Trong gần 100 năm qua, các Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian cho một khóa tĩnh tâm hàng năm kéo dài gần một tuần. Đầu tiên là đầu Mùa Vọng, sau này được đổi lại là vào đầu Mùa Chay. Khoá tĩnh tâm này chỉ dành cho Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Bên cạnh đó, mỗi thứ Sáu hàng tuần trong Mùa Vọng và Mùa Chay còn có một sinh hoạt khác có nhiều người tham dự hơn là nghe giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày các bài suy niệm. Những người được mời tham dự là các Hồng Y, các giám mục, thành viên của Giáo triều Rôma, của Phủ Giáo hoàng, của giáo phận Rôma, Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu.
Các bài thuyết giảng Mùa Chay năm 2021 sẽ do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày với chủ đề “Các con nói Thầy là ai?” (Mt 16:15).
Các bài thuyết giảng Mùa Chay sẽ diễn ra, theo cùng một thể thức như các bài thuyết giảng Mùa Vọng năm 2020, trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican để tạo điều kiện cho những vị tham gia có thể giữ khoảng cách xã hội phù hợp.
Các bài giảng sẽ diễn ra với sự hiện diện của Đức Thánh Cha vào các ngày Thứ Sáu của Mùa Chay: cụ thể là vào các ngày 26 tháng 2, 5, 12 và 26 tháng 3 lúc 9 giờ sáng theo giờ địa phương.
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 26 tháng Hai, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng đầu tiên cho Mùa Chay năm 2021 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng đầu tiên này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về Mùa Chay, tập trung vào chủ đề “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!”
Mở đầu bài giảng, ngài nói:
Như thường lệ, chúng ta sẽ dành bài suy niệm đầu tiên này để giới thiệu chung về Mùa Chay, trước khi đi sâu vào chủ đề cụ thể mà chúng ta đã lên kế hoạch sau khi đã hoàn thành các bài tĩnh tâm của Giáo triều. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay năm B, chúng ta đã nghe lời tuyên bố long trọng qua đó Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Chúng ta muốn suy ngẫm về lời kêu gọi hãy ăn năn liên tục này của Chúa Giêsu.
Trong Tân Ước, sự hoán cải được đề cập đến trong ba thời điểm và bối cảnh khác nhau, mỗi thời điểm và bối cảnh này nêu bật một thành phần mới của tiến trình. Ba đoạn Phúc Âm kết hợp với nhau cho chúng ta một ý tưởng hoàn chỉnh về ý nghĩa của từ hoán cải trong Phúc âm. Chúng ta sẽ không nhất thiết phải trải nghiệm tất cả ba thành phần đó cùng nhau, với cùng một cường độ như nhau. Mỗi mùa của cuộc sống đòi hỏi một loại hoán cải chuyên biệt. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải xác định được điều nào là phù hợp nhất ngay bây giờ.
Sám hối, nghĩa là tin!>
Kiểu hoán cải đầu tiên là kiểu hoán cải vang lên khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và được tóm lược trong những lời này: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” (Mc 1:15). Chúng ta hãy cố gắng hiểu ý nghĩa của từ ‘hoán cải’ trong bối cảnh này. Trước Chúa Giêsu, hoán cải luôn có nghĩa là ‘quay trở lại’ (từ shub trong tiếng Hêbơrơ có nghĩa là đảo ngược lộ trình, quay lại các bước của chính mình). Nó xác định hướng hành động của một ai đó khi, tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời, họ nhận ra rằng họ đang ‘đi chệch hướng’. Sau đó, họ dừng lại, để nghĩ lại tất cả; họ quyết định quay trở lại việc tuân giữ luật pháp và nối lại giao ước của họ với Thiên Chúa. Hoán cải, trong trường hợp này, về cơ bản có một ý nghĩa đạo đức và gợi lên ý tưởng về một điều gì đó đau đớn phải làm, chẳng hạn như thay đổi thói quen, ngừng làm điều này hoặc điều kia.
Trên môi của Chúa Giêsu, ý nghĩa đó thay đổi. Không phải là ngài thích thay đổi ý nghĩa của từ ngữ, nhưng với sự xuất hiện của Người, mọi thứ đã thay đổi. ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!’. Hoán cải hay ăn năn không còn có nghĩa là quay trở lại giao ước cũ và tuân thủ luật pháp, nhưng nó có nghĩa là nhảy vọt về phía trước và tiến vào Nước Trời, nắm lấy ơn cứu rỗi vươn đến cách nhưng không với mọi người, do sáng kiến tự do và tối cao của chính Thiên Chúa.
‘Hãy sám hối và tin tưởng’ không đề cập đến hai điều khác nhau và tiếp theo, mà là cùng một hành động cơ bản: sám hối, nghĩa là tin! Thánh Tôma Aquina cho biết: “Prima conversion fit per fidem”- “Hành động hoán cải đầu tiên bao gồm sự tin tưởng”. Tất cả điều này mời gọi một hành động ‘hoán cải’ thực sự, một sự thay đổi sâu sắc trong cách nhìn mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nó đòi hỏi sự chuyển đổi từ ý tưởng về một Thiên Chúa yêu sách, ra lệnh và đe dọa, sang ý tưởng về một Thiên Chúa đến với chúng ta với hai bàn tay đầy ắp để ban cho chúng ta mọi thứ. Đó là sự chuyển đổi từ ‘luật pháp’ sang ‘ân sủng’ mà Thánh Phaolô đã rất trân quí.
‘Trừ khi anh em trở lại mà nên như trẻ nhỏ…’
Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe đoạn thứ hai trong Tin Mừng, nơi mà sự hoán cải được nhắc đến một lần nữa:
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-3).
Lần này hoán cải thực sự có nghĩa là quay ngược lại một chặng đường dài đến tận thời thơ ấu của chúng ta! Chính động từ được sử dụng, strefo, chỉ các hướng đảo ngược trong một cuộc diễn hành. Đây là sự hoán cải của những người đã vào Nước Trời, đã tin theo Phúc Âm và phục vụ Chúa Kitô trong một thời gian dài. Đó là sự hoán cải của chính chúng ta!
Đâu là giả định tiềm tàng trong cuộc thảo luận về ai là người lớn nhất? Có ý kiến cho rằng mối quan tâm chính không còn là Nước Trời, mà là vị trí của các Tông đồ, là bản ngã của họ. Mỗi người trong số họ phần nào được quyền khao khát trở thành người lớn nhất: Phêrô đã nhận được lời hứa về quyền tối cao, Giuđa nắm giữ hòm tiền, Matthêu có thể khẳng định mình đã trao ra nhiều hơn những người khác, Anrê là người đầu tiên theo Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan nghĩ rằng họ đã ở trên núi Tabor với Người… Kết quả của tình huống này rất rõ ràng: sự ganh đua, nghi ngờ, so sánh lẫn nhau, sự thất vọng.
Chúa Giêsu bất ngờ vén bức màn. Hãy quên việc trở thành người trước hết: anh em sẽ không bao giờ vào Nước Trời theo cách đó! Biện pháp khắc phục điều đó là gì? Quay đầu, thay đổi hoàn toàn quan điểm và hướng đi. Chúa Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng đích thực. Cần phải chuyển trung tâm ra khỏi chính bạn và đặt lại trung tâm nơi Chúa Giêsu.
Nói đơn giản hơn, Chúa Giêsu mời gọi các Tông đồ trở nên giống như trẻ nhỏ. Đối với các ngài, trở lại làm trẻ nhỏ có nghĩa là quay trở lại lời mời gọi ban đầu của các ngài trên bờ hồ hoặc tại bàn làm việc của các ngài: không có các yêu cầu cá nhân hoặc chức danh, không có những so sánh lẫn nhau hoặc ghen tị và ganh đua. Của cải duy nhất của các ngài lúc đó là Chúa Giêsu, lời hứa của Ngài (‘Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người’) và sự hiện diện của Ngài. Khi đó các Tông đồ vẫn là bạn đồng hành với nhau; và đã không cạnh tranh cho vị trí trước hết.
Đối với chúng ta cũng vậy, quay trở lại làm trẻ thơ có nghĩa là quay trở lại thời điểm chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được gọi, thời điểm thụ phong linh mục, hay tuyên khấn của chúng ta, hoặc lần đầu tiên chúng ta thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu. Khi chúng ta nói: “ Chỉ một mình Chúa là đủ!” Và chúng ta đã tin vào điều đó.
‘Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng’
Bối cảnh thứ ba trong đó một lời mời gọi cấp thiết hoán cải được lặp đi lặp lại là bối cảnh của bảy bức thư gửi các Giáo hội của Sách Khải Huyền. Bảy bức thư này được gửi đến những người và các cộng đồng, những người cũng như chúng ta, từ lâu đã sống một đời sống Kitô và trên thực tế, đời sống Kitô ấy đóng một vai trò quan trọng trong họ. Các thư này được gửi đến thiên thần của các Giáo hội khác nhau: ‘Gửi thiên thần của hội Thánh ở Ê-phê-sô, Đây là lời...’ Danh hiệu thiên thần đó không thể giải thích cách nào khác hơn là muốn đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến những mục tử của các cộng đồng. Không thể tưởng tượng được rằng Chúa Thánh Thần lại đổ lỗi cho các thiên thần về những lỗi lầm và sai lạc được báo cáo trong các giáo hội khác nhau, hoặc thậm chí còn khó tin hơn nữa là lời kêu gọi hoán cải được gửi đến các thiên thần thay vì con người!
Trong số bảy bức thư gửi cho các Giáo hội, bức thư mà chúng ta nên suy ngẫm nhất là bức thư gửi cho Giáo hội Laođikia. Chúng ta khá quen thuộc với giọng điệu gay gắt của lá thư:
“Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta... Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn! (Rev, 3: 15ff.)”.
Trọng tâm ở đây là hoán cải từ tầm thường và lạnh nhạt. Trong lịch sử sự thánh thiện của Kitô Giáo, ví dụ nổi tiếng nhất về kiểu hoán cải đầu tiên, từ tội lỗi sang ân sủng, là do Thánh Augustinô đưa ra; Thánh Teresa thành Ávila đưa ra ví dụ điển hình nhất về kiểu chuyển đổi thứ hai, từ lạnh nhạt sang nhiệt thành. Những gì Thánh nữ nói về bản thân trong cuốn Cuộc Sống chắc chắn bị phóng đại và bị chi phối bởi bản chất nhạy cảm trong lương tâm Thánh nữ, nhưng, dẫu sao, nó có thể giúp tất cả chúng ta tự vấn lương tâm của chính mình:
“Như thế, tôi đã bắt đầu sa vào hết trò tiêu khiển này đến trò tiêu khiển khác, hết sự phù phiếm này đến sự phù phiếm khác, và hết dịp tội này đến dịp tội khác. Tôi đã sa vào rất nhiều những dịp tội nghiêm trọng như thế, đến nỗi giờ đây tâm hồn tôi đã lạc lối bởi tất cả những điều phù phiếm này […]. Tất cả những điều của Thiên Chúa đã mang lại cho tôi niềm vui lớn, nhưng tôi lại bị ràng buộc với những thứ của thế giới. Dường như tôi muốn dung hòa hai điều mâu thuẫn này, là những điều hoàn toàn trái ngược với nhau - cuộc sống tinh thần và các thú vui cũng như những niềm vui và những trò tiêu khiển của các giác quan. Tình trạng này dẫn đến sự bất hạnh sâu sắc: Tôi đã trải qua gần hai mươi năm trên vùng biển đầy bão tố đó, thường xuyên sa ngã như thế và mỗi lần như thế lại đứng dậy, nhưng chẳng đi đến đâu, vì tôi lại sa ngã một lần nữa. Cuộc sống của tôi quá tệ đến mức tôi ít khi băn khoăn đối với các tội nhẹ, còn đối với các tội trọng, mặc dù sợ chúng, tôi không sợ đến mức lẽ ra tôi phải sợ; vì thế tôi đã không tránh khỏi nguy cơ sa ngã. Tôi có thể làm chứng rằng đây là một trong những kiểu sống đau buồn nhất mà tôi nghĩ có thể tưởng tượng ra được, vì tôi không có niềm vui nào trong Chúa cũng như không có niềm vui nào trên đời. Khi tôi đang ở giữa những thú vui trần tục, tôi đau khổ vì nhớ đến những gì tôi mắc nợ Thiên Chúa; khi tôi ở với Chúa, tôi trở nên bồn chồn vì những hấp lực trần tục”.
Trong phân tích này, nhiều người có thể tìm thấy lý do thực sự khiến họ không hài lòng và không hạnh phúc. Vậy thì, chúng ta hãy đi sâu vào việc từ bỏ sự lạnh nhạt. Thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu ở Rôma bằng những lời này: ‘Hãy nhiệt thành trong Thánh Linh, đừng trễ nải’(Ro 12:11). Có người sẽ bị cám dỗ để phản đối: ‘Chà, Phaolô thân mến, đó chính là vấn đề! Làm thế nào để bạn chuyển từ thờ ơ sang nhiệt thành nếu đó là điều bạn không may mắc phải?” Chúng ta có thể rơi vào trạng thái thờ ơ, cũng như có thể rơi vào cát lún, nhưng chúng ta không thể tự mình rút ra được bằng cách túm tóc mình mà lôi lên.
Sự phản đối mà chúng ta nêu ra là kết quả của việc bỏ qua hoặc hiểu sai cụm từ phụ trợ “trong Thánh Linh” (enneumati) mà Thánh Tông đồ đưa vào trong lời khuyên ‘Hãy nhiệt thành’ của ngài. Trong các thư của Thánh Phaolô, từ ‘Thánh Linh’ hầu như luôn luôn nhất quán chỉ ra hoặc bao gồm một ám chỉ đến Chúa Thánh Thần, điều đó chắc chắn đúng trong trường hợp này. Từ này hầu như không bao giờ chỉ đề cập đến tinh thần hoặc ý chí của chúng ta, ngoại trừ trong thư thứ Nhất gởi các tín hữu Thêxalônica (1 Th 5:23,) nơi từ ấy có nghĩa là thành phần của con người, cùng với thể xác và linh hồn.
Chúng ta là những người thừa kế của một linh đạo thường chứng kiến tiến trình dẫn đến sự trọn lành được chia thành ba giai đoạn cổ điển: từ purgativa, sang Illuminativa; rồi đến unitiva; nghĩa là thanh lọc, để được soi sáng, và hiệp nhất [trong Chúa]. Nói cách khác, chúng ta cần thực hành việc từ bỏ và khổ hạnh lâu dài trước khi chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng nhiệt thành. Tất cả điều này đều dựa trên trí tuệ tuyệt vời và kinh nghiệm hàng thế kỷ và sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng nó đã lỗi thời. Không, nó không lỗi thời, nhưng nó không phải là cách duy nhất mà ân sủng của Thiên Chúa phải theo.
Sự phân biệt nghiêm khắc như vậy cho thấy sự chuyển đổi tiệm tiến từ ơn Thánh Chúa sang nỗ lực của con người. Theo Tân Ước, đó là một quá trình tuần hoàn và diễn ra đồng thời, theo đó chắc chắn khổ hạnh là cần thiết để đạt được sự nhiệt thành của Thánh Linh, nhưng đồng thời, sự nhiệt thành của Thánh Linh cũng cần thiết để có thể thực hành việc khổ hạnh. Bắt tay vào một cuộc hành trình khổ hạnh mà không có sự thúc đẩy mạnh mẽ của Thánh Linh thì sẽ rất mệt mỏi và không tạo ra được gì ngoài ‘niềm tự hào về xác thịt’. Chúng ta được ban cho Thánh Linh để có thể khắc kỷ, chứ Thánh Linh không phải một phần thưởng cho việc tự hành hạ bản thân. Thánh Phaolô đã viết: “Nếu nhờ Thánh Linh, anh em diệt trừ được những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống”. (Rm 8:13).
Cách thứ hai này, đi từ nhiệt thành đến khổ hạnh và thực hành nhân đức, là cách mà Chúa Giêsu muốn các Tông đồ noi theo. Như nhà thần học Byzantine vĩ đại Cabasilas đã nói:
“Các Tông đồ và những người cha trong đức tin của chúng ta có lợi thế là được Đấng Cứu Độ đích thân hướng dẫn trong mọi giáo lý và nhiều hơn thế nữa. [...] Tuy nhiên, mặc dù đã biết tất cả những điều này, cho đến khi các ngài được làm phép Rửa [vào Lễ Ngũ Tuần, với Thánh Linh], các ngài đã không thể hiện bất cứ điều gì mới mẻ, cao quý, cao siêu, tốt hơn so với thời xưa. Nhưng khi các ngài nhận được phép Rửa và Đấng An Ủi ngự vào tâm hồn các ngài, thì các ngài trở nên mới mẻ và đón nhận một cuộc sống mới, các ngài là những người lãnh đạo người khác và làm cho ngọn lửa tình yêu dành cho Chúa Giêsu tỏa sáng trong chính các ngài và những người khác. [...] Cũng vậy, Thiên Chúa dẫn đưa tất cả các Thánh chào đời sau các ngài đến sự trọn lành”.
Các Giáo phụ đã thể hiện tất cả điều này bằng hình ảnh hấp dẫn của ‘cơn say tỉnh táo’. Điều khiến nhiều người trong số họ chấp nhận câu nói nghịch lý này, hay còn gọi là oxymoron, từ nhà hiền triết Philo thành Alexandria, là những lời của Thánh Phaolô nói với dân thành Êphêsô:
“Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thánh Linh. Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh vịnh, Thánh thi và Thánh ca do Thánh Linh linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa”(Ep 5, 18-19).
Bắt đầu với Origen, vô số văn bản của các Giáo phụ đã mô tả hình ảnh này, bằng cách đưa ra các tương đồng hoặc tương phản giữa say rượu thể chất và say rượu tâm linh. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, một số người đã ngộ nhận các Tông đồ với những người say rượu. Họ nghĩ như thế là đúng - như Thánh Cyrilô thành Giêrusalem viết; sai lầm duy nhất của họ là liên hệ cơn say đó với rượu bình thường, trong khi đó là ‘rượu mới’, được làm từ ‘cây nho thật’ là Chúa Kitô; các sứ đồ thực sự đã say, nhưng cơn say của các ngài là một cơn say tỉnh táo để nghiền nát tội lỗi và hồi sinh tâm hồn họ.
Làm sao chúng ta có thể tiếp nhận lý tưởng say sưa tỉnh táo này và thể hiện nó trong hoàn cảnh hiện tại của lịch sử và của Giáo hội? Tại sao chúng ta lại có thể coi là hiển nhiên rằng cách cảm nghiệm Thánh Linh mạnh mẽ như vậy là một đặc ân riêng của các Giáo phụ và của lịch sử sơ khai của Giáo hội, nhưng đến thời chúng ta thì không còn nữa? Ân sủng của Chúa Kitô không giới hạn trong một thời đại cụ thể nào, nhưng được ban cho mọi thời đại. Vai trò của Thánh Linh chính là làm cho ơn cứu chuộc của Chúa Kitô trở nên phổ quát và vươn đến mọi người, ở mọi thời điểm và bất kỳ không gian nào.
Như một Giáo phụ thời sơ khai của Giáo Hội đã nói, một đời sống Kitô đầy những nỗ lực khắc kỷ và khổ hạnh, nhưng thiếu sự tác động của Thánh Linh, sẽ giống như một Thánh Lễ với nhiều bài đọc, nghi thức và lễ vật, nhưng không có linh mục truyền phép. Tất cả sẽ vẫn như trước đây, bánh mì vẫn là bánh mì và rượu vẫn chỉ là rượu. Như Giáo phụ này đã kết luận:
“Điều tương tự cũng áp dụng cho các Kitô hữu. Ngay cả khi họ đã hoàn toàn chay tịnh, tham gia vào lễ canh thức, hát Thánh vịnh, thực hiện mọi hành vi khổ hạnh và thực hành nhân đức, nhưng nếu ân sủng chưa khởi sự các hoạt động mầu nhiệm của Thánh Linh trên bàn thờ là tâm hồn họ, toàn bộ quá trình khổ hạnh đó là không hoàn chỉnh và hầu như vô ích, bởi vì họ không tràn đầy niềm vui của Thánh Linh hoạt động một cách nhiệm mầu trong lòng họ.”
Đâu là ‘những nơi’ mà ngày nay Thánh Linh hoạt động giống như Ngài đã hành động trong ngày Lễ Ngũ Tuần? Chúng ta hãy lắng nghe Thánh Ambrôsiô. Trong số các Giáo phụ Latinh, ngài là người tiên báo xuất sắc nhất về cơn say tỉnh táo (sobria ebrietas) của Thần Khí. Sau khi đề cập đến hai ‘địa điểm’ cổ điển – là Thánh Thể và Sách Thánh - nơi Thần Khí có thể được kín múc, ngài đã gợi ý về một lựa chọn thứ ba:
“Lại còn một cơn say nữa do cơn mưa Thánh Thần tuôn rơi. Cơn say ấy tương tự như cơn say trong sách Tông đồ Công vụ, khi các Tông đồ nói các ngôn ngữ khác nhau mà đối với những người nghe có vẻ các ngài là những người đầy rượu rồi.”
Sau khi đề cập đến các phương thế ‘bình thường’, với những lời này, Thánh Ambrôsiô gợi ý đến phương thế ‘ngoại thường’ thứ ba, trong đó ngài muốn nói đến một điều không được hoạch định trước, và cũng chẳng phải là một định chế. Đó là về việc làm sống lại kinh nghiệm của các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chắc chắn, Thánh Ambrôsiô không có ý định chỉ ra lựa chọn thứ ba này, để nói với thính giả của mình rằng nó không thể tiếp cận được với họ, chỉ dành riêng cho các Tông đồ và thế hệ đầu tiên của các tín hữu Chúa Kitô. Ngược lại, ngài muốn thúc đẩy cộng đoàn của mình trải nghiệm ‘cơn mưa Thánh Linh’ diễn ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Đó là điều mà Thánh Gioan XXIII muốn làm với Công Đồng Vatican II: một ‘Lễ Hiện Xuống mới’ cho Giáo Hội.
Do đó, chúng ta cũng có cơ hội kín múc Thánh Linh từ kênh này, hoàn toàn phụ thuộc vào hành động tự do và tối cao của chính Thiên Chúa. Một trong những cách mà Thánh Linh thể hiện theo cách này bên ngoài các kênh thể chế được gọi là ‘phép Rửa trong Thánh Linh’. Tôi chỉ gợi ý về điều đó trong bối cảnh này mà không có ý định chiêu dụ, nhưng chỉ để đáp lại lời khuyến khích thường xuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các thành viên của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo là hãy chia sẻ ‘dòng ân sủng’ trải qua từ phép Rửa trong Thánh Linh với toàn thể dân Chúa.
Cụm từ ‘Phép Rửa trong Thánh Linh’ bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu. Khi đề cập đến Lễ Hiện Xuống sắp xảy ra, trước khi lên trời, Người nói với các Tông đồ: “Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”. (Cv 1: 5). Nghi lễ đó không có gì cao siêu; đúng hơn, nó bao gồm những cử chỉ cực kỳ đơn giản, thanh thản và hân hoan, cùng với cảm xúc khiêm tốn, ăn năn và sẵn sàng trở nên giống như những đứa trẻ.
Đó là một sự canh tân với nhận thức mới mẻ không chỉ về Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mà còn về toàn bộ đời sống Kitô hữu, về bí tích hôn phối đối với những người đã lập gia đình, về bí tích truyền chức đối với linh mục, về lễ tuyên khấn đối với những người Thánh hiến. Ứng viên chuẩn bị cho phép Rửa trong Thánh Linh không chỉ bằng việc xưng tội cách trọn, mà còn tham gia vào các buổi họp hướng dẫn, nơi họ có thể tiếp xúc sống động và vui tươi với những chân lý và những thực tại chính yếu của đức tin như tình yêu của Thiên Chúa, tội lỗi, ơn cứu rỗi, cuộc sống mới và sự biến đổi trong Chúa Kitô, các đặc sủng, và những hoa trái của Thánh Linh. Kết quả quan trọng thường xuyên nhất là việc khám phá ra ý nghĩa của việc có một ‘mối quan hệ cá vị’ với Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống. Theo cách hiểu của Công Giáo, Phép Rửa trong Thánh Linh không phải là điểm kết thúc của một cuộc hành trình, nhưng là điểm khởi đầu để trưởng thành với tư cách là các Kitô hữu và các thành viên dấn thân của Giáo hội.
Có chính đáng không khi mong đợi mọi người trải qua trải nghiệm này? Liệu đó có phải là cách duy nhất để cảm nghiệm ân sủng của Lễ Hiện Xuống đổi mới mà Công Đồng Vatican II đã hy vọng không? Nếu khi dùng cụm từ “phép Rửa trong Thánh Linh”, chúng ta muốn nói đến một nghi lễ, trong một bối cảnh nhất định nào đó, câu trả lời phải là không; đó chắc chắn không phải là cách duy nhất để tận hưởng một kinh nghiệm mạnh mẽ về Thánh Linh. Đã có và hiện có vô số Kitô hữu đã có kinh nghiệm tương tự, mà không hề biết gì đến phép Rửa trong Thánh Linh, nhưng vẫn nhận được sự gia tăng rõ ràng ân sủng và một sự xức dầu mới với Thánh Linh sau một buổi tĩnh tâm, một buổi họp nhóm hoặc nhờ điều gì đó mà họ đã đọc qua. Ngay cả một khóa tĩnh tâm cũng có thể kết thúc bằng một lời cầu khẩn đặc biệt đến Chúa Thánh Thần, nếu người lãnh đạo đã có kinh nghiệm đó và những người tham gia hoan nghênh điều này. Nếu có ai đó không thích cụm từ “phép Rửa trong Thánh Linh”, hãy để họ sang một bên và thay vì “phép Rửa trong Thánh Linh”, hãy cầu xin “Thần khí của phép Rửa Tội”, nghĩa là một sự đổi mới của ân sủng đã nhận được trong lễ rửa tội.
Bí quyết là hãy nói ‘Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến’, nhưng hãy nói điều đó với cả tấm lòng của bạn, vì biết rằng lời mời như vậy sẽ không thể không được lắng nghe. Nói điều đó với một “ đức tin mong đợi”, để cho Thánh Linh tự do đến theo cách thế và với những biểu hiện mà Ngài quyết định, chứ không phải theo cách chúng ta nghĩ rằng Ngài nên đến và thể hiện ra sao.
‘Phép Rửa trong Thánh Linh’ hóa ra là một phương tiện đơn giản và mạnh mẽ để đổi mới đời sống của hàng triệu tín hữu trong hầu hết các Giáo hội Kitô. Vô số người, những người chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa, nhờ kinh nghiệm đó đã trở thành Kitô hữu thực sự, tham gia vào việc cầu nguyện ngợi khen và trong các bí tích, những người truyền bá phúc âm tích cực, sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ mục vụ trong giáo xứ của họ. Một sự chuyển đổi thực sự từ thờ ơ thành nhiệt thành! Chúng ta thực sự nên tự nói với chính mình những gì mà Thánh Augustinô đã từng lặp lại, hầu như với sự phẫn nộ với chính mình khi nghe những câu chuyện về những người nam và những người nữ, những người mà tại một thời điểm nào đó, đã rời bỏ thế giới để hiến thân cho Chúa: “Si isti et istae, cur non ego” : “Nếu những người nam và những người nữ đó đã làm được, tại sao tôi lại không làm?”
Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng mà Mẹ có được từ Con Mẹ tại tiệc cưới Cana miền Galilê. Qua lời cầu nguyện của Mẹ, vào dịp đó, nước đã biến thành rượu. Chúng ta hãy cầu xin rằng qua lời cầu bầu của Mẹ, nước lạnh nhạt của chúng ta có thể được biến thành rượu của lòng nhiệt thành mới. Chính là loại rượu mà các Tông đồ dùng trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã gây ra cơn say tỉnh táo và khiến các ngài ‘nhiệt thành trong Thánh Linh’.
1. Thánh Tommaso, Thánh Tôma, I-IIae, q. 113, a. 4.
2. Thánh Teresa thành Ávila, Cuộc Đời Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, chs. 7-8; http://www.carmelitemonks.org/Vocation/teresa_life.pdf.
3. N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, II, 8: PG 150, 552 s.
4. Philo of Alexandria, Legum allegoriae, I, 84 (methē nefalios).
5 Thánh Cyrilô thành Giêrusalem, Cat. XVII, 18-19 (PG 33, 989).
6. Macarius the Egyptian, in Filocalia, 3, Torino 1985, p. 325).
7. Thánh Ambrôsiô, Bình luận về Thánh Vịnh 35, 19.
8. Thánh Augustinô, Tự Thú, VIII, 8, 19.
Source:Cantalamessa