Thánh lễ đầu tiên tại Notre Dame de Paris sau trận hỏa hoạn kinh hoàng làm sụp đổ ngọn tháp của nhà thờ và phá hủy 2/3 mái nhà đã được cử hành vào lúc 6 giờ chiều theo giờ địa phương Paris ngày thứ Bẩy 15 tháng Sáu. Như thế, thánh lễ này đã được cử hành đúng hai tháng sau trận hỏa hoạn kinh hoàng, làm xúc động không chỉ các tín hữu Pháp, mà còn biết bao người trên thế giới, Công Giáo cũng như không Công Giáo.

Chỉ có một nhóm nhỏ khoảng 30 người tham dự thánh lễ, bao gồm các giáo sĩ, các nhân viên của tổng giáo phận, giới truyền thông và các công nhân xây dựng nhà thờ.

Giáo phận đã cho biết rằng các tín hữu không thể vào bên trong, vì những lý do an toàn. Tuy nhiên, thánh lễ được phát sóng trực tiếp bởi đài truyền hình Công Giáo Pháp KTO để các tín hữu có thể hiệp thông trong thánh lễ.

Đông đảo anh chị em giáo dân đã tụ tập bên ngoài nhà thờ. Trong bức ảnh này quý vị và anh chị em có thể thấy phản ứng xúc động của anh chị em khi thấy một thánh lễ đã được tổ chức bên trong nhà thờ. Một người phụ nữ cầm điện thoại cho mọi người tham dự thánh lễ qua màn ảnh nhỏ của máy điện thoại. Nhiều người quỳ hẳn xuống để tham dự thánh lễ kéo dài trong 50 phút.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, cha sở Patrick Chauvet, các vị đồng tế khác và những người may mắn được tham dự trong thánh lễ lịch sử này đã tập trung trong một nhà nguyện phía sau cây thánh giá lớn phủ vàng. Cây thánh giá này thật là một hiện tượng ngoại thường, dưới sức nóng khủng khiếp của ngọn lửa phá hủy toàn bộ phần mái nhà phía trên thật lạ lùng là cây thánh giá vẫn còn nguyên vẹn.

Nhà nguyện này là nhà nguyện kính Đức Mẹ và cũng là nơi đặt Vương miện gai, một trong những báu vật của nhà thờ trong mắt người Công Giáo, đã được cứu khỏi ngọn lửa trong đêm thảm họa. Đây là vương miện gai mà Chúa Kitô đã đội trong cuộc thương khó của Ngài vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên cách đây khoảng 2,000 năm. Và đây là một thánh tích đã đến tay Vua Thánh Louis thứ Chín vào thế kỷ 13, và ngài đã xây dựng một nhà nguyện bên trong nhà thờ Đức Bà với mục đích giữ gìn di tích này.”

Trong khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ, các vị đã hát bài “Peuple de Dieu”, nghĩa là dân Chúa, một bài hát rất được ưa chuộng mà ca đoàn nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris vẫn thường hát trong các thánh lễ đại trào. Dàn hợp xướng này không có mặt trong thánh lễ này.

Vì lý do an toàn, những người tham dự thánh lễ được yêu cầu đội mũ cứng trong nhà thờ.

Trong lời nói đầu trước thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit nói rằng:

“Thánh lễ này là một lời nhắc nhở rằng nhà thờ này vẫn sống động và ơn sủng Chúa vẫn tiếp tục tuôn đổ trên chúng ta.”

Thánh lễ được tổ chức một ngày trước lễ kỷ niệm thánh hiến hàng năm bàn thờ. Đức Tổng Giám Mục đã cầu nguyện trước bức tượng Đức Trinh Nữ Maria, và nói rằng ngài rất biết ơn Đức Mẹ khi được hiện diện nơi đây.

“Thật là phi thường, khi có thể cử hành thánh lễ tại đây một lần nữa, sau trận hỏa họan kinh hoàng này. Tôi đã được tấn phong giám mục trong nhà thờ này.”

Ngài nói thêm là hơi kỳ cục một chút khi dâng lễ mà đội những chiếc mũ cứng trên đầu. Trong lúc truyền phép, ngài đã tháo chiếc mũ ra một lúc.

Ngọn lửa, tàn phá tòa nhà vào ngày 15 tháng 4, đã gây ra một làn sóng cảm xúc, không chỉ đối với cộng đồng các tín hữu Công Giáo nhưng còn gây ra cảm xúc mạnh cho nhiều người trên thế giới, Đức Tổng Giám Mục nói trong bài giảng của ngài.

Ngài nhấn mạnh rằng “Nhà thờ này là nơi thờ phượng, đó là mục đích thực sự và độc đáo của nó.” Mục đích của nhà thờ chính tòa không phải là một địa điểm du lịch, càng không phải là một viện bảo tàng.

Ngài bày tỏ hy vọng rằng sẽ có thể tổ chức các thánh lễ nhiều lần nữa trong tương lai.

Đức Tổng Giám Mục đặc biệt dâng lời tạ ơn Đức Mẹ thường được các tín hữu Pháp kêu cầu với các tước hiệu Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu và Đức Mẹ An Ủi Kẻ Âu Lo. Ngài nhấn mạnh rằng thánh lễ này là nhằm tôn vinh Đức Mẹ đã cứu nhà thờ chính tòa thoát khỏi thảm họa của trận hỏa hoạn ngày 15 tháng Tư vừa qua.

Cảnh sát Pháp vẫn đang điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy. Cho đến nay các nhà điều tra đã thu giữ khoảng 100 mẫu từ hiện trường để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Giả thuyết hiện nay là vụ cháy bắt đầu từ một khoảng dây điện xung quanh một chiếc chuông. Họ cũng tin rằng vị trí đám cháy đã bị xác định sai lạc và nhân viên bảo vệ đã kiểm tra sai khu vực gây cháy.

Trong khi cuộc điều tra tiếp tục, công cuộc tái thiết nhà thờ vẫn bị trì hoãn cho đến khi đống đổ nát được dọn sạch hoàn toàn. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester cho biết đến nay chỉ mới nhận được 9% trong số 955 triệu đô la tiền quyên góp đã được hứa dâng tặng cho việc tái thiết nhà thờ Đức Bà. Ông nói rằng một số nhà tài trợ đang chờ để gửi quyên góp của họ vì họ muốn có kế hoạch rõ ràng về cách chi tiêu số tiền của họ.

Có tới 150 công nhân đã làm việc tại nhà thờ hàng ngày kể từ vụ cháy, nhằm tiếp tục loại bỏ các mảnh vỡ và ổn định cấu trúc.

Hai tấm bạt lớn màu trắng đã được che lên những chỗ mái nhà bị phá hủy để che mưa nắng cho nhà thờ chính tòa Paris.

Notre-Dame de Paris đã được coi là một nhân chứng trung tâm qua những thăng trầm của lịch sử Pháp kể từ khi bắt đầu được xây dựng vào giữa thế kỷ 12.

Trong cuộc Cách mạng Pháp vào thế kỷ 18, nhà thờ chính tòa này đã bị phá hoại và cướp bóc nhưng sau đó được phục hồi và tiếp tục là yếu tố trung tâm trong văn học Pháp, tiêu biểu là cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 1831 Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà của văn hào Victor Hugo.

Nhà thờ chính tòa Paris sống sót sau sự tàn phá của hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20 và nổi tiếng với hồi chuông dài vào ngày 24 tháng 8 năm 1944, được gióng lên dòn dã để đánh dấu ngày Paris được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã vào cuối Thế chiến thứ Hai.


Source:ABC News