Lauren Pope là một nhà văn tự do và là bà mẹ 6 con, dạy học tại nhà. Khi không viết hoặc dạy trẻ nhỏ cách viết, bà thích nói chuyện với tất cả những ai chịu lắng nghe về sự cần thiết của Đạo đức Sống Nhất quán (Consistent Life Ethic). Trên The Catholic Herald ngày 11 tháng 3 năm 2021, bà có bài viết về bộ mặt thực của phong trào phò phá thai: chủ nghĩa duy khả năng (ableism). Nguyên văn xem tại Catholicherald.co.uk/the-pro-choicers-coded-defense-of-ableism:



Phần lớn cuộc trò chuyện về phá thai, và đặc biệt về phá thai ở thai kỳ cuối, thực sự là việc bảo vệ dấu mặt cho chủ nghĩa duy khả năng (ableism).

Khi bạn nhận được một chẩn đoán không tốt trước khi sinh (như tôi đã nhận được), các bác sĩ thường nói với bạn về những đau khổ khôn cùng mà con bạn sẽ phải trải qua nếu nó sống sót. Họ vẽ ra viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra. Đối với đứa con của tôi, đó là phổi kém phát triển, chân tay bị vẹo, bại não và “khuyết tật phát triển” ngu ngốc. Một số tiên lượng trong số này là chính xác, nhưng các tiên lượng khác thì không, nhưng chúng đã được trình bày với tôi một cách hoàn toàn chắc chắn và hoàn toàn vô vọng.

Tôi được cái may là các bác sĩ của tôi đã không lải nhải về những rủi ro này và nhanh chóng chuyển qua chuyện khác khi tôi nói với họ rằng tôi hiểu, nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Tôi đã từng chứng kiến vô số phụ nữ mà bác sĩ của họ đã gây chuyển dạ sau một biến cố đáng lo ngại trước khi sinh mà không trình bày các phương án thay thế. Một số bác sĩ có thể đưa ra phương án tiếp tục mang thai, nhưng sau đó cảm thấy tội lỗi và đã thúc đẩy các cha mẹ phải xấu hổ vì đã không dám “ngăn chặn đau khổ”. Như thể một điều như vậy thậm chí có thể xẩy ra.

Bằng cách xác định rằng một số cuộc sống không đáng sống, chúng ta nói với những người sống sót những điều kiện như vậy rằng tốt hơn họ nên chết đi.

Chúng ta nói với họ rằng chúng ta coi họ là gánh nặng còn bản thân chúng ta là thương xót muốn giúp họ chấm dứt “sự khốn khổ” của họ. Việc tìm kiếm các dịch vụ dành cho người khuyết tật trở nên khó khăn hơn và một cuộc chiến khó khăn hơn trong việc tiếp cận các cơ sở cho phép người khuyết tật có cuộc sống độc lập hơn.

Sự tàn ác đội lốt Cảm thương

Đó không phải là lòng cảm thương. Đó là sự tàn ác. Chúng ta đang nói với người ta rằng cuộc sống của họ không có giá trị. Bạn của tôi, Beth Fox, đã có một bài phát biểu tuyệt vời tại hội nghị quốc tế về Tái nhân hóa (rehumanize) (bài nói chuyện của chị ấy bắt đầu ở phút thứ hai mươi hai), nhưng một câu nói thực sự nổi bật đối với tôi. Chị ấy nói: “Họ hỏi,‘Ai muốn sống như vậy?’ Tôi! Tôi sẽ sống như thế!"

Những khuyết tật của chị ấy được phát hiện trước khi chị được sinh ra và các bác sĩ của mẹ chị nghĩ rằng chị sẽ không thể sống sót cho đến khi sinh. Và nếu chị ấy có sống sót đi nữa, thì cuộc sống của chị ấy cũng sẽ thật khốn khổ. Họ thúc giục mẹ chị phá thai chị. Beth cho hay, “Về phẩm chất cuộc sống, họ không thể sai lầm hơn thế. Cuộc đời của tôi có rất nhiều điều đáng sống. Và mỗi ngày tôi đều biết ơn mẹ tôi đã có đủ sức mạnh và can đảm để nói với các bác sĩ rằng phá thai không phải là lựa chọn của bà, rằng bà muốn chiến đấu vì tôi và cho tôi cơ hội chiến đấu".

Cuộc sống của chị ấy hiện vẫn là một cuộc chiến đấu. “Nhưng tôi không tin rằng mình bị khuyết tật nặng nề. Tôi tin rằng tôi có những thách thức, nhưng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có những thách thức”. Một người bạn không thể làm toán, nhưng cô ấy thích toán. “Tôi gặp khó khăn khi leo cầu thang. Bạn có thể leo cầu thang, nhưng bạn không thể làm toán. Tôi có thể làm toán, nhưng tôi không thể leo cầu thang. Đối với tôi, tất cả đều giống nhau".

Dối trá phá thai

Thay vì lắng nghe những người trong cộng đồng khuyết tật vốn lớn tiếng khẳng định rằng họ thấy cuộc sống của họ tràn đầy tình yêu thương, tốt đẹp và hy vọng, thì phe phò phá thai lại thúc đẩy sự dối trá cho rằng một số người thà chết còn hơn. Họ coi là tiến bộ việc "ngăn ngừa" khuyết tật bằng cách giết người khuyết tật trước khi họ được sinh ra. Xem ra họ không biết rằng làm thế là làm cho thế giới của chúng ta trở nên u ám xiết bao.

Khi các nhà hoạt động cho người khuyết tật vạch trần cách xảo quyết mà việc phá thai gây hại cho người khuyết tật, họ thường bị coi thường và bị coi là con nít. Những người sống với những điều kiện bị coi là lý do “cần” phải phá thai không được coi là chuyên gia về tình trạng của họ. Kinh nghiệm sống không có ý nghĩa gì đối với một xã hội muốn người khuyết tật biến mất hơn là lớn tiếng về cuộc sống của họ.

Chính sự hiện hữu của người khuyết tật và đa dạng thần kinh là một lời kêu gọi tất cả chúng ta tạo nên một thế giới bao gồm hơn. Thay vì thừa nhận thách thức đó và làm việc để cải thiện thế giới cho mọi cư dân của nó, nhóm vận động hành lang phá thai lại tìm cách bịt miệng những tiếng nói khuyết tật bằng cách ngăn không cho họ sinh ra.

Xã hội phải ngừng ra lệnh cho những gì tạo nên một cuộc sống xứng đáng và nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người. Khuyết tật không tước bỏ nhân tính của chúng ta.