Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Các phó tế có thể làm phép rửa tội trong hình thức ngoại thường không? - G. P., Ann Arbor, Michigan, Hoa Kỳ.


Đáp: Câu trả lời ngắn gọn là được, mặc dù với một số giới hạn.

Sách Nghi lễ Rôma, vốn thiết lập luật có hiệu lực từ năm 1962, cho phép các phó tế cử hành phép rửa tội trọng thể trong một số trường hợp:

“Số 15. Một phó tế là thừa tác viên ngoại thường của phép rửa trọng thể. Tuy nhiên, thầy không thể dùng quyền của thầy mà không có sự đồng ý của Đấng Bản Quyền hoặc cha xứ - sự cho phép này được cấp vì một lý do chính đáng, và được coi là hợp pháp khi sự cần thiết đòi hỏi.

Trong khi nguy tử, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức rửa tội không trọng thể, miễn là người ấy sử dụng chất thể và mô thức hợp lệ và có ý hướng đúng đắn. Nếu có thể được, hai nhân chứng hoặc ít nhất một nhân chứng phải có mặt để có thể chứng minh bí tích rửa tội được thực hiện. Nếu có mặt linh mục, thì linh mục là ưu tiên hơn phó tế trong việc rửa tội, một phó tế là ưu tiên hơn một phụ phó tế (thầy năm), một giáo sĩ là ưu tiên hơn một giáo dân, một người nam là ưu tiên hơn một người nữ, trừ khi vì khiêm tốn, thật là phù hợp cho người nữ rửa tội thay vì người nam, hoặc bởi vì người nữ có thể biết chất thể, mô thức và phương pháp tốt hơn ngưởi nam ấy. Cha hoặc mẹ không được phép rửa tội cho con mình, trừ khi nguy tử, không có ai có thể rửa tội được.”

Sách nghi thức cũng nói thêm rằng “khi một phó tế cử hành bí tích rửa tội, thầy sử dụng muối đã được làm phép bởi một linh mục. Nước thường được làm phép trong hình thức ngoại thường.”

Năm 1962, việc các phó tế có mặt trong Thánh lễ là chưa phổ biến, vì chỉ có các phó tế chuyển tiếp đang chờ được truyền chức linh mục, và thời kỳ chức phó tế là tương đối ngắn. Trong Thánh lễ trọng thể, chức năng phụng vụ liên quan đến phó tế và phụ phó tế thường được các linh mục thực hiện.

Mặc dù tôi tin rằng không có các phó tế vĩnh viễn trong các cộng đoàn dành riêng đặc biệt cho hình thức ngoại thường, nhưng không có gì có thể cản trở một phó tế vĩnh viễn thực hiện các chức năng phụng vụ, vốn được cho phép trong sách nghi lễ. Do đó, trong một câu trả lời cho một câu hỏi vào năm 2008, Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei đã tuyên bố:

“Tự sắc Summorum Pontificum, giống như Tự sắc Ecclesia Dei, giả định rằng bất kỳ phó tế nào, dù là chuyển tiếp hoặc là vĩnh viễn, có thể hoạt động như phó tế trong Thánh lễ, theo Sách Lễ Rôma năm 1962, miễn là họ đã quen thuộc với nghi thức, và có thể hoạt động với sự thoải mái đủ. Đấng Bản Quyền địa phương không thể cản trở một phó tế trong tình trạng hoạt động tốt như một phó tế, trong hình thức ngoại thường của Nghi lễ Rôma, với điều kiện là phó tế ấy có đủ tiêu chuẩn.”

Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu Bộ Giáo Luật năm 1983 (điều 861, §1), vốn làm cho một phó tế trở thành một thừa tác viên thông thường của phép rửa tội, có thể loại bỏ một số giới hạn được nêu ra trên đây chăng.

Tôi sẽ nói rằng nó sẽ chỉ tạo ra một sự khác biệt tương đối nhỏ mà thôi. Huấn thị Universae Ecclesiae năm 2011, trong số 28, đã làm rõ rằng Tự sắc Summorum Pontificum hủy bỏ các luật phụng vụ sau năm 1962, vốn không còn phù hợp với chữ đó có trước đó.

Trong ánh sáng của điều này, mặc dù, với tư cách là một thừa tác viên thông thường của phép rửa tội, thầy phó tế có thể không còn phải xin phép rõ ràng để ban phép rửa tội nữa, thầy vẫn bị hạn chế, và phụ thuộc vào linh mục, vì thầy vẫn không thể làm phép muối và nước, vốn là cần thiết cho nghi thức.

Điều này sẽ khiến thầy, vì tất cả các mục đích thực tiễn, ở trong tình huống tương tự như một phó tế năm 1962 liên quan đến bí tích rửa tội.

Liên quan đến việc cho Rước lễ, Cha Daniel C. Gill chỉ ra rằng có một sự thay đổi được quy định bởi giáo luật (CIC 910, §1), vốn làm cho phó tế trở thành một thừa tác viên thông thường cho Rước lễ, hơn là một thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ. Bộ Giáo luật cũ năm 1917 (845, §2) nói rằng phó tế:

“là một thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, cần có phép của cha xứ hay Đấng bản quyền địa phương, và có một lý do chính đáng để cho Rước lễ. Với sự thay đổi từ thừa tác viên ngoại thường sang thừa tác viên thông thường cho Rước lễ, phó tế giờ đây sẽ không còn cần sự cho phép và một lý do chính đáng, để cho Rước lễ nữa. Về nghi thức thì không có sự thay đổi. Sách Nghi lễ Rôma năm 1952 cho phép phó tế cho Rước lễ sử dụng công thức y như linh mục (x. 1952 RR, Nghi thức cho Rước lễ ngoài Thánh lễ, số 10), và cũng có thể chúc lành cuối nghi thức (xem Cod. Comm., Resp. ngày 13-7-1930). Tương tự như vậy, nghi thức cho phép phó tế cử hành trao Của Ăn Đàng (xem 1952 RR, nghi thức cho người bệnh Rước lễ, số 29). Việc này bao gồm sự chúc lành trong nghi thức đã được làm sáng tỏ lần đầu tiên, bởi một câu trả lời năm 1858 của Thánh Bộ Nghi Lễ (xem S.R.C. 5270, Tonkini Occidentalis [14-8-1858]), và sau đó bởi Điều 1274 §2 của Bộ Giáo Luật năm 1917, https://dcgb7f.wordpress.com/2014/05/01/deacons-and-summorum-pontificum/”

Tình hình của một phó tế nghi thức phương Đông, liên quan đến bí tích Rửa tội, là tương tự như một phó tế của hình thức ngoại thường, mặc dù bị hạn chế hơn. Điều 677 §2 của Bộ Giáo luật của các Giáo Hội phương Đông nói rằng phó tế chỉ có thể rửa tội trong các trường hợp cần thiết. Quy định ở đây là hạn chế hơn, bởi vì các Giáo Hội phương Đông thường ban Bí tích Rửa Tội, Thêm sức và Thánh Thể cho trẻ sơ sinh trong một buổi lễ liên tục. Trong khi có thể rằng Giáo hội mở rộng số lượng chúc lành mà một phó tế có thể ban, nhưng không ban quyền cho phó tế làm thừa tác viên của phép Thêm Sức.

(Zenit.org 21-5-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/deacons-and-baptisms-in-extraordinary-form/