“TA NGHE NÓI CON SAO ĐÓ!”

“Ta nghe nói con sao đó. Con hãy tính sổ công việc quản lý của con!”.

Edward Hale, nhà thơ nổi tiếng, tuyên uý Thượng viện, hùng hồn xác định nghĩa vụ của một công dân Hoa Kỳ, “Tôi chỉ là một, nhưng tôi là tôi. Tôi không thể làm mọi thứ, nhưng có thể làm một điều gì đó. Những gì tôi có thể làm, là những gì tôi phải làm! Những gì tôi phải làm, nhờ ân sủng Chúa, tôi sẽ làm! Và tôi ước, không bao giờ nghe Ngài phàn nàn, “Ta nghe nói con sao đó!””.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ta nghe nói con sao đó!”. Tất nhiên, đây chỉ là một câu nói trong dụ ngôn “Quản Lý Bất Lương” của Tin Mừng hôm nay. Thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về chúng ta, vì Ngài biết tất cả! Tuy nhiên, khi xem lại hồ sơ cuộc sống mỗi người, rất có thể Ngài sẽ nói lại những lời đó, để lưu ý rằng, chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi, hành động tự do của mình.

Giờ đây, trong bầu khí cầu nguyện, chúng ta hãy nhìn vào khuôn mặt người Cha nhân từ của Đấng đã hỏi, “Ta nghe nói con sao đó!”. Liệu điều này có khơi dậy một nỗi lo lắng nào đó về một vết thương trong tâm hồn, hay về một điều gì đó vốn đã làm mất đi vẻ đẹp của những con trai, con gái của một vị Thiên Chúa, nơi người Cha này không? Và Ngài yêu cầu chúng ta giải trình.

Chúng ta sẽ tính sổ đầy đủ cho Ngài, từng phần một; sẽ không có một thủ thuật khôn lanh nào được áp dụng cả. Liệu chúng ta có bị buộc tội là những kẻ phung phí khi sử dụng những gì Ngài ban đã sai mục đích, không khéo léo, lãng phí, hoặc xa hoa! Về tất cả những ân sủng thiêng liêng như đức tin, Giáo Hội, các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh, kho tàng phong phú của truyền thống thì sao? Những phương tiện đã được đặt trong tay chúng ta, thời gian, tiền bạc được cung cấp; những tài năng… liệu chúng ta có phải là những kẻ hoài của không? Hoặc làm thế nào chúng ta có thể đáp ứng tốt hơn những ân phúc Thiên Chúa đã ban; và nhất là, làm cách nào để mỗi người có thể “đầu tư” tốt hơn những gì đã lãnh nhận cho Vương Quốc Nước Trời của Ngài?

Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô sung sướng nhìn lại những gì đã làm khi ngài hoàn tất tốt đẹp công việc Thiên Chúa trao, “Nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban, tôi trở nên người giúp việc của Đức Giêsu Kitô nơi các dân ngoại”. Phaolô tâm sự, “Tôi có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa. Đức Kitô đã dùng tôi mà làm cho dân ngoại vâng phục”; nhờ đó, họ đã được ơn lãnh nhận đức tin. Đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân!”.

Như người quản lý trong dụ ngôn, chúng ta được Thiên Chúa trao phó thật nhiều, và cũng có thể được Ngài chất vấn; nhưng hoàn toàn khác với sự khôn lanh của anh, khi anh dám đánh cược một lần cuối vào lòng tốt của chủ, anh đã sắp đặt mọi sự phòng khi mất chức; phần chúng ta, chúng ta phải giải trình cho Ngài ngay hôm nay. Chúng ta được kêu gọi để đáp lại sự tinh khôn của thế gian bằng sự khôn ngoan của người môn đệ, và đó là quà tặng của Chúa Thánh Thần; chúng ta khiêm tốn nhìn nhận những yếu hèn trước mặt Chúa và hứa sẽ cố gắng nếu đã sa sẩy. Người môn đệ Chúa Giêsu sống theo Tin Mừng, xa lánh tinh thần thế gian và các giá trị thế tục mà ma quỷ thực sự ủng hộ. Được như thế, chúng ta sẽ không bao giờ phải nghe Chúa nói, “Ta nghe nói con sao đó!”; và dù có phải tính sổ với Ngài, chúng ta cũng không việc gì phải sợ hãi.

Anh Chị em,

“Ta nghe nói con sao đó!”. Hy vọng không ai trong chúng ta sẽ quá sợ hãi trước những lời đó. Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta canh chừng một tinh thần thế tục vốn có thể len lỏi vào đời sống chúng ta bất cứ lúc nào, bất cứ đấng bậc nào. Tinh thần đó được thể hiện bằng thái độ phung phí, đồi bại, lừa dối, nô lệ, và nó sẽ kiến tạo một con đường nghèo nàn nhất, con đường tội lỗi; bởi lẽ con đường này sẽ dẫn chúng ta đến những con đường băng hoại khác! Nó giống như một mắt xích, ngay cả khi đó là sự thật, nó thường là con đường dễ đi nhất. Thay vào đó, tinh thần Phúc Âm đòi hỏi chúng ta một lối sống nghiêm túc; nghiêm túc nhưng vui tươi, hồn nhiên, tràn đầy sức sống! Nghiêm túc nhưng cũng lắm thách thức, được đánh dấu bằng sự trung thực, công bằng, tôn trọng người khác và phẩm giá của họ; đồng thời, ý thức trách nhiệm với những gì Chúa ban. Và đây là sự sắc sảo của người Kitô hữu, sự tinh khôn của người môn đệ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nên một quản lý tốt, để không phải nghe những lời, “Ta nghe nói con sao đó!”. Cho con sử dụng thật khôn ngoan, cẩn thận với những gì Chúa đã đặt trong tay con”, Amen.

(Tgp. Huế)