1. Joe Biden nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo anh ta 'hãy tiếp tục rước lễ'
Là một chính trị gia, ông Joe Biden cố nhiên sẽ nắm lấy cơ hội gặp gỡ với Đức Thánh Cha để cổ vũ cho nghị trình phá thai của mình. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ báo cáo của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngay sau cuộc triều yết của ông ta với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Theo nhiều bản tin, Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo ông “hãy tiếp tục rước lễ”.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Biden đã gặp trực tiếp Đức Giáo Hoàng trong 75 phút. Theo báo cáo của Tòa Bạch Ốc, sau đó, Biden nói với các phóng viên rằng ông và Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho nhau, và thảo luận về biến đổi khí hậu.
Theo Biden, họ không thảo luận về việc phá thai, nhưng vấn đề này gián tiếp xuất hiện trong chủ đề ông ta rước lễ.
“Chúng tôi vừa nói về sự kiện rằng ngài rất vui vì tôi là một người Công Giáo tốt,” Biden nói, và nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng đã bảo ông ta “hãy tiếp tục rước lễ”. CNN và Reuters cũng đưa tin rằng, theo Biden, Đức Giáo Hoàng đã bảo ông hãy tiếp tục rước lễ.
Theo New York Times, một phát ngôn viên của Vatican hôm thứ Sáu cho biết, “Tôi sẽ coi đây là một cuộc trò chuyện riêng tư” khi được hỏi về nhận xét của Biden về việc Rước lễ.
Biden, người Công Giáo Mỹ thứ hai trở thành tổng thống, đã ủng hộ việc phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân trong năm đầu tiên tại vị, và đã đưa ra các tuyên bố bảo vệ việc phá thai hợp pháp. Vấn đề rước lễ của các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai đã là một vấn đề được thảo luận rộng rãi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ta.
Vào ngày Biden nhậm chức tổng thống, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ghi nhận những lo ngại về quan điểm chính sách của Biden liên quan đến phá thai, hôn nhân và giới tính. Khi được hỏi liệu ông ta có thảo luận với Đức Giáo Hoàng về các giám mục Hoa Kỳ vào hôm thứ Sáu hay không, Biden trả lời rằng đó là một “cuộc trò chuyện riêng tư”.
Theo báo cáo của Tòa Bạch Ốc, Biden nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phép một tràng hạt Mân Côi của ông ta. Tổng thống nói rằng ông đã không được rước lễ vào ngày thứ Sáu.
Cá nhân các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố trong những tháng gần đây về việc Rước lễ đối với các chính trị gia ủng hộ việc phá thai.
Đức Cha Thomas Paprocki, Giám Mục của Springfield, Illinois cho biết vào tháng Năm rằng “Thật đáng buồn, khi thấy có một số giám mục và Hồng Y của Giáo hội không chỉ sẵn sàng cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ, mà còn tìm cách ngăn cản Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đừng đề cập đến vấn đề mạch lạc Thánh Thể”, nghĩa là chỉ rước lễ khi có ơn nghĩa với Chúa, không mắc tội trọng và sống phù hợp với các giá trị Tin Mừng sau khi được rước lễ.
Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco vào tháng Năm đã tuyên bố rằng các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai đừng nên ra tiến lên rước lễ.
Trong khi Biden đang vận động tranh cử tổng thống ở Nam Carolina, ông ta đã bị từ chối không được rước lễ tại một giáo xứ vào năm 2019, theo chính sách của giáo phận.
Các giám mục khác, chẳng hạn như Đức Cha Robert McElroy của San Diego, đã nói rằng không nên từ chối Thánh Thể đối với các quan chức Công Giáo ủng hộ phá thai. Tại một hội thảo trực tuyến vào tháng Hai, Đức Cha McElroy cảnh báo rằng một số giám mục đang tìm cách coi việc phá thai là một “phép thử có tính quyết định” đối với các quan chức Công Giáo, và nói rằng những nỗ lực từ chối không cho họ rước lễ sẽ bị coi là “vũ khí hóa” Bí tích Thánh Thể.
Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington đã nói rằng ngài sẽ không từ chối Rước lễ đối với các chính trị gia ủng hộ phá thai. Giám mục trước đây của Biden ở Wilmington, là Đức Cha Francis Malooly, đã không từ chối cho ông ta Rước lễ trong giáo phận của ngài, còn vị Tân Giám mục của Wilmington đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này.
Điều 915 của Bộ Giáo luật tuyên bố rằng những người “cố chấp kiên trì phạm tội trọng đã biểu lộ ra ngoài thì không được rước lễ”.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trong một bản ghi nhớ năm 2004 gửi các giám mục Hoa Kỳ với tư cách là tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã tuyên bố rằng các quan chức Công Giáo công khai vận động cho việc hợp pháp hóa phá thai nên được các mục tử hướng dẫn đừng lên rước lễ trừ khi họ dừng lại thôi không thúc đẩy các luật như vậy. Nếu họ tiếp tục làm như vậy bất chấp lời cảnh báo của vị mục tử, và cứ lên rước lễ, thì thừa tác viên bí tích Thánh Thể phải từ chối không cho họ Rước lễ.
Trước chuyến thăm của Biden, hôm thứ Tư, Tòa Bạch Ốc nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đã nói khác” với Biden về chủ đề phá thai.
Biden hứa sẽ nỗ lực “toàn chính phủ” để duy trì hoạt động phá thai ở Texas sau khi luật của tiểu bang hạn chế hầu hết các trường hợp phá thai có hiệu lực vào tháng 9. Chính quyền của ông hiện đang phản đối luật của Texas tại Tòa án Tối cao và cũng đã đấu tranh tại tòa án để duy trì “nhiệm vụ phải chuyển đổi giới tính”, trong đó buộc các bác sĩ phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi giới tính khi có sự giới thiệu của một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Source:Catholic News Agency
2. Vatican từ chối bình luận về việc liệu Đức Giáo Hoàng có bảo Biden tiếp tục rước lễ trong 'cuộc trò chuyện riêng tư' hay không
Hôm thứ Sáu Vatican đã từ chối bình luận về tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích ông tiếp tục Rước lễ trong một buổi tiếp kiến riêng.
Vatican, vốn có chính sách lâu đời là không bình luận về những tuyên bố cụ thể được cho là của Đức Giáo Hoàng trong các cuộc gặp riêng, nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ giữa hai người vào ngày 29 tháng 10 là “một cuộc trò chuyện riêng”.
Ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh, nói với các phóng viên: “Tôi sẽ coi đây là một cuộc trò chuyện riêng tư, và nó chỉ giới hạn ở những gì đã được nói trong tuyên bố công khai”.
Ông Bruni đã đề cập đến một thông cáo báo chí do Vatican phát hành nói rằng hai người đã nói về môi trường, đại dịch coronavirus, người tị nạn và nhân quyền.
Theo báo cáo của Tòa Bạch Ốc, Biden nói với các phóng viên rằng ông và Đức Giáo Hoàng không thảo luận về việc phá thai trong cuộc gặp kéo dài 75 phút của họ.
Khi được hỏi liệu vấn đề có được đưa ra hay không, tổng thống trả lời: “Không, không phải vậy. Nó nảy ra - chúng tôi chỉ nói về sự kiện rằng ngài rất vui vì tôi là một người Công Giáo tốt và tôi nên tiếp tục rước lễ”.
Không giống như các cuộc gặp trước đây giữa Đức Giáo Hoàng và một nguyên thủ quốc gia, Vatican không cho phép truyền thông có mặt khi Biden và Đức Thánh Cha Phanxicô gặp nhau và không có video phát trực tiếp nào được cung cấp.
Biden, người Công Giáo Mỹ thứ hai trở thành tổng thống, đã ủng hộ việc phá thai do người đóng thuế tài trợ trong năm đầu tiên tại vị, và đã đưa ra các tuyên bố bảo vệ việc phá thai hợp pháp.
Vấn đề các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai rước lễ đã là một vấn đề được thảo luận rộng rãi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Sau cuộc bầu cử của Biden, Đức Tổng Giám Mục José Gomez, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, ghi nhận sự bất đồng giữa tổng thống và Hội Đồng Giám Mục về vấn đề phá thai.
Vào tháng 11, các giám mục Hoa Kỳ sẽ nhóm họp tại Baltimore, Maryland, trong đại hội đồng mùa thu của các ngài, tại đó các ngài dự kiến sẽ bỏ phiếu về một tài liệu giảng dạy về bí tích Thánh Thể.
Đức Thánh Cha Phanxicô trước đây đã gọi phá thai là “giết người”, so sánh hành động này với việc “thuê một kẻ sát nhân”, và nói rằng những nạn nhân chưa chào đời của việc phá thai mang khuôn mặt của Chúa Giêsu.
Ngài cũng kêu gọi các giáo sĩ thực hiện một cách tiếp cận mang tính mục vụ thay vì chính trị đối với các nhà lập pháp Công Giáo ủng hộ việc thực hành này.
Source:Catholic News Agency
3. Các nhà báo phản đối khi Vatican hủy việc phát sóng trực tiếp khi Joe Biden đến chào Đức Thánh Cha Phanxicô
Một ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô, Vatican đã hủy bỏ việc phát sóng trực tiếp theo lịch trình của cuộc họp mà không có lời giải thích.
Các nhà báo trong đoàn báo chí Vatican đã phản đối việc hủy bỏ vào phút cuối vì chính họ cũng không được cử đại diện tham dự khi ông Joe Biden bắt tay Đức Giáo Hoàng.
Hãng thông tấn AP đưa tin vào ngày 28 tháng 10 rằng họ đã chính thức khiếu nại với Vatican về việc buổi phát trực tiếp bị hủy, cùng với các thành viên của hiệp hội phóng viên Vatican.
Steven Portnoy, chủ tịch Hiệp hội phóng viên Tòa Bạch Ốc, nói rằng nhóm của ông tuyên bố đoàn kết với các phóng viên Vatican để “bày tỏ sự thất vọng của chúng tôi rằng thế giới sẽ không nhìn thấy hình ảnh trực tiếp về cuộc gặp gỡ của Tổng thống Biden với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
“Các phóng viên đã đưa tin về các buổi tiếp kiến của các Đức Giáo Hoàng với các tổng thống Mỹ kể từ khi Woodrow Wilson ngồi bên cạnh Đức Bênêđíctô 15 vào tháng Giêng năm 1919,” Portnoy, phóng viên Đài CBS News, viết trên Twitter.
“Nhóm phóng viên chúng tôi đeo khẩu trang y tế và tiêm chủng đầy đủ sẵn sàng tiếp tục công việc này, lưu tâm đến sự an toàn của chính họ cũng như của các nhà lãnh đạo, để bảo đảm đưa tin độc lập về vị tổng thống Công Giáo đầu tiên trong 60 năm gặp gỡ người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cũng đề cập đến các hạn chế về phương tiện truyền thông của Vatican trong một cuộc họp báo.
“Điều tôi có thể bảo đảm với các bạn là chúng tôi đang làm việc, thông qua mọi đòn bẩy mà chúng tôi có, để vận động cho sự tiếp cận của nhóm báo chí và các phương tiện truyền thông khi tổng thống đến thăm Vatican,” Psaki nói.
“Chúng tôi tin vào giá trị của báo chí tự do. Chúng tôi tin tưởng vào giá trị của việc bảo đảm các bạn được tiếp cận các chuyến công du của tổng thống và các chuyến thăm của ông ấy ở nước ngoài”.
Trước đại dịch, giao thức của Vatican cho phép một nhóm nhỏ các nhà báo, bao gồm cả nhóm truyền thông riêng của tổng thống, có mặt để theo dõi cái bắt tay đầu tiên và những trao đổi ban đầu khi họ ngồi xuống trước cuộc trò chuyện chính thức và riêng tư. Sau đó, các nhà báo lại có mặt để chứng kiến màn trao quà.
Tòa thánh Vatican đã chỉ ra rằng giờ đây họ sẽ chỉ cung cấp các đoạn phim trực tiếp về khi đoàn xe của tổng thống Hoa Kỳ xuất hiện tại điện Tông Tòa, nơi mà một số nhà báo cũng sẽ được phép tham dự.
Biden trước đây đã từng gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô ba lần, nhưng đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông ta với Đức Giáo Hoàng trong tư cách là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ và là tổng thống Công Giáo thứ hai của đất nước.
Theo Tòa Bạch Ốc, tổng thống có kế hoạch thảo luận về việc “chấm dứt đại dịch COVID-19, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và quan tâm đến người nghèo.”
Source:Catholic News Agency
4. Phút nói thật: Tòa Bạch Ốc thừa nhận Đức Thánh Cha Phanxicô ‘đã nói khác’ với Biden về việc phá thai
Trước cuộc gặp gỡ ngày 29 tháng 10 của Tổng thống Joe Biden với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hôm thứ Tư phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã thừa nhận rằng “Đức Giáo Hoàng đã nói khác” so với Biden về việc phá thai.
Biden, một người Công Giáo, “là người ủng hộ và tin rằng quyền lựa chọn của phụ nữ là quan trọng”, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết tại cuộc họp báo ngày 27/10 với các phóng viên.
“Đức Giáo Hoàng đã nói khác,” cô ấy nói thêm, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Owen Jensen của EWTN News Nightly. Trước đây, Jen Psaki luôn lặp lại một điệp khúc “Tổng thống là một người Công Giáo ngoan đạo. Ông ấy đi nhà thờ mỗi tuần”, như thể lập trường của ông Joe Biden hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Tổng thống Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden vào ngày thứ Sáu tại Vatican.
Psaki hôm thứ Tư nói rằng các lĩnh vực đồng thuận giữa hai bên sẽ là “trọng tâm” của cuộc họp vào hôm thứ Sáu, bao gồm các vấn đề “đói nghèo, chống khủng hoảng khí hậu, chấm dứt đại dịch COVID-19”.
“Đây đều là những vấn đề cực kỳ quan trọng, có tác động và sẽ là trọng tâm của cuộc thảo luận khi họ gặp nhau,” cô nói thêm.
Đức Thánh Cha Phanxicô trước đây đã gọi phá thai là “giết người”, so sánh phá thai với việc “thuê một sát thủ”, và nói rằng những nạn nhân chưa chào đời của việc phá thai mang khuôn mặt của Chúa Giêsu, và bày tỏ sự bất mãn của ngài trước những nỗ lực quảng bá phá thai như một “dịch vụ thiết yếu” trong thời kỳ đại dịch.
Biden và chính quyền của ông đã thực hiện một số bước để tài trợ hoàn toàn cho việc phá thai hoặc nới lỏng các quy định chống lại việc tài trợ cho các nhóm ủng hộ phá thai.
Ông đã thúc đẩy việc phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân, qua hệ thống Medicare bằng cách loại trừ tu chính án Hyde khỏi yêu cầu ngân sách năm 2022 của ông tại Quốc hội. Trong một lệnh hành pháp ngày 28 tháng Giêng, Biden đã bãi bỏ Chính sách Thành phố Mexico vì chính sách này cấm Hoa Kỳ tài trợ cho các nhóm ủng hộ phá thai quốc tế. Chính quyền của ông đã thay đổi các quy định để cho phép tài trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai thông qua chương trình kế hoạch hóa gia đình Title X.
Khi luật “nhịp tim” ủng hộ sự sống của Texas có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9, Biden hứa sẽ có phản ứng “của toàn chính phủ” nhằm duy trì việc phá thai hợp pháp ở Texas. Bộ Tư pháp đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang về luật này, và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã thông báo tăng cường tài trợ kế hoạch hóa gia đình cho các nhóm bị ảnh hưởng bởi luật Texas.
Ngoài ra, Biden đã đưa ra các tuyên bố ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai ở Hoa Kỳ và quốc tế.
Sau đó trong cuộc họp giao ban hôm thứ Tư, Psaki đã giải thích về “đức tin” của tổng thống khi được hỏi về cuộc họp tại Vatican.
Tôi nghĩ rằng đức tin của tổng thống, như bạn cũng biết, là khá cá nhân đối với ông ấy. Đức tin của ông ấy là nguồn sức mạnh qua nhiều bi kịch khác nhau mà ông ấy đã trải qua trong đời,” cô nói và lưu ý rằng “ông ấy đến nhà thờ mỗi cuối tuần”.
Đề cập đến cuộc gặp gỡ giữa ông Joe Biden và Đức Giáo Hoàng, cô nói:
“Chúng tôi chắc chắn mong đợi đó là một cuộc gặp gỡ ấm áp”.
Source:Catholic News Agency