1. Tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về việc đóng lại cuộc điều tra liên quan đến các bộ xương tại nghĩa trang Teutonic
Hôm 30 tháng Tư, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra một thông báo toàn văn như sau:
Thủ tục điều tra liệu hài cốt được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic ở Vatican có liên quan đến Emanuela Orlandi hay không đã được đóng lại theo phán quyết từ một thẩm phán của quốc gia Thành Vatican, là người đã hoàn toàn chấp nhận yêu cầu này của Văn phòng Chưởng lý.
Hồ sơ đã được mở vào mùa hè năm ngoái, sau khi Chưởng lý Gian Piero Milano, và phụ tá của ông, là Alessandro Diddi, đồng ý cho các thành viên gia đình của người thiếu nữ trẻ, đã mất tích năm 1983, được quyền truy cập vào hai ngôi mộ nằm bên trong nghĩa trang Teutonic. Cuộc khai quật sau đó cho thấy hai ngôi mộ này trống rỗng.
Trong bối cảnh điều tra đó, một cuộc điều tra tiếp theo do Chánh án ra lệnh đã dẫn đến việc phát hiện ra, trong một căn phòng dưới lòng đất trong khu nghĩa trang, hàng ngàn mảnh xương thuộc các thời kỳ và nguồn gốc khác nhau.
Việc kiểm tra những phát hiện này, được thực hiện bởi Giáo sư Giovanni Arcudi, Chuyên gia Pháp y, với sự có mặt của các chuyên gia tư vấn từ gia đình Orlandi, dẫn đến kết luận rằng những mảnh xương được tìm thấy có niên đại trước khi Emanuela mất tích rất lâu: ít nhất là một trăm năm trước đó.
Do đó, có yêu cầu đóng lại cuộc điều tra, khép lại một trong những chương của một câu chuyện buồn, trong đó chính quyền Vatican đã đưa ra, ngay từ đầu, sự hợp tác rộng rãi nhất.
Tinh thần hợp tác này cũng dự liệu cho gia đình Orlandi có thể thực hiện, một cách riêng tư, bất kỳ cuộc điều tra nào khác trên các mảnh xương đã được tìm thấy và lưu giữ, trong các thùng được niêm phong, tại Hiến binh Vatican.
Tưởng cũng nên nhắc lại, ba mươi bẩy năm trước, cô con gái tuổi 15 của một nhân viên làm việc tại quốc gia Thành Vatican đã biến mất trên đường phố Rôma khi đang trên đường về nhà sau một buổi học, bắt đầu một trong những bí ẩn lâu dài nhất của Ý: Trong nhiều năm, các báo cáo đã liên kết số phận của cô với bọn Mafia ở Sicilia, mạng lưới tình báo K.G.B của Nga và âm mưu ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Mong muốn tìm ra số phận của cô đã đưa gia đình Orlandi đến nhiều khúc quanh bất ngờ, các thư nặc danh và các báo cáo cho rằng đã nhìn thấy cô ở chỗ này chỗ nọ.
Con đường dẫn đến các ngôi mộ được khai quật tháng 7 năm ngoái đã bắt đầu vào cuối năm 2017, khi anh trai của Emanuela, là ông Pietro Orlandi nhận được thư nặc danh cho rằng Emanuela có thể đã được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic, là nơi an nghỉ cuối cùng trong nhiều thế kỷ qua cho người gốc Đức. Đây là một bước ngoặt kỳ lạ khác đối với một gia đình đã phải chịu những chỉ dẫn sai lầm, và sự chú ý của giới truyền thông kể từ khi cô gái, Emanuela Orlandi, biến mất vào ngày 22 tháng 6 năm 1983.
Các nguồn tin bảo ông hãy tìm kiếm nơi mà một thiên thần đang chỉ xuống trong nghĩa trang.
Điều đó đã dẫn ông Orlandi đến ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe, qua đời năm 1836; và ngôi mộ của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg, qua đời năm 1840.
Thông qua luật sư của gia đình, tháng Hai năm 2019, ông Orlandi đã chính thức yêu cầu Vatican mở lăng mộ của hai Công chúa. Gia đình đã nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh vào tháng Sáu năm ngoái.
Giovanni Arcudi, giáo sư pháp y tại Đại học Rome Tor Vergata, đã lãnh đạo nhóm khai quật các ngôi mộ vào hôm 11 tháng 7, 2019. Tuy nhiên, cuộc khai quật cho thấy các ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.
Trước phát hiện này, ông Orlandi nói với chi nhánh Sky News của Ý, rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm vì Emanuela không ở đó và biết ơn Tòa Thánh đã nhanh chóng nhận lời thỉnh cầu của gia đình.
Tuy Ông Pietro Orlandi đã hài lòng rồi, để mọi sự được minh bạch, Chánh Án quốc gia thành Vatican truyền cho đào xung quanh vào ngày 20 tháng 7, 2019.
Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:
“Cuộc khai quật mới này, cùng với cuộc khai quật ngày 11 tháng Bẩy, là một bằng chứng khác về sự cởi mở của Tòa Thánh đối với gia đình Orlandi. Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã cho thấy sự cởi mở và thiện chí của mình trong việc chấp nhận yêu cầu khai quật tại Nghĩa trang Teutonic, dù chỉ trên cơ sở của một thư nặc danh.”
Trong một tuyên bố sau đó vào ngày thứ Bảy, cũng là tuyên bố sau cùng của Ông Alessandro Gisotti, trong vai trò Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ông nói rằng cuộc khai quật sáng thứ Bẩy 20 tháng Bẩy, đã kết thúc và các hài cốt đã được đưa lên để khảo sát pháp y.
“Các nghiên cứu sâu hơn sẽ được thực hiện vào ngày 27 tháng Bẩy,” ông nói.
Các nghiên cứu sâu hơn này, được thực hiện bởi Giáo sư Giovanni Arcudi, Chuyên gia Pháp y, với sự có mặt của các chuyên gia tư vấn từ gia đình Orlandi, dẫn đến kết luận rằng những mảnh xương được tìm thấy có niên đại trước khi Emanuela mất tích rất lâu: ít nhất là một trăm năm trước đó.
Như thế, chúng ta có thể thấy Tòa Thánh hết sức minh bạch trong vụ này.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh là tinh thần minh bạch này, như trong thông báo của Tòa Thánh, cũng dự liệu cho gia đình Orlandi có thể thực hiện, một cách riêng tư, bất kỳ cuộc điều tra nào khác trên các mảnh xương đã được tìm thấy và lưu giữ, trong các thùng được niêm phong, tại Hiến binh Vatican.
Source:Holy See Press OfficeComunicato della Sala Stampa della Santa Sede, 30.04.2020
2. Lịch sử của bức tượng Thánh Giuse Thợ của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý..
Sáng thứ Sáu 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Thánh Giuse Thợ tại nhà nguyện Santa Marta. Nhà nguyện hôm nay có thêm một bức tượng là Thánh Giuse Thợ của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý.
Lịch sử của bức tượng này như sau.
Ngày 1 tháng Năm, 1955, Đức Thánh Cha Piô thứ 12 thiết định việc cử hành Lễ Thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng Năm hàng năm trong toàn thể Giáo Hội.
Nhà điêu khắc người Ý Enrico Nell Breuning đã thực hiện ngay một bức tượng bằng đồng mạ vàng theo yêu cầu của Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý. Tượng cao 1.5m. Bức tượng đã được hoàn thành sau gần một năm.
Sáng ngày 1 tháng 5, 1956, Đức Hồng Y Giovanni Battista Montini, sau này là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, lúc ấy là Tổng Giám Mục Milan đã làm phép bức tượng này trong thánh lễ Thánh Giuse Thợ tại nhà thờ chính tòa Sinh Nhật Đức Mẹ của thành phố.
Sau thánh lễ tượng được cung nghinh ra phi trường quân sự của thành phố và máy bay trực thăng chở bức tượng này vượt 570km để đưa về Rôma cho kịp buổi triều yết chung thứ tư hàng tuần, trong đó Đức Thánh Cha Piô thứ 12 dành cho Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý một buổi tiếp kiến sau đó. Trong buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha Piô thứ 12 đã làm phép bức tượng thêm một lần nữa.
Trước tình hình đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, chiều thứ Năm 30 tháng Tư vừa qua, Hiệp hội Công nhân Công Giáo Ý đã cung nghinh bức tượng đến nhà nguyện Santa Marta với ý hướng xin Thánh Cả Giuse ban ơn cho các công nhân tìm lại được công ăn việc làm sau trận đại dịch kinh hoàng này.
Source:Vatican NewsSaint Joseph: A statue connecting Pope Francis and Pius XII
Thánh lễ tại Santa Marta 1/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho không ai thiếu việc làm với phẩm giá và lương bổng công bằng
Lúc 7 sáng thứ Sáu 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Nhà nguyện Santa Marta được dành cho Chúa Thánh Thần, nhưng hôm nay được trang hoàng thêm với bức tượng “Thánh Giuse người thợ thủ công”, được Hiệp hội Công nhân Ý mang đến. Trong thánh lễ hôm nay, Đức Thánh Cha hướng chú ý đến thế giới lao động.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay, là ngày lễ thánh Giuse thợ, cũng là Ngày Lao Động, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các công nhân. Cho tất cả mọi người. Xin cho đừng ai bị mất công ăn việc làm và mọi người đều được trả lương xứng đáng và có thể tận hưởng phẩm giá của công việc và vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét về Bài Đọc Một trong ngày trích từ sách Sáng thế ký (St 1:26 – 2:3) mô tả việc Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.
Bài Ðọc I: St 1: 26 – 2: 3
“Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”.
Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.
Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ngài tạo ra thế giới, tạo ra con người và giao sứ mệnh cho nhân loại: quản lý, làm việc, tiếp tục sáng tạo. Và từ “công việc” là những gì Kinh thánh dùng để mô tả hoạt động này của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi”, và đưa hoạt động này cho con người, như thể Ngài đang nói điều này “Các ngươi phải làm điều này, giữ gìn cái này, cái kia, ngươi phải làm việc để sáng tạo cùng với Ta để thế giới này được tiếp tục”. Lao động của con người chỉ là sự tiếp nối công việc của Chúa: Lao động của con người là ơn gọi mà con người nhận được từ Thiên Chúa cho mục đích hình thành nên vũ trụ.
Và lao động là điều khiến con người giống với Thiên Chúa, bởi vì với lao động, con người là người sáng tạo, anh ta có thể tạo ra nhiều thứ, thậm chí là tạo ra một gia đình để tiến về phía trước. Con người là một chủ thể sáng tạo và thăng tiến với công việc. Đây là một ơn gọi. Và Kinh thánh nói rằng “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp”. Như thế, lao động có sự tốt đẹp bên trong nó và tạo ra sự hài hòa của mọi thứ - vẻ đẹp, sự tốt lành - và liên quan đến con người trong mọi thứ: trong suy nghĩ, trong hành động, mọi thứ. Con người tham gia làm việc. Lao động là ơn gọi đầu tiên của con người. Và điều này mang lại phẩm giá cho con người. Nhân phẩm làm cho con người trông giống như Thiên Chúa. Đó là phẩm giá của lao động.
Một lần, ở một văn phòng Caritas, với một người đàn ông không có việc làm và đến Caritas để tìm kiếm thứ gì đó cho gia đình, một nhân viên của Caritas nói: “Ít nhất anh có thể mang bánh mì về nhà” - “Nhưng điều này không đủ cho tôi”. “Nó không đủ cho tôi” là câu trả lời: “Tôi muốn tự mình kiếm bánh mì để mang về nhà”. Cái anh ta thiếu là phẩm giá, phẩm giá “làm” ra được của ăn bằng công việc của mình, và mang nó về nhà. Thật đáng tiếc, phẩm giá của lao công bị chà đạp quá thậm tệ, thật là không may. Trong lịch sử chúng ta đã đọc được bao nhiêu những sự tàn bạo mà loài người đã làm với những người nô lệ: người ta đã mang họ từ Phi Châu đến Mỹ Châu - tôi nghĩ về câu chuyện đó mà sửng gai ốc - “thật là quá sức man rợ”. Nhưng ngay cả ngày nay cũng có nhiều người nô lệ, nhiều người nam nữ không được tự do làm việc: họ bị buộc phải làm việc, để tồn tại, ngoài ra không còn gì nữa. Họ là những nô lệ: lao động cưỡng bức... họ bị cưỡng bức lao động, đối xử bất công, bị trả lương thấp và điều đó dẫn con người đến cuộc sống trong đó nhân phẩm bị chà đạp. Có rất nhiều, rất nhiều trên thế giới. Nhiều. Trên các tờ báo vài tháng trước chúng ta đã đọc, ở một đất nước Á Châu đó, một quý ông kia đã đánh nhừ tử một nhân viên kiếm được chưa đến nửa đô la một ngày vì anh ta đã làm sai điều gì đó. Chế độ nô lệ ngày nay phải là “sự phẫn nộ” của chúng ta bởi vì nó tước mất phẩm giá của những người nam nữ và tất cả chúng ta. Hãy nghĩ về những người lao động, những người làm việc ngày qua ngày, anh chị em cho họ công ăn việc làm nhưng với một mức lương quá thấp và không phải tám, mà là mười hai, mười bốn giờ một ngày: Điều này xảy ra hôm nay, ở đây. Trên toàn thế giới, nhưng ở đây cũng có. Hãy nghĩ về những người giúp việc không có tiền lương công bằng, những người không có hỗ trợ an sinh xã hội, những người không có khả năng nghỉ hưu: điều này không xảy ra ở Á châu. Ở ngay đây.
Mọi sự đối xử bất công đối với một người lao động đều chà đạp lên phẩm giá con người, thậm chí cả phẩm giá của những người tạo ra bất công đó: nó hạ thấp con người họ và kết thúc trong sự căng thẳng của tương quan độc tài - nô lệ. Ngược lại, ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta rất đẹp: sáng tạo, tái tạo, làm việc. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện khi các điều kiện đúng đắn và nhân phẩm của con người được tôn trọng.
Hôm nay chúng ta cùng với nhiều người nam nữ, những người tin và những người không tin, kỷ niệm Ngày của Người Lao động, để vinh danh những người đấu tranh cho công lý, và cả những doanh nhân giỏi, là những người tiếp tục công việc trong công lý, ngay cả khi họ thua lỗ. Hai tháng trước, tôi nghe một doanh nhân ở Ý nói qua điện thoại xin tôi cầu nguyện cho anh ta vì anh ta không muốn sa thải bất cứ ai và anh ta nói: “Bởi vì sa thải một ai trong số họ là sa thải chính con”. Nhận thức này của nhiều doanh nhân giỏi, những người giữ bằng được các công nhân như thể họ là bằng hữu hay con em mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Và chúng ta hãy xin Thánh Giuse - với hình ảnh đang mang các công cụ làm việc trong tay rất đẹp này - giúp chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của lao động, cho mọi người có công ăn việc làm, và là một công việc xứng đáng. Cầu xin cho không còn cảnh nô lệ có thể là lời cầu nguyện ngày hôm nay trên thế giới.