1. Tai nạn kinh hoàng tối Giao Thừa, 133 xe đâm vào nhau tại Texas, thương vong tiếp tục tăng
Các quan chức tại Fort Worth, Texas cho biết ít nhất đã 6 người chết, 36 người đang chiến đấu với tử thần tại bệnh viện và 65 người được chăm sóc y tế sau một tai nạn được ghi nhận là chưa từng xảy ra với quy mô như thế tại tiểu bang Texas.
Theo các quan chức, vụ tông vào và chồng chất lên nhau liên quan đến tổng cộng 133 phương tiện giao thông, xảy ra vào khoảng 6:30 sáng thứ Năm 20 tháng 12, tức là 7:30 tối Giao Thừa theo giờ Việt Nam sau khi mưa đá và mưa tuyết rơi trong đêm và rạng sáng ngày thứ Năm, khiến các con đường trên khắp miền Bắc Texas ẩm ướt và trơn trượt.
Hình ảnh tại hiện trường cho thấy hàng trăm phương tiện giao thông, trong đó có hàng chục xe 18 bánh bị lật nhào và xếp chồng lên nhau.
Những người phản ứng đầu tiên gọi vụ tai nạn là một “biến cố thương vong hàng loạt.” Nhiều xe cứu thương đã được điều động đến hiện trường. Các quan chức của MedStar Mobile Healthcare xác nhận 14 xe cứu thương đã được sử dụng để chở 36 người đến các bệnh viện trong khu vực. Những người bị thương nặng đã được chuyển đến các trung tâm chấn thương.
Đức Cha Michael Olson Giáo phận Fort Worth nhận xét trên Twitter rằng
Các sự kiện hôm nay nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của ân sủng sự sống con người. Chúng ta hãy cầu nguyện và tưởng nhớ những người đã chết trong vụ tai nạn xe khủng khiếp ngày hôm nay và cho gia đình của họ. Những lời cầu nguyện và công việc của lòng thương xót này sẽ kéo dài hơn ngày hôm nay và trong những tuần và tháng tới.
Trong bản cập nhật buổi chiều, các quan chức cho biết tất cả các trường hợp thương vong đều là người lớn.
Cảnh sát cho biết bốn viên chức cảnh sát – ba người đang trên đường đi làm và một đang làm việc trong vụ việc này - đã bị thương trong đống đổ nát.
Một trong những người điều khiển xe đầu kéo, Michael Howard, nói với CBS 11 News rằng anh ta nhìn thấy những vụ va chạm phía trước nhưng không thể dừng lại kịp thời.
“Bạn không nhìn thấy những hạt mưa đá, cho đến khi bạn cảm thấy chúng… Bạn không thể dừng lại, vì vậy tôi đã lái xe húc vào bức tường đó để giảm bớt tác động, sau đó những người phía sau tôi chỉ bam, bam, bam, bam,” Howard nói.
Howard nói thêm rằng đường rất thông thoáng, tầm quan sát rất rõ khi anh ấy lái xe từ Denton đến đây.
Source:Fort Wotth Local News
2. Kỷ niệm 90 năm thành lập Đài phát thanh Vatican
Vào ngày thứ Sáu 12 tháng Hai, Đài phát thanh Vatican sẽ ra mắt một chương trình phát thanh trên web phát liên tục 24 giờ để kỷ niệm 90 năm thành lập.
Đài phát thanh web, ra mắt vào ngày 12 tháng 2, sẽ cung cấp các chương trình phát thanh của Đài Vatican qua internet bằng tiếng Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Armenia.
Các chương trình phát sóng cũng sẽ có sẵn thông qua ứng dụng Radio Vaticana trên các điện thoại thông minh. Cho đến nay, các chương trình của Đài phát thanh Vatican đã được truyền qua sóng vô tuyến, sóng ngắn, vệ tinh, DAB + và kỹ thuật số.
Theo Vatican News, đài phát thanh Vatican cũng sẽ khởi động một trang web “được làm lại” vào hôm thứ Sáu.
Đài phát thanh Vatican đã được Đức Giáo Hoàng Pius XI thành lập vào ngày 12 tháng 2 năm 1931. Nhà phát minh và kỹ sư điện người Ý Guglielmo Marconi đã thiết kế và chế tạo đài.
Chương trình phát thanh đầu tiên được bắt đầu bằng các tín hiệu Morse “In nomine Domini, Amen,” tiếng Latinh có nghĩa là “Nhân danh Chúa, Amen.” Rồi đến lời giới thiệu ngắn gọn của Marconi. Kế đó, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã đưa ra thông điệp đầu tiên của Giáo hoàng qua đài phát thanh, được phát bằng tiếng Latinh.
Đài phát thanh Vatican đã được giao cho dòng Tên quản lý cho đến năm 2017. Ngày nay nó phát bằng 41 ngôn ngữ.
Paolo Ruffini, trưởng bộ phận truyền thông của Vatican, cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba rằng: “Ngay cả ngày hôm nay, Đài phát thanh Vatican cũng đang hướng tới tương lai trong khi vẫn giữ được tính nguyên bản và bản sắc của nó.
Ông nói, radio trên web “sẽ cho phép bất kỳ ai trên thế giới nghe đài Vatican bằng ngôn ngữ của họ từ điện thoại thông minh hoặc máy tính của họ”.
Trang web của Đài phát thanh Vatican là một trong số trang web được hợp nhất dưới nền tảng truyền thông Tin tức Vatican vào cuối năm 2017, sau cuộc cải tổ lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với truyền thông Vatican.
Massimiliano Menichetti, giám đốc Đài phát thanh Vatican, cho biết ngoài các bài bình luận trên đài phát thanh, đài đã tạo ra các chương trình, podcast và audiobook mới.
Ông nói: “Cuộc cải cách mà Đức Giáo Hoàng mong muốn đang hướng tới một chiều hướng mới, trong đó chúng tôi không còn là một đài phát thanh nữa, mà là một thực tế tích hợp vẫn đang tiến triển”.
“Nhân viên của Đài phát thanh Vatican, những người đến từ 69 quốc gia, là lý do tại sao cổng thông tin điện tử Tin tức Vatican ra đời, nơi có thể tìm thấy các bài báo, video, ảnh, âm thanh và phương tiện truyền thông xã hội”.
Trong thông điệp của mình cho Ngày Truyền thông Thế giới, được công bố vào ngày 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về internet trong bối cảnh báo chí, gọi nó là “một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có trách nhiệm với tư cách là người dùng và người tiêu dùng”.
Ngài nói: “Có khả năng tất cả chúng ta đều có thể trở thành nhân chứng cho những sự kiện mà các phương tiện truyền thống truyền thống sẽ bỏ qua, đóng góp cho xã hội và làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, bao gồm cả những câu chuyện tích cực”.
Đức Giáo Hoàng nói rằng tất cả các Kitô hữu đều phải đối mặt với một thách thức: “giao tiếp bằng cách gặp gỡ mọi người, ở nơi họ đang sống và trong thực tại của họ”.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Cha Mark Seitz của El Paso than thở về vụ phá hoại nghiêm trọng tại giáo xứ Thánh Piô X
Ba bức tượng thiên thần tại Nhà thờ Thánh Piô X ở El Paso đã bị thiệt hại nặng nề trong một vụ phá hoại, khiến các tín hữu đau buồn.
Đức Cha Mark Seitz, Giám Mục giáo phận El Paso cho biết vụ phá hoại đã diễn ra vào sáng ngày thứ Tư 10 tháng 2. “Chúng tôi rất đau buồn về những thiệt hại đã xảy ra tại giáo xứ Thánh Piô X. Những hình ảnh thánh này rất quan trọng đối với chúng tôi vì chúng là dấu chỉ và lời nhắc nhở về sự gần gũi của Chúa và sự quan tâm của Người đối với chúng tôi.”
Giáo phận cho biết trong một tuyên bố rằng: “Ba bức tượng thiên thần trong khuôn viên giáo xứ được tìm thấy bị lật nhào và đập phá. Không có thiệt hại nào bên trong nhà thờ.”
Đức Cha Seitz cho biết các bức tượng là “những thứ có thể được sửa chữa và thay thế.”
“Chúng tôi biết ơn Chúa vì không ai bị tổn thương về thể xác trong cơn cuồng nộ dữ dội này, bởi vì con người là hình ảnh đẹp nhất và không thể thay thế của Thiên Chúa. Chúng tôi cầu nguyện rằng bất cứ ai thực hiện hành động vô nghĩa này sẽ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần.”
Một báo cáo của cảnh sát đã được đệ trình về vụ việc và các biện pháp an ninh đã được thực hiện. Giáo xứ đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật để xác định xem ai đã có thể gây ra vụ này.
Năm ngoái, đã có nhiều cuộc biểu tình lớn, chủ yếu là ôn hòa về cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen bị một viên cảnh sát Minneapolis đè nghẹt thở trong lúc bắt giữ. Tuy nhiên, cũng có những cuộc bạo loạn và phá hoại lan rộng gây ra hơn 1 tỷ đô la thiệt hại trên toàn quốc và giết chết khoảng 19 người. Cũng có một làn sóng phá hoại các nhà thờ và tượng Công Giáo.
Một vụ bắt giữ đã được thực hiện vào tháng 9 năm 2020 tại Nhà thờ Thánh Patrick của giáo phận El Paso, trong đó một bức tượng Chúa Kitô trị giá 25,000 đô la đã bị phá hủy.
Source:Catholic News Agency
4. Luật quái đản: Cấm cầu nguyện cho những người LGBTQ+. Nhận định của Giáo Sư Carl R. Trueman
Thương người có mười bốn mối. Thương linh-hồn bảy mối: Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, tại tiểu bang Victoria, Australia, Thủ hiến Daniel Andrews, người luôn xưng mình là người Công Giáo vừa khởi xướng ra một luật mới theo đó lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim và trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị ngồi tù đến 10 năm.
Đạo luật vừa được thông qua được gọi là luật “The Change or Suppression Conversion Practices Prohibition”, nghĩa là luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới”. Các thực hành bị cấm trong trường hợp này bao gồm cả việc khuyên lơn hay cầu nguyện cho những người LGBTQ+.
Carl R. Trueman là giáo sư môn Kinh Thánh và Tôn Giáo tại Grove City College, Hoa Kỳ vừa có bài phân tích về luật quái đản này trên tờ First Things ngày 8 tháng Hai.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa.
Conversion therapy hay “Liệu pháp chuyển đổi” là việc sử dụng các can thiệp tâm lý hoặc tâm linh để cố gắng thay đổi khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của một người. Đây là vấn đề đã gây tranh cãi ở Hoa Kỳ. Nó bị cấm trong trường hợp trẻ vị thành niên ở khoảng hai mươi tiểu bang của Hoa Kỳ. Thủ đô Hoa Kỳ cấm hoàn toàn các liệu pháp như vậy, bất kể tuổi tác. Những luật như vậy có thể được coi là một sự ủng hộ của chính phủ đối với những người LGBTQ+, nhưng chúng ta không nhất thiết phải nhìn nhận chúng một cách hoàn toàn bất cần đạo lý. Chúng cũng có thể phản ánh mong muốn bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi phải trả tiền cho các phương pháp điều trị mà các nhà lập pháp coi là không cần thiết.
Tuy nhiên, tiểu bang Victoria ở Úc vừa thông qua một dự luật sẽ làm gia tăng đáng kể xung đột giữa tự do tôn giáo, lựa chọn cá nhân và chính trị về bản sắc. Và nó cũng có thể trở thành một mô hình mẫu cho luật pháp ở những nơi khác trong thế giới dân chủ.
Đạo luật vừa được thông qua được gọi là Dự luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới” 2020. Mục đích cơ bản của nó là “bảo đảm rằng tất cả mọi người, bất kể khuynh hướng tình dục hay bản sắc giới tính, đều cảm thấy được chào đón và có giá trị ở Victoria và có thể sống một cách chân thực và với niềm tự hào”. Thật khó tranh cãi về điều đó, vì mục đích có vẻ đáng ca ngợi - ai lại muốn sống ở một nơi mà người ấy không cảm thấy được coi trọng? - và vì nó là hiện thân của cách nói chuyện phù phiếm trong thời đại trị liệu hiện tại của chúng ta. Cảm thấy có giá trị và sống chân thực là những cụm từ nghe rất kêu, nhưng trống rỗng, nghe có vẻ yên tâm tuyệt vời nhưng nội dung cụ thể rất dễ trở thành hàm hồ, ngớ ngẩn. Tôi cho rằng, hoặc ít nhất hy vọng rằng, những người có “khuynh hướng tình dục” khiến họ lạm dụng trẻ vị thành niên không nên cảm thấy được chào đón và coi trọng ở Victoria mặc dù có luật mới này.
Luật định nghĩa một thực hành nhằm thay đổi hoặc áp chế như sau:
Một thực hành hoặc hành vi hướng tới một người, cho dù có hoặc không có sự đồng ý của người đó trên cơ sở khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; và nhằm mục đích thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; hoặc khiến người đó thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của họ.
Lưu ý rằng sự đồng ý của người đó là không quan trọng về mặt pháp lý: Việc thay đổi hoặc trấn áp là bất hợp pháp bất kể thái độ của người đó như thế nào.
Nhưng phần thực sự quan trọng của dự luật từ góc độ tôn giáo là danh sách “các hoạt động thay đổi hoặc đàn áp”. Điều này bao gồm: “thực hiện một thực hành tôn giáo, bao gồm nhưng không giới hạn nơi các thực hành dựa trên lời cầu nguyện, thực hành giải thoát hoặc trừ tà”.
Nói tóm lại, nếu ai đó yêu cầu mục sư, linh mục hoặc một người bạn Kitô hữu cầu nguyện cho họ để ham muốn tình dục hoặc chứng rối loạn giới tính của họ có thể được thay đổi, thì mục sư, linh mục hoặc bạn bè đó có nguy cơ phạm tội. Điều này cũng áp dụng cho các bậc cha mẹ đang cầu nguyện cho con cái của họ — hoặc thậm chí đang dạy con cái họ rằng những biểu hiện ham muốn tình dục không theo khuôn mẫu xã hội (ít nhất là theo quy luật của khuynh hướng đương đại) là không phù hợp.
Quy định này rõ ràng không dựa trên bất kỳ phản đối siêu hình mạch lạc nào đối với việc thực hành cầu nguyện. Nếu các nhà lập pháp tin rằng Chúa tồn tại, họ có lẽ tin rằng Ngài đủ khôn ngoan để bỏ qua những lời cầu nguyện như vậy nếu chúng thực sự có hại. Còn nếu họ không nghĩ rằng Ngài tồn tại, thì có vẻ hợp lý khi cho rằng họ sẽ coi lời cầu nguyện như vậy là một thực hành khá vô lý, thậm chí là vô nghĩa.
Tuy nhiên, nếu chính sách này không mang tính siêu hình, thì nó cũng bộc lộ một trong những khía cạnh của chính trị bản sắc mới: Những kẻ phản bội ý thức hệ giới tính là không thể được dung thứ. Cho dù đó là John McWhorter, người đang kêu gọi sự nhiệt thành của những người đang cổ vũ cho một tôn giáo mới chống nạn phân biệt chủng tộc đang bao trùm nước Mỹ, hay một người ẩn danh nào đó ở Úc cảm thấy rằng chứng rối loạn giới tính là vấn đề của tâm trí, không phải của cơ thể, thì kẻ phản bội phải bị xem là một người nào đó độc hại, hay nhẹ nhàng nhất cũng là một người cần được bảo vệ khỏi chính họ.
Đạo luật cũng thể hiện một trong những kết quả kỳ lạ nhất của việc xã hội hiện đại nhấn mạnh vào quyền tự do triệt để của cá nhân. Trong một thế giới như vậy, về mặt lý thuyết, tất cả đều phải được phép có những câu chuyện về bản sắc của riêng họ. Nhưng bởi vì một số câu chuyện về bản sắc chắc chắn đối lập với những câu chuyện khác, do đó, một số bản sắc phải được đặc quyền với địa vị hợp pháp và những bản sắc khác bị coi là căn bệnh ung thư văn hóa. Và điều đó có nghĩa là, trong một bước ngoặt trớ trêu, cá nhân mất quyền tự chủ và chính phủ phải vào cuộc với tư cách là người thực thi. Sau đó, nhóm vận động hành lang sẽ quyết định ai vào và ai ra, với kết quả là, trong trường hợp này, người đồng tính hoặc chuyển giới muốn trở thành “thẳng” hoặc “cis” theo cách nói biệt ngữ thời thượng, là những người không thể được dung thứ. Câu chuyện của anh ta gợi lên câu hỏi cho những người khác. Chúng ta có thể nói rằng chính sự tồn tại của anh ấy là một mối đe dọa. Ban cấp bất kỳ mức độ hợp pháp nào cho mong muốn của anh ta là thách thức địa vị chuẩn mực đối với mong muốn của người khác.
Và vì vậy lời cầu nguyện cho những kẻ muốn trở thành “thẳng” như vậy phải bị cấm, ngay cả khi họ yêu cầu cụ thể điều đó. Điều này không hẳn vì lời cầu nguyện gây hại cho những người mà lời cầu nguyện ấy hướng đến, mà chỉ đơn giản là vì lời cầu nguyện ấy làm chứng cho thực tế rằng không phải tất cả mọi người - thậm chí không phải tất cả những người đồng tính và chuyển giới - đều thích thú với thứ chính trị bản sắc tình dục hiện tại.
Có lẽ đó là điều đáng khích lệ. Có lẽ từ lâu các xã hội phương Tây đang bắt đầu thức tỉnh trước sự thật rằng Kitô Giáo, ở cốt lõi của nó, đang làm chứng cho sự thật rằng thế giới hiện nay không phải như nó đáng lẽ phải trở thành. Nhưng cũng có một dấu hiệu đáng ngại khi một thực hành tôn giáo cơ bản như cầu nguyện - thường bị những người phi tôn giáo coi là vô nghĩa - hiện đang trở thành mục tiêu của luật pháp thù địch ở một quốc gia dân chủ. Có thể chúng ta chưa đến mức cho rằng suy nghĩ thôi đã là tội ác, nhưng chúng ta dường như đã đến thời điểm mà việc thể hiện một số suy nghĩ, ngay cả trong lời cầu nguyện, có thể bị coi là hành vi phạm tội. Trước nguy cơ khuyến khích mọi người phạm tội trọng và những tội nhẹ, tôi sẽ kêu gọi mọi người cầu nguyện để các quốc gia khác không theo gương của tiểu bang Victoria, vì nếu họ làm vậy, chỉ trong vài năm tới, có thể là bất hợp pháp khi chúng ta cầu nguyện về hầu hết mọi thứ mà các vua chúa và các chủ nhân của chúng ta không chấp thuận.
Source:First Things