1. Cảnh sát ở Ái Nhĩ Lan phạt một linh mục Công Giáo vì dâng lễ có giáo dân tham dự
Cảnh sát đã phạt một linh mục Công Giáo vì đã cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự trong bối cảnh bị khóa trên toàn quốc.
Gardaí, tức là lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan, đã áp dụng khoản tiền phạt 500 euro hay 595 Mỹ Kim đối với Cha Hughes, là cha sở của giáo xứ Mullahoran và giáo xứ Loughduff ở County Cavan, sau khi ngài dâng thánh lễ với một số ít giáo dân hiện diện, tờ Irish Catholic đưa tin hôm 20 tháng Ba.
Theo các biện pháp y tế của chính phủ, việc thờ phượng có giáo dân tham dự đã bị đình chỉ ở nước này kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2020. Các thánh lễ có giáo dân tham dự cũng bị đình chỉ ở Ái Nhĩ Lan từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 trong đợt đại dịch coronavirus đầu tiên.
Trong một bản tin của giáo xứ ngày 21 tháng 3, Cha Hughes viết: “Chúa Nhật tới đánh dấu cuộc hành trình Tuần Thánh. Thật khó tin khi đã sang đến năm thứ hai mà mọi người không thể đến tham gia các nghi lễ của Tuần Thánh”.
“Bất chấp quy mô của nhà thờ và các đền thánh, và bất kể sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Nhà tạm, nhà thờ đã bị Gardaí coi là một điểm nóng gây ra lây lan vi-rút”.
“Người dân có thể đi mua sắm, đưa con cái đến trường và nhiều người đang làm việc trong môi trường khép kín. Chúng ta đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi từ chối Chúa của chúng ta và Chúa Giêsu Kitô bằng cách tránh xa các nơi thờ phượng vì các quan chức chính phủ nói rằng chúng ta phải làm như thế”.
Vị linh mục phục vụ tại Giáo phận Ardagh và Clonmacnoise tiếp tục: “Tôi không chấp nhận yêu cầu này của những người không nhận ra điều sai trái mà họ đang làm. Chúng ta có quyền phản đối, đó là quyền hiến định của chúng ta miễn là nó diễn ra trong hòa bình; đó là quyền hiến định của chúng ta để thực hành đức tin của chúng ta và tập hợp để cầu nguyện cùng nhau”.
“Đối với những người sợ bị nhiễm vi-rút trong nhà thờ thì họ có quyền lựa chọn tự do ở nhà và sống cuộc sống của họ như họ nghĩ là tốt nhất”.
“Tôi đã được báo cáo lại và Gardaí đã phạt tiền vì tôi đã cử hành thánh lễ với những người có mặt. Tôi sẽ thực hiện quyền hiến định của mình ngay cả khi mọi người phàn nàn, mặc dù tôi không tuân theo vị giám mục của mình khi tôi đi ngược lại lời khuyên của ngài. Chúng ta không thể khước từ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể”.
Tháng 11 năm 2020, Gardaí đã yêu cầu Cha Hughes khóa cửa nhà thờ khi ngài cử hành thánh lễ để ngăn không cho giáo dân tham dự. Nhưng ngài vẫn tiếp tục mở rộng cửa nhà thờ.
Trích dẫn các nguồn tin thân cận với vị linh mục, tờ báo nói thêm rằng Cha Hughes sẽ không đóng tiền phạt và sẵn sàng bị bỏ tù thay vì ngừng cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự.
Source:Catholic News Agency
2. Tình hình Tuần Thánh tại Vatican
Ý đang chuẩn bị cho một cuộc khóa cửa vào Tuần Thánh và Lễ Phục sinh trong khi các trường hợp Covid-19 đang gia tăng theo cấp số nhân. Quốc gia này đang phải đối mặt với một đợt hạn chế khác, khi chính phủ cố gắng ngăn chặn sự gia tăng gần đây của các trường hợp coronavirus, do sự hiện diện của các biến thể mới.
Một nửa trong số 20 khu vực của Ý, bao gồm các thành phố Rôma, Milan và Venice, đã bắt đầu áp dụng các hạn chế liên quan đến coronavirus từ thứ Hai 15 tháng 3. Các biện pháp sẽ có hiệu lực đến ngày 6 tháng 4, theo một sắc lệnh được nội các của Thủ tướng Ý Mario Draghi thông qua.
Ở những vùng được đánh dấu là “vùng đỏ”, người dân sẽ không thể rời khỏi nhà ngoại trừ lý do công việc hoặc sức khỏe, và tất cả các cửa hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa. Trong “vùng cam”, mọi người bị cấm rời khỏi thị trấn và khu vực của họ - trừ khi có lý do công việc hay sức khỏe - các quán bar và nhà hàng sẽ không được phục vụ tại chỗ.
Ngoài ra, vào cuối tuần lễ Phục sinh, toàn bộ đất nước sẽ được coi là “khu vực đỏ” và sẽ bị phong tỏa toàn quốc từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 4.
Source:CNN
3. Người dân Tanzania bày tỏ lòng kính trọng với cố tổng thống Công Giáo Magufuli
Tân Tổng thống Tanzania, bà Samia Suluhu Hassan hôm thứ Bảy đã dẫn đầu đoàn người đến viếng người tiền nhiệm John Magufuli của bà, là người đã đột ngột qua đời vào tuần này sau một căn bệnh bí ẩn.
Những người đưa tang xếp hàng dài trên các con phố ở Dar es Salaam để tiễn biệt cố tổng thống, nhiều người khóc lóc, thậm chí té xỉu và những người khác ném những cánh hoa khi quan tài, được kéo lên một chiếc xe quân sự, từ một nhà thờ đến Sân vận động Uhuru để an táng.
Tanzania là một quốc gia Phi Châu với dân số 62 triệu người. Bắc giáp Kenya và Uganda; Nam giáp Zambia và Mozambique. Đông giáp Ấn Độ Dương; và Tây giáp Rwanda, Burundi và Cộng Hoà Dân Chủ Congo. Giáo Hội tại Tanzania có hơn 12 triệu tín hữu, chiếm 19% dân số, với 27 giáo phận và 7 tổng giáo phận.
Tổng thống Magufuli là một người Công Giáo nhiệt thành, ông đã phục vụ trong cương vị tổng thống từ ngày 5 tháng 11 năm 2015 cho đến ngày 17 tháng 3 vừa qua, khi chính phủ thông báo ông đã đột ngột qua đời.
Tổng thống Magufuli đã có công đưa quốc gia đến các thành công rực rỡ về kinh tế, nên ông được dân chúng mến mộ. Trong một diễn biến hiếm hoi, Tòa Thánh đã loan tin về cái chết của ông.
Hassan, người đã tuyên thệ nhậm chức vào thứ Sáu đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia này, đã dẫn đầu đoàn diễu hành của chính phủ đi ngang qua quan tài, được treo cờ Tanzania, và gửi lời chia buồn đến vợ của Magufuli.
Nhiều người mặc đồ đen, hoặc màu xanh lá cây và màu vàng của đảng cầm quyền, nhưng rất ít người bên trong sân vận động hoặc trong đám đông chật cứng bên ngoài đeo khẩu trang.
Chính phủ thông báo hôm thứ Tư rằng tổng thống Magufuli, mới 61 tuổi, đã chết vì bệnh tim tại một bệnh viện ở Dar es Salaam sau ba tuần không xuất hiện trước công chúng.
Đầu tiên chính phủ phủ nhận tổng thống bị bệnh và một số người đã bị bắt vì tung tin đồn rằng ông đang được điều trị bệnh coronavirus ở nước ngoài. Cho nên, tin tức tổng thống qua đời gây đột ngột cho người dân Tanzania.
Hassan đã thông báo thời gian để tang 21 ngày. Di hài cố tổng thống sẽ được đưa đến một số thành phố trên khắp Tanzania trước khi được an táng tại quê nhà Chato.
Source:Reuters
4. Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ rút ra khỏi hiệp ước Âu Châu về chống bạo hành đối với phụ nữ
Chính phủ cho biết hôm thứ Bảy, Tổng thống Tayyip Erdogan đã rút Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi hiệp định quốc tế được đề ra nhằm bảo vệ phụ nữ, gây ra các cuộc biểu tình phản đối và những lời chỉ trích từ những người cho rằng cần phải giải quyết tình trạng bạo lực gia đình đang ngày càng gia tăng.
Hiệp ước của Hội đồng Âu Châu, được gọi là Công ước Istanbul, cam kết ngăn chặn, và truy tố những hình thức bạo hành phụ nữ nhằm xóa bỏ bạo lực gia đình và thúc đẩy bình đẳng. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Công ước này vào năm 2011 nhưng nạn giết phụ nữ đã gia tăng ở nước này trong những năm gần đây.
Không có lý do nào được đưa ra cho việc rút lui trên Công báo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã thông báo quyết định này vào đầu giờ ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ hàng đầu cho biết luật trong nước thay vì những thứ bên ngoài sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ.
Đại hội, được tổ chức tại thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chia rẽ Đảng cầm quyền AK của Erdogan và thậm chí cả gia đình ông. Năm ngoái, các quan chức cho biết chính phủ đang cân nhắc rút ra khỏi Công ước trong bối cảnh các tranh cãi liên quan đến cách thế hạn chế bạo lực ngày càng tăng đối với phụ nữ.
“Mỗi ngày chúng ta thức dậy với tin tức về một vụ bạo hành phụ nữ”, Hatice Yolcu, một sinh viên ở Istanbul, nơi hàng trăm phụ nữ mang cờ tím diễu hành phản đối quyết định rút lui này nói.
“Cái chết không bao giờ kết thúc. Phụ nữ chết. Không có gì xảy ra với cánh đàn ông”, cô nói.
Marija Pejcinovic Buric, tổng thư ký của Hội đồng 47 quốc gia Âu Châu, gọi quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là “thảm hoạ”.
“Động thái này là một trở ngại rất lớn... và tồi tệ hơn bao giờ bởi vì nó gây phương hại cho việc bảo vệ phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, trên khắp Âu Châu và xa hơn nữa”, cô nói.
Nhiều người bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ và trong đảng AK có nguồn gốc Hồi giáo của Erdogan nói rằng hiệp ước này làm suy yếu cấu trúc gia đình, và khuyến khích bạo lực.
Một số người cũng phản đối nguyên tắc bình đẳng giới tính của Công ước và coi đó là nguyên tắc thúc đẩy đồng tính luyến ái.
Những người chỉ trích việc rút ra này nói rằng quyết định này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời xa Liên minh Âu Châu hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn đang tìm cách gia nhập.
Đức cho biết quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là sai lầm. “Cả truyền thống văn hóa dân tộc hay tôn giáo cũng không thể đóng vai trò như một cái cớ để bỏ qua bạo lực đối với phụ nữ”, Bộ Ngoại giao Đức nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ công bố số liệu thống kê chính thức về số các phụ nữ bị giết hàng năm. Tuy nhiên, nhiều người, căn cứ trên báo chí, cho rằng phải có hàng ngàn phụ nữ bị giết mỗi năm tại quốc gia Hồi Giáo này.
Source:Reuters