
“Chúng tôi vắt tay lên trán khi biết rằng những cái chết này có thể tránh được. Tại sao điều này không được ngăn chặn?” Hồng Y Ranjith nói với các phóng viên. “Chính phủ nên tổ chức một cuộc điều tra khách quan và tìm ra ai chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công này.”
Đức Hồng Y đã tới làng chài Negombo, nơi hàng ngàn người tham dự thánh lễ an táng do ngài chủ sự. Đức Hồng Y cho biết ít nhất 110 người - chứ không chỉ có 50 người như báo cáo ban đầu - đã thiệt mạng tại Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, phía bắc thủ đô Colombo.
“Các lực lượng an ninh chưa giải quyết được tình hình một cách rốt ráo, có thể có nhiều cuộc tấn công khác vào các cuộc tụ họp công cộng,” ngài nói với các phóng viên. “Tôi yêu cầu các linh mục đừng cử hành các nghi lễ nào tại nhà thờ cho đến khi tôi thông báo.”
Tư lệnh Cảnh sát Sri Lanka là tướng Pujuth Jayasundara đã đưa ra cảnh báo về khả năng khủng bố Hồi Giáo thực hiện các vụ đánh bom tự sát tại các nhà thờ lớn 10 ngày trước các vụ tấn công hôm Chúa Nhật Phục sinh. Nhưng lực lượng an ninh đã không có hành động ngăn chặn.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremeinghe tuyên bố ông và các quan chức chính phủ không được cho biết về lời cảnh báo này và nói rằng “chúng ta phải xem xét tại sao không thực hiện các biện pháp phòng ngừa đầy đủ”.

Hôm thứ Ba 23 tháng 4, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng hai nhóm Hồi giáo cực đoan là Jammiyathul Millathu Ibrahim và National Thowheeth Jama'ath trực tiếp tham gia các cuộc tấn công nhắm vào ba nhà thờ và ba khách sạn sang trọng trên khắp đất nước, và chính quyền tin rằng những kẻ đánh bom tự sát này đã được giúp đỡ từ bên ngoài.
Đến ngày 23 tháng 4, nhà chức trách cho biết họ đã bắt giữ 40 người liên quan đến các vụ đánh bom giết chết ít nhất 321 người và làm bị thương hơn 500 người.
Vụ tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh là bạo lực kinh hoàng nhất chưa từng thấy kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009.

Một lệnh giới nghiêm đã được áp đặt tại Sri Lanka từ 8 giờ tối 22 tháng 4 cho đến 4 giờ sáng ngày 23 tháng 4 theo giờ địa phương. Một ngày quốc tang được tuyên bố vào ngày 23 tháng Tư.
Source:Catholic Herald