội nhận lãnh được giấu kín, cất kỹ, thì Bí tích Thánh Thể chỉ trở thành một dấu chỉ của hư không; nó đã giảm thiểu đến mức chỉ còn là một nghi lễ trừu tượng.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa là tình yêu”. Ở đâu có bóng dáng Chúa Giêsu, ở đó tràn đầy niềm vui, tràn đầy tình yêu và sự sống. Ngày nay, Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ một lần cho 5.000 người no thoả, nhưng mỗi giây phút, phép lạ vẫn được thực hiện từ tay các linh mục của Ngài. Như thế, qua Giáo Hội, chúng ta đang chứng kiến những gì Chúa Giêsu làm để nuôi sống dân Ngài. Được sự sống thần linh nuôi dưỡng, đến lượt mình, chúng ta cũng là những con người “cho họ ăn”. Ước gì qua đời sống chúng ta, những người khác cũng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, ‘một hiện diện trao ban sự sống’. Điều chúng ta tặng trao không chỉ là bánh ăn, nhưng còn là thời giờ, một nụ cười, một lời thân ái; và điều đáng tặng trao nhất vẫn là Giêsu, sự sống của Thiên Chúa trong chính chúng ta. Và như thế, mầu nhiệm Thánh Thể đã được sống một cách thiết thực nhất; Thánh Lễ không chỉ ở trong nhà thờ nhưng được kéo dài cả ngoài nhà thờ, suốt cả đời sống chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì sự hiện diện của con cho tha nhân luôn là ‘một hiện diện trao ban sự sống’, và “Muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài” một khi họ nhận biết Chúa như Thánh Vịnh đáp ca mô tả”, Amen.

(Tgp. Huế)